2016/06/20

Cám ơn ba
 Image result for father's day 2016
Ngày xưa con còn bé
hay nắm chặt  tay ba
nước mắt rơi nhạt nhòa
mỗi lần đi học xa.

Nhìn con tàu rời bến
con lại  khóc thật nhiều
chỉ trái tim con hiểu
thiếu ba con buồn thiu.

Con mơ làm cánh diều
bay cao bầu trời rộng
gặp ba cho thỏa lòng
trời, sông, nước mênh mông…

Bây giờ không nước, sông
sao đau nhói trong lòng
tuổi già ba gượng sống
cho con còn ước mong…

Thủy  Trang

2016/06/19

*Nhớ Má Ba
“Một chín bốn lăm” cha bỏ đi
Tuổi ba mươi bảy vẫn xuân thì
Hận lòng nợ nước còn dang dở
Vợ trẻ con thơ phải biệt ly.

Mẹ ướt mi cam chịu số phần
Tiển chồng rời bỏ chốn hồng trần
Kiên lòng vượt khó nuôi con trẻ
Không phụ lời người lúc trối trăn.

Bao khó khăn cam go cũng qua
Con thành nhân mẹ bước vào già
Chưa an nhàn phải thành thiên cổ!
Nỗi khổ nào hơn: mất mẹ cha.

Xa nước nhà lang thang tháng ngày
Sờ đầu tóc bạc khổ lì chai
Cuộc đời vốn lẽ sanh rồi diệt
Hãy cố an nhiên thiên định bày!

Anh Tú
Father's Day
June 19. 2016

Bây Giờ


Thơ: Phong Tâm
Nhạc: Nguyễn Văn Thơ
Hòa âm: Phan Thanh
Trình bày: Nguyên Trường

Bây giờ quên nhớ trong đêm
Mà nghe lá rụng bên thềm đẫm sương.
Trăng tàn, nắng cũng phai hương
Thì thôi, bến cũ còn vương vấn gì!

Người đi. Ờ! Lạnh lùng đi…
Trăm năm chỉ một xuân thì vậy thôi.
Trong mầm yêu có chia phôi
Nào ai ngăn được bờ môi muộn phiền!

Vẫn là đêm của sông duyên
Vẫn là sương khói triền miên gió lùa.
Thơ không buộc chặt sợi mưa
Thì ngôn ngữ chẳng dư thừa để rơi.

Bây giờ quên nhớ mù khơi
Ví như gió tạt, sóng nhồi đi qua…
Đường tơ dầu cứ mượt mà
Cõi tình như bóng trăng tà trôi nghiêng!

Phong Tâm
27/03/2016

2016/06/17

Tháng 6 Hạ Về và Hoa Phượng Sân Trường*
                                                Image result for hoa phượng đỏ
Đúng như đoạn mở đầu một bài hát của cố nhạc sĩ Thanh Sơn là: "mỗi năm đến hè lòng man mác buồn…"
Ở Việt Nam, kết thúc học kỳ II ngày 25/05/2016  Kết thúc năm học trước ngày 31/05/2016.
Ngày tựu trường sớm nhất là ngày 01/08/2016, muộn nhất là ngày 25/08/2016.
Như vậy vào đầu tháng 6, các cháu học sinh đã nghỉ học hoàn toàn và cũng là lúc hàng phượng đỏ sân trường trổ bông xum xuê, rầm rộ nhất.
Đây là lúc có những cơn mưa rào hòa theo những giọt nước mắt của học trò. Hạ đã đến. Từng cánh phượng bung nở ra những gam màu đỏ thắm.

Tháng 6 đã vào hạ. Bước vào những cơn mưa vụt đến, vụt đi. Mùa hạ là mùa chia ly, mùa thi, có thể vương vấn luyến lưu những mối tình đầu của tuổi học trò, cái tuổi đôi khi dễ có những hứa hẹn bất chợt nào đó…
Mùa hạ luôn mang đến những cãm giác mênh mang, những cãm xúc không thể tả thành lời. Mùa hạ làm cho tâm trạng thêm lưu luyến theo tuổi đời chồng chất.
Tháng 6 hạ đã về dễ khiến tim lòng xao xuyến. Có một chút gì bâng khuâng, cãm xúc ùa về nhớ lại một thời mộng mơ của tuổi trẻ.
Tháng 6 mùa hoa phượng  đến rồi sẽ lặng lẽ ra đi để những kỷ niệm cứ lớn dần theo thời gian .
Mỗi một mùa hoa phượng là một kiếp luân hồi, đổi thay. Cứ thế, tháng 6 cứ mỏng manh ướt lệ qua đi và cứ thế thời gian như vùng đất ươm mầm nầy, càng lâu càng sinh sôi nẩy nở.

Bỡi vậy, mùa phượng năm nào cũng làm xao xuyến thi nhân.

* Giáo sư thi sĩ Trầm Vân có bài thơ  “Chào Buổi Sáng” thật là cãm động :

“Thân chào buổi sáng bềnh bồng
Líu lo chim hót tưng bừng ngày trôi
Tay cầm giọt nắng tinh khôi
Với  bàn tay chạm khung trời mến thương.

Cành hoa phượng đỏ bên đường
Cõi lòng ngan ngát mùi hương hè về
Dòng sông sóng lượn tình quê
Thênh thang gió thổi bốn bề hồn thơ.

Nhớ trường xưa nhớ học trò
Nhớ trang giấy trắng thơm tho nghĩa tình
Gởi về lời chúc lung linh
Nụ cười bừng nở bình minh đón chào.”

Hoặc là “ Quẩn Quanh Nỗi Nhớ”  mộng ngày xưa :

“ Ngồi buồn ngắm cánh phượng hồng
Tiếng ve chợt rớt qua lòng nhớ thương
Nhớ xưa chờ cạnh cổng trường
Áo ai bay trắng làn hương nõn nà…”

* Giáo sư thi sĩ Chân diện Mục nhớ lại “ Tuổi hoa Niên “:

“Bâng khuâng nhớ thời ngàn thu áo tím
Bước hoa niên tình đập nhịp êm đềm
Những sáng đến trường, những giờ tan học
Hồi hộp trống trường, hàng phượng thần tiên “.

Người thầy cũng mang nhiều nỗi nhớ “Mái trường tiền kiếp” :

“Xa lắm rồi, xa lắm rồi ta nhớ
Cả thời gian và nơi chốn ai đi
Lá vàng rơi, hoa cười rơi lãng đãng
Cỏ cũng rên lên những tiếng rầm rì.

Mái tóc rơi, tà áo rơi lãng đãng
Tiếng gì vui như tiếng guốc sân trường
Hoa đẹp ép vào trang thơm nức giấy
Lời nhắn nhe lời đỏ thắm yêu thương”.

* Nhà giáo, nhà thơ nữ Kim Quang chua xót nói “ Còn Đâu”  với người bạn đồng môn dược sĩ N.T.Đ vừa ra đi :

“Em đi xa thành phố xưa đã đổi
Tìm tuổi thơ, đường cũ dấu chân thưa
Nhớ ngôi trường tình bạn mãi đong đưa
Ôm kỷ niệm ngập đầy thời trẻ dại.
. . . . . .
Ngôi trường cũ tương lai không còn nữa
Dòng sông xưa tắt nghẽn lối về nguồn
Như lưu vong biệt xứ giọt lệ tuôn
Nhớ thành quách mang nỗi niềm Do Thái”.

Hay trong bài “Tìm lại hương xưa” :

“Mới hôm nào như cơn mơ chợt giấc
Ta đi tìm chút gió lẫn mùi hương
Từ trong cặp sách, phấn viết, tỏa quanh trường
Dọc hành lang dài… phất phơ tà áo trắng.
. . . . . .
Làm sao chị tìm lại ngày tháng trẻ
Hoa phượng đỏ, tiếng ve mãi nhè vang
Ta bước đi trong năm tháng phai tàn
Tìm kỷ niệm vui buồn cùng hư ảo.

Rất mong muốn quay về thời nương náu
Gặp nhau cùng ôn lại chuyện trước sau
Hình bóng cũ thầy cô, bè bạn tóc bạc màu
Tận sâu thẵm
Nghẹn ngào ta bật khóc.

Hoặc “ Lời Mùa Đông “ viết cho ba người bạn Trần bang Thạch, Nguyên Nhung và Tố Lang :

“ Mơ thấy ai mùa Hạ nắng rực hồng
Phượng đỏ thắm hoa cười mừng hội ngộ
Như pháo tết ngập đầy trên đường phố
Trao niềm vui trong ánh mắt ngọt ngào…”

Trong số những sáng tác của nhà thơ nữ Kim Quang, ta thấy biểu hiện lên rõ nét là trân quý tình bạn và luôn ghi nhớ công ơn thầy cô. Một trong hàng trăm bài thơ đó là “Giọng Thầy”:

“Thật bất ngờ, thầy gọi em chiều thứ bảy
Em thưa thầy_có còn nhớ em không ?
Thầy bảo nhớ_cho em được vui lòng
Thầy xí gạt, em cũng mừng rộn rã.

Ôn chuyện cũ, bao nhiêu chưa thấy thỏa
Sẽ một lần, mong tới lúc gần thôi
Nhắc về thầy, bạn bè thấy bồi hồi
Mắt in bóng kỷ niệm đầy tha thiết.

Thương làm sao tuổi học trò mến tiếc
Nhờ ơn thầy bồi đắp nặng công to
Thật cãm động biết bao nghĩa thầy trò
Thầy đôn hậu chân tình luôn rộng mở.

Đến cuối đường_còn thương về một thuở
Nước nhớ nguồn tìm dòng sông tuổi thơ.
* Luật sư, nhà thơ nữ Đông An trong bài “Chiều vắng trường xưa’ :

“ Trường lớp bên thềm rêu xanh phủ
Thấm bụi thời gian dáng võ vàng
Thầy bạn, ta tìm đâu thấy nữa
Tình xưa dấu vết cũng phai tàn.

Trường lạ thay trường học thuở nào
Tâm hồn vây kín nỗi thương đau
Công ơn dạy dỗ thầy cô cũ
Khắc cốt ghi tâm tự buổi đầu.

Bạn hữu giờ đây xa dịu vợi
Người còn, kẻ mất, kẻ tha hương
Khúc quanh lịch sử nhiều oan trái
Quán vắng chiều nay độc ẩm buồn”.

* Giáo sư thi sĩ Anh Tú xem kiếp người là một chuyễn viễn du cứ vui và sống tới  thể hiện trong bài viết “Vào Thu “:

“Khi phượng rụng tàn hết bông
Ve đà im tiếng nắng hồng nhạt phai
Mặt trời lặn sớm từng ngày
Lá chờ thu đến đổi thay sắc màu.

Vòng quay trời đất ngọt ngào
Nghe quanh có tiếng thì thào cỏ cây
Đôi khi mây xám tầng mây
Mưa thu rơi nhẹ ngất ngây cõi lòng”.

Tâm tình thi sĩ cũng giải bày qua bài thơ “ Lời đó còn đây “:

Hạ nóng nung nồng bao nỗi nhớ
Những lần ba tháng tạm xa trường
Rời thầy cách bạn luyến lưu thương
Bâng quơ sợ chia tay vĩnh viễn.

Háo hức hết hè quay lại lớp
Vui khi bè bạn trở về đây
Còn người ấy chẳng thấy sum vầy
Để có dịp tôi trao lời định nói… “.

Thêm nữa, giáo sư thi sĩ trong “Cánh hồng xuân hạ” luôn thương nhớ người còn ở quê nhà :

“ Xuân đi hè đến bên thềm
Hạ hồng vẫn đẹp êm đềm thiết tha
Xứ người nhắn hỏi quê nhà
Hồng thay cánh phượng tình xa vẫn gần …”.

* Trong bài “cánh phượng hồng của tôi” nhà thơ Văn Liêm đã viết :

“ Nhặt cánh phượng hồng ấp ủ trong tay
Rồi cẩn thận ép vào trong trang sách
Tuổi học trò những phút giây ngây ngất
Thấy mềm lòng ướt cánh phượng mỏng manh.
. . . .
Trở lại mái trường thăm lại góc sân
Cánh phượng mỏng vẫn nồng nàn cháy đỏ
Sống lại tuổi học trò ngây ngô ngày đó
Ôm cánh phượng vào lòng cánh phượng mỏng của tôi”.

* Nhà thơ Lê viết Tứ, có bài “hoa phượng” :

“ Anh lại nhớ về em giữa cơn say
Lại viết thư tình giữa mùa tu hú gọi
Hoa phượng đỏ sân trường như muốn nói
Mùa chia ly đỏ chói giấc mơ đầu.

Ta sẽ hoài thương nhớ về sau
Hoa phượng đỏ có sẳn mầm chia biệt
Thuở học trò ai không yêu da diết
Tháng năm đi tha thiết buổi tan trường”.

* Nhà thơ “Lệ Bình” có bài “tháng 9 khai trường” :

“ Tháng 9 về nghe trống giục vang xa
Em thướt tha áo dài bay trong nắng
Bầu trời xanh và mây trôi lẳng lặng
Đi đến trường cố gắng học hành thôi.

Một mùa hè ghi nhớ chẳng phai phôi
Hoa phượng đỏ bồi hồi bên cửa lớp
Hàng mi cong dưới cây bàng tán rộng
Nấc nghẹn ngào chia tay lớp ngày xưa…”.

* Nhà thơ Minh Tường có bài thơ “Giữ hạ” :

“ Xin em giữ mãi khung trời hạ
Để phượng đừng phai nhạt sắc hồng
Mai mốt anh về ươm giọt nắng
Cho cành phượng thắm trổ thêm bông.

