Hiển thị các bài đăng có nhãn Hàn Mặc Tử. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Hàn Mặc Tử. Hiển thị tất cả bài đăng

2015/02/26

MỘT BÀI THƠ HAY

Bài thơ này được truyền tụng khá lâu, nhiều người cho là chưa biết tên tác giả và sáng tác khi nào. Bài thơ làm theo thể Đường luật, bảy chữ tám câu, luật trắc vần bằng (tổng cộng 56 chữ). Bài thơ đọc xuôi hay ngược (là đọc từ câu cuối lên, từ phải sang trái) đều có nghĩa và đúng niêm luật thơ Đường, còn gọi là “thuận nghịch độc”. Ngoài hai cách đọc trên, đặc biệt bài thơ có thể đọc thêm 6 cách nữa như dưới đây. 
Cám ơn anh bạn Nguyễn Phúc Hậu đã giới thiệu bài thơ cho tôi.
Nhưng theo một trang Web* thì có bài viết nói bài thơ Cảnh Xuân là của Hàn Mặc Tử. Căn-cứ vào đó, tôi xin chép lại nơi đây chia sẻ với mọi người.

1-Bài thơ gốc (bài 1):

CẢNH XUÂN

Ta mến cảnh xuân ánh sáng ngời
Thú vui thơ rượu chén đầy vơi
Hoa cài giậu trúc cành xanh biếc
Lá quyện hương xuân sắc thắm tươi
Qua lại khách chờ sông lặng sóng
Ngược xuôi thuyền đợi bến đông người
Xa ngân tiếng hát đàn trầm bổng
Tha thướt bóng ai mắt mỉm cười.

Hàn Mặc Tử

2. Đọc ngược: bài 2:

Cười mỉm mắt ai bóng thướt tha
Bổng trầm đàn hát tiếng ngân xa
Người đông bến đợi thuyền xuôi ngược
Sóng lặng sông chờ khách lại qua
Tươi thắm sắc xuân hương quyện lá
Biếc xanh cành trúc giậu cài hoa
Vơi đầy chén rượu thơ vui thú
Ngời sáng ánh xuân cảnh mến ta.

3. Bỏ hai chữ đầu mỗi câu trong bài gốc: bài 3
( ngũ ngôn bát cú, luật bằng vần bằng):

Cảnh xuân ánh sáng ngời
Thơ rượu chén đầy vơi
Giậu trúc cành xanh biếc
Hương xuân sắc thắm tươi
Khách chờ sông lặng sóng
Thuyền đợi bến đông người
Tiếng hát đàn trầm bổng
Bóng ai mắt mỉm cười.

4. Bỏ hai chữ cuối mỗi câu trong bài gốc, đọc ngược: bài 4
 (ngũ ngôn bát cú, luật bằng vần bằng):

Mắt ai bóng thướt tha
Đàn hát tiếng ngân xa
Bến đợi thuyền xuôi ngược
Sông chờ khách lại qua
Sắc xuân hương quyện lá
Cành trúc giậu cài hoa
Chén rượu thơ vui thú
Ánh xuân cảnh mến ta.

5. Bỏ ba chữ cuối mỗi câu trong bài gốc: bài 5
( tám câu / bốn chữ):

Ta mến cảnh xuân
Thú vui thơ rượu
Hoa cài giậu trúc
Lá quyện hương xuân
Qua lại khách chờ
Ngược xuôi thuyền đợi
Xa ngân tiếng hát
Tha thướt bóng ai.

6. Bỏ ba chữ đầu mỗi câu trong bài gốc, đọc ngược: bài 6
(tám câu / bốn chữ):

Cười mỉm mắt ai
Bổng trầm đàn hát
Người đông bến đợi
Sóng lặng sông chờ
Tươi thắm sắc xuân
Biếc xanh cành trúc
Vơi đầy chén rượu
Ngời sáng ánh xuân.

7. Bỏ bốn chữ đầu mỗi câu trong bài gốc: bài 7
 (tám câu / ba chữ):

Ánh sáng ngời
Chén đầy vơi
Cành xanh biếc
Sắc thắm tươi
Sông lặng sóng
Bến đông người
Đàn trầm bổng
Mắt mỉm cười.

8. Bỏ bốn chữ cuối mỗi câu trong bài gốc, đọc ngược: bài 8
(tám câu / ba chữ):

Bóng thướt tha
Tiếng ngân xa
Thuyền xuôi ngược
Khách lại qua
Hương quyện lá
Giậu cài hoa
Thơ vui thú
Cảnh mến ta.

