'Tôi Sống Để Thù Ghét’: Lời Báo Động Khẩn Thiết Của Con Trai Người Lãnh Tụ Phong Trào Cổ Vũ Quyền Lực Của Người Da Trắng
ALEX HOSENBALL, EVAN SIMON and MIKE LEVINE
Tue, October 6, 2020, 3:08 AM PDT
Nguyên Vũ dịch
Lái xe qua những rặng núi của tiểu bang West Virginia, trong một buổi sáng trời mưa mới đây, Kelvin Pierce, 60 tuổi, trở nên căng thẳng khi tới gần cái cổng nằm giữa con đường đất bùn lầy.
© ABC News: Kelvin Pierce, 60 tuổi, con trai của Tiến Sĩ William Luther Pierce, đứng trước cổng doanh trại của tổ chức Liên Minh Dân Tộc National Alliance tại West Virginia.
Ông Pierce đã từng có mặt ở nơi đây, nhưng đó là gần 20 năm trước, khi mà cái doanh trại nằm phía sau cổng đã là tổng hành dinh của Liên Minh Dân Tộc - National Alliance do cha của ông là Tiến Sĩ William Luther Pierce lãnh đạo[.] Liên Minh Quốc Gia được cơ quan điều tra liên bang FBI xếp hạng là một trong những tổ chức rộng lớn và mạnh mẽ nhất trong phong trào đòi vị trí tối thượng cho người da trắng.
“Phải thú thật là có qúa nhiều điều mông lung chạy trong đầu khi tôi nghĩ đến việc đi lên khu đất này,” Pierce nói với đoàn phóng viên của đài ABC News tháp tùng ông trong chuyến đi.
Cha ông đã mua khu đất rộng 350 mẫu này năm 1985, hy vọng là sẽ có nhiều người Mỹ kéo nhau về khu ốc đảo “chỉ dành riêng cho người da trắng,” và khu đất này sẽ giúp kích động được một “cuộc tẩy uế cho nước Mỹ, như là ông ta dự kiến,” theo lời của ông Pierce. Theo cái suy nghiệm của Pierce thì Tiến Sĩ William Luther Pierce và những đồng chí của ông có hai mục đích: [1] chuyển nước Mỹ thành “quê hương dành riêng cho người da trắng,” và [2] lật đổ chính quyền Mỹ bằng bạo lực nhân danh dân tộc chủ nghĩa của người da trắng.
Mặc dù cha của ông Pierce đã chết năm 2002 và điạ vị của tổ chức Liên Minh Dân Tộc trong phong trào dành quyền ưu việt cho người da trắng vì thế cũng giảm đi, nhưng tinh thần thù hận, và sự tuyệt đối không dung thứ những khác biệt, là nền tảng của phong trào vẫn còn nguyên vẹn.
Thực vậy, các giới chức chống khủng bố đã báo động rằng, sau nhiều năm suy giảm, các nhóm chủ trương thù hận đang một lần nữa phát triển trong nội địa nước Mỹ – một thực tế đáng lo ngại như được phản ảnh bởi chính những gì Pierce nhìn thấy trong lần thăm viếng buổi sáng trời mưa nơi doanh trại ở West Virginia.
“Khu đất đã bị bỏ quên nhiều năm, nhưng nay họ đang có người săn sóc, và họ đang cố làm nó sống dậy,” Pierce nói.
Khi Pierce bắt đầu thương thuyết để được phép đi thăm quanh khu đất, Will Williams, người tân lãnh tụ của Liên Minh Dân Tộc, đã nói với ông: “Mọi người tưởng là chúng ta đã bị đánh bại và hủy hoại. Nhưng chúng ta đã trở lại. … Chúng tôi chắc chắn đã hồi sinh trở lại,” Pierce nhớ lại Williams đã nói thế với ông ta.
Ảnh: Trong tấm hình ngày 24 tháng 8 năm 2004, thành viên của tổ chức Liên Minh Dân Tộc National Alliance đang diễn hành trước toà nhà Quốc Hội cùng với những nhóm kỳ thị chủng tộc khác như bọn trọc đầu Skinheads, và bọn Klansmen KKK trong cuộc biểu tình phản đối ở Washington, D.C., (David S. Holloway/Getty Images, FILE).
