2017/04/11

BÀI KHÔNG TÊN

(Từ những hạt tuyết cuối mùa Đông vùng Đông Bắc Mỹ)

Xuân về mà vẫn như Đông
Đời vui sao khổ chất chồng hoằng vai?
Cũng đành sống hết tháng ngày
Đưa tay đón cả chua cay mặn nồng.

Vật vờ trong ngọn hàn phong
Hình như len lẫn những dòng nhớ thương
Chập chờn theo những hạt sương
Buồn mơn cánh lá đoá hường nhà bên.

Ngập ngừng viết bài không tên
Gởi theo hoa tuyết rơi lên Xuân hồng
Đất trời nắm níu hương Đông
Như người lưu luyến tơ lòng xa khơi.

Xuôi theo ngày tháng rụng rơi
Có người buồn tủi bên trời xa xôi
Chạnh lòng cám cảnh đơn côi
Nòi tình đồng điệu ...rằng tôi cũng buồn.

Anh Tú

April 22, 2013

2017/04/07

Buổi Sáng...*

Tình Lỡ Ngọc Lan ca chào buổi sáng
Âm thanh vang nức nỡ khóc tình xa
Hồn vật vờ hoài niệm mênh mông nhớ
Buồn ngày tháng mang theo dấu ngọc ngà.

Anh Tú
Apr 7,17


* Cảm tác từ:  "Những bản tình ca và lời chào buổi sáng…Mang dư âm một cuộc tình xa. Ánh mắt ai lấp lánh nụ cười…Nghiêng nghiêng con nước…Dòng sông cũ…trôi xa… trôi xa. Mang theo dấu thời gian ngọc ngà." (Trích đoạn Tháng Tư Về Trong Tôi của Trầm Hương Ptt.)

2017/04/04

Nguyễn Gương
MỘT NGÀY CŨNG NGHĨA THẦY TRÒ

Nhân sinh nhật lần thứ tư của trang nhà, tôi xin viết mấy dòng sau dành cho anh NHA để gọi là  “Thầy trò còn được vui cùng ở một sân chơi”. Nhắc với anh những ngày anh đã dạy tôi ở Trường THBC Nguyễn Thông, Vĩnh Long ( tôi gọi anh bởi anh chỉ cho phép gọi vậy vào lúc này )
Năm học 1973 -1974 thầy Đặng Văn Tấn, hiệu trưởng BC Nguyễn Thông được điều động về làm Chánh sở Học chánh Vĩnh Long . Phụ tá cho thầy Tấn lúc ấy là thầy Nguyễn Ngọc Long . Thầy Tấn đi, cấp trên cử thầy Võ Văn Lạt  giáo sư của trường Tống Phước Hiệp về đảm nhận Hiệu trưởng . Thầy Nguyễn Thành Sơn làm Giám học .
Đến cuối năm 1974, thầy Nguyễn Ngọc Long từ Sở Học chánh về làm XLTV Hiệu trưởng trường BC Nguyễn Thông.
Thầy Long dạy thêm ba lớp 12 môn Lý – Hóa thay thầy Nguyễn Đức Thân được thuyên chuyển về Sài Gòn.
Tháng 3/1975 cấp trên  bổ nhiệm thầy Hồ Văn Chính ,Giáo sư Thủ Khoa Huân về làm Hiệu trưởng Trường Nguyễn Thông. Thầy Nguyễn Ngọc Long về lại Sở Học chánh, vì quá nhiều việc nên thầy không thể tiếp tục dạy Lý – Hóa cho ba lớp trước đây .
Thay vào chỗ trống nhà trường giới thiệu với chúng tôi thầy Nguyễn Hồng Ẩn ở quận Bình Minh về đảm trách . .. Vào lớp chúng tôi là vị giáo sư có dáng bụi bụi hình thể cao lớn miệng rộng, mặt vuông, mũi thẳng , chân mày ngang, đậm , giọng nói sang sảng, nhiều cậu trong lớp thì thầm nhau : – Tướng đàn ông ghê. Đẹp như Ceasar !
– Đẹp như Antony chứ mậy!( phim chiếu ở Vĩnh Long cuối năm 1974 )
–   Vậy mà đẹp gì ?! Một nữ sinh nào đó ở bàn trên quay xuống .
–  Thôi đi mẹ người ta đẹp kiểu đàn ông, hỏng ai như Romeo ” lại cái ” của mấy bà.
Học thêm tuần sau chúng tôi biết thầy Ẩn  là Hiệu trưởng trường Trung học Bình Minh qua dạy, không biết thầy có quan hệ trước đó với thầy Lương Văn Kiệt cũng như có tham gia dạy lớp đêm.
Có học lâu hơn với thầy Ẩn mới thấy cái đẹp đàn ông của thầy . Chẳng biết hơn  40 năm qua giọng nói có còn sang sảng như ngày nọ hay không.  Bọn chúng tôi thích nhất những hôm thầy mặc áo trắng ngắn tay, đứng cạnh bàn viết, tay chống nạnh nhìn vào sách vở, bất chợt thầy ngước lên mái tóc lòa xòa vắt ngang vầng trán rộng rất lãng tử . Mắt thầy nhìn xa vắng qua cửa sổ khi chờ chúng tôi ghi bài .
Thế rồi chúng tôi thi cuối năm sớm để lấy điểm vào học bạ nhanh ( lớp 6 đến lớp 11 đã được cho nghĩ từ trước rồi ) Dự định chương trình lớp 12  rút lại và chấm dứt vào giữa tháng 5 , nhưng ngày thống nhất đất nước đến sớm hơn…..
Viết những dòng này cho anh Ẩn bằng tâm tình người đồng hương , người học trò của năm xưa để biết rằng thầy trò ta hàng ngày vẫn còn sinh hoạt ở một điểm chung nhau : Trang nhà Tongphuochiệp-vinhlong.com
” Một ngày cũng nghĩa…..” phải không anh ?

