Blog CHIA SẺ VUI BUỒN: Viết, đọc thơ văn là thú vui tao nhã. Xin chép lại nơi đây thơ văn của bè bạn, của tôi và sưu tầm những bài hay của các thi văn sĩ thành danh nổi tiếng, bên cạnh đó là những nhạc khúc, clips, hình ảnh đẹp … để chia sẻ với mọi người cùng tìm chút niềm vui. Anh Tú anhtu010168@yahoo.com.vn
2020/12/18
Lionel Richie - Endless Love ft. Shania Twain
2020/12/13
Internet |
THƯỜNG CÓ LẦN...
Nhón gót ghé nhìn vào dĩ vãng Tìm vùng trời thơ dại ngu ngơ Chỉ biết bắn cu li đá dế Vỡ lòng, mẹ mớm chữ u, ơ.
Chái bếp cạnh căn nhà lá dột Đêm khuya lơ, mẹ vẫn đun rơm Nấu nồi bánh bán rong trong xóm Kiếm chút lời đổi lấy chén cơm.
Giấc ngủ mỏi mòn mơ bóng mẹ Mang trong tim suốt chuyến xe đời Mẹ bám đất bón phân đồng ruộng Con lang thang đất khách quê người.
Mùa lạnh thấy thèm tình mẫu tử Mơ về quê ngoại đám tầm vông Bụi chuối sau nhà xào xạc gió Bàng hoàng nghe tiếng vọng non sông.
Anh Tú 12/12/2020 |
2020/12/07
2020/12/02
2020/12/01
Tác giả trần tình:
Sáng nay, thức dậy việc trước tiên như thường lệ là với tay xé tờ lịch treo tường : tờ lịch 30/11. Những cơn gió heo may lạnh đã dừng bước lập Đông từ một tuần trước. Tháng 12 lại về. Cái tháng không phải là đầu mùa Đông nữa.
Tiết trời hanh hao gió nhẹ và nắng ấm vẫn phủ đầy con rạch trước nhà. Bụi hoa cúc họa mi màu vàng đã bắt đầu tàn lụi dù có vài cơn mua đêm rải đầy sân. Tôi mừng vì tháng 12 đã đến với tôi trong cuộc sống.
Xin long trọng chào đón tháng 12 !
CHÀO THÁNG MƯỜI HAI
Gần hết lịch chỉ còn tháng mười hai
Miền ký ức nhớ hoài mùa Đông trước
Cúc họa mi với loài hoa thược dược
Lẻn đi đâu còn hoa cải màu vàng ?
Tháng 12 như tuổi cao khệnh khạng
Xiêu vẹo buốt da tợ đóa dã quỳ
Vẫn xuân sắc với thơ tình lãng mạn
Gởi người xa một chút nắng mùa sang.
Tôi muốn gom cả bầu trời xanh thẳm
Và trái tim rực lửa đã hong khô
Trao về em với mối tình sâu dậm
Kèm lời ca ý nhạc gói trong thơ !
Chúng mình già nhưng thơ anh ướp mộng
Vẫn say nồng khi máu chảy về tim
Ở phương ấy tâm tình em chắc mỏng
Nhưng nơi đây nỗi nhớ mãi dầy thêm !
Dương hồng Thủy
01/12/2020
2020/11/27
TUYẾT ĐẦU MÙA
Định cư tại vùng đất này khá lâu tôi có bao giờ để ý tới những trận tuyết đầu mùa đâu.
Nói gì lần đầu tiên gặp tuyết lúc mới định cư tại Hoa Kỳ coi như đã mờ mịt trong ký ức. Lúc đó bở ngở với mọi thứ cho đời sống của một gia đình nơi xứ lạ, ngôn ngữ bất đồng, không tiền bạc, không nghề nghiệp phù hợp với xã hội mới …thì tâm trí đâu để ý đến chuyện tuyết rơi.
Hình 1 |
Lăn xả vào cuộc sống với hai bàn tay trắng thì tuyết là một trở ngại đáng ghét khi Đông về. Lạnh rét, trơn trợt, càng nguy hiểm hơn khi trở thành nước đá nếu nhiệt độ hạ xuống thấp thì màu tuyết trắng…là màu tượng trưng cho sợ hải..
