2012/10/01

*HỢP TAN*

*Câu chuyện và tên nhân-vật nếu có trùng-hợp là ngẫu-nhiên ngoài ý muốn của người viết.

Gặp Gỡ.

Căn nhà nhỏ của chị Hải kế bên bến nước của một xóm nghèo, với vài chục gia-đình tản-cư từ quê lên, ở ven tỉnh-lỵ bên giòng Cửu-Long. Hầu như ngày nào bà con trong xóm đều gặp chị Hải không sáng thì chiều vì phải xuống bến sông gánh nước, tắm giặt….hoặc mang củi, cây trái ….mua từ những xuồng ghe đem lên nhà. 


Thọ, trọ học ở đây, cũng không ngoại-lệ, cứ chiều xuống là mang xà-bông, khăn, áo …đi tắm. Mỗi lần như vậy nếu gặp nhau là họ trao đổi nụ cười và câu nói Thọ thường nhận từ chị Hải là: “ Cậu đi tắm …hả?” Một câu nói thừa-thải nhưng bữa nào mà chị không nói thì chàng lại phân-vân: “ Bộ chị ấy giận mình sao …cà !”.
Chị là thợ may, hằng ngày khách khứa vô ra để đặt may hoặc lấy quần áo được làm xong. Khách-hàng thường là phụ-nữ, già có trẻ có, Thọ cũng chẳng quan-tâm cho lắm.
Hè năm ấy Thọ không về nhà vì phải theo học thêm khoá hè để chuẩn-bị cho niên-khoá tới được tốt hơn.
Như thường-lệ Thọ cùng vài bạn sau khi đá banh xuống bến sông bơi lội, đùa giởn với sóng nước cho buổi tắm mỗi chiều. Hôm nay, họ tắm lâu hơn mọi hôm, đùa giởn ồn ào hơn, trỗ tài bơi lội náo-nhiệt hơn vì lẽ phiá sau nhà chị Hải hướng ra sông thỉnh-thoảng thấp-thoáng hai bóng hồng lạ tha-thướt ra vào…
Chiều xuống thấp, đêm về!
Buổi tối Thọ thường đọc sách, làm toán, học bài…Hôm nay, không hiểu sao lòng bồn-chồn không học-hành được mà một thắc-mắc trổi dậy trong lòng…Thọ đi lên đi xuống bến sông, mắt liếc vào nhà chị Hải, một hành-động bất-thường. Đến đêm thì thao-thức, vật lộn với những câu hỏi lởn-vởn trong đầu: “ Họ là ai nhỉ?”, họ là hai cô gái lạ xuất-hiện hôm qua ở nhà chị Hải. Như có gì thôi-thúc trong lòng, chàng tự bảo mình phải tìm cho ra tông-tích.
Vốn là học-sinh nghèo từ quê lên tỉnh nên Thọ chăm-chỉ học-hành cho tốt để vừa lòng gia-đình, xứng-đáng với những lời khen tặng “học-trò khó siêng-năng” của bà con thân thương của xóm nghèo này ban tặng. Dù đến tuổi mơ mộng tình-ái thường tình của thanh-niên lớn lên, Thọ luôn tự nghĩ rằng mình sẽ chẳng có cô nào chiếu-cố vì ăn mặc đơn-sơ với quần áo cũ mèm, ngày lễ nam-sinh mặc lễ phục quần tây/áo sơ-mi trắng còn nhóm học-sinh nghèo như Thọ thì vận bộ bà ba trắng đứng riêng một góc sân trường, vì tự-ti mặc-cảm nên không ăn nói chửng-chạc, văn-vẻ như bạn bè mà trái lại ngâp ngừng, nhút-nhát, e-thẹn…Thế mà bây giờ Thọ nhất thời thay đổi thái-độ, bạo-dạn lân-la đến nhà chị Hải hôm sau để làm quen hai cô em họ của chị từ Sài-Gòn về đây nghỉ hè.
Là thị-dân, sinh ra và lớn lên ở Sài-Gòn, đã hun-đúc cho hai cô lối sống dạn-dĩ, cởi-mở, hoạt-bác, vui-vẻ …Đặc-biệt họ rất thân-tình, không khách-sáo, kệch-cỡm. Những ưu-điểm ấy đã thúc đẩy Thọ thích được kết thân với họ. Thọ có linh-tính hình như chị Hải đã nhúng tay vào sắp xếp chuyện này cho những người trẻ tuổi này có dịp gặp-gỡ để kết thân nhau vì vào lúc gỏ cửa nhà chị để làm quen, Thọ thấy họ chụm lại nói nhỏ với nhau và cười khúc-khích ngó về phía chàng. Nhận-xét ấy không sai bởi sau này khi đã thân quen, chị thú-thật vì mến Thọ nghèo mà hiền-hậu, chăm-chỉ, học-hành giỏi, đứng-đắn nên muốn giới-thiệu với mấy cô em họ, biết đâu…có mối duyên lành?!

