2011/11/11

 CHÚNG TÔI BA ĐỨA*

(Tựa cũ:Nguyễn Hồng Ẩn tìm bạn Ngô Thành Hoàng/Ngày đăng: 2011-11-18 09:53:24 tại tongphuochiep71.com)



Ngô Thành Hoàng, con trai lớn của Ông Ngô Thành Hộ Trưởng Ty Nông Vụ Vĩnh Long khoảng năm 1958, nhà ở kế bên Trường Nữ Tiểu Học, trên đường Hưng Đạo Vương.

Nguyễn Phú Thạnh tự Năm Ch..nhà ở ấp An Lương, xã An Đức, Quận Châu Thành, Tỉnh Vĩnh Long ̣(đơn vị hành chánh thời ấy), đã ...từng học ở Trường Tiểu Học Ngả Tư Long Hồ cùng tôi. Chúng tôi học lớp nhất (bây giờ là lớp năm) niên khoá 1953-1954.

Chúng tôi bộ ba chơi rất thân từ lớp Đệ Tứ ( lớp 9) trường Trung Học Nguyễn Thông niên học 1957-1958. Lúc đó trường vừa được dời xuống đường Gia Long mà sau này đổi tên là Tống Phước Hiệp. Thật ra Phú Thạnh và Hoàng là bạn với nhau trước đó. Chúng tôi thường tụ tập tại nhà của ba mẹ Hoàng; hai ông bà rất dễ thương cũng như người chị cả của Hoàng là Ngô Thị Nguyệt Hồng, em trai kế Ngô Thành Hiền và một số em út khác như Ngô Thị Nguyệt Hà, Ngô Thị Nguyệt Huỳnh và em út bé Guy.

Thời bấy giờ, từ Đệ Thất (lớp sáu) đến Đệ Tứ là chương trình Trung Học Đệ Nhất Cấp; từ lớp Đệ Tam (lớp 10) đến lớp Đệ Nhất (lớp 12) là chương trình Trung Học Đệ Nhị Cấp. Để hoàn tất chương trình Trung Học, học sinh phải thi đổ bằng Trung học Đệ Nhất Cấp ngay sau lớp Đệ Tứ, Tú Tài 1 ngay sau lớp Đệ Nhị (lớp 11) và Tú Tài 2 ngay sau lớp Đệ Nhất (lớp 12).


Có vài kỹ niệm khi chúng tôi dự thí các bằng này ở Cần Thơ.

-Lần đầu tiên “liều chỏng đi thi” thật hồi hộp và bối rối nhất là đến nơi xa lạ, không có bà con quen biết hướng dẫn. Ba của Hoàng đưa chúng tôi đến trọ tại một khách sạn ở bến Ninh Kiều. Là lần đầu ở khách sạn, ngơ ngác như “chú Mán về thành” nên có những chuyện buồn cười xảy ra. Đêm khuya, đang ôn bài vở, bụng đói meo mà làm biếng ra ngoài (hay nhát gan), bổng nghe tiếng “leng keng” rao hàng, ngỡ rằng có người bán hàng rong nên kêu lại. “Các chú muốn đấm bóp hả ?”. Hoảng hồn chúng tôi đóng sầm cửa lại, tắt đèn, im thin thít, chờ “ông đấm bóp” lầm bầm mắng (tưởng chúng tôi phá phách chớ đâu ngờ chúng tôi là ... ngố) đi xa mới dám mở đèn trở lại.

-Thầy dạy Toán cho chúng tôi là Giáo sư Nguyễn Văn Kỷ Cương (con của Giáo sư Nguyễn Văn Kỷ Mậu. Sau 1975, thầy Cương định cư tại Toronto, Ontario, Canada và mãn phần vào ngày 05 tháng ̣̣9, 2011).Tôi nhớ ngoài những lời dặn dò thông thường cần thiết cho một thí sinh, thầy còn cho chúng tôi một “bí kiếp”: mang theo kẹo để ngậm khi làm bài, chất ngọt của kẹo sẽ cung cấp ca-lô-ri cho cơ thể từ đó chúng ta sẽ làm bài thi tốt hơn. Nghe lời thầy tôi bỏ kẹo trong túi quần và quên mất. Sau đó cảm thấy nhớp nhúa nơi đùi thì nhớ lại mấy viên kẹo giờ đây chúng đã chảy thành nước đường.

Năm đó kết quả đậu Trung Học Đệ Nhất Cấp của trường Nguyễn Thông rất cao, là lần đầu tiên nữa nên tiếng vang xa khắp nước. Thầy Hiệu Trưởng cho tổ chức tiệc mừng ngoài trời tại sân trường, nếu tôi nhớ không lầm.

-Lần đi Tú Tài 1, chúng tôi đã dạn dĩ hơn. Nhớ lại trong lần thi vấn đáp của môn Sử Địa, chúng tôi đã nghịch ngợm mà sau này nghĩ lại thật là “tàn ác và vô ý thức”, tội nghiệp cho nạn nhân vô cùng.(Tú Tài 1 hoặc Tú tài 2 phải thi hai lần: đậu kỳ thi viết xong mới phải thi tiếp kỳ thi vấn đáp). Chuyện là: khi chờ tới phiên của mình, nghe giám khảo hỏi một thí sinh “ Sông Cửu Long chảy ra biển nào?” .Câu hỏi rất dễ thế mà thí sinh này “ngồi lúc lắc”. Một đứa trong chúng tôi thấy vậy nên tức, buộc miệng nói nhỏ “vừa đủ nghe” (!):  “ Thì chảy ra Đại Tây Dương chớ ra đâu!” .Vô phúc thí sinh ấy nghe được bèn dùng để trả lời cho giám khảo...


Sau này chúng tôi mỗi đứa mỗi ngả ...thỉnh thoảng gặp nhau. Tôi thường gặp Thạnh nhiều hơn Hoàng. 

Lúc Thạnh học ở Kỷ Thuật Phú Thọ tôi đã tham gia vài lần picnic do Thạnh tổ chức (em của Hoàng là Ngô Thành Hiền có lần tham dự, lúc đó Hiền học y khoa chung nhà trọ với Lê Bửu Trân ở đại lộ Trần Hưng Đạo. Và hình như trong những buổi vui chơi ngoài trời này có một “pinic-viên” đã tình nguyện đi bên cạnh cuộc đời của Phú Thạnh cho đến hôm nay.

Vừa trước 1975, tôi có đến thăm Hoàng tại nhà của anh ở đường Hai Bà Trưng vùng Tân Định và mất dấu nhau từ đó.

Sau 1975, khi cuộc sống đã được ổn định “lần thứ hai”, Phú Thạnh và tôi đã cố gắng tìm Ngô Thành Hoàng, một người bạn thật tốt, thật hiền của chúng tôi nhưng vô vọng.

Tôi cũng ̣đã nhắn tin tìm chị Ngô Thị Nguyệt Hồng, bác sĩ Ngô Thành Hiền nhưng cũng chẳng có kết quả.

Hôm nay cuối thu trong tiết trời lạnh lùng của đông, ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, thương mình nhớ bạn, viết lại vài hồi ức mập mờ còn sót lại trong tôi, gởi cho Phú Thạnh và cho một sự cầu may : mong có điều nhiệm mầu xảy ra để chúng tôi không tuyệt vọng ; đó là tin tức về bạn NGÔ THÀNH HOÀNG.



Nguyễn Hồng Ẩn <Anh Tú>

11-11-2011
*Bài này được viết trước khi Nguyễn Phú Thạnh qua đời <2017>

Không có nhận xét nào: