2018/03/12

Mộng M

Mặt trời lên, nắng chói ngoài vườn
Sao lòng ta như có vết thương
Đau đau trong ngực, cay trong mắt
Tự nhủ có chi đâu mà buồn

Người đã xa thì vẫn là xa
Nếu có lần tưởng người-của-ta
Hãy vui lần đó, thôi cũng đủ
Thuận duyên thì hết khổ đó mà

Chỉ vì chút linh hồn vi-diệu
Cảm mạo phong hàn theo nắng mưa
Lang thang đi khắp trong trời đất
Mãi kiếm tìm mà đã gặp chưa?

Tưởng đã gặp mà như chưa gặp
Tưởng như gần mà thật rất xa
Mơ hồ đi giữa cơn mộng mị
Hiện tại này vừa đến đã qua.

Khánh Hà

2018/03/08


Stamford, Connecticut/March 08, 2018
CÓ PHẢI?

Se lạnh như giáp Tết
Bầu trời trong veo xanh
Sợi gió mong manh thoảng
Xuân chập chờn loanh quanh?*

Cơn vui về len lén
Nhớ thuở tóc còn xanh
Sau Tết quay về lớp
Tóc thề phất phới quanh.**

Nhớ về chưa thỏa dạ
Tuyết lại trắng trời xanh
Đốt sưởi xua giá lạnh
Đông vẫn còn loanh quanh!***

Anh Tú
*    Ngày 28/02/2018
**  Ngày 02/03/2018
***Ngày 08/03/2018

2018/03/07


TÓC XƯA

Ngày nào nhặt tóc quanh đây,
Sợi nằm trong gối, sợi bay ra vườn.
Sợi dài buộc mối yêu thương,
Sợi ngắn cột lấy nỗi buồn xa quê.

Mượt mà một thuở tóc thề,
Gió lùa qua tóc mân mê vai mềm.
Sợi nào đánh rớt bên thềm,
Nhặt về chờ tối ru đêm giấc nồng.

Sợi nào sáng gội, chiều hong,
Gió đưa hương tóc qua song cửa mành.
Lạc vào ngõ vắng nhà anh,
Quen người quen cảnh, không đành rời xa.

Tóc nào đen óng hôm qua,
Gởi vào trang sách, bên ta mỗi ngày.
Sợi nào là sợi tóc mai, 
Loà xoà bên trán làm ai phải lòng.

Để mà sáng đợi chiều trông,
Sợi kề bên má, sợi hôn môi người.
Sợi nào từ thuở đôi mươi,
Tóc tơ se kết, tiếng cười nỗi đau.

Sợi nhìn ngày tháng qua mau,
Tóc xanh hôm trước, bạc màu hôm nay.
Tóc xưa giờ đã xa bay,
Sợi buồn ở lại, ngắn dài xót xa...

DVTh


2018/03/05



ĐÓN XUÂN
                                                                            
Chưa bao giờ tôi thấy nhớ!
quê hương tôi bằng bây giờ.
Bởi đất nước tôi là thơ,
của Nguyễn Du từ muôn thuở chưa mờ,
của Thanh Quan với đèo vắng chơ vơ,
chiều dừng bước ngẩn ngơ hồn non nước.

Người xa xứ với cuộc đời xuôi ngược,
một chiều Xuân bỗng nhớ nước thương nhà.
Bởi quê hương là mạch sống bao la,
mà thương nhớ đã hòa trong mạch máu.

Dù mùa đông thiếu áo,
dù mùa hè thiếu ăn.
Nhưng tình người vẫn chan chứa tựa vầng trăng,
và chất phát như giồng khoai liếp sắn.

Tôi yêu quê tôi vì nhiều cay đắng,
như tấm áo nghèo che nắng che mưa,
như bà mẹ quê vất vả sớm trưa,
như bác nông phu lam lũ cuốc bừa…
Quê hương tôi ơi, yêu mấy cho vừa!

Đêm nay giữa tối giao thừa,
Có người cúi mặt, nghe mưa trong lòng.
Nguyện cầu ơn Chúa hằng mong,
ban nhiều ơn phước tưới hồng quê con.
Để bao nỗi nhớ không còn,
có chăng chỉ tiếng cười dòn đón Xuân!