Này em ! tay giữ sao hờ hững
Ngơ ngác hạ tìm chẳng thấy em
Giọt nắng sân trường tan tác rụng
Làm hoa phượng đỏ héo bên thềm.

Hạ đang hờn dỗi đòi anh trả
Những chuổi ngày xưa rất ngọc ngà
Anh sợ hạ buồn đi vội vã
Như đời vội vã chuyến đi xa.

Sao em không giữ khung trời hạ
Để phượng đừng phai nhạt sắc hồng
Màu áo học trò khung cửa lớp
Hồn anh lưu luyến những hoài mong”.

* Nhà thơ Hài Nhi TB có bài thơ “Mùa hạ dến trường” giải bày những tiếc nuối bâng khuâng :

“Hạ ơi đừng khép cổng trường
Ve ơi đừng hát lòng đường bâng khuâng
Ngày mai trên vạn néo đường
Còn đâu tiếng trống tựu trường nôn nao.
Còn đâu tiếng guốc xôn xao
Còn đâu ánh mắt người trao cho người
Còn đâu nữa những nụ cười
Chỉ còn sót lại một thời nhớ thương ».

* Nhà văn, nhà thơ nữ Nguyên Nhung có một truyện ngắn xuất sắc mang tên “ cành phượng khô ép trong trang vở”, đọc lên thật xúc động nhớ ngay đến tuổi học trò của mấy mươi năm trước.
Mời các bạn vào line sau đây :   

Trong truyện ngắn nầy tác giả có lồng ghép bài thơ “ngày tựu trường “ gây cho đọc giả nhiều cãm xúc khó quên :

“Ngày tựu trường lòng ta sao trống vắng
Đếm trên đường từng bước với cô đơn
Người ta vui sao chỉ có mình tôi buồn
Tình êm đẹp bây giờ không còn nữa.

Lá phượng xanh màu xanh nay đã úa
Ngày tựu trường sao vẫn nhiều mưa
Đường đi về tôi cãm thấy bơ vơ
Nên cúi mặt tìm màu hoa đỏ thắm.

Một người ra đi nơi nào xa lắm
Cánh phượng hồng khô héo đã từ lâu
Những bông hoa kỷ niệm buổi ban đầu
Vẫn còn đó không một lời hẹn ước.

Ngày tựu trường có một mình tôi khóc
Đâu còn anh ai chép hộ bài thơ
Đâu còn anh mình tôi bước thẫn thờ
Trong buổi sáng đầu năm vào lớp học”.

Các bạn có bao giờ ngồi dưới gốc phượng già và câu chuyện được nhắc lại rằng :”  có một mùa hè năm ấy….”. ?!

Tháng 6 hạ về và hoa phượng hồng đã trở thành hoa bất tử. Cái màu đỏ thắm thân thương và đẹp đến nao lòng đó bây giờ đang  rực lửa sắc màu trên từng bước ta đi cạnh những mảng tường cổ rêu phong. Nơi đó, từng một thời gắn bó với tuổi học trò hồn nhiên, trong sáng ngày xưa…
Tháng 6 hạ về và những cánh phượng đỏ sân trường là những hình ảnh đẹp thân thương nhưng tiếc thay đều là những kỷ niệm buồn….

Dương hồng Thủy
Tháng 06/2016
*Xin lỗi và cám ơn các thi sĩ cho phép tôi : mượn những vần thơ ngà ngọc mùa hạ và tuổi học trò để ghép lên bài viết nầy.

2016/06/15

*Yêu Lắm Ngày Mai

Mưa đã dừng cỏ cây còn ướt nước
Như tình yêu sót lại lúc chia tay?
Phần anh có không ? Riêng em ngu dại
Lặng lẽ phận này miên viễn chẳng phai.

Đã trót vào đưòng yêu… tình sống mãi
Nhưng ém trong tim đau xót đầu đời
Thây kệ kẻ bướm ong say nhụy lạ
Lẳng lơ đời có thể suốt rong chơi?

Bát ngát nắng hồng trời xanh vời vợi
Tung tăng chân sáo đon đả tương lai
Bỏ sau lưng tình dại khờ mộng mị
Tự nhủ lòng ta yêu lắm ngày mai!

Anh Tú
June 15, 2016

2016/06/12

Tháng 6 Mưa Về

Tháng 6 đêm về ướt sủng mưa
Màn trời gió tạt hạt mưa thưa
Lập lòe ánh chớp bên hiên vắng
Tiếc nuối bèo trôi kiếp sống thừa.

Tháng 6 mưa về thương nhớ ai
Cuộc tình đơn điệu cũng phôi phai
Xa trông biển hẹn đành quên lãng
Nhắn gió quay về đón nắng mai.