NGUYỄN GƯƠNG
Cầu Mới 10/7/2016           

*Bài viết này là một bất ngờ, quá bất ngờ khiến tôi ngẫn ngơ trước khi cảm động. Xem như là một món quà vô giá tặng cho một người chọn nghề “đưa đò”, đưa khách sang sông, xong mong gì gặp lại khách.  Đằng này bất ngờ gặp khách, khách tự nhắc chuyện ngày xưa và trao qùa cho lão đưa đò.
Biết Nguyễn Gương ở Cầu Mới, một đia danh thân quen mà tôi đến với mẹ vào khoảng 1946 và về sau … , em có nhắc rằng  em có học với tôi và gọi bằng thầy, tôi nói với Gương hãy xem nhau là  anh em đồng hương là được. Mừng lắm!
Cám ơn tình cảm nồng ấm của em Nguyễn Gương dành cho tôi hôm nay.
NHA
Link:
http://tongphuochiep-vinhlong.com/2016/07/mot-ngay-cung-nghia-thay-tro/

2017/04/01


Mà Sao Mỗi Tháng Tư?*

Không trống chùa công phu, không chuông nhà thờ
không tiếng gà gáy sáng … không như thuở nào trên quê hương
mà trong lòng tôi sao mãi vang dội tiếng yêu thương.

Xung quanh không bè bạn, không học trò, không lớp trường
mà sao trong mơ tôi nghe tiếng hỏi chào vương mùi phấn bảng.
Đang sói đầu, mắt mờ, tai lểnh lảng, chân mỏi đứng im
khi mỗi tháng Tư về mà sao cảm như còn hừng hực lý tưởng trong tim.

Giờ đây …trong ngõ cụt im lìm hừng đông đang lố dạng
mà sao mơ hồ  tiếng “ lạch bạch” xe lambretta
nhắc nhớ chuyến đi Chợ Vãng-Bình Minh mỗi sáng
đến trường chẳng ngại đường xa.

