2014/02/25

HƯƠNG ĐỒNG GIÓ QUÊ

Bên ngoài nắng sớm vừa lên
Mình ơi thức dậy, anh bên cửa buồng
Nước trong bồn ấm tỏa hương
Chờ em gội rửa mùi vương đêm tàn.

Khuya rồi ngon giấc trong chăn
Hay trăn trở với trăng rằm Nguyên Tiêu?
Hương xưa còn đọng ít nhiều
Bên bờ nhan sắc, đường yêu vào đời?

Ngoài kia sương vẫn còn rơi
Chén trà thơm thoảng, mình ơi ấm lòng!
Cho dù băng giá tan đông
Tìm đâu mùi rạ hương đồng lửa quê!

Một đời nửa tỉnh nửa mê
Vẫn thừa…, vẫn khát tỉ tê lời tình!
Nghiêng nghiêng câu hát ru mình
Ngủ đi em, mộng nguyên hình trái tim!
  
Phong Tâm
25.02.2914

MẠC CỬU VÀ VIỆC THÀNH LẬP TRẤN HÀ TIÊN

Hà Tiên ngày nay


Nói đến Hà Tiên, nói đến một vùng đất cực Tây Nam tổ quốc, không ai không nhắc đến Mạc Cửu như một vị khai trấn công thần, điều đó hoàn toàn hợp lý, bởi trên bia mộ của người còn ghi rõ dòng chữ “Khai trấn quốc công”. Ngay khi thành lập trấn Hà Tiên, Chúa Nguyễn đã phong cho ngài là Tổng binh và khi mất được truy phong Khai trấn thượng trụ quốc Đại tướng quân, tước Cửu Lộc Hầu, sau lại phong thêm là “Vũ Nghị Công”. Trên đất nước ta không phải nhiều người được phong như thế.Trong sách sử của triều Nguyễn cũng như các nhà nghiên cứu lịch sử sau này không ít người đã nói đến Mạc Cửu và những công lao của ông đóng góp cho đất Hà Tiên, cũng như là của cả vùng Hậu Giang, tôi xin không nói về vấn đế này vị sẽ được trịnh bày trong một tham luận khác. Ở đây, chúng tôi chỉ xin được đề cập về vai trò của Mạc Cửu trong việc khai mở vùng đất Hậu Giang và cụ thể hơn là việc xây dựng để Hà Tiên trở thành trấn lỵ của Tổ quốc Việt Nam, và là ải địa đầu trên một dãi biên thùy Tây Nam.
Hẳn chúng ta cũng biết rằng, từ sau khi vương quốc Phù Nam suy tàn, cùng với đợt hải xâm vào khoảng thế kỷ thứ 6, nguyên cả vùng đất Hậu Giang phần lớn đã bị chìm trong nước biển trong suốt mấy trăm năm. Chính vị thế mà các di tích còn lại của nền văn hóa Óc Eo đều bị phù sa vùi lấp. Các di chỉ khảo cổ trong tỉnh Kiên Giang và khu vực xung quanh cho chúng ta thấy rằng hầu hết các hiện vật đều có niên đại trên dưới 13 thế kỷ, như vậy có thể khẳng định rằng khu vực này đã vắng bóng người trong một thời gian dài. Mãi cho đến thế kỷ thứ 14, 15 mới có sự hiện diện của con người. Dĩ nhiên, chúng ta cũng không thể phủ định rằng, trong khoảng thời gian trống vắng đó cũng có thể có một bộ phận cư dân vãn còn sinh sống trên những vùng đất gò cao, nhưng chắc chắn là không nhiều lắm.
Qua một số sách du ký phương Tây của các giáo sĩ Thiên chúa và của Châu Đạt Quan, chúng ta cũng có thể hình dung là vùng đất thuộc lưu vực sông Cửu Long kéo dài đến Hà Tiên đã có con người đến đây sinh cơ lập nghiệp từ khoảng thế kỷ thứ 14 và đã có sự hiện diện của người Việt từ thời gian đó. Những con người ban dầu định cư trên vùng đất Tây Nam bộ này chắc chắn phải chọn nơi nào thuận lợi nhất, có nước ngọt, có điều kiện sản xuất và có cả đường giao thông thuận tiện. Chính vị thế mà đã hình thành những nhóm dân cư rãi rác dọc theo ven biển từ Cà Mau về đến Hà Tiên, họ khai thác sản vật thiên nhiên là chính, đồng thời cũng làm nông nghiệp, trồng trọt để bảo đảm lương thực, thực phẩm hằng ngày.
Trở lại chủ đề chính là vai trò của Mạc Cửu trong việc khai mở trấn Hà Tiên. Chúng ta cũng được biết rằng Mạc Cửu có mặt ở Hà Tiên từ năm 1670, lúc đó, Mạc Cửu còn rất trẻ, từ Trung Hoa, ông vượt biển cùng một ít quân gia đến triều định Chân Lạp lập nghiệp. Cũng trong thời gian đó, Trần Thắng Tài (Trần Thượng Xuyên) đã được Chúa Nguyễn bố trí cho ở đất Biên Hòa và Dương Ngạn Địch được ở đất Mỹ Tho. Khác với Trần Thắng Tài và Dương Ngạn Địch, Mạc Cửu đã chọn cho mình một con đường khác, đó là đi xa hơn về phương Nam. Với con mắt của một doanh nhân, một nhà chiến lược cùng với đức độ thiên bẩm, Mạc Cửu đã chọn Hà Tiên làm địa bàn dung thân lâu dài cho mình. Nơi đây, Mạc Cửu đã hội tụ đủ cả thiên thời, địa lợi và nhân hòa để chỉ trong một thời gian không lâu, Hà Tiên trở thành một thương cảng trù phú, nhân dân quanh vùng từ Cà Mau đến Kampongsom mặc nhiên coi Hà Tiên là thủ phủ của vùng đất này, bởi Hà Tiên chính là nơi mà họ mang nông thổ sản đến để trao đổi các loại hàng hóa khác với tàu buôn các nước, mà Mạc Cửu là người đứng đầu, cai quản cả việc doanh thương lãn an ninh cho họ.
Trên diễn đàn này, tôi cũng xin các nhà khoa học cẩn thận khi dùng từ Mang Khảm, vị thực chất nó không hề là một địa danh như nhiều nhà nghiên cứu hiện nay suy diễn. Nếu có điều kiện, chúng ta sễ trở lại vấn đề này sau.

Nhìn qua Tô Châu

Tất cả chúng ta đều biết rằng, khi Hà Tiên đã là một thương cảng, một nơi đô hội trù phú từ đầu thế kỷ thứ 18, Mạc Cửu vãn còn thần phục triều đình Chân Lạp. Tôi sử dụng từ “Thần phục” bởi Hà Tiên vẫn là một vùng đất độc lập, mối quan hệ giữa triều đình Chân Lạp và Mạc Cửu rất lỏng lẻo nếu không nói là họ không quan tâm đến Hà Tiên nếu Mạc Cửu không yêu cầu sự bảo trợ về an ninh cho Hà Tiên.
Qua nhiều tư liệu lịch sử, chúng ta thấy rằng khi Hà Tiên hưng thịnh thì triều đình Xiêm La dòm ngó, và trong giai đoạn đó, việc cướp đất, giành dân, xâm lược là điều diễn ra một cách bình thường. Chính vì thế, quân Xiêm đã không phải chỉ một lần qua xâm chiếm, cướp bóc Hà Tiên, thậm chí còn bắt cả Mạc Cửu và gia quyến mang về đất Xiêm. Trong khi đó, triều đình Chân Lạp không hề có động thái nào để bảo vệ Hà Tiên bởi họ rất khiếp sợ Xiêm La.
Mạc Cửu bị Xiêm La bắt đi, mặc dầu được đối xử khá trọng hậu, nhưng hình như số phận của ông đã gắn với Hà Tiên nên ông vẫn tìm cách trốn về đây để sau đó không lâu xin thần phục Việt Nam.
Trở lại tái thiết Hà Tiên, tổ chức lại các cộng đồng cư dân, làng xóm, và xin với chúa Nguyễn sáp nhập vùng đất này vào cương thổ của Đại Việt. Đó là một quyết định hết sức sáng suốt của Mạc Cửu. Tại sao ông không xin thần phục Thái Lan hay là xin triều đình Chân Lạp bảo vệ một vùng đất cận kề với vương triều của họ. Trong bối cảnh cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18, chúng ta thấy rằng vương triều Chân Lạp không coi Hà Tiên là lãnh thổ của họ, chính vì thế họ không hề quan tâm đến những biến cố xảy ra trên đất Hà Tiên (Quân Xiêm tấn công), mà bản thân vương triều Chân Lạp lúc bấy giờ cũng không đủ sức quản lý một vùng đất xa xôi và hoang dã ấy. Trong lúc đó Chúa Nguyễn ở Đàng Trong đang phát huy những thế mạnh của mình, chiêu tập hiền tài xây dựng xứ sở Đàng trong để chống lại thế lực của Chúa Trịnh. Ưu thế đó đã làm cho thế lực của Chúa Nguyễn ngày càng lớn mạnh và vươn tới vùng đất cực Nam này. Mạc Cửu đã nhận ra việc gì mình phải làm để bảo vệ đất Hà Tiên. Và cả một vùng đất rộng lớn từ Kampong Som đến Cà Mau và các đảo, quần đảo trong vịnh Thái Lan đã thuộc về Đại Việt từ năm 1708 với tên gọi là Hà Tiên, là một đơn vị hành chánh cấp “Trấn” mà Mạc Cửu được giao quyền cai quản với chức “Tổng binh”. Sau này, người thừa kế Mạc Cửu là Mạc Thiên Tích cũng được Chúa Nguyễn phong là Tổng binh Đại đô đốc.
Ở đây, nếu so sánh Mạc Cửu với Trần Thắng Tài và Dương Ngạn Địch, chúng ta thấy có sự khác nhau một cách cơ bản. Trong khi Trần Thắng Tài và Dương Ngạn Địch xin với Chúa Nguyễn để được cư ngụ, nương nhờ và lập nghiệp thì Mạc Cửu lại tự mình đứng ra chiêu tập lưu dân, tổ chức doanh thương, lưu dân các nơi và khách thương các nước đã về Hà Tiên trao đổi, mua bán, biến một vùng đất hoang vu trở thành nơi đô hội. Nếu cho đến lúc này mà Mạc Cửu tự lập thành một tiểu quốc thì chắc không có gì khó khăn, nhưng cũng chắc rằng tiểu quốc ấy sẽ không tồn tại được lâu bởi sự dòm ngó của Xiêm La.
Chúng ta có thể lý giải vấn đề tại sao Mạc Cửu lại xin sáp nhập đất Hà Tiên vào Đại Việt như sau:
Trước nhất, Mạc Cửu đã tự nhận thấy thế lực của Chân Lạp không thể đối phó với Xiêm La. Trong khoảng thời gian này Xiêm La luôn dòm ngó và có ý đồ xâm lược Chân Lạp, triều đình Chân Lạp không có gì bảo đảm cho sự an ninh của Hà Tiên trong khi chính triều đình không thể bảo đảm an toàn cho chính mình. Như thế, nếu dựa vào Chân Lạp chỉ tự chuốc lấy phiền não mà thôi.
Xiêm La không xa Hà Tiên, lại là một nước hùng mạnh, và đã có lúc vua Xiêm coi trọng Mạc Cửu, mặc dù Xiêm mạnh nhưng lại cho quân đội của mình tổ chức cướp bóc, có ý đồ xâm lược Chân Lạp. Với bản chất trung hậu, ông không thể nào chấp nhận một nền văn hóa xa lạ mang tính bạo lực mà ông đã chứng kiến khi quân Xiêm tấn công, cướp bóc và đốt phá Hà Tiên. Có lẽ đó là lý do thuyết phục nhất để giải thích tại sao Mạc Cửu không đầu phục Xiêm La.
Trước sức ép tinh thần rất nặng nề, đó là việc phải chăm lo cho những người dưới quyền và nhân dân một khu vực đã từng xem ông là người thủ lĩnh, Mạc Cửu phải tìm một kế vẹn toàn cho họ. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh đến sức ép tinh thần chứ không phải kinh tế hay quân sự, bởi lẽ nếu từ chối trách nhiệm về tinh thần, Mạc Cửu có thể chọn cho mình một con đường khác để có thể làm kinh tế, kinh doanh, xây dựng cơ đồ riêng tư như biết bao người Hoa tha hương cầu thực khác. Biết bao người trên một dãi đất rộng lớn đã gởi gắm cuộc sống và sinh mạng của họ cho ông. Nếu không giữ vững Hà Tiên, phó mặc cho số phận thì những con người đó sẽ ra sao?. Là một người Hoa, Mạc Cửu thấm nhuần tư tưởng Nho giáo, lấy nhân, lấy đức làm đầu, và cũng cần phải nói rằng đối với những người như Mạc Cửu, cái nền văn hóa Trung Hoa là nền văn hóa tốt đẹp nhất, do đó, ông phải chọn cho mình và cho nhân dân trong khu vực một chỗ gửi gắm sao cho phù hợp với tư tưởng nhân văn theo kiểu Trung Hoa.
Chúng ta cũng cần phải thấy rằng, vào thời điểm đầu thế kỷ 18, các tụ điểm dân cư hình thành trên vùng đất Tây Nam bộ có một phần lớn là người Việt và người Hoa, và chính họ có vai trò rất lớn trong việc khai thác, mở mang vùng đất này. Điều đó đã khiến Mạc Cửu phải chọn cho mình và dân cư một chốn nương thân gần gũi với nền văn hóa gốc của họ, và Đại Việt với Chúa Nguyễn ở Đàng Trong lúc bấy giờ là phù hợp nhất kể cả về kinh tế, chính trị và văn hóa. Chúa Nguyễn có thể bảo vệ cho Hà Tiên khỏi sự xâm lược của ngoại bang, tác động để phát triển kinh tế, nhưng quan trọng nhất là nền văn hóa Việt rất gần gũi với nền văn hóa Trung Hoa mà đạo Nho là gốc, là nền tảng. Như vậy, khi xin sáp nhập vào Đại Việt, Hà Tiên hay là cả vùng đất Hậu Giang đã có cơ sở khá vững chắc về kinh tế và văn hóa, sự lựa chọn này chính là thể hiện ý chí và nguyện vọng của cư dân trong vùng chứ không phải chỉ có ý chí chủ quan của Mạc Cửu.
Hành động sáp nhập Hà Tiên vào Đại Việt có thể nói là sự lựa chọn tất yếu, khôn ngoan của Mạc Cữu và nhân dân ta lúc bấy giờ. Chính việc sáp nhập Hà Tiên vào Đại Việt thì vô hình trung nguyên cả vùng đất giữa sông Tiền và sông Hậu cũng chịu sự cai quản của triều đình Chúa Nguyễn. Công lao của nhân dân Hà Tiên mà người đứng đầu lúc bấy giờ là Mạc Cửu thật hết sức lớn lao để chúng ta có ngày hôm nay.
Ngay sau khi trấn Hà Tiên được thành lập, Mạc Cửu được Chúa Nguyễn phong làm Tổng binh, một chức vụ đứng đầu Trấn nhưng lại coi trọng việc gìn giữ, bảo vệ hơn các mặt công tác khác. Điều đó chứng tỏ tầm nhìn chiến lược của Chúa Nguyễn đối với một vùng đất xa xôi. Nhận được nhiệm vụ ấy, Mạc Cửu đã tổ chức các công trình phòng thủ, bảo vệ Trấn lỵ Hà Tiên mà các công trình lớn là xây dựng Phương Thành, đắp một số lũy phòng thủ như Bờ Đồn nhỏ, Bờ Đồn lớn, đồn tiền tiêu Giang Thành. . .
Trong những năm chính thức quản lý Hà Tiên, Mạc Cửu đã mở rộng việc kinh doanh làm cho Hà Tiên thật sự trở thành một cảng khẩu quan trọng trong khu vực, việc doanh thương ngày càng phát triển, nhân dân trong trấn đã tích cực khai hoang, mở đất sản xuất nông nghiệp (Chúng ta cần nhìn nhận sự kiện này trên địa bàn toàn trấn), lưu dân đến sinh sống trong trấn ngày càng nhiều để đến sau này Mạc Thiên Tích có điều kiện thành lập huyện Kiên Giang, Long Xuyên, Trấn Giang (Cần Thơ) và Trấn Di (Bạc Liêu).
Nói đến vai trò của Mạc Cửu đối với đất Hà tiên hay là Trấn Hà Tiên, chúng ta không chỉ nhắc đến việc kinh doanh và bảo vệ, mà một điều hết sức quan trọng là dấu ấn của thời kỳ họ Mạc cai quản đã để lại một cách đậm đà trong mọi sinh hoạt kinh tế và văn hóa của người dân nơi đây, đặc biệt là người dân thị xã Hà Tiên hiện nay. Ta có thể nói một cách không sợ sai lầm rằng người dân Hà Tiên có tính cách khá đặc biệt, mà nổi trội lên là sự nhân ái, hiền hậu nên từ xưa đã có câu “Hà Tiên đất Phật, người hiền”, dĩ nhiên người Hà Tiên cũng mang tính cách chung và những truyền thống quí báu của cả dân tộc Việt Nam. Có phải chăng từ mấy trăm năm trước, Mạc Cửu và kế tiếp là Mạc Thiên Tích đã xây dựng nên một truyền thống văn hóa mà ta có thể đọc được trong sử liệu như xây dựng nhà Nghĩa học, lập miếu thờ Khổng Tử, lập chùa thờ Phật, kể cả việc đặt tên núi, tên sông cũng mang đậm nét văn hóa để cho đến hôm nay chúng ta vẫn còn có thể tự hào rằng vị Khai trấn quốc công của chúng ta là một nhà văn hóa chứ không đơn thuần là một vị quan đầu trấn. Trong “Hà Tiên trấn, Hiệp trấn, Mạc thị gia phả” đã có đoạn ghi rằng: “Ông có tính chất thuần hậu, yêu ghét công bằng, khoan hồng đại lượng, thương người cô bần, thân cận người hiền, xa lánh người gian, có uy đức, tiếng tăm nhân nghĩa đồn khắp xa gần. Ông cai trị Hà Tiên hơn 40 năm, đến ngày 27 tháng 3 Ất Mão thì ông bị bệnh mất, thọ 81 tuổi. Được tin ông mất, gần xa thương khóc như bố mẹ chết”.
Bàng bạc trong những nét sinh hoạt khác như tín ngưỡng, lễ hội, văn hóa ẩm thực, giao tiếp. . . đều mang dáng dấp riêng của vùng đất Hà Tiên, nếu cái chất riêng ấy không được hình thành và phát triển từ thời mở đất mà trong đó, Mạc Cửu đã có một vai trò hết sức quan trọng thì tại sao nó có cái riêng ấy. Ở đây cũng xin lỗi một số nhà nghiên cứu nếu chúng tôi có quá lời hay là chỉ nghiên cứu một cách phiến diện, nhưng quả thật là nếu có chú ý thì chúng ta sẽ thấy những điều nêu trên là có thật.
Nói đến vai trò của một vị công thần khai trấn không bao giờ là chuyện dễ dàng, nhất là trong khuôn khổ của một bài báo. Điều mà chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây là:
- Mạc Cửu đã có một vai trò hết sức quan trọng nếu không nói là quyết định trong việc thành lập trấn Hà Tiên. Không có Mạc Cửu, chưa chắc gì chúng ta có mặt ở đây mà bàn chuyện lịch sử. Nếu Mạc Cửu và nhân dân Hà Tiên cách đây 300 năm không có quyết định sáng suốt thì không biết giờ này mảnh đất Hà Tiên sẽ ra sao.
- Vai trò của Mạc Cửu không chỉ dừng lại ở một ý tưởng, một quyết định, mà ông còn là người đi đầu trong công cuộc khai phá vùng đất Hậu Giang, hay là Hà Tiên nói riêng. Mặc dầu công lao khai phá là của nhân dân lao động, nhưng nếu không có Mạc Cửu thì lịch sử sẽ diễn biến theo một chiều hướng khác mà chúng ta rất khó đoán định.
- Cho dù có những thiên kiến khác nhau, nhưng không ai có thể phủ nhận rằng Mạc Cửu là một vị công thần khai trấn, là một vị quan đứng đầu trấn đầu tiên của lịch sử vùng đất Tây Nam bộ. Ông và hậu duệ cùng với nhân dân Hà Tiên đã xây dựng Hà Tiên một cách toàn diện để người cùng thời và các thế hệ sau này có thể tự hào rằng Việt Nam đã có một Hà Tiên cách đây trên 300 năm. Đồng thời, Mạc Cửu và con cháu ông cũng đã ra sức bảo vệ, mở mang bờ cõi nước nhà. Công lao ấy không bao giờ và cũng không thể nào phủ nhận được.
- Nhà thơ, vị tướng Huỳnh Văn Nghệ đã có câu: “Từ thuở mang gươm đi mở cõi”, Tôi có dịp nói chuyện với nhà thơ Huy Cận về văn hóa Hà Tiên, Nhà thơ Huy Cận cho rằng nên nói là : “Từ thuở mang thơ đi mở cõi”, ý của nhà thơ là phải mở cõi bằng văn hóa mới trường cữu. Tôi rất đồng ý với quan điểm này và cũng thấy rằng, ngoài võ công thì Mạc Cửu và con ông là Mạc Thiên Tích đã ghi lại một dấu ấn văn hóa Việt đậm đà dù có mang thêm bản sắc riêng của một vùng đất biên cương, vùng văn hóa Hà Tiên.

