2014/10/31

TƯỞNG NHỚ
NHÀ THƠ KIÊN GIANG HÀ HUY HÀ
Ra đi vĩnh viễn :
-tại Sài Gòn
-ngày 31/10/2014
-hưỏng thọ 85 tuổi

Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím -

Thơ Kiên Giang - Hồng Vân ngâm HD



HOA TRẮNG THÔI CÀI TRÊN ÁO TÍM
Lâu quá không về thăm xóm đạo
Từ ngày binh lửa cháy quê hương
Khói bom che lấp chân trời cũ
Che cả người thương nóc giáo đường
Mười năm trước em còn đi học
Áo tím điểm tô đời nữ sinh
Hoa trắng cài duyên trên áo tím
Em còn nguyên vẹn tuổi băng trinh
Quen biết nhau qua tình lối xớm
Cổng trường đối diện ngó lầu chuông
Mỗi lần chúa nhật em xem lễ
Anh học bài ôn trước cổng trường
Thuở ấy anh hiền và nhát quá
Nép mình bên gác thánh lầu chuông
Để nghe khe khẽ lời em nguyện
Thơ thẩn chờ em trước thánh đường
Mỗi lần tan lễ, chuông ngừng đổ
Hai bóng cùng đi một lối về
E lệ em cầu kinh nho nhỏ
Thẹn thùng, anh đứng lại không đi
Sau mười năm lẽ anh thôi học
Nức nở chuông trường buổi biệt ly
Rộn rã từng hồi, chuông xớm đạo
Khi nàng áo tím bước vu quy
Anh nhìn áo cưới mà anh ngỡ
Chiếc áo tang liệm kín khối sầu!
Hoa trắng thôi cài trên áo tím
Giữ làm chi kỹ vật ban đầu!
Em lên xe cưới về quê chồng
Dù cách đò ngang cách mấy sông
Vẫn nhớ bóng vang thời áo tím
Nên tình thơ ủ kín trong lòng
Từ lúc giặc ruồng vô xóm đạo
Anh làm chiến sĩ giữ quê hương
Giữ màu áo tím, cành hoa trắng
Giữ cả trường xưa, nóc giáo đường
Giặc chiếm lầu chuông xây ổ súng
Súng gầm rung đổ gạch nhà thờ
Anh đem gạch nát, xây tường lủng
Chiếm lại lầu chuông, giết kẽ thù
Nhưng rồi người bạn đồng song ấy
Đã chết hiên ngang dưới bóng cờ
Chuông đổ ban chiều, hồi vĩnh biệt
Tiễn anh ra khỏi cổng nhà thờ
Hoa trắng thôi cài trên áo tím
Mà cài trên nắp áo quan tài
Điểm tô công trận bằng hoa trắng
Hoa tuổi học trò, mờ thắm tươi
Xe tang đã khuất nẽo đời
Chuông nhà thờ khóc đưa người ngàn thu
Từ đây tóc rũ khăn sô
Em cài hoa trắng lên mồ người xưa.
Kiên Giang
28.05.1958

2014/10/30

Nợ Đời Nầy Xóa Sổ Lại Y Thinh
Thức với đêm tìm bóng chữ lỡ thời
Lượm mót được vài tiếng khô gió rách.
Vừa ấm lưng, ngồi bật dậy rửa mặt
Tỉnh hơn thằng căng mắt ngó hoa khôi.
Quán đầu hẻm, dọn bàn đùa với rác,
Mở hàng: ly cà phê, điếu thuốc thơm!
Thằng bạn xe ôm sà vô, ké luộc…
Ghi sổ chung trên khói vách đen ngòm!
Cô chủ quán chắc ni cô kiếp trước?
Bán chịu mà không bán mất đồng duyên!
Đứa mạt rệp vay tình yêu trả góp
Nợ trần gian, khoác vạt áo nâu thiền!
Lại có kẻ ghiền danh, phiêu phóng lợi
Dựng bia đời…tạ lỗi, vái triền miên!
Ta gọt óc, mài tim, chơi chữ dở
Nợ đời nầy – xóa sổ – lại y thinh!
Thơ lót lưng của thằng người lớ ngớ
Giá ngửa ngang, xếp dưới loại thư tình.
Chắc tiên khởi ta trồng cây giống đực,
Nên mòn đời xách túi đệm phóng sinh!
Phồng ngực thở chung một buồng phổi lá
Màu trinh xanh buông thả dịu thần kinh.
Phong Tâm
23.10.2014
 

