Hiển thị các bài đăng có nhãn NHA. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn NHA. Hiển thị tất cả bài đăng

2016/09/12

Du Lịch Nassau, Bahamas.
Phần 2

-Nhìn sơ đồ (hình trong phần 1) , từ trái (hướng Đông) sang mặt (hướng Tây) , ta sẽ thấy những nơi khách du lịch ở là Beach Towers, Coral Towers, Royal Towers, The Cove Atlantis và The Reef Atlantis. Theo tôi đoán có lẽ giá phòng tăng từ Đông sang Tây; chúng tôi mướn phòng tại Beach Towers, phòng có hai giường rộng rãi.

-Các nơi này, bên trong, với không khí điều hoà mát mẻ 24/24, được nối với nhau bằng một lối đi rộng rãi, lót thảm, có những điểm dành cho mọi dịch vụ buôn bán (Gucci, Versace, Rolex…), ăn uống (Ý, Tàu /Chop Stix, StarBucks, Buffets … ),  nơi trình diễn ca nhạc, rạp chiếu phim (miễn phí), nơi hội hợp (Conference Center), cờ bạc (Casino ở giữa Coral và Royal) , xoa bóp (Mandara SPA), di tích lịch sữ (The Dig trong một đường hầm dưới Royal)
Ngoại trừ Royal nối với The Cove và The Reef bằng con đường bên ngoài, có mái che.

-Hai bên “cái trục” đó là những tụ điểm vui chơi khác như hồ nuôi những động vật biển cá mập/cá đuối/ cá heo (Dolphin Cay), sam/ rùa/ …, hồ tắm , xe đạp nước (Predator Lagoon), tuột nước và trôi theo dòng nước/ River Pool (Aquaventure),  nhà hàng ăn uống và mua sắm hàng kỷ niệm rẻ hơn trong Resort một tí (Marina Village)….

-Khắp nơi bên ngoài họ trang trí bằng những hòn non bộ, thác nước, hoa, cầu …, có bảng chỉ đường, có vòi nước ngọt để tẩy rửa nước mặn, cát…

-Bahamas có bãi biển (beach) khắp nơi. Khu Resort này có: Atlantics Beach (nơi tôi thường đến), Cove Beach, Paradise Beach...Cát trắng phao, biển sạch, nước trong xanh, nhìn mút mắt ra Đại Tây Dương với những ghế nằm, khăn tắm không tính thêm tiền, an toàn với Guard, mọi người thoải mái tắm biển, bơi lội, phơi nắng… , đi bộ. Bên Downtown Nassau có Junkanoo Beach, British Colonal Beach.

-Có xe bus chuyên chở không tính thêm tiền , liên lạc giữa các tụ điểm nêú bạn làm biếng lội bộ.

-Nếu cần thức ăn uống, quà cáp với gía rẽ, ta đi ra khu chợ gần đó chừng 5 phút hay đến Dowtown Nassau xa hơn bằng taxi ($4/người, nhưng ít nhất phải $11/chuyến, khi trở về phải trả thêm $2 toll qua cầu) hay phà ($4/người)

-Đặc biệt ở đây lái xe “giữ bên trái”. Bảng Yield (nhường đường) thay bằng Give Way.

Quảng cáo không công cho Resort này như thế quá nhiều rồi (dù không đầy đủ).
Tôi sẽ mời các bạn đi chơi với chúng tôi theo từng hôm … bằng hình ảnh nhé.

Ngày 24 Tháng 8, 2016
Trong tâm trạng háo hức với vùng đất lạ, xe bus đưa từ phi trường về khách sạn chạy ngang thành phố Nassau, ghi ảnh "lia lịa" để kỷ niệm, xin chọn vài tấm H1, H2, H3, H4, H5, H6 để chia sẻ:


H1
H2
H3
H4
H5
H6: Cảnh sát Nassau
Sau khi làm thủ tục nhận phòng, chúng tôi dùng thang máy để lên tầng 4. Trong thang máy có tất cả 7 người gồm 4 người chúng tôi. Thang máy đóng cửa, vừa di chuyển một đoạn ngắn thì đột nhiên mất điện, thang máy bị ngừng. May có một người là nhân viên khách sạn mau mắn gọi cầu cứu, phải mất chừng 5 phút họ mới mở cửa thang máy được. Hơi bị thiếu không khí để thở. 
Từ đó bà xã tôi và cháu ngoại không dám dùng thang máy mà chỉ đi bộ cầu thang mà thôi.

