Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn Hồng Ẩn. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn Hồng Ẩn. Hiển thị tất cả bài đăng

2020/11/27

 TUYẾT ĐẦU MÙA

Định cư tại vùng đất này khá lâu tôi có bao giờ để ý tới những trận tuyết đầu mùa đâu.

Nói gì lần đầu tiên gặp tuyết lúc mới định cư tại Hoa Kỳ coi như đã mờ mịt trong ký ức. Lúc đó bở ngở với mọi thứ cho đời sống của một gia đình nơi xứ lạ, ngôn ngữ bất đồng, không tiền bạc, không nghề nghiệp phù hợp với xã hội mới …thì tâm trí đâu để ý đến chuyện tuyết rơi.

Hình 1

Lăn xả vào cuộc sống với hai bàn tay trắng thì tuyết là một trở ngại đáng ghét khi Đông về. Lạnh rét, trơn trợt, càng nguy hiểm hơn khi trở thành nước đá nếu nhiệt độ hạ xuống thấp thì màu tuyết trắng…là màu tượng trưng cho sợ hải..

Phải dọn tuyết cho con đường vào nhà, tuyết rơi ít thì việc này là việc nhỏ nhưng nếu tuyết nhiều hoặc thường xuyên thì cũng …làm đau lưng lắm. Người địa phương nếu có tiền thì họ mua máy thổi tuyết hoặc mướn người cào còn như mình, dân tha phương cầu thực, đã sống và lớn lên tại đất nước nghèo khổ thì chịu khó tự lo toan để tiết kiệm thêm ít tiền mua gạo. Những lần cầm xẻng xúc tuyết … ném tuyết đi đôi khi cũng cho tôi những hoài niệm về quê nhà dấu ái. Vốn xuất thân từ giai cấp bần cố nông, đào rãnh vét mương, đấp bờ ngăn nước…là chuyện thường ngày; rồi những lần lao động xã hội chủ nghĩa đào kinh thủy lợi, đắp đê nuôi tôm xuất khẩu năm nào thì chuyện xúc tuyết chỉ là chuyện đi dạo chơi ngắm cảnh mà thôi. Đôi phút nhớ về như thế cũng đã làm chùn dạ kẻ xa quê hương. Thiển nghĩ dù có nhọc nhằn nhưng đôi bàn chân dẫm lên đất mẹ, đôi tay chay cứng nắm cái xẻng cán bằng cây, lưởi thép rèn từ lò rèn thủ công, đầu đội trời xanh thăm thẳm, nắng chang chang, mũi thở mùi đất…nồng mùi rạ mục, mắt nhìn quanh thấy bà con tóc đen, mũi tẹt nói …tiếng độc âm thì tâm tư ấm áp vô cùng. Điều này nói ra nếu có là cường điệu đi chăng nữa nhưng nó là sự thật đã nằm sâu kín trong góc tim khi xa quê cha đất tổ.

Những bở ngở ban đầu nơi xứ lạ rồi cũng qua đi. Nhập giang tùy khúc, nhập gia tùy tục, bụng đói thì tay phải làm…để hàm nhai nghĩa là phải hội nhập. Một trong những cái hội nhập phải biết lái xe và phải mua xe, dù mới dù cũ; mua xe để làm phương tiện di chuyển chứ không phải để…làm của, khoe sang. Lần lái xe đầu tiên, cái gì đầu tiên cũng…run, thực tập để thi lấy bằng lái, lần đầu tiên đưa vợ đi chợ đi làm, đưa con đi học, lần đầu tiên lên xa lộ xe cộ như mắc cửi chạy vùn vụt …đều run! Khỏi nói lần đầu tiên lái xe khi đường có tuyết còn run gắp nhiều lần, xe nó lạng qua lại, thắng thì xe quay đầu hoặc cứ …trườn tới mãi! Riết rồi cũng quen: ngày qua ngày kinh nghiệm tích lũy cho việc lái xe trong tuyết nên bớt sợ hãi nhưng luôn luôn phải cẩn trọng.

Nhớ có lần lái trên đường tuyết đổ bằng chiếc xe con “front wheel drive” (tạm dịch là loại hai bánh trước phát động; loại này khá hơn loại hai bánh sau phát động, và thua loại bốn bánh phát động khi đi trong tuyết) lái một cách khép nép, từ tốn, chậm rãi sát lề thì có chiết xe Jeep “four wheel drive” (bốn bánh phát động) chạy vù qua mặt, vừa qua mặt một đổi thì chiếc xe ấy quay như bông vụ; có lẽ do tài xế thắng gấp thì phải.

Có lúc đi làm “ca” hai, tôi luôn về khuya. Một hôm dưới một trận bảo tuyết giữa đêm, tám hướng tuyết trắng xoá, phải lái xe như rùa bò theo sự đoán mò phương hướng của con đường về nhà. Theo cách này xe bị leo lề đường …dễ xảy ra như chơi. Căng mắt lên để lái xe, miệng niệm “Di Đà” và trời lạnh thế mà thân thể đẫm ướt mồ hôi.

Tuy nhiên, thuở ấy còn…phong độ nên nàng tuyết hành hạ cở nào cũng không có ngán.

Những năm gần đây khi vào tuổi hưu, mỗi lúc Đông về thì bắt đầu để ý đến tuyết đầu mùa, thầm vái trời mùa Đông mỗi năm càng ít tuyết càng tốt vì đã ngán cái lạnh thấu xương và cảnh lom khom xúc tuyết. Dù vậy đôi lúc cũng thấy tuyết đẹp khi nhớ lại thời đi học xem phim L’Arbre De Vie (thuở ấy dịch là Cây Nhân Sinh) mê đào Elizabeth Taylor vận y phục màu đỏ nằm trên tuyết trắng như bông gòn.

Hôm 29/10/2012 nàng “ superstorm” Sandy tấn công vùng Tri-State (New Jersey, New York và Connecticut) ở bờ Đông Bắc Huê Kỳ gây cảnh màn trời chiếu đất, mất điện, mất nhà, dân chúng chưa kịp hoàn hồn thì một trận bão mới gọi là Nor’easter  có gió mưa tuyết tấn công nơi này lần nữa. Thật là “họa vô đơn chí”. Có thấy được những hình ảnh tàn phá nhà cửa khủng khiếp tại những nơi mà trung tâm bão lướt qua làm người dân ở đấy mất tất cả, sống vất vưởng trong giá băng thì mình đang êm ấm trong nhà mới cảm nhận được cái phúc to tát mà mình đang hưởng.

Ngày 7/11/2012, trận bão mới bắt đầu, tuyết đầu mùa bắt đầu rơi khi trời sắp tối.(H1).

Sáng hôm sau thức dậy thấy tuyết đã rơi phủ đầy sân(H2), tuyết bám trên cành cây, tuyết phủ những đống cây ngả (do Sandy gây ra) được gom lại…(H3,4)

Sáng 9/11/2012 do nhiệt độ ấm trở lại, tuyết đã tan phần nào, chúng tôi đến sân vận động gần nhà nơi mà mỗi sáng thường đi bộ. Thấy trên sân có một “tảng đá” bằng tuyết(P5), chắc do ai đó đến đùa với tuyết hôm qua đắp thành.

Lạnh lẽo, ướt át …khó làm công việc dọn dẹp ngoài trời, một cháu nội đến trường còn một đứa ở nhà cũng dễ “quản lý”, có chút thì giờ nên ngồi xuống ghi ra bất cứ những ý nghĩ gì liên quan đến tuyết chợt xuất hiện trong đầu để đánh dấu một móc thời gian và chuyển đến bè bạn đọc chơi để …  “giết” thì giờ.

 

Anh Tú / NHA

Mùa bầu Tổng Thống Hoa Kỳ

November, 2012

Hình 2


Hình 3
Hình 4
Hình 5

2020/11/21

VÀI NĂM THÀNH MUÔN THUỞ 

(Cho hương linh Cô giáo Trần Ngọc Điệp, từ trần lúc 20:30′ ngày 30/10/2020 dương lịch nhằm 14/9 âm lịch tại Rạch Giá Việt Nam) 


Cô Trần Ngọc Điệp, cô giáo trường Tiểu Học Cộng Đồng Hà Tiên trong những năm 60-70


Chung cảnh ngộ xứ xa.

Đất Hà Tiên dấn bước

Mê phấn trắng bảng đen

Góp phần cho đất nước

Dắt tuổi trẻ sách đèn.

 

Ba người thêm cô Út*

Anh em kết nghĩa tình

Ngắm ráng chiều bên núi

Đón tia nắng bình minh.

 

Chia sẻ kinh nghiệm sống

San sớt nỗi buồn vui

Vài năm thành muôn thuở

Kỷ niệm không chôn vùi.

 

Mỗi nơi …nửa thế kỷ

Một sáng… sóng bùi ngùi

Cô Ba đi về đất

Để thương tiếc không nguôi.

 

Hãy yên nghỉ người hởi

Tình nghĩa dầy còn đây

Trong lòng kẻ ở lại

Vẫn mãi mãi đong đầy!

 

Sẽ sum vầy lần nữa

Chốn an bình thiên niên

Bốn chúng ta tay bắt

Mặt mừng vui viễn miên!

 

Nguyễn Hồng Ẩn (Anh Tú)
November 20, 2020


*Anh Cả: Nguyễn Hồng Ẩn
*Anh Hai: Huỳnh Văn Hòa
*Cô Ba: Trần Ngọc Điệp
*Cô Út: Tăng Mỹ Ngọc

 

**********************************************

NHÓM BẠN GIÁO CHỨC HÀ TIÊN XƯA

 

Sau khi viết xong VÀI NĂM THÀNH MUÔN THUỞ, tôi mới viết được câu chuyện năm xưa:

Năm 1965, tôi đến Trung học Hà Tiên sau khi ra trường.

Tại thị trấn biên cương này, tôi quen biết nhiều đồng nghiệp Trung, Tiểu học; họ rất thân thiện, dễ mến.

Tuổi thanh niên năng động, còn ham vui mà mang vào mình trọng trách là nghề giáo, đến làm việc tại nơi cô liêu, u tịch, hình như bị cô lập với các thị thành náo nhiệt gần đó do chiến cuộc nên tôi cảm thấy buồn tẻ lắm.

Tuy nhiên, vốn bản tính thích thiên nhiên nên sông núi biển đất Giang Thành, với học trò  tính tình hiền hoà chân thật ham học, cùng một số đồng nghiệp trẻ xa nhà như mình thì tất cả là những niềm vui, những an ủi vô biên cho tôi.

Trong số bạn đồng nghiệp hợp tính nhất có cô giáo Trần Ngọc Điệp, Tăng Mỹ Ngọc và anh Huỳnh Văn Hòa. Theo thời gian, chúng tôi cùng rong chơi vài thắng cảnh quanh thị trấn khi rổi rảnh, lúc cuối tuần thì thân tình nảy nở dần dần, nên một trong chúng tôi đề nghị kết nghĩa anh-chị-em. Theo tuổi tác lớn đến nhỏ, tôi là anh Cả, Hòa là anh Hai, Điệp là cô Ba và Mỹ Ngọc là Út.

Tình bạn của chúng tôi thật trong sáng, giữ gìn bền chặt trong lòng cho dù sau này chúng tôi có chuyển nhiệm sở khác, hoặc trải qua bao biến động của thời cuộc.

Nhớ lại: khi tôi lập gia đình, 22/8/1967, đám cưới được tổ chức tại Vĩnh Long, do tình thế dạo ấy, tôi đã không có thể biết các bạn ở nơi nào để thông báo hoặc mời vì các bạn đã thuyên chuyển khỏi Hà Tiên. Thế mà một bất ngờ, không rõ do thông tin từ đâu mà ba bạn quý,  cô Ba Điệp, Cô Út Mỹ Ngọc và cô Cưởng đột ngột xuất hiện khiến tôi cảm động vô cùng.

Quý đồng nghiệp đến dự đám cưới của Nguyễn Hồng Ẩn ngày 22/08/1967.

Từ trái qua phải: Tăng Mỹ Ngọc, Nguyễn Hồng Vân, Nguyễn Hồng Ẩn, Trần Ngọc Điệp, cô Cưởng.

 

Tôi thì gắn bó nhiều với anh Hòa : do là trai cùng lứa tuổi nên gặp nhau tại Quân trường Thủ Đức, gặp lại nhau khi tôi về dạy học tại Cần Thơ rồi Bình Minh Vĩnh Long, gần quê nhà của anh, và cùng lên đường tù “cải tạo”.

Một lần vượt biển không thành công, tôi có gặp lại cô Điệp tại Rạch Giá, túi bị rổng, nên được cô cho mượn tiền để đi xe về Vĩnh Long.

Những năm gần đây, do tiến bộ về tin học, chúng tôi tìm gặp lại nhau và liên lạc dễ dàng hơn.

Ngày 31/10/2020, khoảng 2:30 sáng, giờ bờ Đông Hoa Kỳ ( tức ngày 31/10/2020 khoảng 2:30 chiểu  giờ Sài Gòn Việt Nam) tôi thức giấc, thói quen liếc qua phone thì thấy tin nhắn của cô học trò cũ ở Hà Tiên, Lâm Lan cũng là bạn đồng nghiệp với cô Điệp, báo tin Điệp vừa “ra đi”.

Dù biết rằng sẽ có “ngày này”, nhưng lòng tôi xót lắm, ngẩn ngơ.