2014/10/27

 

SỚM VỘI ĐI*
 
Súng nổ vang rền khắp bốn bề
Chen  cùng pháo rộ đón hồn quê
Ngu ngơ tiếng khóc chào đời  mới
Ngơ ngác nụ cười chạm bến mê
Lăn lóc gió sương nghìn khổ nạn
Vật vờ mưa bão vạn nhiêu khê
Ơn cha nghĩa mẹ đành ly biệt
Sớm biệt trần gian con trở về.
 
Anh Tú
October 27, 2014
*Để nhớ con đầu lòng Minh-Duy và Tết 1968

2014/10/26

NHỮNG QUẢ NHO...DỮ DỘI!
 
 
Đất nước tôi, một rẻo đất tẻo teo khốn khó nép mình bên rìa Thái Bình Dương quan năm giông bão, của cả trời đất lẫn nhân sinh, trong suốt gần một thế kỷ, chưa có một ngày đứng gió.

Mỗi một mười năm, là một cơn dâu bể đầy kinh ngạc của kiếp người, của dân tộc. Không cơn dâu bể nào giống cơn dâu bể nào, ngoài một điểm chung duy nhất: niềm đau.

Những người sinh ra vào khoảng năm 20 phải chứng kiến đất nước bị xâm lăng và đô hộ. Một đất nước không chùn bước trước vó ngựa Nguyên Mông, bỗng một ngày trở thành thuộc địa, đó, chẳng phải là một biến cố lớn?

Nhưng chỉ 10 năm sau đó, những người sinh ra thời 30, phải chứng kiến cảnh đau thương hơn nhiều lần: đất nước chia đôi, nồi da nấu thịt. Súng của ngoại bang chĩa vào da thịt người mình. "Xương chất đầy đồng, máu chảy thành sông". "Niềm đau" có là một từ quá nhẹ?

Mười năm sau, hơn hai triệu con người người sinh vào những năm 40 phải gồng gánh nhau, dắt díu nhau bỏ lại nhà cửa ruộng vườn, bỏ lại phần mộ tổ tiên để chạy loạn. Dân tộc tôi chứng kiến một cuộc di cư lớn chưa từng có trong lịch sử. Và nếu không phải do bị cấm cản, cuộc thiên di ấy có lẽ sẽ còn vĩ đại hơn nhiều. Và như thế, dân tộc tôi đã bắt đầu rách bào, chia đôi, bắt đầu viết những trang sử sau đó bằng nước mắt và bằng máu.

Những người sinh khoảng năm 50, ngắn gọn là: một dân tộc, hai định mệnh! Tôi không còn chữ nghĩa nào hơn để diễn tả nỗi bất hạnh cùng cực ấy.

Những người sinh khoảng năm 60, chứng kiến sự sụp đổ của một thể chế, sự tái thống nhất một đất nước, và sự chia đôi vĩnh viễn của lòng người. 40 năm qua đi mà vết cứa vẫn rịn máu tươi. Vết thương lòng chưa thấy ngày se mặt.

Những người sinh khoảng năm 70 có cơ hội chứng kiến cuộc thiên di thứ 2 trong lịch sử. Hàng triệu triệu con người phải mạo hiểm tính mạng bản thân, gia đình, để tháo chạy khỏi quê hương. Đất nước tôi đó, những năm tháng lầm than, kêu trời không thấu, kêu đất chẳng nghe. Dân tộc tôi lạc lõng, bơ vơ như những con thuyền lênh đênh trên biển.

Và những người sinh vào những năm 80, là tôi đây, 10 năm sau "giải phóng", những-tháng-năm-cấm-vận.

Có lẽ ký ức tuổi ấu thơ là những ký ức hằn dấu nhất, ám ảnh nhất của một đời người. Tôi nhớ hoài mẹ tôi, bà đáng ra còn trẻ lắm, mà dáng đã còm cõi, bà bòn từng đồng, lo chạy bữa cho con. Có những ngày trời mưa, mẹ tôi ngồi co ro bên vệ đường, gánh hàng quạnh hiu. Bà chẳng lo mình sẽ nhiễm phong hàn, chỉ lo làm sao cho đủ sống! Có đất nước nào khốn nạn như đất nước tôi? Có bà mẹ nào khốn nạn như mẹ tôi, người mẹ Việt Nam? Tôi lớn lên, mang theo trong tiềm thức vóc dáng mẹ tôi, còm cõi như đòn gánh, co ro như một dấu chấm hỏi. Một dấu chấm hỏi xiêu vẹo trong những ngày mưa.

Tuổi thơ tôi gắn với những ngày mưa Sài Gòn, xoong chảo nồi niêu, có gì ... hứng nấy bởi cái mái tôn nhà tôi ... "đưa ánh nắng vào nhà" (mẹ tôi bảo thế), đêm nằm có thể nhìn thấy trăng sao. Những khi trời trở bão, gió giật từng cơn, tôi sợ sấm sét chui qua lỗ đinh vào nhà.

Tôi nhớ đôi dép cọc cạch, bên trái con trai, bên phải con gái, mẹ tôi bảo dép "uyên ương". Chiếc bên trái là của anh Hai để lại, chiếc bên phải mới là của tôi. Và cả hai chiếc đều vá chằng vá đụp, bằng chỉ bố, mẹ để dành từ quân phục của ba. Quần áo mới chỉ được bận 3 ngày tết, và cũng là của anh hai tôi để lại. Mẹ luôn mua rộng ra mấy tuổi, anh Hai bận chật rồi đến phiên tôi. Quần áo của con trai đấy, nhưng chỉ cần mới, chỉ cần không ... vá đít là đủ hấp dẫn rồi!

Và quả nho, những quả nho ... dữ dội nhất của tuổi thơ tôi. Tết năm đó, chỉ duy nhất tết năm đó, mẹ tôi mua nho Mĩ về biếu nội. Những quả nho mẹ chắt chiu từ gió sương của cả năm trời, gom góp lại để biếu mẹ chồng dịp tết đến. Những quả nho mập ú, căng tròn, hệt như trong phim Mĩ, giống y chang mấy chùm nho ... giả, loại những quán sinh tố trong xóm hay treo làm cảnh. Trời ơi! Dòn! Mọng! Ngọt! Mẹ đã dặn đi dặn lại không được ăn, mẹ còn cất tuốt lên nóc tủ. Vậy mà mấy trái nho như có ma lực, cái đứa tôi như bị thôi miên! Tôi lén trộm một trái. Trời ơi! Ngon! Rồi 1 trái nữa, rồi trái nữa! Từng trái, từng trái một, như một kẻ đã hoàn toàn mộng mị, không còn có thể cưỡng lại được sự quyến rũ phát ra từ mấy trái nho. Mẹ sẽ đánh nát tay tội ăn vụng, tôi nghĩ, tay ... vẫn tiếp tục công cuộc ... mưu cầu hạnh phúc. Cảm giác tôi lúc đó vừa hoảng loạn, vừa lo sợ, vừa ... sung sướng.  Vừa sung sướng, vừa hoảng loạn sợ hãi. Tột cùng của sự hoảng loạn sợ hãi là khi chùm nho của mẹ chỉ con trơ lại ... cọng. Khốn nạn thân tôi! Rồi tôi sẽ phải sống tiếp phần ... ngày còn lại ra sao đây? Vậy mà mẹ không đánh tôi. Bà chỉ ôm tôi vào lòng ... và khóc, khóc nấc nghẹn lên, khóc trào ra. Khóc như một đứa trẻ. Mẹ tôi đó. Ôm con vào lòng, gào khóc lên như trút hết hơi sinh vào từng tiếng nấc.

Năm tháng qua đi, cuộc đời mang lại cho tôi thừa mứa. Giờ tôi muốn ăn gì thì ăn, muốn đi đâu thì đi, muốn mua gì thì mua. Tôi ngán đủ thứ, chả muốn ăn gì, chỉ còn ăn được mỗi nho. Bởi với nho, tôi không ăn bằng trực giác, mà thưởng thức bằng mùi vị của ký ức. Và vì với nho, tôi mua được một vé đi tuổi thơ. Hai mươi mấy năm trôi qua, ký ức vẫn chưa ráo mực. Mỗi lần ăn nho, tôi thấy mình bé lại, và được một bàn tay vô hình kéo tuột về thủa ấy, những-năm-tháng-cấm-vận. 