Nghỉ ngơi một chút, chúng tôi tìm một quán bán thứ ăn nhanh gần bờ biển để lót lòng và nhân đó ngắm Atlantis Beach lần đầu tiên. H7 và H8.
H7: Atlantis Beach  ngắm biển về hướng Tây
H8:Atlantis Beach nhìn về hướng Đông

Tối đến, hỏi thăm đường, lấy bus ( H9) đến Royal Towers (H10, H11), gần sòng bài và bến đậu của du thuyền tư nhân , Atlantis Marina(H12) , cũng là nơi có nhiều cửa hàng ăn uống.
H9: Trước khách sạn đón bus
H10:Tượng cảnh ở trước Royal Towers banđêm.
H11:Cửa vào lobby của Royal Towers
H12: Ăn tối tại Atlatis Marina
Hẹn ngày mai 25/8/2016.
Anh Tú/NHA

2015/11/08

Thu Tàn Hồng Muộn
Thiết-kế YÊN DẠ THẢO


Thu tàn sao nụ hồng còn nở?
Cánh bám sương mai lấp lánh sao
Kém sắc sảo nhưng màu rực rỡ
Gởi đến em một chút ngọt ngào!

Buồn lao xao tiếng Thu xào xạc
Từng hạt mưa thưa lác đác rơi
Dồn dập lá vàng tràn mặt đất
Lòng nghe xao xuyến đến chơi vơi!

Hỏi rằng nơi ấy cây còn lá
Hay đã trụi cành xơ xác xơ?
Xin hãy nhận hồng dù nở muộn
Để đời luôn cảm thấy nên thơ!

Anh Tú/NHA
October 26. 2012

2015/10/09

*“Cố-Nhân” 
(tiếp theo)

2-Tôi thích dùng từ ngữ “Cố Nhân” khi nói đến Hà Tiên. Tôi yêu Hà Tiên như người tình, tình-yêu này vô-cùng cao-thượng vì đó chính là một góc nhỏ của tình-yêu tổ-quốc.
Qua một thời-gian ngắn lúc ban đầu có phần ké né, tôi đã làm quen được vài vị người bản-xứ hoặc cũng tha-phương cầu-thực như tôi ở bên ngoài ngôi trường nhỏ trong vài lãnh-vực khác.
Không-gian Hà-Tiên thật đáng yêu đối với tôi, tỉnh-mịch, êm-đềm, cái đẹp thiên-nhiên…như cảnh tiên. Tôi đã thật sự  mê vùng đất u-tịch này dù mới vừa rời xa thủ-đô Sài Gòn hoa-lệ ồn ào. Tôi quyết đi ngắm những thắng-tích đất Phương-Thành này càng sớm càng tốt khi có dịp.

Tôi quen được ông Trưởng-ty Quan-thuế sở tại, ông Trương Văn Phước. Có lẽ ông đã chủ-động trong việc này vì ông là một phụ-huynh học-sinh của trường, con gái của ông tên Hương thì phải(?) 
Một hôm ông cho biết ngày mai tàu ra khơi, và tôi xin tháp tùng.
Tàu ra khơi với đoàn nhân-viên quan-thuế và…có cả thầy Phùng Tuấn Sinh cùng đi.