Thủy Trang

2018/03/04




Xuân chưa đi
Sao vườn thưa vạt nắng
Hờn vì ai… lặng lẽ bóng thời gian
Cúc nhạt hương, ủ rũ cội mai vàng
Cánh hoàng lan vẫn khoe màu áo mới

Xuân chưa đi
Sao gió chiều vời vợi
Bến hoàng hôn ai ngồi đợi chờ ai
Xa vắng xa nỗi nhung nhớ vơi đầy
Nhìn én bay nghe buồn thương khắc khoải

Xuân chưa đi
Sao ngoài trời mưa mãi
Bên song chiều cô em gái ngẩn ngơ
Hỏi ai chi dệt mộng giăng đường tơ
Cho hoa bướm say hương mơ tình thắm

Mai xuân đi
Nhờ gởi người ngàn dặm
Cánh hoa lòng tím thẫm nỗi niềm riêng
Vần thơ thương như suối chảy triền miên
Từ lá duyên ta trao chiều xuân muộn.

Yên Dạ Thảo
28.02.2018

2018/03/02

Ơi Em, Bắt Hồn Tôi Về Đâu…

Thoạt đầu, tôi định đặt tựa bài này là “Thiên đàng mơ mộng”, vì thấy thật đúng tâm trạng của những thằng học sinh Petrus Ký chúng tôi thời đó. Thời chúng tôi có rất nhiều thiên đàng mơ mộng: “Em theo trường về… áo dài tà áo vờn bay” (1).
1. “Thiên đàng” của những thằng tóc hớt ngắn, quần xanh áo trắng là nơi các nữ thiên thần áo dài trắng túa ra như lũ chim bồ câu sau giờ tan học của Trường Nữ sinh Gia Long. Thằng học sinh Petrus Ký Sài Gòn nào mà chẳng mơ được “mần quen” cùng một em áo dài.
Phượng vĩ và đàn bồ câu Áo trắng Gia Long ngày xưa 
Phía bên hông cổng Trường Gia Long, trước cổng chùa Xá Lợi, “cạnh tranh” với những chiếc xe bán bò bía, gỏi đu đủ là những chàng quần xanh áo trắng Petrus Ký đang gửi hồn qua cánh cổng thâm nghiêm có từ năm 1915 với cái tên thơ mộng “Trường nữ sinh Áo Tím”.
Nghe kể lại, trường được thành lập do đề nghị của nghị viên Hội đồng quản hạt Nam kỳ Lê Văn Trung cùng vợ của tổng đốc Phương và một số trí thức người Việt. Khóa đầu tiên (1915) trường tuyển 45 nữ sinh với đồng phục là áo dài tím. Những đời hiệu trưởng đầu toàn là người Pháp.
Năm 1949, nữ sinh Trường Áo Tím cùng nam sinh Trường Petrus Ký tổ chức bãi khóa kỷ niệm ngày Nam kỳ khởi nghĩa nên chính quyền đã đóng cửa trường. Năm 1950, sau một cuộc đấu tranh, biểu tình dài ngày với sự ủng hộ của phong trào học sinh lúc ấy, trường được mở cửa lại.
Đánh dấu sự kiện quan trọng này, sau bảy đời hiệu trưởng trường là người Pháp, lần đầu tiên trường có nữ hiệu trưởng là người Việt: bà Nguyễn Thị Châu. Năm 1953, Trường Áo Tím đổi tên thành Trường nữ trung học Gia Long. Áo dài tím được thay bằng áo dài trắng với phù hiệu là bông mai vàng. Chương trình giáo dục bằng tiếng Pháp được chuyển sang quốc ngữ.
Biết đâu chính “mối tình” gắn kết tranh đấu của Áo Tím và sau đó Gia Long trong những năm về sau đã gắn kết “trai Petrus Ký, gái Gia Long” trong những mối tình thật và ảo của lứa tuổi học trò. Hãy mơ đi những chàng trai Petrus về “thiên đường” tuổi nhỏ dại của mình!
2. Khoảng giữa thập niên 1970, bài hát Con đường tình ta đi của nhạc sĩ Phạm Duy làm xáo động những trái tim mới lớn với những lời ca mộng mị: “…Lá đổ để đưa đường/ Hỡi người tình Trưng Vương” Tôi không biết đó là lời cảm thán của chàng trai nào. Nhưng có lẽ thích hợp hơn xin hãy cho chàng trai ấy là người của Trường Chu Văn An. Như một mặc định, “trai Petrus Ký, gái Gia Long” thì nữ sinh Trường Trưng Vương lại là “của riêng” của những Nam sinh Trung học Chu Văn An mặc dầu hai trường cách trở về mặt địa lý một quãng đường khá dài.
Trường chàng thì ở tận nhà thờ ngã sáu, đường Minh Mạng, còn “thiên đường” của nàng là trường Nữ Trung Học Trưng Vương ở đối diện Sở thú – Thảo cầm viên, số 3 Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tội nghiệp cho nam sinh Trường Võ Trường Toản cùng ăn chung xe gỏi bò với các nàng nhưng chỉ đứng xa ngắm những chàng trường Chu Văn An đón nàng mà hát câu cảm thán: “Trưng Vương hôm nay mưa vẫn giăng đầy trời/ Bóng người thì mịt mùng/ Từng hàng me rung rung” (2).