***

Những ngày hè trôi qua nhanh. Những kỷ-niệm nho nhỏ nhen nhúm khởi đầu cho tình bạn được hình thành trong lòng mỗi người; người ở lại xóm nhỏ nghèo-nàn và những người trở về thủ-đô phồn-hoa nhộn-nhịp với hẹn ước sẽ gặp lại nhau trong mùa tựu trường.
Thọ thầm so-sánh hai chị em Ngọc và Huyền, hai cô em họ của chị Hải. Cả hai sắc vóc bình-thường nhưng có những nét ngầm thanh-lịch. Cô chị Ngọc tánh tình điềm-đạm, mĩm cười nhiều hơn nói. Cô em Huyền thì liếng-thoáng, líu-lo như chim sơn ca, hoạt-bát, cười nói liền miệng dễ gây chú-ý và cảm-tình với những người tiếp chuyện và chính điều này tình-cảm của Thọ đã nghiêng về Huyền; nàng đang học tại một trong hai trường nữ công-lập nỗi tiếng miền Nam trước 1975 tại thủ-đô Sài-Gòn.
Không hẳn “thảm thương” như hai câu thơ : 

Người đi một nửa hồn tôi mất
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ
(Hàn Mặc Tử)

Nhưng gần gần như vậy, Thọ ngơ ngơ ngẩn ngẩn suốt ngày không làm gì được. Chàng mong mau đến ngày tựu trường để có dịp đến thăm hai cô bạn mới. Những buổi chiều đi tắm chàng vẫn thường liếc mắt nhìn lên nhà chị Hải dù biết rằng họ không còn ở đó. Đôi lúc trò chuyện với chị Hải, chàng tìm cách nói khéo để dò hỏi xem cảm nghĩ của Ngọc và Huyền đối với mình ra sao. Hình như nhìn thấu “tim đen” của chàng nên chị trả lời ởm ờ “Tôi cũng không được rõ nhưng….”, chị dừng lại mĩm cười để chàng chờ đợi đôi giây rồi nheo mắt: “ chắc…họ có thể cũng như cậu vậy”. Nghe thế lòng chàng phấn-khởi lên và càng háo-hức tưởng-tượng những tình-tiết lãng-mạn có thể xãy ra trong lần gặp lại sắp đến. 

Người đâu gặp gỡ làm chi
Trăm năm biết có duyên gì hay không?
(Nguyễn Du)

Tối hôm nay trăng rằm rực-rỡ trên bầu trời không mây, gió thổi nhè nhẹ mang hơi nước từ giòng sông Cửu mơn-man mặt chàng, ngồi bên này bờ sông nhìn sang bên kia bờ hướng Bắc cũng là hướng của kinh-đô ánh sáng – thành-phố của người con gái vừa gặp-gỡ mà đã cho chàng thật nhiều mơ ước, chàng tự hỏi : “Giờ này em đang làm gì và có nghĩ đến anh như anh đang nhớ em không.

Tìm Thăm 

Mùa tựu trường đến là nỗi mừng vui không cùng của Thọ. Chàng khăn gói trở lại Sài Gòn. Sắp xếp mọi việc sẳn-sàng cho việc học xong , chàng vội-vã trong nôn nóng tìm đến địa-chỉ nhà Ngọc và Huyền. Vốn nghèo nên mọi di-chuyển chàng thường dùng xe đạp, vừa tiết-kiệm, vừa thể-dục lại dễ tìm kiếm địa-chỉ lần đầu. Cũng không khó-khăn lắm cuối cùng chàng đã đến trước cửa nhà hai chị em. 


Trong ngỏ hẻm của một khu trung-lưu, qua vài lần đổi hướng, một căn nhà đơn-sơ với gác lửng, không sân sau, một khoảng sân trước nho nhỏ có hàng rào cây đủ để …ngăn người lương-thiện, chừng tỏ chủ-nhân của căn nhà thuộc giới trung lưu.
Ba của Ngọc và Huyền là công-chức làm việc ở trung-tâm Sài-Gòn, sáng vác ô đi chiều vác về trên một chiếc xe gắn máy cở nhỏ hiệu Mobylette. Với dáng người nhỏ-nhắn, lịch-sự vừa đủ nên ông có vẻ hơi nghiêm-khắc. Lần đầu chào kẻ lạ như chàng, nhất là đưọc giới-thiệu là người bạn mới của con gái của mình, ông bắt tay lỏng lẻo, cười nửa miệng nói lời xã-giao: “Ở nhà chơi nhe, tôi phải đi làm!”. Dù thế chàng cảm thấy quá đủ, tự tin thầm nghĩ “ông già này” cũng dễ thương và chắc đã có chút cảm-tình với mình.
Mẹ của hai chị em chỉ là phụ-nữ nội-trợ chăm lo cho gia-đình, vui khi có bạn bè của con đến chơi nhất là bạn của con gái vừa mới lớn trong nhà. Bà khoảng trên năm mươi, dáng người trung-bình, trắng-trẻo, vui-vẻ luôn có nụ cười trên môi; lúc còn trẻ chắc bà là một phụ-nữ đẹp. Bà kêu con gái làm nưóc đá chanh đãi khách. Ngày nắng Sài-Gòn, còng lưng đạp xe vài cây số mà được mời một ly nước “chua lạnh ngọt” như thế thì còn gì bằng, nhất là được người bạn gái mới quen mình ái-mộ mời.
Ngọc và Huyền còn hai em trai và hai em gái; chúng tò mò nhìn người bạn mới của hai chị với mắt cười chào mừng. Một tín-hiệu tốt cho Thọ.
Đây là lần đầu trong đời chàng đánh liều làm điều mà trước kia chàng không bao giờ dám nghĩ tới. Có lẽ đã đến lúc tình-yêu cuả trai gái lớn lên đã chín mùi trong chàng đã khiến chàng can-đảm như thế. Không tránh khỏi sự bỡ-ngỡ phài có của người con trai với mặc-cảm nghèo khó vô-tình đã tạo sự nhút-nhát, ngượng-ngùng bấy lâu thành thói quen; do đó Thọ thiếu kinh-nghiệm trong giao-tiếp với người khác phái. Trong trường-hợp này… mặt yếu lại trở thành mặt mạnh, Ngọc và Huyền tin-tưởng chàng là người tốt.
Giống như một ngẫu-nhiên nhưng được hình thành từ những sự kiện khách-quan lẫn chủ quan là Ngọc vô-hình-chung xem mình là vai chị đối với chàng thể-hiện qua vài cử-chỉ và lời nói. Điều ấy chàng và Huyền vui mừng chấp- nhận và thầm cám-ơn sự tế-nhị của Ngọc.
Sau những phút giây bỡ-ngỡ ban đầu, những câu nói vụng-về lẫn bâng-quơ dần dần dẫn đến rộn-rã vui cười của tuổi trẻ vốn dễ nhanh chóng hình-thành. Thọ thầm nghĩ nửa giờ viếng thăm lần đầu tiến-triển tốt đẹp như vậy chắc vừa đủ nên viện cớ về để lo cho việc nhập học, chàng chào tạm biệt mọi người và xin phép có dịp sẽ thường đến thăm. Được lời mời chàng trở lại bất-cứ lúc nào là đóa hoa đẹp nở rộ trong lòng chàng hôm ấy. 



Hạnh Phúc 

Các chị em của Huyền và Ngọc đã trở lại trường hai tuần rồi cũng như Thọ. Trường của Huyền và nhà trọ của Thọ tình-cờ nằm cùng trên một con đường, đầu đường thuộc quận Một và cuối đường ở quận Ba. “Em đầu sông, anh cuối sông”! Xưa chàng có bao giờ để ý đến sự liên-hệ này đâu, nay lại thường nghĩ về và thấy thương làm sao những vật vô-tri này, chúng như có phép mầu làm cho tâm-hồn chàng lâng lâng hạnh-phúc.
Ngày xưa muốn nói gì với ai thì chờ hoặc tạo ra dịp mặt đối mặt chớ đâu may mắn như bây giờ có đủ cách liên-lạc bất cứ lúc nào. Chàng muốn ngay bây giờ đạp xe đến thăm Huyền cho thoả sự chờ mong nhưng vì ngại mới có thời-gian ngắn mà đã vội-vàng người ta cười cho. Chàng tự nhủ lòng hãy ráng đợi thêm một tuần nữa vậy. Khi chiều xuống, lúc rảnh rang Thọ đạp xe từ cuối đường đến đầu đường, đi ngang ngôi trường kín cổng cao tường nhìn vào tưởng như thấy nàng trong ấy cho đở nhớ.
Như dự-định, trong một buổi viếng thăm, chàng đã mạnh dạn ngõ lời mời Ngọc, Huyền và các em vào thứ bảy tới cùng nhau đi dạo chợ Sài Gòn và nhân tiện chàng sẽ đãi một chầu kem để mừng …sự hình thành một tình bạn mới. Mở lời thật khó-khăn vì đây là lần đầu tiên trong đời…May mắn là đối tượng vui-vẻ nhận lời và chàng rất vui-vẻ…huýt sáo trên đường về nhà trọ.
Kể từ ngày thứ bảy ấy, những vĩa hè của đường Tự-Do, Lê Lợi, Lê Thánh Tôn, Hồ Con Rùa….đã đón nhận thêm những bước chân của những người trẻ tuổi ở tuổi mộng mơ bát phố hầu như mỗi cuối tuần; Thảo Cầm Viên, bến Bạch-Đằng,… là nơi của những buổi pinic vui chơi quên cả giờ về.
Theo thời-gian tình bạn thân-mật hơn cho nên những buổi xem xi-nê được hình thành một cách tự-nhiên. Những rạp chiếu phim như Eden, Rex, Hưng Đạo, Casino…lần lượt đón chào nhóm bạn hữu nửa tá thành-viên đến viếng. Không ai bảo ai như vô tình nhưng thật ra là cố ý chấp nhận cho mối liên hệ thân mật giữa Thọ và Huyền từ từ hình thành cho nên vào rạp thì hai người luôn được sắp xếp ngồi bên nhau.
Đến một lúc nào đó mọi người trong gia-đình Huyền cũng như bè bạn của họ đã phải khen Thọ và Huyền là một cặp xứng lứa vừa đôi. Dù vậy nhưng họ luôn gìn giữ gìn tình-yêu thật trong sáng chỉ với những cái nhìn âu-yếm, những lần nắm tay nhau dạo phố, quá lắm là những nụ hôn phớt má bất chợt của Thọ tặng Huyền mà thôi.
Rồi có những buổi tối trễ tràng sau những giờ học bài mỏi mệt, chợt nhớ em da diết. Cầm lòng không được, Thọ đã đạp xe cọc cạch dưới ánh đèn đêm vượt đường xa đếm thăm Huyền dù biết rằng khi đến nơi có thể người yêu đã vào giấc ngủ. Như thể có “thần-giao cách-cảm” cho nên khi đến nơi, đứng ngoài hàng rào thì chàng đã thấy Huyền trên balcon như chờ đợi. Những bàn tay gởi nụ hôn gió trao nhau cũng đủ thoả lòng của hai kẻ đang yêu tha-thiết. Đã khuya và cũng đã đạt được ý mình mong muốn là chỉ cần như vậy là thỏa dạ Thọ huýt sáo đạp xe trở về.
Cũng có những tuần miệt mài học ôn bài vở để thi lục-cá-nguyệt nên họ phải gát lại những buổi đi dạo phố thường lệ. Dù thiếu vắng những liếc mắt thiết-tha, những nụ cười rộn rã, những bước chân chim của người yêu bên cạnh, Thọ cũng đành chịu. Huyền chắc chắn cũng cùng tâm-trạng nhưng vì là nữ giới, kềm lòng chẳng được nên một chiều thứ bảy nọ chị em của Huyền đã đến nhà trọ của Thọ để viếng thăm. Thôi thì tạm gát lại bài vở đôi giờ để cùng nhau ra phố.
Biết bao kỷ-niệm sâu đậm của mối tình đầu tiên Thọ đã trân-trọng ghi khắc vào lòng. Chàng tự nhủ lòng phải cố-gắng học-hành để đổ đạt ra trường có một nghề bảo-đảm cho tương-lai thì khi đó Huyền sẽ là người cùng chàng đi suốt đường đời. Chàng luôn luôn cố giử mối tình thật trong sạch để tôn-vinh tình-yêu lứa đôi; đó cũng là, theo quan-niệm của Thọ, sự tương kính của lứa đôi làm nền tảng cho tình-yêu lâu dài.
Những lần được dịp đi chơi riêng lẻ, những buổi che dù đi dưới mưa…hai đứa đã từng thỏ thẻ tâm-sự như vậy và siết chặt tay nhau như lời thề thủy-chung. 


Duyên Phận

Nhớ vào những ngày lễ dài hạn Thọ thường ở chơi với gia-đình Huyền suốt ngày như người thân trong nhà. Thậm chí có những lúc Thọ ở lại nhà của Huyền qua đêm. Kể từ khi quen nhau đến sau này hai người luôn luôn giữ một khoảng cách cần-thiết để bảo-đảm tình-yêu của họ thật trong sạch cho nên dù đôi khi Thọ ở chơi qua đêm, hai đứa không bao giờ bị gia-đình phàn-nàn bất cứ chuyện gì mờ ám nào cả. Thọ quan-niệm phải giữ-gìn sự quan-hệ của hai đứa trong vòng lễ giáo cho đến ngày thành-hôn.  


Thọ dành thời-gian rảnh rỗi của thời-khoá-biểu sinh-hoạt trong tuần để hẹn gặp với nhau ở một điểm nhất-định, gặp dù chỉ nhìn nhau nói đôi lời hoặc khi thuận-tiện cùng ngồi với nhau bên ly kem cũng đã thấy tình-yêu lên ngôi. Mọi chuyện ở đời đều thay đổi theo thời-gian: hướng phải hay trái, tích-cực hoặc tiêu-cực. Chuyện tình-yêu của Thọ và Huyền cũng không ngoại lệ. 
Chợt có những thất hẹn. Lời giải-thích: Sau giờ học em bận phải học thêm khóa học ở một nhà máy dệt nào đó bên Khánh-Hội thuộc quận Tư. Những tìm hiểu cho biết: Hình như một điều gì đó không ổn cho tình-yêu của hai người xuất-hiện. Một kỷ-sư Hoá-học ở nhà máy Khánh-Hội muốn giúp Huyền một nghề! Có lúc nàng lánh mặt…
Đã không vào yêu thì thôi chớ khi vướng phải thì sự chao đảo dù nho nhỏ của cuộc tình cũng làm buồn bã ít nhiều. May sao chuyện học nghề rồi cũng chẳng đến đâu vì một lý-do nào đó mà Thọ cũng không cần tìm hiểu chỉ biết cảm-ơn hoàn-cảnh đã trả người yêu của mình trở về vị-trí cũ.
Những buổi dạo phố cuối tuần tiếp-tục cách bình thường đã cho nhau lại những phút giây lãng-mạn, hạnh-phúc.
Để ghi dấu những kỷ-niệm lang thang trên từng góc phố Sài-Gòn, Thọ muốn có một vài tấm ảnh thì luôn luôn bị Huyền khéo léo thối thoát. Một thoáng suy-nghĩ về thái-độ này của người yêu nhưng chàng nhanh chóng biện-hộ cho nàng vì …nàng sống trong sự giáo-dục đạo-đức xưa cũ giữ-gìn này nọ nhưng sau này thì Thọ hiểu rõ đó là cách tính toán lo xa của Huyền.
Bão lụt miền Trung trầm-trọng xảy ra cho bao gia-đình lâm cảnh màn trời chiếu đất cần sự hỗ-trợ của mọi người trong nước. Sài-Gòn, cũng góp phần “Lá lành đùm lá rách”. Chiến-dịch quyên góp quy-mô được hình thành để đi lạc-quyên khắp thành-phố. Lực-lượng học-sinh sinh-viên được huy-động một cách chính-quy. Những tổ học-sinh do một sinh-viên hướng-dẫn được thành-lập để lao vào chiến-dịch. Thọ và Huyền cũng lăn xả vào công-tác với tất cả tình-yêu đồng-bào bừng cháy trong tim.
Sau chuyến công-tác này Huyền bắt đầu thân quen với anh chỉ huy của tổ lạc-quyên, là một sinh-viên y-khoa sắp ra trường. Một bàn cân được thiết-lập trong gia-đình của Huyền và họ đã đánh giá là tương-lai của anh sinh-viên này sẽ sáng sủa hơn của Thọ; kẻ mà chỉ là một giáo-sư trung-học tầm-thường. Và sự kết-luận đó đã là kim chỉ nam của một kế-hoạch giã-từ. Những nhạt-nhoà bắt đầu xuất-hiện vào những ngày Thọ đến thăm người yêu. Cánh cổng vào nhà trước kia em út của Huyền tranh nhau mở mỗi khi chàng đến… bây giờ hai đứa ngó nhau chờ lệnh, cửa vẫn im lìm để Thọ đứng đợi khá lâu. Thậm-chí đôi khi chàng cảm thấy lố-bịch, tủi lòng lẫn chút xấu-hổ đến độ muốn bỏ đi nhưng vì thương Huyền nên cố-gắng kiên-nhẫn đợi.
Lần đầu quen Huyền tại một tỉnh lẻ vào mùa hè năm chàng đậu Tú-Tài 2 và niên-khóa kế là chàng vào Đại-Học tại Sài-Gòn. Bốn năm trôi qua chàng ra trường, rời thành-phố đến một nhiệm-sở xa xôi. Một năm vì nghề-nghiệp phải cách trở người yêu. Chàng đang rơi vào trạng-thái bất an lo-lắng cho mối tình đầu hình như đã mỏng-manh.
Có lần để xác-định rõ thái-độ của Huyền, chàng hỏi:
-Em nghĩ sao nếu anh đưa mẹ đến xin cưới em?
Huyền lơ đảng trả lời:
-Tùy ba mẹ em quyết-định….hay là anh xin cưới chị của em đi!
Những chữ cuối cùng là chén nước lạnh tạt mạnh vào mặt Thọ. Huyền đã đánh-giá chàng quá thấp, thiếu sự tương-kính. Sự kiên-trì mong cứu vãn tình-yêu của Thọ đã đến một giới-hạn mà tự-ái của người con trai có thể chịu đựng. Thọ tự nhủ: trên bầu trời xanh bao la còn có biết bao nhiêu vì sao lấp lánh cớ gì phải nhập nhàng với một kẻ quay lưng. Buồn-bã một chút phải có vì chàng cũng là con người bình-thường nhưng nghĩ ra rằng đó là một may-mắn cho chàng khi đáp số được giải tìm sớm.
Chàng biết mình phải làm sao rồi! Sự cay đắng bất chợt khiến chàng bất động. Cuối cùng chàng nhìn thẳng vào mắt Huyền không nháy mắt như soi rọi quả tim của Huyền xem coi cấu-tạo bởi chất-liệu gì mà tàn-nhẫn với chàng đến vậy. Một phút trôi qua trong sự im lặng của hai người, chàng nhẹ-nhàng:
