2014/01/01

LÁ ME BAY

Lá me vương tóc em rồi
Bổng dưng xao xuyến bồi hồi thương ai!
Lá me bám chặt trên vai
Bổng dưng anh muốn mãi hoài bên em.
Anh Tú

Trước 1975, tạm lấy cái móc thời gian này, đã có nhiều cơn gió mọi thời điểm, sáng trưa chiều tối, bất chợt thổi qua làm cho lá me bay bay, bám trên vai trên tóc khách đang  đi qua con đường rất lãng mạn Nguyễn Du, Sài Gòn. Đã có biết bao nhiêu cặp tình nhân dìu nhau, nắm tay nghiêng đầu thủ thỉ những lời âu yếm yêu thương thề non hẹn biển bên hàng me, trong góc nhìn nào đó ...đẹp không thua gì loài phượng vỹ.
Những ai là thời tuổi trẻ sống ở Hòn Ngọc Viễn Đông, nhất là sinh viên mà không một lần dạo bước, dù một mình hay với bạn,  trên con đường nổi tiếng dễ mến ấy thì thật là tiếc rẻ, để đến lúc, có thể những cây me già theo thời gian hoặc vì thời thế chúng phải biến mất.
Đối với thế hệ đã đong đầy kỷ niệm liên quan ít nhiều đến con đường Nguyễn Du, người ta gọi là con đường tình sử / con đường có lá me bay / con đường tình của tôi… thì nó vô hình chung trở thành một nỗi niềm thân thương nằm đâu đó trong quả tim của mình, nếu có sự kiện nào nhắc đến, dù chỉ là nói tên Nguyễn Du thôi thì hồn bất chợt bâng khuâng nhớ về …
Có không ... những ca khúc, bài văn, bài thơ đã viết về lá me bay của những con đường đáng yêu như con đường Nguyễn Du của Sài Gòn xa xưa?
Ít nhất có một ... là bài hát Sài Gòn Trên Đường Nguyễn Du, "có thể là lời của Nguyễn Tất Nhiên nhưng không biết nhạc của ai" :

Sài Gòn Trên Đường Nguyễn Du

Cho nhau trong ngày sống còn
Này chút hân hoan phù phiếm dương gian.
Cho nhau cho từng phút đời
Bùi ngọt trong đắng caỵ
Cho nhau cho từng chút tình
Còn xót trong tim loài thú yêu đương.
Cho nhau cho từng chút người
Dần hiếm khan chốn nàỵ
Hôn nhau, tình yêu giúp ta thêm từng giờ
Nhoà trong ước mơ
Từng khắc hơ ấm nhau tình người
Còn gắng nuôi lòng nhân
Dù trái tim bầm đen.
Hôn nhau, tình yêu giúp ta nghe Sài Gòn
Còn chưa mất tên.
Và lá me rắt trên nụ cười
Đường Nguyễn Du còn thơ
Dù có đau ngẩn ngợ
Đưa nhau qua từng lối đường
Dìu bước lang thang tìm chút hương tan.
Yêu nhau cho ngày bớt dài
Và tuổi xanh trống trôị
Chia nhau chia từng chán chường .
Từng nỗi hoang mang loài thú sa chân.
Chia nhau đôi giòng mắt lệ
Dìu nhau qua kiếp người.

Nguyễn Tất Nhiên


Tôi cũng đã nghĩ về nó và viết:

NHỚ

Hè nay... trời mưa
Nhớ lắm ngày xưa
Đưa em dạo phố
Hàng me lá đổ 
gió đùa!

Sài-Gòn năm nào
Hai đứa bên nhau
Giảng đường đại học
Thời gian ngà ngọc
ngọt ngào!

Sân bay hoàng-hôn
Xao xuyến tâm-hồn
Bồi-hồi đưa tiển
Chia tay vĩnh viễn
mất em!

Dỉ vảng mây bay
Kỷ niệm còn đây
Tóc xanh tóc trắng
Đời vẫn sâu lắng
ngất ngây!

June 22, 2012

Và cùng nghe thêm VÙNG LÁ ME BAY:


Kỷ niệm là niềm vui không thể thiếu của đời sống chúng ta.

Anh Tú
2014

NHƯ CÁ  HÓA  RỒNG

(Từ GỞI KẺ MIỀN XA của Anh Tú) 

Ờ nhỉ!.Nhà thơ nhắc mới hay
Tuy xa tình vẫn mãi đong đầy
Người đi không biết ai chờ đợi
Xin hãy một lần trở lại đây !

Quê cũ tình xưa nở lạ lùng
Khiến tim xao xuyến mộng sầu lung
Nhớ chăng môi ấm còn in dấu
Tàn đông lưu luyến bạn tình chung?

Đầu Xuân xin gửi tặng đóa hồng
Chúc “Kẻ  Miền Xa” : Cá hóa Rồng
Đừng vui đất lạ quên tình cũ
Như bóng với hình tợ núi sông…

Phú Thạnh
01/01/2014


2013/12/31

HỎI

Đêm nay mặt trời đi vắng
Sáng mai vầng trăng ngủ vùi
Đừng hỏi chúng về đâu

Hãy thắp lên ngọn nến
Hãy thổi tắt ngọn nến
Khiêm cung bốn mùa luân vũ
Đừng hỏi chúng buồn hay vui

Khẻ rút kiếm gọt từng cọng cỏ
Mặt trời sáng lóa lau khô giọt mồ hôi
Ở trong ánh sáng rạng ngời
Tôi, Em ngày chạm ngõ.

Hồng Băng
31.12.2013


GỞI KẺ MIỀN XA

Đã cuối năm rồi em có hay
Trời xa đất rộng nước vơi đầy
Tình ta chia cách hoài mong đợi
Em vẫn phương trời tôi ở đây!

Bên ấy mùa đông tiết lạnh lùng
Có ngồi bên cửa ngắm mông lung
Nhớ về quê mẹ bao yêu dấu
Còn giữ trong lòng nghĩa thủy chung?

Nhờ gió gởi em chút nắng hồng
Mang hồn sông núi tổ Tiên Rồng
Và thương nhớ của người xưa cũ
Sưởi ấm tim người xa núi sông.

Anh Tú
December 31, 2013

Hoạ:

TỪ MỘT GÓC TIM

Xuân sắp đến rồi em đã hay
Quê hương mùa Tết nhớ vơi đầy
Biết anh từng phút hằng chờ đợi
Đành phụ lòng ! Em vẫn ở đây!

Từ thuở xa anh em lạnh lùng
Tháng năm duyên phận vốn mông lung
Tủi thân như bị người ta phụ
Nhưng mãi trong tim giữ thủy chung.

Mong núi sông ngập nắng hồng
Sáng danh giòng giống nước Tiên Rồng
Anh hãy noi gương người năm cũ
Được thế! Vui! Dù xa núi sông!

Anh Tú
January 5, 2014
(Mồng 5 tháng chạp Quý Tỵ)





BÀI THƠ CUỐI NĂM

Nước mắt lòng chảy ngược
Rót vào đời chảy xuôi
Mắt vẫn là con mắt
Người phải con người thôi !

Cái có thì đã có
Cái không tự không rồi
Đau đẻ nào cũng đẹp !
Mỉm cười – một cách chơi.

Chuồn chuồn trâu, mỏng dánh
Đậu như xòe cánh bay
Cội buồn vui bất tận…
Say tình như mới say !

Sau khói sương là nắng
Sau lồng ngực – trái tim
Trước không gian tĩnh lặng
Xa vọng tiếng ru chìm.

Quên tình giống cai nghiện
Bạn càng xa càng gần
Thời gian bắn tên lửa
Con người tự hiến thân !

Phong Tâm
30.12.2013






Em mặc áo bình minh , đi xuống phố
Trời sương pha hoa hé nụ dâng hương
Gió ơi cất những gì tôi đã trót
Buổi ban sơ làm bướm ở sân trường.

Em mặc áo trời trưa, sao nắng dịu
Sương dần tan lành lạnh ở đâu đây
Một khỏanh khắc như lằn ranh rất mỏng
Vừa đủ tôi cầm và khẻ mất trên tay.

Em mặc áo hòang hôn, tôi mất dấu
Ráng chiều phai mây lạt sắc buồn hơn
Em vẫn thế! Nét đài trang lẩn khuất
Tôi suốt đời hớt hải gót chân son.

Em mặc áo  đèn vàng hoe, phố huyện
Bước qua cầu, cành nguyệt quế đơm bông
Tôi lóp ngóp dưới dòng sông cố xứ
Vớt bóng tôi xưa, hoi hóp giữa dòng.

