2014/08/02

Người Pháp lưu giữ ảnh độc về 'Hùm thiêng Yên Thế'

Chân dungcha con Hoàng Hoa Thám, nghĩa quân Yên Thế tập luyện... là những hình ảnh độc đáo, quý hiếm nằm trong bộ sưu tập bưu ảnh Đông Dương của một doanh nhân người Pháp.
Doanh nhân người Pháp, Guy Lacombe đã sống và làm việc ở TP.Saigon hơn 14 năm. Ông say mê văn hóa Việt Nam và sưu tầm được nhiều cổ vật giá trị. Trong ba năm, ông miệt mài sưu tầm bưu ảnh Đông Dương bằng cách mua bán và trao đổi trên mạng và đã có khoảng 3.000 bức từ năm 1896 đến 1945 .
Bưu ảnh của Lacombe độc đáo và quý hiếm, phân loại theo từng chủ đề khác nhau. Một trong số đó là bộ bưu ảnh về 'Nghĩa quân Yên Thế của Hoàng Hoa Thám' cùng bộ bưu ảnh chính quyền thực dân - phong kiến xử tử những người yêu nước sau khi cuộc khởi nghĩa của Đề Thám thất bại. 
Bức bưu ảnh thủ lĩnh nghĩa quân Hoàng Hoa Thám cùng các cháu tại Yên Thế. Ông sinh năm 1846, mất 1913. Cuộc đời người anh hùng rừng núi gắn với các cuộc khởi nghĩa, trong đó ngót 30 năm ông lãnh đạo Khởi nghĩa Yên Thế (1884-1913) - cuộc đối đầu vũ trang giữa những người nông dân ly tán tại vùng Yên Thế Thượng và sau đó là Thái Nguyên.
Nhóm nghĩa quân người Mán dưới quyền thủ lĩnh Phạm Quế Thắng ở Vũ Nhai.
Nghĩa quân Yên Thế trong cuộc Khởi nghĩa Yên Thế.
Bức ảnh hiếm về hai người con nuôi của Hoàng Hoa Thám, Cả Rinh và Cả Huỳnh.
Đội trưởng nghĩa quân và những người lính luyện tập bắn súng. Trong gần 30 năm lãnh đạo, Đề Thám đã tổ chức đánh nhiều trận, tiêu biểu là Luộc Hạ, Cao Thượng (tháng 10/1890), thung lũng Hố Chuối (tháng 12/1890) và Đồng Hom (tháng 2/1892), trực tiếp đương đầu với các tướng lĩnh danh tiếng của quân đội Pháp.
Bưu ảnh hiếm chân dung Hoàng Hoa Thám, người được mệnh danh là "Hùm thiêng Yên Thế", nỗi khiếp đảm cho chính quyền thực dân, phong kiến. Đề Thám người tầm thước, vai rộng, ngực nở, tóc thường cắt ngắn hoặc cạo trọc, mắt một mí, dáng đi chậm, nói năng từ tốn, nhỏ nhẹ. Ông được mô tả là người có năng lực chiến đấu ít ai sánh kịp.
Trong nhiều năm, quân Pháp đã tập trung lực lượng để đàn áp cuộc khởi nghĩa Yên Thế và sử dụng nhiều thủ đoạn, từ phủ dụ đến bao vây tàn sát. Tuy nhiên, với tài lãnh đạo, Đề Thám nhiều lần buộc quân Pháp phải nhượng bộ. Ông gây dựng được lực lượng lớn mạnh trong giai đoạn hòa hoãn hơn 10 năm. Một trong những sự kiện chấn động là vụ "Hà thành đầu độc" ngày 27/6/1908 trong trại lính pháo thủ tại Hà Nội. Đây là vụ mưu sát và binh biến trong hàng ngũ bồi bếp và binh lính người Việt Nam phục vụ cho quân Pháp nhằm đầu độc quân Pháp để chiếm Hà Nội. Binh biến thất bại, 24 người tham gia bị Pháp xử tử, 70 người bị xử tù chung thân.
Trong giai đoạn lớn mạnh nhất, Hoàng Hoa Thám còn xúc tiến xây dựng căn cứ kháng chiến, bí mật liên hệ với lực lượng yêu nước ở bên ngoài. Nhiều sĩ phu như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh... đã gặp gỡ Hoàng Hoa Thám và bàn kế hoạch phối hợp hành động, mở rộng hoạt động xuống đồng bằng. Sang năm 1909, cuộc khởi nghĩa suy yếu sau khi thực dân Pháp tung 15.000 quân chính quy tổng tấn công vào căn cứ Yên Thế. Trong ảnh là Quan Hầu, nghĩa quân lớn tuổi nhất cùng con rể của Đề Thám, Cả Huỳnh ra hàng.
Bức ảnh mô tả cảnh xử chém những người theo nghĩa quân Yên Thế tại Quảng Yên (nay thuộc tỉnh Quảng Ninh) năm 1905. Khởi nghĩa Yên Thế chấm dứt vào năm 1913. Hoàng Hoa Thám được cho là mất cùng năm, song đến nay, nhiều giả thiết vẫn còn đặt ra quanh cái chết của ông. Phần mộ của ông cũng chưa được xác định.
Trần Ngọc Linh

2014/08/01


MẸ

Trầu xanh dẫu một xa xôi quá
Cau đứng nghiêng buồng nhớ dáng leo
Bình mẻ chìa xiên vôi hóa đá
Ngoài hiên vắng mẹ miếng trầu têm.

Trương văn Phú

2014/07/30



Tình như gió thổi mây tan
Buồn như chiếc lá thời gian phai màu
Theo vòng nhật nguyệt xoay mau
Tình bay, lá rụng hồn sầu mang mang!