-Thôi anh về đây!
Thọ tự mình mở cổng, lắc nhè nhẹ cánh cổng tựa nói lời từ-giả với nó rồi từ từ đóng lại. Tình-yêu này rồi sẽ phải khép lại như thế sao?
Thọ không đến nhà của Huyền khá lâu cho đến một hôm…Hôm ấy khi chàng đứng trước cổng thì ngay tức thì Huyền ríu rít chào mừng, tự tay chạy ra mở cửa cho chàng, thân-mật mời ngồi rồi chạy đi làm ly nước đá chanh giải khát, ly nước ngọt-ngào nhắc chàng nhớ lại lần đầu tiên đến đây cũng chính tay Huyền làm và mời. Trước sự việc như vậy lòng chàng nhất thời xúc-động thầm nghĩ: “ Ồ! Bộ em …suy nghĩ lại rồi sao?” nhưng tức khắc chàng đã hiểu ngay tại sao Huyền có thái-độ nồng ấm này. Giải đáp có tức thời khi mà không lâu sau đó Huyền ngõ lời nhờ chàng xem điểm thi Tú-tài 2 của Huyền ra sao?
Lúc bấy giờ Thọ đang làm giám-khảo kỳ thi Tú-tài 2 năm ấy, năm Huyền dự thi. Có lẽ chàng cảm thấy thoải-mái hơn nếu Huyền biết kiên-nhẫn chờ đến khi chàng tự báo tin. Chàng bình-thản và có phần lạnh nhạt:
-Hôm nay anh đến đây cũng vì chuyện này. Em đã đậu rồi. Chúc mừng em!
Nàng mừng-rỡ và cám-ơn chàng.
Thôi thì thông-cảm cho Huyền! Nghĩ cần làm cho hết vai-trò cho phải phép, chàng ngồi nán lại tiếp tục chuyện trò .
Trong câu chuyện, Thọ hiểu thêm rằng bà nội của Huyền có lúc bị bệnh, nằm nhà thương và được sinh-viên y-khoa mà Huyền quen biết dạo trước săn-sóc giúp-đở tận-tình. Gia-đình và kể cả Huyền vô-cùng biết ơn.Anh ấy cũng đã thường đến đây chơi như chàng dạo trước.
Đã rõ lắm rồi ! Tuy-nhiên Thọ, dù sao cũng xem như là bạn thân của nhau, bèn ngõ lời mời Huyền và các chị em đi chợ Sài-Gòn dạo phố và…nhân đó đãi kem mừng Huyền thi đậu. Sau một lúc như đắn-đo suy-nghĩ, Huyền từ-chối nói rằng vì…dạo này ba mẹ khó-khăn nên không thể nhận lời. Thọ đành xuôi theo dòng:
- Đi không được cũng chẳng sao cả….Cám-ơn em.
Chàng lơ-đảng hướng mắt ra khung cửa sổ nhìn bầu trời mùa hè xanh thăm thẳm, không một áng mây mà sao trong đầu chàng hình như có chút mây xám đang lững-lờ trôi. Dầu không ai nói ra lời chia tay nhưng những diễn-tiến đã xãy ra giữa hai người mặc-nhiên phải hiểu rằng bây giờ chỉ còn là tình bạn, lại là một tình bạn nhạt nhòa. Dù đã thế nhưng Huyền nỡ lòng nào đối xử nghiệt-ngã với chàng như vậy? Đành thôi!