Tháng 6 mưa tuôn từ buổi chiều
Màn đêm tạo vật cảnh đìu hiu
Tình chưa chín rục sầu rơi rụng
Gió giật mưa bay lạc cánh diều.

Mưa tháng 6 ơi ! hãy chậm về
Mây giăng bàng bạc sầu lê thê
Đừng mưa qua bãi hàng dương cũ
Gợi nhớ người xưa lỗi hẹn thề…

Dương hồng Thủy


Mai Này Tôi Trở Lại ( Bỏ Làng Ra Đi ) - NS Xuân An

2016/06/11

Mãi Mãi Như Nhiên

(Tặng Lệ Thủy ở Cali và bạn bè thân quen)

Hởi dung nhan chưa bao giò tàn úa
Vẫn đồng tiền, trên má lúm làm duyên…
Vẫn tươi tắn, với nụ cười rạng rỡ
Dẫu nghìn trùng xa cách, vẫn hồn nhiên.

Ta lữ khách đã ngàn năm sinh tử
Chợt lặng người. Tỉnh giấc vổ tay cười.
Kiếp làm chồng thế gian sao vất vả.
Hạnh phúc nào hơn, trốn vợ rong chơi.

Là sóng biển hay ta là biển cả?
Là tự tình hay nguồn cội yêu thương?
Xin một thoáng nhớ bạn bè xứ lạ
Dệt tình thơ cho lá đổ sân trường.

Xin hẹn lại nơi khởi hành tiền kiếp
Ta rong chơi quên hẳn thế gian buồn.
Giữa như nhiên bình yên và thầm lặng.
Chim xa đàn xoải cánh giữa trời thương.
Hồ Hải

(Lê Phước Hải, Hà Tiên)

LePhuocHai_1
Hồ Hải(Lê Phước Hải)
Thuy_Trang127px
Trang Lệ Thủy

2016/06/09

Dỡ Dang!
Thôi rồi một kiếp yêu thương
Lỡ duyên lỡ nợ yêu đương không thành 
Muốn quên nhưng lại không đành! 
Chỉ còn gởi trọn duyên lành vào thơ 
Tình giờ chỉ còn là mơ 
Tương tư một phút thẫn thờ ngàn năm !

NH
6/6/16
Bài Thơ Em Giặt Áo*
Bờ sông em giặt áo
Cuối sông anh trông chờ
Mùi hương lan trong nước
Tay em như quạt thơ

Chiếc áo trong tay em
Uốn éo theo dòng nước
Tình sầu em gói lại
Sợ nước cuốn chia tay

Anh cuối sông chờ đón
Mùi hương cũ tàn y
Vói tay anh muốn vớt
Một chút mảnh tình si....

Tây Thi còn giặt lụa
Và em còn bên sông
Thì anh còn trông ngóng
Một chút tình hư không....

Trần Văn Mãnh
June 9, 2016
*Cảm tác từ Sẽ Đong Đầy của Anh Tú:

2016/06/08

*Hạ Cảm*
 Mưa tháng sáu mang về hơi thở Hạ
Những hoa xuân rũ cánh luyến lưu vương
Vào hôm nắng rực rỡ trải mặt đường
Quần ngắn áo thun người vui khắp lối.

Chim ríu rít cùng tiếng ve hòa trổi
Tựa Xuân tàn vẫn vương vấn tình ai
Lúc chia tay còn bịnh rịn thương hoài:
Nên có bửa mát về thăm… hơn tuần vắng.

Như mặt trời mọc dong chơi rồi lặn
Ngọt ngào ngày…sẽ u tịch vào đêm
Hè cũng thế gieo giây phút êm đềm
Khi Thu đến Hạ đi… buồn man mác.

Anh Tú
June 8, 2016
*Mượn vận bài thơ Tiễn Hạ của Yên Dạ Thảo:
https://anhtuvaban.blogspot.com/2016/06/tien-ha-chieu-pho-nho-am-am-vao-cuoi-ha.html

Tiễn Hạ

Chiều phố nhỏ ảm đạm vào cuối Hạ
Hoa úa sầu cỏ lá cũng buồn vương
Gió chuyển mùa cây ủ rũ bên đường
Hoàng hôn xuống thưa bóng người trên lối

Trời về đêm tiếng sáo buồn nhẹ trổi
Biệt ly sầu khắc khoải nỗi lòng ai
Giọt sương khuya đọng chiếc lá u hoài
Tim tan tác tháng ngày dài xa vắng

Tiễn Hạ đi nửa vầng trăng khuyết lặn
Nửa ngậm ngùi lơ lửng giữa trời đêm
Lệ ai rơi như dòng suối êm đềm
Lưu luyến Hạ … lòng ta buồn man mác

Yên Dạ Thảo
31/08/2010

****

Chớm Hạ*

Phương trời nầy hôm nay vừa chớm Hạ
Giọt mưa chiều cây lá cũng tơ vương
Cành phượng vĩ trổ bông cạnh bên đường
Nắng chiều buông lấp lánh vàng muôn lối.