Giờ đây thì Pierce đang chạy nước rút để ngăn chặn sự lan truyền của cái mà ông ta gọi là “căn bệnh” thù hận. Chính vì thế mà ông đã mang đài truyền hình ABC News đi cùng tới West Virginia, để mở ra cái qúa khứ kỳ thị của chính ông, cũng như những con quỷ xứ đã nung đốt sự thù hận trong ông, và cuộc đấu tranh ông đã trải qua để đánh bại chúng.
“Có thể có niềm hy vọng từ câu truyện như của tôi,” ông nói. “Nếu như tôi đã có thể vượt qua được thù hận, sự suy nhược tâm thần, và cái cảm giác hoàn toàn vô dụng, thì may ra một người nào khác cũng có thể làm như vậy được.”
Sinh ra trong môi trường tuyệt đối không dung thứ khác biệt.
Pierce được nuôi dưỡng để trở nên một người tuyệt đối không dung thứ những khác biệt.
Như vô số những trẻ con Mỹ khác, khi còn nhỏ Pierce thường mơ ước sẽ viếng thăm thủ đô của nước Mỹ - nhưng cái ước mơ của ông ta khác xa với ước mơ của đại đa số trẻ con khác.
“Tôi nhớ lại tôi đã mường tượng trong đầu việc đi vào thủ đô Washington, D.C., đứng tại một góc phố, với súng liên thanh tự động trong tay, và nã đạn tàn sát những người da đen,” ông Pierce nói như thế với đài ABC News trong lần phỏng vấn đầu tiên. “Tôi thường mơ tưởng đến việc thực hiện điều đó.”
Khi Pierce lên 9 tuổi, cha ông đặt ra quy luật để ông vào chơi ở hồ bơi công cộng: “Nếu có một tên da đen nào đi vào và xuống hồ bơi, chúng ta phải đi ra ngay,” Pierce kể lại. Tại trường trung học, cha ông cấm ông không được tham dự các môn thể thao, bởi vì, Pierce nhớ lại lời cha ông nói, “Con sẽ phải tắm với bọn da đen” – “và, cha tôi đã không dùng chữ ‘Da Đen’ đâu.”
Khi Pierce học đai học, cha ông xuất bản quyển sách “Nhật ký của Turner,” mà những chuyên viên chống khủng bố đã gọi đó là một quyển thánh kinh của phong trào quyền năng của dân tộc da trắng, trong đó cha ông trình bầy cuộc nổi dậy bằng bạo lực chống lại chính phủ Mỹ và một cuộc chiến chủng tộc toàn diện để dẫn tới sự tận diệt người Do Thái, người da đen, và tất cả những người không phải da trắng.
Ảnh: Trong tấm hình chụp ngày 18 tháng 12 năm 2006, hồ sơ lưu trữ, quyển sách ‘Nhật ký của Turner’ của Tiến Sĩ William Luther Pierce viết dưới bút danh Andrew MacDonald trình bầy tại thư viện McClinic ở Marlinton, West Virginia, (Jeff Gentner/AP,File).
“Đây là phản ánh trực tiếp những hoang tưởng của cha tôi, và những hành động mà ông ấy muốn chính mình thực hiện,” Pierce nói về những câu truyện trong quyển sách.
Thế rồi, khi Pierce ở lứa tuổi 20, cha ông mua vùng đất tại West Virginia, từ đó cha ông đã củng cố vị trí của ông ấy thành một trong những người lãnh tụ da trắng độc tôn có ảnh hưởng lớn lao nhất trong lịch sử hiện đại.
Ảnh: Trong tấm hình lấy từ hồ sơ lưu trữ ngày 4 tháng 1 năm 2020, thấy William Pierce, người sáng lập nhóm Quyền Lực Da Trắng, Liên Minh Dân Tộc, ở Hillsboro, West Virginia (Michael Williamson/Báo Washington Post tài liệu của Getty Images)
Ngay chính Timothy McVeigh, tên khủng bố nội địa tàn nhẫn nhất của nước Mỹ cũng là một người đi theo cha ông.