Phải dọn tuyết cho con đường vào nhà, tuyết rơi ít thì việc này là việc nhỏ nhưng nếu tuyết nhiều hoặc thường xuyên thì cũng …làm đau lưng lắm. Người địa phương nếu có tiền thì họ mua máy thổi tuyết hoặc mướn người cào còn như mình, dân tha phương cầu thực, đã sống và lớn lên tại đất nước nghèo khổ thì chịu khó tự lo toan để tiết kiệm thêm ít tiền mua gạo. Những lần cầm xẻng xúc tuyết … ném tuyết đi đôi khi cũng cho tôi những hoài niệm về quê nhà dấu ái. Vốn xuất thân từ giai cấp bần cố nông, đào rãnh vét mương, đấp bờ ngăn nước…là chuyện thường ngày; rồi những lần lao động xã hội chủ nghĩa đào kinh thủy lợi, đắp đê nuôi tôm xuất khẩu năm nào thì chuyện xúc tuyết chỉ là chuyện đi dạo chơi ngắm cảnh mà thôi. Đôi phút nhớ về như thế cũng đã làm chùn dạ kẻ xa quê hương. Thiển nghĩ dù có nhọc nhằn nhưng đôi bàn chân dẫm lên đất mẹ, đôi tay chay cứng nắm cái xẻng cán bằng cây, lưởi thép rèn từ lò rèn thủ công, đầu đội trời xanh thăm thẳm, nắng chang chang, mũi thở mùi đất…nồng mùi rạ mục, mắt nhìn quanh thấy bà con tóc đen, mũi tẹt nói …tiếng độc âm thì tâm tư ấm áp vô cùng. Điều này nói ra nếu có là cường điệu đi chăng nữa nhưng nó là sự thật đã nằm sâu kín trong góc tim khi xa quê cha đất tổ.
Những bở ngở ban đầu nơi xứ lạ rồi cũng qua đi. Nhập giang tùy khúc, nhập gia tùy tục, bụng đói thì tay phải làm…để hàm nhai nghĩa là phải hội nhập. Một trong những cái hội nhập phải biết lái xe và phải mua xe, dù mới dù cũ; mua xe để làm phương tiện di chuyển chứ không phải để…làm của, khoe sang. Lần lái xe đầu tiên, cái gì đầu tiên cũng…run, thực tập để thi lấy bằng lái, lần đầu tiên đưa vợ đi chợ đi làm, đưa con đi học, lần đầu tiên lên xa lộ xe cộ như mắc cửi chạy vùn vụt …đều run! Khỏi nói lần đầu tiên lái xe khi đường có tuyết còn run gắp nhiều lần, xe nó lạng qua lại, thắng thì xe quay đầu hoặc cứ …trườn tới mãi! Riết rồi cũng quen: ngày qua ngày kinh nghiệm tích lũy cho việc lái xe trong tuyết nên bớt sợ hãi nhưng luôn luôn phải cẩn trọng.
Nhớ có lần lái trên đường tuyết đổ bằng chiếc xe con “front wheel drive” (tạm dịch là loại hai bánh trước phát động; loại này khá hơn loại hai bánh sau phát động, và thua loại bốn bánh phát động khi đi trong tuyết) lái một cách khép nép, từ tốn, chậm rãi sát lề thì có chiết xe Jeep “four wheel drive” (bốn bánh phát động) chạy vù qua mặt, vừa qua mặt một đổi thì chiếc xe ấy quay như bông vụ; có lẽ do tài xế thắng gấp thì phải.
Có lúc đi làm “ca” hai, tôi luôn về khuya. Một hôm dưới một trận bảo tuyết giữa đêm, tám hướng tuyết trắng xoá, phải lái xe như rùa bò theo sự đoán mò phương hướng của con đường về nhà. Theo cách này xe bị leo lề đường …dễ xảy ra như chơi. Căng mắt lên để lái xe, miệng niệm “Di Đà” và trời lạnh thế mà thân thể đẫm ướt mồ hôi.
Tuy nhiên, thuở ấy còn…phong độ nên nàng tuyết hành hạ cở nào cũng không có ngán.
Những năm gần đây khi vào tuổi hưu, mỗi lúc Đông về thì bắt đầu để ý đến tuyết đầu mùa, thầm vái trời mùa Đông mỗi năm càng ít tuyết càng tốt vì đã ngán cái lạnh thấu xương và cảnh lom khom xúc tuyết. Dù vậy đôi lúc cũng thấy tuyết đẹp khi nhớ lại thời đi học xem phim L’Arbre De Vie (thuở ấy dịch là Cây Nhân Sinh) mê đào Elizabeth Taylor vận y phục màu đỏ nằm trên tuyết trắng như bông gòn.