Tôi chỉ là một cá nhân, một cá thể, trong một tập thể những con người thế thệ 8x. Và chỉ là 1 thế hệ, trong nhiều thế hệ con người. Nhưng nói như một nhà văn Nga: "Cây đời có hàng triệu chiếc lá, và nói về một chiếc lá, là cũng đang nói về hàng triệu chiếc lá khác".

Cứ mỗi mươi năm, con Tạo quái ác xoay vần, là dân tộc tôi lại được gán cho một định mệnh mới. Tôi đã nghe rất nhiều người bảo tôi "thời em sướng rồi, thời của anh khổ lắm", còn tôi, tôi chỉ thấy thời nào cũng khổ. Và chẳng cái khổ nào giống cái khổ nào. Cái nào cũng "đặc thù" và cái nào cũng "nhất"! 

Người mình khổ quá, đất nước mình đau thương quá. Phải không mẹ? Phải không anh?
Nancy Nguyen
Nguồn:
facebook nancy nguyen
BA MÙA NHỚ

Lá vàng lác đác tiễn Thu qua
Nàng Thu yểu điệu dáng thướt tha
Vẩy vẩy tay chào rồi tạm biệt
Lay lay nhẹ lướt gió Đông phà
Áo màu khoe sắc len choàng cổ
Nàng Đông e ắp nét kiêu sa
Người đi đi mãi ba mùa nhớ
Xuân hẹn người về họp phố hoa

Phan Lương
*Từ THU LUNG LINH của Anh Tú
 
SẦU*
 
Đường đời của tuổi xế tà
Mỏng manh như thể sương sa mịt mù
Tuổi già như buổi chiều thu
Buồn trên thảm lá, lời ru muộn phiền
Kéo dài cuộc sống cô miên
Rồi đông tìm đến triền miên nỗi buồn
Lạnh lùng những lúc chiều buông
Xuôi tay nhắm mắt xót thương cuộc đời!

Hoa Đăng
*Từ BAO XA của Anh Tú
Original photo:Trương Mẫn
 
Original photo: Trương Mẫn
TRƯỜNG XƯA
 
Thăm trường …ngọt đắng chen nhau
Nhớ thuở đi học nghìn xao xuyến lòng
Từ lăn lóc sống long đong
Nâng niu kỷ niệm theo dòng thời gian
Trải qua bao nỗi gian nan
Trường xưa thảm hại nát tan thế này?
Ngậm ngùi giọt nước mắt cay
Vô thường mọi sự tàn phai cuối cùng!
Anh Tú
October 24, 2014

2014/10/23

 BAO XA
 
Ngày rày mưa gió tơi bời
Lá xanh vàng đỏ rụng rơi ngập đường
Loài hoa Thu muộn buồn vương
Chân nai ngơ ngẩn thảm thương tìm mồi
Lạnh từ phương nớ xa xôi
Về đây như thả sầu trôi khắp trời?
Bạc đầu ngọt đắng đầy vơi
Có người còn hỏi đường đời bao xa?

Anh Tú
October 23, 2014

2014/10/22

 
THU LUNG LINH

Lá  màu lót bước em qua
Gió vờn đuôi tóc mượt mà lung linh
Long lanh đôi mắt gợi tình
Nồng nàn theo nắng bình minh gọi mời
Thu về lảng đảng nơi nơi
Có người chợt thấy chơi vơi ngõ hồn!
 
