2018/04/04

ĐÔI LÚC

Đôi lúc thích một mình đi dưới tuyết
Nghe cô đơn trong khoảng trắng lạnh lùng
Đôi lúc thích lang thang trên lối vắng
Ngắm cỏ cây và suy nghĩ  mông lung.


Đôi lúc thích không giày đi ven biển
Hạt cát mịn màng ve vuốt bàn chân
Tiếng sóng vỗ rì rào âm xao xuyến
Dạt dào nhạc-lòng góp chữ điệu vần.



Đôi lúc hoàng hôn rơi... ngồi ngắm suối
Dòng nước trôi... không cuốn nổi bóng cây
Bóng uốn éo cong veo như khiêu vũ
Đáy nước tím màu nhạt bóng chiều mây.

Đôi lúc tìm dòng sông nơi đất khách
Giống quê nhà cho vơi nỗi đơn côi
Quanh co nhưng không xuồng ghe tấp nập
Không rặng bần dừa nước lục bình trôi.

Nay tóc trắng nên thường hay lắm lúc
Ngụp lặn trong mơ đêm ngủ chập chờn:
“Về thăm quê sao đi hoài không tới”
Thức giấc giữa đêm gặm nhấm cô đơn.

Anh Tú
April 04, 2018

2018/04/03

SAPA CÒN ĐÂY*

Đỉnh trời quê hương một lần mầy đến
Viết bài thơ ghi dấu chuyến viếng thăm
Chia sẻ chưa xong thình lình vĩnh biệt
Sapa còn...sao mầy về chốn xa xăm?

Anh Tú
April 03, 2018
*Nhớ Nguyễn Phú Thạnh, bạn tôi.

2018/04/02



ĐẾN MỘT LÚC…

Đến một lúc 
mưa gió thành bão tố
Gìn lòng giữ vững một niềm tin.
Đau khổ tất nhiên đời phải có
Lạc quan tiềm ẩn ắp trong tim.

Đến một lúc 
kiêu căng cùng hãnh tiến
quên đi để bản ngã trong lành.
Ngắm cỏ cây mênh mông bát ngát
thân tâm bay bổng khắp trời xanh.

Đến một lúc 
tấm lòng ta rộng mở
Trái tim được thắp sáng niềm tin
Hổ thẹn xấu xa trong dĩ vãng
Tạo ra do ích kỹ ham vinh.

Đến một lúc 
cho đi là hạnh phúc
Tham lam cùm khóa của trần gian
Sân si trôi thả vào sương khói
Nợ trần ai thôi chớ vương mang.

Đến một lúc 
thấu rõ điều bất biến
Tâm hồn như phiến đá tinh khôi
Thương yêu quá tổ tiên sông nước
Lãng đãng chiều hôm phủ núi đồi.

Đến một lúc 
nằm yên trong lòng đất
Nghe thân xác nhẹ bổng trần đời
Vô thường thẩm thấu vào tâm thức
Thanh tịnh là đây lúc thảnh thơi..!

Anh Tú
April 3, 2014

2018/04/01


THÁNG TƯ...


Mênh mông…tình buồn.
…Dầu mùa Xuân đang về nhưng cái vui của đất trời không xoá tan nổi buồn trong lòng người viễn xứ…Tôi đón tháng tư với một chút bâng khuâng…Tháng của ngậm ngùi dâu bể chia xa.
Hồi ức như một quyển sổ cất dấu những vui buồn, lưu giử kỷ niệm của tôi và quê hương. Nơi đó, tôi đã lớn lên, gắn bó từng con đường góc phố. Nắng .. vương nhẹ gót chân. Mưa.. con đường xanh bóng lá. Quán cà phê…một thuở hẹn hò. Những nẻo đường quê… đón đưa nhau khi bình minh lên, khi hoàng hôn xuống. Làm sao quên hình ảnh những ngôi trường thân yêu từ lúc nắm tay mẹ bở ngở vào lớp học i tờ cho đến khi vào đời , đứng trên bục giảng..Dòng sông quê mênh mông vẫn âm thầm chảy bên đời…Những ngày quê hương trong chiến tranh lửa đạn,và giấc mơ thanh bình của tuổi trẻ chúng tôi…Tôi đã để lại nơi quê nhà một phần đời mình với mùi trầm hương ngày cũ… quyến luyến vấn vương..không dể tàn phai như sương khói.

