2014/08/02

 GIAO CẢM TRONG THƠ HỒNG BĂNG - TỬU SĨ

THẤY EM CÚI NHẶT ĐÓA TRÀ HOA THƠM

Rằng thưa bất khả tư nghì
Càn khôn mọc rụng từ khi nhớ người
Lặng nghe tịch tĩnh không lời
Có vì sao xé khung trời. Rụng sa

Phất phơ giữa cõi ta bà
Thấy em cúi nhặt đóa trà hoa thơm.

Hồng Băng.

Thú thật tôi không có điều kiện thời gian để thưởng thức thơ ca, cho nên kiến thi rất kém! Bạn thơ của tôi cũng không có nhiều! Nhưng thật may, tôi đã hân hạnh được biết nhà thơ Hồng Băng qua những bài thơ, tùy bút  mới đây của anh! 
Thơ của anh chất chứa nhiều trắc ẩn từ cuộc sống này!
Và luôn làm cho người ta phải suy tư. Mang mang như lạc vào cõi vừa xa xăm, vừa như thật gần!
Đọc thơ anh tôi thấy mình như trôi bềnh bồng trong vô định và cảm nhận thân phận con Người thật mỏng dòn, li ti, li ti trong cõi phù du.
Đọc thơ anh làm tôi phải :

“Ta nghiêng tai nghe lại cuộc đời
….
Ta nghiêng vai soi lại tình người …” (Trầm Tử Thiêng)

Rồi tôi lại nghe văng vẵng đâu đó: 

“ Đôi khi ta lắng nghe ta
nghe sóng âm u dội vào đời buốt giá
hồn ta gió cát phù du bay về…” (Trịnh Công Sơn)

Vâng! Giữa lúc tôi đang còn lan man trong thế giới thi ca của Hồng Băng thì Tửu Sĩ bất ngờ xuất hiện, mang đến tin vui, với luồng sinh khí (bằng cảm tác):

Không suy không nghĩ không bàn
Vô vi, cõi Phật, thiên đàng cũng không
Chỉ em và đoá trà bông
Ta bà bỗng hoá thiên bồng chốn đây.
Bài thơ như bóng nhạn bay
Sáu câu vút cánh trong mây sáu hình
Cánh bồng khai ngộ vô thinh
Xem thơ hóa áng mây tình cùng bay

Tửu Sĩ

Có lẽ các bạn thơ đang thắc mắc TỬU SĨ là ai ? Ngay cả nhà thơ Hồng Băng cũng ngờ ngợ, không biết có phải là bằng hữu của mình không?
Thú thật, khi tôi đọc comment đầu tiên mà Tửu sĩ viết cho bài thơ THIÊN CỔ của Hồng Băng, thì tôi nhận ra đó là bút pháp độc đáo của thi huynh khả kính, trong nhóm Hoàng Gia của tôi rồi!  
Tửu sĩ là một TIỀN BỐI trong làng văn học. Ngoài sáng tác thơ, Tửu sĩ hay có những comment sâu sắc, dí dỏm, và là tác giả đã BÌNH hàng trăm bài thơ rất hay! Tới đây, chắc hẳn các bạn thơ biết ngay đó chính là nhà thơ CHÂU THẠCH rồi.
Quay trở lại bài thơ của Hồng Băng  và cảm tác của Lão Ngoan Đồng Tửu Sĩ (mà sau đây tôi sẽ  lồng vào nhau), để cho giai điệu của chúng đồng ngân lên, cùng chung một cung bậc cảm xúc:
Thật vậy!
Không có gì để bàn luận cả khi Đất Trời, vạn vật luôn vận hành theo một chu kỳ tự nhiên mà tạo hóa đã an bài nên Hồng Băng thốt lên:

Rằng thưa bất khả tư nghì
Càn Khôn mọc rụng từ khi nhớ người (Hồng Băng)
Không suy, không nghĩ, không bàn
Vô vi, cõi Phật, Thiên Đàng cũng không (Tửu Sĩ)

Vô vi trong ĐẠO GIÁO được Lão Tử viết đầy đủ “vi vô vi nhi vô bất vi” ( Không làm gì mà không việc gì thì không làm) Bởi vì, tất cả mọi sự đều diễn biến theo tuần hoàn tự nhiên, không cần đến tác động khác, dù chỉ là yếu tố nhỏ, (cũng khiến mọi sự bị đảo lộn trật tự của nó!) cho nên không cần thiết phài làm...
Vô vi trong PHẬT GIÁO: Là Không phụ thuộc, không bị ảnh hưởng, Tất cả theo vận hành tự nhiên..
Cho nên: khi Hồng Băng thưa “ bất khả tư nghì”, thì Tửu sĩ đã đáp “ Không suy, không nghĩ, không bàn/ Vô vi, Cõi Phật, Thiên Đàng cũng không” quả là “Đồng Thanh tương ứng” ! Chừng như hai nhà thơ đã thẩm thấu một quy luật chung của Tạo Hóa.
“Càn Khôn mọc rụng từ khi nhớ người” 
NHỚ là mầm vô thỉ chứa trong A-Lại-Da thức.
Ta trộm nghĩ “…. Từ khi NHỚ NGƯỜI” nhà thơ muốn nhắc tới  một kiều nữ mà ông đã vô tình để lạc dấu, khiến nỗi- ám- ảnh- không- rời- ấy- luôn - vây- bủa - ông trong từng khoảnh khắc tĩnh lặng của tâm hồn chăng?
Hay “nhớ NGƯỜI” ở đây không ai khác hơn, mà cứ khư khư hướng về chính mình, cái Bản Ngã u mê của mình?.
Hoặc giả “nhớ NGƯỜI”  ở đây chính hướng về Vô Ngã?
Trong vũ trụ bao la này, cái gì có sinh tự có diệt theo lẽ Vô Thường. Vô Thường vốn là Khổ. Cái gì Khổ mà biến đổi theo duyên Sinh (không tùy thuộc vào chính nó) thì chính là Vô Ngã.
Nếu thấu đáo được Vô Ngã rồi thì Phá Chấp thôi! Phá Chấp là lộ trình dẫn đến cảnh giới An Lạc của Tu Trì.

“Lặng nghe tịch tĩnh không lời ”

Đã ở trong u tịch, im lìm tuyệt đối, thì trong mênh mông dịu vợi ấy thì có gì đâu, có gi đâu để mà nghe ? Thế nhưng Hồng Băng lại lắng nghe tiếng lòng mình vọng lại, thì quả thật sự thinh lặng đó dìm người ta đến tận cùng của sự hoang vu cô độc. Hoặc được nâng lên đến tuyệt đỉnh của sự Thanh Tịnh! Nó thách thức ý chí khám phá đỉnh cao của trí huệ biết bao!

Lặng nghe tịch tĩnh không lời 
Có vì sao xé khung trời. Rụng sa (HB)

Động từ “Xé”  cho chúng ta có cảm giác nhức nhối, buốt đau đến bất ngờ!
Muốn vươn thành cây cao trong không gian bao la, ngập tràn nắng ấm thì hạt mầm không thể ủ mình trong lòng đất ẩm, tăm tối mà phải mạo hiểm xé vỏ, để chui lên! Muốn nhìn ngắm bảy sắc cầu vòng thì phải trải nghiệm một cơn mưa.
Muốn THOÁT ra thì phải XÉ bỏ lớp vỏ bọc.
Còn “Khung trời” ở đây không đơn giản là không gian riêng tư, mà mang cả khát vọng.
Và thật lạ, với ngữ cảnh trong câu:“ Có vì sao xé khung trời. Rụng sa” khiến động từ “xé” giàu hình ảnh ấy, đã òa vỡ một ÂM BA kỳ diệu! Nó như tiếng THÉT THIỀM TÔNG đưa TÂM về nơi AN TRÚ.
“ Rụng sa”. thoảng qua, nghe sao mà chua chát thế!? Bởi: Rụng cho ta khái niệm của trái quá chín, hoặc  trái không còn nhựa sống mới lìa cuống mà bất khả rơi xuống! “Sa” lại cũng đồng nghĩa với rụng, rơi!
Cố nhạc sỹ Phạm Duy từng ngẩn ngơ khi nhận ra  tâm hồn mình đã chín qua mấy mùa buồn đau, khiến trái sầu rụng rơi ấy…  từ trong bài thơ Ngậm Ngùi của Huy Cận đã bay bổng qua nốt nhạc tài hoa, vượt thời gian của ông!
Thế nhưng trái sầu của Huy Cận_Phạm Duy cũng không sánh được với trái sầu của Hồng Băng. Bởi trong trái sầu cô tịch kia đã thai nghén nỗi nhớ LUÂN HỒI.
Phải, Từ trong sâu thẳm của ký ức, khởi đi từ niệm( nhớ) của Hồng Băng đã chế ngự, lên ngôi, rồi bão hòa. Khiến Tửu Sĩ phải khẳng định:

“Chỉ em và đoá trà bông
Ta bà bỗng hoá thiên bồng chốn đây” (TS)
Phất phơ giữa cõi ta bà 
Thấy em cúi nhặt đóa trà hoa thơm.(HB)

“Cúi nhặt” từ ngữ mang hình tượng đẹp, bộc lộ lòng khiêm cung. Với ngữ cảnh này, ta bỗng hiểu tác giả ngộ ra mình từng lạc lõng giữa chốn mông lung của cõi ta bà này, tất cả chỉ là giả tạm…  sao mãi mê bôn ba tìm kiếm, vọng tưởng mà chi? Hãy nhận lại giá trị nguyên sơ vốn dĩ sẵn có của mình!
Ta Bà trong Phạn Ngữ có nghĩa là chịu đựng. Đức Phật dạy : Ta Bà ví như nhiều cõi giả tạm,  quán trọ… Phải chăng Hồng Băng đã mang nặng nỗi nhớ (Cũng chính là bản ngã ) vào cõi ta bà như một hành trang bất khả ly thân, rồi bỗng giác ngộ chân lý, tìm thấy chính mình và thoát ra từ chốn vô minh. Cho nên, chẳng lạ gì khi Lão Ngoan Đồng Tửu sĩ tấm tắc:

“Chỉ em và đóa trà bông
Ta bà bỗng hóa thiên bồng chốn đây
Bài Thơ như Bóng Nhạn bay
Sáu câu vút cánh trong mây sáu hình” (TS)

Thật tuyệt! Chỉ gói ghém tâm tư của mình trong sáu câu thơ thôi, mà Hồng Băng đã cho chúng ta hiểu cuộc đời này vốn dĩ vô thường, tất cả chỉ là phù sinh, ta cứ để cho nó diễn biến thuận theo tự nhiên.
Còn Tửu Sĩ thật tinh tế khi ví :

“Bài thơ như bóng nhạn bay
Sáu câu vút cánh trong mây sáu hình
Cánh bồng khai ngộ vô thinh
Xem thơ hoá áng mây tình cùng bay” (Tửu Sĩ)
 

Chừng như Tửu sĩ sinh ra đã mang sứ mạng khai sáng thi ca vậy!
Lão Ngoan Đồng viết cảm tác rất tự nhiên! Khổ thơ trên như một giai điệu mượt mà, giàu hình ảnh.
Bởi, Mây luôn biến thể, đời này là cõi phù vân.Thế nhưng khi ta trở về trong tĩnh lặng của tâm thức, thì chân lý mở ra bờ giác ngộ .
“Bóng Nhạn vút cánh /Xem thơ hóa áng mây tình cùng bay” cứ như là vector định hướng thật đẹp đẽ và đầy trách nhiệm.
Từ Vút cánh cho ta liên tưởng đến trục tung (Dọc). từ Cánh bồng cho ta liên tưởng đến trục hoành (Ngang) trong chân trời toán học. Dọc - Ngang trong trường đời cho ta khái niệm Người có Sĩ Khí Nhân Nghĩa. Thật Nhân Bản.
Tôi yêu bốn câu thơ kết của Tửu Sĩ biết bao! Bởi trong đó có tinh Vật Lý, Toán Lý, Đạo lý mang thông điệp bình an đến cho mọi người! Ôi cái duy lý ấy không khô cứng, mà rất uyển chuyển, mền mại, nhẹ nhàng đi vào lòng Người.
Cũng như tôi yêu câu thơ cuối của Hồng Băng “ Thấy em cúi nhặt đóa trà hoa thơm” Còn gì quý hơn khi ta tìm thấy chính giá trị bản thân mình. Bởi vì, nó chính là nền tảng giúp cho ta định hướng được cuộc đời mình.
Nếu bài thơ "Thấy em cuối nhặt đóa trà hoa thơm" được nhìn dưới góc độ đời thường, thì đây là Áng Thơ Tình lãng mạn, ngạt ngào hương thơm, được ông Tơ bà Nguyệt định sẵn.
Nhưng nếu cảm nhận bài thơ "Thấy Em Cúi Nhặt Đóa Trà Hoa Thơm" theo phương hướng tâm linh, thì đây là cánh cửa Thiền, mở toang khung trời chân lý.
Nếu có lời kết đẹp, tôi muốn gởi đến các bạn thơ của tôi câu nói bất hủ của Đạt Ma Sư Tổ “ TRỰC CHỈ CHÂN TÂM, KIẾN TÁNH THÀNH PHẬT” Bởi khi liên kết hai bài thơ của Hông Băng và Tửu Sĩ trong tôi đã ngời sáng chân lý đó!
Thật tuyệt : " Xem Thơ Hóa Áng Mây Tình Cùng  Bay" Hai nhà Thơ ở hai miền xa lạ từ khoảng cách địa lý, đến đời sống tâm linh, nhưng bằng ngôn ngữ Thi Ca, bỗng nhiên họ trở thành Tri Âm dù chưa một lần giáp mặt.
Xin phép nhà Thơ Hồng Băng và lão Ngoan Đồng Tửu Sĩ cho tôi được mượn Tâm Ý của quý anh, để vẽ thành nét son

"Thấy NHAU cúi nhặt Đóa Trà Hoa Thơm
Xem Thơ Hóa Áng Mây Tình Cùng Bay"

để tất cả chúng ta cùng Hạnh Ngộ trong vườn Thơ Hoan Ca, An Lạc.
Cảm ơn nhà thơ Hồng Băng và Lão Ngoan Đồng Tửu Sĩ  đã tặng cho đời Thi Pháp tuyệt vời .

Lê Liên

Người Pháp lưu giữ ảnh độc về 'Hùm thiêng Yên Thế'

Chân dungcha con Hoàng Hoa Thám, nghĩa quân Yên Thế tập luyện... là những hình ảnh độc đáo, quý hiếm nằm trong bộ sưu tập bưu ảnh Đông Dương của một doanh nhân người Pháp.
Doanh nhân người Pháp, Guy Lacombe đã sống và làm việc ở TP.Saigon hơn 14 năm. Ông say mê văn hóa Việt Nam và sưu tầm được nhiều cổ vật giá trị. Trong ba năm, ông miệt mài sưu tầm bưu ảnh Đông Dương bằng cách mua bán và trao đổi trên mạng và đã có khoảng 3.000 bức từ năm 1896 đến 1945 .
Bưu ảnh của Lacombe độc đáo và quý hiếm, phân loại theo từng chủ đề khác nhau. Một trong số đó là bộ bưu ảnh về 'Nghĩa quân Yên Thế của Hoàng Hoa Thám' cùng bộ bưu ảnh chính quyền thực dân - phong kiến xử tử những người yêu nước sau khi cuộc khởi nghĩa của Đề Thám thất bại. 
Bức bưu ảnh thủ lĩnh nghĩa quân Hoàng Hoa Thám cùng các cháu tại Yên Thế. Ông sinh năm 1846, mất 1913. Cuộc đời người anh hùng rừng núi gắn với các cuộc khởi nghĩa, trong đó ngót 30 năm ông lãnh đạo Khởi nghĩa Yên Thế (1884-1913) - cuộc đối đầu vũ trang giữa những người nông dân ly tán tại vùng Yên Thế Thượng và sau đó là Thái Nguyên.
Nhóm nghĩa quân người Mán dưới quyền thủ lĩnh Phạm Quế Thắng ở Vũ Nhai.
Nghĩa quân Yên Thế trong cuộc Khởi nghĩa Yên Thế.
Bức ảnh hiếm về hai người con nuôi của Hoàng Hoa Thám, Cả Rinh và Cả Huỳnh.
Đội trưởng nghĩa quân và những người lính luyện tập bắn súng. Trong gần 30 năm lãnh đạo, Đề Thám đã tổ chức đánh nhiều trận, tiêu biểu là Luộc Hạ, Cao Thượng (tháng 10/1890), thung lũng Hố Chuối (tháng 12/1890) và Đồng Hom (tháng 2/1892), trực tiếp đương đầu với các tướng lĩnh danh tiếng của quân đội Pháp.
Bưu ảnh hiếm chân dung Hoàng Hoa Thám, người được mệnh danh là "Hùm thiêng Yên Thế", nỗi khiếp đảm cho chính quyền thực dân, phong kiến. Đề Thám người tầm thước, vai rộng, ngực nở, tóc thường cắt ngắn hoặc cạo trọc, mắt một mí, dáng đi chậm, nói năng từ tốn, nhỏ nhẹ. Ông được mô tả là người có năng lực chiến đấu ít ai sánh kịp.
Trong nhiều năm, quân Pháp đã tập trung lực lượng để đàn áp cuộc khởi nghĩa Yên Thế và sử dụng nhiều thủ đoạn, từ phủ dụ đến bao vây tàn sát. Tuy nhiên, với tài lãnh đạo, Đề Thám nhiều lần buộc quân Pháp phải nhượng bộ. Ông gây dựng được lực lượng lớn mạnh trong giai đoạn hòa hoãn hơn 10 năm. Một trong những sự kiện chấn động là vụ "Hà thành đầu độc" ngày 27/6/1908 trong trại lính pháo thủ tại Hà Nội. Đây là vụ mưu sát và binh biến trong hàng ngũ bồi bếp và binh lính người Việt Nam phục vụ cho quân Pháp nhằm đầu độc quân Pháp để chiếm Hà Nội. Binh biến thất bại, 24 người tham gia bị Pháp xử tử, 70 người bị xử tù chung thân.
Trong giai đoạn lớn mạnh nhất, Hoàng Hoa Thám còn xúc tiến xây dựng căn cứ kháng chiến, bí mật liên hệ với lực lượng yêu nước ở bên ngoài. Nhiều sĩ phu như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh... đã gặp gỡ Hoàng Hoa Thám và bàn kế hoạch phối hợp hành động, mở rộng hoạt động xuống đồng bằng. Sang năm 1909, cuộc khởi nghĩa suy yếu sau khi thực dân Pháp tung 15.000 quân chính quy tổng tấn công vào căn cứ Yên Thế. Trong ảnh là Quan Hầu, nghĩa quân lớn tuổi nhất cùng con rể của Đề Thám, Cả Huỳnh ra hàng.
Bức ảnh mô tả cảnh xử chém những người theo nghĩa quân Yên Thế tại Quảng Yên (nay thuộc tỉnh Quảng Ninh) năm 1905. Khởi nghĩa Yên Thế chấm dứt vào năm 1913. Hoàng Hoa Thám được cho là mất cùng năm, song đến nay, nhiều giả thiết vẫn còn đặt ra quanh cái chết của ông. Phần mộ của ông cũng chưa được xác định.
Trần Ngọc Linh

2014/08/01


MẸ

Trầu xanh dẫu một xa xôi quá
Cau đứng nghiêng buồng nhớ dáng leo
Bình mẻ chìa xiên vôi hóa đá
Ngoài hiên vắng mẹ miếng trầu têm.

Trương văn Phú

2014/07/30



Tình như gió thổi mây tan
Buồn như chiếc lá thời gian phai màu
Theo vòng nhật nguyệt xoay mau
Tình bay, lá rụng hồn sầu mang mang!


Yên Dạ Thảo

2014/07/28


ĐỜI…

Đời sống, tình yêu như gió mây
Trăm năm giòng nước lúc vơi đầy
Bốn mùa ấm lạnh vòng xoáy cuộn
Thanh thản người ơi tỉnh cơn say.

Anh Tú
28.07.2014

TRÊN ĐƯỜNG CHẠY BỘ

Đôi sóc nép mình trong đám cây
Nụ cười cô gái má hây hây
Tựa như trao gởi lời thân ái
Sáng sớm nắng hồng chen gió mây!

Anh Tú
July 28, 2014

2014/07/27


RONG CHƠI CUỐI TRỜI …

Rồi ta cất bước lang thang
Như mây như gió nghênh ngang khắp trời
Thênh thang thong thả rong chơi
Sau lưng ném bỏ cõi đời trần ai!


Anh Tú
27/7/2014
RONG CHƠI CUỐI TRỜI QUÊN LÃNG
Nhạc: Hoàng Thi Thơ
Trình bày: Khánh Ly

THÔI VỀ ĐI*

Vui ở,buồn đi,Tình cứ đi
Sao không lưu luyến tuổi xuân thì
Khi nào phiêu bạt ,Tình mõi cánh
Tình cứ quay về, ta trách chi !

Phú Thạnh
26.7.2014

*Từ Ừ CỨ ĐI của Trương Mẩn

2014/07/26


ĐI CỨ ĐI !*

Ừ hử! Tình đi để nó đi
Xuân thì cho chí đến “đông thì”
Hãy nương theo gió len muôn nẽo
Tình tang bay khắp tợ chim di!

Anh Tú
Bridgeport, Connecticut
26/7/2014

*Từ Ừ CỨ ĐI của Trương Mẩn

Ừ CỨ ĐI

Tình bỏ tình đi – Ừ cứ đi
Đêm qua say khước lỡ xuân thì
Gió chuốc cành hoa mai thả cánh
Nắng xuân lạnh buốt vết chim di.

Trương Mẫn
BÔNG HỒNG CÀI ÁO

Sáng tác: Phạm Thế Mỹ
Trình bày: Thùy Trang

2014/07/25


MÙA THƯƠNG NHỚ

Đêm Vu Lan trầm ngân chuông buồn
Trăng mùa tháng bảy mờ trong sương
Mắt đầy bóng núi, lòng dâng biển
Tro khói nhang tàn, vương nhớ vương!


Phong Tâm
24.07.2014

GIỌT BUỒN THÁNG BẢY*

Tháng bảy mùa ngâu rót giọt buồn
Hiên đời vắng mẹ một đời vương
Chắt chiu kỷ niệm thời niên thiếu
Man mác mưa lòng quyện gió sương! 
 


Yên Dạ Thảo

2014/07/24


CHIỀU CUỐI NĂM

Cúi xuống
Lượm chiều cuối năm
Lượm tôi lăn lốc
Dưới gầm trời xưa
Như sương tròn giọt gió đưa
Nhểu rơi bất chợt
Bây giờ
Đã xa
 Khói chiều
Ảo diệu
Em Ta
Lượm đôi má lúm
Phủ tà áo trăng
Cuối năm lượm
Đời thăng trầm
Thấy sông nở nụ
Thì thầm
Cỏ thơm

Cúi xuống
Hoa sao vàng hơn
Lượm cây rơm nhuộm tiếng đờn liễu trai

Cúi xuống lượm
Màu chưa phai
Mai gió cuốn mất
Còn ai lượm mình.

Hồng Băng
Tràvinh, 31.12.2012

 *Đầu năm dương lịch 2013, tôi viết bài và đưa vào blog của minh bài thơ Chiều Cuối Năm. Sau dó đươc in trong một tuyển tập chung. Bài thơ được một email phản hồi, ở Bình Phước, của một người bạn già, mắc bệnh ung thư thời kỳ cuối. Anh viết/ Bạn già ơi, đọc chiều cuối năm của ông, tôi thấy nỗi gai ốc… Ở chỗ tôi, từ Lượm chỉ cho công việc cuối cùng mà giới đạo tỳ sử dụng../ ( Lược ý).. Tôi phải làm gì đây, nói gì đây, với người bạn già thân thiết này?! Và anh đã ra đi. Người bạn ấy là nhà thơ Nguyệt Lãng, tác giả bài Rau Đắng Đất, được nhạc sĩ Bắc Sơn phổ nhạc với tên Còn Thương Rau Đắng Mọc Sau Hè.
Giờ, ngồi đọc lại, phải chi mình dùng một từ khác, đỡ nỗi đau đời hơn. Lãng ơi! Vĩnh biệt.  Trà Vinh, đêm18/7/2014. Nhớ bạn

KHÔNG ĐỀ*
Kéo Ngân hà xuống
Mặt người
Vô vàn thiên thể
Nụ cười xé trăng
Kéo lê đường xẹt
Vĩnh hằng
Mười đầu ngón khuyết
Đỏ bằng hột sương
Ngồi nhìn
Ngọn liễu tơ buông
Thấy mình rượt đuổi
Theo khuôn mặt trời
Gõ ly
Tuyệt thẫm  vọng lời
Trầm ca vụt bổng
Xa rời vực nghiêng.

Phong Tâm
Cái Mơn, 20.7.2014

*Gởi Hồng Băng sau khi đọc CHIỀU CUỐI NĂM, tưởng nhớ Nguyệt Lãng mới đó mà đã xa!

2014/07/23

TIN LẠ

Thay vì là cờ Hoa Kỳ, lá cờ trắng đầu hàng đã được kéo lên tháp của cầu Brooklyn Bridge nổi tiếng ở New York


Andrew Gompert / European Pressphoto Agency

 Cali Today News – Cư dân New York bắt đầu báo động hình ảnh dị thường này trên các trang mạng trong ngày thứ ba 22/7. Lee Jones, đại diện Sở Cảnh Sát New York cho hay: “Chúng tôi có nhiều đơn vị ở đây và đang mở cuộc điều tra ráo riết”

Những lá cờ trắng trong quân sự được hiểu là cờ của sự đầu hàng, vẫn còn bay phất phới trên cây cầu này đến 11 giờ trưa thứ ba, sau đó đã được gỡ mang xuống. Cảnh sát New York muốn biết ai là kẻ đã treo những lá cờ trắng này và bằng cách nào.

Đoạn video cho thấy có nhiều nhân viên cảnh sát mặc đồng phục đứng lố nhố trên một trong hai tháp của cây cầu và quan sát, xem xét khu vực này. Ông Jones nói ông không hiểu một người làm sao có thể treo lá cờ như thế ở đỉnh tháp vì lá cờ khá to, có thể được trông thấy từ xa.

Ông Eric Adams, Chủ Tịch Brooklyn Borough vô cùng tức giận vì chuyện này. Ông nói: “Nếu có ai định đùa giai khi treo cờ như thế thì tôi không cười được. Ai cũng có quyền bày tỏ chính kiến trong xã hội tự do dân chủ này, nhưng không được làm hại đến an ninh của người khác”

Đào Nguyên


TÌNH NHƯ LÁ THU

Tới tháng ba năm nay là bà tròn tám mươi mốt tuổi. Nhưng với mái tóc nhuộm đen nhánh, với hàng lông mày được xâm theo hình lá liễu cong cong, với cặp môi tô son đỏ – màu của sự gợi cảm, người đối diện nghĩ rằng bà chừng bảy mươi lăm là cùng. 
Vốn là nhà thời trang nổi tiếng của thành phố Sài Gòn trước đây, bà cố gắng ăn uống điều độ và tập thể dục hàng tuần để thân hình không phì nhiêu cũng không nhão nhét. Trời cũng không phụ lòng mong đợi của bà. Càng nhìn bà, người ta càng kinh ngạc, cứ tưởng thời gian đã quên đi, không hề nhớ tới sự hiện hữu của bà trên cuộc đời này.

Cách đây tám năm, chồng bà mất. Mất chồng ở tuổi bảy mươi ba đúng là một bi kịch. Ban ngày bà loay hoay đi ra đi vào một mình, ban đêm bà trằn trọc không ngủ vì nhớ tiếng ho nhè nhẹ của ông, nhớ tiếng dép lẹp xẹp trên sàn gỗ, nhớ tiếng nước chảy vào ly thủy tinh mỗi khi ông rót trà... Mất chồng ở tuổi bảy mươi ba, bà không khóc lóc như những phụ nữ trẻ tuổi, bà chỉ bàng hoàng trong im lặng, đôi mắt bà ráo hoảnh nhưng đôi môi bà cứ run run như muốn gọi tên ông.

Rồi những ngày tháng lạnh lùng kinh khủng đó đóng chặt lại và trở thành quá khứ sau khi bà gặp ông Luân trong một cuộc tiệc cưới cháu ngoại của người bạn. Hôm đó bà ngồi bên cạnh một người đàn ông có mái tóc bạc được hớt cao gọn ghẽ, có giọng nói chậm rãi nhưng ấm áp, có sự quan tâm chăm sóc đặc biệt tới bà khiến bà cảm thấy lạ lùng trước điều đó. Ông Luân chỉ phục vụ một mình bà, thỉnh thoảng ông gắp thức ăn để vào trong chén của bà, ông hỏi bà ngon miệng không, ông lựa những phần gỏi bắp cải không có ớt vì sợ bà cay, thậm chí ông thận trọng lột vỏ từng con tôm xú luộc rồi đưa bà ăn. Bà cảm kích nên hỏi tên ông, hỏi tuổi ông. Ông không giấu diếm, ông nói ông đã bảy mươi bảy tuổi rồi.

Bà nhìn ông cười, ánh mắt lẳng lơ:
-Bảy mươi bảy tuổi còn yêu được không nhỉ?
Ông Luân cũng nheo nheo mắt nhìn bà, cười đáp lại:
-Sao lại hỏi vậy? Cứ yêu thử đi rồi biết.

Tối hôm đó bà đi lòng vòng trong cư xá nửa tiếng đồng hồ để suy nghĩ thật chín chắn rồi quyết định gọi điện thoại cho ông. Chuông vừa reng lên một tiếng ngắn là ông mở máy trả lời liền, cứ như suốt cả buổi tối ông chỉ làm mỗi một việc là ngồi rình cái điện thoại, đợi nó reng lên là bấm nút “A-lô” ngay. Ông hỏi bà đang làm gì, bà nói bà đang đi bộ trong cư xá. Ông nói ông sẽ đến để cùng đi bộ với bà. Bà không tin lắm, nhưng chỉ cười cười. Vậy mà ông đến thật.Ông đưa cho bà một ly giấy to tướng đựng đầy bắp rang, bà chìa tay cầm lấy và trong một thoáng bà cứ ngỡ vẫn còn đang ở tuổi mười tám đôi mươi. Bà hít một hơi dài rồi ngước lên nhìn ông bằng đôi mắt có hàng trăm vì sao trời đang lấp lánh trong đó.

-Em thấy bắp rang ở đây không thơm như bắp rang ở Sài Gòn.
-Ừ, bắp rang trên con đường Hai Bà Trưng thơm mùi bơ. Anh nhớ mỗi lần đi ngang xe bắp rang bơ là phải dừng lại, mua một gói, rồi vừa đi vừa ăn vì không thể nhịn thèm nổi.
Bà cười khẽ. Giọng cười của bà dù có khàn đi nhưng nghe cũng còn quyến rũ lắm.
-Có những món ăn ngày xưa em thích mê tơi, thí dụ món ốc leng xào dừa, ngày nào em cũng phải ăn một dĩa đầy mới đã, còn bây giờ mới nhìn thấy là ngao ngán liền. Em không hiểu tại sao nữa.
-Vì bây giờ mình trưởng thành hơn, mình hưởng thụ cũng nhiều hơn nên cơ thể cảm thấy không cần thêm nữa. Chỉ mới vài năm trước anh còn khoái ngồi uống bia với bạn bè, tối nào cũng phải một chai ướp lạnh mới ăn cơm được, nhưng từ sau lần anh bị ói ra mật xanh phải vào bệnh viện, nghe nhắc tới bia hay nhìn thấy chai bia là anh xanh mặt liền.

Không khí ban đêm lành lạnh nên bà đi sát vào người ông, nép vai bà bên vai ông, nhưng bà vẫn cố ý đút hai bàn tay vào trong túi áo khoác để có một lần vải ngăn cách giữa hai người.Ông Luân nhận ra điều đó. Ông tìm ngón út của bà và giữ chặt nó một lát trong tay ông. Xuyên qua lớp vải dày của chiếc áo khoác, bà vẫn cảm nhận được sự rung động nhẹ nhàng của người đàn ông có độ tuổi đã chấm tới con số bảy mươi bảy. Bà im lặng, không rụt ngón tay lại, để mặc cho trái tim đột nhiên thay đổi nhịp đập rộn ràng như pháo nổ ngày Tết. Bà cần tình yêu như như đũa có cặp, bà cần một người đàn ông bên cạnh bà như dép có đôi. Bà sẵn sàng thú nhận bên tai ông điều đó mà không cảm thấy xấu hổ.

Ông Luân có tiền hưu, có tiền con cái chu cấp, có tiền tiết kiệm trong ngân hàng nên cứ đến cuối tuần là ông dẫn bà đi ra khỏi thành phố, tận hưởng một không gian vắng lặng chỉ có hai người. Những nụ hôn hiếm hoi ông dành cho bà thật nồng nàn trên trán, trên má, nơi khóe môi. Bà cũng đáp lại cuồng nhiệt, bà ôm ghì lấy đầu ông, vừa hôn vào mép tai ông vừa vò vò mái tóc bạc được hớt cao gọn ghẽ. Ông Luân thích thú trước tình cảm của bà, bấu bấu những ngón tay có móng hình vuông được cắt ngắn vào vai bà. Họ ngồi trên băng ghế đá âu yếm nhau mười lăm, hai mươi phút giữa khung cảnh thiên nhiên lãng mạn, tĩnh mịch và đồng lõa. Tình yêu mà họ dành cho nhau chỉ có vậy thôi, có muốn hơn nữa thì cũng không được bởi vì ở tuổi bảy mươi bảy, khả năng tình dục của ông đã hết rồi – đã chết rồi!

Hai người thuê một ngôi nhà gỗ ở bìa rừng để họ có thể lái xe đến đó bất cứ lúc nào họ muốn. Chiều cuối tuần, ông Luân ngồi bên bờ suối câu cá, bà ngồi bên cạnh nép vào ông, theo dõi từng con cá vô tư lượn lờ qua qua lại lại nhưng chẳng con cá nào tỏ vẻ thích miếng mồi trùn sống đang ngo ngoe của ông. Thỉnh thoảng bà cười tủm tỉm khi thấy ông sốt ruột thở dài vì cá không cắn câu. Bà đặt bàn tay phải của bà lên đùi ông như khích lệ, thấy vậy ông cũng đặt bàn tay trái của ông lên bàn tay bà và giữ thật lâu. Đột nhiên bà nhổm người lên chỉ xuống dòng suối, khuôn mặt bà hớn hở với giọng nói vang vang như xé toạt sự yên tĩnh của thiên nhiên:

-Kìa, cá dính câu rồi kìa anh! Giựt lên đi! Giựt lên đi!
Ông Luân dùng cả hai tay giựt chiếc cần lên cao, miệng nở nụ cười thật rộng khi nhìn thấy một con cá đang vùng vẫy dữ dội nơi đầu sợi dây. Bà mở nắp máy chụp hình ra và chụp ông vài tấm hình cùng với “chiến lợi phẩm”. Sau đó ông vụng về loay hoay gỡ con cá tội nghiệp ra khỏi chiếc lưỡi câu và nhẹ nhàng thả nó xuống nước. Con cá sung sướng quẫy mạnh cái đuôi,lướt sang chỗ khác sau khi bị một phen hoảng hốt.

Hai ông bà sống hạnh phúc với nhau được ba năm thì ông Luân tỏ ý muốn đi du lịch sangCanada để thăm con cháu. Bà vui vẻ để ông ra đi. Nhưng sau đó con cháu ông viện cớ ông đã tám mươi tuổi rồi, sức khỏe yếu kém lại bị thấp khớp nên họ không cho ông quay trở về với bà nữa. Khi nghe ông thông báo tin tức đó qua điện thoại, bà chưng hửng – nhưng đành thở dài cam chịu. Một lần nữa bà chấp nhận cảnh cô đơn, nhưng lần này sống cô đơn ở độ tuổi bảy mươi sáu, ở độ tuổi bà nhận ra mình đang già đi thật nhanh, là điều bà không thể quen thuộc nổi. Tạo hóa đã sinh ra muôn vật sống phải có đôi, có cặp, bà không thể sống trái với quy luật sinh tồn của Tạo hóa. Bà cần một người đàn ông, cho dù người đàn ông đó đang lọm thọm chống gậy ở tuổi tám mươi thì ông cũng vẫn là một người đàn ông!

Trong một buổi tiệc cưới của đứa cháu ngoại của một người bạn khác, bà tình cờ ngồi bên cạnh ông Nguyện và một lần nữa duyên số lại kết hợp hai ông bà với nhau. Tuổi tám mươi nhưng ông Nguyện còn khỏe mạnh, còn lái xe được và đi đứng thẳng thớm chứ chưa đến nổi phải vịn tường lết đi từng bước. Ông Nguyện sống một thân một mình, đám con lớn có vợ có chồng ra riêng hết chẳng thèm ngó ngàng tới cha gì, thỉnh thoảng cuối tuần bọn họ ghé vào thăm ông, hỏi han mấy câu: “Ba có mạnh giỏi không?”, “Ba có cần ăn uống gì không?”, rồi lên xe dông đi mất.

Thấy tội nghiệp ông, bà mở lời đề nghị:
-Anh dọn qua ở với em luôn đi.
Ông nhìn bà, ngỡ ngàng rồi lắc đầu:
-Cảm ơn em, nhưng anh không muốn làm phiền em đâu.
-Phiền gì mà phiền? Coi như anh với em góp gạo nấu cơm chung. Anh nấu cơm thì em rửa chén. Em quét nhà thì anh lau nhà.
Ông bóp bóp bàn tay bà, giọng nói tràn ngập cảm xúc:
-Cảm ơn em. Để anh thu xếp rồi anh sẽ trả lời em sau.

Nhưng rồi ông Nguyện giải quyết theo cách khác, ban ngày ông ở nhà bà, ban đêm ông về nhà ông, họ sẽ sống với nhau không hẳn như hai người tình mà là như hai người bạn, dù sao “tương kính như tân” vẫn hơn “thân quá hóa lờn”. Bà lắc đầu chịu thua, đành phải làm theoquyết định của ông. Nhưng rồi bà lại thấy ý kiến đó hay ho và thú vị. Buổi sáng ông lái xe đến, nhẹ tay mở cửa và bước vào trong nhà cùng với một món ăn điểm tâm cho hai người. Tính bà thích trang điểm kỹ lưỡng cho nên sau khi son phấn lượt là xong bà mới bước ra khỏi phòng ngủ để đón ông. Bà quàng tay ôm cổ ông và đi vào bếp pha cho ông một tách cà phê nóng, pha cho bà một tách sữa ca cao. Nơi bàn ăn, chỗ ngồi của ông phải là chiếc ghế đối diện với bà, ông không bao giờ muốn ngồi ở chỗ khác cho dù đó là chiếc ghế đặt bên cạnh bà.

-Tại sao kỳ cục vậy anh?
-Kỳ cục gì đâu? Tại vì anh thích vừa ăn vừa ngắm em vừa nghe em nói. Nhan sắc của em vẫn còn mượt mà và trẻ đẹp trong mắt anh. Giọng nói của em vẫn còn ngọt ngào và êm ái trongtai anh.

Bà biết ông nói thật. Người đàn ông ở lứa tuổi nào cũng có thể nói dối hoặc nói cho qua chuyện, nhưng khi đã bước qua tuổi bảy mươi, họ chỉ thích nói thật. Bởi vì nếu hôm nay họ không nói thật lòng, biết đâu ngày mai họ chẳng còn cơ hội để làm điều đó nữa.
Bà và ông Nguyện ngồi đối diện nhau, vừa nhâm nhi ăn sáng vừa rủ rỉ nói chuyện. Chuyện tuyết rơi ở New York . Chuyện hoa mộc lan nở tím trên cành. Chuyện mấy con quạ kêu ầm ĩ mỗi khi kéo nhau bay ngang qua mái nhà. Chuyện ông Bill đi lượm chai trong bồn rác để mang đi bán kiếm vài đồng. Họ ăn xong bữa sáng rồi mà câu chuyện vẫn chưa dứt.

Buổi trưa nếu bà làm biếng nấu nướng thì ông đi bộ tới tiệm cơm ở bên kia đường để mua hai hộp cơm mang về. Sau đó ông cầm bịch rác to tướng mang ra khỏi nhà, lững thững đi tới bồn rác ở cách nhà khoảng bốn trăm thước, vừa đi vừa hít thở cho tiêu cơm.
Buổi chiều hai ông bà rủ nhau đi lòng vòng quanh cư xá để tập thể dục. Họ bước chầm chậm trong ánh nắng chiều vàng vọt, trong sự im lặng và tĩnh mịch của buổi hoàng hôn.

-Anh có thấy lạnh không anh?
-Không, em. Anh mặc đủ ấm rồi em.
-Một lát nữa mình ăn tối với cái gì nong nóng nghen anh.
-Nếu em thích ăn mì vịt tiềm thì anh đi mua cho.
-Mì vịt tiềm của tiệm Lục Đỉnh Ký ăn được lắm đó anh.
-Ừ. Lát nữa anh đi mua về cho em.

Ông Nguyện chìu chuộng bà như thuở vẫn còn đôi mươi, còn bà thì mềm mỏng và dịu dàng như cô thiếu nữ mười tám. Họ nói chuyện thủng thẳng với nhau, không cáu kỉnh cũng chẳng giận hờn, cứ hết lòng “tương kính như tân” với nhau. Khi bà mệt thì ông đứng sau lưng bà, bóp vai, bóp lưng. Khi ông mệt thì bà đỡ ông nằm xấp xuống, xoa dầu, cạo gió cho ông. Bà nương vào ông, ông tựa vào bà, họ cần có nhau như đũa phải có cặp, dép phải có đôi, không cần biết ngày mai ngày mốt ai sẽ là người ra đi trước, ai là người khóc ai trước, ai sẽ là người tiễn đưa ai trước.

Sau bữa ăn, bà đứng trong khung cửa sổ nhìn theo ông tay cầm bịch rác to tướng, đi chầm chậm tới bồn rác. Mái tóc ông bạc trắng như cước làm trái tim bà gợn lên chút xót thương.Sống với nhau hơn gần hai ngàn ngày (chỉ là ngày thôi, không hề có đêm) bà nhận được biết bao sự chăm sóc tự nguyện mà ông dành cho bà. Bữa điểm tâm sáng nóng hổi. Bữa cơm trưa nhẹ nhàng với dĩa trái cây ngọt ngọt, chua chua. Bữa ăn tối nóng sốt dưới ngọn đèn chùm màu vàng cùng với một ly rượu chát nhỏ chia đôi. Những hình ảnh ấm cúng giữa ông với bà như cuộn phim quay chậm cứ hiện về rõ mồn một trong trí óc khiến có lúc bà mỉm cười một mình khi vân vê tấm rèm vải trong tay, chờ đón ông đẩy cửa bước vào trong nhà.

Tình yêu của người già mong manh như chiếc lá úa vàng trong mùa thu. Lúc đó những chiếc lá khô quắt queo lại chỉ dính một chút xíu vào cành cây chực chờ một cơn gió nhẹ thoảng qua là rơi rụng lả tả. Bà hiểu điều đó nên rất trân quý tình yêu, tình bạn của ông Nguyện dành cho bà. Đi đâu (đi shopping, đi mua sắm) bà cũng năn nỉ ông đi theo, để bà được nắm tay ông, để bà có thể làm bộ hỏi ý kiến ông về món đồ muốn mua, để bà được hưởng cảm giác bà vẫn là một nhân vật quan trọng, quan trọng nhất trong đôi mắt ông.

Tới tháng ba năm nay là bà tròn tám mươi mốt tuổi. Còn ông Nguyện thì được tám mươi lăm. Già thì già, họ vẫn cảm thấy hạnh phúc – hạnh phúc hơn một tỷ người khác – cho dù hạnh phúc đó vẫn được họ đếm từng ngày sau mỗi buổi sớm mai thức dậy… 

  

 Nguyễn Thị  Bích Nga  (Westminster

2014/07/20


NĂM MƯƠI BỐN NĂM SAU (1960 – 2014)

Niên học 1958-1959 tôi học lớp Đệ tam (lớp 10) ban B tại trường Trung Học Công lập Tống Phước Hiệp của tỉnh Vĩnh Long.
Mới vào Đệ nhị cấp, mọi người ái ngại. lo âu nhưng cũng rất phấn chấn đón nhận với lòng náo nức.
Những bài học của các bộ môn được chúng tôi chủ trương tìm hiểu một cách kỷ lưởng và phải được thông suốt. Có bài đầu tiên của môn Vật Lý đã làm tôi cũng như các bạn chới với. Đó là bài Sai Số của bộ môn Vật Lý do Giáo Sư Ninh phụ trách. Thầy kiên nhẫn nhiệt tình giảng đi giảng lại nhiều lần mà chúng tôi vẫn còn hiểu một cách mơ hồ. Từ đó cho đến bây giờ mỗi khi có dịp nhắc về thầy thì phải nhớ bài học Sai Số và ngược lại.

Cách đây khoảng hai năm, một hôm có một cú điên thoại tìm tôi:
-Xin lỗi : Có phải tôi đang gọi số điện thoại của anh Nguyễn Hồng Ẩn không ạ? Tôi muốn tìm anh ấy! Một giọng nam vang lên mà âm thanh cho phép mình đoán được là một người lớn tuổi.
-Tôi là Ẩn đây! Tôi vội trả lời trong khi thầm nghĩ ai đi tìm mình ở cái xứ lạ quê người này.
-Tông đây Ẩn ơi! Nhớ Tông con của thầy Ninh không?
Làm sao mà quên được thầy kính mến của mình và thằng bạn học chung lớp tại Trường Tống Phước Hiệp khi xưa.
-Trời ơi! Mầy đó hở Tông! Làm sao mầy biết số…của tao.
Và chúng tôi rộn rã thăm hỏi và nhắc lại những chuyện đã qua từ trường lớp cũng như chuyện đời của mỗi đứa từ độ chia tay ở niên học cuối cùng Đệ Nhị.
Ngày bải trường năm 1960, anh em lớp Đệ Nhị (lớp 11) của chúng tôi chia tay nghỉ hè, học ôn bài vở để sửa soạn cho kỳ thi Tú tài 1. Sau khi thi xong, chỉ những ai thi rớt thì hoạ chăng trở về trường xin học lại để chờ kỳ thi năm tới. Những ai đậu muốn học lên phải rời trường vì trường Tống Phước Hiệp dạo ấy không có lớp Đệ Nhất (lớp 12) nên học sinh phải tìm trường khác như Nguyễn Đình Chiểu ở Mỹ Tho, Phan Thanh Giản (ở Cần Thơ) hoặc các trường ở Sài Gòn như Petrus Ký, Chu Văn An, Gia Long, Trưng Vương…
Tôi và Tông không gặp lại nhau từ đó. Vậy là hơn nửa thế kỷ với bao vật đổi sao dời, chúng tôi liên lạc lại được nhau nơi xứ lạ quê người. Gia đình anh đang ở bờ Tây nước Mỹ còn tôi ở bờ Đông. Từ khi nối lại liên lạc, thỉnh thoảng “gặp” nhau trên điện thoại và chưa một lần mặt đối mặt nhau.
Tháng bảy năm nay, anh chị lấy tour du lịch quanh vài tiểu bang nước Mỹ và dừng chân thăm gia đình đứa con gái ngụ tại trường Đại Học MIT, Cambridge, MA. Từ nhà tôi đến đây khoảng 10 tiếng đồng hồ lái xe đi về nếu không kẹt xe. Dù rất ngại lái xe đường xa do tuổi già nhưng nếu bỏ qua cơ hội này thì biết đâu sẽ chẳng có dịp gặp tận mặt nhau. Tôi đã và đang ân hận một lần chần chờ khi thăm một bạn rắt thân và không may tôi đã vĩnh viễn chẳng còn có thể gặp lại vì bạn tôi sau đó đã đi xa.
Thế là tôi quyết định cùng bà xã sáng sớm hôm nay (17 tháng 7 2014) lên đường. Ngày này thật đẹp trời và chúng tôi đã bắt tay, ôm choàng mừng nhau, thao thao tâm sự sau 54 năm không gặp.

Rất thỏa dạ! Nhưng chúng tôi vẫn còn mong tái ngộ nếu có dịp. Sau đôi tiếng đồng hồ ngồi bên nhau trước ly trà ấm tình bạn hữu, đồng môn, đồng hương, đồng nghiệp, đồng chí hướng, đồng cảnh ngộ…Chúng tôi phải chia tay trong lưu luyến và chúc nhau những lời tốt đẹp.
Hẹn tái ngộ…

Anh Tú/Nguyễn Hồng Ẩn
July 20, 2014
PHỐ VẮNG

Nắng xuống chiều rơi phố lạnh buồn
Đường xưa thiếu vắng bóng người thương
Công viên ghế đá nền trăng cũ
Tơ liễu buông mành hứng giọt sương!


Yên Dạ Thảo

17.07.2014