Đường xa bị nghẽn bến mơ; ước mơ đã chết tự bao giờ
khắc khoải với ngày tháng hao mòn, còn ngắn ngủi
niềm vui là những con chữ hững hờ
và chỉ còn đợi chờ lúc cuối đời hất hủi.

Anh Tú
April 1, 2017
*Tặng bạn bè và học trò Trung học Bình Minh Vĩnh Long.

2017/03/31


Hạt Cát 

Em có là gì không?
Không! Em không là gì
Là hạt cát nhỏ bé
Nằm buồn bên lối đi

Người qua đường đôi khi
Buồn chẳng biết làm gì
Thẩn thơ nhìn hạt cát
Nhìn thôi rồi bỏ đi

Cũng có người cô độc
Ngồi vọc cát mà chơi
Như muốn nói đôi lời
Rồi phủi tay đi mất

Hạt cát ơi! Đừng khóc
Em vốn dĩ cô độc
Và người thì cô đơn
Nên gặp mà chẳng gặp

Hãy về lại với mình
Không nằm buồn lặng thinh
Mở trái tim nhỏ bé
Để thấy cõi an bình

Khánh Hà

2017/03/25



GIỜ CÒN ÐÂU…HỠI NGƯỜI ƠI?

(Bài thơ này được hai Nhạc Sĩ phổ nhạc cùng lúc)
Lời: Phượng Trần
Nhạc: NS. Huy Ðạt
Hòa âm: NS. Huy Ðạt
Trình bày: Cs Tâm Thư

Ðường chiều về Em lang thang
Ðưa bước chân lòng miên man
Hạt mưa rơi rơi nhạt nhòa
Nghe giá băng tim mù lòa

Ngày từng ngày trên lối qua
Hồn buốt đau cho tình xa
Thân xác buông xuôi rã rời
Còn lại chi cho cuộc đời

Nhớ chiều xưa Anh đón đưa
Vai sánh vai về dưới mưa
Lời yêu thương Ôi dịu dàng
Ðan tay nhau tình nồng nàn

Rồi bỗng xa xa ngàn xa
Lá vàng tuôn bao mùa qua
Thời gian buông trôi hững hờ
Cuộc tình vương sầu đợi chờ

Giờ còn đâu hỡi Người ơi
Mưa vẫn bay từng hạt rơi
Bước chân em buồn âm thầm
Mắt hoen cay hồn lặng câm

Giờ còn đâu hỡi Người ơi
Ta mất nhau trong cuộc đời
Bao dấu yêu nhớ ngàn sau
Tim khắc ghi mối tình đau

Giờ còn đâu hỡi người ơi?

PT
19.02.2016

(Nhạc 06.04.2016)

2017/03/23


 

Thơ: Yên Dạ Thảo
Nhạc: Đỗ Hải
Tiếng hát: Ngọc Mỹ
Hương Gió Chiều

Anh đi mòn chân đất
Khắp nẻo đường quê hương
Tìm hoa thơ rơi rụng
Mang về để mà thương

Mùa trăng thuyền ghé bến
Thăm em gái Sông Tiền
Hồn lạc về Sông Hậu
Xuân rót giọt ưu phiền

Hạ sang bông phượng đỏ
Rực nở trong nắng hồng
Anh, ve sầu vương vấn
Em, ấp ủ hoa lòng

Thu vàng hương hoa cúc
Nở rộ vườn nhà ai
Lòng anh có khắc khoải
Thương nhớ cánh hoa mai?

