2019/03/15




TIẾT PHỤ NGÂM*

Quân tri thiếp hữu phu,
Tặng thiếp song minh châu.
Cảm quân triền miên ý,
Hệ tại hồng la nhu.
Thiếp gia cao lâu liên uyển khởi,
Lương nhân chấp kích Minh Quang lý.
Tri quân dụng tâm như nhật nguyệt,
Sự phụ thệ nghĩ đồng sinh tử.
Hoàn quân minh châu song lệ thuỳ,
Hận bất tương phùng vị giá thì.

Trương Tịch
*Thơ cổ phong, thời Trung Đường


Dịch nghĩa:

KHÚC NGÂM CỦA TIẾT PHỤ

Chàng biết em đã có chồng
Tặng em đôi hạt châu sáng
Cảm động trước tình đeo đẳng của chàng
Em buộc vào áo lụa hồng
Nhà em có lầu cao bên vườn hoa
Chồng em cầm kích túc trực trong điện Minh Quang
Vẫn biết lòng chàng trong sáng như mặt trời, mặt trăng
(Nhưng) em đã thề cùng sống chết với chồng
Trả lại chàng hạt châu sáng, hai hàng nước mắt ròng ròng
Ân hận rằng không thể gặp nhau lúc chưa chồng.



Dịch bằng thơ:

KHÚC NGÂM CỦA TIẾT PHỤ

Chàng hay em có chồng rồi,
Yêu em chàng tặng một đôi ngọc lành.
Vấn vương những mối cảm tình,
Em đeo trong áo lót mình màu sen.
Nhà em vườn ngự kề bên,
Chồng em cầm kích trong đền Minh Quang.
Như gương, vâng biết lòng chàng,
Thờ chồng, quyết chẳng phụ phàng thề xưa.
Trả ngọc chàng, lệ như mưa,
Giận không gặp gỡ khi chưa có chồng.

Ngô Tất Tố
(Sưu tầm trên Internet)
******************
Thơ cảm tác

TÌNH LỠ

Biết chân em vướng chỉ hồng
Tơ tình anh vẫn tỏ lòng cùng ai
Động lòng đeo đẳng dằn dai
Hồn quay về lại những ngày xa xăm

Vườn nhà hoa thắm hằng năm
Duyên chồng nghĩa vợ đã thâm sâu rồi
Dù tình người sáng rạng ngời
Tôi xin sống hết một đời phu thê

Lệ rưng trả lại cơn mê
Kiếp sau hẹn gặp ... xin thề cùng nhau!

Anh Tú
March 15. 2019

2019/03/08


EM… MÙA XUÂN*

Gió đùa làn tóc mây bay
Nắng hồng ve vuốt bờ vai thơm dòn
Nồng nàn nở nụ cười son
E ấp mười sáu trăng tròn tuổi mơ!

Cuối đường đầu ngõ đón chờ
Có chàng tóc húi ngu ngơ cười chào
Ngoài kia hoa bướm xôn xao
Trong lòng mở hội ngọt ngào đón Xuân!

Cỏ xanh trải thảm đầy sân
Cây khoe lá ngọc chim rân gọi đàn
Đường trần tiếp bước lang thang
Sách đời đọc nốt những trang cuối cùng!

