2014/01/22

PARIS  CÓ GÌ LẠ KHÔNG EM

Paris có gì lạ không em? 
Mai anh về em có còn ngoan 
Mùa xuân hoa lá vương đầy ngõ 
Em có tìm anh trong cánh chim 

Paris có gì lạ không em? 
Mai anh về giữa bến sông Seine 
Anh về giữa một giòng sông trắng 
Là áo sương mù hay áo em ? 

Em có đứng ở bên bờ sông ? 
Làm ơn che khuất nửa vừng trăng 
Anh về có nương theo giòng nước 
Anh sẽ tìm em trong bóng trăng 

Anh sẽ thở trong hơi sương khuya 
Mỗi lần tan một chút sương sa 
Bao giờ sáng một trời sao sáng 
Là mắt em nhìn trong gió đưa ... 

Anh sẽ cầm lấy đôi bàn tay 
Tóc em anh sẽ gọi là mây 
Ngày sau hai đứa mình xa cách 
Anh vẫn được nhìn mây trắng bay 

Anh sẽ chép thơ trên thời gian 
Lời thơ toàn những chuyện hờn ghen 
Vì em hay một vừng trăng sáng 
Đã đắm trong lòng cặp mắt em ? 

Anh sẽ đàn những phím tơ trùng 
Anh đàn mà chả có thanh âm 
Chỉ nghe gió thoảng niềm thương nhớ 
Để lúc xa vời đỡ nhớ nhung 


Paris có gì lạ không em ? 
Mai anh về mắt vẫn lánh đen 
Vẫn hỏi lòng mình là hương cốm 
Chả biết tay ai làm lá sen ?...

Nguyên Sa

Phổ nhạc: Ngô Thụy Miên
Trình bày: Thái Thanh


CHUNG NHAU

Chung vách hai nhà cùng ngỏ hẹp
Thân nhau từ lúc tuổi thơ ngây
Chung lớp chung trường về một lối
Dưới con đường ngộp lá me bay.

Có dịp sẻ chia nhau mẩu bánh 
Cùng cười kể chuyện lúc thảnh thơi
Quên mất thời gian ... đang bước dạo
Bị đòn cùng khóc tội mê chơi.

Cùng lớn với bao nhiêu kỷ niệm
Tại sao không nói một câu gì
Để lần chót uống chung ly rượu
Chụp chung hình tiển bạn vu qui!

Anh Tú
January 22, 2014

2014/01/21

CÓ THẾ GIỚI VÔ HÌNH?

Tôi đến nhà bác Hai tôi ở ấp An Lương thuộc xã An Đức (đơn vị hành chánh thuở xưa) để đi học ở những năm 1950. Nhà bác là căn nhà lá không vách trước, không cửa trước cửa sau, chỉ có vách hai bên và vách sau mà thôi, được bao quanh bởi vườn cam bác hai tôi mới trồng. Nhà ngăn hai phần bởi vách ngang, bên trong là phòng ngủ cho bác trai bác gái, và hai chị của tôi. Phần trước là bàn thờ tổ tiên với bộ trường kỷ nơi tiếp khách với hai bộ ván ngựa là nơi ngủ cho tôi và con trai của bác tôi. Đêm nằm ngủ trên bộ ván ngựa này nhìn được mọi cảnh vật bên ngoài dưới ánh sao, ánh trăng.
Tại căn nhà thời Nghiêu Thuấn này có một câu chuyện tâm linh thần bí có thể nói là dị đoan khó tin đã xãy ra trước mắt tôi.
Bác hai tôi có một trai và hai gái, người con gái út tên Tư đã tới tuổi có thể lập gia đình, rất hiền lành, chăm chỉ lo việc ruộng nương và bếp núc. Chị là người thức dậy sớm để nấu cơm hằng ngày để tôi đem theo ăn trưa ở lớp học.
Một ngày chị Tư ngả bịnh, cứ ngỡ là bịnh cảm lạnh, nhức đầu thường thưòng ai cũng có thể vướng, đôi ba hôm rồi sẽ khỏi. Thế mà bịnh chị càng ngày càng nặng dù đã trị bằng đông y, rồi tây y. Thể chất chị hao mòn kéo theo tinh thần suy sụp. Chị không ăn uống được, nắm thiêm thiếp như một xác chết. Hai bác tôi làm theo mọi sự chỉ dẩn của mọi người mong sao cho chị tôi hết bịnh. Thầy thuốc tây, thuốc nam, thuốc bắc nào biết là bác cũng chở chị tôi đến viếng mà tính mạng chị bây giờ vẫn như chỉ mành treo chuông.
Có người nói với bác hai tôi là thử mời “thầy pháp” tức là thầy trị bịnh bằng bùa chú thử xem sao, biết đâu chị bị bịnh tà ma không chừng. Cùng đường rồi nên bác hai tôi nghe lời và mời một thầy pháp nổi tiếng được người quen giới thiệu.
Chuyện lạ xãy ra khi ông thầy pháp vừa bước vào giường nơi chị tôi nằm liệt cả tháng nay. Vừa thấy ông thầy pháp, chị tôi vùng dậy trừng mắt, trợn mày, múa tay chân và la hét chưởi bới đuổi xua ông thầy pháp đi thập chí nhào đến phía ông ấy như muốn đánh…lộn. Để đối phó ông thầy pháp nhờ người trấn áp chị nằm xuống, bây giờ đột nhiên người con gái nhỏ nhắn, bịnh liệt giường bấy lâu bổng mạnh mẽ vô cùng phài bốn thanh niên lực lưỡng mới đè chị nằm xuống được. Ông thầy pháp vẽ bùa bằng mực tàu đỏ trên mảnh giấy quyến vàng mỏng như giấy vấn thuốc hút , bề ngang chừng hai phân, bề dài cả thước đoạn vừa đọc thần chú vừa đưa lá bùa vào miệng chị. Lạ thay lá bùa tự động chạy vào bụng chị và càng lạ hơn, chị tôi từ từ mềm nhũn ra và phục tùng ông thầy pháp , nằm yên ngoan ngoản nghe ông thầy pháp “điều tra”.
Lúc bấy giờ thể xác là của chị tôi nhưng hồn phách là của một người xa lạ xưng danh tánh tuổi tác khi được hỏi. Ngưòi ấy là một phụ nữ chết khi mang thai, được chôn trong đất vườn của bác hai tôi lâu lắm rồi mà bác tôi không biết và trả thù bác bằng cách nhập vào xác chị Tư và làm cho bịnh với lý do là vì  “gia chủ” tức bác tôi “phá nhà” của bà ta. Bác Hai tôi sực nhớ lại khi đào mương lên liếp để trồng cam đã đụng phải một cái hòm mục nát và không để ý. Hoá ra vì vô tình động mồ động mả của bà này mà không cúng kiến tạ lỗi nên mới ra cớ sự. Ông thầy pháp bây giờ “điều đình” với hồn ma, thay mặc “gia chủ” xin lỗi, muốn “ăn” gì thì người ta cúng, tha cho “nữ” tức là chị Tư tôi, rồi thầy pháp sẽ giúp đưa vong linh của bà ta vào chùa để sớm hôm nghe kinh kệ mà siêu thoát.
Sau đó là lễ cúng theo đòi hỏi của ma. Sau khi cúng xong ông thầy pháp đọc thần chú, tay muá may như “bắt hồn” của ma nhốt vào trong “cái hủ sơn vôi trắng” (hủ đựng nước mắm ngày xưa bằng sành) bịt miệng hủ bằng giấy vàng có vẻ bùa, cột dây lại và đưa vào chùa.
Thế mà sau đó chị tôi dần dần hết bịnh và bình phục hẳn. Tôi nghĩ chị cũng vẫn được uống thêm thuốc, đông hay tây y tôi không nhớ  rõ. Dù lành hẳn nhưng do ảnh hưởng  của biến cố này, chị tôi vốn đã hiền lành nay trông càng hiền và “khờ” hơn. Thời gian sau chị cũng đã lập gia đình và có con cháu đầy nhà.
Tôi vốn không tin chuyện ma quỷ, dị đoan nhưng đã chứng kiến tận mắt chuyện như vậy (xin thề không đặt chuyện láo) thì không khỏi nghĩ rằng chẳng lẻ có một thế giới vô hình sau khi con ngưòi qua đời hay sao? Và còn bùa chú là có thiệt hay là chì là cách trị bịnh bằng tâm lý? Mơ hồ quá!!! 

Anh Tú

January 21, 2014
CÓ KHÔNG MỘT TUỔI GIÀ HẠNH PHÚC?
BS Đỗ Hồng Ngọc

Elderly man in traditional Chinese clothing, barefoot, using laptop

Trước hết phải nói ngay là không có cái gọi là “già”!
“ Khi người ta 20-30 tuổi, người ta còn quá trẻ; 30-40 tuổi, đang trẻ; 40-50, hãy còn trẻ; 50-60 trẻ không ngờ; 60-70 trẻ lạ lùng!  và trên 70 ngưòi ta trẻ vĩnh viễn!”… Ông Khai Trí, chủ nhà sách Khai Trí trước kia ở Saigon nói với tôi như vậy. Ông nói ông đọc được câu này trong một cuốn sách… Tây từ lâu lắm rồi!
Còn Trịnh Công Sơn thì bảo:“… Nói với một người trẻ, tôi già rồi em ạ là một điều vô lễ…  Không có già không có trẻ…” ( Gió heo may đã về, ĐHN).
Thì ra vậy! Vậy thì cái tựa bài này “Có không, một tuổi già hạnh phúc?”, câu hỏi đặt ra đã sai ngay từ đầu rồi còn gì!
Già là một vấn đề văn hóa. Già Tây khác già Ta. Ở một xã hội nông nghiệp, lúa nước, già là một hãnh diện. Già luôn được kính nể. Già làng. Kính lão đắc thọ. Ông tiên nào cũng râu tóc bạc phơ. Phúc lộc thọ luôn đi với nhau. Người chưa kịp già cũng làm bộ tằng hắng cho ra vẻ. Cho oai. Ngồi chiếu trên. Còn Tây thì khổ vì già, ráng giấu đi. Các mụ… phù thủy đều già, xấu xí, tàn ác. Các ông già thì luôn biển lận, lẩm cẩm, làm trò cười. Cho nên già phải mang mặt nạ, cố nhí nhảnh, oai phong lẫm liệt.
Nhưng, nói vậy mà không phải vậy!
Già có đó. Sanh bệnh lão tử! Ngày nay tỷ lệ người già ngày càng đông, tuổi thọ ngày càng tăng,  “ba cao một thấp” ngày càng nhiều. Một người bạn tôi ở Mỹ về nói bạn bè mình lúc này đa số bị bệnh “Ba cao một thấp”. Tôi ngạc nhiên : “Ba cao một thấp là bệnh gì ?”. Thì ra 3 cao là “cao máu” (tăng huyết áp), “cao đường” (tiểu đường), và cao mỡ (tăng cholesterol xấu). Còn “một thấp?”, tôi hỏi.  “Một thấp là Thấp khớp!”.
Già có đó. Nên đôi khi người ta cảm thán « nhìn lại mình đời đã xanh rêu ! ». Hoặc đã phải tự nhắc đi nhắc lại, thôi, “…về thu xếp lại/ ngày trong nếp ngày/ vội vàng thêm những lúc yêu người… Cuồng phong cánh mỏi/ về bên núi đợi/ ngậm ngùi ôi đá cũng thương thay…” (TCS).

Sư bà Diệu Không viết lúc ngoài tuổi 80:
Rù rờ đổ vở thật là hư!
Chẳng biết mần răng được nữa chừ!
Ăn uống vãi rơi làm họ bực
Vào ra đụng chạm thấy mình dư…
Người quen gặp lại nhìn ngơ ngẩn
Để trước quên sau kiếm mệt đừ
Đâu biết ngày nay ra thế ấy
Xưa kia lỗi lạc một tay cừ!

“Vào ra đụng chạm thấy mình dư…” nghe mới cảm khái làm sao!

Để có hạnh phúc tuổi già, trước hết phải có sức khỏe. Cho nên Tổ chức Sức khỏe Thế giới (WHO) đề ra một định nghĩa sức khỏe cho người già có chút khác biệt : Sức khỏe của người già chủ yếu là phát triển và duy trì được sự sảng khoái (well-being) và hoạt động chức năng(function) về tâm thần, xã hội và thể chất của họ, bởi đa số các hoạt động chức năng xài lâu đều rệu rả, quá date, dễ cảm thấy chán nản, tuyệt vọng, lo âu, trầm cảm…
Sự khác biệt của định nghĩa này với định nghĩa chung về sức khỏe là đã đưa vấn đề “tâm thần” lên hàng đầu: làm sao phát triển và duy trì được sự sảng khoái và hoạt động chức năng tốt nhất về tâm thần (mental), rồi mới nói đến xã hội (social) và thể chất (physical). Tiếp theo đó là một định nghĩa về Chất lượng cuộc sống( Quality of life):  “là những cảm nhận của các cá nhân về cuộc sống của họ trong bối cảnh văn hóa và các hệ thống giá trị mà họ đang sống, liên quan đến  các mục đích, nguyện vọng, tiêu chuẩn và các mối quan tâm của họ” (WHO).
Rồi đưa ra một bảng các chỉ số để giúp ta đánh giá chất lượng cuộc sống của mình như Tình trạng dinh dưỡng ra sao? Mức độ của sự mệt mỏi, đau nhức về thể chất?… Giấc ngủ và sự nghỉ ngơi?  Tự nhìn nhận bản thân mình thế nào? Có hài lòng với dáng vẻ bên ngoài của mình không? Khả năng suy nghĩ, học tập, trí nhớ? Mức độ vận động, đi lại, sinh hoạt ? Khả năng thích ứng công việc hằng ngày? Các mối quan hệ cá nhân với gia đình và xã hội chung quanh có duy trì tốt không?  Nguồn tài chính có ổn định không? Môi trường nhà ở, đi lại, vui chơi giải trí thế nào, có an toàn không, có phù hợp không? v.v…
Đó là một ít trong hằng trăm câu hỏi đựơc đặt ra để giúp “đo lường” một cách tương đối chất lượng cuộc sống. Như vậy chất lượng cuộc sống là những cảm nhận cá nhân, có tính chủ quan, phù hợp nếp sống văn hóa, hệ thống giá trị của riêng mình chớ không phải được đánh giá bởi máy móc xét nghiệm của bác sĩ hay cách cân đong đo đếm của một nhân viên công tác xã hội nào đó, so sánh ta với người hàng xóm!
Tóm lại, tuổi già thường có được hạnh phúc khi:

-  Chấp nhận. Hiểu luật vô thường/ Từ bi với mình!
-  Gần gũi những người trẻ…dễ thương,
-  Có ký ức tốt về tuổi thơ và tuổi thanh niên,
-  Tự tại: sắp xếp cuộc sống riêng của mình, không bị áp đặt,
-  Đựơc xã hội và gia đình chấp nhận, tôn trọng,

Với những điều kiện cụ thể:
-   Có sức khỏe tương đối ;
-   Tài chánh tự chủ;
-   Nhà ở an toàn; môi trường thuận lợi;
-   Duy trì các mối quan hệ gia đình/ bè bạn;
-   Hoạt động xã hội phù hợp để thấy luôn hữu ích;
-   Gần gũi với thiên nhiên;
-   Giữ ngọn lửa nhiệt tình, niềm an lạc, thanh thản trong tâm hồn.

Có một lời khuyên của Tổ chức Y tế Thế giới để có một sức khỏe tốt: SAFE. Tôi thêm chữ R thành SAFER (an toàn hơn). Đó là chữ viết tắt của các biện pháp : Smoking (không thuốc lá), Alcohol (giảm rượu), Food (Dinh dưỡng đúng), Exercise (rèn luyện thể lực) và Respiration (Thở đúng phương pháp). Thuốc lá rõ ràng là có hại. Rượu thì giảm thôi chứ không khuyên bỏ hẳn.
Nguyễn Bỉnh Khiêm nói: “Rượu đến gốc cây ta sẽ nhắp/ Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao”. “Sẽ nhắp” chứ không phải “sẽ nốc”!
Dinh dưỡng đúng là đừng quá cữ kiêng, thiếu calori, thiếu chất. Vận động thể lực vừa sức, chủ yếu là tạo sức bền, dẻo dai… chớ không phải vai u thịt bắp!
Và cách thở tốt nhất là thở bụng, thở cơ hoành.
Tuệ Tĩnh, thế kỷ XIV nước ta cũng khuyên : « Bế tinh dưỡng khí tồn thần/ Thanh tâm quả dục thủ chân luyện hình » ! Đời sống bây giờ tinh không bế, khí không dưỡng, thần không tồn, tâm náo loạn… bảo sao không sinh lắm chuyện!
Ngày xưa đời sống vật chất khó khăn mà sao an nhàn hơn: “Tháng giêng ăn Tết ở nhà/ Tháng hai cờ bạc tháng ba hội hè/ Tháng tư đong đậu nấu chè/ Ăn Tết Đoan Ngọ trở về tháng năm…”.  Còn nay ta có thiên lý nhãn, thuận phong nhĩ, “cân đẩu vân” và có đủ 72 phép thần thông các thứ chỉ trên một bàn tay với vài cái nút bấm… lẽ nào không có được hạnh phúc? Có khi hạnh phúc sờ sờ đó mà ta không thấy biết, mãi mê tìm kiếm đâu đâu: gia trung hữu bảo hưu tầm mích/ đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền (Cư trần lạc đạo, Trần Nhân Tông).
Tóm lại, có một tuổi già hạnh phúc đó vậy!
ĐHN
(Xuân Văn hóa Phật Giáo)


2014/01/20


BÂNG KHUÂNG

(Vay vận RƯNG RƯNG của YDT)

Ngày đến rồi đi thêm kỷ niệm
Mang n
ặng trong tim một mối tình
Nước-non-tình mãi trong say đắm
Thắm thiết ... quê / tôi tợ bóng / hình.