Bình tâm lại, tôi muốn viết, viết cái gì đó về nhóm bạn của chúng tôi…cho cô Ba và cho ba người còn « ở lại » khi chưa xong “nợ đời”- món nợ đời mà ai cũng muốn trả hoài không hết (!?) – viết để tiển đưa, an ủi cô Ba, mong linh hồn cô chứng giám được.

Cầu nguyện hương hồn cô Trần Ngọc Điệp sớm siêu thoát.

Hãy an nghỉ nhe cô Ba!


Nguyễn Hồng Ẩn <Anh Tú>

November 21, 2020

(Viết thay cho nhóm bạn cũ tại Hà Tiên: Cô giáo Cưởng, Huỳnh Văn Hòa, Tăng Mỹ Ngọc và Nguyễn Hồng Ẩn)

2020/11/18

VÀI ẢNH LƯU-NIỆM TẠI TRUNG-HỌC ĐOÀN THỊ ĐIỂM, CẦN THƠ 
Niên-khóa 1971-1972
Từ trái sang phải: Lê Ngọc Sơn, Nguyễn Hồng Ẩn, Lê Công Văn, Trần Quang Vinh, Lê Phương Danh, Hồ Văn Sang_Trước phòng giáo-sư_Niên-khóa: 1971-1972

Từ trái sang phải:Nguyễn Hải Bằng, Nguyễn Hồng Ẩn, Lê Văn <?>Tiến, Tống Văn Ưu_Trước Phòng giáo-sư_Niên-khóa 1971-1972

Từ trái sang phải: Nguyễn Hồng Ẩn, Dương văn Lựng_Trước phòng Giáo-sư_Tháng 1, 1971

Từ trái sang phải: Võ Đăng Lành, Nguyễn Hồng Ẩn_Trước phòng giáo-sư_26-5-1971

Nguyễn Hồng Ẩn_Bàn giáo-sư của lớp 12A2_Tết 1972

Nguyễn Hồng Ẩn_Mở quà Tết 1972 của lớp 12A2

Nguyễn Hồng Ẩn và học-sinh lớp 12A2_Tết 1972

Chú-thích:
Tôi biết được:
1- Lê Ngọc Sơn: qua đời năm 1992 tại Sài Gòn vì đột quỵ.
2- Trần Quang Vinh: qua đời năm 1975 tại Cần Thơ
3- Hồ Văn Sang: qua đời năm 17-9-2020 tại Cần Thơ
4- Dương Văn Lựng: qua đời khoảng 1973 hay 1974.