Anh Tú
October 22, 2014

THUYỀN MƠ
Thơ tình có gió có  mây
Du dương điệu nhớ đông đầy yêu thương
Hòa trong cung bậc vấn vương
Nghe như tình  khúc đoạn trường tương tư
Tình Hồng gói ghém trong thơ
Nhận từ cánh nhạn, mang thư từ nàng
Tâm tư chan chứa nồng nàn
Nồng hơn men rượu, ngỡ ngàng ta say
Thơ buồn, thơ vắng bóng ai
Mưa rơi ngở lệ u hoài thương đau
Nắng lên hoa tỏa sắc màu
Hoa tàn trong ánh mắt nâu đợi chờ
Tình riêng nhắn gửi theo thơ
Khắc trên chiếc lá, thương chờ gặp nhau
Từ nơi sâu thẳm thương đau
Hiểu ra thơ đã có nhau lâu rồi
Thuyền mơ, thuyền chở dùm tôi
Chở người em nhỏ qua đồi qua sông
Chở em cặp bến trời hồng
Gặp người em đợi em trông, hết buồn.
Võ Châu Phương

2014/10/21

KHÔNG CÒN MÙA THU
Sáng tác: Việt Anh
Trình bày: Hà Trần


“... Không còn mùa thu, trăng rơi bên thềm
Không còn lời ru, mơ trên môi mềm
Em thơ, như mùa xuân đầu, nối dài đêm sâu
Anh làm mùa thu, cho em mơ màng...”

Ngoài vẻ đẹp quyến rũ làm xao xuyến lòng người, mùa thu với những lời ru, ánh trăng thề, những con đường hiu quạnh còn đem lại cảm giác buồn man mác. Đó là sự hoài niệm về những gì đã qua, về mối tình cũ đã chìm trong quá khứ. Mùa thu đến và đi quá đột ngột, cũng giống như chuyện tình dang dở của cô gái trong ca khúc Không còn mùa thu, để lại bao nuối tiếc và thương nhớ. Những ký ức về cuộc tình cũ cứ hiện về trong tâm trí của cô gái ấy mỗi độ thu sang.

VNExpress

2014/10/17


NGÀY XƯA MƯA ĐÊM*


Mưa đêm rỉ rả buồn côi
Mãi nằm thao thức buồn trôi dòng đời
Mưa đêm gợi nhớ một thời
Chụm đầu tâm sự hiên ngồi đợi mưa


Giờ đây nằm nhớ chuyện xưa
Tiếng mưa réo rắc , gió đưa nhạc lòng
Chắc là em hết còn mong
Chắc là hy vọng trôi dòng theo mưa.


Phan Lương
 *Tiếp thêm ý của bài Mưa Đêm  của Anh Tú

MƯA

Nửa đêm mưa nặng hạt
Nỗi buồn xé tim tôi
Một kiếp đời đơn côi
Cảnh nhà càng hiu quạnh
Lạnh cái lạnh cuộc đời
Nhớ đến người xa xôi
Giờ chỉ là dĩ vãng
Hồn tôi trôi lang thang
Trong hình hài giá lạnh
Cuộc đời tôi cô quạnh
Biết thổ lộ cùng ai
Chỉ mơ đến một ngày
Gặp lại người xưa ấy
Tâm sự nỗi đắng cay
Nỗi buồn đời cô độc
Đã quá nửa đời tôi
Hơn nửa đời đơn lẻ
Khe khẽ nước mắt rơi
Tim nức nỡ nghẹn lời
Ôi cuộc đời cô độc!!!!

Hoa Đăng

2014/10/16


MƯA ĐÊM*

Mưa đêm gieo xuống giọt buồn
Rơi trên mái lá chảy luồn qua hiên
Tí tách đùn đẩy ngả nghiêng
Linh hồn giá buốt vào miền đắng cay
Bóng đen là nỗi đọa đày
Nhn tâm đeo đuổi miệt mài đời tôi.

Anh Tú
October 16, 2014
*Tặng Hoa Đăng

2014/10/15


CHIỀU VÀNG VĨNH LONG

Chiều xuống tan dần trong nắng muộn
Mái chèo khua gợn sóng hồn xưa
Lỡ nguyện ước phương xa trời nhớ
Thèm trở về lặng ngắm hoàng hôn.

Hoàng hôn phủ đôi bờ nhung nhớ
Nhớ bao chiều những bận đón đưa
Dáng ngây thơ bóng gầy nghiêng đổ
Chẻ lụa vàng dài ánh chiều rơi.

Đã qua rồi một thời sôi nổi
Mỗi chiều vàng gợi nhớ Vĩnh Long
Cõi đời riêng tim côi sâu lắng
Của ngày tháng cũ tuổi hồn nhiên.