Em mặc áo hường nhan, xa ngút mắt
Có bao giờ ngóng vọng cuối trời xa?
Sao lại khóc, đâu có gì hối lỗi
Thảo nguyên xanh còn chỗ một chồi hoa.

Rồi phiêu lãng như đã từng phiêu lãng
Giọt sương xưa về rớt bến sông nhà
Em ở đó, vô tình phơi tóc nhớ
Lại nhìn nhau, ta lại hát khúc ly ca.

Em đã giấu những gì ta chẳng đóan
Cuộc vô thường ráo hỏanh mắt vô minh.

Hồng Băng

                                 

2013/12/30

TÌNH HOA BƯỚM

Nếu hương đêm say dậy với trăng rằm
Sao lại trách người thơ tình lơi lả ?
Xuân Diệu


Nắng sớm vừa lên đê mê đắm đuối
Má em hồng ngọt lịm nụ hôn say
Hạnh phúc đến mừng giọt sương nước mắt
Hương trinh nguyên hoa nhụy hiến dâng ngây.

Vốn nòi tình chập chờn đôi cánh sảy
Dạo rừng hoa quyến rũ chuyện ái ân
Dâng sắc thắm ngất ngây rồi lịm chết
Cũng thoả lòng lãng mạn kiếp phong trần.

Vui phút chốc mà ngàn năm vương vấn
Cánh rã rời vẫn ngửa mặt nhìn trời
Nhụy thành quả dâng đời đâu phí lãng
Tình bướm hoa hạnh phúc choáng chơi vơi?

Anh Tú
December 30, 2013 

NHÂN ĐỌC VÒNG TAY TÌNH THƯƠNG 

Lời ngỏ:
Thư gửi quý bạn trong nhóm có email chuyển cho nhau nhân đọc VÒNG TAY TÌNH THƯƠNG.

December 30, 2013 at 6:34 AM

Các bạn quý mến,

Là 30 tháng 12 dl, 2013 rồi.
Năm mới 2014 bắt đầu vào ngày mốt, chúng ta dù khác nhau ngày sinh nhưng có thể nói là cùng nhau thêm một tuổi. Thêm một tuổi vui hay buồn đây? Tại sao phải buồn? Sống qua một năm là "mừng muốn chết", cảm ơn trời đã ban cho, vui chớ, chúng ta xin trời cho thêm năm nữa, phải không các bạn? Chúc mọi người toại nguyện.
Tôi chọn email này để hồi âm các bạn nhân dịp cuối năm / đầu năm này.
Đồng ý với các bạn cái email chuyển đi này quá tuyệt! Quá tuyệt vì chan chứa tình thầy trò cha mẹ len trong đó là tình bạn của chúng ta, gợi nhớ dĩ vãng đẹp, nhất là thời gian chúng ta là học sinh...Cám ơn người bạn đã chuyển email này thật nhiều.
Không rõ có phải tôi già nhất trong các bạn không nh? Có điều tôi, tại ngôi trường Nguyễn Thông, rồi không biết vì sao lại đổi thành Tống Phước Hiệp, dù tên trường thế nào chúng ta vẫn thương vẫn mến nó, đã học trên các bạn một cấp lớp nếu kể từ niên khoá 1960-1961 về trước.
Có thể do vậy mà khi thầy Nguyễn văn Kỷ Cương về trường tôi đã được học Toán ngay với thầy năm đó, năm tôi học lớp Đệ Tứ niên khoá 1957-1958. Thầy dạy rất hay và nhiệt tình.
Một kỷ niệm về thầy: Trước khi chúng tôi đi thi Trung học Đệ nhất cấp ở Cần Thơ thầy dạy là chúc nhau may mắn bằng chữ "merde" (tiếng Pháp nghĩa là phẩn) theo cách của học trò bên Pháp.
Còn kỷ niệm này nữa: thầy khuyên khi vào lớp thi nhớ đem theo kẹo để ngậm , đường trong kẹo sẽ cho mình nhiều calori giúp trí nhớ minh mẫn hơn và mình sẽ làm bài thi dễ dàng hơn. Khổ nỗi khi vào lớp thi, vì hồi hộp lo lắng đủ thứ nên quên mấy cục kẹo trong túi quần mãi đến hôm sau kẹo chảy ra nhớp nháp mới nhớ lại.
Kết quả kỳ thi Trung học dệ nhất cấp năm ấy rất cao, là bước đầu cho trường của chúng ta có tiếng ở miền Tây.
Cùng về trường với thầy có vợ là cô Phương Đàn dạy Pháp văn thì phải. Các anh học với cô trên tôi một lớp, kể có lần cũng đã chọc phá cô “vô tôi vạ” vì giọng nói của xứ Huế.
Niên khoá 1960-1961, trường TPH chưa có lớp Đệ Nhất, nên sau khi đổ Tú Tài 1 tôi lưu lạc lên trường Trung Học Chu Văn An ở Sài Gòn học để thi Tú Tài 2. Nơi đây tôi gặp lại thầy Nguyễn Văn Kỷ Cương đảm trách chức vụ Giám học. Năm ấy thấy thầy đôi lần; thầy vội vã lắm, chắc vì ngoài công việc ở trường thầy phải gấp rút đi dạy tại các trường khác nữa nên tôi không dám làm bận rộn thầy.
Mấy năm trước biết thầy cô định cư ở Toronto (Canada), tìm được số điện thoại của thầy cô, tôi gọi thăm nhưng hôm ấy chỉ gặp cô Phương Đàn. Nay được biết thầy Nguyễn Văn Kỷ Cương đã mất ngày 5 tháng 9 năm 2011, hưởng dương 83 tuổi.
Thế hệ cha mẹ, thầy cô của chúng ta từ từ rời cõi vô minh này, thế hệ tiếp nối là chúng ta cũng có nhiều bạn đã ra đi, điều đó là tự nhiên, nhắc đến để nhắc, nhắc để mà nhở rằng chúng ta hãy tiếp tục trân trọng vui sống trong những ngày còn lại.
Không rõ sao bửa nay tôi viết thư cho các bạn dài thế- vùng Đông Bắc Hoa Kỳ đang thật lạnh lẻo, sáng thức sớm nằm ỳ trong giường, bị cảm (không biết có phải là cúm không, dù có flu shot nhưng năm nào cũng vướng nó) ...- thấy bài viết về thầy cũ hay quá nên động tâm chăng.
Thân chúc các bạn, một năm mới AN LÀNH.
Thân mến,