2019/09/28

NHỚ BẠN TÔI


Niên khoá 62-63, T.K.H. và tôi trúng tuyển vào Lớp Lý Hoá của trường Sư Phạm Sài Gòn. Từ tỉnh lẻ Vĩnh Long, hai đứa  chen chân được vào đây là cả một sự may mắn. Ngày tựu trường với tâm trạng vui mừng có pha lẫn một chút bở ngở và lo sợ bâng quơ dầu bên cạnh đã có bạn chí cốt K.H., tôi ké né tìm một chỗ ngồi cuối lớp. Liếc mắt quan sát nhanh toàn lớp, ngoài T.K.H. thì toàn là những sinh viên xa lạ.Với tôi, họ là những đàn anh đầy tài năng, thật dạn dĩ, chào hỏi nhau, nô đùa, đang chuyện trò như pháo nổ.
Đầu một bàn gần giữa lớp, tôi thấy có một anh sinh viên mặt vuông chữ điền đẹp trai với chiếc răng khểnh đang cười cười ngó về hướng chúng tôi trong khi chân anh đang gỏ nhịp. Với nét mặt thân thiện đó, tôi nhận ra ngay nơi anh sự mời gọi kết thân. Trong khi tôi còn miên man suy nghĩ, anh đã chủ động đến bên chúng tôi thật nhanh và bắt chuyện: “Dân Tống Phước Hiêp phải không?”. Đã biết chúng tôi là ai, anh nhanh nhẩu tự giới thiệu về mình và kết luận tỷ lệ dân Vĩnh Long đậu vào lớp này “khá cao”: 3 trên 33, có nghĩa anh cũng là dân đất Long Hồ. Đó chính là Lương Văn Kiệt, cũng là đàn anh của chúng tôi tại Tống Phước Hiệp.
Từ đó ngoài tình đồng song, còn có tình đồng hương, hai cái tình này quyện vào nhau lần lần chúng tôi là ba đứa bạn thân thiết, bè bạn gọi đùa là “ba chàng ngự lâm pháo thủ”. Đến năm thứ hai, chúng tôi ở chung nhà trọ 32/65 đường Cao Thắng, cùng chia sẻ vui buồn cho đến lúc tốt nghiệp.
Rất nhiều kỷ niệm, vui nhiều buồn ít, xảy ra tại nhà trọ, giảng đường, câu lạc bộ, phòng thí nghiệm, thư viện, lúc dạy thực tập tại các trường Trung học tại Sài Gòn.
Có những cuối tháng, tiền cạn túi, sáng ngồi học bài bụng đói meo, chữ nghĩa không nhét được vào đầu, “Có thực mới vực được đạo” kia mà! Tay lật từng trang sách, mắt lơ láo ngó qua cửa sổ của cô Bắc Kỳ nho nhỏ ngang đường hẻm. Bổng một chàng reo lên:“Đi ăn  phở tụi bây ơi! Tao bao!” “Có đùa dai không đó!” “Thật mà!!” trong khi tay anh quơ  quơ  tờ giấy 50 đồng. Thời đó tô phở chỉ có năm đồng  mà thôi thì thừa đủ cho mấy anh em vượt qua cơn đói buổi sáng sớm hôm nay. Thì ra khi lật từng trang sách, một trong chúng tôi đã “phát hiện” được tiền đã bỏ quên trong đó tự bao giờ!
Một hôm vào thư viện học bài, nhân lúc xả hơi chợt nhìn thấy có ba cô sinh viên ban Vạn Vật xinh đẹp ngồi ở bàn gần đó, một trong ba đứa bỗng nảy ra ý đùa vui: Ai qua mượn được quyển sách của cô A. (cô đẹp nhất) đem về đây thì hai đứa còn lại sẽ bao ăn sáng. Mỗi đứa cố gắng nghĩ cách thực hiện lời thách đố. Cuối cùng một đứa đi qua bàn của các chị, gặp mặt nhau rất thường nhưng chưa  bao giờ dám làm quen, để mượn sách. Nói với các chị ấy “gì đó”, các chị mĩm cười và anh đem được quyển sách về bàn. Hai người còn lại trố mắt nhìn ngạc nhiên và…phục tài “sát đất”. Biết anh ta đã nói gì không? Đơn giản thôi, anh chỉ thật thà thú thật “sự việc” và nhờ các chị vui lòng “giúp đở”.
Dưới hầm giảng đường Đại Học Khoa Học là nơi lao công của trường bán thức ăn cho sinh viên nên mọi người xem nơi này như là câu lạc bộ. Mỗi sáng khi thấy chúng tôi đến là chú lao công biết ngay chúng tôi cần gì: ổ mì thịt ba đồng và ly sửa thêm tí cà phê. Những ngày cuối tháng hết tiền, chú lao công vui lòng cho chúng tôi “à la ghi” nghĩa là cho thiếu chịu, ghi sổ, đầu tháng lảnh học bổng sẽ trả lại.
Vào năm thứ hai, chúng tôi bắt đầu đi dạy thực tập tại các trường Trung Học như Gia Long, Trưng Vương, Nguyễn Trải, Vỏ Trường Toản. Khi đến nơi thực tập, học sinh các bàn cuối  được di chuyển ngồi chen chút ở phía  trên để nhường chỗ cho chúng tôi. Đối với các lớp của trường Gia Long hoặc Trưng vương: chúng tôi luôn tìm thấy các nữ sinh đem thức ăn vặt vào lớp như ổi, bưởi, mận, xí muội…để quên dưới hộc bàn.
Thầy Bùi Phượng Chì hướng dẫn dạy thực tập.. Một trong những kinh nghiệm thầy truyền dạy cho chúng tôi là không nên hỏi học sinh câu: “Các em có hiểu không?”Học sinh sẽ luôn trả lời là “ Không hiểu gì cả thầy ạ!!!” Tiếp theo đó là sinh viên thực tập phải giảng bài lần nữa; như thế thì không hoàn tất buổi thực tập trong thời gian ấn định. Kết quả là bị điểm thấp. Cũng như không bao giờ nói trước  kết quả thí nghiệm Vật Lý hoặc Hóa Học vì đôi lúc kết quả ra sẽ không đúng như ý, ta sẽ bị “hố”và “quê”trước mặt học sinh. Nếu tình huống này xãy ra, chúng ta tự động thực hiện thí nghiệm lại lần nữa và chỉ giải thích khi kết quả thành công.  
Cuối cùng thì chúng tôi tốt nghiệp, phải rời xa ngôi trường thân mến, giã từ đời sinh viên vô tư vui nhộn, giã từ căn nhà trọ tuy nhỏ hẹp thiếu tiện nghi nhưng tràn ấp biết bao kỷ niệm vui buồn, cũng như phải giã từ Sài Gòn vô cùng thân thương đầy những dấu chân kỷ niệm của chúng tôi như dạo phố Lê Lợi chiều cuối tuần với cái thú mua sách(mà hầu như không bao giờ đọc!), những hẹn hò ở bến Bạch Đằng nhìn sông nước hoàng hôn, những buổi rong chơi dưới những hàng me của  các đưòng phố quận nhất hoặc họp mặt pinic cùng bè bạn trong Thảo Cầm Viên,…. để bước vào đời tại những tỉnh lỵ hoặc quận lỵ xa xôi buồn tẻ.
Rồi trên bước đường mới thực hiện lý tưởng  đã chọn, chúng tôi tìm thấy những niềm vui mới đầy hứng thú, cao đẹp …của nghề nghiệp. Kiệt, H. đến Trà Vinh  còn tôi trôi giạt tận biên giới Việt Miên cuối miền đất nước: Hà Tiên, quê hương của nhà thơ Đông Hồ.
Vài năm sau, Kiệt được về phục vụ tại quê nhà Vĩnh Long như ước vọng. Còn tôi thì vẫn còn “lưu lạc xứ người”, từ Hà Tiên đến Cần Thơ rồi vào năm 1973 thì Bình Minh (Vĩnh Long).
Dù không dạy cùng trường nhưng chúng tôi vẫn thường xuyên liên lạc, trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp với nhau. Được biết Kiệt làm việc rất tích cực và được lòng đồng nghiệp, học sinh tại nơi sanh ra và lớn lên của mình.
Vào niên khoá 1973-1974 chúng tôi có dịp cùng sinh hoạt chung với nhau trong việc điều hành trại hè tại Hà Tiên cho học sinh toàn tỉnh Vĩnh Long do Sở Học Chánh Vĩnh Long tổ chức.
Trại hè do Sở Học Chánh Vĩnh Long tổ chức.
Từ trái: ?, Biện Công Nhã, Hải<Y tế>, Đào Khánh Thọ, Lương Văn Kiệt, Nguyễn Hồng Ẩn<và Hồ Văn Chính.

Sau đó Kiệt và tôi cố gắng phối hợp  tổ chức một cuộc du ngoạn Hà Tiên lần nữa chung cho hai trường Trung học Tống Phước Hiệp và trường Trung học Bình Minh.Nhưng với những lý do ngoài ý muốn, cuối cùng đoàn của mỗi trường đi riêng biệt. 

Add caption
Tôi còn nhớ rõ trong khi đoàn của Trường TPH trên đường trở về thì đoàn của Trường Bình Minh trên đường xuất phát. Chúng tôi gặp nhau vào buổi trưa của một ngày, một ngày mãi mãi không quên trong đời tôi, tại tỉnh lỵ Rạch Giá, nơi dừng chân nghỉ xả hơi trước khi mỗi đoàn tiếp tục hướng đi của mình. Kiệt và tôi gặp nhau trao đổi vài câu ngắn ngủi rồi mạnh ai nấy lo bổn phận của mình.
Tôi tiếp tục lao đầu vào việc hướng dẫn học sinh cùng với quý vị giáo sư của trường Trung học Bình Minh đến thị trấn Hà Tiên. Tôi nghĩ Kiệt cũng vậy, phải lo đưa đoàn du ngoạn của học sinh trường Tống Phước Hiệp trở về trong sự an toàn.
Hai hôm sau, vào một buổi chiều tôi đọc báo thấy có tin tức về vị trưởng đoàn du ngoạn của trường Tống Phước Hiệp bị tai nạn tại Ngả ba lộ tẻ gần Tỉnh lỵ Long Xuyên và qua đời. Khi tôi nhận được tin này thì ở Vĩnh Long đang lo tang lễ cho Giáo sư Lương văn Kiệt, bạn thân thiết của tôi vì thời đó một tờ báo phát hành ở Sài Gòn phải hai ngày mới đến được Hà Tiên. Tôi liền xin ý kiến của đoàn, chúng tôi trở về ngay ngày hôm sau. Tôi về đến Vĩnh Long vừa kịp lúc gia đình đang tẩn liệm Kiệt. Quá xúc động tôi quỳ ngay trước quan tài vừa đậy nấp với dòng nước mắt không ngăn được. 
Lần gặp ngắn ngủi, vội vàng ở Rạch Giá không ngờ là lần gặp mặt cuối cùng của hai đứa. Đám tang của Kiệt diễn tiến sau đó rất trang nghiêm và là một đám tang đông đảo người đưa tiển tại tỉnh nhà. Kiệt được an tang tại nghĩa trang Đất Thánh Tây, và sau 1975 nghĩa trang này bị giải toả  nên gia đình phải cải táng đưa Kiệt về đất nhà trong một miền quê.


