2019/01/17

Truyện cổ tích: Cái gáo dừa

Ngày xưa, ở một vùng nọ, có vợ chồng kia hiền lành và chăm chỉ, hai người lấy nhau đã lâu mà vẫn chưa có con, họ cầu Trời khấn Phật mãi nhưng vẫn chưa có kết quả.

Hôm ấy, sau khi hai vợ chồng đi lễ chùa về, trời đang nắng bỗng nổi cơn mưa lớn, sấm chớp nổ đùng đùng làm cả hai xanh mặt, vội vã chạy đến một cái miếu nhỏ ở bên đường để núp tạm tránh sét, khi chạy gần đến bậc thềm thì người vợ trợt té, úp bụng xuống đất.

Chồng thấy vậy thì hoảng quá, bồng vợ mang vào bên trong miếu, tưởng rằng vợ bị sây sát gì, nhưng người vợ bảo là chẳng bị trầy trật ở đâu cả, chỉ thấy hơi đau nhói một chút ở bụng mà thôi.

Mưa tạnh trời quang, vợ chồng đưa nhau về nhà và một tháng sau thì người vợ mang thai. Biết rằng Trời Phật đã nhận lời, hai người mừng vô hạn, bèn lấy một phần ba của cải đem đi bố thí cho người nghèo để đền ơn.

Đến ngày khai hoa nở nhụy, người vợ sinh ra được một thằng bé kháu khỉnh trong niềm sung sướng tột cùng. Người chồng bảo:

- Trời Phật đã thương mà nhận lời chúng ta, thì chúng ta phải cố sống làm sao cho xứng với tình thương ấy. Tôi dự tính trích thêm một số bạc nhà mình để sửa lại chùa, mình thấy thế nào?

- Thì mình tính sao em nghe vậy, ân đức này cao bằng trời biển, biết bao nhiêu mà sánh bằng được?

Và thế là ngôi chùa đã được người chồng bỏ tiền ra sửa sang lại khang trang hơn trước.Đứa bé đầy tháng thì ông mang đến lễ chùa tạ ơn và được đặt tên là Phúc để nhớ đến ân phúc Trời Phật đã ban cho vợ chồng họ.

Thằng Phúc chóng lớn và khôn ngoan thấy rõ, mới lên ba mà đã ăn nói như người lớn vậy, hai vợ chồng cảm thấy vô cùng sung sướng và hạnh phúc khi có một người con như thế.

Những tưởng cảnh đầm ấm này sẽ được dài lâu, ngờ đâu sự việc đến không như họ nghĩ, vì cũng năm đó, người vợ lâm bạo bệnh rồi đột ngột qua đời, dù người chồng đã tìm đủ thầy, chạy đủ thuốc.

Người chồng chỉ biết ôm con mà khóc, không ngờ tình cảnh lại thay đổi một cách éo le và nhanh chóng như vậy, mới hôm nào gia đình còn hạnh phúc tràn trề mà nay đã gãy gánh giữa đường, phải chịu cảnh gà trống nuôi con.

Sự đời như thế vẫn chưa yên vì cái rủi vẫn đeo bám ông, quá nhớ thương vợ và khóc lóc nhiều nên mắt ông sưng lên, vài tháng sau thì mờ dần, không nhìn rõ được.

Năm đó lại xảy ra hạn hán, mất mùa, người ăn xin đông như kiến, ông lại có tính hay giúp người nên cơ ngơi của ông cứ thế mà vơi dần. Nạn đói đã bắt đầu xảy ra, người ta giành giật nhau từng củ khoai, bụi sắn mà không còn nghĩ gì đến tình làng nghĩa xóm.

Thấy ông bị mờ mắt, con trai thì còn nhỏ dại, bọn gia nhân của ông ngày trước đói quá hóa liều, đêm hôm ấy chúng đột nhập vào nhà bắt trói cha con ông lại rồi tha hồ vơ vét thóc lúa bạc tiền. Không nhìn thấy gì nên ông chỉ biết tri hô lên cầu cứu, bọn ác nhân liền phang ông một gậy để ông im miệng vì sợ lộ tung tích, thằng bé Phúc còn nhỏ quá nên chỉ biết sợ hãi nhắm tịt mắt lại rúc vào người cha để tránh nạn. Bọn cướp vét hết tài sản của ông rồi bỏ đi, để lại thằng bé khóc lóc ngơ ngác bên xác cha mình. May mà ông chỉ bị ngất đi chứ không chết. Khi người làng hay tin đến cứu thì bọn cướp đã cao chạy xa bay, giờ đây cha con ông chỉ còn cái xác nhà không và mảnh vườn trơ trụi. Ông ôm lấy con mà an ủi:

- Cu Phúc đừng khóc nữa. Bố còn sống đây là được rồi. Thế nào bố cũng có cách gầy dựng lại, cho con ăn học thành người…

Tuy mắt bị mờ, không còn nhìn thấy rõ, nhưng ông vẫn không chịu thua số phận, cố gắng hy sinh tất cả vì con.Thấy con đói, ông lùng sục khắp nơi để lặt từng mớ rau, dò dẫm đào từng củ khoai, củ chuối, lặn lội mò cua bắt ốc để nuôi con qua ngày đoạn tháng.Trời cũng không phụ lòng nên cha con ông vẫn sống sót được, thoát qua khỏi mùa đói khắc nghiệt năm ấy. Ông làm lại từ đầu để gầy dựng cơ nghiệp và lo cho con ăn học, dù có phải làm thuê làm mướn, cực khổ trăm bề, ông cũng không từ nan bất cứ việc gì, miễn sao có cái ăn cho thằng Phúc và gởi nó theo học với thầy đồ trong làng, vui cùng chúng bạn cùng tuổi.

Năm tháng qua đi, Phúc mỗi ngày một khôn lớn và người cha mỗi ngày một già đi, ông vẫn âm thầm lo cho con ăn học mà không quản khó nhọc và sức lực hao mòn. Ngày con trai lên kinh ứng thí là ngày người cha mừng đến rơi nước mắt, vì ước vọng của ông bao lâu nay đã thành hiện thực.

Con đi rồi, ông lần ra thắp hương nơi mộ vợ mà rằng:

- Xin mình chứng giám cho lòng thành của tôi, có thương con thì cầu xin cho nó được đỗ đạt, làm quan vinh hiển để đổi đời cho nó, còn tôi thì phận già ra sao cũng được. Trước sau sống đời chung thủy với mình, vui vầy sớm hôm với con với cháu.

Quả nhiên, người con trai đỗ á khoa kỳ thi năm ấy và được cử làm quan tri huyện trong vùng. Người cha nghe tin mừng không kể xiết, thế là tâm nguyện đã thành, ông nghĩ vợ mình chắc cũng đang mỉm cười nơi suối vàng khi biết con trai đã công thành danh toại.Quan tri huyện Phúc nhậm chức được hai năm thì lấy vợ, nàng là con gái của một phú ông trong vùng, do đó mà cuộc sống cũng khá giả và hạnh phúc.Khi con đã thành đạt thì người cha bây giờ mắt đã lòa đi nhiều, bao nhiêu sức lực đã hao phí khi còn trẻ để làm lụng lo lắng cho con, bây giờ tuổi già, sức yếu, chẳng làm gì được, chỉ biết sống bám vào con trai cho trọn vẹn tuổi già.Quan tri huyện thấy cha đã già yếu, nên lo lắng chăm sóc cho cha rất chu toàn, khiến người cha lấy làm mãn nguyện và sung sướng trong lòng vì mình đã có một người con hiếu thảo.

Ngày tháng trôi đi nhanh như vó câu băng qua cửa sổ, vợ chồng quan tri huyện cũng có một người con trai xinh xắn và dễ thương như vợ chồng ông ngày trước.Mặc dù mắt ông đã mờ nên ông không nhìn thấy rõ gương mặt cháu nội, nhưng ông cũng mường tượng ra được ít nhiều qua tiếng nói, cử chỉ, ông thấy thằng bé cũng thông minh và sáng dạ như thằng Phúc khi xưa, gia đình ông lại đầm ấm và tràn ngập tiếng cười.

Ngày đứa cháu nội lên bốn thì sức ông đã yếu lắm, tay chân run lẩy bẩy, mỗi lần ăn uống thật là khó khăn, mắt mờ nên ông không nhìn thấy, làm thức ăn đổ trong đổ ngoài, người con dâu phải dọn dẹp mãi nên lâu ngày thành ra khó chịu.Đã vậy cứ đôi ba hôm ông lại làm rơi vỡ một cái chén, vì tay ông cứ run cầm cập nên không giữ chặt được, ông cũng lấy làm ngại lắm nhưng không biết làm thế nào vì sức mình đã yếu lắm rồi. Người con dâu thấy vậy tiếc của nên không dám dọn chén kiểu cho ông nữa vì ông cứ làm rơi hoài, cô nàng thay bằng chén sành để lỡ có đánh rơi thì cũng ít hao hơn. Quan huyện lúc đầu không đồng ý, nhưng sau cũng nghe theo lời vợ vì nghĩ rằng mắt cha đã mờ, đâu có phân biệt được chén kiểu hay chén sành.

Nhưng rồi chồng chén sành cũng ngày một vơi đi vì ông cứ đánh rơi mãi khiến vợ chồng quan huyện không biết xử trí thế nào nữa.Người vợ bèn nghĩ ra một cách, liền bảo chồng:

- Hay là ta kiếm cái gáo dừa làm chén để dọn cho cha ăn, nếu lỡ rơi xuống đất thì cũng đâu có bể, khỏi phải mất công thay chén khác.

- Không được, ai lại làm thế với cha bao giờ! Thiên hạ biết được thì còn coi mình ra gì.

- Nhưng cứ mỗi ngày đánh rơi một cái thì làm sao mình kham nổi, vả lại mắt cha mờ nên có thấy gì đâu, chén gì thì cũng vậy thôi.
Người chồng cứ phân vân mãi, nhưng rồi thấy vợ nói cũng phải, nghĩ rằng chắc cha cũng chẳng nhìn thấy gì nên giấu mọi người trong nhà, lấy cái gáo dừa đẽo gọt miệng cho phẳng để làm chiếc chén theo như lời vợ. Đứa cháu nội ngạc nhiên khi nhìn thấy chiếc chén cơm của ông làm bằng gáo dừa, có rơi xuống đất cũng không bị bể, nó cảm thấy lạ lắm, nhưng không lộ ra nét mặt nên bố mẹ nó đâu có biết. Mỗi lần ăn cơm, cầm chiếc chén trên tay, ông nhận ra ngay đó là chiếc gáo dừa, nhưng ông không nói ra vì sợ mất mặt con mình, dù sao con trai mình cũng là tri huyện trong vùng. Tuy vậy, trong lòng ông đau như bị muối xát, chỉ biết âm thầm nén lại mà thôi.

Hôm nọ, quan tri huyện đi công cán ở xa về, nghe lục đục bên hông nhà liền cùng vợ bước đến xem, họ thấy con trai mình đang cầm dao đẽo gọt hai cái gáo dừa khô…Họ lấy làm lạ hỏi:

- Này, con đang cầm dao nghịch gì thế? Không khéo đứt tay bây giờ!Đứa bé hồn nhiên bảo:

- Dạ con đang bắt chước cha đẽo gọt hai cái gáo dừa này thành hai cái chén, phòng khi sau này cha mẹ già yếu dọn cơm cho cha mẹ ăn, lỡ có đánh rơi cũng không bị bể cha ạ.

Hai vợ chồng nghe vậy thì điếng cả người, không ngờ con trai mình lại nói thế, nhưng không trách nó được, vì nó nói đúng quá.

Lòng hiếu thảo và tình thân chợt dâng đầy,
 vợ nhìn chồng, rồi chồng nhìn vợ, cả hai bật khóc, họ hối hận vì những sai lầm của mình đối với người cha già đáng kính, đã hy sinh trót một đời vì mình.Thế rồi hai vợ chồng chạy vào trong phòng, quỳ sụp dưới chân người cha mù lòa, vừa khóc vừa nói:

- Cha ơi, xin cha hãy tha lỗi cho chúng con, cha đã hy sinh một đời vì con, thế mà chúng con đã ngu ngốc khi đối xử với cha như vậy…

- Dù muôn nghìn chén vàng chén bạc cũng không sánh nổi lòng cha đối với chúng con. Vợ chồng con nguyện khắc dạ ghi tâm và xin cha tha cho tội bất kính này.Từ đó vợ chồng người con đối xử với cha rất là hiếu thảo cho tới ngày ông qua đời.

Chuyện đứa bé gọt cái chén gáo dừa kia đã thức tỉnh lòng ta đối với đấng sinh thành, vì công ơn ấy cao tựa Thái Sơn, biết lấy gì bù lại cho xứng được?


2019/01/16

Ảnh: Anh Tú
TUỲ DUYÊN

Tôi làm thơ để qua giờ
 Để qua ngày đợi tháng chờ năm mong
Bao xuân hạ rồi thu đông
Một mình đi giữa mênh mông đất trời
Khác gì hạt bụi chơi vơi
Giữa đời gió bão đâu nơi an bình
Đảo điên bám lấy chút tình
Sắc không, không sắc, quên mình là ai
Tứ đại giả hợp hình hài
Mong manh như giọt sương mai đầu cành
Không ngừng cảm thọ diệt sanh
Tùy duyên mọi sự an lành thân tâm

Khánh Hà
2019
Image may contain: tree, sky, outdoor and nature
THU TÀN

Chiều vàng, cây đứng trơ cành
Suối con in bóng trời xanh cuối ngày.
Nghe chừng có sự đổi thay
Người đi kẻ đến chốn này nay mai.


Anh Tú
Thu 2018
*Ảnh chụp năm 2017 tại Stamford, Connecticut, Hoa Kỳ
̣

2019/01/13


VÀO ĐÔNG

Tàn thu mây xám miên man
Lá xanh theo lối mòn: vàng, khô, rơi!
Giao mùa lắm nỗi chơi vơi
Nhẹ lòng khi nắng hồng mời niềm vui.

Vào Đông chợt thấy ngậm ngùi
Dòng đời vẫn phải ngược xuôi sáng chiều
Tha hương gục mặt buồn hiu
Thả hồn thơ thẩn liêu xiêu nhớ nhà .

Thu đi cho Đông la đà
Gió lạnh ngày ngắn sương sa đêm dài
Cành trơ chào tuyết trắng bay
Bạc đầu hoài niệm về ngày xa xưa.

Anh Tú
December 13, 2018

TÔI ĐÃ...

Như mùa Xuân lá hoa khoe sắc thắm
Như mùa Hạ ve cất tiếng râm ran
Như mùa Thu rừng cây phủ lá vàng
Như mùa Đông tuyết trắng trời giá lạnh

Tuổi vào đời sáng mĩm cười cùng nắng
Chào hoàng hôn với mộng ước xa xôi
Thương tóc thề thích đuôi mắt bờ môi
Không màn đến chuyện giàu sang giai cấp

Đâu biết trước mặt vô vàn khuất tất
Gió đổi chiều chỉ biết đứng ngẩn ngơ
Lại lên đường đeo đuổi những ước mơ
Hạnh phúc lắm khoảng đời vô tư lự!
****
Sáng nay muốn ngoảnh đầu quay ngó lại
Thời gian dài hun hút vất vả qua
Có khoảnh khắc tựa như một bóng ma
Chợt chập chờn hiện ... múa may đùa cợt!

Anh Tú
January 13. 2019

2019/01/08

2019/01/05


HÌNH NHƯ...

Lục bình trôi theo dòng sông
Vui cùng con nước... lớn ròng quanh năm?

Trên trời trăng non trăng rằm
Khi lu khi tỏ … phải chăng vui buồn?

Sáng chiều vang vọng tiếng chuông
Khuyên răn nhân thế... sống luôn hoà bình?

Kiếp hoa rực rỡ đẹp xinh
Điểm trang đời … để niềm tin mãi còn?

Máu hồng cho đỏ lòng son
Trăm năm một kiếp ...có còn thế không?

Ngoài trời lạnh lẽo mưa giông
Vui chăng ...tuyết vắng vào Đông mùa này?

Anh Tú
Jan 5, 2019

2019/01/03

(Cao Khải, Hồng Ẩn - Cựu Học Sinh Nguyễn Thông tiền thân trường Tống Phước Hiệp - Vĩnh Long_Ảnh Nguyễn Cao Khải)

TÔI CÒN NỢ...

Tôi nợ cố tri Ẩn Nguyễn Thông* 

Trời còn cho bạn dịp long nhong
Đường xa ngàn dặm mình tay bắt
Xin hẹn hôm nào tôi đến ông

Mấy năm trước ghé hội hoa đào

Vài dặm đi thêm sẽ gặp nhau
Lui gót mà lòng nhiều vương vấn
Thôi thì dịp khác chuyện vảng khào

Nguyễn Cao Khải


Trả lời:


GỞI THẰNG “ÔNG” KHẢI


Ẩn , Khải chung trường tên Nguyễn Thông

Già rồi  mà vẫn thích long nhong
Mầy theo cánh nhạn chân trời lạ
Tao vượt đường xa kiếm viếng “ông”!

Tao thích lang thang mầy thích đào

Do vậy hai thằng không gặp nhau
Chuyện xưa nhắc lại làm chi nhỉ?
Đối mặt hôm nay hãy nói khào !

Nguyễn Hồng Ẩn/Anh Tú

Jan 3, 2019

*Trung Học Nguyễn Thông của tỉnh Vĩnh Long, sau đổi tên thành Trung Học Tống Phước Hiệp.

2018/12/31


NGỠ NGÀNG

Trở lại vườn xưa thấy ngỡ ngàng
Một thời thân thiết lật sang trang
Cây dừa say trái đà cằn cỗi
Chậu kiểng đầy hoa đã hoại tàn
Bạn hữu đôi người về với đất
Bà con vài kẻ đến thiên đàng
Cúi đầu ngẫm nghĩ điều sinh hoại
Miên viễn bình an hẳn suối vàng?

Anh Tú
December 31, 2018

2018/12/27


Kiên Giang Hà Huy Hà

Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím

Lâu quá không về thăm xóm đạo
Từ ngày binh lửa dậy quê hương
Khói bom che lấp chân trời cũ
Che cả người thương cả giáo đường.

Mười năm trước em còn đi học
Áo tím điểm tô thời nữ sinh
Hoa trắng cài duyên trên áo tím
Em là cô gái tuổi băng trinh.

Trường anh ngó mắt giáo đường
Gác chuông thương nhớ lầu chuông
U buồn thay! Chuông nhạc đạo
Ròn rã thay! Chuông nhà trường.

Lần lữa, anh ghiền nghe tiếng chuông
Làm thơ sầu mộng dệt tình thương
Để nghe khe khẽ lời em nguyện
Thơ thẩn chờ em trước thánh đường.

Mỗi lần tan lễ, chuông ngừng đổ
Hai bóng cùng chung một lối về
E lệ, em cầu kinh nho nhỏ
Thẹn thuồng, anh ngoảnh lại không đi.

Sau mười năm lẻ, anh thôi học
Nức nở chuông trường, buổi biệt ly
Ròn rã từng hồi chuông xóm đạo
Tiễn nàng áo tím bước vu quy.

Anh nhìn áo cưới mà anh ngỡ
Chiếc áo tang liệm khối tuyệt tình
Hoa trắng thôi cài trên áo tím
Thôi còn đâu nữa tuổi băng trinh.

Kiên Giang / Hà Huy Hà

*Cà phê bí-tất là cà phê bỏ vào cái túi vải, ngâm trong siêu (nồi) nước đun sôi để cà phê tan vào nước.

*Kiên Giang (tên thật: Trương Khương Trinh, 19292014) là nhà thơ, ký giả, soạn giả cải lương Việt Nam, nổi tiếng với bài thơ "Hoa trắng thôi cài trên áo tím". Ông còn được xem là thầy của hai soạn giả nổi tiếng khác là Hà TriềuHoa Phượng. Ông còn có bút danh là Hà Huy Hà.

Kiên Giang sinh ngày 17 tháng 2 năm 1929 tại làng Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh Rạch Giá (nay thuộc tỉnh Kiên Giang), là đồng hương của nhà văn Sơn Nam. Năm 1943, ông theo học trường tư Lê Bá Cang tại Sài Gòn.

Ngoài làm thơ, Kiên Giang – với nghệ danh là Hà Huy Hà – còn là soạn giả cải lương rất nổi tiếng thời đó, cùng với Năm Châu, Viễn Châu, Hà TriềuHoa Phượng, Quy Sắc,... Các tác phẩm cải lương của ông có thể kể đến Áo cưới trước cổng chùa, Người vợ không bao giờ cưới, trong đó, Người vợ không bao giờ cưới đã giúp cho nghệ sĩ Thanh Nga đạt giải Thanh Tâm và trở thành một ngôi sao trong giới cải lương.

Trước 1975, Kiên Giang còn làm ký giả kịch trường cho nhiều tờ báo lớn của Sài Gòn như Tiếng chuông, Tiếng dội, Lập trường, Điện tín, Tia sáng,... Ông từng tham gia phong trào ký giả đi ăn mày và dẫn đầu đoàn biểu tình chống lại những quy chế khắt khe do chính quyền Việt Nam Cộng hòa áp đặt lên giới báo chí. Vì hành động này mà Kiên Giang phải vào tù.[1]

Sau 1975, Kiên Giang làm Phó Đoàn cải lương Thanh Nga, kiêm cán bộ Phòng nghệ thuật sân khấu. Ông từng làm Ủy viên Ban Chấp hành Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh qua 3 nhiệm kỳ.

Lúc 18 giờ ngày 31 tháng 10 năm 2014, nhà thơ Kiên Giang qua đời tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 86 tuổi.[2]Ghi nhận những cống hiến của nhà thơ Kiên Giang cho nền văn học nghệ thuật nước nhà, Hoa viên nghĩa trang Bình Dương đã dành tặng miễn phí một mộ phần cho nhà thơ Kiên Giang được yên nghỉ bên cạnh người bạn thân của mình – nhà văn Sơn Nam.

Nguồn: Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

NƯỚC MẮT EM LÀ RƯỢU SA KÊ

Đây là những vần thơ ngẫu hứng bắt nguồn từ chuyện nàng ca kỹ đến thăm nền quán cũ trong phim Nhật "Trà thất dưới trăng thu".

Mỗi lần xem đến cảnh ấy, tôi không ngăn được triều cảm xúc.
Ước mong mấy vần thơ chân thành này góp được một phần nhỏ khơi dòng hứng cảm cho các bạn khi uống chén trà tương biệt và ngắm lần chót hoàng hôn của xứ mặt trời.

Từ ngày phá tan trà thất
Hoa anh đào đã phai rồi
Còn đâu vang bóng một thời
Những chiều chiêm bái mặt trời Phù Tan
Đêm đêm em đến thăm nền quán
Tìm bóng tao nhân giữa bụi mù
Để góp về lòng bao kỷ niệm
Những đêm trà thất dưới trăng thu

Nền quán phơi lòng nằm ngủ lạnh
Nhức rêm từ thớ gỗ vô tri
Khi chân em bước trên nền quán
Lòng gỗ trở mình khóc biệt ly

Em ngóng nhìn trăng, trăng ứa lệ
Rơi vào đáy mắt đọng niềm đau
Bao nhiêu nước mắt đời ca kỹ
Kết tụ thành ngàn khối khổ đau

Nếu phải tri âm tìm quán cũ
Hãy ngồi trên chiếu giữa nền xưa
Rồi em châm chén trà tương biệt
Rót rượu sa kê mở tiệc thừa

Em lót lá vàng kết chiếu hoa
Khói sương… em ngỡ khói hương trà
Uống đi: sương khói hồn ca kỹ
Trên xác anh đào, tình nở hoa

Giả vờ nâng rượu giữa lòng tay
Chưa uống mà lòng đã ngất say
Bốn mắt nhìn nhau ôi đắm đuối
Để em nghe hát khúc chia tay

“Nước mắt em là rượu sa kê
Uống đi rồi sáng mai về cơ binh
Tìm em nhịp khúc giao tình
Trống canh là nhạc quân hành đêm nay

Lá vàng bay
Lá vàng bay
Là nếp nghê thường hay vũ khúc
Anh ơi! Mắt em: mặt trời nước Nhật
Sắp mờ sau bóng cô thôn
Hãy nhìn lần chót hoàng hôn
Kẻo rèm mi khép… không còn thấy nhau”

Hãy ghì ôm nhau trong giấc mộng
Hôn nhau bằng tưởng tượng mà thôi
Hãy hình dung môi dán vào môi
Rồi giữ lấy ân tình ca kỹ
Cái còn lại… mãi là tuyệt mỹ
Là dư hương một mối tình câm
Khi tàn thế kỷ trăm năm
Biết còn gặp lại tao nhân ban đầu
Thời gian: vó ngựa qua cầu
Em nghe móng sắt dẫm nhầu vào tim
Em là hoa nở về đêm
Anh là bướm mộng tìm duyên tao đàn
Những ngày hoa mộng sắp tàn
Bài thơ châu ngọc thay vần thảm thê

Nước mắt em là rượu sa kê
Uống đi rồi sáng anh về cơ binh
Uống cho say ngất men tình
Chờ trăng lặn, thôi phải đành chia phôi

Ngắm đi lần chót anh ơi
Mắt em là bóng mặt trời Phù Tang

Mặt trời sắp lặn
Theo ánh tà dương
Nhưng còn tia sáng dư hương trong hồn
Hãy nhìn lần chót hoàng hôn
Rèm mi đã khép… đâu còn thấy nhau

Kiên Giang/ Hà Huy Hà
Gia Định đêm 25 – 11 – 1959

2018/12/25

CÁNH HỒNG XUÂN HẠ

Xuân hồng về đậu vườn ai
Cánh hoa hứng lấy nắng mai ấm nồng
Trời xanh mây trắng bềnh bồng
Nương gió chuyên chở chút lòng đến em.

Xuân đi hè đến bên thềm
Hạ hồng vẫn đẹp êm đềm thiết tha
Xứ người nhắn hỏi quê nhà
Hồng thay cánh phượng tình xa vẫn gần?

Hạ, Xuân thay đổi bao lần
Hợp tan, vui khổ xoay vần quanh ta.
Hoa nở, giây phút ngọc ngà
Hoa tàn nhụy tạ, xót xa nao lòng?

Anh Tú
July 16, 2013

2018/12/21


ĐÀ CÓ THỂ 

Ngọn lửa bùng lên rồi tắt lịm
Chưa chín cơm nguồn nóng nguội dần
Tình*ta đã xảy ra như thế
Chỉ còn rơi rớt chút bâng khuâng !

Đóm lửa ém trong tro nguội lạnh
Hy vọng nào bùng cháy lại không?
Một mai cơn gió tình bay đến
Đâu chừng có thể thỏa lòng mong ?

Nếu được thế ... nay đà có thể
Nồng nàn trở lại với đa mê
Rừng xưa đơm lá màu xanh mới
Tình đã đi xa rộn rã về !

Anh Tú
December 21. 2018
*Tình văn thơ.

2018/12/18


DƯỚI CỘI BỒ ĐỀ

Nửa đêm thức giấc nhìn trăng
Nhớ người biền biệt xa xăm đêm này
Ở đây nửa mảnh trăng gầy
Nửa kia khuất bóng vui vầy cùng ai
Xa nhau cuối nẻo đường  dài
Gần nhau phút chốc vượt ngoài thế gian
Còn nguyên một cõi mơ màng
Như chưa  dâu biển hợp tan một lần
Còn nguyên một cõi bâng khuâng
Chiều hôm giục giã bước chân ai về
Nổi chìm bến giác giòng mê
Tỉnh ra dưới cội bồ đề chuông ngân

Khánh Hà

2018/12/12

MÃI MÃI NHƯ NHIÊN* 
  (Tặng lệ Thủy ở Cali và bạn bè thân thương.)     
Ngọc Lê, Loán, Xuân Mỹ,Tuyết Ngọc, Thúy Phượng, Lệ Thủy, Yến Phượng,  Phước An, Lê Phước Hải


Hỡi dung nhan chưa bao giờ tàn úa              
Vẫn
đồng tiền trên má lúm làm duyên
Vẫn tươi tắn với nụ cười rạng rỡ
Dẫu nghìn trùng xa cách vẫn hồn nhiên

Ta lữ khách đã ngàn năm sinh tử
Chợt lặng người tỉnh giấc vỗ tay cười
Kiếp làm chồng thế gian sao vất vả
Hạnh phúc nào hơn trốn vợ rong chơi

Là sóng biển hay ta là biển cả
Là tự tình hay nguồn cội yêu thương
Xin một thoáng nhớ bạn bè xứ lạ
Dệt tình thư cho lá đổ sân trường

Xin hẹn lại nơi khởi hành tiền kiếp
Ta rong chơi quên hẳn thế gian buồn
Giữa như nhiên bình yên và thầm lặng
Chim xa đàn xoãi cánh giữa trời thương.

Hồ Hải

*Hồ Hải là bút danh của Lê Phước Hải, một học sinh cũ của tôi tại Trung Học Hà Tiên vào những năm của thập niên 1965-1975, đã rời xa thế giới này trong năm nay<2018>. Bài thơ đưa tôi "trở về" thị trấn biên cương thuở mới vào đời và cả cái không gian đáng yêu khi còn đi học của các em học sinh thân thương.
  Chọn đăng bài thơ này vào blog CHIA SẺ VUI BUỒN của tôi như một lời tạm biệt với em, tạm biệt vì biết đâu khi một ngày nào đó tôi phải dừng "cuộc rong chơi" sẽ gặp lại em.

Nguồn:



        
                          

  




2018/12/09

Mẹo hay giúp hoa, cây cảnh sắp chết héo trở nên tươi tốt



Với những thành phần dễ kiếm hoặc có sẵn ngay trong nhà bếp, bạn cứ hãy tự tin chăm cây, chăm hoa đẹp tươi tốt, rực rỡ không lo cây bị chết héo.

Khi trồng cây, trồng hoa trong chậu trang trí ban công, sân thượng hay bệ cửa sổ, bạn sẽ rất buồn phiền khi nhìn thấy chúng bị chết héo dần. Bạn sẽ càng băn khoăn khi chưa tìm ra cách “cứu” những chậu cây. Đừng vội bỏ chúng đi khi nhìn thấy cây và hoa héo rũ. Hãy thử cách làm trong bài viết dưới đây để một lần nữa được ngắm nhìn vẻ đẹp của thiên nhiên trong ngôi nhà của bạn.
Tất cả những gì bạn cần là:
- Vỏ chuối
- Bã cà phê
- Vỏ trứng
Cách làm
Bước 1: Chuẩn bị máy xay sinh tố để xay nhuyễn hỗn hợp từ nguyên liệu có sẵn. Đầu tiên là bỏ vỏ chuối vào trong máy xay.
Chuẩn bị máy xay sinh tố để xay nhuyễn hỗn hợp từ nguyên liệu có sẵn. Đầu tiên là bỏ vỏ chuối vào trong máy xay.

Bước 2: Tiếp tục đổ bã cà phê vào máy xay.

Tiếp tục đổ bã cà phê vào máy xay.



Bước 3: Bỏ một vài vỏ trứng lên trên

Bỏ một vài vỏ trứng lên trên

Bước 4: Cho thêm một chút nước nhỏ và xay nhuyễn hỗn hợp trên.

Cho thêm một chút nước nhỏ và xay nhuyễn hỗn hợp trên.

Bước 5: Đổ từng thìa hỗn hợp vừa xay vào những chậu hoa có biểu hiện héo rũ.

Đổ từng thìa hỗn hợp vừa xay vào những chậu hoa có biểu hiện héo rũ.

Bước 6: Việc còn lại là chờ đợi sau vài ngày để nhận được sự bất ngờ vô cùng thú vị.

Việc còn lại là chờ đợi sau vài ngày để nhận được sự bất ngờ vô cùng thú vị.


Theo Thảo Nguyên (afamily.vn)