Trầm Hương Ptt

2018

2018/03/31

Image result for cửa phật
Vui Trong Bể Khổ

Hôm nao người bước qua đời
Xuôi tay khép mắt không lời trối trăn
Còn gì nữa để nói năng
Bao nhiêu năm ấy cầm bằng chiêm bao.

Ví dầu trăm năm rồi sao?
Cuối cùng cũng giả biệt nhau một lần
Lời ai nhắc nhở ân cần
Tu đi, đừng để tâm thân đọa đày.

Vui gì trong cõi  trần ai
Thắp sáng tuệ giác, đờì này an nhiên
Một lần rũ sạch não phiền
Quay về tâm sẵn một miền an vui.

Khánh Hà

2018/03/29

HƯỚNG DƯƠNG ƠI !

Mẹ trồng hoa bên mộ
Khóc con sáu xuân rồi
Mẹ trồng hoa trước ngõ
Cười không tròn bờ môi.


Hướng Dương vàng trước ngõ
Sao con vẫn xa xăm?
Hướng Dương tàn bên mộ
Nước mắt mẹ rơi thầm.


Bước chân ai ngoài ngõ
Sao ngập ngừng, bâng khuâng?
Phải chăng nhìn hoa nở
Nhớ thương, nước mắt tràn!


Dù con về âm cảnh. 
Hay đến cõi thiên đưởng
Mẹ vẫn từng đêm vắng
Khóc con, buồn triền miên...


Hôm nay ngày giỗ con,
Hướng Dương nở rất tròn.
Mẹ khấn Trời, nguyện Phật
An vui đời cháu ngoan.


Lặng nhìn di ảnh con
Mà lòng mẹ héo hon.
Ánh mắt con sầu thảm
Nhìn xa xăm, mỏi mòn...


Ước gì Trời, Phật thương,
Từ một cõi thiên đường
Con về như cổ tích...
Hướng Dương ơi, Hướng Dương !

Sâm Thương
05/3/2018
(18 tháng giêng năm Mậu Tuất)

2018/03/28

Chào Em! 

Đã lâu mình không gặp
Mừng em vẫn như xưa
Môi tươi hồng nắng sớm
Mắt ấm nồng ban trưa!

Ba trăm ngày xa vắng 
Em trôi dạt nơi nào
Để lại bao nỗi nhớ
Sóng lòng anh lao xao?

Tha lỗi lời tọc mạch
Chẳng qua vì yêu thương
Ầm ỹ như ngọn lửa
Nồng nàn anh không lường!

Hãy vui ngày tái ngộ
Cho thỏa niềm hoài mong
Mai này lại xa cách
Một năm khác chờ trông!

Anh Tú
28/3/2018

Chương Trình Nghệ Sĩ Với Chiến Sĩ
Thái Thanh Hát Nhạc Văn Cao

2018/03/23


BÂNG KHUÂNG CHÀO XUÂN

Nắng dạt dào
Từng chặp, gió còn gay gay lạnh rì rào vuốt ve những nụ lá non đang nhú chào xuân
Đôi trận bão tuyết cuối đông đã trôi qua để bầu trời xanh ở lại
Chim lẩn trong lùm cây trụi lá từ thu năm qua thi thoảng ríu rít ht khúc xuân ca
Những cụm Xuyên Tuyết nho nhỏ trắng tinh nhưng sức sống dai dẳng đang chờ hoa xuân khác còn ẩn mình đâu đó để cùng đua nhau khoe sắc thắm.
Ngày qua trôi xa
những thay đổi không ngừng của vạn vật bị cuốn theo và sẽ biến mất tất cả
Ngày mai thành hiện tại rồi cũng là ngày qua...

Tay khẳng  khiu đưa lên vuốt tóc, xoa mặt như để cảm nhận rõ hơn sự sinh hoại
Những con chữ bất chợt trào ra theo dòng suy nghĩ vu vơ
Lại bâng khuâng như bấy lâu đã từng....về sự “có không không có”
Tôi hối hả mở lòng ôm trọn xuân đất trời trở lại như sợ Nó sẽ vội rời xa.

Anh Tú
23/3/2018

2018/03/22


NỬA ĐÊM ĐÔNG

Nửa đêm thức giấc cùng tuyết trắng
Trắng cả rừng thông, trắng đất trời
Ngọn đèn lẳng lặng đang soi sáng
Một khoảng không gian trắng vợị vời

Im lặng. Sao trùng trùng im lặng
Có ai  còn thức giữa nhân gian
Dõi mắt đêm sâu nhìn trời đất
Nghe hồn cây cỏ đang thở than

Tuyết rơi. Tuyết cứ rơi rơi mãi
Vạn vật chìm sâu trong giá băng
Bao nhiêu vết tích từ xuân, hạ
Rồi một mai còn lại gì chăng?

Lặng im.Cứ thế mà lặng im
Rồi thôi. Tất cả sẽ  lắng chìm
Tất cả trùng phùng đều chia biệt
Trái tim này rồi cũng lặng im.

Khánh Hà

2018/03/21

Gửi bạn thân vào cửa Thiền

Quẳng gánh tiền khiên dứt nghiệp dày
Người đi về khuất lối mây bay
Chuông khuya đưa kệ vơi niềm tục
Hương sớm dìu tâm điểm bước ngày.
Nước tịnh ươm xanh mầm giải thoát
Đèn thiền soi tỏ mộng trần ai.
Nẻo đường quê cũ thênh thang đó
Gió lộng buồm căng thẳng hướng Tây!

Nguyễn Toàn

2018/03/17

Bến sông Tiền-Vĩnh Long/Ảnh Khánh Hà cung cấp

Bên Bờ Sông Cũ

Mênh mông trời nước một vùng
Bờ xưa bến cũ muôn trùng cách xa
Tìm đâu nữa một mái nhà
Cùng nhau sớm tối vào ra một thời
Hởi giòng nước Cổ Chiên ơi!
Lênh đênh  Đại thủy bình (*) trôi phương nào
Bờ sông sóng vỗ nao nao
Thoáng nghe hương gió cù lao thổi về
Quanh co mấy nẽo đường quê
Vườn ai hoa trái bốn bề tươi xanh
Tìm đâu nữa một mái tranh
Cùng nhau nối giấc mộng lành dỡ dang
Kiếp bèo mây hợp rồi tan
Bên bờ sông cũ bàng hoàng, ngẩn ngơ.

Khánh Hà
(*) lục bình

2018/03/13


 
NHỚ BA

Vào một ngày cuối năm,
gió ngoài trời lạnh lắm..
ba ra đi âm thầm,
buông xuôi bàn tay nắm.

Nơi chốn nào xa xăm,
ba về con không biết,
chỉ còn đây ly biệt,
thương tiếc và buồn thiu!

Tiễn ba đi một chiều,
hoa cỏ buồn hắt hiu,
khăn tang sầu con vấn,
vấn một trời đìu hiu!

Lần đầu tiên con hiểu,
mất ba buồn bao nhiêu.
Lần đầu tiên con hiểu,
con mất một trời yêu!

Thủy Trang.

2018/03/12

Mộng M

Mặt trời lên, nắng chói ngoài vườn
Sao lòng ta như có vết thương
Đau đau trong ngực, cay trong mắt
Tự nhủ có chi đâu mà buồn

Người đã xa thì vẫn là xa
Nếu có lần tưởng người-của-ta
Hãy vui lần đó, thôi cũng đủ
Thuận duyên thì hết khổ đó mà

Chỉ vì chút linh hồn vi-diệu
Cảm mạo phong hàn theo nắng mưa
Lang thang đi khắp trong trời đất
Mãi kiếm tìm mà đã gặp chưa?

Tưởng đã gặp mà như chưa gặp
Tưởng như gần mà thật rất xa
Mơ hồ đi giữa cơn mộng mị
Hiện tại này vừa đến đã qua.

Khánh Hà

2018/03/08


Stamford, Connecticut/March 08, 2018
CÓ PHẢI?

Se lạnh như giáp Tết
Bầu trời trong veo xanh
Sợi gió mong manh thoảng
Xuân chập chờn loanh quanh?*

Cơn vui về len lén
Nhớ thuở tóc còn xanh
Sau Tết quay về lớp
Tóc thề phất phới quanh.**

Nhớ về chưa thỏa dạ
Tuyết lại trắng trời xanh
Đốt sưởi xua giá lạnh
Đông vẫn còn loanh quanh!***

Anh Tú
*    Ngày 28/02/2018
**  Ngày 02/03/2018
***Ngày 08/03/2018

2018/03/07


TÓC XƯA

Ngày nào nhặt tóc quanh đây,
Sợi nằm trong gối, sợi bay ra vườn.
Sợi dài buộc mối yêu thương,
Sợi ngắn cột lấy nỗi buồn xa quê.

Mượt mà một thuở tóc thề,
Gió lùa qua tóc mân mê vai mềm.
Sợi nào đánh rớt bên thềm,
Nhặt về chờ tối ru đêm giấc nồng.

Sợi nào sáng gội, chiều hong,
Gió đưa hương tóc qua song cửa mành.
Lạc vào ngõ vắng nhà anh,
Quen người quen cảnh, không đành rời xa.

Tóc nào đen óng hôm qua,
Gởi vào trang sách, bên ta mỗi ngày.
Sợi nào là sợi tóc mai, 
Loà xoà bên trán làm ai phải lòng.

Để mà sáng đợi chiều trông,
Sợi kề bên má, sợi hôn môi người.
Sợi nào từ thuở đôi mươi,
Tóc tơ se kết, tiếng cười nỗi đau.

Sợi nhìn ngày tháng qua mau,
Tóc xanh hôm trước, bạc màu hôm nay.
Tóc xưa giờ đã xa bay,
Sợi buồn ở lại, ngắn dài xót xa...

DVTh


2018/03/05



ĐÓN XUÂN
                                                                            
Chưa bao giờ tôi thấy nhớ!
quê hương tôi bằng bây giờ.
Bởi đất nước tôi là thơ,
của Nguyễn Du từ muôn thuở chưa mờ,
của Thanh Quan với đèo vắng chơ vơ,
chiều dừng bước ngẩn ngơ hồn non nước.

Người xa xứ với cuộc đời xuôi ngược,
một chiều Xuân bỗng nhớ nước thương nhà.
Bởi quê hương là mạch sống bao la,
mà thương nhớ đã hòa trong mạch máu.

Dù mùa đông thiếu áo,
dù mùa hè thiếu ăn.
Nhưng tình người vẫn chan chứa tựa vầng trăng,
và chất phát như giồng khoai liếp sắn.

Tôi yêu quê tôi vì nhiều cay đắng,
như tấm áo nghèo che nắng che mưa,
như bà mẹ quê vất vả sớm trưa,
như bác nông phu lam lũ cuốc bừa…
Quê hương tôi ơi, yêu mấy cho vừa!

Đêm nay giữa tối giao thừa,
Có người cúi mặt, nghe mưa trong lòng.
Nguyện cầu ơn Chúa hằng mong,
ban nhiều ơn phước tưới hồng quê con.
Để bao nỗi nhớ không còn,
có chăng chỉ tiếng cười dòn đón Xuân!

Thủy Trang

2018/03/04




Xuân chưa đi
Sao vườn thưa vạt nắng
Hờn vì ai… lặng lẽ bóng thời gian
Cúc nhạt hương, ủ rũ cội mai vàng
Cánh hoàng lan vẫn khoe màu áo mới

Xuân chưa đi
Sao gió chiều vời vợi
Bến hoàng hôn ai ngồi đợi chờ ai
Xa vắng xa nỗi nhung nhớ vơi đầy
Nhìn én bay nghe buồn thương khắc khoải

Xuân chưa đi
Sao ngoài trời mưa mãi
Bên song chiều cô em gái ngẩn ngơ
Hỏi ai chi dệt mộng giăng đường tơ
Cho hoa bướm say hương mơ tình thắm

Mai xuân đi
Nhờ gởi người ngàn dặm
Cánh hoa lòng tím thẫm nỗi niềm riêng
Vần thơ thương như suối chảy triền miên
Từ lá duyên ta trao chiều xuân muộn.

Yên Dạ Thảo
28.02.2018

2018/03/02

Ơi Em, Bắt Hồn Tôi Về Đâu…

Thoạt đầu, tôi định đặt tựa bài này là “Thiên đàng mơ mộng”, vì thấy thật đúng tâm trạng của những thằng học sinh Petrus Ký chúng tôi thời đó. Thời chúng tôi có rất nhiều thiên đàng mơ mộng: “Em theo trường về… áo dài tà áo vờn bay” (1).
1. “Thiên đàng” của những thằng tóc hớt ngắn, quần xanh áo trắng là nơi các nữ thiên thần áo dài trắng túa ra như lũ chim bồ câu sau giờ tan học của Trường Nữ sinh Gia Long. Thằng học sinh Petrus Ký Sài Gòn nào mà chẳng mơ được “mần quen” cùng một em áo dài.
Phượng vĩ và đàn bồ câu Áo trắng Gia Long ngày xưa 
Phía bên hông cổng Trường Gia Long, trước cổng chùa Xá Lợi, “cạnh tranh” với những chiếc xe bán bò bía, gỏi đu đủ là những chàng quần xanh áo trắng Petrus Ký đang gửi hồn qua cánh cổng thâm nghiêm có từ năm 1915 với cái tên thơ mộng “Trường nữ sinh Áo Tím”.
Nghe kể lại, trường được thành lập do đề nghị của nghị viên Hội đồng quản hạt Nam kỳ Lê Văn Trung cùng vợ của tổng đốc Phương và một số trí thức người Việt. Khóa đầu tiên (1915) trường tuyển 45 nữ sinh với đồng phục là áo dài tím. Những đời hiệu trưởng đầu toàn là người Pháp.
Năm 1949, nữ sinh Trường Áo Tím cùng nam sinh Trường Petrus Ký tổ chức bãi khóa kỷ niệm ngày Nam kỳ khởi nghĩa nên chính quyền đã đóng cửa trường. Năm 1950, sau một cuộc đấu tranh, biểu tình dài ngày với sự ủng hộ của phong trào học sinh lúc ấy, trường được mở cửa lại.
Đánh dấu sự kiện quan trọng này, sau bảy đời hiệu trưởng trường là người Pháp, lần đầu tiên trường có nữ hiệu trưởng là người Việt: bà Nguyễn Thị Châu. Năm 1953, Trường Áo Tím đổi tên thành Trường nữ trung học Gia Long. Áo dài tím được thay bằng áo dài trắng với phù hiệu là bông mai vàng. Chương trình giáo dục bằng tiếng Pháp được chuyển sang quốc ngữ.
Biết đâu chính “mối tình” gắn kết tranh đấu của Áo Tím và sau đó Gia Long trong những năm về sau đã gắn kết “trai Petrus Ký, gái Gia Long” trong những mối tình thật và ảo của lứa tuổi học trò. Hãy mơ đi những chàng trai Petrus về “thiên đường” tuổi nhỏ dại của mình!
2. Khoảng giữa thập niên 1970, bài hát Con đường tình ta đi của nhạc sĩ Phạm Duy làm xáo động những trái tim mới lớn với những lời ca mộng mị: “…Lá đổ để đưa đường/ Hỡi người tình Trưng Vương” Tôi không biết đó là lời cảm thán của chàng trai nào. Nhưng có lẽ thích hợp hơn xin hãy cho chàng trai ấy là người của Trường Chu Văn An. Như một mặc định, “trai Petrus Ký, gái Gia Long” thì nữ sinh Trường Trưng Vương lại là “của riêng” của những Nam sinh Trung học Chu Văn An mặc dầu hai trường cách trở về mặt địa lý một quãng đường khá dài.
Trường chàng thì ở tận nhà thờ ngã sáu, đường Minh Mạng, còn “thiên đường” của nàng là trường Nữ Trung Học Trưng Vương ở đối diện Sở thú – Thảo cầm viên, số 3 Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tội nghiệp cho nam sinh Trường Võ Trường Toản cùng ăn chung xe gỏi bò với các nàng nhưng chỉ đứng xa ngắm những chàng trường Chu Văn An đón nàng mà hát câu cảm thán: “Trưng Vương hôm nay mưa vẫn giăng đầy trời/ Bóng người thì mịt mùng/ Từng hàng me rung rung” (2).
Nữ sinh Trưng Vương – Lối xưa áo trắng hồn thu thảo (1960)
Có lẽ “nhân duyên tiền định” của hai trường này đều xuất phát từ “người phương Bắc”. Học sinh Chu Văn An đa số là người miền Bắc và Trường Trưng Vương cũng vậy. Điều này cũng dễ hiểu vì Trường Trưng Vương là ngôi trường có gốc gác từ Hà Nội.
Theo “gia phả”, trường được thành lập từ năm 1925, trên con đường Đồng Khánh, phía nam hồ Gươm mang tên Trường Nữ trung học (College de Jeunes Filles), ngôi trường nữ trung học đầu tiên và duy nhất của nữ giới miền Bắc. Vì nằm ở đường Đồng Khánh nên còn được gọi là Trường Đồng Khánh. Đến năm 1948 trường được chuyển đến đường Hai Bà Trưng (Hà Nội) và đổi tên là Trường Trưng Vương. Năm 1954, một số giáo sư và học sinh di cư vào Sài Gòn và thành lập lại Trường Trưng Vương.
Năm học đầu tiên phải học nhờ cơ sở của Trường nữ trung học Gia Long. Mãi cho đến năm 1957, Trường Trưng Vương dời về số 3 Nguyễn Bỉnh Khiêm (nguyên trước đó là Quân y viện Coste của quân đội Pháp).
“Hành lang ấy xa dần xa bước chân người – 
Một thoáng trường xưa đã nghe thời gian thoi đưa” … 
(Tình Thơ của Hoài An)
Bởi vậy ta không lấy làm lạ khi đây là một trong những ngôi trường mang đậm dấu ấn kiến trúc Pháp và được bình chọn là ngôi trường có kiến trúc đẹp nhất Sài Gòn. Nhờ là học sinh Trưng Vương nên mỗi lần làm lễ kỷ niệm Hai Bà, nữ sinh Trưng Vương được ưu tiên tuyển chọn làm Trưng Trắc, Trưng Nhị cưỡi voi trong lễ diễu hành.
Ngày lễ kỷ niệm Hai Bà Trưng – Sài Gòn trước 1975
Có lần đi xem lễ diễu hành trên đường Thống Nhất (nay là đường Lê Duẩn), khi hai nàng học trò Trưng Vương ngồi trên voi “phất ngọn cờ vàng” đi ngang, tôi thấy thằng bạn có vẻ phấn khích. Tôi hỏi: “Mầy thích “ghệ” áo vàng hả?”. Nó trả lời buồn xo: “Không, tao thích con voi. Bây giờ tao ước gì mình được làm con voi”.
Rồi nó cảm thán nhại theo thơ của Nguyễn Công Trứ: “Kiếp sau xin chớ làm người/ làm voi nàng cưỡi, cái vòi đung đưa”. Sau này tôi mới biết cô gái đóng vai Trưng Trắc – áo vàng đó đã cho chàng leo cây, “Trưng Vương vắng xa anh dần. Mùa thu đã qua một lần. Còn đây bâng khuâng”.(2) Ôi, tội nghiệp một thời mê gái !
3. “Áo dài trắng em mang mà anh nhớ…” đâu chỉ ở Sài Gòn. Ở một vùng trời tỉnh Gia Định, những chiếc tà áo của nữ sinh Trường nữ trung học Lê Văn Duyệt vờn bay thật nhẹ nhàng, thanh khiết. Tôi khoái chữ “vờn bay” của nhà thơ Phạm Thiên Thư hơn chữ “tung bay” của nhạc sĩ Từ Huy khi nói về chiếc áo dài của nữ sinh trung học. Chữ “tung” có vẻ gì đó mạnh bạo quá khi nói về chiếc áo dài vốn dĩ đằm thắm.
Thật thiệt thòi khi ngôi trường này không được nhắc đến trong âm nhạc hoặc thơ ca, có lẽ những chàng thi sĩ, nhạc sĩ chỉ thích tụ tập ở Sài Gòn mà bỏ quên một ngôi trường nữ làm đẹp và trắng khung trời Gia Định.
“áo ai trắng quá nhìn không ra”… (thơ Hàn Mặc Tử)
Từ Sài Gòn, xuôi theo đường Đinh Tiên Hoàng, quẹo tay mặt, qua cầu Bông một đoạn, nhìn sang tay trái là một ngôi trường kiến trúc kiểu hiện đại hơn trường Gia Long và Trưng Vương. Chuyện cũng dễ hiểu vì năm 1960, tòa tỉnh trưởng Gia Định đã dùng một khu đất trước kia là ao rau muống để xây dựng trường trên đường Lê Văn, gần Lăng Ông thuộc xã Bình Hòa (tỉnh Gia Định). Trước kia trường mang tên Trương Tấn Bửu, thành lập năm 1957, có hai lớp đệ thất một nam và một nữ, học nhờ tại trường nam tỉnh lỵ (nay là Trường THCS Lê Văn Tám).
Năm 1959, lớp nam sinh chuyển về Trường Hồ Ngọc Cẩn (nay là Trường Nguyễn Đình Chiểu). Khi xây dựng xong, trường được đặt tên là Trường nữ trung học Lê Văn Duyệt và chương trình học bắt đầu từ lớp đệ thất đến lớp đệ nhị. Học sinh nào đậu tú tài I sẽ chuyển sang học Trường Trưng Vương. Khoảng năm 1965-1966 trường mới có lớp đệ nhất. So với hai trường nữ đàn chị thì nữ sinh Lê Văn Duyệt nào có kém cạnh chi, cũng làm những chàng trai thốt lên: “Ơi em, bắt hồn tôi về đâu?”…
Có những chàng trai lãng mạn thì cũng có những chàng trai rất thực tế. Hiệp mập, thằng bạn của tôi, phát biểu: “Tao không lấy vợ là “ghệ” Gia Long, yểu điệu thục nữ quá cỡ, tao chỉ muốn vợ tao là nữ sinh Trường Sương Nguyệt Anh”. Tôi sửng sốt vì Trường nữ trung học tổng hợp Sương Nguyệt Anh mới vừa thành lập năm 1971.
Sau Mậu Thân 1968, một góc đường Minh Mạng, Sư Vạn Hạnh gần chùa Ấn Quang bị cháy rụi. Vài năm sau đó, chung cư Minh Mạng ra đời, phía bắc của chung cư, ngay góc đường Hòa Hảo, Minh Mạng (nay là đường Nguyễn Chí Thanh), Trường nữ trung học tổng hợp Sương Nguyệt Anh cùng được xây dựng.
Không phải thằng Hiệp mập không có lý của nó, vì nữ sinh trường này được học một chương trình giáo dục hoàn toàn mới. Đây là ngôi trường nữ đầu tiên tại VN với lối giáo dục theo phương pháp tổng hợp theo mô hình của các nước tiên tiến thời ấy. Song song với việc giảng dạy như các trường công lập khác, trường còn dạy thêm kinh tế gia đình (tức nữ công gia chánh, may vá nấu ăn), môn doanh thương (tức kế toán đánh máy), âm nhạc (đàn tranh, piano), hội họa, nghệ thuật cắm hoa, và cả môn võ aikido, vovinam.
Ngay từ năm lớp 6, nữ sinh Trường Sương Nguyệt Anh đã được học cả hai sinh ngữ Anh và Pháp khi mà học sinh công lập các trường khác chỉ được học một sinh ngữ. Trường được trang bị một phòng thính thị máy móc rất tối tân để luyện giọng chính xác với giáo sư ngoại quốc, một phòng thí nghiệm đầy đủ dụng cụ.
Với lối giáo dục mới mẻ này, sau bảy năm trung học, nữ sinh trường có cơ hội thành một thiếu nữ VN văn võ song toàn. Còn theo thằng bạn tôi, giúp ích xã hội được hay không thì chưa biết, nhưng chắc chắn là một bà xã biết dạy chồng bằng võ vovinam và tài nội trợ.
Sài Gòn, cùng với những trường nữ trung học công lập Gia Long, Trưng Vương, Lê Văn Duyệt, Sương Nguyệt Anh cũng còn trắng trời áo dài với những trường nữ trung học tư khác như Thánh Linh, Hồng Đức… đã nhốt hồn những chàng trai mặt bắt đầu nổi mụn trứng cá và vỡ giọng với những thổn thức “áo ai trắng quá nhìn không ra”..(thơ Hàn Mặc Tử)..
Những cô nữ sinh với những ngôi trường ấy đã là một phần hồn của chúng tôi, một phần hồn của Sài Gòn đã đào tạo những nữ lưu anh kiệt về các mặt chính trị, văn hóa, khoa học, và tiếp tục những nữ lưu anh kiệt lại là những anh kiệt nữ lưu khác.
Cảm ơn Sài Gòn đã có những ngôi trường ấy cho tôi nhớ. Cảm ơn Sài Gòn có những ngôi trường thiên đàng tuổi nhỏ dành riêng cho chàng trai mơ về những mái tóc, những chiếc áo dài trắng vờn bay… vờn bay!
Chú thích:
(1): Ngày xưa Hoàng Thị – thơ Phạm Thiên Thư, nhạc Phạm Duy. Ngày ấy, trên toàn miền Nam, đồng phục cho nữ học sinh là áo dài trắng, quần trắng (hoặc đen), nam học sinh là quần xanh, áo trắng và đeo phù hiệu mang tên trường trên áo. Không có đồng phục cho riêng từng trường như bây giờ. Lúc ấy chỉ có Trường trung học công lập Mạc Đĩnh Chi nam sinh và nữ sinh học chung.
(2): Trưng Vương khung cửa mùa thu – nhạc và lời Nam Lộc.
(*): Trường Gia Long nay là Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai. Trường Petrus Trương Vĩnh Ký nay là Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Trường Lê Văn Duyệt nay là Trường THPT Võ Thị Sáu. Trường Sương Nguyệt Anh nay là Trường THPT Sương Nguyệt Anh.


CÓ PHẢI?
1

Se se lạnh giáp Tết
Bầu trời trong veo xanh
Sợi gió mong manh thoảng
Xuân chập chờn loanh quanh?
(February 28, 2018)
2

Cơn vui về len lén
Nhớ thuở tóc còn xanh
Sau Tết quay về lớp
Tóc thề phất phới quanh.
(March 2, 2018)

Anh Tú