2012/08/08

*NHỮNG LY CHÈ ĐẬU ĐỎ

(Về bạn Đỗ Hoàng Minh)
Đỗ Hoàng Minh lúc là SV Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức
Mùa tựu trường năm 1970, được về dạy tại trung học Đoàn Thị Điểm Cần Thơ, tôi có cơ hội gặp lại bạn thời trung học Đỗ Hoàng Minh, một bạn chí-cốt cũng đang làm việc tại Cái Răng. 
Bạn có cho biết gia đình bạn đang sống tại thị-trấn Phụng-Hiệp (Phong-Dinh) nhưng chưa một lần đến chơi vì chúng tôi có thể gặp nhau bất-cứ lúc nào tại phố-thị Cần-Thơ. 
Sau này, vào lúc muốn tìm thăm bạn để tạm-biệt đi xa, tôi đành phải cầu may đi hỏi thăm láng-giềng của bạn.
Bằng xe gắn máy, từ Cần-Thơ trên đường hướng về cuối miền đất nước, tôi đến xóm nhà trước khi gặp cầu Phụng-Hiệp như Minh chỉ dẫn lúc trước; rất may bà con cho biết gia-đình bạn vẫn còn ở nơi này.

Vợ của Minh ân-cần tiếp đón và cho biết chồng đang đi làm việc đến tối mới về nên chỉ đường cho tôi đến gặp bạn ngay.
Tại nơi làm việc là lò sản-xuất đường bên dòng kinh Búng Tàu hiền-hoà, cạnh những đống mía ngổn-ngang vừa chất lên bờ từ ghe thu mua, những đống bã mía vừa ép xong còn mùi thơm hấp-dẫn đám ruồi, với vẻ ngạc-nhiên cùng tột, với đôi chân không…cân-đối nhau (vì bị mìn khi còn trong quân đội, không chết là may), bạn “cà nhắc” ùa chạy đến ôm chầm tôi mừng-rỡ. Không ngờ hai đứa còn gặp nhau sau hơn mười năm từ khi bắt-buộc phải lìa bỏ Cần-Thơ, nơi hai đứa đã có thêm rất nhiều kỷ-niệm đầm-ấm không kém so với thời còn đi học.
Tức-khắc, bạn giao công việc cho người khác, cùng tôi trở về nhà để hàn-huyên. Một bửa cơm đạm-bạc được chị Minh nấu nhanh đải khách; ba món canh chua tôm bông so đũa, hột vịt xào khổ qua và cá trê vàng nướng chấm nước mắm gừng. Ôi bửa cơm tái ngộ rất “truyền-thống của dân Nam Bộ” sao mà hấp-dẫn vô cùng; càng ngon hơn khi nó chan-hoà tình bạn thân-thiết của hai hàn-sinh đã từng chia ngọt xẻ bùi cũng như cay đắng thuở nào. Tay vừa cầm đũa, miệng đã hỏi đáp “túa xua” từ lúc bắt đầu bửa cơm tái-ngộ dẫn cho đến khuya hôm ấy; đêm tôi ở nhà bạn lần đầu (và có lẽ là lần cuối). Hỏi han nhau những gì đã xãy ra khi chúng tôi phải lìa bỏ mọi công việc đang làm ăn ở Tây-Đô để trở về nguyên-quán năm nào
(1975). Khoảng thời-gian sau đó chúng tôi cùng trãi-nghiệm những tình-huống tương-tự với nhau; những truân-chuyên rồi cũng qua đi để cuộc sống trong hoàn-cảnh mới được hình-thành.

