2023/01/20

*CHIẾC ÁO TẾT VẢI VÀNG

(Viết để nhớ mẹ tôi)

Năm 1945, ba tôi qua đời tại quê nội. Vì hoàn cảnh đặc biệt nên năm sau má mang con về với bà ngoại đã già cũng đang đơn chiết một mình.
Từ dòng sông An-Lương quê nội quê mùa, chúng tôi thối về dòng sôngTân-Qui (hay Rạch Mương) quê ngoại càng quê mùa nghèo khó hơn. Những năm này thực dân Pháp vẫn còn cai trị nước ta, hay bố ráp vùng sâu có du kích chống Pháp bám trụ mà quê ngoại tôi là một.


Rạch An Lương


Rạch Tân Qui


Những năm bốn mươi này đại đa số dân chúng nghèo khó thiếu ăn, thiếu mặc; về mặc thì áo quần tả tơi vá víu thậm chí có người mặc bằng bố tời (dùng làm bao bì đựng lúa gạo).
Những ngày cuối năm năm ấy, má gom góp được vài nải chuối, buồng cao, dừa khô, rau cải…chèo tam bảng len lỏi sông rạch chằng chịt miền quê đi chợ Vãng (Vĩnh Long) để bán kiếm tiền may đồ Tết cho con. Với mớ tiền chắt chiu dành dụm trước đó, má gom đủ tiền mua một khúc vải vàng ( màu của áo thầy tu), loại vải thô mà tôi trộm nghĩ dạo đó chỉ có thứ này mà thôi. Má đưa tôi xem, nói “sẽ may đồ Tết cho con của má nếu còn đem về được tới nhà”. Với trí óc con nít đâu hiểu gì, lòng chỉ biết mừng rơn cười cầu tài, nở cờ trong bụng mà khờ khạo chẳng biết nói hoặc ôm má để tỏ lòng cám ơn ( như con nít khôn ngoan nhanh lẹ bây giờ). Dù còn bé, đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ mồn một lời má tôi nói (cũng như khung cảnh lúc ba tôi mất).
Trên đường về, đến một nơi vắng vẻ má tôi dừng lại, bảo tôi cổi áo (một cái áo sơ mi đen vá nhiều lổ), quấn khúc vải mới quanh bụng tôi, buộc chặt rồi mặc áo trở lại. Má bảo tôi ngồi yên gần trước mủi tam bản; cẩn thận không động đậy nhất là lúc dừng lại trạm kiểm soát của du kích nơi kiểm soát an ninh, hàng hóa mang ra, mua vào từ vùng địch…Má tôi biết rằng khúc vải này sẽ bị tịch thu nếu bị bắt gặp vì có người đã từng bị như vậy.
May mắn họ xét từ đầu chí cuối chiếc tam bảng nhưng không để ý đến đứa con nít như tôi. Thế là năm ấy má đã may cho tôi một áo sơ mi mới ngắn tay để tôi tung tăng vui Tết trong khi má và ngoại vẫn chỉ mặc bộ quần áo cũ thường ngày.
Nụ cười luôn nở trên môi má trong những ngày Tết khi má đã cho tôi một mùa Xuân vàng rực như những cành mai đầy hoa nở rộ trước sân nhà. Bản thân tôi siêng năng hơn trong phận sự đốt nhang bàn thờ tổ tiên mỗi tối và bình nước trà của ngoại trên bộ ghế giữa nhà luôn đầy ắp. Tôi nói chuyện huyên thuyên với ngoại, với má hơn thường ngày, đủ mọi chuyện “trên trời dưới đất”.
Tình thương đằm thắm của má mà đặc biệt là trong những ngày Tết năm ấy đã là chất liệu giúp tôi biết phải làm gì để cho má vui lòng.
Má đã thành người thiên cổ vào một trong những năm khó khăn nhất của thập niên bảy mươi, hình ảnh má nằm trên giường bịnh đau buồn hỏi tôi “Con đang lo cho má đó hả?” khi mà chúng tôi đang lo cất trại để làm một cái tiệc cưới nho nhỏ cho em gái lại trùng hợp với lúc má biết mình sắp lâm chung. Tôi không cầm được nước mắt trả lời trong nghẹn ngào “ Đâu có má ơi! Lo đám cưới cho em con đó” “Thôi đừng gạt má!” Tôi không nhớ nét mặt má lúc ấy ra sao vì màng lệ đã che mắt tôi rồi!
Bà con góp ý là lo "đôi bạn" cho em gái tôi để em khỏi bơ vơ với đời ở căn nhà tổ phụ này khi má tôi mất vì biết chắc rằng má tôi không qua khỏi và tôi cũng sẽ phải lưu lạc xa nhà sau này.
Xong đám cưới cho em là mẹ cũng vĩnh biệt chúng tôi.
Chiếc áo vải vàng và hình ảnh buồn hiu ốm o của má với câu hỏi xé lòng mãi mãi nằm trong ký ức tôi.

Anh Tú
October 28, 2013