Tàu nhỏ nên ra xa có giới hạn nhưng với nước biển xanh lặt lìa, trời mênh mông, gió ào ào mang vị mặn, cảnh vật lạ lẫm, hữu tình …cũng đủ làm tôi thích thú. Lại được ghé thăm một hòn đảo, tiếp xúc với cư dân, được đải ăn ốc, một loại ốc lần đầu được nếm: màu xanh, dòn và ngòn ngọt. Quá ngon. Tôi đã quên tên loại ốc này.
Kết thúc một chuyến đi biển lần đầu tiên thật thú v và trong lòng ước mong một chuyến khác…

(còn tiếp)

Anh Tú/NHA

October 9, 2015

2014/09/23

Ảnh: Trung Nguyễn
ANH ĐI…!*

Vâng! Anh đi, đã đến lúc! Chúc anh lên đường bình-yên.
Anh của những người em, dỉ-nhiên, trong đó có tôi dù tôi không rõ trong lòng anh tôi đứng ở vị-trí nào, nhưng mỗi lần gặp tôi anh nở nụ cười tươi, thân-thiện và hỏi thăm chuyện này nọ. Các câu chuyện giửa anh và tôi bây giờ tôi không nhớ rõ nhưng nội-dung chẳng ngoài chuyện sức khoẻ và trường lớp của những năm trước 1975. Tuy nhiên tôi còn nhớ một mẫu chuyện gần đây nhất xảy ra …năm 2002.
Anh là đàn anh của tôi ở trường học lẫn trường đời, không biết anh có học trường Trung-học công-lập duy-nhất ở Vĩnh-Long không, nếu có anh học trên tôi là chắc vì anh lớn tuổi hơn tôi. Nếu lứa tuổi của anh mà là dân Vĩnh-Long thì đoan chắc anh là huynh trưởng của tôi, anh đến từ nơi khác và trở thành rễ và ở rễ của Vĩnh-Long.
Tôi không thân và gặp anh ít lần. Chúng tôi là “dân” dạy học.
Từ ngày được đổi về Trung-học Bình-Minh, một trường quận bên dòng sông Hậu nhưng thuộc tỉnh Vĩnh-Long từ 1973, lúc tôi về tỉnh-lỵ thì gặp anh ở Sở Giáo-dục, hoặc tại trường Trung-Học Thủ Khoa Huân, có thể đôi lúc ở quán ăn. Tôi vốn quen một số anh nhà giáo ở Thủ Khoa Huân, nên chúng tôi được họ giới-thiệu với nhau khi gặp gỡ và bắt đầu biết nhau. Anh cũng là giáo-sư trường Thủ Khoa Huân.
Tôi rất mến anh vì anh thân-thiện, nói năng từ-tốn, hòa-nhã, chân-tình, dù… như đã nói rất ít gặp nhau, càng không gặp từ 1975.
Năm 2002 tôi đang thơ thẩn một mình ở bờ sông Tiền, lúc đó bờ kè đã thực-hiện đến Cầu Cái Cá, nghĩ đến những đổi thay của tỉnh nhà từ ngày tôi rời xa đã hơn hai mươi năm. Khi đứng “ngóng”qua cù lao An-Thành, miên-man nhớ về những buổi đi chơi thú-vị với các bạn thời học-sinh thì bất chợt có tiếng cười và giọng nói thân-thiện ở sau lưng tôi: “ Việt kiều giả dạng phải không?”. Tôi vốn ăn mặc “xuề xoà”, áo ngoài quần, đồ cũ không ủi, đầu trần chân dép mủ, không ai để ý đến nếu không quen biết với tôi. Tôi ngạc-nhiên quay lại, nhận ra anh và chúng tôi mừng rỡ bắt tay nhau. Những lời thăm hỏi sức khoẻ, gia-đình, cuộc sống, kể chuyện đã qua của mình, của bạn….Rồi cũng đến lúc từ-giả, chúc nhau và hẹn ngày găp lại.
Đã 12 năm qua từ dạo đó tôi chưa làm được một chuyến về quê-hương lần nữa. Bà con, bạn bè “kêu réo” về chơi thế mà …còn chần chờ.
Tôi, một đêm thức giấc hai, ba lần…Không biết từ bao giờ, mỗi lần thức giấc là tôi mở hộp thư, mở vài trang Web mà mình thích trước khi ngủ lại. Nửa đêm về sáng hôm 22/9/2014, khi vào trang tongphuochiep-vinhlong, một tin làm tôi sững sờ: “Trời! Anh đã đi rồi sao?” “ Cả chị  cũng đi theo!!!” Dù biết đó là quy-luật tạo-hóa và anh chị cũng lớn tuổi rồi nhưng sao tôi cũng thấy xót-xa. Chị lại là thân-nhân của bạn tôi ư?
Tôi nhắc lại kỷ-niệm nho nhỏ này như một lời từ-giả anh chị vĩnh-viễn,  anh chính là anh Phan Phú Lộc và chị Nguyễn Ngọc Lan hiền thê của anh, cầu nguyện hương-hồn anh chị bình-an miên viễn bên nhau nơi chín suối.
Thành-thật chia buồn với Yên Dạ Thảo, thi hữu của tôi cũng là một thân-nhân của giáo-sư Nguyễn Ngọc Lan.