Thật là thoải-mái và hạnh-phúc khi chúng tôi có dịp quay về dĩ-vãng, thuở hai đứa được trúng tuyển vào trường Collège de Vĩnh-Long mà sau đó không lâu được đặt tên bằng quốc-ngữ Trung-Học Công-Lập Nguyễn Thông và tiếp theo đổi thành là Trung-Học Tống Phước Hiệp.
Đối với học-trò khờ khạo của trường nhỏ miền quê vừa đậu Tiểu-học như chúng tôi, chập chững lên phố-thị vào trường trung-học là một biến-cố vĩ-đại của đời mình. Bao nhiêu khó-khăn, ngỡ-ngàng khiến mình vừa lo sợ vừa bị kích-thích trên bước đường học-hành xây-dựng tương-lai.
Dạo đó, Minh và tôi chưa quen biết, mãi đến cấp lớp đệ nhị (hay 11) do một tình-cờ mà từ đó bắt đầu chơi thân khi biết hoàn-cảnh giống nhau: cùng là học-trò nghèo từ quê lên tỉnh-lỵ, được tha-nhân giúp-đở cho ở trọ miễn phí mà còn xem như con cháu trong nhà.
Cuối niên-khóa lớp đệ nhị, chúng tôi phải đi thi Tú-Tài 1 cho nên mọi môn học cần phải chăm-chỉ trau-giồi cẩn-thận nhất là những môn chánh như Toán, Lý Hóa và Việt văn . Năm ấy có một vị giáo-sư Việt Văn rất tích-cực dạy dỗ chúng tôi. Thầy soạn rất nhiều tài-liệu cho học-sinh tham-khảo, nhiều bài thơ của Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, Cao Bá Quát…bắt chúng tôi học thuộc lòng để có tài-liệu dẩn-chứng khi làm luận văn. Thầy cần “quay rô-nê-ô” bài vở để phát cho tất cả học-trò của thầy. Thầy giao cho hai đứa tôi làm việc này. Rô-nê-ô là lối in thông-dụng thời đó: đánh máy bài viết lên giấy stencil, loại giấy đặc-biệt rất dai không thấm ướt, máy đánh chữ sẽ đụt lỗ trên giấy khi đánh chữ. Sau đó giấy này được gắn lên “máy rô-nê-ô” quay bằng tay, bài viết in ra được đóng lại thành tập như quyển sách. Công việc này đòi hỏi phải kiên-trì, chăm-chỉ, kỹ-lưỡng…Thầy cho chút ít thù-lao trích ra từ tiền do học-sinh góp lại cho chi-phí. Sau giờ học, hai đứa “tác-nghiệp” bằng cách nhờ máy đánh chữ, và máy quay rô-nê-ô của văn-phòng của nhà trường. Một đứa đọc bài cho đứa kia đánh máy và thay phiên nhau…
Sau những giờ “làm việc” nhọc-nhằn, để tự tưởng thưởng cho mình khi có tiền thù-lao, hai đứa thường đạp xe lên miếu Bảy Bà*(nơi này lúc ấy có bán hàng ăn vặt,thức uống trên những xe đẩy nhỏ cho học sinh), tọa-lạc giửa Trung-Học Bán Công Nguyễn Thông (lúc ấy trường Trung-học công-lập Nguyễn Thông đã đổi tên thành Trung-học công-lập Tống Phước Hiệp và trường Trung-học bán công của tỉnh nhà mới dùng tên Nguyên Thông) và Trung-học Tư-thục Long Hồ, để thưởng-thức những ly chè đậu đỏ rất ngon, béo và ngọt và có lẽ …càng ngon ngọt béo hơn khi để tâm-hồn bay theo những tà áo dài trắng thướt tha trước mắt. Nhớ bạn tôi ăn chè đậu đỏ …với cái miệng rất dễ thương: không bao giờ thiếu những cái chép miệng và đôi lúc có cả …hít hà (tại sao chắc ai cũng biết)!!!


Say-sưa nhắc những kỷ-niệm khác nữa cho đến quá khuya, nhưng phải tạm dừng lại để đi ngủ khi chúng tôi nghe được tiếng “tằng hắng” của chị Minh vẫn chưa an giấc.

Anh Tú (Nguyễn Hồng Ẩn /NHA)
August 8, 2012

*Miễu đã trùng-tu và ghi là “Di-Tích Cửa Hữu Thành Long-Hồ”