Nữ sinh Trưng Vương – Lối xưa áo trắng hồn thu thảo (1960)
Có lẽ “nhân duyên tiền định” của hai trường này đều xuất phát từ “người phương Bắc”. Học sinh Chu Văn An đa số là người miền Bắc và Trường Trưng Vương cũng vậy. Điều này cũng dễ hiểu vì Trường Trưng Vương là ngôi trường có gốc gác từ Hà Nội.
Theo “gia phả”, trường được thành lập từ năm 1925, trên con đường Đồng Khánh, phía nam hồ Gươm mang tên Trường Nữ trung học (College de Jeunes Filles), ngôi trường nữ trung học đầu tiên và duy nhất của nữ giới miền Bắc. Vì nằm ở đường Đồng Khánh nên còn được gọi là Trường Đồng Khánh. Đến năm 1948 trường được chuyển đến đường Hai Bà Trưng (Hà Nội) và đổi tên là Trường Trưng Vương. Năm 1954, một số giáo sư và học sinh di cư vào Sài Gòn và thành lập lại Trường Trưng Vương.
Năm học đầu tiên phải học nhờ cơ sở của Trường nữ trung học Gia Long. Mãi cho đến năm 1957, Trường Trưng Vương dời về số 3 Nguyễn Bỉnh Khiêm (nguyên trước đó là Quân y viện Coste của quân đội Pháp).
“Hành lang ấy xa dần xa bước chân người – 
Một thoáng trường xưa đã nghe thời gian thoi đưa” … 
(Tình Thơ của Hoài An)
Bởi vậy ta không lấy làm lạ khi đây là một trong những ngôi trường mang đậm dấu ấn kiến trúc Pháp và được bình chọn là ngôi trường có kiến trúc đẹp nhất Sài Gòn. Nhờ là học sinh Trưng Vương nên mỗi lần làm lễ kỷ niệm Hai Bà, nữ sinh Trưng Vương được ưu tiên tuyển chọn làm Trưng Trắc, Trưng Nhị cưỡi voi trong lễ diễu hành.
Ngày lễ kỷ niệm Hai Bà Trưng – Sài Gòn trước 1975
Có lần đi xem lễ diễu hành trên đường Thống Nhất (nay là đường Lê Duẩn), khi hai nàng học trò Trưng Vương ngồi trên voi “phất ngọn cờ vàng” đi ngang, tôi thấy thằng bạn có vẻ phấn khích. Tôi hỏi: “Mầy thích “ghệ” áo vàng hả?”. Nó trả lời buồn xo: “Không, tao thích con voi. Bây giờ tao ước gì mình được làm con voi”.
Rồi nó cảm thán nhại theo thơ của Nguyễn Công Trứ: “Kiếp sau xin chớ làm người/ làm voi nàng cưỡi, cái vòi đung đưa”. Sau này tôi mới biết cô gái đóng vai Trưng Trắc – áo vàng đó đã cho chàng leo cây, “Trưng Vương vắng xa anh dần. Mùa thu đã qua một lần. Còn đây bâng khuâng”.(2) Ôi, tội nghiệp một thời mê gái !
3. “Áo dài trắng em mang mà anh nhớ…” đâu chỉ ở Sài Gòn. Ở một vùng trời tỉnh Gia Định, những chiếc tà áo của nữ sinh Trường nữ trung học Lê Văn Duyệt vờn bay thật nhẹ nhàng, thanh khiết. Tôi khoái chữ “vờn bay” của nhà thơ Phạm Thiên Thư hơn chữ “tung bay” của nhạc sĩ Từ Huy khi nói về chiếc áo dài của nữ sinh trung học. Chữ “tung” có vẻ gì đó mạnh bạo quá khi nói về chiếc áo dài vốn dĩ đằm thắm.
Thật thiệt thòi khi ngôi trường này không được nhắc đến trong âm nhạc hoặc thơ ca, có lẽ những chàng thi sĩ, nhạc sĩ chỉ thích tụ tập ở Sài Gòn mà bỏ quên một ngôi trường nữ làm đẹp và trắng khung trời Gia Định.
“áo ai trắng quá nhìn không ra”… (thơ Hàn Mặc Tử)
Từ Sài Gòn, xuôi theo đường Đinh Tiên Hoàng, quẹo tay mặt, qua cầu Bông một đoạn, nhìn sang tay trái là một ngôi trường kiến trúc kiểu hiện đại hơn trường Gia Long và Trưng Vương. Chuyện cũng dễ hiểu vì năm 1960, tòa tỉnh trưởng Gia Định đã dùng một khu đất trước kia là ao rau muống để xây dựng trường trên đường Lê Văn, gần Lăng Ông thuộc xã Bình Hòa (tỉnh Gia Định). Trước kia trường mang tên Trương Tấn Bửu, thành lập năm 1957, có hai lớp đệ thất một nam và một nữ, học nhờ tại trường nam tỉnh lỵ (nay là Trường THCS Lê Văn Tám).
