*PHƯƠNG THÀNH NỖI NHỚ
-Con có gia-đình chưa?
-Dạ thưa thầy chưa ạ.
-Vậy thì chọn nhiệm-sở nào cũng được mà, chọn…xa xa cho phỉ chí trai đi con.
Đó là những lời trao đổi giữa thầy Viện-Trưởng Viện Đại-Học Sài- Gòn, Giáo-sư
Trần Quang Đệ, với tôi khi thầy chủ-trì buổi chọn nhiệm-sở của nhóm “thầy giáo
mới ra trường” năm 1965 lúc thấy tôi chần chừ mãi trước bảng ghi nhiệm-sở mà
không chọn …
Bởi thứ hạng thấp nên tới phiên tôi còn những nơi gần cũng như xa nhưng với
giao-thông rất khó-khăn, nguy-hiểm vì dạo đó chiến-sự cũng đã khá sôi động. Lời
khích tướng của thầy Viện-Trưởng làm tôi nổi máu giang-hồ, liền viết ngay tên
một trường ở miền biên- giới Việt Miên lên giấy chọn.
Tới ngày khăn gói lên đường đến một nơi nghe tiếng nhưng chưa một lần thăm
viếng, háo hức vào đời lẫn với sự lo lắng bước đường xa xôi lạ lẫm hiểm-nguy
pha trộn thành một cảm-xúc là lạ hấp-dẩn.
Đoạn đường xe Cần-Thơ/ Rạch-Giá lần đầu đi qua, dù bên đường cũng chỉ là những
cánh đồng lúa bạt ngàn, những chợ làng nho nhỏ, những nhà lá nghèo nàn hoặc mái
ngói nhưng đơn-sơ mộc mạc, những đoạn sông rạch với lục bình trôi ghe xuồng
xuôi ngược…mà tôi vẫn thấy như mình du-lịch ở một vùng đất mới.
Phải qua đêm ở phố-thị Rạch-Giá hôm sau mới tiếp tục được cuộc hành-trình. Ngủ
khách-sạn, ăn cơm tiệm, hỏi thăm đường đi nước bước cho ngày hôm sau.
Khách-sạn, cơm tiệm một mình….tự-nhiên mình cảm thấy mình đã là người lớn; tôi
còn tưởng tượng mai mốt đây sẽ đứng trên bụt gổ trước mặt một đám học trò và
bọn chúng cúm núm một thưa thầy, hai cũng thưa thầy nữa kìa…
Sáng tinh sương tôi đã đến bến tàu Rạch-Giá/ Kiên-Lương với mớ hành-trang chỉ
là sách vở, đôi bộ quần áo, gói xôi vị cho điểm tâm, hai ổ bánh mì thịt cho
buổi trưa và chiều cùng hai, ba tờ nhật báo, tuần báo. Vì đoạn đường này chừng
hơn sáu mươi cây số mà tàu đò đưa khách, thường ghé rước hoặc thả khách nên
chạy đã chậm còn chậm thêm. Do đó, khách đi đường xa thường mướn cái võng
nằm nghỉ thì được thoải mái hơn. Tôi chọn một cái võng giữa tàu để tránh bớt
khách lên xuống. Lần đầu tiên đi tàu kiểu này nên cũng thú-vị; treo mình “ tòn
ten” ngắm cảnh lạ đường xa, nghiền ngẫm mấy tờ báo, rồi chìm vào giấc ngủ …chập
chờn.
Thuở ấy tuyến đường bộ Rạch-Giá / Hà-Tiên dài khoảng chín mươi chín cây số, nếu
tôi không lầm, gập ghềnh lổ hang, sỏi đá …với những cây cầu cũ kỹ. Bên cạnh đó
vì chiến-tranh nên đường bộ không an-toàn. Xe hơi chỉ chạy một đoạn ngắn từ
Rạch-Giá chứ không chạy suốt đến Kiên-Lương, Hà-Tiên. Vì lẽ đó phương-tiện
giao-thông chính là đường sông. Những khách buôn bán, nông-dân, phụ-nữ hoặc trẻ
con, người già thường đi suốt tuyến đường tàu nhưng những thanh-niên, hoặc ai
có làm việc cho chánh-quyền đương-thời thì chỉ đi đoạn đường Rạch-Giá/
Kiên-Lương (hoặc ngược lại), còn đoạn Kiên-Lương / Hà-Tiên thì lên đường bộ đi
bằng xe Lam, nhanh và an-toàn hơn.
