2014/03/30

PHẬT DẠY:

14 Điều …..LỚN NHẤT của ĐỜI NGƯỜI:

01-                   Kẻ thù ========> chính mình
02-                   Ngu dốt =======> dối trá
03-                   Thất bại =======> tự đại, ngã mạn
04-                   Bi ai ==========> ganh tỵ, tật đố
05-                   Sai lầm ========> đánh mất mình
06-                   Tội lỗi =========> bất hiếu
07-                   Đáng thương====> tự ty
08-                   Đáng khâm phục => vươn lên sau khi ngả
09-                   Phá sản========> tuyệt vọng
10-                   Tài sản ========> sức khoẻ và trí tuệ
11-                   Món nợ ========> tình cảm
12-                   Lễ vật =========> khoan dung
13-                   Khiếm khuyết  ===> kém hiểu biết
14-                   An ủi ==========> từ bi và bố thí




DƯỚI TRĂNG

Viết thơ dưới ánh trăng vàng
Bên hồ nước bạc, bên hàng liễu xanh
Trời trong, gió thoảng mong manh
Vắng em ngồi cạnh lòng anh chợt buồn!

Ngày xưa nhạt nắng chiều buông
Kèm em học Toán, kèm luôn chữ Tình!
Tóc em thơm ngát hương hunh
Mắt em ướt lệ, lòng mình xốn xang…

Giờ đây lỡ chuyến đò ngang
Ngu ngơ dạo ấy ngỡ nàng còn thơ
Trách cho nguyệt lão hững hờ
Hoài công ta dệt đợi chờ dài lâu!

Trăng nghiêng một bóng bên cầu
Nghe tình rơi lệ nghe sầu mênh mang
Suối thơ man mác đêm tàn
Trăng ơi! Có biết tình nàng ý ta !…

Phú Thạnh
29. 06.2013

ĐÊM TRẮNG

Một bóng thuyền xa
Xuôi dòng nước chảy
Bóng trăng ở lại
Đêm trắng canh tàn
Thơ trôi xuống ngàn
Trăng buồn thổn thức
Trách thuyền xuôi ngược
Chẳng hẹn ngày về
Nhạt phai câu thề
Thuyền – trăng lẻ bóng
Sông buồn gợn sóng
Sương trắng trời quê!

Yên Dạ Thảo


TRUNG THU VỚI HUẾ

Ta đã về đây Vĩ Dạ ơi
Hương Giang trăng nước dáng chơi vơi
Lá trúc che ngang còn đâu nữa
Vần thơ Hàn Mặc nghe xa xôi
*
Thiên Mụ chùa xưa trong gió sớm
Lòng trần theo tiếng chổi đưa xa
Mùi thiền vương vấn “chung thanh dạ”
Xao xuyến thuyền ai nhớ “canh gà”
*
Hoàng thành trầm mặc dưới trăng thu
Áo mão cân đai đã xa mù
Hò Huế tiếng ai đang rao bán
Trăng xưa còn đó nặng lòng đau
*
Ta đã về đây cùng Vĩ Dạ
Chìm nổi thôn xưa với phố nay
Cà phê giọt đắng lòng thêm đắng
Không rượu không tình cho ai say.

Giá Khê
 Áo Lụa Hà Đông 

SỨC KHOẺ: TIN VUI

Nhật Bản thí nghiệm thuốc điều trị dứt điểm bệnh tiểu đường

HỮU THẮNG/TOKYO (VIETNAM+) LÚC : 02/03/14 18:13
Nhật Bản đang thí nghiệm loại thuốc ức chế SGLT2 có thể điều trị triệt để căn bệnh tiểu đường nhằm tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra đối với người bệnh.

Đường gluco được lọc qua cầu thận sẽ lại được tái hấp thu trở lại máu nhờ các protein vận chuyển đường-muối (SGLT2). Nếu khống chế được SGLT2, gluco sẽ được bài xuất hoàn toàn ra nước tiểu và lượng đường trong máu sẽ không tăng. Mật độ đường máu cao sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm đối với thần kinh, võng mạc và thận.

Loại thuốc mới nói trên có cơ chế điều trị bất hoạt hóa và ngăn chặn protein SGLT2 có chức năng hấp thu đường trong thận.

Cho đến nay, các loại thuộc có tác dụng làm tăng hiệu quả hoạt động của hoóc-môn và insulin vẫn đóng vai trò chủ đạo. Tuy nhiên, loại thuốc mới sẽ dựa trên cơ chế chống tái hấp thu đường dư thừa của thận và giúp bài tiết hoàn toàn qua đường nước tiểu cũng góp phần làm giảm trọng lượng ở những người béo phì.

Sáu loại thuốc có cùng cơ chế như trên đang được thí nghiệm ở Nhật Bản và bắt đầu được thừa nhận ở các nước Âu-Mỹ và Nhật Bản.

Tại Nhật Bản, ngày càng nhiều người trong số 9,5 triệu bệnh nhân chuyển sang lựa chọn hướng điều trị mới này.

Giảm lượng đường trong máu

Về cơ bản, thận có chức năng duy trì lượng đường trong máu ở mức ổn định và dưới tác dụng của protein SGLT2 nằm trong các ống vi niệu, 90% lượng đường được bài xuất từ máu vào nước tiểu được hấp thu trở lại.

Trong trường hợp bệnh nhân tiểu đường có nhiều đường bài tiết qua nước tiểu, thuốc làm giảm chức năng của SGLT2 khiến đường dư thừa sẽ không được hấp thu trở lại máu và bài xuất toàn bộ qua nước tiểu. Do đó, mặc dù lượng đường trong nước tiểu tăng nhưng lượng đường trong máu sẽ giảm và tình trạng đường huyết cao sẽ được cải thiện.

Ngoài ra, thuốc làm giảm đường máu khiến lượng đường thâm nhập vào tế bào giảm theo đó cũng giúp giảm trọng lượng cơ thể. Nhờ tác dụng này mà hiệu quả hoạt động của insulin cũng được cải thiện gánh nặng cho các tế bào cụm đảo Langerhans của tuyến tụy, tạo hy vọng phục hồi chức năng tiết insulin của tụy.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý tác dụng phụ của loại thuộc mới có thể là gia tăng vi khuẩn trong niệu đạo và sinh dục do lượng đường trong nước tiểu tăng.

Quy mô điều trị tăng mạnh

Giám đốc Phòng mạch Ueda, bác sỹ Nobuyuki Ueda, thuộc Hội nghiên cứu bệnh tiểu đường Nhật Bản đã tham gia chương trình thử nghiệm thuốc cho biết: “Thuốc điều trị bệnh tiểu đường hiện nay chủ yếu là tăng insulin để giảm lượng đường trong máu, cải thiện thị lực và tăng khả năng tiết insulin. Tuy nhiên, thuốc mới lại đi theo cơ chế thúc đẩy việc bài tiết đường dư thừa qua nước tiểu nên tác dụng của thuốc hoàn toàn khác và có thể nói là quy mô điều trị đã mở rộng”.

Trong khoảng một năm tham gia thử nghiệm, chỉ số HbA1c trung bình trong 1-2 tháng của bệnh nhân cải thiện xuống gần 1% trong khi giá trị chuẩn là chưa tới 7%. Trong lượng cơ thể giảm 2-3kg, lượng mỡ trong gan giảm và chỉ số γGTP có xu hướng tốt lên.

Ông Ueda nhấn mạnh: “Thuốc mới về cơ bản dùng cho người có hàm lượng đường máu cao sau ăn mà các phương pháp vận động và kiêng khem không giúp cải thiện được chứng béo phì."

Đánh giá về thuốc mới, bác sỹ Ueda cho biết: “Tôi cũng muốn bàn thêm về các tác dụng phụ khác của loại thuốc mới như có làm bệnh nhân gầy, có bài xuất nhiều canxi gây loãng sương hay không, gây mất điện giải hay không?”

Thử nghiệm được tiến hành từ năm 2010

Thuộc điều trị bệnh tiểu đường hiện nay có ba dạng gồm thúc đẩy tiết insulin; cải thiện tình trạng kháng insulin; chống hấp thu đường từ ruột.

Thời gian gần đây, những thuốc làm tăng hiệu quả của hoócmôn incretin làm tăng sản sinh insulin của tuỵ đang được bán rộng rãi.

Thuốc ức chế SGLT2 là hợp chất có tên Phlorhizin được chiết xuất từ rễ cây táo và được cho là có liên hệ chặt chẽ với bệnh tiểu đường.

Thuốc này chia ra làm sáu loại dựa trên cấu tạo hoá học và bắt đầu tiến hành thử nghiệm tại nhiều nước trên thến giới từ năm 2010.

Tháng 1/2014, bên cạnh một loại thuốc được thừa nhận tại Nhật Bản, hai loại thuốc khác đã được chấp nhận sử dụng tại Mỹ./. 

Nguồn:

http://www.vietnamplus.vn/nhat-ban-thi-nghiem-thuoc-dieu-tri-dut-diem-benh-tieu-duong/246491.vnp

2014/03/29

THƠ SƯU TẦM

TUỔI MƯỜI BA

Trời hôm nay mưa nhiều hay rất nắng?
Mưa tôi chả về bong bóng vỡ đầy tay
Trời nắng ngọt ngào... tôi ở lại đây
Như một buổi hiên nhà nàng dịu sáng

Trời hôm ấy mười lăm hay mười tám?
Tuổi của nàng tôi nhớ chỉ mười ba
Tôi phải van lơn ngoan nhé, đừng ngờ...
Tôi phải dỗ như là... tôi đã nhớn

Tôi phải đợi như là tôi đã hẹn
Phải thẹn thò như sắp cưới hay vừa yêu
Phải nói vơ vào rất vội: người yêu
Nếu ai có hỏi thầm: ai thế?

Tôi nói lâu rồi... nhưng ngập ngừng khe khẽ
Để giận hờn chim bướm chả dùm tôi
Nhưng rồi lòng an ủi "nắng chưa phai
Tình chưa cũ bởi vì tình chưa mới..."

Má vẫn đỏ, đỏ một màu con gái
Với những lời hiền dịu tuy chua ngoa
Lòng vẫn ngỡ ngàng: tóc ướp bằng thơ
Sao hương sắc lên mắt nhìn thi tứ?...

Và đôi mắt nhìn tôi ngập ngừng chim sẻ
Đôi mắt nhìn trời nhè nhẹ mây nghiêng
Tôi biết nói gì? Cả trăm phút đều thiêng
Hay muốn nói nhưng lòng mình ngường ngượng

Chân díu bước và mắt nhìn vương vướng
Nàng đến gần tôi chỉ dám... quay đi
Cả những giờ bên lớp học, trường thi
Tà áo khuất thì thầm: "chưa phải lúc..."

Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh tôi mến lá sân trường
Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương
Tôi thay mực cho vừa màu áo tím...

Chả có gì... sao lòng mình cũng thẹn
Đến ngượng ngùng bỡ ngỡ: hay là ai?...
Trăm bức thư lót giấy kẻ dòng đôi
Mà nét chữ còn run (dù rất nhẹ)

Tôi đã viết hay chỉ thầm âu yếm kể
Tôi đã nhìn hay lặng lẽ say sưa?
Nên đêm vui sao cũng chớm buồn thưa
Và lo sợ khi lòng mừng quá đỗi...