Anh Tú/NHA
September 23, 2014



2014/04/24

Hoa Anh đào 2014 & một chuyện cũ


Có một lý do khiến hôm nay tôi tìm lại một số hình ảnh cũ cách đây chín năm (2005) của chúng tôi.
Năm ấy, nhân dịp tham dự Đại Hội của Đại Gia Đình hai trường Phan Thanh Giản và Đoàn Thị Điểm Cần Thơ toàn thế giới, được tổ chức tại Washington DC Thủ Đô của Hoa Kỳ, chúng tôi có đi viếng một số địa điểm nổi tiếng nơi đây; xin trích một vài hình ảnh để chia sẻ với anh chị em.
0 a 1                H1: Bên Hoa anh đào ( tơi tả vì mưa)
OLYMPUS DIGITAL CAMERA                   H2: Bên hoa anh đào
OLYMPUS DIGITAL CAMERA                   H3: Bên bờ sông Potomac
OLYMPUS DIGITAL CAMERA                    H4: Bên bờ sông Potomac
OLYMPUS DIGITAL CAMERA                H5: Bà xã của tôi với chị Ánh, giáo sư Trung học Bình Minh
OLYMPUS DIGITAL CAMERA                       H6: Viếng Viện bảo tàng
OLYMPUS DIGITAL CAMERA          H7: “Nữ tống thống Hoa Kỳ 1 giây”
Dịp này, chúng tôi  hân hạnh gặp lại Giáo sư Lý Hóa Phạm Thị Kim Chi (ái nữ của Thầy Phạm Văn Thàn ) về trường TPH niên khóa 1961-1962 cùng lượt với Giáo sư Ngô Quang Vỹ. Cô Kim Chi sau đó là Hiệu trưởng Trung học Đoàn Thị Điểm, nơi tôi được về phục vụ vào năm 1970. Đồng thời chúng tôi gặp được Hiệu Trưởng trường Phan Thanh Giản Nguyễn Trung Quân và phu nhân. Phu nhân của thầy Quân cũng là cựu học sinh Tống Phước Hiệp. Cô Kim Chi và gia đình hiện định cư tại Houston,Texas, Hoa Kỳ.
OLYMPUS DIGITAL CAMERA             H8: Từ trái qua mặt: Vân, tôi, cô Kim Chi, ông Quân và phu nhân.
Lý do nói trên đó là chúng tôi, một nhóm bạn là cựu học sinh Trường Trung học Tống Phước Hiệp những năm 1960, thường thăm hỏi và chuyển tin tức cho nhau bằng điện thư.
Cách đây mấy hôm tôi nhận được bài viết về Hoa Anh Đào nở hằng năm (vào cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4 tùy thời tiết) tại Washington DC, Hoa Kỳ. Năm nay 2014, do thời tiết tốt nên những hình ảnh tác giả đính kèm theo bài viết rất đẹp. Xin trích một số ảnh mà tác giã (HM)rất công phu tìm chụp như anh Trương Văn Phú của trang nhà.
9_WashingtoHoaĐàoNhật             H9: Những cây anh đào Nhật đầy hoa(HM)
10-WashingtonDCHoađào2014         H10
11-WashingtonDCHoađàoSáng2014               H11: Đón hoa anh đào lúc rạng đông(HM)
12-WashingtonDCHoađàoSángHồ2014                H12: Chiều tà(HM)
0f                     H13: Sáng sớm(HM)
              NHA
      April 24, 2014

2013/09/07

*PHƯƠNG THÀNH NỖI NHỚ

-Con có gia-đình chưa?