Kim Phượng

2014/10/14

CON THUYỀN KHÔNG BẾN
Sáng tác: Đặng Thế Phong
Trình bày: Ngọc Hạ


“... Đêm nay thu sang cùng heo may
Đêm nay sương lam mờ chân mây
Thuyền ai lờ lững trôi xuôi dòng
Như nhớ thương ai chùng tơ lòng...”

Là một trong số ít ỏi ba ca khúc của nhạc sĩ bạc mệnh Đặng Thế Phong,Con thuyền không bến cho đến nay vẫn được xem là tác phẩm bất hủ nhất của tân nhạc VN. Từng giai điệu tê tái, não nề của ca khúc này đã để lại dấu ấn không thể phai nhòa trong tâm trí người yêu nhạc VN suốt gần 70 năm qua. Con thuyền không bến được Đặng Thế Phong sáng tác dành tặng riêng cho cô Tuyết - người yêu của ông khi đó. Trong một đêm trắng mùa thu trên sông Thương, chàng nhạc sĩ trẻ đã biến nỗi nhớ thương người yêu nơi xa thành một tuyệt phẩm.
Con thuyền không bến là một hình ảnh đậm chất thơ. Thuyền trôi lờ lững trên dòng nước mênh mang trong một đêm thu chớm lạnh cùng “heo may”, “sương lam mờ chân mây”, “ánh trăng mờ chiếu”. Nhạc sĩ Đặng Thế Phong đã diễn tả tâm trạng khắc khoải, nhung nhớ của những thanh niên trẻ trong thời chiến. Tình yêu của họ bơ vơ, lạc lõng cũng giống như con thuyền trôi bên con sông mùa thu, không biết đâu là bến bờ. Giọng hát khàn đục đặc trưng của nữ ca sĩ Khánh Ly đã thổi hồn và đem đến sức sống mãnh liệt mãi trường tồn cùng thời gian cho nhạc phẩm Con thuyền không bến.

VNExpress

BỒI HỒI TRƯỜNG XƯA

Ngày xưa áo trắng thơ ngây
Tung tăng đùa giỡn lòng đầy mộng mơ
Học trò tình đẹp như thơ
Bao mùa mưa nắng dệt tơ tuổi hồng

Vào đời cuộc sống chênh chông
Tình yêu thuở trước còn không hởi trường
Thời gian xa cách vấn vương
Hoài mong quá khứ lòng dường quặn đau

Trường xưa bạn cũ còn đâu
Tường vôi rêu phủ bạc màu thời gian
Hoa rơi lá rụng cỏ vàng
Ngẫm nhìn lòng mãi bàng hoàng tiếc thương

Rời quê biệt dạng trùng dương
Xứ người lặng lẽ sầu tương từng mùa.
Người đi tiếng trống còn khua
Ngậm ngùi dĩ vãng lòng chua chát lòng

Lật trang ký ức ngược dòng
Gửi vào truờng cũ tình chồng chất cao
Bao Năm gắn bó ngọt ngào
Nụ cười..nước mắt.. tuôn trào xót xa

Tâm tình hải ngoại, quê nhà
Dòng thơ tình nặng mượt mà thắm trao
Trài lòng chia xẻ vui, sầu
Thủy chung một mực trước sau vẹn tình

Xưa nay như bóng với hình
Cùng chung xây đắp giữ gìn nghĩa xưa
Thầy trò chen vai nương tựa
Cảm ơn nhau một chỗ dựa tinh thần

Bạn ơi! Lòng chớ phân vân
Cuộc đời ta chỉ có ngần này thôi
Để lòng thanh thản chiều trôi
Lắng nghe tim ấm bồi hồi trường xưa!


Kim Oanh
Úc Châu 2013

CHẦN CHỜ

Không rõ do đâu tôi có một tật rất tệ: chần chờ. Ba mất sớm, mẹ luôn cần cù siêng năng làm việc tất bật để lo cho cuộc sống và cũng đã khuyên dạy tôi chuyên cần học hành nên chắc chắn không do ảnh hưởng từ mẹ. Còn với quý thầy cô thì khỏi đề cập đến. Từ nhỏ đến lớn vì lựa bạn mà chơi nên các bạn của tôi, nếu không thể nói là tốt nhưng không tệ; nếu biết bạn lười biếng, tôi …rời xa. Đã trải qua thời niên thiếu từ ruộng sâu đất sình với khung trời bình dị, dân tình mộc mạc hòa hoản đã tạo cho tôi cái tánh chần chờ hay sao? Định làm chuyện gì thì không dứt khoát làm ngay mà tự nói thầm…thủng thẳng làm, rồi cũng làm nhưng cái nguy hại xãy ra là đôi khi mất dịp, để rồi sau đó tự trách mình…, với tôi,  đó là tánh chần chờ.
Mẹ, thầy, sách vở nói: chuyện gì làm được thì làm ngay đừng để đến ngày mai. Đã bị thất bại bao lần vì cái tánh không tốt này mà vẫn còn vấp phải.
Như thuở tình yêu còn xanh, tánh chần chờ đã gây bao lần nuối tiếc.
Mẹ nhờ làm chuyện gì cũng thủng thẳng làm, mẹ giận nhưng không nói, âm thầm tự tay làm khi tôi thấy thì mẹ nói “không cần…con nữa!”
Thời thế đẩy đưa lang bạt xứ người, cái xứ chạy đua với thời gian, với mọi người mà cái tánh chần chờ trong tôi không …bỏ được.
Đi tìm việc mà chần chờ ư? Có người cướp ngay!
Đi chợ thấy một món vừa ý, để đó định dạo một vòng …rồi sẽ tính, khi trở lại thì có người mua mất.
Thậm chí, thí dụ chuyện nhỏ sau đây, một ngày đi bộ ở sân vận động thấy một cây viết còn tốt định…nhặt nhưng đã quá bước định bụng đến vòng sau sẽ…nhưng đến lúc đó thì có người khác nhặt mất rồi!
Có một người ông bà con bên vợ tuổi đã cao đang mòn hơi …ở một nơi tôi có dịp đến, định ghé thăm khi ông còn sống dù chỉ thoi thóp. Xuống sân bay xế chiều, con rước, trong câu chuyện hàn huyên biết con đang bị cảm nên không tiện nhờ chở đến thăm ông, thôi để ngày mai. Ngày mai thì ông đã ra đi tối qua…
Gần đây tôi cũng vấp một chuyện tương tự. Thật tình muốn bước tới đưa tay dù đã yếu ớt của mình phụ với mọi người kéo một chiếc xe đang đổ dốc, chần chờ bước đến thì không còn kịp nữa rồi, chiếC xe vuột khỏi bàn tay của mọi người lao xuống dốc đổ nhào tôi nghiệp!
Tự trách! Lại tự trách! Cái tánh chần chờ này như là bẩm sinh trong tôi biết đến bao giờ tôi bỏ được.
Chỉ còn hai chữ XIN LỖI …chiếc xe (yêu thương) đổ dốc kia thôi!