|
Kênh đào Rạch Giá - Hà Tiên |
Ngủ rồi thức. Ăn, đọc báo rồi ngủ. Cuối cùng tàu cũng đến trạm Kiên-Lương, nơi
có nhà máy xi-măng tân-tiến của Nam Việt-Nam, khai-thác núi đá vôi vùng này,
cung-cấp xi-măng cho cả nước và hình như có xuất-cảng nữa. Quận Kiên-Lương trẻ
tuổi với nhà máy xi-măng đang phát-triển nên nhà cửa, quán xá khá khang-trang
so với những quận nghèo nàn khác lúc bấy giờ. Nhìn những ngọn núi đá vôi (không
cao to), nhìn khu nhà máy xi-măng độ sộ với những ống khói nhả khói mịt mù
(ngày đêm), một niềm vui bất chợt đến vì sự tiến-bộ về nền công-nghiệp của nước
nhà. Ước mong chiến-tranh đừng lan đến nơi này…
Xe Lam lên đèo xuống dốc trên con đường đất đỏ dài cở ba mươi cây số, làm tung
lên những làn bụi đỏ phía sau, chạy dọc theo mé biển đưa tôi đến quận Hà-Tiên
tịch-mịch, cổ-kính. Bên trái là biển thuộc vịnh Thái-Lan lần đầu nhìn tận mắt,
bên mặt là rừng thưa lai rai mái nhà lá đơn-sơ, thỉnh thoảng gặp vài người dân
quê mộc mạc đi chân đất bên đường, vùng đất mới với cảnh, người mới làm nao nao
lòng khiến tình thương quê-hương trong tôi dạt dào hơn. Bãi biển Thuận-Yên sóng
vỗ nhè nhẹ nằm bên trái con đường với hàng dừa xanh tươi bên mặt dưới chân núi
Tô-Châu đã tới có nghĩa là đôi phút nữa Hà-Tiên sẽ hiện ra trước mặt tôi.
Chiều đã xuống, từ bến đò Tô-Châu tò mò háo hức ngắm nhìn Hà-Tiên nằm im lìm bên
kia sông, đoạn sông ngắn nối vịnh Thái-Lan và hồ Đông-Hồ, tôi đang thở
vào ra không-khí lạ như có pha mùi muối và cá của biển, tôi đang cảm nhận mùi
đất quê-hương nồng-nàn mùi lá rừng, khai-phá bởi ngài Mạc Cửu; vùng đất mới mà
tôi sẽ lăn lốc sống vài năm lúc mới ra trường. Không-gian này, thời-gian ấy đã
hằn dấu sâu sắc trong đời tôi và tôi đã mang chúng theo mãi bên mình từ dạo ấy
đến nay.
PHƯƠNG-THÀNH NỖI NHỚ
Phương-Thành ơi! chợt nhớ em da diết
Mấy mươi năm rồi cách biệt xa xôi
Bao kỷ-niệm thân-thương còn lưu giử
Tên ngọt ngào anh từng nhẩm không thôi.
Đò máy, nằm võng tìm em một thuở
Qua dốc đồi xe “lam” đến Thuận-Yên
Hàng dừa xanh lá rạt rào gió biển
Đưa chân anh ngơ ngẩn đến Hà-Tiên.
Bến Tô-Châu một chiều vàng nắng nhạt
Gió Đông Hồ vờn nước mặn Thái-Bình
Cửa sông nối hồ thơ và biển cả
Dừng chân anh chờ cô lái đò xinh.
Chạm thân em - dạt dào bao cảm xúc-
Thị-trấn đơn côi trấn ải biên-cương
Anh chọn cho lần đầu tiên dấn bước
Vào đời, như tàu thám-hiểm đại-dương.
Sạp báo Minh Xuân, Đại-Tân khách-sạn
Không ngỡ ngàng mà lại rất thân tình
Hiếu khách những chị/ anh/ em biên-giới
Xao động lòng, tim mở đón tình xinh.
Ngôi trường nhỏ nhắn, bạn bè mới gặp
Như là nhà, êm ái những vòng tay
Mai sẽ gặp những học-sinh mộc mạc
Nở nụ cười rạng rỡ đón ngày mai.
Đường Bạch-Đằng nơi đầu tiên ở trọ
Nơi thứ hai , ngỏ Nhật-Tảo thân thương
Ơn nghĩa ấy ghi sâu trong tâm-tưởng
Thời-gian qua nhưng tình vẫn còn vương.
Sau lớp học: Bải Nò , lăng Mạc Cửu
Lang-thang viếng thăm thập cảnh Hà-Tiên
Thương ánh điện (tợ đèn dầu) leo lét
Nước ao sen vẫn ngọt lịm lương duyên.
Đâu sá gì với đôi điều trắc-trở
Như vị cay, gia-vị bửa tiệc ngon
Kỷ-niệm đắng cho cuộc sống thêm dòn
Vẫn trân-trọng xấu/ xinh ngày tháng ấy.
Tình-yêu Phương-Thành làm sao nói hết
Thôi thì giử-gìn trong những hóc tim
Đôi lúc nhớ nhung đem ra ngắm
nghía
Để đời anh không tẻ nhạt im lìm.
Gần đây (18/7/2013) bất chợt tôi cồn cào nhớ về Hà-Tiên, bài thơ Phương-Thành
Nỗi Nhớ thành hình, và xin chia sẻ với bè bạn hôm nay.
Anh Tú (NHA)
September 7, 2013