-Dạ thưa thầy chưa ạ.
-Vậy thì chọn nhiệm-sở nào cũng được mà, chọn…xa xa cho phỉ chí trai đi con.
Đó là những lời trao đổi giữa thầy Viện-Trưởng Viện Đại-Học Sài- Gòn, Giáo-sư Trần Quang Đệ, với tôi khi thầy chủ-trì buổi chọn nhiệm-sở của nhóm “thầy giáo mới ra trường” năm 1965 lúc thấy tôi chần chừ mãi trước bảng ghi nhiệm-sở mà không chọn …
Bởi thứ hạng thấp nên tới phiên tôi còn những nơi gần cũng như xa nhưng với giao-thông rất khó-khăn, nguy-hiểm vì dạo đó chiến-sự cũng đã khá sôi động. Lời khích tướng của thầy Viện-Trưởng làm tôi nổi máu giang-hồ, liền viết ngay tên một trường ở miền biên- giới Việt Miên lên giấy chọn.
Tới ngày khăn gói lên đường đến một nơi nghe tiếng nhưng chưa một lần thăm viếng, háo hức vào đời lẫn với sự lo lắng bước đường xa xôi lạ lẫm hiểm-nguy pha trộn thành một cảm-xúc là lạ hấp-dẩn.
Đoạn đường xe Cần-Thơ/ Rạch-Giá lần đầu đi qua, dù bên đường cũng chỉ là những cánh đồng lúa bạt ngàn, những chợ làng nho nhỏ, những nhà lá nghèo nàn hoặc mái ngói nhưng đơn-sơ mộc mạc, những đoạn sông rạch với lục bình trôi ghe xuồng xuôi ngược…mà tôi vẫn thấy như mình du-lịch ở một vùng đất mới.
Phải qua đêm ở phố-thị Rạch-Giá hôm sau mới tiếp tục được cuộc hành-trình. Ngủ khách-sạn, ăn cơm tiệm, hỏi thăm đường đi nước bước cho ngày hôm sau.
Khách-sạn, cơm tiệm một mình….tự-nhiên mình cảm thấy mình đã là người lớn; tôi còn tưởng tượng mai mốt đây sẽ đứng trên bụt gổ trước mặt một đám học trò và bọn chúng cúm núm một thưa thầy, hai cũng thưa thầy nữa kìa…
Sáng tinh sương tôi đã đến bến tàu Rạch-Giá/ Kiên-Lương với mớ hành-trang chỉ là sách vở, đôi bộ quần áo, gói xôi vị cho điểm tâm, hai ổ bánh mì thịt cho buổi trưa và chiều cùng hai, ba tờ nhật báo, tuần báo. Vì đoạn đường này chừng hơn sáu mươi cây số mà tàu đò đưa khách, thường ghé rước hoặc thả khách nên chạy đã chậm còn chậm thêm. Do đó, khách đi đường xa thường mướn cái võng  nằm nghỉ thì được thoải mái hơn. Tôi chọn một cái võng giữa tàu để tránh bớt khách lên xuống. Lần đầu tiên đi tàu kiểu này nên cũng thú-vị; treo mình “ tòn ten” ngắm cảnh lạ đường xa, nghiền ngẫm mấy tờ báo, rồi chìm vào giấc ngủ …chập chờn.
Thuở ấy tuyến đường bộ Rạch-Giá / Hà-Tiên dài khoảng chín mươi chín cây số, nếu tôi không lầm, gập ghềnh lổ hang, sỏi đá …với những cây cầu cũ kỹ. Bên cạnh đó vì chiến-tranh nên đường bộ không an-toàn. Xe hơi chỉ chạy một đoạn ngắn từ Rạch-Giá chứ không chạy suốt đến Kiên-Lương, Hà-Tiên. Vì lẽ đó phương-tiện giao-thông chính là đường sông. Những khách buôn bán, nông-dân, phụ-nữ hoặc trẻ con, người già thường đi suốt tuyến đường tàu nhưng những thanh-niên, hoặc ai có làm việc cho chánh-quyền đương-thời thì chỉ đi đoạn đường Rạch-Giá/ Kiên-Lương (hoặc ngược lại), còn đoạn Kiên-Lương / Hà-Tiên thì lên đường bộ đi bằng xe Lam, nhanh và an-toàn hơn.


