Bắc Bán Cầu đang tàn Đông, mùa Xuân hình như đã lảng vảng đâu
đây trong khi đó bên quê nhà hoặc Nam Bán Cầu thì sửa soạn vào Hạ.
Nhìn hình hoa phượng minh họa cho bài thơ Còn Chút Dư Âm của
Linh Thy và đọc một bài thơ đón hè trở lại
của một thi sĩ ở Úc châu, tôi bỗng miên man nhớ về kỷ niệm thời Trung học; nhiều
lắm, có loại kể cho bè bạn nghe được, loại giữ lại cho riêng mình.
CÒN CHÚT DƯ ÂM*
Phượng tím bồi hồi
theo gió lay
Ru hè ve trỗi nhịp
bên tai
Nhớ mùa mưa đến, mùa
thi tới
Rộn rã sân trường mắt
bỗng cay.!!!
Linh Thy. BT
Suốt mùa đông băng giá năm nay, sáng trưa chiều tối lo đối
phó với thời tiết khắc nghiệt, tay chân tê cóng, đầu óc mụ mẫm …, dù cơn ghiền
viết lách lỡn vỡn trong đầu , nhưng chẳng làm trò trống gì được cả ngoại trừ vài
câu thơ cùn …cụt chán phèo.
Hôm nay tự nhiên muốn viết, viết về bất cứ điều gì để… đở cơn
ghiền và đồng thời cũng làm dịu lại một vài bực dọc của cuộc sống không tránh
khỏi của đời thường.
Còn Chút Dư Âm? Không phải đâu mà trái lại với tôi Còn Nhiều
Dư Âm của một thời dễ thương nhất trong đời của một con người, dư âm vui/ dư âm
buồn, có cả hai thứ.
Sinh và lớn lên vùng ruộng rẫy, gốc nông dân mà là nông dân
may mắn lắm sở hửu đôi công đất để cày cấy tạo ra hạt thóc sống qua ngày, thì
nghèo khó là cái chắc nên đi học sẽ khó khăn và thiếu thốn đủ thứ mà trong đó có
hoàn cảnh là càng lên lớp trên càng thiếu sách học/ sách đọc/ sách tham khảo.
Tôi nhớ có anh bạn cùng lớp lại ở cùng xóm với tôi, gia đình
anh khá giả nên anh có đủ loại sách cho lớp đệ nhị (lớp 11) là lớp học sữa soạn
cho kỳ thi Tú Tài 1. Anh rất tốt và kể như tôi may mắn được anh cho mượn bất cứ
quyển sách nào tôi cần. Nhờ thế, kỳ thi Tú Tài 1 năm ấy tôi vượt qua rất dễ dàng.
Năm sau ngôi trường tỉnh nhà chưa có lớp Đệ Nhất (lớp 12) sửa
soạn cho kỳ thi Tú Tài 2. Tôi phải vô cùng khó khăn khi bươn chải lên Sài Gòn để
tiếp tục việc học. Nhờ quới nhân giúp đở nên tôi có nơi trọ học, đó là chuyện
quan trọng nhất đã vưọt qua mà ơn nghĩa này suốt đời tôi không tài nào trả nổi.
Mọi sự rồi cũng xong khi có quyết tâm. Môi trường mới, sinh
hoạt mới, bạn bè mới. Tất cả đều đổi mới nhưng người học trò từ tỉnh lỵ quê mùa
như tôi cứ nghĩ đơn giản như dưới quê mình. Chính vì nếp nghĩ như thế nên đã vấp
phải nhiều điều hụt hẫng và nhờ đó những hụt hẫng này trở thành những kinh nghiệm
sống, những kinh nghiệm vô hình chung len nằm trong tiềm thức và nó sẽ bùng dậy
khi gặp lại một hoàn cảnh tương tự sau này.
Tôi muốn nói đến chuyện thiếu sách học của tôi năm Đệ nhất.
Tôi lại may mắn có người bạn mới giàu có và có rất nhiều sách đủ loại. Bạn nói
với tôi cứ mượn bất cứ quyển sách nào tôi cần đến. Tôi cứ nghĩ bạn này cũng như
người bạn cũ dưới quê nên thoải mái mượn theo quy ước. Tuy nhiên, một hôm bất
ngờ bạn mình bắt đầu khóa tủ sách , điều mà trước đây không có.
Dù quê mùa nhưng tôi cũng phải hiểu mình phải làm gì rồi. Tôi lẳng lặng hoàn trả lại những quyển sách trót mượn và cám ơn. Từ đó không dám đụng đến
tủ sách của bạn mình nữa và nghĩ rằng biết đâu bạn mình cũng có khó khăn nào đó
không thể tiếp tục giúp mình nhưng ngại nói nên phải gián tiếp từ chối bằng hành
động như vậy.
Thú thật tôi biết ơn bạn đó đã giúp tôi dù trong một thời
gian ngắn và chẳng giận hờn gì cả. Của cải vật chất là của người ta mình mượn
không được lại giận hờn thì đâu có đúng.
Trong hành trình đời sống sau này thỉnh thoảng vẫn bắt gặp
hoàn cảnh tương tự dù những vay mượn này không hẳn là vật chất; chính vì thế mà
tâm tư của tôi lại bất an hơn.
Anh Tú
March 4, 2014