Lời ngỏ: 

Bài viết được chuyển đến tôi qua email từ các bạn hữu. Vì tôi là học sinh của nhân vật trong truyện, rất xúc động nên xin chép lại nơi đây. Anh Tú.

Vòng Tay Tình Thương

Các con thân mến, các con sẽ lên đại học, các con sẽ xa cha mẹ, và các con sẽ đem chữ succès (thành công) về cho cha mẹ. Thầy tin tưởng như thế. Nhưng điều chắc chắn là các con sẽ có rất ít cơ hội để ôm mẹ mình, cha mình trong vòng tay âu yếm như hôm nay. Do đó chữ "hiện tại tuyệt vời" các con phải nhớ...

Hàng năm, trường tư thục song ngữ Toronto French School đều tổ chức lễ tốt nghiệp cho học sinh. Như các buổi lễ tương tự của tất cả các trường, phụ huynh học sinh hãnh diện đến tham dự cùng với con em của mình. Dĩ nhiên, còn có sự hiện diện của ban giám đốc trường và các giáo sư.
Năm nay, sau những thủ tục và nghi thức thường lệ, buổi lễ còn có một tiết mục thật xúc động do giáo sư Henri Kỷ Cương đảm trách. Giáo sư Henri, trưởng ban Toán của trường được mời lên diễn đàn. Ông bước ra bục, nhìn vào khán giả, mỉm cười và bắt đầu nói chuyện. Ông nói bằng tiếng Pháp, có một học sinh dịch sang tiếng Anh:
“Kính thưa quý vị phụ huynh học sinh
Các con học sinh thân mến,
Trước hết, tôi xin cám ơn ông Tổng Giám Đốc cho tôi hân hạnh giảng một bài học cuối cùng cho các học sinh tốt nghiệp năm nay. Bài học tựa đề làSự thành công (Succès) và Giờ phút hiện tại (Moment présent).
Tôi xin kể một câu chuyện có thật của đời tôi. Tôi sinh trưởng trong một tỉnh nhỏ miền Nam Việt Nam. Ba tôi làm giáo viên. Đến năm 16 tuổi, sau khi thi đậu bằng Trung Học đệ nhất cấp, tôi xin ba má tôi cho tôi xuất ngoại du học tại Pháp vì ở Việt Nam chiến tranh liên miên. Tôi nhớ rõ ba má tôi rất phân vân. Lương của ba tôi lúc bấy giờ 120$ một tháng, vé tàu đi Pháp khoảng 800$ và còn phải mất khoảng 1000$ để lo hối lộ xin giấy thông hành. Ba tôi cho rằng tôi tiếp tục học ở Sài Gòn cũng được, nhưng má tôi quyết liệt ủng hộ việc cho tôi đi du học. Bà nói ba tôi lo giấy tờ, phần tiền bạc bà sẽ xoay sở.
Tôi biết ba má tôi sẽ hy sinh rất nhiều nên nguyện thầm sẽ cố gắng học cho mau thành tài để đền đáp công ơn cha mẹ.
Từ ngày sang Pháp, mỗi sau kỳ thi cuối năm, được tin đậu là tôi viết thư về nhà và đề ngoài góc phong bì chữ “Succès” (thành công). Khi được thơ, thấy ngay chữ succès, má tôi liền khóc vì mừng: thứ nhất, thời gian xa tôi được rút ngắn đi một năm; thứ hai, đỡ lo thêm tiền học một năm. Về phần ba tôi, chữ succès đem lại cho ông một niềm hãnh diện to tát: ông đi khoe cả trường, cả xóm làng về việc Henri thi đậu Tú Tài I, Tú Tài II, năm thứ nhất đại học v.v...
Có một năm tôi cũng thi đậu nhưng khi viết thơ về nhà quên đề chữ succès ngoài phong bì. Trong thơ má tôi gởi qua, má tôi kể lại: “Má được thơ con, má không thấy chữ succès ở ngoài, má run bắn người, rất lo âu hồi hộp. Chuẩn bị một thất vọng, má không dám mở thơ ra. Nhưng ba con bình tĩnh nói má mở thơ coi trong thơ nói gì. Lúc bấy giờ má mới phát khóc, vừa khóc vừa cười”. Còn ba tôi thì lại đi khoe...