Rồi trách móc: trời không gần cho tay với
Và cả nàng hư quá, sao mà kiêu...
Nên đến trăm lần: "Nhất định mình chưa yêu"
Hôm nay nữa...nhưng lòng mình sao lạ quá...

Nguyên Sa


Diễn ngâm:



Phổ nhạc: Ngô Thụy Miên
Trình bày: Tuấn Ngọc




PHẢI CÓ…

 (Từ CÓ THỂ của Phong Tâm)

Nếu khi nào chợt đến
Thời gian cuốn lấy tôi:
Ngày cũng là đêm tối
Chỉ chuyện thông thường thôi.

Điều này rồi phải có
Đừng mơ nó là không
Không mới là chuyện lạ
Không…ích lợi gì… mong?

Thương… người trôi theo nước
Có lúc nổi lúc chìm
Chân tay quơ quờ quạng
Như vi cá cánh chim!

Nước chở … về chốn cũ
Trùng dương đón mọi người
Hãy giử lòng thanh thản
Chờ đợi ngày ra khơi.

Anh Tú
March 28, 2014
 Ý LAN
Những Ca khúc hay nhất

CÓ THỂ

Nếu một ngày bất chợt
Tìm không thấy bóng tôi
Người ơi, xin đừng hỏi
Hãy quay về đi thôi.

Những gì không đến có
Từ có trở về không
Cuộc đời chẳng chi lạ
Điều bất biến đừng mong.

Coi như là bọt nước
Tự nổi rồi tự chìm
Tan theo dòng chảy xiết
Mờ tăm cá bóng chim.

Hãy tìm về bến cũ
Thuyền xưa vẫn đợi người
Bình minh yên thắm lại
Quên đi, lần ra khơi.

Phong Tâm
UNG THƯ

Lời dẩn:
Dưới đây là email chuyển đến từ bạn bè. Thấy nội dung có phần lợi ích cho sức khoẻ, tôi xin post lên để mọi người cùng đọc.
Anh Tú


Một tài liệu nói về bệnh Ung Thư của:  Bệnh viện Johns Hopkins, trường đại học Baltimore, Maryland ở Hoa Kỳ.
●      Bài viết rất ngắn,
●      Có nhiều điểm rất thú vị,
●      Quí Vị đọc thử coi thấy sao?
Một trong những bệnh viện nổi tiếng nhất trên thế giới
đã thay đổi quan điểm của mình về bệnh Ung Thư
●      Xuân Phong dịch từ bản tiếng Pháp
●      Tài liệu thảo luận của CFQ (Cercle Francophone à Quinhon) ngày:  21/3/2013
●      Tài liệu này có giá trị nên đọc đi đọc lại.
●      Bệnh viện Johns Hopkins là một bệnh viện trường đại học nằm ở Baltimore, Maryland ở Hoa Kỳ.
Được thành lập nhờ tài trợ từ John Hopkins, ngày hôm nay Trường Đại Học John Hopkins là một trong những bệnh viện nổi tiếng nhất trên thế giới là năm thứ 17 liên tiếp được phân loại đánh giá ở vị trí hàng đầu (Số 1) trong bảng xếp hạng của các bệnh viện tốt nhất tại Hoa Kỳ.
●    Sau nhiều năm nói với mọi người “Phương Pháp Hóa Trị Liệu” là cách duy nhất để điều trị và loại bỏ Ung Thư.
●    Ngày nay:  Bệnh viện Johns Hopkins đã bắt đầu nói với mọi người rằng:  Đã có những lựa chọn thay thế khác với “Phương Pháp Hóa Trị Liệu” một cách hiệu quả hơn để chống lại Ung Thư là:  Không nuôi các tế bào Ung Thư với các chất dinh dưỡng cần thiết cho nó để nó không thể phát triển được.

Thức Ăn Của Tế Bào Ung Thư :

A.  Đường:  Là một loại thực phẩm của bệnh Ung Thư:
●   Không ăn “Đường” là cắt bỏ một trong những nguồn quan trọng nhất của các tế bào Ung Thư.
●   Có sản phẩm thay thế “Đường như:  Saccharin, nhưng chúng được làm từ Aspartame và rất có hại.
●   Tốt hơn nên thay thế “Đường bằng:  “Mật Ong Manuka” hay “Mật Đường” nhưng với số lượng nhỏ.
●   Muối có chứa một hóa chất phụ gia để xuất hiện màu trắng. Một lựa chọn tốt hơn cho “Muối Trắng” là:  “Muối Biển” hoặc các loại “Muối Thực Vật”.

B.  Sữa:  Làm cho cơ thể sản xuất chất “Nhầy”, đặc biệt là trong đường ruột.  
Tế bào Ung Thư ăn chất “Nhầy” để sống.
●   Nên loại bỏ “Sữa Bò” và thay thế bằng:  “Sữa Đậu Nành”, các tế bào Ung Thư không có gì để ăn, vì vậy nó sẽ chết.

C. Các tế bào Ung Thư trưởng thành trong môi trường Acid:
●   Một chế độ ăn uống là “Thịt Đỏ” có tính Acid. Tốt nhất là nên ăn Cá, và một chút “Thịt Gà” thay vì “Thịt Bò” hay “Thịt Heo”.
●   Hơn nữa, thịt chứa kháng sinh, Hormon và ký sinh trùng, rất có hại, đặc biệt đối với những người mắc bệnh Ung Thư.
●   Protein thịt khó tiêu hóa và đòi hỏi nhiều Enzym.  Nếu bệnh nhân ăn thịt thì khó tiêu hóa được, chất thịt sẽ ở lại trong cơ thể, nên dễ bị dẫn tới và tạo ra các độc tố nhiều hơn.