Hôm 29/10/2012 nàng “ superstorm” Sandy tấn công vùng Tri-State (New Jersey, New York và Connecticut) ở bờ Đông Bắc Huê Kỳ gây cảnh màn trời chiếu đất, mất điện, mất nhà, dân chúng chưa kịp hoàn hồn thì một trận bão mới gọi là Nor’easter có gió mưa tuyết tấn công nơi này lần nữa. Thật là “họa vô đơn chí”. Có thấy được những hình ảnh tàn phá nhà cửa khủng khiếp tại những nơi mà trung tâm bão lướt qua làm người dân ở đấy mất tất cả, sống vất vưởng trong giá băng thì mình đang êm ấm trong nhà mới cảm nhận được cái phúc to tát mà mình đang hưởng.
Ngày 7/11/2012, trận bão mới bắt đầu, tuyết đầu mùa bắt đầu rơi khi trời sắp tối.(H1).
Sáng hôm sau thức dậy thấy tuyết đã rơi phủ đầy sân(H2), tuyết bám trên cành cây, tuyết phủ những đống cây ngả (do Sandy gây ra) được gom lại…(H3,4)
Sáng 9/11/2012 do nhiệt độ ấm trở lại, tuyết đã tan phần nào, chúng tôi đến sân vận động gần nhà nơi mà mỗi sáng thường đi bộ. Thấy trên sân có một “tảng đá” bằng tuyết(P5), chắc do ai đó đến đùa với tuyết hôm qua đắp thành.
Lạnh lẽo, ướt át …khó làm công việc dọn dẹp ngoài trời, một cháu nội đến trường còn một đứa ở nhà cũng dễ “quản lý”, có chút thì giờ nên ngồi xuống ghi ra bất cứ những ý nghĩ gì liên quan đến tuyết chợt xuất hiện trong đầu để đánh dấu một móc thời gian và chuyển đến bè bạn đọc chơi để … “giết” thì giờ.
Anh Tú / NHA
Mùa bầu Tổng Thống Hoa Kỳ
November, 2012
Hình 2 |
Hình 3 |
Hình 4 |
Hình 5 |
2020/11/21
VÀI NĂM THÀNH MUÔN THUỞ
(Cho hương linh Cô giáo Trần Ngọc Điệp, từ trần lúc 20:30′ ngày 30/10/2020 dương lịch nhằm 14/9 âm lịch tại Rạch Giá Việt Nam)
Cô Trần Ngọc Điệp, cô giáo trường Tiểu Học Cộng Đồng Hà Tiên trong những năm 60-70
Chung cảnh ngộ xứ xa.
Đất Hà Tiên dấn bước
Mê phấn trắng bảng đen
Góp phần cho đất nước
Dắt tuổi trẻ sách đèn.
Ba người thêm cô Út*
Anh em kết nghĩa tình
Ngắm ráng chiều bên núi
Đón tia nắng bình minh.
Chia sẻ kinh nghiệm sống
San sớt nỗi buồn vui
Vài năm thành muôn thuở
Kỷ niệm không chôn vùi.
Mỗi nơi …nửa thế kỷ
Một sáng… sóng bùi ngùi
Cô Ba đi về đất
Để thương tiếc không nguôi.
Hãy yên nghỉ người hởi
Tình nghĩa dầy còn đây
Trong lòng kẻ ở lại
Vẫn mãi mãi đong đầy!
Sẽ sum vầy lần nữa
Chốn an bình thiên niên
Bốn chúng ta tay bắt
Mặt mừng vui viễn miên!
Nguyễn Hồng Ẩn (Anh Tú)
November 20, 2020
*Anh Cả: Nguyễn Hồng Ẩn
*Anh Hai: Huỳnh Văn Hòa
*Cô Ba: Trần Ngọc Điệp
*Cô Út: Tăng Mỹ Ngọc
**********************************************
NHÓM BẠN GIÁO CHỨC HÀ TIÊN XƯA
Sau khi viết xong VÀI NĂM THÀNH MUÔN THUỞ, tôi mới viết được câu chuyện năm xưa:
Năm 1965, tôi đến Trung học Hà Tiên sau khi ra trường.
Tại thị trấn biên cương này, tôi quen biết nhiều đồng nghiệp Trung, Tiểu học; họ rất thân thiện, dễ mến.
Tuổi thanh niên năng động, còn ham vui mà mang vào mình trọng trách là nghề giáo, đến làm việc tại nơi cô liêu, u tịch, hình như bị cô lập với các thị thành náo nhiệt gần đó do chiến cuộc nên tôi cảm thấy buồn tẻ lắm.