Khi đọc thơ má tôi, tôi rất hối hận. Tôi ứa nước mắt vì đã vô tình làm cho ba má buồn, dù chỉ trong giây phút. Và đây là kết luận của phần đầu bài học:
Các con thân mến, cha mẹ các con muốn gì nơi các con khi hy sinh rất nhiều để cho các con ăn học? Cha mẹ các con không mong các con mang về tiền bạc mà chỉ mong các con đem về chữ succès. Chữ ấy có tác dụng thần diệu (Magic), có tác dụng xua tan tất cả những lo lắng, buồn phiền, mong đợi... và làm họ yên tâm về tương lai của các con.
Ngoài chữ succès rất quan trọng, còn một điều nữa cũng quan trọng không kém. Đó là tình yêu thương của các con đối với cha mẹ. Không ai chối cãi việc cha mẹ thương yêu các con và các con thương yêu cha mẹ, nhưng nhiều khi việc bộc lộ tình thương ấy không rõ rệt.

Tôi xin bộc lộ một cách biểu lộ tình thương: Thiền ôm (Hugging Meditation). Ở tây phương, việc ôm nhau là một ý nghĩa ít sâu đậm. Tôi xin giảng thế nào là Thiền Ôm.
Điều quan trọng là khi ôm, các con ôm với tất cả sự chú tâm và thành khẩn. Đứng trước mặt người mình muốn ôm, mình chắp hai tay thành búp sen, nhìn thẳng vào mặt người đó, mỉm cười và tưởng tượng rằng người ấy vừa về với mình sau bao nhiêu năm xa cách, hay một ngày nào đó, người ấy sẽ phải xa lìa mình. Các con mở rộng vòng tay ra và tất nhiên, người đối diện cũng mở vòng tay vui lòng chấp nhận cái ôm ấy. Việc đó không khó gì giữa cha mẹ và con cái. Các con nên nhớ trong khi ôm:
Ôm thật chặt cha hay mẹ mình, tưởng tượng thân cha mẹ và thân mình sẽ hoà làm một.
Thở ba hơi sâu và chậm, tưởng tượng như hơi ấm của mình và của cha mẹ mình sẽ hoà vào làm một với nhau.
Thì thầm rằng “Ba (má) ơi, giờ phút này con thương ba (má) lắm. (Mom, Dad, here and now, I love you so much hay En ce moment, je vuos aime tant.)
Sau đó Henri và đứa học trò thông dịch biểu diễn Thiền Ôm trước công chúng. Trong khi ôm, em học trò thì thầm: “Henri, tu es mon Papa, je t'aime tant” (Henri, ông là cha của tôi, tôi thương ông lắm).
Henri mời tất cả các học sinh đứng dậy, đi tới trước cha hay mẹ, chắp tay xin được ôm cha hay mẹ mình. Và những cặp mẹ con, cha con ôm nhau trong bầu không khí hết sức nghiêm trang, hầu hết đều chan hoà nước mắt.
Sau đó ông nói thêm: “Tại sao trong khi ôm, tôi có nói thêm “trong giờ phút hiện tại này?”. Các con thân mến, các con sẽ lên đại học, các con sẽ xa cha mẹ, và các con sẽ đem chữ succès về cho cha mẹ. Thầy tin tưởng như thế. Nhưng điều chắc chắn là các con sẽ có rất ít cơ hội để ôm mẹ mình, cha mình trong vòng tay âu yếm như hôm nay. Do đó chữ “hiện tại tuyệt vời” (moment présent, moment merveilleux) các con phải nhớ”.
Henri chậm rãi xá thính giả và bước xuống bục. Ông Tổng Giám Đốc bước đến trước ông, chắp tay xin ôm ông. Và rồi các phụ huynh, các học sinh đến chắp tay xin ôm ông. Và cùng lúc ấy là tràng pháo tay tưởng chừng như vô tận...
Buổi lễ chấm dứt trong một bầu không khí vui mừng, thắm thiết giữa phụ huynh và học sinh.

