2015/02/26

MỘT BÀI THƠ HAY

Bài thơ này được truyền tụng khá lâu, nhiều người cho là chưa biết tên tác giả và sáng tác khi nào. Bài thơ làm theo thể Đường luật, bảy chữ tám câu, luật trắc vần bằng (tổng cộng 56 chữ). Bài thơ đọc xuôi hay ngược (là đọc từ câu cuối lên, từ phải sang trái) đều có nghĩa và đúng niêm luật thơ Đường, còn gọi là “thuận nghịch độc”. Ngoài hai cách đọc trên, đặc biệt bài thơ có thể đọc thêm 6 cách nữa như dưới đây. 
Cám ơn anh bạn Nguyễn Phúc Hậu đã giới thiệu bài thơ cho tôi.
Nhưng theo một trang Web* thì có bài viết nói bài thơ Cảnh Xuân là của Hàn Mặc Tử. Căn-cứ vào đó, tôi xin chép lại nơi đây chia sẻ với mọi người.

1-Bài thơ gốc (bài 1):

CẢNH XUÂN

Ta mến cảnh xuân ánh sáng ngời
Thú vui thơ rượu chén đầy vơi
Hoa cài giậu trúc cành xanh biếc
Lá quyện hương xuân sắc thắm tươi
Qua lại khách chờ sông lặng sóng
Ngược xuôi thuyền đợi bến đông người
Xa ngân tiếng hát đàn trầm bổng
Tha thướt bóng ai mắt mỉm cười.

Hàn Mặc Tử

2. Đọc ngược: bài 2:

Cười mỉm mắt ai bóng thướt tha
Bổng trầm đàn hát tiếng ngân xa
Người đông bến đợi thuyền xuôi ngược
Sóng lặng sông chờ khách lại qua
Tươi thắm sắc xuân hương quyện lá
Biếc xanh cành trúc giậu cài hoa
Vơi đầy chén rượu thơ vui thú
Ngời sáng ánh xuân cảnh mến ta.

3. Bỏ hai chữ đầu mỗi câu trong bài gốc: bài 3
( ngũ ngôn bát cú, luật bằng vần bằng):

Cảnh xuân ánh sáng ngời
Thơ rượu chén đầy vơi
Giậu trúc cành xanh biếc
Hương xuân sắc thắm tươi
Khách chờ sông lặng sóng
Thuyền đợi bến đông người
Tiếng hát đàn trầm bổng
Bóng ai mắt mỉm cười.

4. Bỏ hai chữ cuối mỗi câu trong bài gốc, đọc ngược: bài 4
 (ngũ ngôn bát cú, luật bằng vần bằng):

Mắt ai bóng thướt tha
Đàn hát tiếng ngân xa
Bến đợi thuyền xuôi ngược
Sông chờ khách lại qua
Sắc xuân hương quyện lá
Cành trúc giậu cài hoa
Chén rượu thơ vui thú
Ánh xuân cảnh mến ta.

5. Bỏ ba chữ cuối mỗi câu trong bài gốc: bài 5
( tám câu / bốn chữ):

Ta mến cảnh xuân
Thú vui thơ rượu
Hoa cài giậu trúc
Lá quyện hương xuân
Qua lại khách chờ
Ngược xuôi thuyền đợi
Xa ngân tiếng hát
Tha thướt bóng ai.

6. Bỏ ba chữ đầu mỗi câu trong bài gốc, đọc ngược: bài 6
(tám câu / bốn chữ):

Cười mỉm mắt ai
Bổng trầm đàn hát
Người đông bến đợi
Sóng lặng sông chờ
Tươi thắm sắc xuân
Biếc xanh cành trúc
Vơi đầy chén rượu
Ngời sáng ánh xuân.

7. Bỏ bốn chữ đầu mỗi câu trong bài gốc: bài 7
 (tám câu / ba chữ):

Ánh sáng ngời
Chén đầy vơi
Cành xanh biếc
Sắc thắm tươi
Sông lặng sóng
Bến đông người
Đàn trầm bổng
Mắt mỉm cười.

8. Bỏ bốn chữ cuối mỗi câu trong bài gốc, đọc ngược: bài 8
(tám câu / ba chữ):

Bóng thướt tha
Tiếng ngân xa
Thuyền xuôi ngược
Khách lại qua
Hương quyện lá
Giậu cài hoa
Thơ vui thú
Cảnh mến ta.

*http://thoduongdatviet.com/