       Góp Phần Giải Quyết Vấn Đề :

1.   Một chế độ ăn uống gồm:
●   80% rau trái tươi và nước ép, ngũ cốc, hạt, các loại hạt như:  
Hạnh Nhân (Almond) và một ít loại trái cây đặt cơ thể trong môi trường kiềm.
2.   Bệnh nhân chỉ nên ăn:
●   20% thực phẩm nấu chín, bao gồm cả đậu.
●   Nước ép rau tươi cung cấp cho cơ thể co-enzyme có thể dễ dàng hấp thụ và ngấm vào các tế bào 15 phút, sau khi đã ăn uống nước ép rau tươi để nuôi dưỡng và giúp định hình các tế bào khỏe mạnh.
●   Để có được các Enzyme sống, giúp xây dựng các tế bào khỏe mạnh, chúng ta phải cố gắng uống nước ép rau tươi (tất cả, bao gồm cỏ linh thảo) và ăn nhiều rau trái tươi từ 2 đến 3 lần mỗi ngày.
●   Không nên dùng Cà Phê, Trà và Chocola có chứa nhiều chất caffeine.
3.  Trà Xanh:  Là một lựa chọn tốt hơn vì có chất chống Ung Thư.
●   Tốt nhất là uống nước tinh khiết hoặc nước lọc để tránh các chất độc và kim loại nặng trong nước thường.
●   Không uống nước cất vì nước này có chứa Acid.
4.  Các thành của các tế bào Ung Thư được bao phủ bởi một loại Protein rất cứng:
●   Khi bệnh nhân không ăn thịt, những thành của tế bào Ung Thư sẽ sản xuất nhiều Enzym hơn, tấn công các Protein của các tế bào Ung Thư và cho phép hệ thống miễn dịch (Immune System) tiêu diệt các tế bào Ung Thư.

D. Một số chất bổ sung giúp xây dựng lại hệ thống miễn dịch 
(Immune System):
●   Floressence, Essiac, chất chống Oxy hóa, Vitamin, khoáng chất, EPA, dầu cá … giúp các tế bào để chiến đấu và tiêu diệt các tế bào Ung Thư.
●   Các chất bổ sung khác như:  Vitamin E được biết đến bởi vì nó gây ra Apoptosis, cách bình thường của cơ thể để loại bỏ các tế bào vô dụng hoặc bị lỗi.

E.  Ung thư là một căn bệnh của cơ thể, tâm trí và tinh thần:
●   Một thái độ hoạt động và tích cực hơn sẽ giúp các bệnh nhân Ung Thư chiến đấu và sống còn.
●   "Giận dữ và không hiểu biết, không tha thứ sẽ đặt cơ thể vào tình trạng căng thẳng và một môi trường Acid”.
●   Học để có tâm hồn khả ái và yêu thương với một thái độ sống tích cực là rất có lợi cho sức khỏe.
●   Học thư giãn và tận hưởng cuộc sống.

F.  Các tế bào Ung Thư không thể sống trong một môi trường dưỡng khí (oxygénée):
●   Luyện tập thể dục hàng ngày, hít thở thật sâu giúp lấy thêm nhiều Oxy vào các tế bào.
●   Liệu pháp Oxy là một yếu tố giúp tiêu diệt các tế bào Ung Thư.
●   Không để hộp nhựa trong Microwave.
●   Không để chai nước trong tủ lạnh.
●   Không để tấm nhựa trong Microwave.

G. Các hoá chất như Dioxin gây Ung Thư, đặc biệt là Ung Thư Vú:
●   Dioxin rất có hại, đặc biệt là đối với các tế bào cơ thể.
●   Đừng để trong tủ lạnh chai nước nhựa bởi vì nhựa sẽ "đổ mồ hôi" Dioxin và làm nhiễm độc nước uống.
●   Gần đây, Tiến sĩ Edward Fujimoto, Giám Đốc chương trình Wellness ở bệnh viện Castle, xuất hiện trong một chương trình truyền hình giải thích sự nguy hiểm của chất “Dioxin”.
●   Ông nói rằng:  Chúng ta không nên đặt hộp nhựa trong Microwave, đặc biệt là các loại thực phẩm có chứa chất béo.
●   Ông nói rằng:  Do sự kết hợp của chất béo và nhiệt lượng cao, nhựa sẽ truyền Dioxin vào thực phẩm và do đó vào cơ thể chúng ta.
●   Thay vào đó, các Bạn có thể dùng thủy tinh như: Pyrex hoặc gốm sứ để đun nấu.



2014/03/28


XUÂN CẢM

Nắng hồng đưa ấm vào Xuân
Thoảng hương hoa ngát lâng lâng đất trời
Ngất ngây chân bước chơi vơi
Nhẹ vươn tay nắm mảnh đời đáng yêu.

Anh Tú
March 28, 2014

2014/03/27

LỢI ÍCH CỦA KHỔ QUA

10 lý do không nên bỏ qua mướp đắng
Dù có vị hơi đắng, nhưng mướp đắng (hay khổ qua) lại rất hữu ích với sức khỏe. Để có được lợi ích đó, hãy tìm mua và nấu ăn nó thường xuyên

muop-3937-1395390404.jpg
1. Bệnh tiểu đường loại II
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng mướp đắng làm giảm lượng đường trong máu thông qua việc tăng cường trao đổi glucose. Uống một cốc nước ép mướp đắng mỗi ngày và trải nghiệm hiệu quả. Ngừng uống nếu bạn bị đau bụng, tiêu chảy hoặc sốt. Theo dõi lượng đường trong máu thường xuyên và điều chỉnh thuốc khi cần thiết, với sự trợ giúp của bác sĩ.