Đêm càng khuya con dế mèn giọng trổi
Tiếng gáy buồn tim nóng hổi bi ai
Người phiêu lãng dừng chân ngóng u hoài
Mơ cố quận ngày dài thêm xa vắng.

Đêm thật ngắn nên trăng tàn sắp lặn
Nhấp cô đơn mặn chát của từng  đêm
Thương mắt ai mi ướt đẫm  êm đềm
Chào chớm Hạ nghe nỗi sầu man mác.

Dương Hồng Thủy
04/06/2016
*Họa bài Tiễn Hạ của Yên Dạ Thảo
To Living Well...

2016/06/05

Cánh hồng Xuân Hạ


Xuân hồng về đậu vườn ai
Cánh hoa hứng lấy nắng mai ấm nồng
Trời xanh mây trôi bềnh bồng
Nương gió chuyên chở chút lòng đến em.

Xuân đi hè đến bên thềm
Hạ hồng vẫn đẹp êm đềm thiết tha
Xứ người nhắn hỏi quê nhà
Hồng thay cánh phượng tình xa vẫn gần.

Hạ, Xuân thay đổi bao lần
Hợp tan, vui khổ xoay vần quanh ta.
Hoa nở, giây phút ngọc ngà
Hoa tàn nhụy tạ, xót xa nao lòng?

Anh Tú
July 16, 2013

Những Ẩn Bút Trong Bài Thơ Mắt Buồn 
Của Bùi Giáng


Mắt Buồn

Bóng mây trời cũ hao mòn
Chiêm bao náo động riêng còn hai tay
Tấm thân với mảnh hình hài
Tấm thân thể với canh dài bão giông
Cá khe nước cõng lên đồng
Ruộng hoang mang khóc đêm mồng một giêng
Tạ từ tháng chạp quay nghiêng
Ấn trang sử lịch thu triền miên trôi

Bỏ trăng gió lại cho đời
Bỏ ngang ngửa sóng giữa lời hẹn hoa
Bỏ người yêu, bỏ bóng ma
Bỏ hình hài của tiên nga trên trời
Bây giờ riêng đối diện tôi
Còn hai con mắt khóc người một con


Bùi Giáng

Vậy là đã mười hai năm Trung Niên Thy Sỹ rời xa cõi trần. Ông đi, để lại cho đời một sự nghiệp thơ văn, dịch thuật đồ sộ. Cho đến nay người ta vẫn còn những tranh luận về ông - Một Thy Sỹ Kỳ Dị của nền văn học hiện đại Việt Nam. Khen có, chê có, nhưng có một điều không thể phủ nhận những ảnh hưởng lớn trong những sáng tác của ông với nền văn học đương đại.

Nhiều sáng tác của ông đến nay vẫn còn là Ẩn Bút chưa thể lý giải và nhiều khi người ta chỉ biết nói với nhau là: "hay nhưng không hiểu" hoặc có những người cố gắng đi tìm những Ẩn Bút đó bằng sự hiểu biết của mình, nhưng kết quả thường chẳng mấy ai thẩm được ý ông.

Bài thơ Mắt Buồn là một ví dụ minh chứng rõ nhất về những Ẩn Bút trong thơ ông.

Bài thơ Mắt Buồn sáng tác năm 1961 và được in trong tập Mưa Nguồn năm 1963, tập thơ đầu tay của Trung Niên Thy Sỹ. Bài thơ Mắt Buồn có thể nói là một trong những bài thơ hay nhất của Bùi Giáng, bài thơ chứa đầy những ẩn ý trong thi bút của ông. Bài thơ Mắt Buồn càng nổi tiếng và được công chúng biết đến nhiều hơn khi Nhạc Sỹ Trịnh Công Sơn phổ nhạc bài "Con Mắt Còn Lại" lấy ý từ câu thơ cuối "Còn hai con mắt khóc người một con". Nhưng cũng vì thế mà người ta thường hiểu lầm ý nghĩa của câu thơ "khóc người một con" ở đây là "khóc người bằng một con mắt" nhưng thực ra ở đây Bùi Giáng lại "khóc người con gái một con".