Lá theo thu … cội nằm thềm cũ
Đông về tuyết trắng phủ 
ưu sầu

Hoa chờ xuân thắm ve mong hạ
C
òn tôi ngắm bóng nắng trôi mau.

Trong mơ: mai nở với hoa đào
Cành cây chim sẻ chuyền lao xao
Chuồn chuồn vờn lượn khoe cánh mỏng
Ong bướm mừng xuân vạn sắc màu.

Giật mình tỉnh giấc ..chỉ là mơ
Tâm tư b
ng chốc rối như tơ
Trời ơi! Nhớ quá non và nước
Mỗi độ xuân về dạ ngẩn ngơ.

Lẫn lộn xuân đông trong tuyết trắng
Nhớ Tết quê hương một nỗi niềm
Buâng khuâng len lén nằm khoé mắt
Phải vì viễn xứ buồn triền miên?

Anh Tú

January 20, 2014
Nguồn: Internet/Cối xay lúa

CHUYỆN MIỆT VƯỜN XƯA

Nhân chuyện chết đi sống lại của anh bạn tôi có một người Việt gốc Miên lâm râm ...đọc thần chú và tiên đoán "người này chưa chết", tôi hồi tưởng lại câu chuyện miệt vườn thuộc loại khó tin mà chính tôi chứng kiến.
Mẹ tôi goá bụa sớm, sống vùng quê nghèo khó với nghề nông cùng với tôi còn bé và bà ngoại của tôi già nua. Những công việc nặng nhọc hoặc cần thêm người phụ giúp một tay, mẹ tôi mướn người giúp; họ cũng là những người nghèo khó trong xóm như chúng tôi.
Thuở đó nguời dân quê thưòng tự xay lúa ở nhà bằng cối xay (lúa) rồi làm trắng gạo bằng cối chày giả (gạo) thay vì như sau này có nhà mày xay lúa làm tất cả các công đoạn, nhanh gọn. Những dụng cụ như cối xay lúa, cối chày giả gạo ..bây giờ chỉ còn là vật kỷ niệm hoặc trở thành chuyện xa lạ với thế hệ trẻ bây giờ. Chuyện “dần công” xay lúa, giả gạo dưới trăng của trai gái trong làng rất thơ mộng, rất lãng mạn chỉ còn trong thơ văn, thậm chí đã có thể coi như là huyền thoại. Thêm nữa, dọc bờ sông Long Hồ, nhất là bờ phía mặt hướng chợ Vãng vào và gần thị trấn Ngả Tư Long Hồ có cả một “làng làm cối xay lúa” phân phối cho nông dân trong tỉnh. Trước 1975 tôi biết hình như vẫn còn một số rất ít người sản xuất cối xay nếu có ai đặt hàng và tôi không rõ thời điểm chết hẳn của nó là bao giờ.
Trở lại câu chuyện: có lần má tôi mướn một ông trung niên người Miên (Cambodia) xay giúp lúa. Ông hiền lành, cặm cụi làm việc. Quá nhỏ để biết gia cảnh và các sinh hoạt khác của ông nhưng tôi nghĩ ông là ngưới chân chất. Má tôi mời ông bửa ăn trưa, bửa ăn đạm bạc. Đang dùng bửa, ông bỗng buông chén đủa, cơm đổ tung toé, mắt trợn trừng, nghiến răng, hai tay tự đấm vào ngực thình thịch. Bất thình lình quá nên má tôi hoảng hốt điếng người, sợ ông trúng độc nhưng nghĩ rằng bửa ăn chỉ là cơm rau, trứng vịt luộc dầm nước mắm mà thôi thì không thể. Hình như nhớ ra chuyện gì  má tôi vội đốt nhang, rót rượu, nhanh chóng đặt lên bàn và khấn vái, hì hục lạy. Lập lại vài lần thì tình trạng của ông phụ việc êm dịu và từ từ trở lại bình thường.
Qua trao đổi thì sở dĩ có chuyện như vậy do có “ông lục dựa” vào ông nên ông ta không được ăn tỏi và nếu chỉ có tí mùi tỏi thôi thì tình trạng tự hành hạ như thế cũng sẽ xãy ra. Tôi không biết “ông lục “ là gì, nghĩ rằng đó là một “sư phụ linh thiêng” trong sinh hoạt tinh thần của cộng đồng Miên thuở ấy.

Có một cái gì thần bí trong câu chuyện này khó mà giải thích theo tinh thần khoa học. Sự việc xảy ra trước mắt tôi từ thuở xa xưa mà nay hơn sáu mươi năm nhắc lại tôi vẫn còn nhớ rõ ràng. Hình như có nền văn minh tâm linh nào đó đã mai một chỉ còn rơi rớt lại vài điều liên hệ đang giẫy chết và ...không rõ bây giờ đã chết hẳn chưa.

Anh Tú
January 19, 2014

2014/01/19

CHUYỆN “CHẾT ĐI SỐNG LẠI”

Trong tháng chạp của năm Quý Tỵ này, tin của một anh chàng chết đi sống lại với cái tựa  “ Hoảng loạn vì người chết sống dậy ở nhà xác” làm tôi nghĩ chắc mình cũng hoảng loạn nếu là người thân của đương sự. Xin đọc tại link:


Chuyện trên khiến tôi nhớ lại câu chuyện thật của một anh bạn, tổng quát thì tương tự có khác ở chi tiết. Dưới đây là thư của anh kể lại với một nhóm bạn của chúng tôi.

Các bạn thân mến,
Nhận được email này từ bạn A., chắc các bạn cũng có dấu hỏi "vì sao bạn P. này có một chuyện làm bạn A. nhớ lâu dài?". Tôi xin kể lại chuyện này cho các bạn đọc chơi cho vui thôi chớ không nên rùng mình nhé. Chuyện của tôi không phải thất tình tự vận mà là tai nạn sanh nghề tử nghiệp.

Số là sau khi nước mình bị "dải phóng" (đừng nói lái lại kiểu miền Nam nhe), thả về từ trại cải tạo, tôi được "mời" đi làm thủy lợi. Nhờ có tí tài mọn là sửa được nhiều loại máy nổ (máy nổ thiệt chạy bằng xăng dầu đàng hoàng chứ không phải loại máy nổ loại mới được chế tạo tại Mỹ rồi đem về Việt Nam chạy bằng nước miếng đó nhen), tôi được "biên chế vào làm trong xưởng sửa chữa cơ khí của Công Ty Thủy Lợi Vĩnh Long". Sáng hôm đó, cũng như mọi ngày, đoàn xe đổ đất của Công Ty lần lượt lăn bánh ra công trường làm việc, có một chiếc, tài xế báo cáo bộ thắng không hiệu quả nên tôi cầm đồ nghề ra sân sửa. Việc đầu tiên là tôi cho chạy máy rồi nâng thùng đổ đất lên cao bằng hệ thống thủy lực của xe. Tôi bước xuống xe rồi đến phía trước của 2 bánh sau, nhoài người vào trong khung xe,vói mở con ốc xã gió của phần thắng phía sau. Tôi trượt tay đánh nhầm cần xã áp suất của bộ nâng thùng đổ đất, thùng xụp xuống kẹp cổ và bả vai tôi làm cho tôi chết ngất đi. 15 phut sau, người tài xế trở lại xe,khám phá tôi bị nạn, lật đật cho nâng thùng xe lên thì cơ thể tôi rơi nằm bất động dưới đất. Anh ta tri hô lên và nhiều người nữa xúm lại đưa tôi vào nhà thương cấp cứu. Vào đến nhà thương, các bác sĩ đến xem xét và bảo tôi đã chết, bảo y công đẩy tôi xuống nhà xác. Rất may mắn là y công chưa rảnh để đưa tôi đi thì ông thủ trưởng công ty vào tới thấy tôi nằm đôi mắt nhăm nghiền cô đơn trên chiếc xe đẩy xác. Ông la hét lên đòi gặp bác sĩ. Một bác sĩ xuất hiện và tiếp ông thủ trưởng. Ông thủ trưởng hỏi bác sĩ sao không cứu người này? Bác sĩ bảo là đã chết lâu rồi mà cứu gì nữa. Ông thủ trưởng bảo cứ đem thuốc men và y cụ ra đây cứu người này, bao nhiêu tiền công ty tôi sẽ trả tất cho nhà thương. Cứ làm thật lòng dù có cứu được hay không tôi vẫn trả tiền đủ. Mau mau đem đồ ra làm việc, tôi đứng đay xem các ông làm. Bác sĩ ra lệnh cho đem máy bơm và bình dưởng khí ra đút ống vào mũi bơm cho tôi đồng thời chích cho một mũi thuốc vượng tim rồi để nằm đó. Bác sĩ hứa với ông thủ trưởng là sẽ hết lòng và khuyên ông thủ trưởng ra về rồi cứ để tôi nằm đó từ 9 giờ sáng đến hơn 6 giờ chiều hôm sau thì tôi thở hc ra đưc một cái rồi dãy dụa dữ dội, người nhà thương phải cột rịt tôi vào cái xe. Sau đó một hồi thì tôi bắt đầu những hơi thở yếu đuối và thưa thớt và.....sau đó, tôi đã sống lại.....
Trong thời gian tôi nằm bất động và vợ tôi mất hồn đứng bên hông tôi hai tay liên tục xoa bóp người tôi bng thuốc rượu gia truyền của một gia đình quen chia lại thì xuất hiện một người Việt gốc Miên khoảng 40 tuổi măc đồ đen đứng trước đầu tôi, tay trái đở tay mặt đang băng bột trắng, miệng lâm râm nói nhỏ bằng tiếng Miên chừng 2 phút rồi nói với vợ tôi: người này không chết đâu; rồi quay lưng bỏ đi, lúc đó khoảng 3 gi trưa. Sau đó một ngày, khi tôi tỉnh hẵn, vợ tôi đi khắp nhà thương đ tìm người đọc thần chú đó, hỏi người trưởng phòng băng bột xem có biết người đó không; không ai biết và cũng không bao giờ gặp lại!.......

Một bạn thắc mắc:

Cám ơn anh P. đã kể lại một chuyện thật của anh rất ly kỳ. Chuyện đã lâu rồi nhưng  tôi cũng tưởng tượng được cảnh một người bị coi như đã chết, nằm chờ đẩy vô nhà xác, người thân đau buồn đứng bên cạnh...Vậy mà, nhờ ông thủ trưởng, nhờ sự cố gắng cứu chửa của bác sĩ, và biết đâu nhờ mấy câu thần chú tiếng Miên mà anh đã sống lại.
Đọc xong chuyện anh kể tôi nghĩ ngợi không biết có nên hỏi anh một điều mà tôi luôn thắc mắc (có lẽ vài anh chị cũng thắc mắc như tôi). Đó là trong thời gian kề bên cửa tử, anh đã thấy gì và còn nhớ được gì khi tỉnh dậy? Nhiều cuốn sách đã viết lại những điều mà người chết đi sống lại đã thấy-thường là không giống nhau- Nếu được nghe chính anh thuật lại thì đây là cơ hội quí báu vô cùng. Xin cám ơn anh trước và tất nhiên nếu những điều đó thuộc về "thiên cơ bất khả lậu" thì xin anh bỏ qua bức thư này

Anh P. trả lời:

Thân gởi K.H.và các bạn.
Thật ra câu chuyện tôi về từ cõi chết thì không có gì cần phải dấu và như đã viết tôi không biết sửa và vận hành máy nổ dùng nước miếng. Bạn ơi thời gian tôi chết tôi không cảm nhận một hiện tượng gì cả cho đến khi tỉnh dậy thì thần trí tôi như vừa thức dậy sau một giấc ngủ không mộng mị mà không bình an. Tôi chới với, cơ thể đau nhừ khắp nơi và ngạc nhiên không biết tại sao tôi lại nằm đây trong khung cảnh của nhà thương, và vợ tôi một tay vòng ngang ngực tôi, một tay vịnh đỉnh đầu tôi, gọi "anh! anh biết em không?" tôi chỉ chớp mắt chứ không cứ động được một phần cơ thể nào hết. Sau đó tôi lại ngủ thiếp đi một đêm nữa (lần này có thở, lần trước hôn mê từ sáng ngày trước đến chiều tối hôm sau không có thở).
Mạng sống tôi được cứu là nhờ tấm lòng nhân đức của ông thủ trưởng. Bác sĩ của nhà thương thì vô trách nhiệm, không khám nghiệm chu đáo mà nói càn là tôi đã chết, bỏ tôi nằm đó với cái máy bơm dưỡng khí cho qua việc đặng lấy tiền. Sau này khi qua tới Mỹ, tôi có nói sự việc đó với bs gia đình thi ông giải thích như sau: Khi tim ngừng đập, máu không lên đầu chỉ 3 phút thì còn có thể cứu được, qua phút thứ tư rồi thì không có cách nào giúp được. Trường hợp của tôi, khi bị thùng xe ép mạnh động mạch chủ dẫn máu lên đầu bị bóp dẹp, nhưng nhờ bắp thịt bả vai đàn hồi rúc lại, tạo một khoảng trống nhỏ cho động mạch nở lại một phần máu lưu thông được. Tim tôi còn đập nhưng rất yếu và thưa, tôi ở trong trạng thái hôn mê chứ không chết. Nhờ bơm dưỡng khí vào phổi nhiều, máu mang đi chậm lên óc nên óc không chết và từ từ phục hồi rồi tái hoạt động. Như vậy tôi chưa đi vào bên kia thế giới nên không biết gì bên đó hết.... Chào các bạn. Chúc tất cả các bạn hưởng một mùa Tết an lành và một năm mới nhiều sức khỏe và may mắn. 
P.

Xin chép lại và chia sẻ với mọi người: cả hai trường hợp đều được giải thích  tại sao sống lại rất có tính khoa học...nhưng còn chuyện ông người Việt gốc Miên nói "người này không chết đâu" có vẻ thần bí quá!

Anh Tú
January 19, 2014

2014/01/18

THÌ THẦM

(Cảm tác từ RƯNG RƯNG của YDT).

Quen chi rồi lại nhớ
Tim nhầu nát vầng thơ
Ướt mi chiều đông lạnh
Xa vắng kiếp đợi chờ

Hẹn nhau mùa lá đổ
Ôi dáng em mơ hồ
Mịt mờ đêm thổn thức
Hun hút cõi hư vô

Thì thầm bên gối mộng
Âu yếm tiếng tơ lòng
Xuân đang về trước ngỏ
Em có biết hay không

Rưng rưng vàng mai nở
Tình ta mãi bơ vơ
Đông Tây buồn xa cách
Thương nhớ đến bao giờ ?...

Phú Thạnh
19/01/2014
Kỹ niệm tròn 1 năm vào TPH-VL.com

RƯNG RƯNG

Thời gian là kỷ niệm
Buồn vui một chuyện tình
Thu vàng trong say đắm
Đêm sâu nhớ bóng hình

Cánh hoa bên thềm cũ
Đông khép rũ lá sầu
Luyến lưu mùa xuân hạ
Theo thời gian qua mau

Vườn thơ nở tuyết đào
Ngược miền gió xuyến xao
Nồng nàn hôn cánh mỏng
Hoa thẹn ửng sắc màu!

Từ bướm mộng hoa mơ
Ta ngồi dệt tình tơ
Ngắm trời mây non nước
Thơ nhớ người ngẩn ngơ

Xuân về hoa tuyết trắng
Sâu lắng một nỗi niềm
Buồn rưng rưng khóe mắt
Một bóng hồng cô miên

Yên Dạ Thảo
08.01.2014


2014/01/17



QUÊ HƯƠNG

Hai tiếng quê hương sao thân thiết quá
Lời ru em nghe đã thuộc nằm lòng
Từng hỏi quê hương là gì hở mẹ
Được trả lời như tổ quốc Tiên Long.

Là cây chuối say oằn buồng trái ngọt
Bếp lửa hồng nấu cơm nước sáng chiều
Là những giọt mưa đêm rơi tí tách
Tựa như nhạc sầu thánh thót phiêu diêu.

Là ngôi miếu thần hoàng bên góc xẻo
Nghi ngút nhang bánh trái xôi chè
Là tiếng dế tiếng ve chim chèo bẻo
Đám rau càng cua cây ớt sau hè.

Là bụi hẹ đám bạc hà rau nhúc
Ao cá tra sân giậm lúa chuồng trâu.
Là kinh rạch nước khi trong khi đục
Mang phù sa cho ruộng lúa nương dâu.

Mộc mạc đơn sơ nhưng thân thương lắm
Ai ở xa cũng phải nhớ thiết tha
Xứ người dù đẹp đến đâu đi nữa
Không thể nào bằng với quê hương ta.