Qua những lời tường thuật lại, tai nạn do một đoàn Thiết vận xa M113 gây ra. Khi sắp đến lộ tẻ một xe trong đoàn du ngoạn cần sửa chửa, đoàn phải dừng lại và nhân tiện cho học sinh nghỉ xả hơi. Kiệt đang giải khát trong một quán ven đường, nghe đoàn xe M113 chạy đến, lo lắng cho sự an toàn của học sinh, Kiệt bước ra nhắc nhở học sinh phải vào lề đường. Kiệt đứng giữa hai chiếc “buýt” chở học sinh. Một tài xế của đoàn xe Thiết vận xa có ý biểu diễn(?) với nữ sinh nên lái lạn qua lạn lại và mất kiểm soát tay lái nên đụng phải một xe của đoàn du ngoạn, xe này bị đẩy tới và ép Kiệt với chiếc xe phía trước nên Kiệt bị bể bọng đái, được chở đến bịnh viện Long Xuyên để cứu cấp nhưng không còn kịp nữa.
Nhớ lại những buổi tối thứ bảy ngày nào khi tôi có  dịp về Vĩnh Long, bất kể giờ giấc Kiệt đến “lôi” tôi đi “lai rai” đâu còn nữa; những “rủ rê” đó thường không làm hài lòng vợ tôi bây giờ trở thành một nét tưởng nhớ đặc biệt về Kiệt của chúng tôi khi có dịp nhắc đến anh. Mãi tới ngày hôm nay, sau mấy chục năm vật đổi sao dời, đôi buổi tối thứ bảy vẫn còn hình bóng của bạn tôi lởn vởn trong đầu.
Năm 2002 tôi có dịp đến thăm chị Kiệt. Chúng tôi hàn huyên lại chuyện cũ. Chị cũng kể cho tôi biết những khó khăn của gia đình chị sau khi Kiệt ra đi và cả những ngày tháng sau năm 1975. Nay thì mọi chuyện đã qua rồi, cuộc sống của chị và con cái đã ổn định. Đứa con trai đầu lòng của anh chị, Lương Tam Kha giờ đã trưởng thành, học hành đổ đạt thành tài. 
Nhớ lại mà xót xa, sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, tôi trao cho chị Kiệt một sổ Trương Mục Tiết Kiệm thuộc Tín Nghĩa Ngân Hàng có tên của L.T.Kh. và tên tôi trong đó có ghi  một số tiền. Đó là khoản tiền dành dụm đóng góp từ thân hữu bạn bè có lòng thương Kiệt, mục đích giúp Lương Tâm Kha khi cháu vào Đại học mà tôi là người được giao phó giữ trương mục này. Với cuốn sổ mang nhiều ân tình mà vô dụng lúc bấy giờ, chị Kiệt và tôi chỉ biết ngâm ngùi nhìn nhau, chị nói lời cám ơn còn tôi thẹn lòng khi nghe lời nói xúc động của chị.Tôi xin chị giữ nó như là một kỹ vật.
Kiệt ơi, mầy ra đi trước bọn tao tới nay đã hơn 45 năm, không rõ điều đó xấu hay tốt cho mầy, nhưng chúng tao những người thương mầy còn ở lại nghĩ rằng mầy “chơi xấu”, để lại nỗi thương nhớ cho bọn tao mãi không nguôi.

Nói đùa cho vơi chút xót xa chứ nào có trách mầy đâu. “Tao tự hỏi: bây giờ mầy đang ở đâu?”

Anh Tú
Nguyễn Hồng Ẩn

2019/01/03

(Cao Khải, Hồng Ẩn - Cựu Học Sinh Nguyễn Thông tiền thân trường Tống Phước Hiệp - Vĩnh Long_Ảnh Nguyễn Cao Khải)

TÔI CÒN NỢ...

Tôi nợ cố tri Ẩn Nguyễn Thông* 

Trời còn cho bạn dịp long nhong
Đường xa ngàn dặm mình tay bắt
Xin hẹn hôm nào tôi đến ông

Mấy năm trước ghé hội hoa đào

Vài dặm đi thêm sẽ gặp nhau
Lui gót mà lòng nhiều vương vấn
Thôi thì dịp khác chuyện vảng khào

Nguyễn Cao Khải


Trả lời:


GỞI THẰNG “ÔNG” KHẢI


Ẩn , Khải chung trường tên Nguyễn Thông

Già rồi  mà vẫn thích long nhong
Mầy theo cánh nhạn chân trời lạ
Tao vượt đường xa kiếm viếng “ông”!

Tao thích lang thang mầy thích đào

Do vậy hai thằng không gặp nhau
Chuyện xưa nhắc lại làm chi nhỉ?
Đối mặt hôm nay hãy nói khào !

Nguyễn Hồng Ẩn/Anh Tú

Jan 3, 2019

*Trung Học Nguyễn Thông của tỉnh Vĩnh Long, sau đổi tên thành Trung Học Tống Phước Hiệp.

2014/01/06

NHỮNG THẦY CHÂN ĐẤT

(Kính dâng hương hồn những người thầy đầu đời của tôi:Thầy Thinh, Thầy Tất và Mẹ)

Không còn nhớ khi nào tôi biết đọc
Chữ a, ê của thuở học vỡ lòng
Cũng chẳng biết ai là thầy số một
Nên hỏi rằng: “Thầy là mẹ phải không?”
.
Mẹ mĩm cười vò đầu tôi không nói
Tay vẽ chữ “ờ” giữa trán của tôi
Mắt nhìn mẹ lòng thương cảm bồi hồi
Bèn âu yếm rúc đầu vào lòng mẹ.
.
Chợt mắt chạm đôi chân trần đi đất
Của mẹ tôi hôm sớm dẫm ruộng đồng
Da sờn, chai cho cây lúa trổ bông:
Công ơn mẹ làm sao con quên được!
.
Hết chữ dạy mẹ tôi buồn hiu hắt:
Không lớp, trường con đi học nơi đâu?
Liếc nhìn con thơ sáng, tối âu sầu
Lòng mẹ ưu tư từng giây, từng phút!
.
Ván ngựa* làm bàn, gổ thô làm ghế,
Vài trẻ con trong xóm nhỏ là trò,
Có người trai nghèo trở thành thầy giáo:
Vang vang đình làng tiếng đọc ô, o…!
.
Quần cụt, áo thun, đầu trần, chân đất,
Thầy kính yêu tận tụy dạy tháng ngày
Chút chữ nghĩa nhưng tình thương chất ngất:
Biếu thầy đôi lít gạo, nhận ơn dày!
.
Thầy Thinh thứ hai, thứ ba thầy Tất
Nhọc nhằn dạy tôi chữ, toán đầu đời.
Hình ảnh thân thương những Thầy Chân Đất
Ấm áp đời tôi mãi mãi không vơi!
.
Tôi may mắn nhận thật nhiều ân sủng
Từ thôn quê nghèo cho đến thị thành
Giáo dục của bao Thầy Cô kính mến
Cả cuộc đời ghi nhớ với lòng thành! 