Kênh đào Rạch Giá - Hà Tiên

Ngủ rồi thức. Ăn, đọc báo rồi ngủ. Cuối cùng tàu cũng đến trạm Kiên-Lương, nơi có nhà máy xi-măng tân-tiến của Nam Việt-Nam, khai-thác núi đá vôi vùng này, cung-cấp xi-măng cho cả nước và hình như có xuất-cảng nữa. Quận Kiên-Lương trẻ tuổi với nhà máy xi-măng đang phát-triển nên nhà cửa, quán xá khá khang-trang so với những quận nghèo nàn khác lúc bấy giờ. Nhìn những ngọn núi đá vôi (không cao to), nhìn khu nhà máy xi-măng độ sộ với những ống khói nhả khói mịt mù (ngày đêm), một niềm vui bất chợt đến vì sự tiến-bộ về nền công-nghiệp của nước nhà. Ước mong chiến-tranh đừng lan đến nơi này…
Xe Lam lên đèo xuống dốc trên con đường đất đỏ dài cở ba mươi cây số, làm tung lên những làn bụi đỏ phía sau, chạy dọc theo mé biển đưa tôi đến quận Hà-Tiên tịch-mịch, cổ-kính. Bên trái là biển thuộc vịnh Thái-Lan lần đầu nhìn tận mắt, bên mặt là rừng thưa lai rai mái nhà lá đơn-sơ, thỉnh thoảng gặp vài người dân quê mộc mạc đi chân đất bên đường, vùng đất mới với cảnh, người mới làm nao nao lòng khiến tình thương quê-hương trong tôi dạt dào hơn. Bãi biển Thuận-Yên sóng vỗ nhè nhẹ nằm bên trái con đường với hàng dừa xanh tươi bên mặt dưới chân núi Tô-Châu đã tới có nghĩa là đôi phút nữa Hà-Tiên sẽ hiện ra trước mặt tôi.
Chiều đã xuống, từ bến đò Tô-Châu tò mò háo hức ngắm nhìn Hà-Tiên nằm im lìm bên kia sông, đoạn sông ngắn nối vịnh Thái-Lan và hồ Đông-Hồ,  tôi đang thở vào ra không-khí lạ như có pha mùi muối và cá của biển, tôi đang cảm nhận mùi đất quê-hương nồng-nàn mùi lá rừng, khai-phá bởi ngài Mạc Cửu; vùng đất mới mà tôi sẽ lăn lốc sống vài năm lúc mới ra trường. Không-gian này, thời-gian ấy đã hằn dấu sâu sắc trong đời tôi và tôi đã mang chúng theo mãi bên mình từ dạo ấy đến nay.


PHƯƠNG-THÀNH NỖI NHỚ

Phương-Thành ơi! chợt nhớ em da diết
Mấy mươi năm rồi cách biệt xa xôi
Bao kỷ-niệm thân-thương còn lưu giử
Tên ngọt ngào anh từng nhẩm không thôi.

Đò máy, nằm võng tìm em một thuở
Qua dốc đồi xe “lam” đến Thuận-Yên
Hàng dừa xanh lá rạt rào gió biển
Đưa chân anh ngơ ngẩn đến Hà-Tiên.

Bến Tô-Châu một chiều vàng nắng nhạt
Gió Đông Hồ vờn nước mặn Thái-Bình
Cửa sông nối hồ thơ và biển cả
Dừng chân anh chờ cô lái đò xinh.

