2014/01/05

TỪ MỘT GÓC TIM

Xuân sắp đến rồi em đã hay
Quê hương mùa Tết nhớ vơi đầy
Biết anh từng phút hằng chờ đợi
Đành phụ lòng ! Em vẫn ở đây!

Từ thuở xa anh em lạnh lùng
Tháng năm duyên phận vốn mông lung
Tủi thân như bị người ta phụ
Nhưng mãi trong tim giữ thủy chung.

Mong núi sông luôn ngập nắng hồng
Sáng danh giòng giống nước Tiên Rồng
Anh hãy noi gương người năm cũ
Được thế! Vui! Dù xa núi sông!

Anh Tú
January 5, 2014
(Mồng 5 tháng chạp Quý Tỵ)

Xướng:



GỞI KẺ MIỀN XA

Đã cuối năm rồi em có hay
Trời xa đất rộng nước vơi đầy
Tình ta chia cách hoài mong đợi
Em vẫn phương trời tôi ở đây!

Bên ấy mùa đông tiết lạnh lùng
Có ngồi bên cửa ngắm mông lung
Nhớ về quê mẹ bao yêu dấu
Còn giữ trong tim nghĩa thủy chung?

Nhờ gió gởi em chút nắng hồng
Mang hồn sông núi tổ Tiên Rồng
Và thương nhớ của người xưa cũ
Sưởi ấm tim người xa núi sông.

Anh Tú
December 31, 2013

2014/01/04

CỜ TƯỚNG


Sáng nay được điện-thư của bạn báo tin bạn vừa tới xứ Cờ Hoa, mừng cho bạn, và post lại bài viết cũ để như chào mừng bạn đến vùng đất mới.

Vâng, chuyện như vầy:


Trong vòng ba mươi năm (1985-2015) chúng tôi, hai người bạn, gặp nhau tận mặt một lần duy nhất vào 2002. Năm ngoái, 2014, tình cờ “tái ngộ”nhau  trên FB, anh đã viết:

“Huunghi Truong
January 3, 2014. 
Hôm nay đc bài "Chút tâm-sự" của Anh Ẩn trên blog của anh về mối giao-hảo bạn-bè và những kỷ-niệm, mình thấy lòng xao-xuyến như thế nào ấy.
Mình không biết thao-tác trên blog ra sao đành phải ghi ở đây tâm-sự gởi anh.
Bạn ơi! Nếu đầu đã bạc mà rưng rưng nước mắt vì một lời tâm-sự thì thiệt là ...! nhưng mình không thể kềm lòng được,bạn ạ.Những ký-ức mà mình muốn quên đi chợt kéo về.Nhìn lại thì cũng chẳng còn thấy vui buồn gì nữa,nhưng lại làm ấm lòng.Những kỷ-niệm đã là thân-thương vì không còn gặp lại được nữa rồi.Oái-oăm là những gì mình chán ghét,giờ đâymỗi khi được nhắc đến lại như là một hạnh-phúc.Ôi thời-gian của tôi.Ôi cuộc sống của tôi.Hoài-niệm,hoài-niệm.
Anh có còn nhớ đến vụ nổ vỏ đạn M79 đêm nào ở bàn cờ tướng trong trại Long Khánh không nhỉ? Hay những đêm cờ tướng ở nhà tôi gần cầu Cái Cam.Nhiều khi tôi nghĩ phải cám-ơn mấy vị đã nhốt tôi vào tù vì nhờ thế tôi mới quen được Bạn hiền cũng như những bạn đồng-điệu khác.
Với tôi hồi-tưởng về những k
ỷ-niệm với bạn-bè thân-thiết là một hạnh-phúc.”

Những dòng tâm-sự của anh cho tôi ý nghĩ để viết bài dưới đây, xin chia sẻ:

CỜ TƯỚNG

Có lẽ tôi học đánh cờ “Tướng Sĩ Tượng Xe Pháo Ngựa” khi trọ học ở Xóm Bún Vĩnh Long thuở vừa vào Trung-học ( từ 1954….).Học với ai thì không còn nhớ hay là học “lóm” không chừng, với những chú bác thường tụ hợp đánh cờ tại lò rèn của ông Năm.

Mê lắm! Mỗi khi rảnh rỗi là chạy ngay ra lò rèn, nếu thấy ai đang đấu cờ là nhào vào xem và khi có dịp ai rủ rê thì không từ chối. Ngày qua ngày kinh-nghiệm tích-lũy, cộng với học hỏi, nước cờ của tôi cũng khá lắm.
Đánh cờ tướng dễ “nổi nóng” khi mà bị thua liên-miên; nhất là khi đối-thủ cười cười, vì thắng phải vui thôi, mà người thua cứ nghĩ là nụ cười khi dễ. Nói gì nếu kẻ thắng tỏ ra kiêu-ngạo là có đánh lộn như chơi. Trừ những tay cao-thủ thì những người chơi cờ tướng cự-nự như cơm bửa thậm-chí còn đánh lộn với nhau. Với tôi nếu xảy ra trường-hợ
p này thì tôi chỉ có nước nhe răng cười và chào thua.
Có lần tôi thắng liên-miên, ngưòi ta gọi là nhờ “chó dắt”, một ông trong xóm vốn là một tay chơi cờ “cứng cựa”, ông ta bất chợt nổi-giận tung bàn cờ tung-toé, chửi thề và bỏ đi với mặt mày giận dữ. Tôi xanh mặt mày không rõ vì sợ hay tức ông ta sao mất lịch-sự …với con nít như vậy.
Bạn học tên Nguyễn Ngọc Long, sau này là giáo-sư Lý Hóa tại Trung-Học Tống Phước Hiệp rồi Thủ Khoa Huân chơi cờ tướng rất giỏi, luôn luôn hạ tôi nhẹ nhàng; tôi thích lối chơi tấn-công ác-liệt của anh, gài nước mà mình không biết, một khi chiếu là…bí. Năng-khiếu
 của tôi có giới-hạn nên hình như đã bảo-hoà, cố học hỏi thêm mà không khá hơn được, chỉ đủ đánh ngang ngửa với anh bạn Nghi, cũng là nhà giáo cùng lỡ vận từ 1975.
Chơi cờ ngang ngửa với nhau thì thích và do vậy chơi lâu mới được. Nếu trên cơ mà muốn chơi lâu mình phải nhân-nhượng một chút, nhân-nhượng khéo mới được chớ tỏ ra “tao nhường mầy” là không xong. Với Nghi, chúng tôi chơi hết mình, khi thua khi thắng.
Nhớ sau những giờ đi đấp đê nuôi tép nhọc-nhằn ở trại “nghỉ dưởng” (tù)Long Khánh, Trà Vinh, tôi với anh thường chúi mủi vào bàn cờ tướng, không  nhớ bàn cờ tự chế hay nhờ vợ con mua cho, mỗi khi “ở không”. Trước để quên đi thời-gian trôi chậm như rùa khi mà mình mất tất-cả, thứ đến cũng có chút đam-mê, còn có thể mê gì khác hơn là mê cờ tướng vào lúc ấy, nên đánh cờ tới khuya khi mà bạn bè xung-quanh đã phải tắt đèn (dầu lửa) đi ngủ vì đến giờ giới-nghiêm. Hai đứa tiếp-tục chơi cờ lén (với ban quản trại) đốt nến cắm lên một vỏ đạn M79 (đã bắn xong ?)lượm được đâu đó. Mê đánh cờ đến nỗi đèn cầy lụn mà không hay. Không may, vỏ đạn M79 là loại vỏ đạn lép nhưng ngòi nổ vẫn còn… nên nổ tung bởi độ nóng của ngọn đèn cầy lụn. Báo động cả láng trại, may mà mấy "xếp" thông-cảm tha cho. Hú hồn!
Trở về thị-xã Vĩnh Long (lúc ấy gọi là thị-xã), anh Nghi xoay qua nghề sửa quẹt “ga”, bôm mực viết “bi” để kiếm cơm nuôi vợ nuôi con, tôi thì quay lại nghề nông …nghiệp-dư. Tôi thường ra nơi anh “làm việc” để khuây-khỏa với anh bên ly xây chừng và bàn cờ tướng.
Có lúc chúng tôi “lai rai ba xị đế” ở nhà anh và dỉ-nhiên anh và tôi đã miệt mài say mê đấu trí nhau với đám quân sĩ , chiến xa, tuấn mã, pháo binh…không khoan-nhượng.
Bạn tôi ơi! Làm sao quên được những vị ngọt bên cạnh những chán ghét nay đã vô-hình-chung trở 
thành hạnh-phúc khi nhắc lai như bạn nói.
Bạn hỏi tôi “ anh còn nhớ hay anh đã quên” nên tôi viết ra đây cho bạn biết…làm sao quên được chúng dù đã qua gần 40 năm.
Thường ba hay bốn giờ sáng đã thức rồi, bên ly cà phê một mình không đường vì một lẽ vì kiêng cử và bên cạnh để thưởng thức cái vị đắng đáng yêu này, hơn hẳn vị đắng của đời, tôi thường chúi mũi vào máy vi-tính.
Bây giờ vừa hơn sáu giờ sáng, ngoài trời khoảng 6 độ F ( chú thích:32 độ F= 0 độ C), vẫn còn tối, trời âm u, tuyết phủ mặt đất khoảng bốn tấc do trận bão tuyết tên Hercules hôm qua. Nơi này còn đang chờ trận Winter Storm Iron sắp đến theo dự báo mà nhiệt độ khoảng -5 độ F hăm doạ mọi người, nhất là người lớn tuổi! Chờ xem!

Anh Tú
Ngày 4 tháng 1 năm 2014

2014/01/03



ĐẾN TỪ CÁT BỤI HAY VÔ THỦY

Đốt nén trầm hương, suối lệ tràn
Trách đời sao tạo cảnh ly tan
Chị từ cát bụi hay vô thủy
Hóa kiếp làm người, nợ thế gian?

Hơn nửa cuộc đời vai trĩu gánh
Trái ngang, toan khổ, chịu âm thầm
Đàn con thưở nhỏ, hồn trong trắng
Có hiểu gì đâu cảnh một thân

Mười bảy năm dài nào chị biết?
Mặc cho thế sự, mặc trầm thăng
Sống đời quên lảng không phiền não
Cái mặc, cái ăn cũng chẳng màng

Ôi xót xa! Dẫu tâm chị tịnh
Biết gì đâu khi hưởng thanh nhàn
Bên con hiếu hạnh chăm lo mẹ
Trọn đạo báo đền công dưỡng sanh

Lần cuối giữa thu sang viếng chị
Chạnh lòng, nhòa lệ cảnh thương tâm
Bao năm đột quỵ hành thân xác
Mệnh bạc hồng nhan quá bẽ bàng!

Chị từ cát bụi hay vô thủy?
Hóa kiếp làm người, nợ thế gian
Tạo duyên, kết oán, hay vay mượn
Trải kiếp trầm luân … xóa nợ trần.

Khúc Giang
23/11/2013
ĐÔI BỜ

Bờ yêu thương bên bồi bên lở
Một chiếc cầu nhịp nhớ nhịp vương
Trăng mơ thao thức đêm trường
Ta ôm gối mộng khói sương mịt mờ

Mùa đông trước vần mơ buồn lạnh
Chữ cũng buồn theo cánh gió đưa
Người đi nỗi nhớ khôn vừa
Người bên sông nhỏ sầu chưa ngớt sầu

Bến Tiền Giang bên cầu dệt mộng
Đón mùa sang gió rộn hương xuân
Bình minh sợi nắng trong ngần
Ngập lòng hạnh phúc xa gần lời thương!


Yên Dạ Thảo
December 28, 2013


ĐÔI ĐƯỜNG 
  
Đường chung lối mà sao để lỡ 
Cho đêm buồn trăn trở vấn vương 
Một mình nằm suốt canh trường 
Sương giăng mà ngỡ bóng ai mập mờ 
  
Gió đông thổi hồn thơ lành lạnh 
Con chữ buồn nằm cạnh đong đưa 
Thương ai nói mấy cho vừa 
Thương ai viết để sầu rơi giọt sầ

Đường cô độc luôn tìm lối mộng
Đợi ai về rung động tình xuân
Nhìn nhau mà thấy ngại ngần
Cho nhau lời nói trăm lần câu thương


Đỗ Hữu Tài
January 2, 2014



KHÔNG  BỜ

Không dám ngõ tình yêu đã lỡ
Để ngậm buồn nhung nh
 vấn vương

           Giận mình chậm bước tình trường         
Người yêu làn khói giọt sương mù mờ.

Nhút nhát làm tim mơ giá lạnh
Hồn vật vờ theo cánh gió đưa
Tình câm nói hết sao vừa
Ngày nhung đêm nhớ vẫn chưa vơi sầu.

Một thuở nào cơ cầu dệt mộng 
Không thành... hoa biếng rộn mùa xuân
Tim son gìn 
giữ trong ngần
Ước mơ kiếp kế được gần người thương.

Anh Tú
January 3, 2014

2014/01/02


HOA KHẾ

Chùm hoa khế em xúi anh trèo hái,
Để đem về đem về mang ép tập bài ca.
Anh sợ giận quên cả lời mẹ dạy,
Lén trèo cao hái vội mấy chùm xa.

Hoa màu tím, cánh xinh xinh bé bỏng,
Em trầm trồ khen đẹp lại đòi thêm.
Không muốn thấy đôi mắt buồn thất vọng,
Anh trèo lên lần nữa hái cho em.

Dưới nắng vàng nụ cười em rực rỡ,
Hoa tím cài trên mái tóc đen nhung.
Ôi đẹp quá! Đôi môi hồng mọng đỏ,
Anh thẫn thờ chỉ muốn được ôm hun.

Em chợt hiểu, thôi cười quay dấu mặt,
Anh đến gần nhè nhẹ nắm đôi tay.
Em mắc cỡ, ngượng ngùng trong ánh mắt,
Hai má hồng ửng đỏ nét thơ ngây.

Rồi từ đó anh thường hay lén mẹ,
Leo kiếm từng hoa khế đẹp cho em.
Để được nắm bàn tay ngà nhỏ bé,
Mà nghe lòng rộn rã bản tình êm.

Cũng từ đó khế nhà anh ít trái,
Mấy năm liền mẹ chẳng hiểu nguyên do.
Anh câm lặng không một lời đáp giải,
Sợ mẹ rầy hoa đâu nữa anh cho.

Năm nay khế oằn cây, trĩu nhánh,
Mẹ bảo nhờ phân nước trái ra sai.
Anh đau đớn trong âm thầm nín lặng,
Em lấy chồng hoa khế hai cho ai???

Kim Thành Xuân
CỤM HOA TÌNH YÊU


THOÁNG XUÂN

Mỗi độ Tết về tiết giá băng
Giao thừa đón rước trong âm thầm
Ngòai hiên hoa tuyết rơi làm pháo
Phủ ấp nổi lòng kẻ nhớ Xuân

Da diết nhớ ngày xưa đón Tết
Con đường chen chút bánh xe lăn
Người người hớn hở đi mua sắm
Kẻ bán, người mua tất được hàng

Nhớ mẹ bộn bề lo mọi việc
Áo quần cho trẻ mừng năm sang
Cửa nhà sơn quét thay màu mới
Chùi bóng lư hương óng ả vàng

Theo lệ, gia đình vào thưở ấy
Bàn thờ bày biện phải khang trang
Hoa mai, ngũ quả, rượu, trà, mứt
Đôi liển, đèn hoa, mấy bó trầm

Bếp núc lửa hồng nghi ngút khói
Dăm đòn bánh tét gói đầy nhân
Thịt kho, dưa món, nem bì, chả
Phong phú ba ngày những món ăn

Nghĩ đến Tết xưa lòng rộn rã
Nhớ người, nhớ cảnh, nhớ hương Xuân
Quê nguời đón Tết buồn khôn xiết
Hội Chợ cuối tuần, là hưởng Xuân.

Khúc Giang

 Diễn ngâm: Hương Nam



EM ĐI SÀI GÒN

(Tặng Khúc Thụy Du)

Sáng nay chắc em đã đi Sài Gòn
Trời Vĩnh Long mấy ngày nay lạnh lắm
Ánh nắng mặt trời vùi vào mây thăm thẳm
Hiếm hoi buồn như thiếu vắng hơi em !

Sáng nay anh vẫn ngồi cafe một mình
Trời Sài Gòn có nắng không em nhỉ ?
Gió Đông Bắc có làm em lạnh thêm một tí ?
Có nhớ Vĩnh Long mình thiếu nắng thiếu em ?

Mai mốt em về nhớ gói theo ít nắng
Anh hùn với em ca nước trong veo
Tưới dây đậu rồng
Đã thắ
p thỏm bỏ tay leo
.

Như Không Đặng Công Tạo
December 28, 2013
Vĩnh Long buổi sáng âm u và lạnh

2014/01/01

LÁ ME BAY

Lá me vương tóc em rồi
Bổng dưng xao xuyến bồi hồi thương ai!
Lá me bám chặt trên vai
Bổng dưng anh muốn mãi hoài bên em.
Anh Tú

Trước 1975, tạm lấy cái móc thời gian này, đã có nhiều cơn gió mọi thời điểm, sáng trưa chiều tối, bất chợt thổi qua làm cho lá me bay bay, bám trên vai trên tóc khách đang  đi qua con đường rất lãng mạn Nguyễn Du, Sài Gòn. Đã có biết bao nhiêu cặp tình nhân dìu nhau, nắm tay nghiêng đầu thủ thỉ những lời âu yếm yêu thương thề non hẹn biển bên hàng me, trong góc nhìn nào đó ...đẹp không thua gì loài phượng vỹ.
Những ai là thời tuổi trẻ sống ở Hòn Ngọc Viễn Đông, nhất là sinh viên mà không một lần dạo bước, dù một mình hay với bạn,  trên con đường nổi tiếng dễ mến ấy thì thật là tiếc rẻ, để đến lúc, có thể những cây me già theo thời gian hoặc vì thời thế chúng phải biến mất.
Đối với thế hệ đã đong đầy kỷ niệm liên quan ít nhiều đến con đường Nguyễn Du, người ta gọi là con đường tình sử / con đường có lá me bay / con đường tình của tôi… thì nó vô hình chung trở thành một nỗi niềm thân thương nằm đâu đó trong quả tim của mình, nếu có sự kiện nào nhắc đến, dù chỉ là nói tên Nguyễn Du thôi thì hồn bất chợt bâng khuâng nhớ về …
Có không ... những ca khúc, bài văn, bài thơ đã viết về lá me bay của những con đường đáng yêu như con đường Nguyễn Du của Sài Gòn xa xưa?
Ít nhất có một ... là bài hát Sài Gòn Trên Đường Nguyễn Du, "có thể là lời của Nguyễn Tất Nhiên nhưng không biết nhạc của ai" :

Sài Gòn Trên Đường Nguyễn Du

Cho nhau trong ngày sống còn
Này chút hân hoan phù phiếm dương gian.
Cho nhau cho từng phút đời
Bùi ngọt trong đắng caỵ
Cho nhau cho từng chút tình
Còn xót trong tim loài thú yêu đương.
Cho nhau cho từng chút người
Dần hiếm khan chốn nàỵ
Hôn nhau, tình yêu giúp ta thêm từng giờ
Nhoà trong ước mơ
Từng khắc hơ ấm nhau tình người
Còn gắng nuôi lòng nhân
Dù trái tim bầm đen.
Hôn nhau, tình yêu giúp ta nghe Sài Gòn
Còn chưa mất tên.
Và lá me rắt trên nụ cười
Đường Nguyễn Du còn thơ
Dù có đau ngẩn ngợ
Đưa nhau qua từng lối đường
Dìu bước lang thang tìm chút hương tan.
Yêu nhau cho ngày bớt dài
Và tuổi xanh trống trôị
Chia nhau chia từng chán chường .
Từng nỗi hoang mang loài thú sa chân.
Chia nhau đôi giòng mắt lệ
Dìu nhau qua kiếp người.

Nguyễn Tất Nhiên


Tôi cũng đã nghĩ về nó và viết:

NHỚ

Hè nay... trời mưa
Nhớ lắm ngày xưa
Đưa em dạo phố
Hàng me lá đổ 
gió đùa!

Sài-Gòn năm nào
Hai đứa bên nhau
Giảng đường đại học
Thời gian ngà ngọc
ngọt ngào!

Sân bay hoàng-hôn
Xao xuyến tâm-hồn
Bồi-hồi đưa tiển
Chia tay vĩnh viễn
mất em!

Dỉ vảng mây bay
Kỷ niệm còn đây
Tóc xanh tóc trắng
Đời vẫn sâu lắng
ngất ngây!

June 22, 2012

Và cùng nghe thêm VÙNG LÁ ME BAY:


Kỷ niệm là niềm vui không thể thiếu của đời sống chúng ta.

Anh Tú
2014

NHƯ CÁ  HÓA  RỒNG

(Từ GỞI KẺ MIỀN XA của Anh Tú) 

Ờ nhỉ!.Nhà thơ nhắc mới hay
Tuy xa tình vẫn mãi đong đầy
Người đi không biết ai chờ đợi
Xin hãy một lần trở lại đây !

Quê cũ tình xưa nở lạ lùng
Khiến tim xao xuyến mộng sầu lung
Nhớ chăng môi ấm còn in dấu
Tàn đông lưu luyến bạn tình chung?

Đầu Xuân xin gửi tặng đóa hồng
Chúc “Kẻ  Miền Xa” : Cá hóa Rồng
Đừng vui đất lạ quên tình cũ
Như bóng với hình tợ núi sông…

Phú Thạnh
01/01/2014


2013/12/31

HỎI

Đêm nay mặt trời đi vắng
Sáng mai vầng trăng ngủ vùi
Đừng hỏi chúng về đâu

Hãy thắp lên ngọn nến
Hãy thổi tắt ngọn nến
Khiêm cung bốn mùa luân vũ
Đừng hỏi chúng buồn hay vui

Khẻ rút kiếm gọt từng cọng cỏ
Mặt trời sáng lóa lau khô giọt mồ hôi
Ở trong ánh sáng rạng ngời
Tôi, Em ngày chạm ngõ.

Hồng Băng
31.12.2013


GỞI KẺ MIỀN XA

Đã cuối năm rồi em có hay
Trời xa đất rộng nước vơi đầy
Tình ta chia cách hoài mong đợi
Em vẫn phương trời tôi ở đây!

Bên ấy mùa đông tiết lạnh lùng
Có ngồi bên cửa ngắm mông lung
Nhớ về quê mẹ bao yêu dấu
Còn giữ trong lòng nghĩa thủy chung?

Nhờ gió gởi em chút nắng hồng
Mang hồn sông núi tổ Tiên Rồng
Và thương nhớ của người xưa cũ
Sưởi ấm tim người xa núi sông.

Anh Tú
December 31, 2013

Hoạ:

TỪ MỘT GÓC TIM

Xuân sắp đến rồi em đã hay
Quê hương mùa Tết nhớ vơi đầy
Biết anh từng phút hằng chờ đợi
Đành phụ lòng ! Em vẫn ở đây!

Từ thuở xa anh em lạnh lùng
Tháng năm duyên phận vốn mông lung
Tủi thân như bị người ta phụ
Nhưng mãi trong tim giữ thủy chung.

Mong núi sông ngập nắng hồng
Sáng danh giòng giống nước Tiên Rồng
Anh hãy noi gương người năm cũ
Được thế! Vui! Dù xa núi sông!

Anh Tú
January 5, 2014
(Mồng 5 tháng chạp Quý Tỵ)





BÀI THƠ CUỐI NĂM

Nước mắt lòng chảy ngược
Rót vào đời chảy xuôi
Mắt vẫn là con mắt
Người phải con người thôi !

Cái có thì đã có
Cái không tự không rồi
Đau đẻ nào cũng đẹp !
Mỉm cười – một cách chơi.

Chuồn chuồn trâu, mỏng dánh
Đậu như xòe cánh bay
Cội buồn vui bất tận…
Say tình như mới say !

Sau khói sương là nắng
Sau lồng ngực – trái tim
Trước không gian tĩnh lặng
Xa vọng tiếng ru chìm.

Quên tình giống cai nghiện
Bạn càng xa càng gần
Thời gian bắn tên lửa
Con người tự hiến thân !

Phong Tâm
30.12.2013






Em mặc áo bình minh , đi xuống phố
Trời sương pha hoa hé nụ dâng hương
Gió ơi cất những gì tôi đã trót
Buổi ban sơ làm bướm ở sân trường.

Em mặc áo trời trưa, sao nắng dịu
Sương dần tan lành lạnh ở đâu đây
Một khỏanh khắc như lằn ranh rất mỏng
Vừa đủ tôi cầm và khẻ mất trên tay.

Em mặc áo hòang hôn, tôi mất dấu
Ráng chiều phai mây lạt sắc buồn hơn
Em vẫn thế! Nét đài trang lẩn khuất
Tôi suốt đời hớt hải gót chân son.

Em mặc áo  đèn vàng hoe, phố huyện
Bước qua cầu, cành nguyệt quế đơm bông
Tôi lóp ngóp dưới dòng sông cố xứ
Vớt bóng tôi xưa, hoi hóp giữa dòng.

Em mặc áo hường nhan, xa ngút mắt
Có bao giờ ngóng vọng cuối trời xa?
Sao lại khóc, đâu có gì hối lỗi
Thảo nguyên xanh còn chỗ một chồi hoa.

Rồi phiêu lãng như đã từng phiêu lãng
Giọt sương xưa về rớt bến sông nhà
Em ở đó, vô tình phơi tóc nhớ
Lại nhìn nhau, ta lại hát khúc ly ca.

Em đã giấu những gì ta chẳng đóan
Cuộc vô thường ráo hỏanh mắt vô minh.

Hồng Băng

                                 

2013/12/30

TÌNH HOA BƯỚM

Nếu hương đêm say dậy với trăng rằm
Sao lại trách người thơ tình lơi lả ?
Xuân Diệu


Nắng sớm vừa lên đê mê đắm đuối
Má em hồng ngọt lịm nụ hôn say
Hạnh phúc đến mừng giọt sương nước mắt
Hương trinh nguyên hoa nhụy hiến dâng ngây.

Vốn nòi tình chập chờn đôi cánh sảy
Dạo rừng hoa quyến rũ chuyện ái ân
Dâng sắc thắm ngất ngây rồi lịm chết
Cũng thoả lòng lãng mạn kiếp phong trần.

Vui phút chốc mà ngàn năm vương vấn
Cánh rã rời vẫn ngửa mặt nhìn trời
Nhụy thành quả dâng đời đâu phí lãng
Tình bướm hoa hạnh phúc choáng chơi vơi?

Anh Tú
December 30, 2013 

NHÂN ĐỌC VÒNG TAY TÌNH THƯƠNG 

Lời ngỏ:
Thư gửi quý bạn trong nhóm có email chuyển cho nhau nhân đọc VÒNG TAY TÌNH THƯƠNG.

December 30, 2013 at 6:34 AM

Các bạn quý mến,

Là 30 tháng 12 dl, 2013 rồi.
Năm mới 2014 bắt đầu vào ngày mốt, chúng ta dù khác nhau ngày sinh nhưng có thể nói là cùng nhau thêm một tuổi. Thêm một tuổi vui hay buồn đây? Tại sao phải buồn? Sống qua một năm là "mừng muốn chết", cảm ơn trời đã ban cho, vui chớ, chúng ta xin trời cho thêm năm nữa, phải không các bạn? Chúc mọi người toại nguyện.
Tôi chọn email này để hồi âm các bạn nhân dịp cuối năm / đầu năm này.
Đồng ý với các bạn cái email chuyển đi này quá tuyệt! Quá tuyệt vì chan chứa tình thầy trò cha mẹ len trong đó là tình bạn của chúng ta, gợi nhớ dĩ vãng đẹp, nhất là thời gian chúng ta là học sinh...Cám ơn người bạn đã chuyển email này thật nhiều.
Không rõ có phải tôi già nhất trong các bạn không nh? Có điều tôi, tại ngôi trường Nguyễn Thông, rồi không biết vì sao lại đổi thành Tống Phước Hiệp, dù tên trường thế nào chúng ta vẫn thương vẫn mến nó, đã học trên các bạn một cấp lớp nếu kể từ niên khoá 1960-1961 về trước.
Có thể do vậy mà khi thầy Nguyễn văn Kỷ Cương về trường tôi đã được học Toán ngay với thầy năm đó, năm tôi học lớp Đệ Tứ niên khoá 1957-1958. Thầy dạy rất hay và nhiệt tình.
Một kỷ niệm về thầy: Trước khi chúng tôi đi thi Trung học Đệ nhất cấp ở Cần Thơ thầy dạy là chúc nhau may mắn bằng chữ "merde" (tiếng Pháp nghĩa là phẩn) theo cách của học trò bên Pháp.
Còn kỷ niệm này nữa: thầy khuyên khi vào lớp thi nhớ đem theo kẹo để ngậm , đường trong kẹo sẽ cho mình nhiều calori giúp trí nhớ minh mẫn hơn và mình sẽ làm bài thi dễ dàng hơn. Khổ nỗi khi vào lớp thi, vì hồi hộp lo lắng đủ thứ nên quên mấy cục kẹo trong túi quần mãi đến hôm sau kẹo chảy ra nhớp nháp mới nhớ lại.
Kết quả kỳ thi Trung học dệ nhất cấp năm ấy rất cao, là bước đầu cho trường của chúng ta có tiếng ở miền Tây.
Cùng về trường với thầy có vợ là cô Phương Đàn dạy Pháp văn thì phải. Các anh học với cô trên tôi một lớp, kể có lần cũng đã chọc phá cô “vô tôi vạ” vì giọng nói của xứ Huế.
Niên khoá 1960-1961, trường TPH chưa có lớp Đệ Nhất, nên sau khi đổ Tú Tài 1 tôi lưu lạc lên trường Trung Học Chu Văn An ở Sài Gòn học để thi Tú Tài 2. Nơi đây tôi gặp lại thầy Nguyễn Văn Kỷ Cương đảm trách chức vụ Giám học. Năm ấy thấy thầy đôi lần; thầy vội vã lắm, chắc vì ngoài công việc ở trường thầy phải gấp rút đi dạy tại các trường khác nữa nên tôi không dám làm bận rộn thầy.
Mấy năm trước biết thầy cô định cư ở Toronto (Canada), tìm được số điện thoại của thầy cô, tôi gọi thăm nhưng hôm ấy chỉ gặp cô Phương Đàn. Nay được biết thầy Nguyễn Văn Kỷ Cương đã mất ngày 5 tháng 9 năm 2011, hưởng dương 83 tuổi.
Thế hệ cha mẹ, thầy cô của chúng ta từ từ rời cõi vô minh này, thế hệ tiếp nối là chúng ta cũng có nhiều bạn đã ra đi, điều đó là tự nhiên, nhắc đến để nhắc, nhắc để mà nhở rằng chúng ta hãy tiếp tục trân trọng vui sống trong những ngày còn lại.
Không rõ sao bửa nay tôi viết thư cho các bạn dài thế- vùng Đông Bắc Hoa Kỳ đang thật lạnh lẻo, sáng thức sớm nằm ỳ trong giường, bị cảm (không biết có phải là cúm không, dù có flu shot nhưng năm nào cũng vướng nó) ...- thấy bài viết về thầy cũ hay quá nên động tâm chăng.
Thân chúc các bạn, một năm mới AN LÀNH.
Thân mến,


Lời ngỏ: 

Bài viết được chuyển đến tôi qua email từ các bạn hữu. Vì tôi là học sinh của nhân vật trong truyện, rất xúc động nên xin chép lại nơi đây. Anh Tú.

Vòng Tay Tình Thương

Các con thân mến, các con sẽ lên đại học, các con sẽ xa cha mẹ, và các con sẽ đem chữ succès (thành công) về cho cha mẹ. Thầy tin tưởng như thế. Nhưng điều chắc chắn là các con sẽ có rất ít cơ hội để ôm mẹ mình, cha mình trong vòng tay âu yếm như hôm nay. Do đó chữ "hiện tại tuyệt vời" các con phải nhớ...

Hàng năm, trường tư thục song ngữ Toronto French School đều tổ chức lễ tốt nghiệp cho học sinh. Như các buổi lễ tương tự của tất cả các trường, phụ huynh học sinh hãnh diện đến tham dự cùng với con em của mình. Dĩ nhiên, còn có sự hiện diện của ban giám đốc trường và các giáo sư.
Năm nay, sau những thủ tục và nghi thức thường lệ, buổi lễ còn có một tiết mục thật xúc động do giáo sư Henri Kỷ Cương đảm trách. Giáo sư Henri, trưởng ban Toán của trường được mời lên diễn đàn. Ông bước ra bục, nhìn vào khán giả, mỉm cười và bắt đầu nói chuyện. Ông nói bằng tiếng Pháp, có một học sinh dịch sang tiếng Anh:
“Kính thưa quý vị phụ huynh học sinh
Các con học sinh thân mến,
Trước hết, tôi xin cám ơn ông Tổng Giám Đốc cho tôi hân hạnh giảng một bài học cuối cùng cho các học sinh tốt nghiệp năm nay. Bài học tựa đề làSự thành công (Succès) và Giờ phút hiện tại (Moment présent).
Tôi xin kể một câu chuyện có thật của đời tôi. Tôi sinh trưởng trong một tỉnh nhỏ miền Nam Việt Nam. Ba tôi làm giáo viên. Đến năm 16 tuổi, sau khi thi đậu bằng Trung Học đệ nhất cấp, tôi xin ba má tôi cho tôi xuất ngoại du học tại Pháp vì ở Việt Nam chiến tranh liên miên. Tôi nhớ rõ ba má tôi rất phân vân. Lương của ba tôi lúc bấy giờ 120$ một tháng, vé tàu đi Pháp khoảng 800$ và còn phải mất khoảng 1000$ để lo hối lộ xin giấy thông hành. Ba tôi cho rằng tôi tiếp tục học ở Sài Gòn cũng được, nhưng má tôi quyết liệt ủng hộ việc cho tôi đi du học. Bà nói ba tôi lo giấy tờ, phần tiền bạc bà sẽ xoay sở.
Tôi biết ba má tôi sẽ hy sinh rất nhiều nên nguyện thầm sẽ cố gắng học cho mau thành tài để đền đáp công ơn cha mẹ.
Từ ngày sang Pháp, mỗi sau kỳ thi cuối năm, được tin đậu là tôi viết thư về nhà và đề ngoài góc phong bì chữ “Succès” (thành công). Khi được thơ, thấy ngay chữ succès, má tôi liền khóc vì mừng: thứ nhất, thời gian xa tôi được rút ngắn đi một năm; thứ hai, đỡ lo thêm tiền học một năm. Về phần ba tôi, chữ succès đem lại cho ông một niềm hãnh diện to tát: ông đi khoe cả trường, cả xóm làng về việc Henri thi đậu Tú Tài I, Tú Tài II, năm thứ nhất đại học v.v...
Có một năm tôi cũng thi đậu nhưng khi viết thơ về nhà quên đề chữ succès ngoài phong bì. Trong thơ má tôi gởi qua, má tôi kể lại: “Má được thơ con, má không thấy chữ succès ở ngoài, má run bắn người, rất lo âu hồi hộp. Chuẩn bị một thất vọng, má không dám mở thơ ra. Nhưng ba con bình tĩnh nói má mở thơ coi trong thơ nói gì. Lúc bấy giờ má mới phát khóc, vừa khóc vừa cười”. Còn ba tôi thì lại đi khoe...
Khi đọc thơ má tôi, tôi rất hối hận. Tôi ứa nước mắt vì đã vô tình làm cho ba má buồn, dù chỉ trong giây phút. Và đây là kết luận của phần đầu bài học:
Các con thân mến, cha mẹ các con muốn gì nơi các con khi hy sinh rất nhiều để cho các con ăn học? Cha mẹ các con không mong các con mang về tiền bạc mà chỉ mong các con đem về chữ succès. Chữ ấy có tác dụng thần diệu (Magic), có tác dụng xua tan tất cả những lo lắng, buồn phiền, mong đợi... và làm họ yên tâm về tương lai của các con.
Ngoài chữ succès rất quan trọng, còn một điều nữa cũng quan trọng không kém. Đó là tình yêu thương của các con đối với cha mẹ. Không ai chối cãi việc cha mẹ thương yêu các con và các con thương yêu cha mẹ, nhưng nhiều khi việc bộc lộ tình thương ấy không rõ rệt.

Tôi xin bộc lộ một cách biểu lộ tình thương: Thiền ôm (Hugging Meditation). Ở tây phương, việc ôm nhau là một ý nghĩa ít sâu đậm. Tôi xin giảng thế nào là Thiền Ôm.
Điều quan trọng là khi ôm, các con ôm với tất cả sự chú tâm và thành khẩn. Đứng trước mặt người mình muốn ôm, mình chắp hai tay thành búp sen, nhìn thẳng vào mặt người đó, mỉm cười và tưởng tượng rằng người ấy vừa về với mình sau bao nhiêu năm xa cách, hay một ngày nào đó, người ấy sẽ phải xa lìa mình. Các con mở rộng vòng tay ra và tất nhiên, người đối diện cũng mở vòng tay vui lòng chấp nhận cái ôm ấy. Việc đó không khó gì giữa cha mẹ và con cái. Các con nên nhớ trong khi ôm:
Ôm thật chặt cha hay mẹ mình, tưởng tượng thân cha mẹ và thân mình sẽ hoà làm một.
Thở ba hơi sâu và chậm, tưởng tượng như hơi ấm của mình và của cha mẹ mình sẽ hoà vào làm một với nhau.
Thì thầm rằng “Ba (má) ơi, giờ phút này con thương ba (má) lắm. (Mom, Dad, here and now, I love you so much hay En ce moment, je vuos aime tant.)
Sau đó Henri và đứa học trò thông dịch biểu diễn Thiền Ôm trước công chúng. Trong khi ôm, em học trò thì thầm: “Henri, tu es mon Papa, je t'aime tant” (Henri, ông là cha của tôi, tôi thương ông lắm).
Henri mời tất cả các học sinh đứng dậy, đi tới trước cha hay mẹ, chắp tay xin được ôm cha hay mẹ mình. Và những cặp mẹ con, cha con ôm nhau trong bầu không khí hết sức nghiêm trang, hầu hết đều chan hoà nước mắt.
Sau đó ông nói thêm: “Tại sao trong khi ôm, tôi có nói thêm “trong giờ phút hiện tại này?”. Các con thân mến, các con sẽ lên đại học, các con sẽ xa cha mẹ, và các con sẽ đem chữ succès về cho cha mẹ. Thầy tin tưởng như thế. Nhưng điều chắc chắn là các con sẽ có rất ít cơ hội để ôm mẹ mình, cha mình trong vòng tay âu yếm như hôm nay. Do đó chữ “hiện tại tuyệt vời” (moment présent, moment merveilleux) các con phải nhớ”.
Henri chậm rãi xá thính giả và bước xuống bục. Ông Tổng Giám Đốc bước đến trước ông, chắp tay xin ôm ông. Và rồi các phụ huynh, các học sinh đến chắp tay xin ôm ông. Và cùng lúc ấy là tràng pháo tay tưởng chừng như vô tận...
Buổi lễ chấm dứt trong một bầu không khí vui mừng, thắm thiết giữa phụ huynh và học sinh.

Nguyễn Văn Kỹ Cương