Yên Dạ Thảo

2014/07/28


ĐỜI…

Đời sống, tình yêu như gió mây
Trăm năm giòng nước lúc vơi đầy
Bốn mùa ấm lạnh vòng xoáy cuộn
Thanh thản người ơi tỉnh cơn say.

Anh Tú
28.07.2014

TRÊN ĐƯỜNG CHẠY BỘ

Đôi sóc nép mình trong đám cây
Nụ cười cô gái má hây hây
Tựa như trao gởi lời thân ái
Sáng sớm nắng hồng chen gió mây!

Anh Tú
July 28, 2014

2014/07/27


RONG CHƠI CUỐI TRỜI …

Rồi ta cất bước lang thang
Như mây như gió nghênh ngang khắp trời
Thênh thang thong thả rong chơi
Sau lưng ném bỏ cõi đời trần ai!


Anh Tú
27/7/2014
RONG CHƠI CUỐI TRỜI QUÊN LÃNG
Nhạc: Hoàng Thi Thơ
Trình bày: Khánh Ly

THÔI VỀ ĐI*

Vui ở,buồn đi,Tình cứ đi
Sao không lưu luyến tuổi xuân thì
Khi nào phiêu bạt ,Tình mõi cánh
Tình cứ quay về, ta trách chi !

Phú Thạnh
26.7.2014

*Từ Ừ CỨ ĐI của Trương Mẩn

2014/07/26


ĐI CỨ ĐI !*

Ừ hử! Tình đi để nó đi
Xuân thì cho chí đến “đông thì”
Hãy nương theo gió len muôn nẽo
Tình tang bay khắp tợ chim di!

Anh Tú
Bridgeport, Connecticut
26/7/2014

*Từ Ừ CỨ ĐI của Trương Mẩn

Ừ CỨ ĐI

Tình bỏ tình đi – Ừ cứ đi
Đêm qua say khước lỡ xuân thì
Gió chuốc cành hoa mai thả cánh
Nắng xuân lạnh buốt vết chim di.

Trương Mẫn
BÔNG HỒNG CÀI ÁO

Sáng tác: Phạm Thế Mỹ
Trình bày: Thùy Trang

2014/07/25


MÙA THƯƠNG NHỚ

Đêm Vu Lan trầm ngân chuông buồn
Trăng mùa tháng bảy mờ trong sương
Mắt đầy bóng núi, lòng dâng biển
Tro khói nhang tàn, vương nhớ vương!


Phong Tâm
24.07.2014

GIỌT BUỒN THÁNG BẢY*

Tháng bảy mùa ngâu rót giọt buồn
Hiên đời vắng mẹ một đời vương
Chắt chiu kỷ niệm thời niên thiếu
Man mác mưa lòng quyện gió sương! 
 


Yên Dạ Thảo

2014/07/24


CHIỀU CUỐI NĂM

Cúi xuống
Lượm chiều cuối năm
Lượm tôi lăn lốc
Dưới gầm trời xưa
Như sương tròn giọt gió đưa
Nhểu rơi bất chợt
Bây giờ
Đã xa
 Khói chiều
Ảo diệu
Em Ta
Lượm đôi má lúm
Phủ tà áo trăng
Cuối năm lượm
Đời thăng trầm
Thấy sông nở nụ
Thì thầm
Cỏ thơm

Cúi xuống
Hoa sao vàng hơn
Lượm cây rơm nhuộm tiếng đờn liễu trai

Cúi xuống lượm
Màu chưa phai
Mai gió cuốn mất
Còn ai lượm mình.

Hồng Băng
Tràvinh, 31.12.2012

 *Đầu năm dương lịch 2013, tôi viết bài và đưa vào blog của minh bài thơ Chiều Cuối Năm. Sau dó đươc in trong một tuyển tập chung. Bài thơ được một email phản hồi, ở Bình Phước, của một người bạn già, mắc bệnh ung thư thời kỳ cuối. Anh viết/ Bạn già ơi, đọc chiều cuối năm của ông, tôi thấy nỗi gai ốc… Ở chỗ tôi, từ Lượm chỉ cho công việc cuối cùng mà giới đạo tỳ sử dụng../ ( Lược ý).. Tôi phải làm gì đây, nói gì đây, với người bạn già thân thiết này?! Và anh đã ra đi. Người bạn ấy là nhà thơ Nguyệt Lãng, tác giả bài Rau Đắng Đất, được nhạc sĩ Bắc Sơn phổ nhạc với tên Còn Thương Rau Đắng Mọc Sau Hè.
Giờ, ngồi đọc lại, phải chi mình dùng một từ khác, đỡ nỗi đau đời hơn. Lãng ơi! Vĩnh biệt.  Trà Vinh, đêm18/7/2014. Nhớ bạn

KHÔNG ĐỀ*
Kéo Ngân hà xuống
Mặt người
Vô vàn thiên thể
Nụ cười xé trăng
Kéo lê đường xẹt
Vĩnh hằng
Mười đầu ngón khuyết
Đỏ bằng hột sương
Ngồi nhìn
Ngọn liễu tơ buông
Thấy mình rượt đuổi
Theo khuôn mặt trời
Gõ ly
Tuyệt thẫm  vọng lời
Trầm ca vụt bổng
Xa rời vực nghiêng.

Phong Tâm
Cái Mơn, 20.7.2014

*Gởi Hồng Băng sau khi đọc CHIỀU CUỐI NĂM, tưởng nhớ Nguyệt Lãng mới đó mà đã xa!