2011/08/05

“NHÀ TRỌ"

Lê sẽ không còn đi học vất vả trên Con đường dài chín cây số mỗi ngày nữa mà chỉ một lần mỗi cuối tuần đi về nhà mà thôi vì cuối cùng người thân đã tìm được một nơi ở trọ cho Lê.
Thân-nhân của Lê không có người quen ngoài chợ và càng không có khả-năng tài-chính để mướn nhà. Được sự gợi ý của một người quen, thân-nhân của Lê tiếp-xúc với ông Năm, chủ một lò rèn tại một xóm lao-động nghèo ven sông Cửu.Cái lò rèn nằm ngay bờ sông, ọp ẹp, bụi bậm, dơ bẩn, trống trước trống sau, chỉ có một “phòng” nhỏ với vách lá cũ-kỹ để chứa dụng-cụ. Qua trao đổi biết hoàn-cảnh của Lê, ông Năm tốt bụng thương tình cho bạn tạm trú để đi học: một ghế bố đặt trong phòng dụng-cụ, đem củi gạo nồi niêu để tự nấu ăn, tắm rửa thì dùng nước sông, vệ-sinh thuở ấy có cầu tiêu công-cộng cũng ở ven sông, đêm về học-hành dùng đèn dầu lửa…
Từ “nhà trọ” đến trường chỉ cần đôi mươi phút một lượt đi/về, Lê cảm thấy hạnh-phúc vô cùng khi so-sánh với con đường chín cây số gian-nan đầy bất-trắc.
Bà con quanh lò rèn đột-nhiên có thêm người láng giềng thư-sinh mặt trắng lúc nào cũng “ở rút” trong “phòng” bởi tự ti mặc cảm, nỗi hổ-ngươi vì hoàn-cảnh hàn-vi cũa mình, nhưng Lê biết rằng, qua ánh mắt, họ thương hại mình nhưng không khinh khi. Chỉ thời-gian rất ngắn sau đó bà con đã tỏ ra thật thân-thiện, chuyện trò thăm hỏi và sẳn-sàng giúp-đở Lê những gì cần giúp. Sư đón tiếp nồng ấm của xóm nghèo đã cho bạn thật nhiều an-ủi, nhiều sức mạnh hơn nữa để quyết-tâm học-hành thành-công.
Có cần phải viết ra đây những bửa cơm hẩm qua ngày của Lê không? Gạo, củi, muối, nước mắm người đở đầu cho kèm thêm hai mươi đồng bạc thời đó mà một tờ tuần báo có tiểu-thuyết Châu Về Hiệp Phố (có hai nhân-vật chánh là Hoàng Ngọc Ẩn, Lệ Thuỷ) của tác-giả Phú Đức thời đó đã là ba đồng thì một cái hột vịt là thức ăn tiêu-chuẩn với cơm cho một ngày của Lê. Dù vậy người học-trò nghèo này vẫn cảm thấy thật may-mắn, hạnh-phúc, thầm nghĩ người cha vắng số đã phù-hộ để có những người tốt bụng hổ-trợ con đường học-vấn của mình.
Thời-gian sau, có Dì Hai trong xóm với căn nhà lá nhỏ , buôn bán cá tép dưới chợ tỉnh để độ nhật, gia-đình nghèo tiền bạc nhưng giàu lòng nhân-ái, kêu bạn đến ở với Dì. Dì nói:”Có gì ăn nấy với Dì, chớ cháu ở cái nhà trọ này mãi xem tội quá!” Dì cho Lê tình thương như con / cháu ruột thịt. Từ đó Lê càng cố-gắng học thật tốt hơn nữa và kết-quả kỳ thi bằng Trung-Học Đệ-Nhất-Cấp (cuối niên-học lớp Đệ tứ hay lớp chín) đã đạt được thứ hạng cao.
Đến đây, người thân đở đầu cũng có vẻ không muốn Lê học tiếp-tục nữa nhưng thời điểm này làm sao mà bạn bỏ cuộc được. Dầu sao thì tình-thế hiện-tại vẫn thuận-tiện cho Lê kiên-trì tiến bước lên hơn dạo trước.
Vẫn ở nhà Dì Hai cho hết niên-khóa lớp Đệ Tam (Lớp mười), Dì Hai quyết-định dọn nhà về quê nên bán căn nhà nhỏ cho gia-đình kế bên với điều-kiện là vẫn để cho Lê ở tiếp-tục cho đến khi tốt-nghiệp Tú-tài. Lê thường tâm-sự chuyện này với đôi mắt lưng tròng: “Sao mà có người tốt bụng giúp mình tận tình vô vị lợi như vậy!”
Quới-nhân xóm nghèo này thật nhiều! Không lâu sau đó Lê được Cô Dượng Năm chủ đất khu này, nơi mà Cô Dượng đã quãng-đại cho cả chục gia-đình từ trong các làng quê trốn chạy chiến-tranh thời Pháp thuộc cất nhà trú-ngụ, kêu Lê lên nhà Cô Dượng ở. Cô Dượng đã đối xử với bạn như người thân, các con của Cô dượng xem Lê như người anh cả trong nhà.
Sau này khi đã ra đời rồi Lê vẫn xem nơi đây là nhà, luôn nhớ về và viếng thăm khi có dịp. Mối thâm tình đó đã trở thành ruột thịt tự bao giờ và kéo dài cho đến ngày nay.
Sau hơn nửa thế-kỷ vật đổi sao đời, người xưa dần biến mất, cảnh cũ đổi thay, nhưng xóm nghèo này đã là nơi chốn thân thương của Lê kể từ ngày bạn bước chân vào cơ ngơi làm ăn của Ông Năm Lò Rèn hiền-lành tốt bụng mà mỗi lần nhớ đến thì người và cảnh vật vẫn còn nằm im trong góc tim của Lê vội-vàng trỗi dậy. 


Anh Tú
August 5, 2011