Trước lúc McVeigh bị bắt năm 1995, sau khi đã đánh bom phá nát tòa nhà liên bang ở thành phố Oklahoma, McVeigh gọi điện thọai tới Liên Minh Dân Tộc ba lần để “kiếm nơi trú ẩn an toàn,” lời McVeigh nói trong cuốn băng được ghi âm, ít người được nghe mà ABC News đã có được.
Và khi McVeigh bị bắt, nhân viên công quyền tìm thấy trong xe của y nhiều trích đọan từ quyển sách “Nhật ký của Turner”. McVeigh khai hắn đã mua rất nhiều quyển sách này.
Pierce nói chắc chắn là cha ông đã tuyệt đối chấp thuận việc đánh bom ở Oklahoma với hậu qủa là 168 người đã bị thảm sát – trong đó có 19 trẻ thơ trong một trung tâm giữ trẻ – và làm bị thương 700 người khác.
Ảnh: Nhân viên cứu hỏa ở chân toà nhà liên bang chín tầng Alfred P. Murrah ngày 20 tháng 4 năm 1995, thành phố Oklahoma City, trước khi hướng dẫn báo chí đi qua khu vực đã bị đánh bom thảm sát ngày hôm trước, 19 tháng 4 năm 1995. (AFP via Getty Images, FILE)
“Cha tôi thường nói, ‘Đây là những hậu quả đáng tiếc do những công việc cần phải làm để hoàn thành được mục đích của chúng ta,” ông Pierce nói.
Ai đã gieo trồng hạt giống cực đoan?
Ngay cả ngày nay, Pierce nói ông ta không biết ai là người đã gieo vào đầu óc của cha ông hạt giống cực đoan.
“Nhưng khi cái hạt giống đó được đặt vào đầu, cha tôi ta đã quyết định làm hạt giống nảy mầm, nuôi dưỡng hạt giống và hun đúc phát triển sự thù ghét đó,” ông Pierce nói.
Điều mà Pierce biết rõ là cha ông ta là một “người rất thông minh” có bằng Tiến Sĩ Vật Lý, nhưng không thành công trong nghề nghiệp – và đó là khi cha ông bắt đầu nghiền ngẫm những tài liệu và sách vở kỳ thị chủng tộc như “Mein Kampf” của Hitler, ông Pierce cho biết như thế trong cuộc phỏng vấn.
Ảnh: WIlliam Pierce, sáng lập nhóm Quyền của người da trắng độc tôn chụp ngày 4 tháng 1 năm 2000, trưng bầy tại Hillsboro, West Virginia. Michael Williamson/The Washington Post qua Getty Images, hồ sơ lưu trữ
Đó cũng là thời gian mà cha ông thôi không quan tâm tới con cái của mình nữa – trừ khi ông giận dữ đánh đập chúng vì những điều ông cho là lỗi lầm của con cái, ông Pierce nói thế.
“Điều quan trọng duy nhất đối với cha tôi là làm sao phát huy lý tưởng của ông, và gây nên một cuộc cách mạng ông khao khát muốn xẩy ra,” ông Pierce cho biết.
Cuộc sống của tôi là để thù hận
Bất kể cách cha ông đối xử với ông, - hay đúng ra là chính vì cách đối xử đó – ông Pierce không cưỡng lại được sự thu hút đến gần với lý tưởng của cha ông.
“Tôi suy nghĩ rất nhiều về những điều mà cha tôi dạy dỗ tôi,” Pierce nhớ lại, “Tôi muốn cha tôi nhìn nhận tôi. Tôi muốn cha tôi hãnh diện về tôi. Tôi muốn ông ấy yêu thương tôi.”
Pierce kể lại trong lớp học môn sử ở trung học, ông đã viết một bài về “Những đức tính cao qúi của Adolf Hitler.”
“Đó chỉ là nỗ lực vô vọng của tôi để gây sự chú ý của cha tôi,” theo ông Pierce, ghi nhận thêm là sau đó ông “sống một phần lớn của đời mình như một kẻ thù hận.”
Nhìn lại đời mình, bây giờ Pierce tin rằng ông đã bắt đầu thắc mắc về niềm tin của mình vào chủ thuyết kỳ thị ngay từ khi đang học đại học.
@ ABC News: Kelvin Pierce, 60 tuổi, nhìn vào khu đất mà cha ông đã mua năm 1985 và biến nó thành doanh trại cho Liên Minh Dân Tộc.