Tuy nhiên, vốn bản tính thích thiên nhiên nên sông núi biển đất Giang Thành, với học trò tính tình hiền hoà chân thật ham học, cùng một số đồng nghiệp trẻ xa nhà như mình thì tất cả là những niềm vui, những an ủi vô biên cho tôi.
Trong số bạn đồng nghiệp hợp tính nhất có cô giáo Trần Ngọc Điệp, Tăng Mỹ Ngọc và anh Huỳnh Văn Hòa. Theo thời gian, chúng tôi cùng rong chơi vài thắng cảnh quanh thị trấn khi rổi rảnh, lúc cuối tuần thì thân tình nảy nở dần dần, nên một trong chúng tôi đề nghị kết nghĩa anh-chị-em. Theo tuổi tác lớn đến nhỏ, tôi là anh Cả, Hòa là anh Hai, Điệp là cô Ba và Mỹ Ngọc là Út.
Tình bạn của chúng tôi thật trong sáng, giữ gìn bền chặt trong lòng cho dù sau này chúng tôi có chuyển nhiệm sở khác, hoặc trải qua bao biến động của thời cuộc.
Nhớ lại: khi tôi lập gia đình, 22/8/1967, đám cưới được tổ chức tại Vĩnh Long, do tình thế dạo ấy, tôi đã không có thể biết các bạn ở nơi nào để thông báo hoặc mời vì các bạn đã thuyên chuyển khỏi Hà Tiên. Thế mà một bất ngờ, không rõ do thông tin từ đâu mà ba bạn quý, cô Ba Điệp, Cô Út Mỹ Ngọc và cô Cưởng đột ngột xuất hiện khiến tôi cảm động vô cùng.
Quý đồng nghiệp đến dự đám cưới của Nguyễn Hồng Ẩn ngày 22/08/1967.
Từ trái qua phải: Tăng Mỹ Ngọc, Nguyễn Hồng Vân, Nguyễn Hồng Ẩn, Trần Ngọc Điệp, cô Cưởng.
Tôi thì gắn bó nhiều với anh Hòa : do là trai cùng
lứa tuổi nên gặp nhau tại Quân trường Thủ Đức, gặp lại nhau khi tôi
về dạy học tại Cần Thơ rồi Bình Minh Vĩnh Long, gần quê nhà của anh,
và cùng lên đường tù “cải tạo”.
Một lần vượt biển không thành công, tôi có gặp lại cô Điệp tại Rạch Giá, túi bị rổng, nên được cô cho mượn tiền để đi xe về Vĩnh Long.
Những năm gần đây, do tiến bộ về tin học, chúng tôi tìm gặp lại nhau và liên lạc dễ dàng hơn.
Ngày 31/10/2020, khoảng 2:30 sáng, giờ bờ Đông Hoa Kỳ ( tức ngày 31/10/2020 khoảng 2:30 chiểu giờ Sài Gòn Việt Nam) tôi thức giấc, thói quen liếc qua phone thì thấy tin nhắn của cô học trò cũ ở Hà Tiên, Lâm Lan cũng là bạn đồng nghiệp với cô Điệp, báo tin Điệp vừa “ra đi”.
Dù biết rằng sẽ có “ngày này”, nhưng lòng tôi xót lắm, ngẩn ngơ.
Bình tâm lại, tôi muốn viết, viết cái gì đó về nhóm bạn của chúng tôi…cho cô Ba và cho ba người còn « ở lại » khi chưa xong “nợ đời”- món nợ đời mà ai cũng muốn trả hoài không hết (!?) – viết để tiển đưa, an ủi cô Ba, mong linh hồn cô chứng giám được.
Cầu nguyện hương hồn cô Trần Ngọc Điệp sớm siêu thoát.
Hãy an nghỉ nhe cô Ba!
Nguyễn Hồng Ẩn <Anh Tú>
November 21, 2020
(Viết thay cho nhóm bạn cũ tại Hà Tiên: Cô giáo Cưởng, Huỳnh Văn Hòa, Tăng Mỹ Ngọc và Nguyễn Hồng Ẩn)
2020/11/18
Tôi đi Biên Hòa thăm Thầy Võ Đăng Lành sáng nay từ 7g sáng, 11g trưa về tới nhà.
Tôi còn nhớ lần trước đi thăm Thầy Lành trong cơn bão rớt đang lướt qua Sài Gòn. Lần này trời cũng vần vũ thiên hôn địa ám với cơn bão ghê gớm hình thành ngoài biển Đông đang rầm rập tiến vào miền Trung.