Đông về hơi sương lạnh
Đồng thơ nắng cô liêu
Thuyền neo nơi bến vắng
Sông thương, hương gió chiều…



Yên Dạ Thảo
18/03/2015

2017/03/21

Chiếc Lá.
0 tram h
Chiếc lá sân trường. Anh trao…Tôi cười, nghiêng con nắng đổ.
Chiếc lá e ấp trong tay. Chiếc lá mùa xuân xanh biếc.
Tôi ép chiếc lá vào trang vở như kỷ niệm đầu đời và lời tỏ tình vụng dại.
Thời gian trôi…tình học trò như sương…
Tôi quên đi chiếc lá sân trường. Quên đi trang vở ép và những bài thơ.
Sinh nhật tôi.
Nhận được thư anh…Những lời thăm hỏi vu vơ.
Hình vẽ chiếc lá dòng trang cuối, bên lời chúc tôi bình an.
Mùa thu nơi đây… mưa, lá rơi nhiều lắm…nhặt chiếc lá rơi, thả vào trong gió
Lá có buồn như tôi?
Chiếc lá, nụ cười và ánh mắt anh.  Dư hương còn đọng
Ký ức trở về, chuyện buồn vui tuổi nhỏ.
Chiếc lá ngày xưa màu xanh đã mất .
Tôi…anh…trôi theo dòng đời.
Tìm đâu…Chiếc lá sân trường một lần qua tay!

Trầm Hương Ptt


2017/03/18

ÁO XANH hay ÁO BAY...TRONG THƠ CỦA BÙI GIÁNG?
   
Bùi Giáng và hai câu thơ thủ bút của ông.

“ Biển dâu sực tỉnh giang hà,
Còn sơ nguyên mộng sau tà áo bay ”.

  Tình cờ đọc trong một quyển sách đã được phát hành trong nước về thơ của thi cuồng Bùi Giáng. Loạt sách được xuất bản ồ ạt sau khi thi sĩ họ Bùi mất. Không nhớ là bài thơ có tựa là gì. Nằm trong quyển nào! Chỉ nhớ rõ là hai câu cuối là:

" Biển dâu sực tỉnh giang hà
Còn sơ nguyên mộng sau tà áo xanh ".

 Vì không nhớ tựa chỉ nhớ hai câu trên nên gõ vào Google để tìm thì thấy hiện lên nguyên bài thơ có tựa là:

Áo xanh. 
Lên mù sương, xuống mù sương
Bước xa bờ cỏ xa đường thương yêu
Tuổi thơ em có buồn nhiều
Thì xin cứ để bóng chiều đi qua
Biển dâu sực tỉnh giang hà
Còn sơ nguyên mộng sau tà áo xanh .

( Nguồn Wikipedia )

      Hầu như tất cả các mục về thi ca của Bùi Giáng trên mạng mỗi khi có nhắc đến bài thơ này đều dùng chữ " ÁO XANH " làm tựa. Coi như khẳng định.
       Thật ra nếu không có thủ bút xác thực của thi cuồng Bùi Giáng thì chẳng bao giờ dám nêu vấn đề này ra. Nhưng xét thấy rằng hai chữ nằm ở cuối cùng của hai câu thơ trong tờ thủ bút, họ Bùi viết là: " ÁO BAY ". Có sự khác biệt với hai chữ cuối " ÁO XANH " nằm trong bài thơ có sáu câu tựa là " ÁO XANH " của Bùi Giáng được đăng ở Wikipedia, nên dùng tờ thủ bút này để đặt vấn đề xem sao.
     
Hình 02.  Nguyễn văn Hào. Chân dung Thi cuồng Bùi Giáng. Bút chì trên giấy. Cỡ 12.3cm x 17.4cm. Năm vẽ. 1980. Chữ ký đáy góc trái.
Hình 03.   Nguyễn văn Hào. Chân dung Thi cuồng Bùi Giáng.
Bút chì trên giấy. Cỡ 12.3cm x 17.4cm. Năm vẽ. 1980. Chữ ký đáy góc trái
 Hình 04.
Hình 05. Thủ bút của Bùi Giáng. Có ghi chú viết tại gia đình bé Hào.