Vậy "người con gái một con" ấy là ai?
Thưa rằng: 
Người con gái một con ấy chính là bà Công Thị Nghĩa - Thu Trang, hoa hậu đầu tiên của Việt Nam. Người ta quen gọi bà với cái tên thân mật, hài hước Hoa Hậu Lambretta (năm 1955 bà đăng quang Hoa Hậu cho chính quyền Sài Gòn tổ chức nhân dịp lễ kỷ niệm Hai Bà Trưng và phần thưởng là một chiếc xe hiệu Lambretta).



Vậy cuộc đời hoa hậu Lambretta như thế nào mà Trung Niên Thy Sỹ lại viết về bà với những câu thơ buồn đầy ẩn ý như vậy? Chúng ta hãy giải mã những Ẩn Bút của Bùi Giáng trong bài Mắt Buồn:

"Bóng mây trời cũ hao mòn
Chiêm bao náo động riêng còn hai tay
Tấm thân với mảnh hình hài
Tấm thân thể với canh dài bão giông"


Những hoài niệm cũ mở ra ngay đầu bài thơ như giận hờn, oán trách và cũng đầy thương cảm. "Bóng mây trời cũ hao mòn" như một câu cảm thán mà ông than thở: Ôi! Em của ngày xưa cũ, người mà ta thầm yêu, thầm nhớ. Ôi! Bầu trời xanh xưa đầy kiêu hãnh, thanh cao giờ đây chỉ còn lại một bóng mây đang hao mòn trước giông bão cuộc đời. Những chiêm bao ngày xưa sau những biến cố, náo động, những ánh hào quang, những vinh hạnh xưa giờ đây chỉ còn lại hai bàn tay trắng, một tấm thân thể mảnh mai, liễu yếu đào tơ đang đối diện với những bão giông suốt những canh dài của những tháng ngày đen.

Những tháng ngày đen là những tháng ngày đằng sau những vinh quang của cuộc đời, sự nghiệp mà bà Công Thị Nghĩa - Thu Trang. Từ khi đăng quang Hoa Hậu năm 1955, bà Thu Trang trở thành tâm điểm của công luận và các hãng phim săn đón, chào mời hợp tác. Năm 1956 bà đã đóng hai bộ phim, một vai phụ trong phim Chúng Tôi Muốn Sống của đạo diễn Vĩnh Noãn và một vai chính trong phim Lục Vân Tiên của đạo diễn Tống Ngọc Hạp. Năm 1957 bà Thu Trang cùng đạo diễn Tống Ngọc Hạp sang Nhật Bản làm hậu kỳ phim Lục Vân Tiên và tham dự Đại Hội Điện Ảnh Châu Á.

Đúng vào cái đêm "mồng một giêng" năm ấy, một người đàn ông trẻ xa gia đình, vợ con và một hoa hậu trẻ nơi xứ người, chuyện gì đến sẽ đến. Qua những câu thơ đầy đau xót đầy ẩn ý của Bùi Giáng chúng ta như hiểu và cảm thông cho hoàn cảnh "khó mà cưỡng lại" ấy của bà Thu Trang.

"Cá khe nước cõng lên đồng
Ruộng hoang mang khóc đêm mồng một giêng
Tạ từ tháng chạp quay nghiêng
Ấn trang sử lịch thu triền miên trôi"


Với những người canh nông có lẽ rõ hơn ai hết, cuối năm là lúc tháo nước ải lên đồng để chuẩn bị cày cấy cho vụ chiêm xuân. Đây cũng là thời điểm những con cá lạ nước, ngược dòng lên đồng và người ta thường hay tranh thủ thời điểm này để bắt cá những con cá còn đang lạ lẫm với dòng nước mới.

"Tạ từ tháng chạp quay nghiêng
Ấn trang sử lịch thu triền miên trôi"


Hai câu thơ trên như một lời từ biệt, một dấu ấn trong cuộc đời của một con người. Ở đây Bùi Giáng đã sử dụng cách chơi chữ khéo léo và hàm ý khi nhắc đến tên bà Thu Trang trong câu "ấn Trang sử lịch Thu triền miên trôi". Cũng từ đây, từ dấu mốc này những tai tiếng ấy sẽ theo bà Thu Trang đi đến suốt cuộc đời "thu triền miên trôi".

Cuối năm 1957, trở về nước trong tâm bão của dư luận. Tống Ngọc Hạp, một đạo diễn đã có gia đình, vợ con và Thu Trang một hoa hậu 25 tuổi dính bầu. Vào thời điểm thập kỷ 50 của thế kỷ trước đây là một vụ bê bối khó được sự bao dung, cảm thông và tha thứ của dư luận. Sống trong những đàm tiếu, những sóng gió của dư luận, bà Thu Trang quyết tâm giữ đứa con trai và đặt tên là Tống Ngọc Vân Tiên - một cuộc tình trái ngang giữ bà và đạo diễn Tống Ngọc Hạp với bộ phim Lục Vân Tiên.