Trương Thanh Hùng (GK)


Hòn Phụ Tử từ 2005



Sông đêm lặng lẻ
Hớp từng ngụm gió buồn hiu
Sóng ghé bờ côi quạnh quẻ.

Trăng rớt đồng non lướt thướt
Gió luồn sợi cỏ mịn sương
Run run tiếng hát.

Vô tình góc nhỏ trường xưa
Ánh mắt em ngoan móc vào khỏang vắng
Nhịp trống liêu trai trắng rợp.

Vạt áo bay
Tán me xòe tóc lá
Cho bây giờ, còn đâu đó, một vòng tay.

Diễm lệ hòang hôn
Vẫy tay rẽ vào ngõ cuối
Cám ơn gió sóng kinh cùn
Bướm hoa hòa cát bụi.
16.02.2014
HB

2014/02/24

NGƯỜI TÌNH GIÀ TRÊN ĐẦU NON
Nhạc và lời: Phạm Duy
Trình bày: Duy Quang
Người tình già trên đầu non
Tuyết đã tan trên vai mỏi mòn
Giữa đám mây xanh xao chập chờn
Nhìn mặt trời thoi thóp hoàng hôn
Người tình già trên đỉnh khơi
Muốn lãng quên trăm năm một đời
Nhưng dưới thế gian mông mênh vời vợi
Người chợt nghe tiếng em chờ đợi

'' Người tình già trong lẻ loi
Có nhớ thương .... ai ? ''

Người tình già nghe lời kêu
Lững thững đi trên con đường chiều
Xuống lũng sâu, leo qua ngọn đèo
Về một miền phơn phớt cỏ nâu
Người tình còn như tuổi son
Cúi xuống hôn bông hoa thật gần
Nghe suối vẫn reo trong hang rì rầm
Người tưởng nghe tiếng em thì thầm ...

"Đợi người tình đã từ lâu
Vẫn khát khao ... nhau ''

Người từng là nắng mùa Xuân
Đã dắt em đi trên đường trần
Đã vuốt ve em trong Hạ mềm
Rồi lạnh lùng Thu đến ... lìa em
Người trở thành cây mùa Đông
Lá úa rơi vun cao cội nguồn
Cuối bước đi trăm năm một lần
Đầu cành khô bỗng hoa nở tràn

Người tình vào cuộc tử sinh
Sống chết lung ... linh.

Thành người tình đang trẻ ngây
Sẽ đứng lên mê say từng ngày
Cất bước Xuân đi qua Hạ dài,
Người hẹn người leo thế kỷ chơi
Một đời người trong tầm tay
Sống với nhau hơn ba vạn ngày
Xin cố gắng nuôi sao cho tình đầy
Chẳng vì Thu với Đông, ngần ngại

Và người tình ngoảnh về non
Hát khúc Xuân ... sang.

Rồi hẹn rằng sẽ về thăm
Lúc đã trăm ... năm
Và người tình sẽ từ khơi
Xuống núi vui ... chơi
Rồi lại từng thế kỷ sau
Cứ hoá sinh ... theo...

2014/02/21

THÁNG GIÊNG


Em về
tắm bến sông thơ

Bóng nhan sắc đẫm
trăng giờ Nguyên Tiêu

Đừng đem
xuân bỏ xuống chiều

Vỡ hương,
gió nhặt về trên đầu giường

Phong Tâm

LÀM SAO TRÁNH ALZHEIMER’S

Gần phân nửa số người Mỹ 85 tuổi mắc bệnh Alzheimer's, một chữ mà người Việt ở Mỹ đã quen thuộc và thường dịch là bệnh lẩn. Một số người còn mắc bệnh này khi chưa đến 65 tuổi, được gọi là bệnh lẩn sớm. Căn bệnh quái ác này thường lởn vởn trong óc tất cả chúng ta và nhiều người thường tự hỏi “Có phải mình đang mắc chứng Alzheimer's sớm?”

Thực ra thì bệnh hay quên thường được gặp ở mọi lứa tuổi: không thể tìm thấy chìa khóa, quên tên người đối diện hay người trong một câu chuyện đang kể, hoặc bước vào một căn phòng rồi không thể nhớ tại sao lại vào đó. Đối với đa số thì vấn đề chỉ là do thiếu ngủ hoặc căng thẳng tạm thời. Nhưng đôi khi những triệu chứng này trở nên thường xuyên hơn và đáng lo ngại hơn khiến chúng ta cần đến gặp bác sĩ để được chẩn bệnh chính xác. Rất may là nghiên cứu gần đây cho thấy nhiều loại thực phẩm có thể giúp ngăn ngừa bệnh Alzheimer và thậm chí có thể đảo ngược các vấn đề của trí nhớ khi chúng được phát hiện sớm.

Khi xem xét óc của những người bệnh Alzheimer's, các nhà khoa học thấy giữa các tế bào não là mảng nhỏ li ti, được gọi là mảng beta- amyloid. Dưới kính hiển vi, những mảng này trông giống như viên thịt hoặc cuộn len. Họ cho rằng những mảng này đã dần dần phá hủy các tế bào óc.
Tại sao có những mảng này? Các nhà nghiên cứu ở Mỹ và châu Âu cho rằng câu trả lời tìm thấy trong thói quen ăn uống của chúng ta. Một số thức ăn làm dễ bị bệnh Alzheimer's và ngược lại, một số khác giúp ngăn chặn bệnh

"Chất béo xấu"
Chất béo bão hòa thuộc loại chất béo không lành mạnh: đây là chất béo trong thịt và đặc biệt là trong các sản phẩm sữa, chẳng hạn như phô mai và kem. Các nhà nghiên cứu trong Chicago Health and Aging Project thấy rằng những người ăn nhiều những “chất béo xấu“ờ có hơn ba lần nguy cơ mắc bệnh Alzheimer's so với những người tránh ăn những chất béo này. Và đây là điều đáng sợ: Nếu bạn ăn hai quả trứng và một miếng bacon (thịt ba chỉ ướp mặn) cho bữa ăn sáng, một miếng ức gà không da với một ly sữa cho bữa ăn trưa, và một bánh pizza pho mát nhỏ cho bữa ăn tối, bạn đã lấy đủ “chất béo xấu” để được xếp vào nhóm có nguy cơ cao. Đúng vậy. Những thức ăn hàng ngày mà chúng ta quen ăn khiến chúng ta bị xếp vào nhóm có nguy cơ bị bệnh. Chất transfat có trong bánh donut và các món ăn vặt khác cũng làm tăng nguy cơ bị các vấn đề của trí nhớ sau này. 

Sắt , đồng và các kim loại khác
Kim loại - sắt và đồng - từ các loại thực phẩm và từ nồi chảo có thể là một phần của vấn đề. Chúng ta đều cần sắt cho hồng huyết cầu và đồng cho các phân hóa tố (enzyme), nhưng với số lượng lớn, các kim loại này sản xuất các gốc hóa học làm tổn thương các tế bào não.
Các kim loại này đến từ đâu? Chất sắt có trong các loại thịt và tất nhiên là trong chảo gang, do đó nên dùng nồi chảo làm bằng thép không rỉ (stainless steel), an toàn hơn. Chất đồng được tìm thấy trong ống nước - vì vậy ta nên dùng máy lọc nước - cũng như trong gan và nhiều loại thực phẩm khác. Cả chất sắt và chất đồng thường được thêm vào các loại vitamin, vì vậy nên đọc kỹ nhãn hiệu vitamin bạn mua và chọn những loại thuốc không có các kim loại này .

Chất nhôm cũng đã được tìm thấy trong óc của bệnh nhân Alzheimer's. Trong khi các nhà khoa học tiếp tục tranh luận xem các kim loại này là thủ phạm hay chỉ là một chất có mặt vô tội vạ, tốt hơn hết là ta đừng đem chúng vào người. Không nên dùng nồi nấu bằng nhôm và đọc nhãn hiệu kỹ khi mua baking powder, thuốc antacid, và thực phẩm chế biến sẵn để chọn loại không có các chất này. 

Thực phẩm bảo vệ khỏi bệnh Alzheimer's
Không phải tất cả các thực phẩm đều có hại. Một số thực phẩm thực sự bảo vệ óc. Chúng là:

-Các loại hạt chứa nhiều vitamin E, đã được chứng minh là giúp ngăn ngừa bệnh Alzheimer's. Đặc biệt tốt là hạnh nhân (almonds), quả óc chó (walnuts), quả phỉ (hazelnuts), hạt thông (pinenuts), quả hồ đào (pecans), quả hồ trăn (pistachios), hạt hướng dương (sunflower seeds), hạt vừng (sesame seeds), và hạt lanh (flaxseed). Chỉ cần một ounce (một nắm) mỗi ngày là đủ.

-Quả việt quất (blueberries) và nho có được màu đậm là từ anthocyanins, chất chống oxy hóa mạnh mẽ giúp học tập tốt và tăng trí nhớ trong các nghiên cứu tại Đại học Cincinnati.

-Khoai lang là thức ăn chính của người Okinawa, giống người sống lâu nhất trên trái đất. Họ cũng được biết là có thể duy trì tinh thần minh mẫn vào tuổi già. Khoai lang chứa nhiều beta- carotene, một chất chống oxy hóa mạnh mẽ .

-Các loại rau lá xanh cung cấp sắt trong một hình thức dễ hấp thụ hơn khi cơ thể cần nhiều và ít được hấp thụ khi cơ thể bạn đã có dư, bảo vệ bạn khỏi tình trạng quá dư chất sắt, có thể gây hại cho não. Rau xanh cũng có rất nhiều chất folate, một loại vitamin B bảo vệ óc.

-Các loại đậu và chickpeas có vitamin B6 và folate cũng như protein và cancium, không có chất béo bão hòa hoặc transfat.

-Vitamin B12 rất cần thiết để giúp hệ thần kinh và các tế bào não khỏe mạnh. Folate , vitamin B6 và vitamin B12 hợp chung sẽ loại bỏ homocysteine, là chất tích tụ trong máu - giống như chất thải nhà máy - và làm hư não.

-Ăn chay, nhất là ăn thuần chay rất tốt. Một nghiên cứu tại đại học Loma Linda cho thấy người ăn chay không chỉ sống lâu hơn những người ăn thịt mà họ giữ được sự minh mẫn lâu dài hơn. 

Vận động bộ óc thường xuyên
Dùng những cách sau để vận động bộ óc:

-Làm trái tim đập mạnh hơn: Đi bộ nhanh 40 phút ba lần mỗi tuần mang oxygen lên óc và có thể đảo ngược sự co rút do tuổi cao của óc, theo trường đại học Illinois.

-Vận động trí óc: Những bài tập kích thích não - từ sách, báo hay các bài tập não đã được chứng minh là làm óc mạnh lên.

-Ngủ. Giấc ngủ rất cần thiết để gìn giữ trí nhớ. Nửa đầu của đêm rất quan trọng cho giấc ngủ sóng chậm, khi bộ óc tổng hợp các sự kiện và từ ngữ học được trong ngày. Nửa thứ hai của đêm nhấn mạnh giấc ngủ REM, khi những cảm xúc và kỹ năng thể lý được tổng hợp. Nên đi ngủ vào khoảng 10:00 tối, và ngủ đủ tám tiếng hoặc nhiều giờ như có thể được. 

Bảo vệ trí nhớ của bạn
Tránh những "chất béo xấu" trong các loại thịt , các sản phẩm sữa, bánh ngọt ăn vặt, và tận dụng các chất dinh dưỡng tốt trong các loại rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt , và đậu. Vitamin B12 là một chất dinh dưỡng cần thiết. Và đừng quên tập thể dục cho thể xác cũng như tinh thần mỗi ngày.
Đừng chần chờ. Nếp nhăn bắt đầu rất sớm và cuộc sống cũng như tóc bạc và những thay đổi trong bộ óc đã bắt đầu và tiến hành trước khi hầu hết chúng ta nhận ra. Ngay bây giờ là thời gian để tận dụng các loại thực phẩm tốt cho não.

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhuận


NGHIỆN ĐƯỜNG*

Nhiều bác sĩ đã từ lâu cảnh báo về tình trạng “ghiền đường” mà vị ngọt của đường là một loại ma túy nguy hiểm có thể giết người trong thầm lặng.
Trong một bài viết trước đây về hội chứng “Mỡ, Đường, Máu”, BS. Minh có cho độc giả một câu hỏi để suy gẫm: “Giữa một lon Coke và một quả trứng gà, cái nào nguy hiểm cho tim mạch hơn?” Hôm nay chúng ta đã có một câu trả lời xác đáng dựa trên nghiên cứu mới nhất đăng trên báo Y Khoa của Hội Y Sĩ Hoa Kỳ (JAMA) tháng 2/2014, sau quá trình theo dõi 40,000 bệnh nhân: “Trứng gà không gây ra đột quỵ tim mà thủ phạm chính là đường”!
Sự “ghiền đường” dường như đã được in đậm vào trong DNA của loài người chúng ta từ hằng chục ngàn năm qua, cộng thêm với những ảnh hưởng của xã hội làm cho ta khó thấy sự tác hại của bệnh ghiền này, vì lẽ, mọi người, không ít thì nhiều đều bị… nghiện đường.

Có bao nhiêu loại đường?

Đường là danh từ chung để chỉ một loại nhu yếu phẩm cần cho con người. Trên thực tế, tất cả loại cây cỏ, thảo mộc đều có chứa đường dưới nhiều thể loại khác nhau. Thí dụ như cây lúa chẳng hạn, từ hột lúa, rễ cây lúa, lá lúa đến thân cây lúa, đều có đường trong đó. Tuy nhiên những loại đường có trong thân cây, lá cây v.v… so với các loài như trâu, bò ngựa…có thể hấp thụ được, cơ thể chúng ta lại chịu thua. Để đơn giản hóa vấn đề, đối với con người, có 3 loại đơn đường, Glucose, Fructose (có nhiều trong trái cây), và Galactose (có nhiều trong sữa). Đường cát đa phần được kết tinh từ nước mía chứa một loại đường đôi gọi là sucrose, được kết hợp từ đường glucose và fructose.
Đường phèn, đường cát, đường đen, đường nâu, đường bông gòn,… tất cả đều được biến chế từ đường mía mà ra.

Cần bao nhiêu đường thì đủ?

Trên thực tế chúng ta chỉ cần khoảng 5% đến 7% tổng số lượng calories trung bình đến từ đường mỗi ngày, tức là khoảng 2 hay 3 muỗng cà phê đường. Trên thực tế chúng ta tiêu thụ đến mức 25% calories do đường cung cấp mỗi ngày. Nghiên cứu trên đây cho biết, khả năng bị đột quỵ tim tăng gấp đôi nếu chúng ta tiêu thụ 20% tổng số calories đến từ đường, nhưng tăng gấp 4 lần nếu dùng trên 25% năng lượng đến từ bất kể loại đường nào!
Từ khoảng năm 1970, để cạnh tranh kinh tế và duy trì lợi nhuận cho nghành nông nghiệp Mỹ, chính phủ Mỹ đã tăng thuế nhập cảng đường mía từ các nước khác, và tăng cường sản xuất một loại đường đặc chế từ hạt bắp gọi là “đường sy-rô nồng độ cao từ bắp” (High Fructose Corn Syrup, HCFS). Loại đường HCFS này về thành phần hóa học thì hơi giống như đường mía, nhưng ngọt hơn và dễ thấm vào máu hơn. Có người cho là vì hai tính chất này mà HCFS độc hơn đường mía, vì dễ ghiền và mau “phê” hơn là đường mía. Trên thực tế cả hai thứ đều là “bad guys” (kẻ xấu) hết.
Chỉ vì chính phủ Mỹ cố tình làm cho đường HCFS rẻ hơn nên kỹ nghệ biến chế thức ăn tha hồ tưới, nhét, trộn đường HCFS vào đồ ăn. Bạn có để ý là nước ngọt Coca Cola ở Mỹ mùi vị hơi khác hơn ở các nước khác không? Sự khác biệt là do mùi vị khác nhau của đường HCFS và đường mía. Nói đến Coca Cola, chỉ ½ lon soda có thể làm tăng tỉ số bị đột quỵ tim lên đến 30%. Bạn có biết là một muỗng tương cà chua Heinz có nhiều đường hơn là một cái bánh quy Oreo không? Hoặc, một hủ da-ua (fruit yogurt) có nhiều đường hơn là một lon Coke? Hay trong một tô cereal buổi sáng, 75% calories đến từ đường? Ngay cả nước trái cây “bổ dưỡng” fruit juice, nước uống “tăng cường năng lực”, cà phê Starbucks v.v… hãy thử đoán có bao nhiêu đường trong đó?

Tại sao đường gây ra tai hại?

Khi bạn mới uống hay ăn thức ăn có đường vào cơ thể đa phần bạn sẽ có cảm giác thoải mái, dễ chịu. Thứ nhất vì trên thực tế cơ thể chúng ta cần một số ít đường để sống. Lượng đường nầy thấm vào các tế bào, cung cấp năng lượng cấp thời làm cho ta…khỏe. Thứ nhì có thể vì yếu tố tâm lý của đa số bệnh ghiền, vì từ thuở nhỏ chúng ta đã quen với vị ngọt của đường, nhất là những khi bé khóc là bố mẹ dúi cho một cục keo hay một cây cà rem. Vì thế bây giờ khi bị “stress” chúng ta dễ đi tìm niềm an ủi với vị ngọt của đường.
Sau khi cảm giác dễ chịu qua đi, chúng ta sẽ thấy cơ thể nặng nề vì những lượng đường dư thừa sẽ tạo gánh nặng cho cơ thể. Lá gan và pancreas cần phải “giải độc” khối lượng đường phụ trội này bằng cách chế biến và chứa vào mỡ đặc (triglycerides) làm cho ta béo phì ra, hay làm tăng mỡ lỏng (cholesterol, LDL) làm cho tim, mạch máu bị nghẽn. Ngoài ra, các tế bào bị ngâm trong đường sẽ biến thành… mứt quất (mứt tắt), để cân bằng nồng độ hai bên, nước từ bên trong tế bào sẽ rút ra máu, làm khô nước bên trong và dễ chết (Bạn dã đọc bài “Yêu Nước” chưa?). Càng ngâm trong đường càng lâu các tế bào sẽ có hiệu ứng giống như bị “thắng đường” khi các bà làm nước màu kho cá!. Cuối cùng lá gan cũng đầu hàng, sanh ra bệnh tiểu đường. Vòng tròn tử vong tiếp tục xoáy tròn kéo mình vào vực sâu của đáy huyệt một cách nhanh chóng.

Làm thế nào để bớt ghiền đường?

1. Không nên ăn đường giả (sugar substitute, diet gugar)! Đường thật mà còn có hại huống chi đường giả! Đường giả đa phần có cấu trúc giống như đường có trong... lá cây, rễ cây v.v… để lừa cơ thể chúng ta mà thôi. Tuy không làm tăng calorie nhưng vẫn có những tác hại tương tự.
2. Nên để ý hàm lượng đường trong tất cả các loại thức ăn. Tốt hơn hết là không ăn đồ ăn đã chế biến mà chỉ ăn đồ ăn tươi do chính mình nấu nướng lấy.
3. Ăn ít , ăn cân bằng và biết lựa chọn. Thí dụ không ai cấm bạn ăn một quả chuối mỗi ngày, miễn đừng ăn luôn cả nải chuối. Giữa một quả cam và một ly nước cam thì nên chọn…?
4. Ăn chậm, nhai chậm lại để tận hưởng vị ngọt của thức ăn. Tôi bảo đảm với bạn sau khi bạn nhai một miếng dưa chuột thật kỹ, thật lâu bạn sẽ thấy vị ngọt của nó không thua gì một múi cam. Mà có nhai một múi cam, thì cũng nên bỏ thì giờ mà tận hưởng hương vị của nó. Nên nhớ ngoài vị ngọt còn có những vị khác nữa.
5. Tập thể dục, thể thao mỗi ngày. Đi bộ tối thiểu 15 phút trước hay ngay sau khi ăn, hoặc cả hai càng tốt. Đi bộ sẽ làm cho các tế bào mở rộng cửa để cho đường thấm nhanh vào bên trong, giảm bớt nồng độ đường ngoài mạch máu.
Hôm nay nên là bắt đầu mới cho mọi người. Chúc bạn đọc khỏe, vui vẻ vì bớt… “nghiện đường”.

BS Hồ Ngọc Minh
*Tựa bài do người sưu tầm đặt.

2014/02/20

NGÔI CHÙA BỎ HOANG

Lời Tác Giả: chúng ta thử trong một khoảnh khắc tưởng tưởng như đang sống lùi lại thời gian hơn nửa thế kỷ trước để đi vào câu chuyện có thật về một ngôi chùa trong Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung nằm ven đô thành phố Sàigòn năm xưa. Kính dâng lên hương linh của Thầy Tâm, cố Hòa Thượng Thích Thiện Chánh.

Ngôi chùa Thới Bình với bức tường gạch xây chung quanh, nhìn từ xa thì trông như một cái am lớn dành cho những người muốn tìm một nơi chốn yên tịnh để quên đi những phiền toái và trầm luân của cuộc đời. Khi vào bên trong sân để vãn cảnh thì thấy chùa cũng khá rộng và khang trang, gần cuối sân có một cây đa cổ thụ với tàng cây che phủ rợp cả một góc sân chùa nhưng hình như thiếu tay người chăm sóc cho nên cỏ mọc đầy cả sân và tường thì loang lổ nhiều chỗ vị thấm nước mưa, trong chánh điện thì một lớp bụi dầy phủ trên nền xi măng và nhện giăng mấy góc.

Theo dân mấy thôn làng kế bên kể lại thì trước kia đây là một doanh trại của lính Lê Dương thuộc quân đội Pháp trấn đóng để bảo vệ cửa ngõ vào thành phố Sàigòn. Sau khi đại đội lính Lê Dương rút đi thì một thời gian sau người ta thấy ngôi chùa được xây dựng lên với sự đóng góp tài vật của dân làng và những gia đình mộ đạo Phật và bá tánh trong vùng lân cận và do lực lượng công binh của Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung đảm nhiệm phần kiến tạo.

Mấy năm trời sau khi khánh thành ngôi chùa nhưng vẫn chưa tìm ra được vị sư để trụ trì vì thời gian đó luật quân dịch không chừa một ai và các chú tiểu hay nhà sư đến tuổi vẫn phải thi hành nghĩa vụ quân sự và nhập ngũ.
Đại Đức Minh Tâm, pháp danh Thích thiện Chánh lúc đó 22 tuổi cũng nằm trong số những vị sư được đưa vào Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung để thụ huấn về quân sự.

Thầy đã qui y Tam Bảo từ thuở nhỏ lúc còn để chỏm và theo học đạo với Sư Ông từ lúc thiếu thời tại chùa Châu Viên nằm dưới ngọn Núi Lớn thuộc vùng Thất Sơn, tỉnh Châu Đốc.

Thất Sơn là vùng linh địa với bẩy ngọn núi và có lẽ là nơi quy tụ nhiều chùa chiền nhất trong nước và cũng là nơi nổi tiếng về sự linh thiêng huyền bí. Thất Sơn là nơi mà dân gian truyền tụng rằng Đức Phật Di Lặc là vị Phật Tương Lai sẽ hiện thân xuống trong Hội Long Hoa và khi đó thì thế giới mới có hòa bình và hạnh phúc thật sự mới đến với nhân loại.

Ước mơ của thầy là được xuất gia nương nhờ cửa Phật để theo chân Đức Phật Tổ, nhưng quốc gia đang trong thời chinh chiến nên thầy đành tuân theo luật pháp, tạm gác việc tu hành để làm tròn bổn phận của người dân.
Chỉ huy trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung lúc đó là Thiếu Tá Trần Tử Oai một hôm nằm mộng thấy một vị Bồ Tát hiện xuống với ánh sáng chói lòa mà ông nghĩ rằng đó là Đức Phật Bà Quán Thế Âm. Ngài nói rằng trong tay Thiếu Tá đang có một viên ngọc quí và hiếm, hãy cho người đó được trở lại cuộc sống tu hành và cho về trụ trì ngôi chùa bỏ hoang kia thì sẽ được nhiều phước đức.

Buổi sáng khi thức dậy Thiếu Tá Oai vẫn còn ghi nhớ như in giấc mộng thần linh tối hôm qua nhưng bán tín bán nghi nên bèn kêu viên sỹ quan phụ tá tìm xem thử trong đám người mới nhập trại có ai tên là Minh Tâm hay không.

Sau khi được xác nhận là có một vị đại đức tên họ tục danh như vậy, ông bên cho kêu vào để gặp mặt. Khi thấy Đại Đức Minh Tâm với khuôn mặt hiền hòa và từ con người của thầy như toát ra một cái gì thật là nhân hậu thì ông nổi giận và gọi viên Trung Úy vừa thì hành xong nhiệm vụ đưa các tân binh vào Trung Tâm để thi hành nghĩa vụ quân dịch và khiển trách viên sỹ quan này sao lại bắt một người tu hành như vậy.

Đại Đức Tâm liền được thả ra khỏi trại lính và được đưa qua trụ trì chùa Thới Bình để thầy từ nay sẽ lo vấn đề đạo pháp cho các tân binh và sỹ quan tại Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung.

Từ khi thầy về trụ trì thì ngôi chùa Thới Bình được tu sửa quét vôi lại và dân làng chung quanh lại được nghe tiếng tung kinh gõ mõ và tiếng chuông chùa ngân vang mỗi khi chiều xuống.

Chẳng bao lâu sau thì Chùa Thới Bình trở thành một ngôi chùa được nhiều thiện nam tín nữ kể cả các tân binh quân dịch đến thăm viếng, nhất là những ngày Rằm và Lễ Tết trong năm. Bên cạnh chánh điện là một căn phòng nhỏ được thiết trí thành một nơi để thờ vong linh những người quá cố.

Dân làng bên và ngay cả một số gia đình từ Sàigòn cũng đem ảnh thân nhân quá vãng của họ đến để tại chùa để mong thân nhân họ được nghe kinh kệ và sớm siêu thoát.

Thế rồi trong Trung Tâm bỗng xôn xao vì một tin là nhiều tân bình quân dịch thường hay bị quấy phá ban đêm khi đang say ngủ bởi những ma nữ dấu mặt.

Các tân binh thường vẫn ngủ chung với nhau trên những sạp bằng ván gỗ trong những lán trại, nhiều người trong đêm bỗng giật mình thức giấc vì có những bàn tay lạnh toát đang kéo giật chân mình hay đầu tóc họ hoặc phà hơi lạnh vào gáy của họ.

Gọi là ma nữ dấu mặt vì nhiều tân binh khi tỉnh dậy thì đều thấy giống nhau là có hai bóng người nữ mảnh mai trắng toát đi lướt ngang qua nhưng không nhìn rõ được mặt của họ.

Tin nầy loan truyền đến tai của vị chỉ huy trưởng trung tâm nhưng ông cho rằng các tân binh ban ngày luyện tập nhiều quá và mỏi mệt nên đêm thường ngủ mộng mị như vậy mà thôi chứ làm gì có ma quái nào. Có tân binh đem chuyện ma nữ nhát họ qua kể cho thầy trụ trì chùa Thới Bình nghe và hỏi ý thầy thì thấy thầy nghe rất là chăm chú và có vẻ trầm ngâm như đang suy nghĩ và đối chiếu một điều gì.

Sự việc đó lại xảy ra lần nữa nhưng không phải trong trung tâm mà ngay tại chùa Thới Bình.

Một buổi tối lúc trời đã khuya rồi, và thầy Tâm đang cùng một chú tiểu nữa đang ngồi trong chánh điện để tụng kinh niệm Phật thì thấy nghe như gió thoảng qua từ phía cuối sân chỗ cây đa cổ thụ và cái giếng nước có tiếng ai đang than khóc thảm thiết và tiếng những miếng gach đá ném lên nóc chánh điện.

Thầy từ từ đứng dậy và khoác trên vai một miếng vài thô có dệt những sợi chỉ ngũ sắc mầu lóng lánh và một tay cầm chiếc roi mây và tay kia lần chuỗi hạt bước ra cửa và hướng về phía giếng nước.

Thầy thấy hai bóng trắng vừa vụt chạy như bay quanh miệng giếng và quanh cây đa và vừa liệng mấy miếng gạch đá nghe loảng xoảng lên nóc chùa.

Thầy chợt quắc mắt lên và chỉ roi mây về phía hai bóng trắng:

-Các người có khôn hồn thì lại đây nghe ta dạy bảo, không được phá phách như vậy!

-Ta nói các người có nghe không? Các người ở đâu và cớ gì đến chùa phá phách?

Hai bóng trắng như khựng lại một lúc rồi vụt bay tới quỳ xuống dưới chân thầy và gục đầu khóc nức nở.

-Chẳng hay các ngươi có điều gì oan ức nói cho ta nghe. Có phải các ngươi là thủ phạm quậy phá giấc ngủ của các tân binh bên trung tâm hay không? Tại sao các người dám lộng hành như vậy?

-Bạch thầy đúng là chúng con đã chọc phá họ nhưng vì chúng con bị giết quá ư là tàn nhẫn và oan ức cho nên chúng con không siêu thoát được và cứ phiêu dạt bao nhiêu năm nay cho nên mới tìm người quậy phá cho vơi đi niềm u uất trong lòng.

-Hay kể cho ta nghe thì ta sẽ giúp cho còn nếu cứ khuấy động lên như vậy thì chiếc roi này không tha cho hai ngươi đâu nghe chưa?

-Thưa thầy câu chuyện rất dài nhưng chúng còn vì kính trọng đạo đức của thầy nên xin nhờ thầy giúp cho sớm được siêu thoát nếu không chúng con sẽ không bao giờ ra khỏi được nỗi khổ nhục nầy.

Nguyên chúng con là hai chị em trong thôn Hai của làng bên kia cánh đồng, cách đây gần tám năm trước có việc phải đi ngang qua khu trại lính Lê Dương này vào buổi chiều sắp tối thì bị bọn chúng bắt giữ vào trong trại và hãm hiếp hai chị em con cho đến chết rồi ném xác xuống chiếc giếng kia và đổ gạch đá phủ kín giếng nước từ đó.

Gia đình đã đi tìm kiếm khắp nơi và có xin vào cả trại này hỏi thăm nhưng đâu ngờ xác con mình đang nằm dưới giếng sâu kia. Nỗi oan ức và nhục nhã này chúng con cứ mỗi đêm gào thét mãi mà không sao vơi được.

-Hai người nữ tên họ là gì, con cái nhà ai và ở đâu? nếu nói đúng, ta sẽ tìm cách đưa về chùa và sẽ cầu siêu giải oan cho. Thật là oan nghiệt!

-Bạch thầy, chúng con ở nhà gọi là cô Hai và cô Ba, con ông bà N. V. Ng. trong thôn Hai.

-Được rồi! Để mai ta sẽ nhờ người đào giếng xem sao đã.

Hai bóng trăng không còn than khóc nữa và vụt chạy như bay về phía giếng nước và biến mất.

Sáng hôm sau, thầy Tâm bèn qua bên trung tâm và xin gặp vị chỉ huy trưởng để trình bày sự việc và xin một số binh sĩ qua đào giếng để xem sự thật có đúng như hai hồn ma nữ thuật lại hay không.

Chiếc giếng nước này khi thầy về trụ trì thầy thấy nó rất lạ với đường kính rộng đến gần hai thước nhưng lại cạn khô và phủ đầy đất đá và gạch vụn lấp lên đến gần một phần tư của chiều sâu của nó.

Một mặt thì thầy sai chú tiểu vào thôn Hai hỏi dò xem có gia đình nào họ tên như vậy không. Buổi chiều hôm đó có hai ông bà dáng người khắc khổ, chống gậy vào chùa và xin gặp thầy trụ trì.

Lúc đó toán lính đang đào bới đến đáy giếng thi lòi ra hai bộ xương người. Khi đem hai bộ xương với những mảnh vải còn sót lại lên trên mặt đất thì hai ông bà già từ thôn Hai đến đã nhận ra ngay là hai đứa con gái của mình đã mất tích tám năm về trước.

Hai ông bà già nắm lấy tay thầy Tâm mà nước mắt tuôn rơi trên hai khuôn mặt mà những khổ đau đã in hằn lên những vết nhăn của năm tháng.

Hai người con gái xấu số đó cuối cùng đã được yên nghỉ trong cái nghĩa trang nhỏ bé của thôn Hai bên cạnh giòng suối có nước chảy róc rách ngày đêm.

Gia đình đã nhờ người vẽ lại chân dung hai người con và đem qua chùa nhờ thầy để trong căn phòng nhỏ thờ vong để được nghe kinh kệ và sớm siêu thoát.

Từ đó trong trung tâm huấn luyện không còn cảnh ban đêm ma nữ chọc phá các tân binh quân dịch nữa. Chùa Thới Bình nằm trong phạm vi của trung tâm và được các tân binh theo đạo Phật thương yêu gọi là ngôi chùa của Trung Tâm.

Qua thập niên sáu mươi, nhờ công đức đóng góp của các Phật tử, thầy Thích Thiện Chánh này là Thượng Toạ đã xây xong một ngôi chùa mới là chùa Thới Hòa nằm trên đường Quang Trung, Quận Gò Vấp. Thầy rời chùa Thới Bình giao lại cho một vị sư khác trụ trì và về trông coi ngôi chùa Thới Hòa cho đến sau tháng Tư năm 1975 khi Cộng Sản vào xâm chiếm Miền Nam thì thầy Tâm và các vị sư trong Nha Tuyên Úy Phật Giáo thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa bị bắt đi cải tạo tập trung.

Thầy và thầy Thích Thành Long, quyền giám đốc nha Tuyển Úy, cùng các vị Đại Đức, các Linh mục và Mục sư khác được thả ra khỏi trại Ba Sao, Nam Hà, tỉnh Hà Nam Ninh sau mười ba năm giam giữ.

Khi trở về chùa Thới Hòa thì ngôi chùa này đã tan hoang chỉ còn cái xác chùa. Thầy ra sức tu sửa lại và từ chối ra đi theo chương trình Nhân Đạo của Hoa Kỳ (HO: Humanitarian Operation) để ở lại với ngôi chùa thân yêu của mình cũng giống như tháng Tư năm 1975, thầy đã từ chối rời bỏ Sài gòn để qua Hoa Kỳ theo chương trình di tản của sứ quán Mỹ.

Ngôi chùa Thới Hòa đã được trùng tu trở lại và bắt đầu có đông đảo các Phật tử đến thăm viếng như xưa sau năm năm thầy trở về nhưng đó cũng chính là lúc mà thầy viên tịch, rời bỏ chốn hồng trần này để trở về với cõi vĩnh hằng.

Phạm Gia Đại


SUỐI THƠ

"Xuân xanh ngày chớm phai tàn,
Hòang hôn trên suối mãi vàng vàng hoe"
( Bùi Giáng- Dòng suối giải oan )

Ánh lên một cọng cỏ ngời
Bờ xanh ruộng chữ rối bời ngã xiêu
Múa điên hát khúc phiêu diêu
Bài thơ lục bát khóc điều dở ương

Ai người lạc bến Tiền đường
Xuôi chân Thi sĩ cũng đường đột theo
Em còn chút vốn truông đèo
Hương ta mê muội phận bèo bọt, sa

Bây giờ về núi cùng hoa
Vui em tứ xứ xé tà áo trăng
Giải oan. Cát bụi. Giải oan
Tâm ma Thần mị cuộn tràn suối thơ.

Hồng Băng

 XIN ĐƯỢC LÃNG QUÊN

Xuân sắc thì từ lâu lãng quên
Bổng nhiên nhắc lại, nỗi buồn lên!
Ngày xa xưa đó người đành nỡ
Phụ bạc tình! Đời tôi đảo điên!

Tạo hoá thường tình chuyện nắng mưa
Tình yêu đang đẹp bổng lưa thưa
Theo cơn khát vọng thay nhan sắc
Của kẻ trăng hoa mấy chẳng vừa!

Tàn nhẫn gây ra gãy đổ duyên
Hôm nay lại nhắc chỉ buồn thêm.
Trời ơi ác quá!  Ai có biết?
Xin để nỗi đau vào lãng quên.

Anh Tú (CL)
December 31, 2012


CẢM TÁC BA HÒN

Ba Hòn Cò, ba hòn cò !
Biển bờ, hòn nhỏ nét thơ yên lành
Non xanh, biển cũng biếc xanh
Núi rừng, phố mới thêm xinh quê nhà
Cánh cò bay trắng xa xa
Ráng chiều rực đỏ kết hoa quanh hòn
Ly rượu ngọt, hương rừng thơm
Say không men rượu?, say hơn tình người
Ta về đây, Ba Hòn ơi !
Cánh cò ngày ấy chơi vơi phương nào
Cò xưa giờ ở nơi đâu
Ba hòn còn đó bạc đầu chẳng quên. . .


Giá Khê
Ba Hòn 2/6/2007
HẠNH PHÚC XÓT XA

Gặp gỡ em khi hè nhạt nắng
Lúc em vào độ tuổi tròn trăng
Mắt ngước ngây thơ nhìn phấn bảng
Tay búp măng em tập viết văn.

Sớm mai cùng nắng đi vào lớp
Duyên dáng chập chờn e ấp đi
Rạng ngời cười nụ răng ngà ngọc
Đẹp làm sao thiếu nữ xuân thì!
.
Học kỳ dang dở đành rời lớp
Bỏ trường quê quận lẻ sau lưng
Phút giã từ đôi mắt lệ rưng
Em khóc tại sao tôi chẳng rõ.

Phấn và bảng nhuốm buồn từ đó
Thời gian qua kỷ niệm phôi pha?
Ly biệt nhau khi vừa gặp gỡ
Phải chăng là hạnh phúc xót xa?

Anh Tú

December 20, 2010

2014/02/19

NẾU CÓ KIẾP SAU, ANH SẼ KHÔNGYÊU EM NỮA!


Cảm Xúc Photo_Internet
Tình yêu thật sự có phải là khi ta sẵn sàng cho đi, không đòi hỏi ở kiếp này và cả kiếp sau?
Anh gặp em lần đầu trong ngày khai giảng. Em đứng đó vui cười với đám bạn, mải mê làm đổ cốc coca lên váy trắng. Ngượng ngùng anh đưa em áo khoác che vết loang. Giây phút ấy em mãi không quên.
Bốn năm đại học, em muốn giúp anh nhiều lắm, muốn cuộc sống anh đỡ vất vả vì phải vừa học vừa làm. Đưa tiền anh đâu có nhận, anh nói anh không làm được cho em thì thôi...
Tốt nghiệp, đáng lẽ chia tay, chỉ là tình yêu thời đại học thôi mà. Nhưng em đã quyết định theo anh. Gia đình em phản đối quyết liệt, nhưng em vẫn chọn cho mình người đàn ông của cả cuộc đời
Nên vợ nên chồng, về quê sống trong căn nhà tồi tàn của anh. Rồi em mang thai, nhiều khi trái gió trở trời người đau ê ẩm. Anh thương em, đông cũng như hè đi làm kiếm thêm tiền nuôi vợ
Thế rồi trong một tai nạn xe, anh liệt đôi chân. Nằm một chỗ ở nhà, tất cả mọi việc đều trông cậy vào em. Bố mẹ em thương đến đón em về nhưng em từ chối. Chữa bệnh cho anh em bán hết mọi thứ trong nhà, cuối cùng cũng hết. Bố mẹ em thấy con khổ lại cho tiền.
Cứ thế cuộc sống nghèo ở một vùng quê, em làm giáo viên, anh nằm nhà viết sách. Em đã trút bỏ hình ảnh lá ngọc cành vàng năm nào để trở thành người vợ đảm đang. Đi chợ mặc cả, quần áo bình thường, cân đo đong đếm còn tốt hơn những người phụ nữ khác.

Anh nhìn em khóc: Nếu còn có kiếp sau, anh sẽ không bao giờ yêu em nữa, em quá khổ vì anh.Bác sĩ bảo chồng bà không còn đi được nữa, nhưng em không tin, hàng ngày vẫn bóp chân cho anh , hi vọng một phép màu sẽ đến. Ngày ấy em nghe có một bác sĩ châm cứu giỏi. Em đèo xe 50km đưa anh đi châm cứu hai ngày một lần không kể ngày nắng ngày mưa ngày lạnh ngày nóng
Một năm sau phép màu đến thật, chân anh hồi phục cũng là lúc anh nhận được giải thưởng quốc tế từ những cuốn sách anh viết. Không ai nghĩ sẽ có ngày hôm nay
Rồi họ mời anh sang Pháp thuyết trình ba năm, anh do dự, em nói: phải đi, cơ hội không đến hai lần.
Nhìn lại quãng đời, em đâu còn trẻ đẹp như xưa... Chồng, con, vất vả, thân hình gầy gò ốm yếu. Pháp là đất nước của tình yêu, nhiều người nói anh đi sẽ không trở lại. Em chỉ mỉm cười đáp lại: em và anh đã trải qua bao nhiêu sóng gió, vì một việc thế này em không sợ mất anh.
Ba năm sau anh về, không báo trước, muốn dành cho em một sự bất ngờ. Nhưng vừa xuống xe anh đã thấy em đứng đó. Anh hỏi sao biết anh về mà ra đón, em trả lời: Em chờ ở đây mỗi ngày, chỉ cần thấy xe từ sân bay về là em không bỏ qua chuyến nào.
Anh chỉ khóc mà nói: Nếu còn có kiếp sau, anh sẽ không bao giờ yêu em, tình yêu của em làm anh đau lắm đau lắm, tình yêu của em quá nhiều khổ đau...
Em đáp trả lời anh: tình yêu luôn luôn là khổ đau cay đắng. Tình yêu như một bông hoa sen, hoa sen đẹp nhưng nó có cái nhụy sen, hạt sen rất đắng.
Nếu còn có kiếp sau, em sẽ vẫn muốn được yêu anh!


Vô danh / Sưu Tầm

EM ĐÃ SAY RỒI...ANH CÓ HAY?




Thuở mới quen nhau em thẹn thùng 
Anh hò hẹn rủ mộng tình chung 
Em e thơ vụn anh nhàm chán 
Nhưng lỡ yêu thơ … nén ngại ngùng! 

Anh gởi gió mây lời nhớ thương
Khóa tim em lại ngàn tơ vương
Giữ hồn em điện cung hoàng cát 
Trải lối em đi thảm cỏ hương 

Anh kẽ mày em nét liễu buồn
Viền đôi mắt biếc tím hoàng hôn
Thoa hương phấn ửng hồng đôi má 
Tô điểm bờ môi thắm phượng son

Anh hát ru em giấc mộng dài 
Lời yêu tình tự nhẹ êm tai 
Nâng ly mật ngọt anh mời rót 
Chưa uống cạn vơi..  hồn đã say! 
  
Yên Dạ Thảo
21.07.2011