Năm 1959, lớp nam sinh chuyển về Trường Hồ Ngọc Cẩn (nay là Trường Nguyễn Đình Chiểu). Khi xây dựng xong, trường được đặt tên là Trường nữ trung học Lê Văn Duyệt và chương trình học bắt đầu từ lớp đệ thất đến lớp đệ nhị. Học sinh nào đậu tú tài I sẽ chuyển sang học Trường Trưng Vương. Khoảng năm 1965-1966 trường mới có lớp đệ nhất. So với hai trường nữ đàn chị thì nữ sinh Lê Văn Duyệt nào có kém cạnh chi, cũng làm những chàng trai thốt lên: “Ơi em, bắt hồn tôi về đâu?”…
Có những chàng trai lãng mạn thì cũng có những chàng trai rất thực tế. Hiệp mập, thằng bạn của tôi, phát biểu: “Tao không lấy vợ là “ghệ” Gia Long, yểu điệu thục nữ quá cỡ, tao chỉ muốn vợ tao là nữ sinh Trường Sương Nguyệt Anh”. Tôi sửng sốt vì Trường nữ trung học tổng hợp Sương Nguyệt Anh mới vừa thành lập năm 1971.
Sau Mậu Thân 1968, một góc đường Minh Mạng, Sư Vạn Hạnh gần chùa Ấn Quang bị cháy rụi. Vài năm sau đó, chung cư Minh Mạng ra đời, phía bắc của chung cư, ngay góc đường Hòa Hảo, Minh Mạng (nay là đường Nguyễn Chí Thanh), Trường nữ trung học tổng hợp Sương Nguyệt Anh cùng được xây dựng.
Không phải thằng Hiệp mập không có lý của nó, vì nữ sinh trường này được học một chương trình giáo dục hoàn toàn mới. Đây là ngôi trường nữ đầu tiên tại VN với lối giáo dục theo phương pháp tổng hợp theo mô hình của các nước tiên tiến thời ấy. Song song với việc giảng dạy như các trường công lập khác, trường còn dạy thêm kinh tế gia đình (tức nữ công gia chánh, may vá nấu ăn), môn doanh thương (tức kế toán đánh máy), âm nhạc (đàn tranh, piano), hội họa, nghệ thuật cắm hoa, và cả môn võ aikido, vovinam.
Ngay từ năm lớp 6, nữ sinh Trường Sương Nguyệt Anh đã được học cả hai sinh ngữ Anh và Pháp khi mà học sinh công lập các trường khác chỉ được học một sinh ngữ. Trường được trang bị một phòng thính thị máy móc rất tối tân để luyện giọng chính xác với giáo sư ngoại quốc, một phòng thí nghiệm đầy đủ dụng cụ.
Với lối giáo dục mới mẻ này, sau bảy năm trung học, nữ sinh trường có cơ hội thành một thiếu nữ VN văn võ song toàn. Còn theo thằng bạn tôi, giúp ích xã hội được hay không thì chưa biết, nhưng chắc chắn là một bà xã biết dạy chồng bằng võ vovinam và tài nội trợ.
Sài Gòn, cùng với những trường nữ trung học công lập Gia Long, Trưng Vương, Lê Văn Duyệt, Sương Nguyệt Anh cũng còn trắng trời áo dài với những trường nữ trung học tư khác như Thánh Linh, Hồng Đức… đã nhốt hồn những chàng trai mặt bắt đầu nổi mụn trứng cá và vỡ giọng với những thổn thức “áo ai trắng quá nhìn không ra”..(thơ Hàn Mặc Tử)..
Những cô nữ sinh với những ngôi trường ấy đã là một phần hồn của chúng tôi, một phần hồn của Sài Gòn đã đào tạo những nữ lưu anh kiệt về các mặt chính trị, văn hóa, khoa học, và tiếp tục những nữ lưu anh kiệt lại là những anh kiệt nữ lưu khác.
Cảm ơn Sài Gòn đã có những ngôi trường ấy cho tôi nhớ. Cảm ơn Sài Gòn có những ngôi trường thiên đàng tuổi nhỏ dành riêng cho chàng trai mơ về những mái tóc, những chiếc áo dài trắng vờn bay… vờn bay!
Chú thích:
(1): Ngày xưa Hoàng Thị – thơ Phạm Thiên Thư, nhạc Phạm Duy. Ngày ấy, trên toàn miền Nam, đồng phục cho nữ học sinh là áo dài trắng, quần trắng (hoặc đen), nam học sinh là quần xanh, áo trắng và đeo phù hiệu mang tên trường trên áo. Không có đồng phục cho riêng từng trường như bây giờ. Lúc ấy chỉ có Trường trung học công lập Mạc Đĩnh Chi nam sinh và nữ sinh học chung.
(2): Trưng Vương khung cửa mùa thu – nhạc và lời Nam Lộc.
(*): Trường Gia Long nay là Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai. Trường Petrus Trương Vĩnh Ký nay là Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Trường Lê Văn Duyệt nay là Trường THPT Võ Thị Sáu. Trường Sương Nguyệt Anh nay là Trường THPT Sương Nguyệt Anh.