Chạm thân em - dạt dào bao cảm xúc-
Thị-trấn đơn côi trấn ải biên-cương
Anh chọn cho lần đầu tiên dấn bước
Vào đời, như tàu thám-hiểm đại-dương.

Sạp báo Minh Xuân, Đại-Tân khách-sạn
Không ngỡ ngàng mà lại rất thân tình
Hiếu khách những chị/ anh/ em biên-giới
Xao động lòng, tim mở đón tình xinh.

Ngôi trường nhỏ nhắn, bạn bè mới gặp
Như là nhà, êm ái những vòng tay
Mai sẽ gặp những học-sinh mộc mạc
Nở nụ cười rạng rỡ đón ngày mai.

Đường Bạch-Đằng nơi đầu tiên ở trọ
Nơi thứ hai , ngỏ Nhật-Tảo thân thương
Ơn nghĩa ấy ghi sâu trong tâm-tưởng
Thời-gian qua nhưng tình vẫn còn vương.

Sau lớp học: Bải Nò , lăng Mạc Cửu
Lang-thang viếng thăm thập cảnh Hà-Tiên
Thương ánh điện (tợ đèn dầu) leo lét
Nước ao sen vẫn ngọt lịm lương duyên.

Đâu sá gì với đôi điều trắc-trở
Như vị cay, gia-vị bửa tiệc ngon
Kỷ-niệm đắng cho cuộc sống thêm dòn
Vẫn trân-trọng xấu/ xinh ngày tháng ấy.

Tình-yêu Phương-Thành làm sao nói hết    
Thôi thì giử-gìn trong những hóc tim
Đôi lúc nhớ nhung đem ra ngắm nghía
Để đời anh không tẻ nhạt im lìm.


Gần đây (18/7/2013) bất chợt tôi cồn cào nhớ về Hà-Tiên, bài thơ Phương-Thành Nỗi Nhớ thành hình, và xin chia sẻ với bè bạn hôm nay.

Anh Tú (
NHA)
September 7, 2013

2013/09/01

*Còn "Tao Với Mầy"

(Tặng Phú Thạnh)

Buổi tối bên cầu thang bến vắng
Dòng sông vằng vặc bóng trăng trôi
Gió đêm man mác len cành lá
Tụ hợp vui đùa trẻ xóm tôi.

Rộn rã cười làm chim vỗ cánh
Xôn xao bay lượn rộn trời xanh
Mầy tao hai tiếng thân thương quá
Mộc mạc nghe ra rất nhiệt thành.

Bốn đứa ngày nao, hai vắn số
Còn thằng bám trụ nhớ bạn xưa
Có tên lang bạt xa quê cũ
Tóc trắng phủ đầu che nắng mưa.

Sẽ đến phiên mình mầy có biết?
Giả từ tất cả cõi vô thường
Trở về cát bụi… nơi đoàn tụ
Tay bắt mặt mừng chốn viễn phương.

NHA /Anh Tú
September 1, 2013


2013/08/11

*BÊN KIA SÔNG

(Tặng học trò nghèo nhà quê…xưa )

Bên kia sông! Bàn và ghế thô đang đợi
Thầy giáo cùng bạn nhỏ cũng mong...chờ
Phấn trắng bảng đen sẳn sàng rồi...đó
Điểm danh! Bắt đầu học! Đã đến… giờ?
 
Không xuồng đưa, nó buồn rưng nước mắt
Chờ quá giang! Xuồng vắng! Mỏi mắt… trông.
Đành! Áo vào cặp mo cau đựng vở
(Còn quần đùi) liều “lội đứng” qua sông!

Chạy vội vào lớp “Thưa thầy! Con đến!”
Thân trần, “xà lỏn” ướt, bạn nhạo cười!
Nghiêm mặt, thầy viết phê vào sổ phạt;
Phạt… làm gương tội ham học: điểm mười!
 
Anh Tú (NHA)
August 11, 2013