Tôi có được ba trang thủ bút của Bùi Giáng viết trên hai tờ giấy học trò và hai bức chân dung vẽ bằng bút chì của một họa sĩ có ký tên áng chừng như là Nguyễn văn Hào. Tất cả do một người bạn sơ giao tặng cách nay đã khá lâu có dễ đã hơn 20 năm. 
     Cả 03 thủ bút của Bùi Giáng đều không có ghi năm tháng nhưng ở nơi hai tấm vẽ chân dung thì có ghi rõ là năm 1980 và người tặng có nói cho biết đó là chân dung vẽ nhà thơ Bùi Giáng. Cũng chưa rõ là hai bức chân dung này được vẽ vào cùng một thời điểm với những thủ bút của họ Bùi viết tại nhà bé Hào hay ở một thời điểm khác, nơi khác? Nhưng chắc chắn tất cả những vật phẩm đó tôi được tặng cùng một lúc, từ một người. Có điều mấy vần thơ này làm sau hay trước năm 1980 cũng là một thắc mắc...
       Trong ba tờ thủ bút. Có một tờ chỉ viết một mặt với hai câu thơ lục bát:
" Biển dâu sực tỉnh giang hà,
Còn sơ nguyên mộng sau tà áo bay ".

       Hai câu này Bùi Giáng viết bằng loại bút nỉ, mực xanh chứ không phải là nguyên cả bài gồm 06 câu như đăng trên mạng Wikipedia. Như vậy bài thơ " ÁO XANH " gồm sáu câu lục bát này chưa rõ xuất xứ: Cấp độ xác thực của nó? Thi cuồng họ Bùi đã viết ra hay do người khác ghi lại và như thế nó xảy trong trường hợp nào? Ở đâu?  Với cái tựa " ÁO XANH " của bài thơ là của Bùi Giáng đặt hay do nhà biên tập lấy từ hai chữ cuối bài thơ mà thành?!
       Xét về ý, cùng câu chữ nơi tổng thể sáu câu lục bát trong bài thơ có tựa " ÁO XANH " của Bùi Giáng. Ngoài cái tựa là  " ÁO XANH " lấy từ hai chữ cuối của câu cuối cùng bài thơ. Xem ra toàn thể bài thơ không hề thấy có chút ý gì hay chữ nào cho thấy thi cuồng họ Bùi nói về chiếc áo cả. 
      Nếu như hai chữ " ÁO BAY" đem thay thế hai chữ " ÁO XANH " để cho đúng với nguyên gốc của tác giả thì bài thơ này còn nên giữ cái tựa " ÁO XANH " nữa hay không? Đó là những điều mà chúng ta cần xem xét lại. Trừ trường hợp chứng minh được rõ ràng bằng văn bản, hay thủ bút là cái tựa " ÁO XANH " do Bùi Giáng đặt.
      Có lẽ ai cũng biết. Trong thi ca đôi khi chỉ một vài chữ nó  làm cho tác phẩm trở nên trác tuyệt hơn hẳn... 
   Và " ÁO BAY " hay " ÁO XANH ". Cái nào Bùi Giáng hơn? Ta thử xét từng câu.   

Câu 01. " Biển dâu sực tỉnh giang hà..." 
             Tác giả muốn nói đến một trạng huống biến động đột ngột có dính dáng đến sông nước. " Biển dâu ". Một điển tích xưa nói đến một sự biến đổi. " Sực tỉnh ". Trạng huống xảy ra đột ngột làm cho giật mình. " Giang hà ". Chỉ về sông nước. 

Câu 02. " Còn sơ nguyên mộng sau tà áo bay.."
            Câu này cho thấy một trạng thái hiển lộ, phơi bày ra một cái gì đó khi tà áo bị hất tung lên. 
      " ÁO BAY ". Được xem như là một hình thái " động " của chủ thể, cộng hưởng với cái " động " của câu trên... đã làm tăng thêm cường độ Bùi Giáng trong chất thơ của ông...
         Câu: " Còn sơ nguyên mộng sau tà áo xanh ". Theo tôi nó không liền mạch với trạng thái hoàn toàn " động "của câu trên. Bởi những chữ "...sau tà áo xanh ". Nó chỉ cho ta thấy đang ở trạng thái tĩnh hoàn toàn.
      
      Hai câu thơ này có thể hiểu. Đại để là họ Bùi đang đi lang thang, nghêu ngao trên đường. Bất chợt một cơn gió ập đến hất tung tà áo và lộ ra cái " sơ nguyên mộng " của cô gái đi ngược chiều làm cho thi sĩ nhà ta sảng hồn cảm xúc ứng khẩu thành thơ và được ghi lại bởi chính tác giả tại nhà bé Hào....

        Tóm lại. Tổng thể ý tưởng của hai câu đều chứa đựng một hành vi biến động đột ngột, hiển lộ của vật chất trong cõi người ta, chúng bổ sung cho nhau rất tuyệt. Một tâm ý rất Bùi Giáng nếu ai đã từng nghe ông đứng giữa đường hay giữa chợ chửi rủa Nguyễn Du không tiếc lời với ngôn ngữ Bùi Giáng vì cái tội làm thơ lục bát quá tuyệt... Đôi lúc với những lời phát ngôn hóm hỉnh, trơ tráo làm cho các bà các cô phải đỏ mặt vội vã...bước nhanh vẫn không kịp. Những tình huống như thế này rất ý vị và không bao giờ còn nữa....Tất cả đã vỡ òa vào chốn hư không...của nỗi nhớ. 
       Như vậy! Nếu dùng hai chữ " ÁO XANH " thì có chuyển tải hết được cái ảo diệu của ngôn ngữ, cái tâm ý ngàn thu... rớt hột của thi cuồng họ Bùi không?
      Mục đích chính là tìm căn nguyên của sự việc... nên đặt vấn đề. Cái nào đúng! Cái nào sai? Có cần đính chính lại theo thủ bút của họ Bùi hay cứ để như vậy?  Rất mong được sự chỉ giáo của các học giả...

Trân trọng.
Cauminhngoc.

2017/03/15


Ánh Mắt

Tôi, con trai, cũng có tình đầu đời vụn dại
Tỏ tình bằng ánh mắt ngây thơ
Bởi mắc cỡ nên gởi đến người con gái
Với dáng nhìn vu vơ.

Ánh mắt không như chiếc lá, cánh bông
Để người ta ép vào tập vở
Ngờ ngợ… mong ánh mắt vào lòng
Nằm yên góc nhỏ…

Tình vụn dại không thành nhưng mãi mãi
Mặc thời gian qua trải dài
Theo đời trôi nổi
Tôi luôn mang kỷ niệm trên vai.

Anh Tú
March 15, 2017

2017/03/11

Giữa Dòng
Ảnh: Khánh Hà

Tàu đi rẻ nước đôi dòng
Tan rồi hơp giữa mênh mông vạn trùng
Biển đời tan tác lạnh lùng
Chia ly là mãi mãi không trở về
Bến mê bờ giác cận kề
Vô thường giả tạm cho tê đắng lòng
Ôi em nước mắt đoanh tròng
Để mình chìm lĩm giữa dòng cuồng lưu

Khánh Hà
February 2017

2017/03/09

Nguyễn Nhược Pháp 1914-1938
Chùa Hương*

(Thiên ký sự của một cô bé ngày xưa)

Hôm nay đi chùa Hương. 
Hoa cỏ mờ hơi sương 
Cùng thầy me em dậy . 
Em vấn đầu soi gương.
Khăn nhỏ, đuôi gà cao; 
Lưng đeo dải yếm đào; 
Quần lĩnh, áo the mới ; 

Tay cầm nón quai thao .

Mẹ cười: "Thầy nó trông ! 
Chưn đi đôi dép cong 
Con tôi xinh xinh quá ! 
Bao giờ cô lấy chồng ?" 

-- Em tuy mới mười lăm 
Mà đã lắm người thăm 
Nhờ mối mai đưa tiếng , 
Khen tươi như trăng rằm.
Nhưng em chưa lấy ai, 
Vì thầy bảo người mai 
Rằng em còn bé lắm, 
Ý đợi người tài trai.

Em đi cùng với mẹ 
Me em ngồi cáng tre
Thầy theo sau cưỡi ngựa, 
Thắt lưng dài đỏ hoe.

Thầy me ra đi đò, 
Thuyền mấp mênh bên bờ . 
Em nhìn sông nước chảy, 
Đưa cánh buồm lô nhô .
Mơ xa lại nghĩ gần. 
Đời mấy kẻ tri âm ? 
Thuyền nan vừa lẹ bước, 
Em thấy một văn nhân...
Người đâu thanh lạ thường ! 
Tướng mạo trông phi thường. 
Lưng cao dài, trán rộng. 
Hỏi ai nhìn không thương ?
Chàng ngồi bên me em 
Me hỏi chuyện làm quen: 
"Thưa thầy đi chùa ạ ? 
Thuyền đông giời ôi chen !" 

Chàng thưa vâng thuyền đông 
Rồi ngắm giời mênh mông, 
Xa xa mờ núi biếc, 
Phơn phớt áng mây hồng.
Giòng sông nước đục lờ. 
Ngâm nga chàng đọc thơ ! 
Thầy khen hay, hay quá ! 
Em nghe ngồi ngẩn ngơ . 

Thuyền đi, bến Đục qua, 
Mỗi lúc gặp người ra, 
Thẹn thùng em không nói : 
"Nam vô Ađi-đà !"
Réo rắt suối đưa quanh. 
Ven bờ, ngọn núi xanh, 
Nhịp cầu xa nho nhỏ. 
Cảnh đẹp gần như tranh.
Sau núi Oản, Gà, Xôi, 
Bao nhiêu là khỉ ngồi 
Tới núi con voi phục, 
Có đủ cả đầu đuôi.

Chùa lấp sau rừng cây, 
(Thuyền ta đi một ngày) 
Lên cửa chùa em thấy 
Hơn một trăm ăn mày.

Em đi, chàng theo sau, 
Em không dám đi mau, 
Ngại chàng chê hấp tấp, 
Số gian nan không giàu.

Thầy me đến điện thờ, 
Trầm hương khói toả mờ 
Hương như là sao lạc 
Lớp sóng người lô nhô.
Chen vào thật lắm công. 
Thầy me em lễ xong 
Quay về nhà ngang bảo: 
"Mai mới vào chùa trong".
Chàng hai má đỏ hồng 
Kêu với thằng tiểu đồng 
Mang túi thơ bầu rượu: 
"Mai ta vào chùa trong"
Đêm hôm ấy em mừng ! 
Mùi trầm hương bay lừng. 
Em nằm nghe tiếng mõ, 
Rồi chim kêu trong rừng.

Em mơ, em yêu đời 
Mơ nhiều... Viết thế thôi 
Kẻo ai mà xem thấy, 
Nhìn em đến nực cười.

Em chưa tỉnh giấc nồng, 
Mây núi đã pha hồng. 
Thầy me em sắp sửa 
Vàng hương vào chùa trong.
Đường mây đá cheo veo, 
Hoa đỏ, tím, vàng leo 
Vì thương me quá mệt, 
Săn sóc chàng đi theo.
Mẹ bảo :"Đường còn lâu 
Cứ vừa đi ta cầu 
Quan- thế- âm Bồ-tát 
Là tha hồ đi mau".

Em ư ? Em không cầu, 
Đường vẫn thấy đi mau 
Chàng cũng cho như thế. 
(Ra ta hợp tâm đầu).

Khi qua chùa Giải Oan 
Trông thấy bức tường ngang, 
Chàng đưa tay lẹ bút 
Thảo bài thơ liên hoàn.
Tấm tắc thầy khen hay 
Chữ đẹp như rồng baỵ 
(Bài thơ này em nhớ 
Nên chả chép vào đây).
Ôi ! Chùa trong đây rồi ! 
Động thẳm bóng xanh ngời 
Gấm thêu trần thạch nhũ, 
Ngọc nhuốm hương trầm rơi.
Mẹ vui mừng hả hê: 
"Tặc ! con đường mà ghê !" 
Thầy kêu mau lên nhé, 
Chiều hôm nay ta về.
Em nghe bỗng rụng rời ! 
Nhìn ai luống nghẹn lời ! 
Giờ vui đời có vậy, 
Thoáng ngày vui qua rồi !
Làn gió thổi hây hâỵ 
Em nghe tà áo bay, 
Em tìm hơi chàng thở ! 
Chàng ôi, chàng có hay ?
Đường đây kia lên giời 
Ta bước tựa vai cười, 
Yêu nhau, yêu nhau mãi ! 
Đi, ta đi, chàng ôi !
Ngun ngút khói hương vàng, 
Say trong giấc mơ màng, 
Em cầu xin Giời Phật 
Sao cho em lấy chàng.

(Thiên ký sự đến đây là hết. Tôi tin hai người lấy nhau, vì không lấy nhau thì cô bé còn viết nhiều . Lấy nhau rồi là hết chuyện).

Nguyễn Nhược Pháp

*Nguyễn Vỹ


Nguyễn Vỹ kể lại: "Bài thơ Chùa Hương là bài khá nhất trong tập thơ Ngày Xưa, có một lai lịch kỳ thú không ngờ. Chuyến đi Chùa Hương ấy, Nhược Pháp đi với tôi và hai cô gái nữa, đều là nữ sinh cả. Hai cô mang theo hai máy chụp hình, còn Nhược Pháp và tôi đều đi tay không. Trèo lên đến rừng mơ bỗng chúng tôi gặp một bà cụ vừa bước lên đèo, đường gồ ghề lởm chởm, vừa niệm: "Nam mô cứu khổ cứu nạn Quán Thế âm Bồ tát...". Cô gái quê có lẽ là con của cụ, cũng đang niệm câu ấy nhưng nửa chừng trông thấy chúng tôi là hai chàng trai nhìn cô trân trân thì cô bẽn lẽn làm thinh không niệm Phật nữa. Cô đang đọc: "Nam mô cứu khổ cứu nạn..." rồi cô im. Đôi má cô đỏ bừng, cô cúi mặt xuống. Hai đứa tôi hỏi cô: "Tại sao trông thấy chúng tôi, cô không niệm Phật nữa?" Cô gái quê có vẻ đẹp ngây thơ bỗng tỏ vẻ bối rối muốn khóc. Không ngờ hai cô bạn nữ sinh lên chụp được tấm hình hai đứa tôi đang hỏi chuyện cô gái quê, rồi có lẽ không bằng lòng chúng tôi nên hai cô lén đi trước, và đi lúc nào chúng tôi không hay biết, cũng chẳng nói năng gì với chúng tôi cả, bỏ chúng tôi ở lại với cô gái quê. Chúng tôi mê nói chuyện với cô này, một lúc sực nhớ lại hai cô bạn, chúng tôi vội vàng đi theo nhưng không kịp. Hai cô đã lên đến chùa Ngoài, rồi lên đến chùa Tiên Sơn, lẫn trong đám đông người, biến mất dạng. Đêm ngủ trong chùa Hương, sáng hôm sau ra về, chúng tôi mới gặp lại hai cô bạn đồng hành. Tôi phải xin lỗi mãi, nhưng Nhược Pháp cứ tủm tỉm cười không nói. Về Hà Nội, hai hôm sau, Nhược Pháp đem đến tôi bài thơ Chùa Hương, mà trong bản chép ra đầu tiên Nhược Pháp đề là Cô Gái Chùa Hương. Nhược Pháp lấy cuộc gặp gỡ lý thú của chúng tôi với có gái quê làm đề tài và tưởng tượng thêm ra, thành bài thơ đẹp, giọng ngây thơ, y như cô gái chùa Hương hôm ấy..."