Nguyễn Văn Kỹ Cương

2013/12/28

San Hậu

Tuồng San Hậu:
Tuồng cổ trang Việt Nam, cải lương pha hát bội.
Nghệ sĩ Thanh Tòng dạo diễn.
Các vai chính:
Hoàng hậu Tạ Ngọc Dung: Thanh Hằng
Thứ phi Phàn Phụng Cơ: Ngọc Huyền
Tam cung Tạ Nguyệt Kiểu: Thoại Mỹ
Phàn Định Công: Thanh Tòng
Các võ tướng Đổng Kim Lân: Vũ Linh; Khương Linh Tá: Linh Tâm
Ấu quân, con Phàn Phụng Cơ: Vũ Luân


Tôi vẫn có suy nghĩ: “Chính những soạn giả Cổ Nhạc là những người mang những ý niệm đạo đức Trung Hiếu Tiết Nghĩa đến với người bình dân chớ không phải những trang sách khô khan, những giáo huấn có tính khuôn sáo”.

Tình cờ xem lại tuồng cổ San Hậu trên YouTube, (do Thanh Tòng đạo diễn với giàn nghệ sĩ mới: Thanh Hằng, Vũ Linh, Ngọc Huyền, Thoại Mỹ… thủ diễn) mới thấy soạn giả ngày trước đã mang hết những giá trị đạo đức đã từng là những giềng mối đạo đức đến với người bình dân. Cho dù cách diễn đạt có thể chỉ còn thích hợp với những cụ ông cụ bà trên dưới 80 mà bây giờ không còn mấy ai, vì tuồng được soạn từ hồi đầu thế kỷ 20. Tuy tuồng có thể không còn thích hợp với những hình thức giải trí mới của người thưởng ngoạn bây giờ, nhưng tuồng vẫn có đủ hết những giá trị Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín; Tam Cương, Ngũ Thường, vẫn có những màn tả diễn tả tình cảm thắm thiết bằng cải lương, hay những những màn trình diễn biểu lộ sự hào hùng của hát bội, hầu hết được quay với những ngoại cảnh. 

Tương truyền, tuồng San Hậu do đức Tả Quân Lê Văn Duyệt soạn thành tuồng hát bội, lấy bối cảnh một triều đình phong kiến (Tề quốc nào đó) với những mưu mô bẩn thỉu để tranh quyền đọat lợi nơi hậu cung và cướp ngôi, đẩy ấu chúa, con thứ phi Phàn Phụng Cơ, giọt máu duy nhất của nhà vua lưu lạc, thứ phi điên loạn… Cuối cùng, mẹ con gặp lại nhau. Tất nhiên tuồng kết có nhân có hậu. Ấu chúa trở về lên ngôi vua, nhưng lại tha chết cho những người ngày xưa đã phạm lỗi. 