CÓ PHẢI?
1

Se se lạnh giáp Tết
Bầu trời trong veo xanh
Sợi gió mong manh thoảng
Xuân chập chờn loanh quanh?
(February 28, 2018)
2

Cơn vui về len lén
Nhớ thuở tóc còn xanh
Sau Tết quay về lớp
Tóc thề phất phới quanh.
(March 2, 2018)

Anh Tú

2018/02/28

Feb 28/2018 @ Stamford Connecticut-Đông Bắc Hoa Kỳ
CÓ PHẢI?
Se se lạnh giáp Tết
Bầu trời trong veo xanh
Sợi gió mong manh thoảng
Xuân chập chờn loanh quanh?

Anh Tú
February 28, 2018

2018/02/27

Related image
NGUYỆT LẠNH

Đánh thức dùm ta trăng của ta,
Chưa khuyết mà sao bóng nguyệt tà.
Đêm soi trên gối, giờ đâu thấy,
Có phải vì ta mắt nhạt nhòa?

Bao đêm say đắm khúc nghê thường,
Ngờ đâu giờ cất tiếng thê lương!
Trăng hỡi đêm dài chưa muốn sáng,
Hãy giấu dùm ta nỗi đoạn trường.

Xin cho đôi cánh để ta bay,
Tìm trăng mòn mỏi suốt đêm dài.
Hình đây sao vẫn chưa thấy bóng,
Không rượu nhưng mà muốn tỉnh say.

Say không men rượu giấc chẳng nồng,
Tỉnh thức mình ta chốn thinh không.
Trăng ta ai nỡ đem đi giấu,
Hay đã lạc vào cõi mênh mông?

Ta hẹn chờ trăng suốt canh thâu
Có lẽ từ đây đến bạc đầu
Gối lạnh từ ngày trăng xa vắng
Hãy chỉ cho ta trăng ở đâu?

Ta mộng trăng về từ nẻo xa,
Đêm nay ta đón trăng về nhà.
Trăng ấm giờ sao là nguyệt lạnh,
Thức dậy đi trăng, trăng của ta...