Trước lúc đi, thầy Lành có phone báo Thầy đã đỡ nhiều rồi, nhưng tôi vẫn quyết định đi, trước là đem thuốc cho Thầy uống sớm (số thuốc này chị Lê Thị Hồng Cúc, một cựu học sinh ĐTĐ đã tài trợ 1 triệu), sau là thử sức coi sau hơn hai tháng vật lý trị liệu, đốt sống kiêu kỳ của mình nó có chịu nổi suốt tiếng đi tiếng về trên Grabcar hay không.
Không nằm bệnh dài ngày nên Thầy Lành không sút mấy, chỉ bị quật do huyết áp lên xuống bất thường gây nguy hiểm đến tim mạch, gây choáng váng không thể chuyển động và tức ngực muốn tắt thở. Một điều rất lạ là mắt Thầy giờ sao bỗng sâu hoắm và thâm đen như không có tròng, có lẽ từ lâu đôi mắt đó đã không làm được công việc của chúng, nên chúng bị teo đi chăng?
Dù còn yếu, Thầy vẫn muốn ra ngoài khi tôi mời Thầy đi ăn sáng. Thầy nói Thầy ăn uống không gọn sợ bất tiện cho tôi, nhưng tôi nói có em servir Thầy lo gì. Thầy vui nên nói chuyện huyên thuyên, nói xong thở dốc. Tôi hiểu Thầy cô đơn quá nên muốn hưởng cảm giác có người dìu lên xe, có người múc thức ăn cho, có tiếng nói con người bên tai, nhắc Thầy nhớ những chuyện ngày xưa, cái thuở vàng son của một giáo sư trẻ, nói tiếng Pháp như gió với accent thật "tây"...
Thầy ăn chỉ được hai cục
hoành thánh, rồi cứ ngồi trệu trạo khóc. Thầy nói Thầy mong lần nguy hiểm mới
đây đem Thầy đi theo Cô, nhưng chắc nghiệp Thầy còn nặng nên rồi Thầy cũng tự
bò dậy...
Bao giờ cũng vắng lặng đến rợn người, căn nhà Thầy đang sống! Đó là một villa mini cũ kỹ ở một góc đường yên ắng ở Biên Hòa. Căn phòng Thầy lẻ loi phía sau căn nhà phía trước, đối diện nhà bếp và nhà vệ sinh, vừa bước vô đã nghe nặng mùi quần áo lâu ngày không giặt, mùi ẩm mốc đậm đặc xộc vào mũi. Cái nệm trắng ố vàng của Thầy, viền ngoài đã ngã màu nâu vì chi chít những dấu tay Thầy lâu ngày chồng lên nhau hết lớp này tới lớp khác khi Thầy lần theo giường mò đường đi.
Đo huyết áp cho Thầy, bẻ thuốc ra chia đều bỏ riêng từng ngăn hộp cho Thầy, sắp xếp, ghi date và cách dùng thuốc mới mua cho Thầy trên cái bàn đầy những vệt thức ăn rin rít, kiến rầm rập dắt dây thành những đạo binh trăm ngả...Chờ Thầy đi toilet hơi lâu,tôi nóng ruột chạy qua coi sao, thì thấy Thầy đang lọ mọ vắt chanh trong bếp. Tôi la í Thầy để em làm cho, coi chừng đứt tay! Thầy nói Thầy đang phừng phừng sắp lên huyết áp rồi, phải uống chanh vô cho nó hạ bớt. Tôi nhìn mấy miếng chanh xiên xẹo Thầy vừa mới cắt, viền ngoài đã ôi thiu chập chờn đám ruồi giấm. Thầy dặn để ít đường, tôi mở keo đường ra thấy kiến đen kịt. Trời ơi, tôi vừa xén chanh bỏ hết mấy chỗ hư, vừa đuổi kiến, nước mắt tự nhiên chảy ròng ròng...
Võ Đăng Lành và Nguyễn Hồng Ẩn_Trung học Đoàn Thị Điểm Cần Thơ_26/5/1971 |
Trao cho Thầy phần quà của tôi và Lệ Hoa rồi chào về, Thầy cứ bịn rịn mãi. Rồi Thầy kêu: "Ngồi xuống, ngồi xuống QN!". Tôi ngạc nhiên nói dạ em đang ngồi nè Thầy. Thì ra Thầy muốn hun trán tôi một cái, nói kỳ sau không biết có còn gặp lại (mà tôi đứng Thầy hun hổng tới!). Làm tôi vừa khóc vừa cười mặt méo xẹo.
Giục tài xế chạy nhanh về SG cho kịp một lớp mới nhận. Đầu lao xao. Người lao đao. Và trái tim nặng như bầu trời xám xịt ngoài kia...
Quỳnh Như