Anh Tú
March 6, 2019
*Đón chào ngày đầu tiên mùa Xuân March 20, 2019

2019/03/06

NHƯ LỜI CÁM ƠN

Đã Lập Xuân hôm 4 tháng 2 dương lịch 2015 tức 16 tháng chạp năm Giáp Ngọ, thế mà hôm nay, “25 Tết” mà tôi đang ngồi bó gối trong nhà nhìn trời le lói tí nắng vàng (vậy là may mắn lắm rồi hơn là tuyết trắng ngập đường),khi nhiệt độ trên dưới -10 độ bách phân, trong lúc quê mình mọi người đang vui chờ đón Tết.
Có một thôi thúc bắt tôi phải viết một điều gì đó để bớt đi nỗi buồn “không tên” chập chờn mỗi lúc Tết về và cũng để ấm áp cho tâm hồn và thể chất đã gìa nua của mình.
Lạc loài trên đất khách vì lý do nào đó, hên hay xui không rõ tùy suy nghĩ của từng cá nhân, tôi nghĩ chắc là do nghiệp duyên của mình.
Nếu còn ở lại quê nhà thì bây giờ ra sao...?Không biết. Nói về cuộc sống từ ngày “nhìn từng gốc cây ngọn cỏ”từ giã nơi chôn nhao cắt rún, để bắt đầu cuộc sống mới cho tới nay thì có biết bao điều tốt xấu kể lể. Nhưng kể ra...mà chi?
Nhặt vài dấu ấn trong những ngày qua - có rất nhiều và những điều này thật là quý báu với tôi- viết ra để trải lòng, cho mình và cho bạn quen hay không quen, có lẽ tôi sẽ sống được một ngày vui.
Ông bà ,cha mẹ, anh em, bà con, thầy cô, bạn bè ...đều cho mình thật nhiều kỷ niệm, vui cũng có buồn cũng có, kể ra sao cho siết. Tôi cũng đã kể ra một vài...trước đây.
Hôm nay viết thêm về ba tôi...vậy.
Từ năm tuổi, bộ nhớ mới bắt đầu ghi những gì xảy ra quanh mình, và những chuyện đầu tiên là về người ba quý kính của tôi.
Hình ảnh của người xanh xao, ốm yếu nhưng không dấu được nét thanh nhã - khi tôi lớn lên, nhìn ảnh lưu niệm và nhớ lại- ngồi sau lái chiếc tam bảng chở gia đình ba người sống lưu lạc trên sông hồ miền Nam, lúc đó đang tại một con rạch nào đó ở vùng Chợ Lách, cùng tôi ngồi trước mũi tam bảng đón vớt những trái mận trôi trên dòng nước.
Má tôi là người nhọc nhằn lo chăm sóc cho gia đình có lẽ đang đi chợ.
Sau này lớn lên tìm hiểu về hoàn cảnh sống lang thang này, tôi mới biết ba mẹ tôi đã có bốn con mà lúc đó chỉ còn mình tôi theo người trên đường trốn chạy của ba do sự săn đuổi của thực dân Pháp. 
Ba tôi đang bị lao phổi đến thời kỳ cuối do bị đánh đập và thiếu thuốc men chửa trị. Đã dến lúc con bịnh bắt ba phải chấm dứt cuộc sống chui nhủi này cũng như hành trình của một con người, mẹ đưa ba về quê nội và người đã yên nghỉ nơi đây.
Tôi mồ côi cha từ đó, lớn lên với sự bao bọc thương yêu của bác, mẹ và bá tánh...trong khi tôi luôn mang theo trong lòng ray rứt về cuộc đời bất hạnh của những con người sanh trong đất nước nhược tiểu, loạn ly.
Vài chục năm sau, hay nói rõ hơn là sáu mươi chín năm sau, khi cách nhau nửa vòng trái đất, nhờ sự phát minh của khoa học như đem con người, một cách nói, lại “gần nhau”, tôi có dịp tìm “gặp” bạn cũ, “quen” bạn mới trong tình trạng “văn kỳ thinh bất kiến kỳ hình”. Có những người bạn mới bất chợt làm quả tim tôi ấm áp vô cùng, đã cho tôi những món quà quý hiếm không ngờ.
Phú Thạnh là nhiếp ảnh gia nên không có mặt trong ảnh_2014
Nhóm bạn thân mến đó là lý do tôi viết đôi dòng chữ này để, như đã nói cho lòng tôi lại được ấm áp trong mùa đón Tết tha hương năm nay và ...tạ ơn quý bạn.
Cám ơn và ghi trong lòng tôi mãi mãi cử chỉ của quý bạn đã dành chút thì giờ quý báu đến viếng nhà của bác tôi, nơi tôi ở đi học lúc thiếu thời, và viếng mộ thân phụ của tôi, nằm nơi đây từ 1945.
Nhắc lại chuyện cách nay không lâu của quý bạn, kể cả Phú Thạnh, tôi cảm thấy rất vui và ăn Tết thật ...ngon lành.

Nguyễn Hồng Ẩn, bút danh Anh Tú.
Hai mươi lăm, tháng chạp Giáp Ngọ
13/2/2015
Chú thích ảnh: Từ trái sang phải: Lê Văn Ngài Em< cháu nội của bác Hai của tôi>, Lương Minh, Thu Nguyệt, Phi Rôm và Trương Văn Phú.

2019/02/28

Về Đâu

Một mình giữa cõi nhân gian
Nhìn rừng cây lá úa vàng ngẩn ngơ
Mùa thu về tự bao giờ
Rào cây chín đỏ, lửng lơ mây trời

Âm thầm từng chiếc lá rơi
Bao nhiêu xác lá qua đời về đâu
Về nguyên bản thể ban đầu
Đất lành ấp ủ hoa mầu mùa sau

Xuân về lá mới lao xao
Hồn nhiên cây cỏ vẫy chào nhân gian
Hỏi chòm mây trắng lang thang
Gió đưa gió đẩy hợp tan vô chừng

Hôm nào thành mưa rưng rưng
Giọt dài giọt vắn bâng khuâng lòng người
Ngàn cây nội cỏ mát tươi
Biển hồ sông nước đang vơi lại đầy

Một vòng sinh tử loay hoay
Chẳng còn chẳng mất, như ngày nguyên sơ
Ta qua quán trọ tình cờ
Vay từng hơi thở viễn mơ một đời

Hôm nao trả lại đất trời
Trở về nguồn cội một thời lìa xa

Khánh Hà

2019/02/18


BỐI RỐI MÙA ĐÔNG

Đông về trời mông lung
Trong không gian lạnh lùng
Còn có cây xanh lá
Mùa nào gây ...nhớ nhung ?

Bối rối ... buồn âm thầm
Đời vui được bao lăm
Nháy mắt xong một kiếp
Dù đời dài trăm năm.

Anh Tú
February 18, 2019

2019/02/09


CẢM HOÀI

Tôi mấy tuổi mà ngồi đây mơ mộng
Thả hồn trôi theo tiếng nhạc lời ca
Những tình yêu đã chết tự hôm qua
Những giọng hát đã già theo năm tháng

Ai đã viết bản tình ca lãng mạn
Bằng trái tim chất ngất nỗi sầu đau
Bằng tình yêu vời vợi tựa trăng sao
Bằng tinh túy ngôn từ và cảm xúc

Ai đã gởi hồn mình trong ca khúc
Như con chim ngữa cổ gọi trời xanh
Như sợi tơ trời run rẩy  mong manh
Từng âm điệu chạm vào hồn nhân thế

Đời tang thương qua mấy ngàn dâu bể
Người ngàn sau ai còn nhớ ngàn xưa
Bao mối tình đã nhạt nắng phai mưa
Rồi tất cả lắng chìm vào quên lảng

Tôi mấy tuổi mà vẫn còn lãng mạn
Trong  mơ thường về lại một bến sông
Đứng bơ vơ nhìn nước lớn nước ròng
Dõi mắt đợi một người trong cổ tích

Khánh Hà

2019/02/06


TẾT TÔI ĐÂU

Lâu quá quên về quê đón Tết
Vì sao? Chẳng rõ tại vì sao
Ngày về, đêm đến chờ không thấy
Tết tôi yêu dấu trốn nơi nào

Nơi nào... bên mẹ chờ mong Tết
N
ải chuối buồng cau may áo con
Nôn nả mặc vào khoe với bạn
Xóm quê con nít đón Xuân giòn


Xuân giòn vẫn đẹp thời chinh chiến
Ghi nhớ mãi hoài chẳng nhạt phai
 Tết tôi đi mất ... đi biền biệt
Chờ đợi mỏi mòn ai có hay


Có hay? Tết cổ truyền muôn thuở
Đầy ắp trong hồn lắm ý riêng
Vào đêm trừ tịch luôn thầm khấn
Non nước sinh tồn thiên vạn niên !

Anh Tú
January 15, 2019
Chờ Tết Kỷ Hợi

2019/02/01


CHIỀU CALIFORNIA

Chiều ra biển ngắm về Tây
Nhấp nhô sóng vỗ mây bay vật vờ
Hải âu đôi cánh ngu ngơ
Đại dương mút mắt đôi bờ cách xa

Đã bao nhiêu buổi chiều tà
Rưng rưng lệ ứa ngóng nhà mong quê
Tội người lắm nỗi ê chề
Thương tôi lưu xứ nhiêu khê dẫy đầy

Chiều ra biển ngắm về Tây
Hoa mai bên ấy dạo này nở chưa?

Anh Tú
Chờ Tết Kỷ Hợi
2019
Malibu,CA_Ảnh Anh Tú

DUYÊN THƠ NGÀY CŨ

Tôi thường "rong chơi" trên mạng ... tìm đọc những bài viết của mọi người như một cách giải trí. Gặp những bài văn , thơ hay thì tôi chép vào blog CHIA SẺ VUI BUỒN để giới thiệu với bạn bè cùng thưởng thức. Đôi lúc bài thơ nào chạm vào tim, tôi cũng "quơ bút"  cảm tác hoặc họa lại... dù "sáng tác" của mình thuộc loại "viết hay không bằng hay viết".
Như hôm kia bắt gặp  đâu đó bài thơ :

Em Đưa Xuân Về

Em về mua chịu thời gian
Ôm cây mừng tuổi bạt ngàn lá xanh
Áo vàng Mai, vạt mỏng manh
Thả hương xuống trọn đời anh thơm đầy
Em về giũ nắng, hong mây
Mơn tay vuốt sợi gió gầy thẳng suôn
Tóc thơm, thơm nhẹ đầu giường
Món quà thương gói trong vuông vắn tình

Hạt sương màu nắng thuỷ tinh
Bình minh trong suốt hương bình minh xuân
Em về cỏ lá hoa mừng
Đưa anh tới chỗ em từng băng qua !…
                 
Phong Tâm
Mùa Xuân 2013

... thấy hay quá bèn nổi hứng họa lại và post lên:

Xuân Về Sưởi Em

Nương theo dòng chảy thời gian
Xuân về gặp lại gió ngàn trời xanh
Mang trên cánh mỏng mong manh
Mùa vui mở hội yến anh lượn đầy

Nắng hồng sưởi ấm làn mây
Sưởi em ngơ ngác hồn gầy tim suôn
Đơn côi gối lẻ loi giường
Cho tròn ân nghĩa cho vuông ái tình

Long lanh đôi mắt thủy tinh
Nụ cười e ấp hương bình minh xuân*
Em vui chim chóc hót mừng
Rộn ràng hoa bướm tưởng từng trải qua!

Anh Tú
hương bình minh xuân” nhóm chữ của Phong Tâm.

...mà quên khuấy mất là có lần mình đã đọc và cũng như lần này mình đã họa cách nay vài năm:

XUÂN CA

Em về! Níu lại thời gian
Để em rực rỡ ngỡ ngàng trời xanh
Hoa quê Mua đẹp mong manh
Đơn sơ dâng hiến tình anh đong đầy!

Em về! Nắng dịu chân mây
Ngẩn ngơ gió đứng cây gầy tay suôn
Hương hoa thoang thoảng đầy vườn
Cho đời ngây ngất từng vuông tấc tình!

Em về! Ngàn giọt thủy tinh
Lung linh mát dịu thanh bình mưa Xuân
Côn trùng nôn nả lời mừng
Chào em trở lại nơi từng lướt qua!

NHA
(Với sự góp ý của NHV)
March 17, 2013

Phát hiện ra chuyện này khi tôi khoe với " chị xã nhà tôi" bài Xuân Về Sưởi Em thì chị ấy nhắc lại chuyện cũ <Bèn than "ôi ...mình đã già rồi"> và tôi tìm lại Link sau đây: 

2019/01/28



Ý NGHĨA TẾT NGUYÊN ĐÁN



Lại một lần nữa, năm hết, Tết đến, Xuân về. Tùy theo địa vị, tuổi tác và hoàn cảnh riêng, mỗi người có cái nhìn về Tết khác nhau. Người lạc quan thì "co cẳng đạp thằng bần ra cửa, giơ tay bồng ông phúc vào nhà." Người bi quan thì lo rằng "mỗi năm một tuổi như đuổi Xuân đi" bối rối về những ngân khoản phải chi phí "Tết đến sau lưng, ông vải thì mừng, con cháu thì lo" và e ngại "Thiên hạ xác rồi còn đốt pháo, thế tình bạc lắm vẫn bôi vôi". Cụ Nguyễn Khuyến, trong một bài thơ thất ngôn bát cú vần trắc đã tả cảnh Tết nơi quê cũ bằng những lời chân chất :
Năm ngoái, năm kia đói miệng chết Năm nay phong lưu đã ra phết Trong nhà nhộn nhịp gói bánh chưng Ngoài cửa bi bô rủ chung thịt Thóc mùa thóc chim hãy còn nhiều Tiền nợ tiền công trả chưa hết Ta ước gì được mãi như thế Hễ Tết rồi thì lại Tết.

Cụ Yên Đỗ nhìn cảnh tượng vui của cảnh dân làng sửa soạn đón Đông quân mà ao ước thế thôi. Dù có ước mong hay không chờ đón, Tết vẫn đến theo một chu kỳ nhất định, không nhanh, không chậm, thản nhiên, đến nỗi một thư sinh phải ngạc nhiên kêu lên :

Không dưng Xuân đến chi nhà tớ, Có lẽ Trời nào đóng của ai

Trong phạm vi bài này, người viết sẽ trình bày ý nghĩa Tết Nguyên Đán về hai mặt triết lý và nhân văn hầu như từ đó có thể rút ra được những bài học áp dụng trong đời sống hàng ngày.

Ý Nghĩa Triết Lý Xuân đến rồi Xuân lại đi. Mỗi độ Xuân về Tết đến, Xuân lại mang cho mình một cái tên mới.
Không biết trước khi hai họ Hy, Hòa làm lịch, mỗi năm đã có một tên chưa, nhưng từ khi có lịch phân chia ra tứ thời, bát tiết thì mỗi năm mới có một tên riêng. Xuân có 60 tên khác nhau, theo đúng một chu kỳ của vòng hoa-giáp. Lấy chữ đầu của thiên-can và địa-chi làm điểm khởi hành, ta có thứ tự các năm sau :
Thiên-can (10) -  Giáp - Ất - Bính - Đinh - Mậu - Kỷ - Canh - Tân - Nhâm - Quý Địa-chi (12) - Tý - Sửu - Dần - Mão - Thìn - Tỵ - Ngọ - Mùi - Thân - Dậu - Tuất - Hợi Có 10 thiên-can và 12 địa-chi. Thí dụ năm 1990 là năm Canh-Ngọ thì năm 1991 sẽ là Tân-Mùi, năm 1994 là Giáp Tuất, năm 1995 là Ất Hợi, năm 1996 là Bính-Tý, 1997 là Đinh-Sửu, năm 2000 là Canh-Thìn ... và cứ như thế tiếp tục cho đủ 60 năm (60 năm là bội số chung nhỏ nhất của 10 và 12). Mỗi năm người ta lại gán cho một con vật tượng trưng như năm Tý là con chuột, năm Sửu là năm con trâu, năm Dần là năm con cọp, năm Mão là năm con mèo (người Tàu dùng con thỏ để tượng trưng cho năm Mão), năm Thìn là năm con rồng... Người ta lại thường căn cứ vào cá tính của mỗi con vật mà suy đoán tình hình quốc tế và quốc nội cũng như cuộc đời, sự nghiệp và tính tình của mỗi người sinh nhằm vào năm đó. Tuy nhiên thuyết thập nhị cầm tượng này không đáng tin, nói chơi cho vui thì được, nhưng nếu căn cứ vào đó mà tin tưởng thì thật là một sự mê tín. Năm Ất Dậu là con gà  hiền lành đến như loài gà là nhất vậy mà sao vào năm đó (1885) kinh thành Huế thất thủ, vua Hàm Nghi phải xuất bôn để cho thực dân Pháp cướp nước ta. Cũng trong năm Ất Dậu (1945) hai triệu đồng bào ruột thịt của chúng ta bị chết đói bởi thực dân Pháp và phát-xít Nhật đã tịch thu hết gạo để cung ứng cho nhu cầu chiến tranh. Và cũng năm 1945 (năm con gà) Việt-Minh cướp chính quyền mở đầu cho 30 năm chiến tranh điêu linh, khói lửa, tang tóc để rồi kết thúc bằng sự xô đẩy gần 60 triệu đồng bào sống xuống cái khuôn xã-hội-chủ-nghĩa nghèo đói, ngu dốt, lạc hậu, lật lọng và ngoan cố. Hai mươi tám năm trước (1968) là năm Mậu Thân (năm con khỉ). Loài khỉ có tinh thần tập thể khá cao, vậy mà sao năm đó lại xảy ra biến cố Mậu Thân để cho toàn thể miền Nam Việt Nam chìm trong khói lửa và riêng ở Huế hàng chục ngàn người bị thủ tiêu và vùi dập trong những tấm mồ tập thể. Năm 1987 vừa qua là năm Đinh Mão tức là năm con mèo. Mèo vốn dĩ hiền lành chỉ lo bắt chuột giúp người và khi chết đi, theo lời của Phan Văn Trị, mèo còn để lại bộ lông giúp ích cho những thư sinh nghèo túng :
Trăm tuổi hồn đầu về chín suối Nhúm lông để lại giúp trò nghèo
Bút lông xưa làm bằng lông thỏ hay lông mèo. Bút lông thỏ thường đắt tiền nên học trò nghèo thường mua bút lông mèo. Một con vật hữu ích và hiền lành như vậy mà tượng trưng cho một năm thì tốt quá rồi còn gì nữa ! Ấy thế mà biến cố Ất Mão hai mươi mốt năm trước (30/04/1975) đã làm cho miền Nam Việt Nam sụp đổ, cả triệu người phải bỏ nước ra đi sống kiếp lưu vong nơi đất khách quê người. Thành ra thuyết thập nhị cầm tượng này chỉ để nói chơi cho vui thôi ! Dù tin hay không tin, dù ước mong hay không ước mong, dù chờ đón hay không chờ đón, cứ đủ ngày giờ, sau 12 tháng là Tết đến, Xuân về. Một đời người lấy 100 năm làm hẹn (nhân sinh bách tuế vi kỳ) thưởng thức nhiều lắm là một trăm cái Tết. Cụ Nguyễn Khuyến đã có một câu đối dán Tết sau đây diễn tả cái ý tưởng đó :
Có là bao ba vạn sáu ngàn ngày được trăm bận Tết
Ước gì nhỉ, một năm mười hai tháng cả bốn mùa Xuân.
 
Sự sắp đổi của thời gian, sự vận hành của vũ trụ, là do luật tuần hoàn chi phối. Trên đời này, không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời. Sông có khúc, người có lúc : Khổ tận rồi thì phải cam lai. Cùng khổ hanh thông, thịnh suy bĩ thái, thành trụ ngoại không, danh hư tiêu trưởng, không phải chỉ là những thành ngữ quen thuộc mà là cái triết lý sống đã ăn sâu vào tâm hồn của người Việt Nam. Thấm nhuần triết lý sống đó, cụ phó bảng Bùi Kỷ đã vịnh Xuân Kỷ Mão (1939) bằng bài thơ chữ Hán sau :
Doanh hư điệu lý thủy nhi cung Bất nhị thời cùng, thời bất thông Địa chuyển thiên hoàn nguyên hữu lý Dương tranh âm đấu khởi vô công Mạc hiềm phong cũ thôi tàn tuế Chính vị sơn hà hoán tiếu dung Lão tự hóa quân hoàn bất lão Niên niên xuân sắc điểm trang hồng 
Nhưng mà vượt lên trên mà xét lại thì sự thịnh suy bĩ thái, doanh hư tiêu trưởng, thành trụ hoại không chẳng qua chỉ là những bề mặt khác nhau của một nguyên lý bất biến : sự tồn tại thường trụ của vũ trụ vô cùng. Vật hữu bản mặt, sự hữu chung thủy. Vật nào cũng có gốc ngọn, việc gì cũng có đầu cuối. Nếu ta ở nơi biến đổi mà xét, thì vạn vật cũng biến đổi. Nếu ta ở nơi bất biến mà xét, thì vạn vật cũng bất biến :
Có thì tự mảy may Không thì cả thế gian này cũng không Xem như bóng nguyệt dòng sông Ai hay không có, có không thế nào
Mò trăng đáy nước, bẻ hoa trong gương, người đời lấy cái có làm không, lấy cái không làm có, không biết chân đấy mà cũng là giả đấy, không biết làm sao cho thâm tâm thanh sạch để có thể biết được tận cùng của cái biết. Thế nên Tô Đông-Pha trong bài phú "Tiền Xích Bích" mới viết rằng : "Chỉ có luồn gió mát trên sông, cùng là vùng trăng sáng bên trong núi, tai ta nghe nên tiếng, mắt ta trông nên vẻ, lấy không ai cấm, dùng không bao giờ hết, đó là kho vô tận của tạo hóa là cái thú chung của bác với của tôi". Nói cho cùng thì con người với vũ trụ đều có cùng một bản thể. Từ thái cực mới sinh ra lưỡng nghi, từ lưỡng nghi mới sinh ra tứ tượng, từ tứ tượng mới sinh ra bát quái, rồi từ đó mới có 64 hào mà biến hóa vô cùng. Tam tài có thiên địa nhân (trời, đất, người). Con người là một trong tam tài đã do từ cùng một thể mà ra thì tất có thể tương ứng tương cảm với nhau được. Vì thiên nhân tương dữ cho nên những biến đôỉ của trời đất cũng ảnh hưởng tới con người. Những năm có nhiều thiên tai (bão lụt, hạn hán, băng tuyết, động đất...) thường có nhiều biến động về chính trị. Khi thay đổi về thời tiết, cơ thể con người cũng bị ảnh hưởng theo. Thi sĩ Hàn Mặc Tử mỗi độ trăng tròn lại bị khốn khổ vì nỗi đau đớn của cơ thể do một trong chứng nan y gây ra. Các cụ già mỗi khi trái nắng giở giời thì lại thấy thân thể đau nhức (nhất là những người bị bịnh phong thấp) làm như các cụ là một thứ phong vũ kế vậy. Cho nên người xưa mới chủ trương rằng con người phải sống thuận với thiên nhiên. Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong. Thuận với trời thì còn, nghịch với trời thì mất . Thâm tâm do vậy không thể trái ngược với thiên lý. Người xưa nói rằng : Cũng nhân tâm ấy há thiên lý nào, cũng là do cái lẽ đó vậy. Con người ở các xứ Tây phương quá tin tưởng vào khoa học thực nghiệm đã phân tích, tìm hiểu, thử nghiệm sáng chế ra biết bao nhiêu điều mới lạ mà làm sao cái bệnh AIDS cho đến giờ này vẫn chưa có thuốc chữa. Mà nguyên nhân chứng bệnh này bởi đâu mà ra, nếu không phải là do những người hành động trái với tự nhiên mà có. Già yếu, bệnh tật, mệnh một là điều người Tây phương lấy làm lo lắng sợ hãi trong khi người Việt Nam chúng ta thản nhiên chấp nhận và coi đó như một sự tự nhiên. Các vị tôn trưởng gần đất xa trời thường được con cháu mua một cỗ áo tốt để sẵn trong nhà phòng khi hữu sự thì có sẵn sàng trong việc tống táng. Chẳng có ai coi quan tài là xui xẻo hay ghê sợ cả. Cho nên trong cái ý nghĩa triết lý về Tết ở Việt Nam, ta có thể rút ra được hai bài học : Thuận theo thiên nhiên mà sinh hoạt theo tự nhiên vì thiên lý như thế nào thì nhân tâm như thế ấy. Tin tưởng vào luật tuần hoàn của tạo hóa. Sự khó khăn nghèo khó hiện tại chỉ có tính cách nhất thời. Mùa Đông lạnh lẽo khắc nghiệt, u ám rồi sẽ qua đi để nhường chỗ cho một mùa Xuân tươi sáng.