Anh Tú (Nguyễn Hồng Ẩn)
2010

* Một loại giường ngủ bằng cây, tên gọi “bộ ngựa” gồm ba tấm gổ dày, thông dụng ở vùng quê miền Nam.

2013/01/12

CHỢ QUÊ



Chợ quê người nhẳn mặt người
Xóm làng đều biết ai cười với ai.
Liếc ai rồi  ngắm mây bay
Hỏi rằng trồng đám trầu cay chỗ nào?

Ai mơ ai… chuyện trầu cau
Nợ duyên không có nên vào hư không.
Buồn nhìn ai bước theo chồng
Cau khô trầu héo mất nồng hết xanh

Đêm dài đếm bởi năm canh
Ngày dài đếm bởi sáng xanh chiều tàn
Cầu ngang đã vắng người sang
Nỗi buồn chợt đến ngỡ ngàng không tên

Chợ quê muôn thuở không quên
Đuôi mắt ngày cũ đủ đền cho ai?
Chợ quê nhộn nhịp mỗi ngày
Đâu đây bóng cũ ngã dài lặng im!

Anh Tú tức NHA <Nguyễn Hồng Ẩn>
January 12, 2013

2012/08/08

*NHỮNG LY CHÈ ĐẬU ĐỎ

(Về bạn Đỗ Hoàng Minh)
Đỗ Hoàng Minh lúc là SV Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức
Mùa tựu trường năm 1970, được về dạy tại trung học Đoàn Thị Điểm Cần Thơ, tôi có cơ hội gặp lại bạn thời trung học Đỗ Hoàng Minh, một bạn chí-cốt cũng đang làm việc tại Cái Răng. 
Bạn có cho biết gia đình bạn đang sống tại thị-trấn Phụng-Hiệp (Phong-Dinh) nhưng chưa một lần đến chơi vì chúng tôi có thể gặp nhau bất-cứ lúc nào tại phố-thị Cần-Thơ. 
Sau này, vào lúc muốn tìm thăm bạn để tạm-biệt đi xa, tôi đành phải cầu may đi hỏi thăm láng-giềng của bạn.
Bằng xe gắn máy, từ Cần-Thơ trên đường hướng về cuối miền đất nước, tôi đến xóm nhà trước khi gặp cầu Phụng-Hiệp như Minh chỉ dẫn lúc trước; rất may bà con cho biết gia-đình bạn vẫn còn ở nơi này.

Vợ của Minh ân-cần tiếp đón và cho biết chồng đang đi làm việc đến tối mới về nên chỉ đường cho tôi đến gặp bạn ngay.
Tại nơi làm việc là lò sản-xuất đường bên dòng kinh Búng Tàu hiền-hoà, cạnh những đống mía ngổn-ngang vừa chất lên bờ từ ghe thu mua, những đống bã mía vừa ép xong còn mùi thơm hấp-dẫn đám ruồi, với vẻ ngạc-nhiên cùng tột, với đôi chân không…cân-đối nhau (vì bị mìn khi còn trong quân đội, không chết là may), bạn “cà nhắc” ùa chạy đến ôm chầm tôi mừng-rỡ. Không ngờ hai đứa còn gặp nhau sau hơn mười năm từ khi bắt-buộc phải lìa bỏ Cần-Thơ, nơi hai đứa đã có thêm rất nhiều kỷ-niệm đầm-ấm không kém so với thời còn đi học.
Tức-khắc, bạn giao công việc cho người khác, cùng tôi trở về nhà để hàn-huyên. Một bửa cơm đạm-bạc được chị Minh nấu nhanh đải khách; ba món canh chua tôm bông so đũa, hột vịt xào khổ qua và cá trê vàng nướng chấm nước mắm gừng. Ôi bửa cơm tái ngộ rất “truyền-thống của dân Nam Bộ” sao mà hấp-dẫn vô cùng; càng ngon hơn khi nó chan-hoà tình bạn thân-thiết của hai hàn-sinh đã từng chia ngọt xẻ bùi cũng như cay đắng thuở nào. Tay vừa cầm đũa, miệng đã hỏi đáp “túa xua” từ lúc bắt đầu bửa cơm tái-ngộ dẫn cho đến khuya hôm ấy; đêm tôi ở nhà bạn lần đầu (và có lẽ là lần cuối). Hỏi han nhau những gì đã xãy ra khi chúng tôi phải lìa bỏ mọi công việc đang làm ăn ở Tây-Đô để trở về nguyên-quán năm nào
(1975). Khoảng thời-gian sau đó chúng tôi cùng trãi-nghiệm những tình-huống tương-tự với nhau; những truân-chuyên rồi cũng qua đi để cuộc sống trong hoàn-cảnh mới được hình-thành.

Thật là thoải-mái và hạnh-phúc khi chúng tôi có dịp quay về dĩ-vãng, thuở hai đứa được trúng tuyển vào trường Collège de Vĩnh-Long mà sau đó không lâu được đặt tên bằng quốc-ngữ Trung-Học Công-Lập Nguyễn Thông và tiếp theo đổi thành là Trung-Học Tống Phước Hiệp.
Đối với học-trò khờ khạo của trường nhỏ miền quê vừa đậu Tiểu-học như chúng tôi, chập chững lên phố-thị vào trường trung-học là một biến-cố vĩ-đại của đời mình. Bao nhiêu khó-khăn, ngỡ-ngàng khiến mình vừa lo sợ vừa bị kích-thích trên bước đường học-hành xây-dựng tương-lai.
Dạo đó, Minh và tôi chưa quen biết, mãi đến cấp lớp đệ nhị (hay 11) do một tình-cờ mà từ đó bắt đầu chơi thân khi biết hoàn-cảnh giống nhau: cùng là học-trò nghèo từ quê lên tỉnh-lỵ, được tha-nhân giúp-đở cho ở trọ miễn phí mà còn xem như con cháu trong nhà.
Cuối niên-khóa lớp đệ nhị, chúng tôi phải đi thi Tú-Tài 1 cho nên mọi môn học cần phải chăm-chỉ trau-giồi cẩn-thận nhất là những môn chánh như Toán, Lý Hóa và Việt văn . Năm ấy có một vị giáo-sư Việt Văn rất tích-cực dạy dỗ chúng tôi. Thầy soạn rất nhiều tài-liệu cho học-sinh tham-khảo, nhiều bài thơ của Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, Cao Bá Quát…bắt chúng tôi học thuộc lòng để có tài-liệu dẩn-chứng khi làm luận văn. Thầy cần “quay rô-nê-ô” bài vở để phát cho tất cả học-trò của thầy. Thầy giao cho hai đứa tôi làm việc này. Rô-nê-ô là lối in thông-dụng thời đó: đánh máy bài viết lên giấy stencil, loại giấy đặc-biệt rất dai không thấm ướt, máy đánh chữ sẽ đụt lỗ trên giấy khi đánh chữ. Sau đó giấy này được gắn lên “máy rô-nê-ô” quay bằng tay, bài viết in ra được đóng lại thành tập như quyển sách. Công việc này đòi hỏi phải kiên-trì, chăm-chỉ, kỹ-lưỡng…Thầy cho chút ít thù-lao trích ra từ tiền do học-sinh góp lại cho chi-phí. Sau giờ học, hai đứa “tác-nghiệp” bằng cách nhờ máy đánh chữ, và máy quay rô-nê-ô của văn-phòng của nhà trường. Một đứa đọc bài cho đứa kia đánh máy và thay phiên nhau…
Sau những giờ “làm việc” nhọc-nhằn, để tự tưởng thưởng cho mình khi có tiền thù-lao, hai đứa thường đạp xe lên miếu Bảy Bà*(nơi này lúc ấy có bán hàng ăn vặt,thức uống trên những xe đẩy nhỏ cho học sinh), tọa-lạc giửa Trung-Học Bán Công Nguyễn Thông (lúc ấy trường Trung-học công-lập Nguyễn Thông đã đổi tên thành Trung-học công-lập Tống Phước Hiệp và trường Trung-học bán công của tỉnh nhà mới dùng tên Nguyên Thông) và Trung-học Tư-thục Long Hồ, để thưởng-thức những ly chè đậu đỏ rất ngon, béo và ngọt và có lẽ …càng ngon ngọt béo hơn khi để tâm-hồn bay theo những tà áo dài trắng thướt tha trước mắt. Nhớ bạn tôi ăn chè đậu đỏ …với cái miệng rất dễ thương: không bao giờ thiếu những cái chép miệng và đôi lúc có cả …hít hà (tại sao chắc ai cũng biết)!!!


Say-sưa nhắc những kỷ-niệm khác nữa cho đến quá khuya, nhưng phải tạm dừng lại để đi ngủ khi chúng tôi nghe được tiếng “tằng hắng” của chị Minh vẫn chưa an giấc.

Anh Tú (Nguyễn Hồng Ẩn /NHA)
August 8, 2012

*Miễu đã trùng-tu và ghi là “Di-Tích Cửa Hữu Thành Long-Hồ”

2011/11/11

 CHÚNG TÔI BA ĐỨA*

(Tựa cũ:Nguyễn Hồng Ẩn tìm bạn Ngô Thành Hoàng/Ngày đăng: 2011-11-18 09:53:24 tại tongphuochiep71.com)



Ngô Thành Hoàng, con trai lớn của Ông Ngô Thành Hộ Trưởng Ty Nông Vụ Vĩnh Long khoảng năm 1958, nhà ở kế bên Trường Nữ Tiểu Học, trên đường Hưng Đạo Vương.

Nguyễn Phú Thạnh tự Năm Ch..nhà ở ấp An Lương, xã An Đức, Quận Châu Thành, Tỉnh Vĩnh Long ̣(đơn vị hành chánh thời ấy), đã ...từng học ở Trường Tiểu Học Ngả Tư Long Hồ cùng tôi. Chúng tôi học lớp nhất (bây giờ là lớp năm) niên khoá 1953-1954.

Chúng tôi bộ ba chơi rất thân từ lớp Đệ Tứ ( lớp 9) trường Trung Học Nguyễn Thông niên học 1957-1958. Lúc đó trường vừa được dời xuống đường Gia Long mà sau này đổi tên là Tống Phước Hiệp. Thật ra Phú Thạnh và Hoàng là bạn với nhau trước đó. Chúng tôi thường tụ tập tại nhà của ba mẹ Hoàng; hai ông bà rất dễ thương cũng như người chị cả của Hoàng là Ngô Thị Nguyệt Hồng, em trai kế Ngô Thành Hiền và một số em út khác như Ngô Thị Nguyệt Hà, Ngô Thị Nguyệt Huỳnh và em út bé Guy.

Thời bấy giờ, từ Đệ Thất (lớp sáu) đến Đệ Tứ là chương trình Trung Học Đệ Nhất Cấp; từ lớp Đệ Tam (lớp 10) đến lớp Đệ Nhất (lớp 12) là chương trình Trung Học Đệ Nhị Cấp. Để hoàn tất chương trình Trung Học, học sinh phải thi đổ bằng Trung học Đệ Nhất Cấp ngay sau lớp Đệ Tứ, Tú Tài 1 ngay sau lớp Đệ Nhị (lớp 11) và Tú Tài 2 ngay sau lớp Đệ Nhất (lớp 12).


Có vài kỹ niệm khi chúng tôi dự thí các bằng này ở Cần Thơ.

-Lần đầu tiên “liều chỏng đi thi” thật hồi hộp và bối rối nhất là đến nơi xa lạ, không có bà con quen biết hướng dẫn. Ba của Hoàng đưa chúng tôi đến trọ tại một khách sạn ở bến Ninh Kiều. Là lần đầu ở khách sạn, ngơ ngác như “chú Mán về thành” nên có những chuyện buồn cười xảy ra. Đêm khuya, đang ôn bài vở, bụng đói meo mà làm biếng ra ngoài (hay nhát gan), bổng nghe tiếng “leng keng” rao hàng, ngỡ rằng có người bán hàng rong nên kêu lại. “Các chú muốn đấm bóp hả ?”. Hoảng hồn chúng tôi đóng sầm cửa lại, tắt đèn, im thin thít, chờ “ông đấm bóp” lầm bầm mắng (tưởng chúng tôi phá phách chớ đâu ngờ chúng tôi là ... ngố) đi xa mới dám mở đèn trở lại.

-Thầy dạy Toán cho chúng tôi là Giáo sư Nguyễn Văn Kỷ Cương (con của Giáo sư Nguyễn Văn Kỷ Mậu. Sau 1975, thầy Cương định cư tại Toronto, Ontario, Canada và mãn phần vào ngày 05 tháng ̣̣9, 2011).Tôi nhớ ngoài những lời dặn dò thông thường cần thiết cho một thí sinh, thầy còn cho chúng tôi một “bí kiếp”: mang theo kẹo để ngậm khi làm bài, chất ngọt của kẹo sẽ cung cấp ca-lô-ri cho cơ thể từ đó chúng ta sẽ làm bài thi tốt hơn. Nghe lời thầy tôi bỏ kẹo trong túi quần và quên mất. Sau đó cảm thấy nhớp nhúa nơi đùi thì nhớ lại mấy viên kẹo giờ đây chúng đã chảy thành nước đường.

Năm đó kết quả đậu Trung Học Đệ Nhất Cấp của trường Nguyễn Thông rất cao, là lần đầu tiên nữa nên tiếng vang xa khắp nước. Thầy Hiệu Trưởng cho tổ chức tiệc mừng ngoài trời tại sân trường, nếu tôi nhớ không lầm.

-Lần đi Tú Tài 1, chúng tôi đã dạn dĩ hơn. Nhớ lại trong lần thi vấn đáp của môn Sử Địa, chúng tôi đã nghịch ngợm mà sau này nghĩ lại thật là “tàn ác và vô ý thức”, tội nghiệp cho nạn nhân vô cùng.(Tú Tài 1 hoặc Tú tài 2 phải thi hai lần: đậu kỳ thi viết xong mới phải thi tiếp kỳ thi vấn đáp). Chuyện là: khi chờ tới phiên của mình, nghe giám khảo hỏi một thí sinh “ Sông Cửu Long chảy ra biển nào?” .Câu hỏi rất dễ thế mà thí sinh này “ngồi lúc lắc”. Một đứa trong chúng tôi thấy vậy nên tức, buộc miệng nói nhỏ “vừa đủ nghe” (!):  “ Thì chảy ra Đại Tây Dương chớ ra đâu!” .Vô phúc thí sinh ấy nghe được bèn dùng để trả lời cho giám khảo...


Sau này chúng tôi mỗi đứa mỗi ngả ...thỉnh thoảng gặp nhau. Tôi thường gặp Thạnh nhiều hơn Hoàng. 

Lúc Thạnh học ở Kỷ Thuật Phú Thọ tôi đã tham gia vài lần picnic do Thạnh tổ chức (em của Hoàng là Ngô Thành Hiền có lần tham dự, lúc đó Hiền học y khoa chung nhà trọ với Lê Bửu Trân ở đại lộ Trần Hưng Đạo. Và hình như trong những buổi vui chơi ngoài trời này có một “pinic-viên” đã tình nguyện đi bên cạnh cuộc đời của Phú Thạnh cho đến hôm nay.

Vừa trước 1975, tôi có đến thăm Hoàng tại nhà của anh ở đường Hai Bà Trưng vùng Tân Định và mất dấu nhau từ đó.

Sau 1975, khi cuộc sống đã được ổn định “lần thứ hai”, Phú Thạnh và tôi đã cố gắng tìm Ngô Thành Hoàng, một người bạn thật tốt, thật hiền của chúng tôi nhưng vô vọng.

Tôi cũng ̣đã nhắn tin tìm chị Ngô Thị Nguyệt Hồng, bác sĩ Ngô Thành Hiền nhưng cũng chẳng có kết quả.

Hôm nay cuối thu trong tiết trời lạnh lùng của đông, ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, thương mình nhớ bạn, viết lại vài hồi ức mập mờ còn sót lại trong tôi, gởi cho Phú Thạnh và cho một sự cầu may : mong có điều nhiệm mầu xảy ra để chúng tôi không tuyệt vọng ; đó là tin tức về bạn NGÔ THÀNH HOÀNG.



Nguyễn Hồng Ẩn <Anh Tú>

11-11-2011
*Bài này được viết trước khi Nguyễn Phú Thạnh qua đời <2017>

2011/06/01

Image result for cây dừa
*NHỚ MẸ

(Cùng hiền thê nhớ nhạc mẫu)

Mẹ đã vắng nhà hai năm rồi đó
Chiếc võng nơi chái bếp vẫn đong đưa
Lúc gió hè nhè nhẹ thoảng ban trưa 
Mang cơn mát cho mẹ như thuở trước.

Lối ra ngõ hằng ngày ghi dấu bước
Của mẹ tôi thể-dục sáng hừng đông
Cứ ngỡ rằng mẹ mãi sống thong dong
   Nào ngờ sớm giã-từ trong tức tối.

Hai năm trước khi mẹ đang hấp-hối
Cây nhản thơm đầy quả trĩu ưu-sầu
Hàng dừa xiêm cành lá cũng gục đầu
Hoa trước cửa nhạt màu buồn tiển mẹ.

   Lễ giỗ này viết bài thơ dâng mẹ
   Cho tim con vơi bớt nỗi nhớ thương
   Mất mẹ cha là câu chuyện đoạn-trường
   Trãi qua mới biết xót xa, bất-hạnh!

Anh Tú/Nguyễn Hồng Ẩn 
Tháng Sáu<âm lịch>, 2011

2010/02/26

Bến Ninh Kiều, Cần Thơ_Trước 1975


VẾT THƯƠNG TRÊN TRÁN

Nhớ thuở xưa theo giòng đời xuôi ngược
Ba má tôi trôi nổi đến Cần Thơ
Sống lam lũ một thời gần Cái Khế
Cảnh cũ người xưa nhớ mãi đến giờ.

Có những lúc tình cờ tay xoa mặt
Chạm vết trầy trên trán: vết yêu thương.
Thương mẹ cha, thương cả giòng Bassac
Cảm thấy lòng ấm áp lúc soi gương!

Một chiều, qua bên kia đường đi tắm
Ở rạch con nho nhỏ nước lững lờ
Khi đùa giỡn chợt vướng chân té ngã 
Vết thương thành dấu ấn thuở ấu thơ.

Kể từ đó khắc ghi trong tâm tưởng
Đất Phong Dinh yêu dấu biết bao điều
Phan Thanh Giản chỉ một ngày đến học
Những mùa thi tôi say đắm Ninh Kiều.

Tựu trường năm nào thở mùi phấn bảng
Thoang thoảng mùi hương hoa huệ, hoa lan
Đoàn Thị Điểm ngát thơm từng lớp học
Tôi như đang chìm trong giấc mộng vàng.

Nhớ những tối lang thang hàng Bã Đậu
Sau giờ bảng đen phấn trắng lớp đêm
Nhấm nháp ly cà phê bên tiếng nhạc
Nghe lãng du theo ngày tháng êm đềm.

Còn nhiều kỷ niệm nói sao cho hết
Qua phà Binh Minh sớm tối Cái Vồn
Ngắm gió mơn man tóc thề, áo trắng
Và cánh chim vương khói tỏa hoàng hôn.

Thương quá đi thôi Hậu Giang yêu dấu
Xa không gian, thời gian cũng thật xa
Kiếp tha hương vật vờ niềm nhung nhớ
Kẻ bạc đầu khắc khoải nhớ quê nhà!

Anh Tú NGUYỄN HỒNG ẨN
Feb 26, 2010