Anh Tú
April 30, 2012
NHÀ THỜ ĐƯỜNG CÔ GIANG

Thêm xuân nữa lại về
Giữa một trời tuyết lạnh
Nhiều đêm dài xa quê
Tìm hoài trong ảo ảnh

Những kỷ niệm thần tiên
Bây giờ anh vẫn nhớ
Nhà thờ đường Cô Giang
Chúa nhật …mình đến đó

Đàlat vào Giáng Sinh
Anh Đào reo mở hội
Tan lễ em và anh
Đường hoa về chung lối

Họ thấy …em hôn anh
Vội làm dấu Thánh Giá
Mấy sơ và… sư huynh…
Muốn là thiên thần cả !!

Em hỏi:
-Họ có yêu ?
Anh đáp:
-Khi khấn hứa
Họ xin yêu rất nhiều
Yêu hết con cái Chúa

Anh cố giữ niềm tin
Của tuổi trẻ mơ mộng
Nơi quê hương ngàn trùng
Xin em đừng tuyệt vọng

Vì sẽ có một ngày…
Giáo đường xưa… lại đến
Quỳ dưới trời tuyết bay
Thiết tha anh cầu nguyện

Nhất Tuấn
(TCM/ Hải Ngoại)

2014/01/16

Nguồn_ tongphuochiep-vinhling.com

THÊM VÀI CANH*

Hôm nay hai đứa gặp nhau
Ngày mai đành phải nghẹn ngào chia tay
Trời ơi! Đời quá chua cay
Vì đâu họ nỡ đọa đày chúng ta
Ngoài hiên rào rạt mưa sa
Khóc chia cùng sẻ… chuyện xa xôi này
Ngồi lại bên em đêm nay
Để nghe hơi ấm vòng tay ân tình
Chỉ bên nhau thêm vài canh
Sáng mai vĩnh viễn xa anh trọn đời!

Anh Tú

January 16, 2014

*Cảm tác từ HÃY YÊU TRỌN EM ĐÊM NAY. Tặng anh Nguyễn Tùng.



"ĐÓN XUÂN NÀY TÔI NHỚ XUÂN XƯA"

Cuối năm âm lịch  ấy, tôi cùng ba vợ đi Cần Thơ thăm bà con. Đi bằng xe gắn máy nên thông thả vui chơi quên mất thời gian mãi đến chạng vạng tối chúng tôi  mới lên đường trở về nhà ở Vĩnh Long.
May mắn xe không chạy suôn sẻ, về đến nhà thấy bà xã đang “tựa cửa” ngóng trông. Vợ tôi dạo đó còn trẻ, đang mang thai gần ngày sinh nở, ở nhà có một mình nên lo sợ…nếu chúng tôi không về kịp.
Nỗi vui mừng hiện rõ trên nét mặt vốn còn ngây thơ làm tôi rất hối hận cho sự ham vui, vô tâm của mình.
Như mọi năm, chúng tôi đã mua sắm mọi thứ cần thiết cho ba ngày Tết cũng như chưng dọn xong để tối hôm ấy đón giao thừa. Trong khoàng thời gian này chiến tranh Nam Bắc đã hình thành nhưng không khí thanh bình vẫn có tại các thành thị. Vã lại ba ngày Xuân đôi bên đã đồng ý hưu chiến cho dân chúng an tâm đón Tết. Niềm vui tràn ngập nơi nơi…
Khi giao thừa đến, tôi đã lái xe dạo quanh các nẽo đường của chợ Vĩnh Long, hào hứng chia sẻ hạnh phúc của cư dân đốt pháo mừng năm mới; xác pháo đỏ ngập đường với số lượng ngưòi di chuyển trên đường tấp nập khác với mọi năm.
Tôi phải quay về nhà với vợ đang kiên nhẫn chờ ông chồng còn ham vui.
Không lâu sau đó, những tiếng nổ ròn tan dữ dội khác thường lần đầu nghe thấy…những tiếng nổ như khủng bố tinh thần người nghe! Ai ai cũng sợ hãi. Chuyện gì đây?
Bây giờ chắc ai cũng biết tôi đang nhắc lại Tết Mậu Thân và ai ai cũng đã hiểu rõ biến cố này ra sao rồi!
Mùa Xuân này là một Xuân đặc biệt trong đời của chúng tôi, hôm nay nhắc lại như là chuyện “Đón Xuân Này Tôi Nhớ Xuân Xưa”.
Chiến tranh đã vào thành phố trong những ngày thiêng liêng hằng năm của dân Việt, máu đổ và chết chóc…Tiếng súng có lúc dừng rồi lại tiếp tục kéo dài nhiều ngày.
Trong cái không gian thời gian khủng khiếp này, ai ai cũng giam mình trong nhà, hoặc tạm trú vào nhà thờ, ngày luôn cảnh giác ẩn núp để … kịp thời tránh đạn, ban đêm thì ngủ dưới đất ở gầm giường, gầm bàn…Một lần chúng tôi đến chủng viện để tìm sự an toàn hơn là ở nhà, tự nghĩ như vậy. Đông đảo bà con đến đây, ngủ dưới đất sắp lớp như cá mòi trong hộp mà nửa đêm tôi chợt thức giấc ngắm nhìn và tưởng tưởng ra cảnh mọi người như đã chết, tôi khủng hoảng quá. Hôm sau chúng tôi ở tại nhà mình. Và ngày mùng 10 Tết vợ tôi hạ sinh đứa con trai đầu lòng ngay dưới dạ cầu thang, may mắn có cô mụ Mười là láng giềng nhà ở kế bên sang giúp đở.
Hôm sau, tôi đưa vợ và con xuống bịnh viện Vĩnh Long mong tìm nơi an toàn thay vì ở nhà. Tiếng súng lại nổ vang trở lại. Tôi và những người khác phải chạy lên tạm trú tại nhà thờ Fatima nằm trên đường đi phà Mỹ Thuận.
Sau khi tình hình lắng đọng một chút, má vợ tôi đưa vợ và con tôi về nhà bà con ở trong quê vùng Long Hiệp xa điểm nóng của chiến tranh.
Ra đời trong lửa đạn, thiếu sự chăm sóc tối thiểu, di chuyển ngoài sương gió, trẻ sơ sinh như con tôi đã không may mắn, sau năm tháng rưỡi đã trở về cát bụi khi mà tiếng khóc chào đời của con yêu còn văng vẳng bên tai chúng tôi.
Còn nỗi đau khổ nào hơn nhưng chúng tôi phải đối diện với sự bi thảm này, xem như là số phận mà bề trên đã định. Kỷ niệm chua xót này dỉ nhiên đeo đẳng suốt cuộc đời hai chúng tôi và để tự an ủi chúng tôi xem con mình nợ đời có ít, đến viếng trái đất này và đi để bắt đầu một cuộc hành trình khác mà chỉ có con tôi biết mà thôi.
Và nó vẫn ở trong tim của chúng tôi…

Anh Tú
January 15, 2014

Rằm tháng chạp Quý Tỵ
XUÂN MỚI

Sáng hôm nay trời trong xanh, mây trắng
Lá khua cành hứng giọt nắng lung linh
Chim râm ran khẽ hót khúc tâm tình
Ta bỗng thấy lòng mình xao xuyến lạ

Ồ có phải xuân về trên hoa lá
Cây đâm chồi, cành hé nụ non xanh
Thời tiết vào xuân nắng dịu gió lành
Nên vạn vật mở lòng vui đón đợi !

Bầy én nhỏ từ đảo xa bay tới
Cảnh lao xao í ới gọi chào nhau
Như lời chúc xuân vọng mãi trên cao
Ta cố dịch thành ngôn từ tuyệt mỹ

Xuân đến rồi! Ôi người ta yêu quý
Ta chúc nhau muôn sự đẹp lòng nhau
Mây bay xa trời mỗi lúc mỗi màu
Xin giữ lại những ngày xuân diễm tuyệt!

Bích Bửu
CỤM HOA TÌNH YÊU

2014/01/15

GÁI QUÊ

Yêu anh không dám nói
Tặng anh bản nhạc tình
Và một lời nhắn nhủ
Mà trong lòng đinh ninh
*
Yêu anh tròn mấy hạ
Nhớ anh suốt mấy thu
Mấy đông chừng lạnh lẽo
Thương anh suốt bốn mùa
*
Ước mùa xuân sẽ đến
Em thôi hết niềm đau
Đôi ta cùng cỗ cưới
Đi trọn đời bên nhau
*
Gái quê lời mấy nhẽ
Xuân đã đến bên thềm
Gởi cho anh lời nhắn
Cỗ cưới nhớ mời em. . .

Giá Khê
NGÀY XUÂN KHÔNG CẠN

Anh ở nơi đây
Ngóng về quê mẹ
Có gió heo may
Nắng hồng phượng đỏ.

Từ ấy đến nay
Hoài niệm ngày cũ
Tình yêu đắm say
Một thời tuổi trẻ.

Buồn theo tháng ngày
Tình yêu ngang trái.
Dù phải chia tay
Nhưng yêu mãi mãi.

Em buốt vay gầy
Ngỡ Xuân sắp cạn.
Đừng để mắt cay
 Ngày Xuân còn dài.

Gởi người vòng tay
Cho nồng hơi ấm
Trôi theo tháng ngày
 Mong tình đầm thấm!
 


Anh Tú
February 29, 2012

2014/01/14



CÓ MỘT MÙA XUÂN

Từ rừng lá thấp ta về
Mang theo nỗi nhớ đường đê đất xình
In dấu chân của bạn mình
Lê bước từ lúc bình minh chưa về.

Từ đấy có những ngô nghê
Chân đi khập khểnh hồn mê muội dần
Người mới xa lạ tình thân
Người cũ cuối mặt tránh dần từ xa.

Xuân thuở ấy vẫn mượt mà
Ngu ngơ lạc lỏng phần ta ngậm ngùi
Làm sao có được niềm vui
Khi thuyền không lái ngược xuôi dòng đời?

Anh Tú
January 14, 2014
14 tháng chạp, Quý Tỵ

2014/01/13

CUỐI NĂM NGỒI ĐỌC
THƠ TÌNH NGUYỄN TẤT NHIÊN

Cuối năm ngồi đọc thơ tình
Tất nhiên em vẫn một mình, không như
Chẳng lần tay dở trang thư
Mà sao nét tím buồn như đã từng.

Bây giờ buổi gió tàn đông
Ngây ngây tháng rụng năm chồng chất cao
Chớm xuân nồng nắng, hanh hao
Cớ chi áo mỏng em vào tuổi tôi!

Và mai, cuối nẽo mê đời
Gã cùng tử bỗng vỡ lời gió bay

Nếu như còn có cuộc này
Vẫn vấp tóc mượt ngã nhòai trăm năm
Để buồn để thức bên trăng
Để con nước ngược chậm phăng đích buồn

Giọt mòn đá mỏn hoàng hôn!


Hồng Băng

PARIS  LA NUIT

Trois allumettes une à une allumées dans la nuit
La première pour voir ton visage tout entire
La seconde pour voir tes yeux
La dernière pour voir ta bouche
Et l’obcurité tout entière pour me rappeler tout cela
En te serrant dans mes bras.

Jacques Prévert

Thoáng dịch:

ĐÊM  PARIS

Trong bóng đêm tia lửa ba diêm quẹt
Soi mặt ai mời gọi chuyện yêu đương
Ôi diễm kiều đôi mắt em ngời sáng
Miệng hoa nở nụ cười gây vấn vương
Lửa tắt mặt mắt môi còn hiện rõ
Trong vòng tay anh là em yêu thương.

Anh Tú
January 13, 2014