Qua tám câu thơ đầu, Trung Niên Thy Sỹ Bùi Giáng đã dùng những ẩn bút của mình để kể về cuộc đời đầy giông bão của bà Thu Trang sau những tháng ngày hào quang ngắn ngủi.

"Bỏ trăng gió lại cho đời
Bỏ ngang ngửa sóng giữa lời hẹn hoa
Bỏ người yêu, bỏ bóng ma
Bỏ hình hài của tiên nga trên trời
Bây giờ riêng đối diện tôi
Còn hai con mắt khóc người một con"

Năm 1961, bà Thu Trang chuẩn bị rời Sài Gòn sang Pháp, bỏ lại những hào quang, những sóng gió của quá khứ, tuổi trẻ đầy đau buồn ngang trái, bỏ lại những tiếc nuối cho người, cho đời.

"Bây giờ riêng đối diện tôi
Còn hai con mắt khóc người một con"


Vào một ngày mưa, Bùi Giáng có tới chào biệt "người con gái một con", bóng hồng đã gieo nên những hình ảnh đẹp trong thơ ông. Nghe bà Thu Trang kể trong hồi ký rằng khi tới chào biệt bà, hai người im lặng nhìn nhau, chưa biết bắt đầu câu chuyện làm sao để phá đi sự im lặng ấy thì ông cúi xuống nhặt lên đôi dép xanh gói vào tờ báo rồi nói "tôi về!". Có lẽ Bùi Giáng cũng chẳng biết nói gì khi đối diện ấy. Và ông đã viết Mắt Buồn gửi tặng bà thay những lời muốn nói.

Nhưng oái oăm hay, người ta không hiểu được ẩn ý của ông mà cho rằng câu thơ "còn hai con mắt khóc người một con" là ông đang khóc cho người, cho đời bằng "một con mắt"

Vâng, thơ Bùi Giáng vẫn sẽ còn là đề tài thảo luận, khen chê của những luồng tư tưởng khác nhau. Nhưng người ta sẽ không thể phủ nhận ông là một hiện tượng của thi ca Việt Nam thế kỷ 20. Và khi những Ẩn Bút trong thơ Bùi Giáng dần được giải mã thì hiện tượng Bùi Giáng sẽ càng sáng tỏ hơn trong mắt độc giả.

Sài Gòn 10/2010
Mai Sơn Thạch

Mắt Buồn

Bóng mây trời cũ hao mòn
Chiêm bao náo động riêng còn hai tay
Tấm thân với mảnh hình hài
Tấm thân thể với canh dài bão giông
Cá khe nước cõng lên đồng
Ruộng hoang mang khóc đêm mồng một giêng
Tạ từ tháng chạp quay nghiêng
Ấn trang sử lịch thu triền miên trôi

Bỏ trăng gió lại cho đời
Bỏ ngang ngửa sóng giữa lời hẹn hoa
Bỏ người yêu, bỏ bóng ma
Bỏ hình hài của tiên nga trên trời
Bây giờ riêng đối diện tôi
Còn hai con mắt khóc người một con

Bùi Giáng

2016/06/03

Có Thể Nào?*
Có thể nào … Hoàng Trường Sa Tàu chiếm
Đồng bào ta sẽ giành lại non sông?
Để mẹ Âu Cơ vui lòng nơi chín suối
Cha Long Quân hãnh diện giống Lạc Hồng!

Có thể nào … kẻ thù âm mưu tàn độc
Giết dân ta bằng hủy hoại môi trường
Mọi người cứ khoanh tay chờ tận diệt?
Hãy cứu giống nòi thoát cảnh thảm thương!

Anh Tú
June 3, 2016
*Cảm tác từ CÓ THỂ NÀO của Trần Phương-Mai Trần (xin phép đặt cùng tựa bài)


CÓ THỂ NÀO.....?
có thể nào...tuyết rơi vào tháng sáu 
lá vẫn xanh khi thu chớm nụ vàng 
hoa vẫn nở khi đông còn chưa ngủ 
mây vẫn hồng dù nắng đã phiêu du?

có thể nào...sóng trôi đừng vội vã
cát dã tràng đừng vụn vỡ tan hoang 
biển vẫn xanh trùng dương vỗ mặn mà
thuyền vẫn thế...đừng xuôi bờ bến lạ....

có thể nào...nỗi buồn kia hoá đá
vết thương lòng ngừng rỉ máu hoen da
khúc tình ca ngày xưa vẫn đậm đà
và có thể nào....mình yêu nhau lần nữa?

Phương-Mai