Thọ cố-gắng ngồi lại đôi mươi phút nữa, cố tiếp-tục trò chuyện, giử nét mặt bình-thản dù thật ra trong lòng nổi sóng. 
Nhưng kịp trước khi Thọ ngõ lời ra về thì Huyền lại nhận lời; có lẽ nàng suy-nghĩ lại dù sao cũng cần tỏ vẻ biết điều một chút: cám-ơn chàng đã giúp đở xem điểm thì mới phải phép.
Đã trễ rồi! Bị hụt-hẫng từ đầu và do đó tự-nhiên thấy thờ-ơ trong chuyện hẹn-hò này, chàng nhỏ nhẹ trả lời bằng hai chữ cám-ơn gọn nhẹ không xác-nhận sẽ chấp-nhận buổi hẹn hay không.
Chàng đã đọc đâu đó những dòng thơ:

Em lạnh nhạt lúc chân anh quay gót
Có buồn không? Khi lòng tự hỏi lòng
Buồn bã đó nhưng tim sao hờ hững
Có gì đâu đời vốn chuyện hư không!

Vâng! Đời người đúng là hư không! Với “sinh lão bệnh tử”, sống đời nghèo khổ hay sung-sướng, vô-phúc hay hạnh-phúc, bình-dị hay danh-vọng, bị áp-bức hay uy-quyền….., từ người dân khố rách áo ôm cho đến vua chúa như Tần Thủy Hoàng rồi cũng sẽ đi đến “một mẫu số chung” là số không mà thôi.
Như vậy thì Thọ ơi! Xá vì một mối tình gái trai cỏn con này mà phải quỵ lụy, khổ sầu? Trời cao đất rộng người đông, sao hằng hà, biển sông khắp chốn, ngàn hoa đua nở ngoài kia…mi hãy vui ngắm sao trời lấp lánh, những cánh hoa thơm, những đóa hoa dại mộc-mạc, rong bước sông hồ, …hãy làm tròn thiên-chức của mình trên con đường mà mi đã chọn, chả lẻ không ý-nghĩa và hạnh-phúc hơn sao?
Chàng chào mọi người ra về mà trong lòng thầm nghĩ là từ-biệt, không ai đưa ra cửa, tự mở rào rồi nhẹ-nhàng khép lại, nhịp bước rời ngõ hẻm ra con đường lớn thênh-thang, thông-thống, sáng đèn hướng về trung-tâm thành-phố.
Thành-phố đã lên đèn. Chàng muốn đi lang-thang để cho sự cô-đơn lên ngôi khi bước chân chàng tự-nhiên dẫn chàng vào lối cũ nơi mà thuở nào chàng và Huyền nắm tay truyền hơi ấm cho nhau  trong những tối hẹn hò.

Nhịp bước cô-đơn để buồn trầm lắng
Hàng me đêm đứng im-ắng gục đầu
Cùng bóng mình sóng đôi trên đường vắng
Tự hỏi bao giờ vợi bớt niềm đau?

Chàng chợt dừng lại lề đường trước một bà lão bán thuốc lá, mua một điếu lẻ, que diêm loè lên, hít nhẹ một hơi, ngụm khói bay quanh mặt chàng…Một cảm-giác lạ bắt gặp vì là lần đầu hút thuốc, chàng nâng-niu, vo-ve điếu thuốc và tiếp-tục bước đi….
Đến ngày giờ hẹn, chàng không đến và cũng không rõ Huyền có đến hay không nữa: tất-cả chẳng còn quan-trọng với chàng! 
Thôi xem như lỗi của mình vì Thọ đã không đủ tiêu-chuẩn để lo tương-lai cho người hôn phối dưới mắt của Huyền và gia-đình Huyền, thì sự lỗi hẹn này chàng xin chọn để chấm dứt hẳn câu chuyện ước mơ cuộc sống lứa đôi của hai người mà chàng đã đặt rất nhiều kỳ-vọng. Và hơn hết sự kính-trọng giữa hai người yêu nhau đã mất thì thử hỏi chuyện vợ chồng sẽ về đâu?

Anh Tú (Lê An)
October 1, 2012



Không có nhận xét nào: