Đọc Về của Hồng Băng
Về
Nhớ SPVL
Về
Nhớ SPVL
Phàm phu vẫn phải phàm phu
Như con bướm sắc phập phù luống hoa
Thưa em ngày ấy rồi xa
Buốt trong gió động sóng tà huy xưa
Cuộc đi quá đỗi tình cờ
Nẽo về khói rạ hong khô ấm lòng
Trường xưa. Là bóng ven sông
Dường như kính lão mờ trong cuộc người
Nâng niu rõ mặt mệnh trời
Lá bay điểm xuyết cõi đời nhẹ tênh
Buông tay trăng rớt bên thềm
Dãy vàng huyễn hoặc mịn mềm cỏ rêu
Hồng Băng
Trà Vinh
27/9/2012
Bài thơ VỀ của huynh Hồng Băng làm tiểu
muội Lê Liên chùng lòng ! Bài thơ có quá nhiều ẩn ý…
Đọc Về của huynh Hồng Băng bỗng nhiên lại nhớ “Nẻo về của ý”
( Thiền sư Thích Nhất Hạnh). Cảm giác như mình đang quay về, ẩn nấp nơi sâu
thẳm của tâm hồn vậy. Tu chính là quay về với chính mình rồi, còn gì?
Cuộc đi quá đỗi tình cờ
Nẻo về khói rạ hong
khô ấm lòng
Cho dù, mộng tang bồng hồ thỉ có chủ đích hay vô tình thì
cũng có lúc tâm thức tự nhiên quay về.
Mà thật ngộ nghĩnh khi :
Phàm phu vẫn phải phàm
phu
mà sao vẫn thấy thanh tao, chẳng có chi là tục tử ! Cho dù
tác giả tự ví mình là loài Bướm sắc , đó chỉ là loài côn trùng có tuổi thọ ngắn
nhất!?!?… lại phập phù bên luống hoa.
Như con bướm sắc phập
phù luống hoa
Với ngữ cảnh này, ta hiểu “phập phù” ( là khẩu ngữ: thoát
có, thoát không ) thì bỗng nhiên nó trở thành đỉnh cao của ngôn ngữ, khiến
câu thơ không trần trụi, thô thiển nữa .
Thưa em ngày ấy rồi xa
Buốt trong gió động
sóng tà huy xưa
Tự dưng, bỗng nhớ đến Thi Ông Bùi Giáng chi lạ!
Muội rất yêu lời nói thưa em của Thi Lão. Âm hưởng nhẹ tênh,
nhưng vẫn đủ gói gọn cả tâm tình dâng hiến. Khiến Người – Nhận-Tiếng-Thưa ấy,
chùng lòng, Bỗng thấy mình thật nhỏ bé trước tấm lòng quảng đại của người thưa.
( Nhưng nói nhỏ thôi, vì mình nao lòng cảm động, chứ đối
tượng chính của Thi Ông hổng biết có chùng lòng không đây?…)
Tiếng thưa em của huynh Hồng Băng như âm ba vọng
lại từ quá khứ đến hiện tại khi mà con người bước vào tuổi xế chiều,
Ở tuổi này, Người ta thường trầm tư hơn, lặng lẽ quan sát và đón nhận những gì
xảy ra chung quanh cuộc sống với tấm lòng bao dung hơn, được thể hiện trong
những câu thơ :
Dường như kính lão mờ
trong cuộc người
Nâng niu rõ mặt mệnh
trời
Lá bay điểm xuyết
cõi đời nhẹ tênh
Phải, cứ mắt-nhắm-mắt – mở, chẳng cần xét- nét – chuyện –
đời một cách gắt gao nữa, mà phải hướng thượng, Xin vâng theo số phận.
Như Thi Sỹ Bùi Giáng đã cùng Cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn làm
nên khúc giao hưởng bất hủ Con mắt còn lại:
Còn hai con mắt khóc
người một con
Còn hai con mắt một con khóc người
Con mắt còn lại nhìn cuộc đời tôi
Nhìn tôi lên cao nhìn tôi xuống thấp
Con mắt còn lại nhìn cuộc tình phai
Tình trong hai tay một hôm biến mất
Con mắt còn lại là con mắt ai
Con mắt còn lại nhìn tôi thở dài…..
Còn hai con mắt một con khóc người
Con mắt còn lại nhìn cuộc đời tôi
Nhìn tôi lên cao nhìn tôi xuống thấp
Con mắt còn lại nhìn cuộc tình phai
Tình trong hai tay một hôm biến mất
Con mắt còn lại là con mắt ai
Con mắt còn lại nhìn tôi thở dài…..
Thủ thuật tượng hình : Lá Bay điểm xuyết quả là
biến hóa ảo diệu trong cõi đời nhẹ tênh! Thật vậy, khi Người Ta đủ
nội lực để đối diện với cuộc đời thì mọi sự trở nên đơn giản, thanh cao. Và đó
chính là phần thưởng quý giá nhất của sự giác ngộ!
Cho nên
Buông tay trăng rớt
bên thềm
Dãy vàng huyễn hoặc
mịn mềm cỏ rêu
Buông tay động thái đó mới thật là tuyệt hảo!
Muội nhớ trong Thập mục ngưu đồ của nhà Phật, có một
bức tranh được lão Hòa thượng Thích Thanh Từ diễn giải “ Thỏng Tay Vào Chợ” đã
khiến muội lâng lâng. Cảm giác ngưỡng mộ phát tán, hạnh phúc òa vỡ, sau đó lan
tỏa, lan tỏa….thật sảng khoái vô cùng !
Trăng rớt bên thềm: Ô la la! Giữa hằng hà sa
số tinh cầu, thì Trăng là vệ tinh của Quả Đất. Tự nó không phát sáng, mà
chỉ phản chiếu ánh sáng từ mặt trời! Ấy thế mà không ít người say mê
ánh trăng huyền ảo đó.( Trong đó có tiểu muội đây!) Nói theo nghĩa bóng, ta ví
trăng là ảo ảnh. Mà mầm móng tội lỗi bắt đầu từ tham. Và phần đông con người
hay có xu hướng chạy theo phù phiếm xa hoa, ảo ảnh. Thế nhưng một khi tìm ra
chân lý, thì họ buông bỏ hết! Danh vọng không còn cám dỗ được nữa.
Câu kết của bài thơ thật mượt mà!
Bởi rêu là loài thực vật sinh sôi nẩy nở nơi vùng thiếu ánh
mặt trời. Rêu ở đây phải chăng là chủ thể, đại diện cho con người u minh? Nếu
trong kiếp phù sinh, con người buông xả được, thì đời sống có
chi u ám, nặng nề? Vạn vật chung quanh hiển nhiên bừng sáng!
Dãy vàng huyễn hoặc cứ như những sợi tơ óng ả làm
nên khuôn vàng thước ngọc ban tặng, làm đẹp cho đời thêm (mịn mềm cỏ
rêu). Hay nói cách khác: Đến một lúc nào đó, con người quay về với
chánh đạo , thì mọi tối tăm đều biến mất.
Đây là một bài thơ ngắn. Nhưng nhiều hàm ý. Mang tính triết
lý nhân sinh cao. Nhưng lại rất Thiền, có lẽ sự độc đáo này là nét riêng trong
thơ của huynh Hồng Băng.
Cảm ơn thi huynh đã gởi cho đời :Nẻo về khói rạ hong khô ấm
lòng .
Còn gì lạc quan hơn khi người ta định hướng (nẻo về) cho
cuộc đời mình ? mà hành trang ( khói rạ) đó mang lại sự sung mãn trí huệ,
triển nở từ tâm ( hâm khô ấm lòng) làm nên điểm sáng ( dãy vàng huyễn
hoặc) cho cuộc đời này ( mịn mền cỏ rêu) .
Thân Thưa,
Tiểu muội Lê Liên