Ý Nghĩa Nhân Văn Cũng bởi mùa Xuân là mùa của hi vọng của sự đổi mới, cho nên ý nghĩa về nhân văn của Tết cũng đáng để chúng ta suy ngẫm : 
1 - Sự giao cảm giữa trời đất và con người cùng thần linh. Mỗi năm vào dịp Tết đến, các vua chúa xưa mới làm lễ tế giao. Tế giao là lễ tế trời đất (Thiên-hoàng, Địa-kỳ). Trước Tết, khâm thiên giám chọn ngày tốt trong những ngày có số đơn (mồng) để trình vua. Vua định ngày và đích thân làm chủ tế. Theo tài liệu viết tay của thầy giảng Bénito Thiện còn tàng trữ trong thư viện Toa  Thánh Vatican thì trong lễ tế giao, vua chúa cầu xin trời đất cho thiên hạ được mùa và bá tánh được an lành. Vua chúa thì tế trời đất, các quan tỉnh, phủ, huyện thì tế thần linh địa phương, chức dịch trong làng thì Thành Hoàng, gia tướng thì lễ tổ tiên. Sau này đến đời nhà Nguyễn mới không tế giao những ngày đầu năm như các triều đại cũ. Ông vua cuối cùng của nhà Nguyễn trong lần tế giao cuối cùng lại tổ chức ở Cao nguyên chứ không phải ở kinh đô và dùng một đàn voi sống bao quanh tế đàn. Mặt khác, nếu để ý nhận xét về cấp bậc của người chủ tế, ta thấy có sự phân chia về thẩm quyền. Vua chúa thì cúng tế trời đất, các quan thì cúng tế thần linh trong địa phương địa hạt, lý trưởng hay tiên chỉ thì cúng tế Thành hoàng bản tổ và gia trưởng thì cúng tổ tiên ông bà. Trong làng đêm 30 Tết, các chức sắc trong Hội đồng Kỳ-mục cùng dân làng tụ tập tại đình làng cầu xin Thành hoàng bản thổ phù hộ cho dân làng được bình an, mùa màng được tốt, hoa lợi thâu hoạch được nhiều, súc vật được khỏe mạnh và sinh sản được nhiều. Gia trưởng thì cầu tổ tiên, ông bà, thổ thần, thổ địa phù hộ cho con cháu được khỏe mạnh, gia đạo được bình yên, mùa màng được tốt đẹp. 
2 - Không có biên giới ngăn cách giữa người sống và người chết. Theo giáo sĩ Marini, một giáo sĩ người Ý sống ở Đàng Ngoài vào giữa thế kỷ 17 thì vào lúc giao thừa mọi người phải mở rộng nhà cửa để đón tổ tiên ông bà về ăn Tết với con cháu. Giường chiếu phải dọn dẹp sạch sẽ để tổ tiên, ông bà nghỉ ngơi. Ngoài hiên nhà phải đặt một chậu nước sạch, một đôi guốc, hai cây mía. Oâng bà tổ tiên về ăn Tết với con cháu có nước sẵn để rửa chân, có guốc mới để đi và có mía sẵn làm gậy chống. Chiều 30 hay tối 30 làm lễ rước ông bà về ăn Tết với con cháu, sang mồng 1 cho đến hết ngày mồng 3, mọi người trong nhà thắp hương trên bàn thờ tổ làm lễ cúng gia tiên, mời tổ tiên về hướng cỗ bàn cùng với con cháu đồng thời cầu xin tổ tiên phù hộ cho con cháu được mạnh khỏe và làm ăn được tấn tới. Sau đó, con cháu chúc tuổi ông bà cha mẹ, đầy tớ chúc chủ nhà và ông bà cha mẹ mừng tuổi cho con cháu và gia nhân. Có lẽ vì vậy mà ở Việt Nam chỉ có mừng tuổi ngày Tết, làm lễ mừng thọ vào những năm 50, 55, 60, 70, 80 ... tuổi mà thôi. Năm nào vào dịp Tết đến cũng chúc tuổi người lớn, người già, mừng tuổi trẻ con thì còn cần gì đến sinh nhật như kiểu Tây phương. Tổ chức sinh nhật kiểu Tây phương có tính cách cá nhân còn chúc tuổi mừng tuổi kiểu Việt Nam có tính cách gia đình và toàn thể hơn. Xã hội Tây phương là một xã hội đấu tranh cật lực, cúc cung lao động, cần dùng đến sức mạnh của bắp thịt nhiều, cho nên những người ngoài 50 tuổi đến ngày sinh nhật thường không lấy gì làm vui vì cho rằng mình đã leo đến đỉnh đồi và bây giờ chỉ còn là thời kỳ tuột dốc. Trái lại, phong tục Việt Nam không như thế. Trong làng xã, ngoài chức vị tiên chỉ do những vị khoa bảng hay vị quan to hoặc chức cao cấp nhất đảm trách, còn có vị tiên chỉ lão tức là lão-ông có tuổi thọ cao nhất làng. Nhân tước đáng trọng nhưng thiên tước tức là tuổi thọ do trời ban cho con người còn đáng trọng hơn nhiều. Xã hội Việt Nam không coi con người là một bộ phận sản xuất, không nhìn con người như một phương tiện đầu tư mà luôn luôn tôn trọng con người một cách toàn diện. Tinh thần nhân bản của văn hóa Việt Nam chính là chỗ đó. Cũng trong ý niệm "thờ người lúc chết cũng như khi còn sống, lúc đã mất cũng như khi còn tại thế," ta còn tục tảo mộ chiều 30 Tết. Con cháu thường phát cỏ, đắp nấm, quét vôi mộ phần ông bà tổ tiên, cắm một vài nén hương, bày một vài đồ cúng trước phần một. Nếu người sống lau chùi dọn dẹp nhà cửa để ăn Tết thì tại sao không săn sóc phần mộ tức là nhà cửa của người quá vãng trong dịp Tết đến Xuân về ? 
3 - Tinh thần tống cựu nghinh tân. Tống cựu là tiễn đưa cái cũ, nghinh tân là tiếp đón cái mới. Tiễn đưa cái cũ không phải là khinh thường, coi khinh cái cũ. Cái cũ có giá trị của nó. Không có cái cũ thì làm sao có cái mới. Tuy nhiên muốn tiếp nhận cái mới phải có sự chuẩn bị. Ngày 30 Tết Tây Định Vương Định Tạc cùng các quan quân theo hầu ra ngoài vương phủ để đi tắm sông hoặc một căn nhà gần đấy hầu thanh tẩy cuộc sống dĩ vãng, đón nhận đời sống mới trong năm tới. Không kể tới cuộc thanh tẩy cơ thể, nhà cửa cũng phải được quét dọn sạch sẽ và trang hoàng cho đẹp. Với cây nêu, với những hình cung tên, cày bừa bằng vôi bột vẽ trước sân, với những câu đối mừng Xuân, với những bức tranh Tết, với những mâm quả tử, với những đồ tam sự, ngũ sự bóng loáng với hương đèn nghi ngút, với nghi phục mới tinh, mọi người còn chuẩn bị tinh thần cho mình để tiếp nhận một năm mới, với những luồng sinh khí và những nguồn hi vọng mới. Nguyễn Công Trứ lúc còn là một bạch diện thư sinh cùng khổ đến nỗi "ngày ba bữa vỗ bụng đau bình bịch, người quân tử ăn chẳng cầu no, đêm năm canh an giấc ngáy kho kho, đời thái bình của thường bỏ ngỏ" mỗi độ Xuân về Tết đến, vẫn không quên thắp sáng ngọn lửa hi vọng nơi tâm tưởng :
Tết nhất anh ni ai nói nghèo Nghèo mà lịch sự đố ai theo Bánh chưng chất chặt chừng ba chiếc Rượu thuốc ngâm dầy độ nửa siêu Trừ tịch kêu vang ba tiếng pháo Nguyên tiêu cao ngất một gang nêu Ai vui Xuân anh cũng vui Xuân với Chung đỉnh ơn vua ngày tháng nhiều. 
Cái tinh thần lạc quan, tin tưởng và hi vọng đó rất phù hợp với tôn chỉ quân tử ưu đạo bất ưu bần, bất oan thiên, bất ưu nhân (quân tử lo đạo chứ không lo nghèo, chẳng oán trời mà cũng chẳng trách người) sau này đã được tưởng thưởng xứng đáng.
Cũng trong tinh thần tống cựu nghinh tân đó phải kể tới tục phong ấn. Cuối năm, khoảng 25, 26 tháng Chạp, ấn dấu của vua chúa, quan quyền đều được lau chùi sạch sẽ cất vào hộp vì sẽ không dùng tới trong những ngày cuối năm và đầu năm. Khí giới của quân lính cũng được lau bóng và gác lên giá. Dùng binh khí trong những ngày này là sự bất tường. Qua năm mới, chọn được ngày tốt mới lấy ấn, dấu hiệu ra làm lễ khai bút, và khai ấn.
Tục đòi nợ cuối năm cũng nằm trong tinh thần trên. Ai có vay mượn công nợ gì phải lo thanh toán ngay trong năm cũ. Từ những đồ dùng nhỏ nhất mượn của nhau cho đến tư trang, tiền bạc, nếu đủ điều kiện phải lo trang trải cho thanh thỏa. Nếu không được sự đồng ý của chủ nợ cho khất lại. Nhược bằng không như thế, con nợ mà bị chủ nợ thúc dục, đòi hỏi vào những ngày đầu năm là sẽ bị không may, sẽ bị "dông" suốt năm.
Tục xông đất cũng vậy. Sáng mồng 1, chủ nhà thường hẹn trước một người khách hiền lành đứng đắn, lanh lợi vui vẻ đến sớm để xông đất. Người xông đất là người khách thứ nhất trong năm. Phải có người xông đất rồi, thì trong nhà mới mở cổng ngõ để đón tiếp mọi người và để cho người trong nhà ra đường. Người ta tin rằng, đức hạnh của người xông đất sẽ xua đuổi những cái xấu cũ ra khỏi nhà và đồng thời mang sự may mắn, hạnh phúc và thịnh vượng mới cho gia chủ.