2. Sỏi thận
Sỏi thận cực kỳ đau đớn. Mướp đắng có thể giúp bạn thoát khỏi căn bệnh này một cách tự nhiên. Mướp đắng làm giảm axit cao gây ra sỏi trong cơ thể. Hòa bột mướp đắng với nước để tạo thành một loại trà hữu dụng cho sức khỏe. Loại trà này có hương vị hấp dẫn và bạn có thể sử dụng mà không cần thêm đường.
3. Giảm lượng cholesterol
Mướp đắng giúp làm giảm lượng cholesterol, từ đó giúp bạn thoát khỏi nguy cơ mắc bệnh đau tim và đột quỵ. Cholesterol cao chỉ có thể được chẩn đoán bằng xét nghiệm máu. Ăn mướp đắng thường xuyên sẽ đem lại hiệu quả đáng ngạc nhiên.
4. Ung thư tuyến tụy
Một trong những lợi ích sức khỏe đáng ngạc nhiên nhất của mướp đắng là đặc tính chống ung thư. Mướp đắng đã được chứng minh có tác dụng làm gián đoạn việc sản xuất đường, có khả năng ức chế sự tăng trưởng của tế bào ung thư tuyến tụy. Nó cũng có thể ức chế tế bào ung thư khác trong gan, đại tràng, vú, hoặc tuyến tiền liệt.
5. Tốt cho da
Mướp đắng rất có lợi cho da. Uống nước ép mướp đắng thường xuyên có thể làm làn da trắng và mịn màng, giảm mụn trứng cá. Mướp đắng thậm chí còn giúp điều trị bệnh vẩy nến và eczema... Hãy thử món canh mướp đắng để chữa các bệnh ngoài da hoặc cho làn da đẹp hơn. 
6. Giảm cân
Mướp đắng rất ít calo và rất nhanh làm bạn cảm thấy no. Ăn mướp đắng thường xuyên giúp bạn giảm cân hoặc duy trì mức cân nặng lý tưởng. Loại quả này cũng chứa hàm lượng dinh dưỡng cao.
7. Bổ gan
Mướp đắng là thực phẩm bổ gan, hỗ trợ tiêu hóa, cải thiện chức năng túi mật, và làm giảm tích trữ chất lỏng. Xơ gan, viêm gan, táo bón có thể thuyên giảm bởi mướp đắng. Bạn nên uống nước ép mướp đắng ít nhất một lần một ngày. Mướp đắng cũng hỗ trợ giảm cân và làm giảm triệu chứng ruột kích thích.
8. Chuyển hóa carbonhydrate
Đây là một lợi ích rất quan trọng đối với những người có bệnh tiểu đường loại II. Carbohydrate chuyển sang đường, và mướp đắng giúp chuyển hóa các loại đường. Chuyển hóa carbohydrate nhanh hơn có nghĩa là ít chất béo được lưu trữ trong cơ thể hơn dẫn đến giảm cân và duy trì cân nặng khỏe mạnh. Chuyển hóa carbohydrate nhanh cũng hỗ trợ tăng trưởng và phát triển cơ bắp.
9. Nguồn Vitamin K dồi dào
Vitamin K giúp tăng cường sức khỏe của xương, chống đông máu, và là chất chống viêm. Vitamin K giúp cải thiện chứng viêm khớp, đau khớp. Việc bổ sung mướp đắng đáp ứng nhu cầu vitamin K hàng ngày cho cơ thể bạn. Ngoài ra, nó cũng là nguồn chất xơ tuyệt vời mà bạn không nên bỏ qua.
10. Tăng cường miễn dịch
Một hệ miễn dịch khỏe mạnh là quan trọng cho việc chống nhiễm trùng và bệnh tật. Mướp đắng giúp ngăn ngừa cảm lạnh và có lợi cho hệ tiêu hóa. Nó còn giúp ngăn chặn hoặc hạn chế dị ứng thực phẩm, loại bỏ các bệnh nhiễm trùng nấm men tự nhiên. Một lợi ích khác là giúp điều trị chứng trào ngược axit và chứng khó tiêu.