Tôi còn nhớ, hồi còn rất nhỏ, vẫn thường nghe ké với người lớn tuồng San Hậu, thu trên dĩa đá 32 vòng chạy trên máy hát quay tay. Dân cả xóm quay quanh máy hát dĩa duy nhất trong xóm, nghe say sưa tuồng hát, cùng khóc cùng cười với cốt truyện, đủ biết những những tác dụng tích cực của tuồng hát đến quần chúng cao đến mức nào. Không biết ngày đó đào kép nào thủ diễn, nhưng đến trước 1975 có một vở cải lương San Hậu (soạn giả: Duy Lân, đạo diễn: Nguyễn Văn Đông) do các đào kép hàng đầu lúc đó thủ diễn (Thanh Nga vai Tạ Nguyệt Kiểu, Hữu Phước vai Đổng Kim Lân, Ngọc Giàu vai Phàn Phụng Cơ, Phượng Liên vai Tạ Ngọc Dung…)

Khi đọc những lời bình luận của người xem vở tuồng cải lương pha hát bội của Thanh Tòng trên You Yube, tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy gần 100% những bình luận được viết bằng tiếng Anh và đưa ra những nhận xét rất đúng, chứng tỏ họ nghe và hiểu tiếng Việt tường tận, dù có nhiều đoạn pha hát bội, lời diễn gần như bằng chữ hán, văn biền ngẫu… Nếu bạn muốn xem trọn bộ vở tuồng này (do Thanh Tòng đạo diễn) bạn cần bỏ ra hơn 5 giờ để thưởng thức.

Chỉ tiếc ngày nay không còn tìm thấy các loại hình giải trí thấm vào lòng người như vậy nữa.

Trong nước, show hài lan tràn trên các sàn diễn đã đẩy lui các tuồng cải lương vì không còn khán giả và đất diễn.

Ở hải ngoại chỉ có những show ca nhạc với những bài hát nói về tình phụ, phụ tình, xen lẫn với những màn quảng cáo thương mại có chút tính rẻ tiền của việc đố nhạc lãnh thưởng, đầy tính thương mại nhưng luôn tự mãn vì cho rằng mình là cơ sở giữ gìn văn hóa Việt Nam… Lâu lắm mới thấy một show ca nhạc có chủ đề.

Người ta tìm giải trí qua các loại phim nhiều tập Hàn Quốc kéo dài ba bốn chục dĩa, với những chuyện tình tay ba, tay tư chồng chéo, phản bội, trả thù… chỉ chú trọng đến lượng hơn phẩm.

Hòa Đa
15 tháng 12, 2013

Nguồn:

HOA MAI…


Hoa mai vàng nỡ rộ ba mươi
Mang phước duyên lành đến mọi người
Già trẻ hân hoan mừng đón Tết
Ước mơ đầy ắp trời Xuân tươi.

Hoa mai sáng nắng sớm lên hồng
Gieo rắc tươi vui bao ước mong
Năm mới như mai vàng rực rỡ
Bình an hạnh phúc thỏa muôn lòng.


Anh Tú
December 28, 2013

2013/12/25

Xướng:

VẮNG ANH  MÙA ĐÔNG

Anh ở đầu đông em cuối đông
Thương nhớ gởi anh chút lửa hồng
Nhúm từ bếp đỏ quê hương Mẹ
Sưởi ấm tình anh cả mùa đông

Em vẫn  âm thầm trông ngóng  anh
Quê ta sông nước vẫn an lành
Chỉ vắng mình anh nên cứ đợi
Đông về gió lạnh lúa vàng hanh…

PHÚ THẠNH
Đêm NOEL 2013

Họa:

TÂM TÌNH XA VẮNG

Xao xuyến trong lòng khi đến đông
Ngồi ngắm hằng đêm ánh lửa hồng
Đất người khao khát tình quê mẹ
Nhung nhớ ngất trời với tiết đông.

Vẫn biết u buồn lúc vắng anh
Mong em luôn sống với an lành
Cách xa thường gợi tình mong đợi
Mưa mãi thì mong chút nắng hanh.

Anh Tú
Sáng NOEL 2013

2013/12/23

CỘI GÌA


Cội Già

Cội già in bóng trời xanh
Lặng im đứng đợi long lanh nắng vàng
Âm thầm “Theo Tiếng Thời Gian”
Nhờ mây mượn gió gởi nàng phương xa
Một mai ai có nhớ nhà
Nhớ cà phê đắng nhớ trà để vương
Hãy mau về lại quê hương
Thỏa lòng mong đợi tình thương cội già

Phú Thạnh
16.07.2013