*http://thoduongdatviet.com/

2015/02/19

Sầu Xuân

Đêm xuân lạnh, bóng xuân tàn,
Hoa xuân mơn trớn can tràng thuyền quyên.
Trời xuân vắng vẻ hương nguyền,
Sông xuân lặng lẽ con thuyền xa xa.
Xuân đi đi khắp sơn hà,
Tuổi xuân chất mái tóc da đổi màu.
Ngày xuân như gió thoảng mau,
Tình xuân một khối ai sầu hơn ai?
Mưa xuân như nhắc chuyện đời,
Rượu xuân như gợi những lời nước non.
Thề xuân dù chẳng vuông tròn,
Khóa buồng xuân lại vẫn còn sầu xuân.

Hàn Mặc Tử

2015/01/22


Mùa Xuân Chín
 
Trong làn nắng ửng: khói mơ tan,
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng.
Sột soạt gió trêu tà áo biếc,
Trên giàn thiên lý bóng xuân sang.

Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời.
Bao cô thôn nữ hát trên đồi.
- Ngày mai trong đám xuân xanh ấy,
Có kẻ theo chồng, bỏ cuộc chơi.

Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi,
Hổn hển như lời của nước mây,
Thầm thĩ với ai ngồi dưới trúc,
Nghe ra ý vị và thơ ngây.

Khách xa gặp lúc mùa xuân chín,
Cảnh trí bâng khuâng sực nhớ làng:
"- Chị ấy, năm nay còn gánh thóc,
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang..."
 
Hàn Mặc Tử

2014/03/02

BẾN HÀN GIANG

Này đây lời ngọc song song
Xin dâng muôn sóng tơ đồng chơi vơi
Xin dâng này máu đang tươi
Này đây nước mắt giọng cười theo nhau

Mới hay phong vị nhiệm mầu
Môi chưa nhấp cạn, mạch sầu đã tuôn
Ớ Địch ơi, lệ có nguồn
Hãy chia bớt nửa nỗi buồn sang tôi

Hôm nay trời lửng lơ trời
Dòng sông ánh sáng sẽ trôi hoa vàng
Tôi ngồi ở bến Hàn Giang
Khóc thôi mây nước bàng hoàng suốt đêm.

Hàn Mặc Tử
Diễn ngâm: Hồng Vân

2014/02/15

TÌNH QUÊ

Trước sân anh thơ thẩn,
Đăm đăm nhạn trông về;
Mây chiều còn phiêu bạt
Lang thang trên đồi quê;
Gió chiều quên ngừng lại,
Dòng nước quên trôi đi...
Ngàn lau không tiếng nói
Lòng anh dường đê mê.
Cách nhau ngàn vạn dặm
Nhớ chi đến trăng thề.
Dầu ai không mong đợi,
Dầu ai không lắng nghe
Tiếng buồn trong sương đục,
Tiếng hờn trong lũy tre.
Dưới trời thu man mác
Bàng bạc khắp sơn khê.
Dầu ai trên bờ liễu
Dầu ai dưới cành lê...
Với ngày xuân hờ hững
Cố quên tình phu thê,
Trong khi nhìn mây nước
Lòng xuân cũng não nề...


ĐÂY THÔN VĨ DẠ*

Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên,
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền

Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay...
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó,
Có chở trăng về kịp tối nay?

Mơ khách đường xa, khách đường xa,
Áo em trắng quá nhìn không ra...
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?

Hàn Mặc Tử
(Khoảng 1938)

Phổ nhạc: Phạm Duy
Trình bày:
                Dalena
* Hiện nay, bài thơ này được nhiều người cho là một kiệt tác của Hàn Mặc Tử và cũng là một trong những thi phẩm xuất sắc của thơ Việt Nam hiện đại ( Ngữ văn 11 /Tập 2, Nxb Giáo dục, 2008, tr. 40)

2014/02/09

BẼN LẼN

Trăng nằm sóng soài trên cành liễu 
Đợi gió đông về để lả lơi 
Hoa lá ngây tình không muốn động 
Lòng em hồi hộp, chị Hằng ơi. 

Trong khóm vi vu rào rạt mãi 
Tiếng lòng ai nói? Sao im đi? 
Ô kìa, bóng nguyệt trần truồng tắm 
Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe. 

Vô tình để gió hôn lên má 
Bẽn lẽn làm sao lúc nửa đêm 
Em sợ lang quân em biết được 
Nghi ngờ tới cái tiết trinh em.

Hàn Mặc Tử