Anh Tú
October 14, 2014

2014/10/13

DẠ KHÚC
Sáng tác: Quốc Bảo
Trình bày: Hiền Thục




 *Viết theo cảm xúc sau khi nghe lén bài Dạ Khúc của Quốc Bảo ở nhà (Facebook) Nhu Thuong Nguyen đêm qua.
Mười sáu tuổi , thời đẹp nhất của con gái , em bằng lòng ngồi sau xe đạp cùng tôi đi suốt con đường Lê Minh Thiệp vào tận quán chè nhỏ xinh xắn ở ngoại ô . Quán chè đậu đỏ bánh lọt dân dã nằm sau cái cổng bông tỏi tím ngắt , quán vắng , không nhạc chỉ nghe gió tre xào xạc man mác tiếng chim . Em và tôi ngồi im lặng suốt trưa , thi thoảng tôi nghe tiếng em khuấy nhẹ ly chè , tiếng lách cách của muỗng chạm ly , tôi nhìn em , em nhìn tôi và cùng lơ đãng nhìn ra cổng .” Thôi về nhé “ - Dạ “ chỉ có vậy thôi, nhớ một buổi chiều.
Một buổi chiều, tôi đến nhà trọ , em bị ốm , khép hờ đôi mắt nhẹ quầng thâm , em đẹp và dễ thương, thánh thiện hơn mọi ngày . Em nằm im trong chăn, mấy ngón tay gầy đan vào tóc , hơi thở em bồng bềnh , một thoáng tim tôi thắt lại . Tay em ấm áp và mềm mại trong tay tôi “ Nhớ uống thuốc và sửa nhé.” Em khẽ gật đầu .
Em khẽ gật đầu chào khi tôi bước hết bậc thang nhỏ hẹp, tối mù, để lên gác trọ trên đường Lữ Gia Sài Gòn . Căn gác chỉ đủ đặt một chiếc giường đôi và chiếc bàn nhỏ , quần áo được treo ngay ngắn trên tường dán đầy báo cũ. Em sống ở đây với người chị , chị của em tiếp tôi ngoài hành lang Cả hai chúng tôi giờ đều là sinh viên , trường em ở gần khu em trọ , còn tôi thì học tận ngoài Thủ Đức. Những buổi chủ nhật hiếm hoi về đây thăm em, tôi vinh dự được hầu chuyện với chị của em .Chị hỏi chuyện học , chuyên ăn, chuyện ở rồi đến chuyện đồng nghiệp , chuyện công sở vv.vv cho đến khi chào chị ra về tôi vẫn thấy em ngồi sau chiếc bàn , mắt nhìn vào vở . Em đứng lên chào , một chút hối tiếc tiễn tôi xuống cầu thang , đèn Lữ Gia vàng vọt.
Đèn Lữ Gia vàng vọt, hiu hắt trong màn mưa sớm mùa hè , taxi ọt ẹt dừng bên vỉa hè đọng nước , em co ro ốm yếu , chiếc áo len hồng nhạt, chờ tôi trong cái lạnh se se của Sài thành , em lên xe cùng tôi,ngày đó chúng tôi ra trường .
Ra trường mỗi đứa một nơi , thời cuộc thay đổi , em ngày càng đi về phía tây theo công ty xây dựng luôn dời đổi , xa dần.. xa dần .. chúng tôi lạc mất nhau.
Chúng tôi lạc mất nhau , hai mươi lăm năm sau , một ngày chuông điện thoại bỗng reo lên , bên kia có tiếng nhỏ nhẹ ngập ngừng : Có phải…ừ thì vẫn khỏe .. ừ thì vẫn vậy.. ừ thì đã có gia đình… tôi dồn dập trả lời …? ! ? ! Thôi khỏe nhe..và tiếng gác máy…nhẹ nhàng khe khẽ .
Nhẹ nhàng khe khẽ tôi đẩy chiếc cổng sắt bước vào sân , nhà thay đổi nhiều, Bác Năm, cha em, tiếng nói vẫn khỏe , châm trà vui mừng tiếp tôi như đứa con đi xa về . Bác gái ốm yếu già hơn nằm trên chiếc giường, thi thoảng nhắc tôi chuyện cũ năm xưa . Hết vài chung trà, bác Năm nắm tay tôi dắt lên cầu thang, miệng luôn nói , nó kêu thợ làm cầu thang rộng rãi như vầy để Ba mẹ dễ lên xuống , nó kêu lát gạch nhám như vầy để Ba Mẹ dễ đi đứng tới lui.. . Đến trước căn phòng đóng cửa Bác Năm khẽ nói : “ Nó ở trong này “ Cửa phòng mở ra, tôi mới nhớ Bác Năm là người tu tại gia , giữa phòng là bàn thờ Phật nghiêm trang ,mùi trầm ngào ngạt. Bác Năm đốt cho tôi một nén nhang chỉ vào một bàn thờ nhỏ khiêm tốn bên cạnh, sau lư hương đầy tàn, hình một thiếu nữ đẹp dịu dàng , ánh mắt bao dung ..” Đốt cho nó một nén nhang đi “
Đốt cho em một nén nhang nghẹn ngào , vẫn ánh mắt dịu hiền đó, em nhìn tôi sau làn khói hương. Chợt nhớ từ lâu rồi, định và chưa có cơ hội nào, ít ra một lần, xin em cho tôi gọi em bằng “ em “
. Thắp cho em một nén hương ,tôi không nói được điều gì dù một tiếng em 

Trung Nguyễn