4 - Biểu lộ tình hữu nghị, thân ái và bình đẳng. Trong 3 ngày Tết, người ta đi chúc tuổi nhau. Thường thì người dưới đi chúc tuổi người trên trước. Quan quyền đi chúc tuổi vua chúa trong buổi chầu sáng mồng 1. Quân lính đi chúc Tết Cai Đội và người chỉ huy. Quan nhỏ chúc quan lớn. Con cháu chúc cha mẹ ông bà chú bác. Học trò chúc Tết thầy. Quan nhỏ thường tự mình hoặc cử người thay mình đi chúc Tết cấp trên. Đồ lễ thường là thực phẩm : rượu, trà, gạo, cau, đường, trái cây, bánh, mức, heo, gà. Quân lính khi họp nhau để đến chúc Tết viên quan chỉ huy thường theo một nghi thức trang trọng : đi đầu là Cai Đội chỉ huy từ 2 đến 6 đội (mỗi đội khoảng 30 đến 60 người lính) rồi đến lính bưng một hộp gạo và khiêng một con heo mới giết đặt trên bàn để trước mặt quan. Viên quan ngồi giữa bàn thật oai nghiêm. Quân lính lạy quan sát đất 3 lần. Quan nhận đồ Tết rồi sai quân hầu cất đi, đoạn ban quà mừng tuổi cho lính. Số quà mừng tuổi cho lính thường tương đương với giá trị của quà chúc Tết quan. Các quan không phải gửi đồ đến chúc vua chúa nhưng quan nhỏ phải gửi quà tới Tết quan lớn. Do đó nhà quan lớn tràn ngập đồ Tết. Các quan này thường đem đồ biếu này chia xẻ với cấp dưới, họ hàng, bạn bè. Quà mừng tuổi của vua chúa cho các quan thường là một bộ phẩm-phục đặt trong một cái quả (hộp). Vua chúa sai người bưng quà tới ban đồ lễ cho các quan. Đi theo có lính hầu che lọng cho hộp phẩm-phục để tỏ sự cung kính món quà vua chúa ban cho.
Trong dân gian thì con cháu chúc tuổi ông bà, cha mẹ, chú bác, cô dì, anh chị, con rể chúc Tết gia đình bên vợ (thường vào ngày mồng 2), học trò chúc Tết thầy (thường vào ngày mồng 3), bởi thế có câu ca : 
Mồng một chúc Tết mẹ cha Mồng hai tết vợ, mồng ba tết thầy.
Người ta mừng nhau gia đạo bình an, thăng quan tiến chức, nhất bản vạn lợi, đầu năm sinh trai cuối năm sinh gái, tăng phúc, tăng thọ, vân vân... Vào nhà ai cũng làm lễ gia tiên, chúc mừng nhộn nhịp và được mời ăn. Không ai được phép từ chối, vì từ chối như vậy là coi thường gia chủ, là bất lịch sự. Dù có no cách mấy đi nữa cũng phải nhấm nháp chút rượu hoặc trà hoặc ăn một vài miếng bánh lấy may. Trẻ con được tiền mừng tuổi nên vui lắm. Ai ai cũng nói, cũng chúc những điều tốt lành nhất. Những điều hiềm khích, đố kỵ được dẹp qua một bên. Tất cả đều được chuẩn bị tiếp nhận một năm mới đầy thân ái và hữu nghị.
Như vậy ý nghĩa nhân văn của Tết Nguyên Đán đã mang lại cho chúng ta 3 bài học sau đây : 
- Không có biên giới ngăn cách giữa người sống và người chết, giữa thần linh với con người, trong những ngày mà Trời Đất và Người hòa hợp với nhau. - Tết đến là dịp của mọi người nhận biết vị trí đích thực của mình trong xã hội hầu có thể sống hòa bình thân ái với mọi người trong trật tự và kỷ cương. - Tết đến là dịp của mọi người dẹp bỏ những cái xấu, cái dở trong năm cũ hầu mưu cầu hoạch định một chương trình mới, với niềm lạc quan, tin tưởng và hi vọng trong năm mới.
Kết Luận Vào tiền bán thế kỷ này, một số nhà văn báo chịu ảnh hưởng của Tây học đã kịch liệt đả kích những cổ tục của chúng ta. Đành rằng có những cổ tục là hủ tục cần phải bỏ, nhưng trong những cổ tộc đó không thiếu gì những mỹ tục. Nhìn qua lăng kính khoa học của Tây phương, họ chỉ thấy những cái dở, cái rởm, cái lạc hậu mà không chịu suy nghĩ học hỏi sâu xa để tìm hiểu những khía cạnh của những thuần phong mỹ tục của một dân tộc đã có hàng ngàn năm văn hiến. Họ đã đi tiên phong trong việc phá vỡ những giềng mối kỷ cương, căn bản kiến trúc của một gia đình xã hội ta, mở đầu cho sự thành công của những người đi theo chủ nghĩa duy vật hiện nay ở quê nhà. Những người Việt ở hải ngoại, vì quốc nạn phải bỏ nước ra đi vẫn mang theo trong mớ hành trang một trời quê hương. Cái mà người ta gọi là văn hóa dân tộc ở quê nhà đã bị biến tính và không còn là văn hóa dân tộc nữa. Ở hải ngoại, chúng ta bằng mọi cách phải bảo tồn sự phát triển và nền văn hóa dân tộc đích thực, bất chấp những sự tấn công và lấn át dưới mọi hình thức xuất phát từ quê nhà hay quê người.

Gs Lưu Trung Khảo
Trích từ Sách " Giáo Sư Lưu Trung Khảo - Dưới Mắt Nhìn Của Bạn Bè, Xuất bản 12/2013)