Lần đầu tiên trong đời, khi đang là sinh viên tại Virginia Tech ở Blacksburg, Virginia, ông “bắt đầu lãnh hội kinh nghiệm tiếp xúc với những người đến từ khắp nơi trên thế giới… những người của mọi sắc tộc và tín ngưỡng mà ta có thể nghĩ ra được,” ông Pierce nói.
Nhưng phải hơn hai thập niên nữa mới đưa ông tới việc đào sâu vào nguyên cớ đã đẩy ông vào qúa nhiều thù hận như thế.
Ông nói ông đã bị “suy nhược tâm thần – ngay cả có ý nghĩ là cuộc đời ông không còn một giá trị gì – trong một thời gian thật dài,” cho nên khoảng năm 2004 ông đã tìm kiếm sự giúp đỡ qua: “Chữa trị. Cố vấn tâm lý. Học hỏi về niềm tin. Đọc sách nhiều.”
“Và đó là lúc tôi bắt đầu cuộc hành trình thách thức những suy nghĩ của tôi và chấp nhận một cái nhìn tâm linh tổng thể, và nhìn vào con người,” ông nói. “Tôi đã học được rằng tôi không cần phải gắn liền tôi và cái giá trị cá nhân của tôi với tất cả những sợ hãi và suy nghĩ thù nghịch … Và rằng tôi có thể chọn những cách suy nghĩ khác. Tôi có thể đưa tay ra đón nhận những cảm nghĩ tốt đẹp hơn.”
Những người gieo rắc hận thù “cuối cùng, dù họ có thực sự nhìn nhận hay không, thì trong thâm tâm, họ không có cảm nghĩ tốt về chính họ,” ông nói thêm.
Theo ông Pierce, thù hận giống như một loại thuốc phiện: “Anh hút thuốc phiện để có cảm giác hồ hởi, nhưng về lâu về dài, anh sẽ cảm thấy tệ hại hơn.”
Giờ đây, điều làm Pierce vui là công việc của một người thầu khoán và thời gian rảnh rỗi vui chơi với vợ và hai con.
‘Một thời điểm xoay chiều quan trọng.’
Trong những năm sau khi Obama đắc cử thành người Tổng Thống da đen đầu tiên của đất nước, Pierce “bị cuốn hút vào niềm tin” là tinh thần kỳ thị chủng tộc tại Mỹ đã trở nên khả quan hơn.
Nhưng, theo Pierce, cái niềm tin đó đã thay đổi cực nhanh trong cuộc tranh cử năm 2016, khi ông nghe thấy những ngôn ngữ khích động bốc lửa đã được người ứng viên Tổng Thống của một đảng chính trị lớn xử dụng.
Trong tấm hình trên chụp ngày 12 tháng 8 năm 2017, trong khi những người da trắng cực đoan, tân quốc xã, và thành viên của nhóm ‘all-right’ tại Công viên Emancipation trong cuộc mít tinh “Đoàn Kết Phe Hữu” tại Charlottesville, Virginia đụng độ với những người phản biểu tình đang đi vào công viên (Chip Somodevilla/Getty Images, Hồ sơ lưu trữ)
Thế rồi đến tháng 8 năm 2017, lúc mà Pierce mô tả là “thời điểm cực kỳ quan trọng cho tôi,” khi những người chủ trương da trắng độc tôn từ khắp nơi trên nước Mỹ tụ họp trong một cuộc mít tinh bạo động tại Charlottesville, Virginia, đã phô diễn rõ sự thù ghét sắc tộc và chủng tộc lan rộng như thế nào trên nước Mỹ ngày nay.
“Nhìn những người đó diễn hành, mang theo những bó đuốc cháy rực, và hát to, ‘Tụi bay không thể thay thế chúng tao,’ lập tức đưa tôi trở về với thời niên thiếu, về với cha tôi, về mọi thứ mà cha tôi tin tưởng vào và tất cả những điều ông ấy đã cố gắng thực hiện,” lời của ông Pierce.
Một phụ nữ đã bị giết chết trong cuộc đụng độ tại buổi mít tinh, và tuyên bố của Tổng Thống Donald Trump những ngày sau đó là đã có “những người rất tốt ở cả hai bên” trong cuộc mít tinh đó, đã gây nên lo ngại cho ông Pierce.