Nguồn: Internet

2014/03/26

CÁI BÌNH MỰC NHÔM

Má tôi hay cằn nhằn, “Chưa thấy con gái nhà ai mà bầy hầy, tâm hơ tâm hất như con Nga nầy.” Ừ mà hồi nhỏ tôi thiệt tình y chang như lời má tôi diễn tả. Bỏ quên tập, bình nước, nón rơm, bình mực …là chuyện thường…như cơm bửa của tôi. Nhân bài viết của Phương Mai về ngòi viết lá tre, tôi đã xí phần với anh chủ chợ để viết về bình mực chấm đã làm khổ tôi không ít.
Chắc các bạn còn nhớ bình mực chấm? Có loại làm bằng mủ cứng rẻ tiền, dễ bể nhưng đủ màu sắc ưa nhìn , trong khi loại nhôm mắc tiền hơn thì xài bền, vì chỉ cần chà bằng chùi nhôm thì bóng trở lại như mới. Má tôi biết tính lãng trí của tôi, nên mua sẵn…một lố bình mực mủ để hờ. Nhưng má tôi không lường tới cái tính bầy hầy thuộc loại tuyệt đỉnh của tôi. Do không cẩn thận làm bình mực nứt ọc mực tràn tèm lem lên tập. Hoảng quá tôi dùng tay lau mà quên là mình có giấy chậm, sau đó quẹt lên mặt. Ai ở tuổi đó mà không đôi khi có vài vết mực trên mặt? Nhưng tôi bảo đãm không ai có nhiều và thường xuyên như tôi. Về tới nhà, nhìn mặt tôi là má tôi… nổi sùng lên, “Trời đất quỷ thần ơi, coi cái mặt nó kìa. Còn cái bình mực đâu? Bể rồi chớ gì?” Sau cùng, má tôi lên cấp…sắm bình mực nhôm cho tôi nhưng răn đe tôi, “ Cái nầy mắc tiền phải giử cẩn thận. Làm mất là má không mua cho cái khác đâu.” Nghe mà sợ vì không có bình mực thì phải chấm ké với con bạn kế bên; chắc là nó không cho, tính nó kỷ lưỡng lắm! Kể từ đó, bình mực nhôm như là vật bất ly thân của tôi. Cho tới một ngày kia…
Mỗi ngày trước khi tới trường, má cho tôi tiền ăn sáng. Tôi là khách hàng thường trực của gánh bún riêu. Ngày xui xẻo đến, sau khi ních xong tô bún, tôi quẹt mỏ đứng lên, quên tuốt luốt cái bình mực nhôm yêu dấu còn để dưới đất, ba chân bốn cẳng chạy tới trường. Tới trước cỗng, phát giác ra cái bình mực còn… ở với bà bún riêu. Tôi điếng hồn quày lại kiếm, thì hởi ơi bà đã dọn gánh về nhà. Lúc đó chắc mặt tôi hốt hoảng quá nên bà bán cơm tấm thương tình chỉ nhà bà bán bún riêu. Mà nhà bà bún riêu nào có dễ tìm, phải băng qua nhiều hẽm chi chít như bàn cờ. Nhưng vì vật bất ly thân, cái bình mực nhôm của tôi và lời răn đe của má tôi, giúp tôi thêm…can đảm, sau cùng tôi cũng tìm tới được nhà. Chưa bao giờ tôi cảm thấy hãnh diện vì mình là mối trung thành của bà bún riêu như lúc đó. Bà thấy tôi là nói liền, “Tới lấy bình mực phải không? Tao biết là của mầy nên tính chờ mai gặp mầy rồi đưa.” Bà bún riêu sao mà dễ thương quá! Tôi rối rít cảm ơn bà rồi quày quả chạy lại trường mà quên hỏi sao bả biết ngày mai tôi sẽ ăn bún riêu nữa?
Chuyện rối rắm chưa hết đâu các bạn, dù chạy như bay tới trường, tôi vẫn trể; nghĩa là phải bị phạt quỳ gối nửa tiếng trong giờ ra chơi. Thú thiệt, tôi chưa bao giờ chịu phạt với… cõi lòng hân hoan như vậy. Vì tôi vẫn còn “cái bình mực nhôm”yêu dấu!!!

Phương Nga
Oregon-USA

DIỄM XƯA


Những năm theo học tại Sài Gòn, 1960 và tiếp theo, tôi và bạn bè chơi trò thư tín, kết bạn trong nước hay ngoài nước. Có hai cách tìm bạn để viết thư là kiếm trên báo chí hay bạn bè giới thiệu.
Người ta kháo nhau nhiều hệ lụy của chuyện này, tốt cũng như xấu…Nói gì thì nói, chúng tôi vẫn tham gia với cảnh giác và với tính cách nghiêm chỉnh, lịch sự, chừng mực. Tùy đối tượng qua sự đánh gía của mình mà tiếp tục hay dừng lại.
Tôi có hai người bạn thư tín dạo đó; một người Việt Nam và một người Pháp, tất cả là phụ nữ.
Tôi muốn nhắc lại ở đây về chị bạn Việt nam.
Thật ra tôi cũng không có ý định tham gia trò chơi này vì mất thì giờ phần nào trong khi phải chú tâm cho việc học và mặc khác phải tốn bưu phí trong khi mình là sinh viên nghèo. Bổng một hôm có người bạn thân từ thời trung học (đang học trường Sư Phạm Vĩnh Long) đến chơi giới thiệu tên của một giáo sinh trường Sư Phạm Quy Nhơn cùng địa chỉ: “Ê bồ tèo! Khi rảnh rang và nếu thích, bồ viết thư chị này kết bạn cho vui! Bồ muốn du lịch khắp miền đất nước trong tương lai thì biết đâu đây là dịp có một địa chỉ để đến.” Thế là tôi bắt đầu viết thư làm quen.
Thật tình mà nói lúc ấy rất là khó khăn để “nặn” ra một lá thư có hồn nhất là cho phụ nữ, mà lại mới làm quen nữa chứ. Ráng nắn nót, viết rồi xé, viết lần nữa rồi xé nhưng cuối cùng cũng viết được một lá thư tạm được sau khi nhờ sự cố vấn của vài người bạn.
Theo thời gian, chúng tôi và chị D. trở thành bạn thân, chỉ qua thư tín thôi, đã trao đổi nhau những tin tức về đất nước, miền Nam/ miền Trung, những kỷ niệm/ kinh nghiệm trong thời gian học làm thầy cô giáo, những mẫu chuyện vui buồn…, hy vọng một dịp nào đó chị đến thăm Sài Gòn rồi Vĩnh Long, còn tôi được đến viếng Quy Nhơn lộng gió biển Đông.
Chị học cùng khóa với Trịnh Công Sơn. Dạo này họ Trịnh đã có một số sáng tác đang phổ biến và được nhiều người ưa thích. Chị D. đã nắn nót kẻ bản nhạc trên giấy (dùng vẻ sơ đồ kiến trúc) để gởi tặng tôi, khung nhạc vả chữ rất đẹp; tôi nhớ đó là những bản Biển Nhớ, Nhìn Những Mùa Thu Đi và Diễm Xưa. Tôi rất thích những bản này nhất là Diễm Xưa. Tôi làm quen với nhạc Trịnh Công Sơn từ đó.
Chúng tôi ra trường, mỗi người lo cơm áo, liên lạc lơi dần và mất dấu. Những kỷ vật chị tặng tôi vẫn nâng niu gìn giữ mãi cho đến 1975 thì chúng …vào ngọn lửa cùng với những văn hoá phẩm miền Nam. Không rõ chị bạn Ng. T. N. D. của tôi bây giờ ra sao?
Sau Tết Mậu Thân, tôi bỏ trường lớp sau lưng để đến Trung tâm 3 nhập ngũ Sài Gòn, rồi Trung tâm Huấn luyện Quang Trung, rồi Trường Bộ binh Thủ Đức… theo lệnh động viên.
Mấy ngày đầu tiên tại Trung tâm 3 nhập ngũ, tôi có gặp Trịnh Công Sơn cùng chung hoàn cảnh, anh thường tự đàn tự hát những bản nhạc của mình giúp vui cho những “chuẩn lính” tò te. Mọi người say mê theo tiếng nhạc lời ca dù giọng anh không có gì xuất sắc. Bấy lâu nghe tiếng, bây giờ mới gặp tận mặt thì …còn gì bằng. Vài hôm sau, dù chưa có chuyến xe nào đưa tân binh đi Quang Trung nhưng Trịnh Công Sơn biến mất. Nghe đâu bạn của TCS là một quan lớn “kéo” anh ra khỏi quân trường, ai cũng rõ tại sao.
Dạo đó thật tâm tôi cũng không quan tâm chuyện này, trôi nổi theo giòng cuốn của cuộc sống đến Thủ Đức, lăn lộn những ngày huấn luyện nhọc nhằn, khi có thì giờ thì vào trại gia binh gần quân trường ăn cơm, uống cà phê và nghe nhạc …Diễm Xưa là bản nhạc được nhiều người yêu cầu nhất. Bản thân tôi cũng thích bản này và đến nay vẫn thích..., thích vì bản nhạc vốn đã hay ho mà nay còn hòa tan trong nó những kỷ niệm ngày tháng cũ vui buồn của tôi,  khó quên!