Bằng cách “xử dụng chia rẽ như một phương tiện để tạo ảnh hưởng và giữ quyền hành,” chính quyền Trump “bây giờ đang phô bầy cho mọi người thấy là sự diễn đạt thù hận công khai trong đất nước này không thể bị tấn công nữa,” theo suy nghĩ của ông Pierce. Trump đã chối bỏ các cáo buộc đó, nhấn mạnh rằng phát biểu của ông chỉ “mang mọi người lại gần nhau.”
Nhưng với ông Pierce thì quá rõ ràng là “một con quỷ sứ đang ngủ yên trong mùa đông, đã thức giấc và bước ra khỏi giấc ngủ vùi.”
Đó là lý do Pierce phải lên tiếng lúc này.
“Tôi nghĩ, ‘OK, nếu tôi có thể làm được cái gì để chống lại việc đó, thì tôi phải làm ngay,” ông nói thế. “Không có thời điểm nào thích hợp hơn để lên tiếng và để người khác biết rằng nếu như có một chút hy vọng nào, trong một phần nào của các thớ thịt của thân thể họ không chấp thuận chiều hướng suy nghĩ của họ, không chấp thuận sống trong thù hận, họ sẽ có thể tìm ra một hướng đi khác.”
Tổng Thống Donald Trump nói chuyện tại Văn phòng Bầu Dục, trong Toà Bạch Ốc, ngày 17 tháng 9 năm 2020 ở Washington. (© Alex Brandon/AP, FILE).
'Kẻ thù của chúng tôi điên dại.’
Trong buổi sáng trời mưa hôm đó tại đỉnh đồi của tiểu bang West Virginia, hướng đi khác mà Pierce vạch ra cho mình đã rõ ràng khi ông đi quanh khu doanh trại cũ của cha ông: Pierce đã nhìn thấy quyển sách của cha mình, biểu tượng của thù hận trên cửa sổ, và huy hiệu của Liên Minh Dân Tộc vẫn gắn chặt từ nhiều thập niên trước trên mặt tiền của nơi thờ phượng trong khu doanh trại.
Theo Trung Tâm Southern Poverty Law Center thì Liên Minh Dân Tộc hiện nay là một trong 70 tổ chức chủ trương thù hận đang hoạt động trong nội điạ nước Mỹ.
“Chúng tôi những người thuộc tổ chức Liên Minh Dân Tộc tin rằng nòi giống da trắng của chúng tôi xứng đáng được bảo tồn,” ông Williams, lãnh tụ hiện nay của tổ chức này nói với ABC News, mặc dù ông ta cũng nói là tổ chức của ông không còn muốn nước Mỹ là một nước chỉ cho người da trắng và họ đã từ bỏ bạo lực. “Chúng tôi, những người chủ chương phân chia sắc tộc, chỉ đòi hỏi một sự chia cách địa lý bằng bất cứ phương tiện nào cần thiết. Sẽ có những người Mỹ trắng chọn lựa tiếp tục sống trong một xã hội đa sắc tộc. Cũng không sao.”
Khi được hỏi liệu những nỗ lực của tổ chức của ông có gây ra bạo động không, ông Williams nói: “Hy vọng không. Chúng tôi muốn một sự chia cách ôn hòa.” “Nhưng chắc sẽ không có hòa bình đâu,” ông [Williams] cảnh báo. “Kẻ thù của chúng tôi là những kẻ điên dại.”
Pierce nói tình trạng hiện nay của phong trào cổ võ quyền lực da trắng siêu việt đã tạo ra “một sự xoay chiều rất lớn lao về phía bất chính.”
Tuy nhiên ông vẫn tin tưởng mãnh liệt rằng, “quả lắc của đồng hồ rồi sẽ quay ngược lại về hướng khác.”
“Có một chút hy vọng,” Ông Pierce nói.
Megan Christie, Alexandra Myers and Emily Ruchalski phóng viên của đài truyền hình ABC NEWS đã cộng tác trong bài phóng sự này.
'My life as a hater': The dire warning from a white power leader's son originally appeared on abcnews.go.com
Nguyên Vũ dịch
Nguồn: Việt Báo vietbao.com