Anh Tú
March 26, 2014






2014/03/24


Trong mắt biếc phù dung.
Mấy cành  xanh vô cùng.
Rợn người hơi gió  lạ
Lâm chung vô cùng chung
.

Hồng Băng

1972
 THỬ ĐI VỀ CHỐN CŨ

Lận lưng chút vốn tình năm cũ
Mà suốt đời ta viết chửa xong
Chắc tại em vốn dòng thanh nữ
Mà ta thì già cóc bến này sông

Soi trong rượu thấy ngày mặt mụn
Ngôi bảy ba lẻo đẻo theo người
Khói thuốc ám làm thơ cùi bắp
Lảng nhách một thời để nhớ khôn nguôi

Hơn bốn mươi năm đi về chốn cũ
Bụi xương rồng vườn vắng đìu hiu
Chữ khắc tên chung theo gió mất
Chưa phải thiền sư cũng biết đôi điều!

(Ta nhìn ta móm mém da dùn
Em vẫn thế muôn đời mướt rượt!)

Bích Câu ơi, em về thơm ngát
Vách trống không tranh sao nét vẽ đan xen
Nét vẽ trập trùng trên miền xa lắc
Tôi tìm tôi không thấy, nói chi em!

( Nhớ Bích Câu Kỳ Ngộ)

Hồng Băng

2014/03/21

TIẾNG HÁT VƯỢT THỜI GIAN : THÁI THANH


Gửi những ai yêu tiếng hát Thái Thanh để “vĩnh biệt linh hồn” người ca sĩ tài danh này: tuy bà chưa chết nhưng linh hồn Bà đã bị gã Alzheimer (là bệnh thoái hóa cả não bộ không hồi phục) cướp đi rồi. Bà hiện sống trong Nursing Home tại Hoa Kỳ.

Không chỉ một người, tiếp cận “hiện tượng” Thái Thanh từ góc độ “tiểu sử” - một tiểu sử “trải dài” vài thời kỳ lịch sử thăng trầm của đất nước, mà chủ yếu là “đất nước” VNCH trước 1975 - cùng toàn bộ gia tài đồ sộ năm bẩy trăm ca khúc bà đã hát từ dân ca, tình ca, tâm ca, bi ca, hoan ca, hùng ca, đạo ca…, đã gọi bà là tiếng “khóc cười theo mệnh nước nổi trôi“.

Cũng không chỉ một người, từ góc độ “thưởng thức ca nhạc”, mệnh danh bà là “tiếng hát vượt thời gian”, “giọng ca vàng không tuổi” – chính xác là “The Ageless Golden Voice“, như được in trên bìa một băng nhạc Sài Gòn xưa.

Những danh xưng ấy dành cho Thái Thanh tất nhiên không thuyết phục tất cả mọi người, mà chỉ đúng đối với những ai yêu mến bà. Vì sao ? Giọng hát của nữ danh ca này không dành cho những đôi tai:

-  không chuộng các “âm tần cao“
-  và/hay không chuộng các “cường độ biểu cảm - đặc biệt là bi cảm quá lớn” (gọi nôm na là “quá mùi“).

Tuy nhiên con số những kẻ yêu (giọng hát) Thái Thanh là không nhỏ, và trong số ấy cũng không hề thiếu những tên tuổi lớn các nhà làm văn học nghệ thuật (như nhạc sĩ Phạm Đình Chương, nhạc sĩ Phạm Duy, nhạc sĩ Cung Tiến, danh cầm Nghiêm Phú Phi, nhà văn kiêm nhà thơ Thanh Tâm Tuyền, nhà văn Mai Thảo, nhà thơ Nguyên Sa, …),cho nên những lời xưng tụng dành cho người ca sĩ ấy không thể “hàm hồ” được; chúng tất yếu phải “chính xác” và “xứng đáng”. Trong chủ quan hạn hẹp của người viết bài này, tiếng hát Thái Thanh có thể ví như một “đặc sản”, chỉ dành cho những kẻ “sành điệu”, đồng thời cũng từ chối quyết liệt những ai không là “đồng điệu”.

Bạn sẽ nhăn mặt : “Làm gì có một đặc sản như thế” ? Xin thưa rằng có : Quả sầu riêng ! Đúng vậy, mặc ai có thể “bịt mũi xua tay”, vẫn không hiếm người lõi đời “nghiện” nó, xem nó là “số Một“, và nó luôn là một trong những loại quả “quí và đắt nhất”. Vậy thì, vâng, có nhiều người tôi quen biết “nghiện” Thái Thanh (và nghiện cả sầu riêng) ! Thậm chí đối với họ chỉ có mỗi một mình Thái Thanh biết “hát”, còn những ca sĩ khác chỉ là “phát âm một cách khổ sở”. (Tôi nhớ đến truyện biếm “Tiếng hát” khi nghe ai phát biểu về Thái Thanh tương tự như vậy.)

Nói về “ngôi vị” của Thái Thanh trong giới ca sĩ Sài Gòn trước 75 có lẽ không ai chính xác bằng “người trong giới”, đặc biệt là một trong các danh ca hàng đầu thuở ấy – Lệ Thu.

Năm 1970, nhân chuyến tham dự khai mạc Hội Chợ Osaka, Nhật Bản, Lệ Thu đã trả lời phỏng vấn của báo chí : “Nếu chị Thái Thanh có mặt ở đây và hát, mọi người sẽ cúi đầu khâm phục !“. Cũng chính Lệ Thu, trong một ca khúc hải ngoại nhớ về Sài Gòn, đã “sửa” ca từ của một câu khi hát “Đâu rộn ràng tiếng hát Thái Thanh?” Kiêu ngạo và đắt giá nhất trong giới ca sĩ ngày đó, Lệ Thu chỉ chấp nhận “nghiêng đầu” trước Thái Thanh.

Sự thật thì sao ? Mặc dầu Thái Thanh đi trước cả về tuổi đời lẫn tuổi nghề so với hai diva Lệ Thu và Khánh Ly (cũng như với hầu hết các ca sĩ khác), giọng ca lẫn cách hát của bà vẫn “trẻ trung”, “hiện đại” và “độc đáo” nhất, đặc biệt với những ca khúc:
1) Chuyện tình buồn
2) Đạo ca 8-Giọt chuông cam lồ
3) Đạo ca 9-Chắp tay hoa
4) Đêm màu hồng
5) Ngày xưa Hoàng Thị
6) Ru ta ngậm ngùi
7) Tạ ơn đời
8) Tiếng hát to
9) Tình sầu Du Tử Lê

Tôi vẫn tin là bạn không cần nhìn các ca sĩ (Việt Nam) “làm trò” khi họ hát, mà chỉ cần nghe cách phát âm cũng đủ để phân biệt và xếp hạng họ là loại ca sĩ nào. Nhưng đối với Thái Thanh thì khác, bạn nên ngắm “khẩu hình” của bà lúc bà hát - cái cách bà cấu âm (articulate) từng “âm”, từng “chữ” - chuyển động của má, môi, cơ miệng, lưỡi, hàm (răng) trên, hàm (răng) dưới, xương quai hàm; điều đó tác động đến cả cặp lông mày, cũng như vầng trán, và tất nhiên rồi, cả đôi mắt nữa. Mà không chỉ thế, hãy nhìn thanh quản ở cổ, nhìn hai vai, và tay,.., của người hát.

Cách “phát âm” / “cấu âm” của Thái Thanh, bắt đầu từ “bộ máy phát âm”, đã tác động hoàn toàn tự nhiên đến các cơ trên mặt, rồi lan tỏa toàn thân. Khi hát, Thái Thanh như “đang bơi”, hay “đang bay”, (theo nghĩa đen) trong âm nhạc, và toàn bộ ngôn ngữ cơ thể của người ca sĩ ấy toát lên thông điệp này: Được cất tiếng hát, đối với bà, là Tất Cả – là Sự Sống, là Hạnh Phúc vô bờ.
Để thấy/hiểu phần nào niềm hạnh phúc của “Người Đàn Bà Hát” Thái Thanh, bạn có thể xem các clip này (và đừng quên rằng lúc ấy bà đã U70) :
1) Tình hoài hương
2) Cỏ hồng
3) Dòng sông xanh
4) Tình ca 
5) Hoài cảm

Trang này được mở ra không với mục đích nào khác hơn là để dành tặng cho những ai yêu mến tiếng hát Thái Thanh.
(Rất tiếc là chúng tôi không thể gửi tặng nó cho người ca sĩ ấy, vì bà đã vào ở hẳn một Viện Dưỡng Lão ở Hoa Kỳ từ mấy năm nay rồi).
Muốn nghe đầy đủ hơn các bài hát của Thái Thanh, xin click vào chữ "vào đây" dưới cùng.

Yên Huỳnh post (theo Con Cò)

 Những ca khúc khác:


NGÃ

Chẳng Tiên
Không Thánh
Vô Trời
Chỉ Tôi nên ngã bên đời nghiệt oan
Góc tình con nhện đa đoan
Chùn căng thưa nhặt vướng tràn trầm luân

Hương xưa lần dở nghìn trùng.

Hồng Băng