2018/02/26

Tác giả: Robert J. Lavery

Nếu Như Có Một Ngày

Nếu như một ngày bạn cảm thấy mình muốn khóc...
Hãy gọi cho tôi
Tôi không hứa
Sẽ làm cho bạn cười vang
Nhưng tôi có thể khóc cùng với bạn…
Nếu như một ngày bạn muốn bỏ chạy đi thật xa
Đừng ngại gọi cho tôi
Tôi không hứa rằng sẽ khuyên bạn đừng bỏ đi
Nhưng tôi có thể đi cùng với bạn…
Nếu như một ngày bạn không còn muốn lắng nghe ai nữa hết
Hãy gọi cho tôi, và
Tôi hứa sẽ hoàn toàn lặng thinh
Nếu như lúc nào bạn cần
Hãy gọi
Và tôi sẽ đến cạnh bên…
Nhưng...
Nếu như một ngày bạn gọi
Mà không ai trả lời...
Hãy đến gặp tôi nhanh
Vì có lẽ, tôi đang rất cần có bạn…

Robert J. Lavery



2018/02/25


Như Giấc Mộng

Như giấc mộng. Đời như giấc mộng
Ngẩn ngơ thương xót cõi người ta
Một thời xưa ngây thơ, hy vọng
Thoáng chốc đây, ngơ ngác tuổi già

Ngoảnh nhìn lại trùng trùng dâu bể
Bao người thân ái đã lìa xa
Cha mẹ, anh em đều khuất bóng
Tìm đâu thấy nữa một quê nhà

Quê người đất khách, ai ngờ được
Lê bước tha hương đến cuối đời
Em vẫn giữ ngôi đền quá khứ
Có tuổi thơ ta, kỷ niệm một thời.

Khánh Hà



2018/02/23


Hoa-Rác-Không*

Thưa anh, rằng có là không
Từ không thành có đời nồng lắm khi
Cứ vui chơi chờ lúc đi
Như hoa xinh đẹp đến khi hiểu rằng
Không gì tồn tại muôn năm
Trở thành rác rưới đau hằn tim tôi
Cuộc đời lên dốc xuống đồi
Đến đi đi đến có lời từ xưa.

Anh Tú
February 23, 2018
*Vay tên Hoa-Rác-Không và vần Lửa Hương Mùa Cũ, tất cả của Hồng Băng:

HOA-RÁC-KHÔNG

Bây giờ là mùng 4 Tết, ngày được ngầm xem là cuối cùng của lễ Tết. Buổi chiều, những giỏ hoa được thải ra ven đường, dù vẫn còn hương sắc.
Hoa, một biểu tượng quan trọng của mọi gia đình trong ba ngày Tết, giờ thì đã đến hồi báo tử! Lẽ tử sinh âu cũng là thường tình, chỉ có điều nó phủ phàng quá. Lằn ranh của rác và hoa quá mong manh. Trang trọng đó, tự hào đó và bạc bẻo cũng đó!
Câu chuyện tiếp diễn khi trong đêm mùng 4, tôi thấy vài cô gái, vài cụ già.. tiếp cận các giỏ hoa một cách vội vàng. Họ đang giành giật thời gian với đoàn xe thu gom. Các cô cắt vội hoa vạn thọ, cúc.. Các cụ thì trút phần đất còn lại vào bao mang theo. Hoa được đem vào chùa Tịnh Độ, đất dùng làm phân bón cây kiểng sân nhà.
Từ hoa, biểu tượng của cái đẹp, chợt là rác rưởi rồi biến thành chất trồng dinh dưỡng, thành vị thuốc cứu người...
Hoa- Rác-Không!
Chúng chỉ là.. tên gọi. Người ta đến từ Giả Danh, từ cái Không Thật...
Khổ thay, người ta lại tin đó là thật để tranh giành, để tự huyễn hoặc chính mình và miệt thị kẽ khác
Chợt nhớ lời kinh: cái gì có hình tướng thì không thật!

Facebook của Hồng Băng

2018/02/21

Thiết kế Hải Đường 2013

Họa:

Xuân Về Sưởi Em

Nương theo dòng chảy thời gian
Xuân về gặp lại gió ngàn trời xanh
mang trên cánh mỏng mong manh
mùa vui mở hội yến anh lượn đầy.

Nắng hồng sưởi ấm làn mây
sưởi em ngơ ngác hồn gầy tim suôn
cô đơn gối lẻ loi giường
cho tròn ân nghĩa cho vuông ái tình.

Long lanh đôi mắt thủy tinh
nụ cười e ấp hương bình minh xuân.*
Em vui chim chóc hót mừng
rộn ràng hoa bướm tưởng từng trải qua!

Anh Tú
Xuân 2018
*hương bình minh xuân” nhóm chữ của Phong Tâm.


2018/02/20

Núi, biển, em và anh

Ở một nơi núi thò chân xuống biển
Khoảng trắng nhỏ nhoi là bãi cát ta ngồi
Anh yêu núi còn em thì thích biển
Tự bao giờ núi và biển sánh đôi

Núi với biển cứ nhoài người ra mãi
Biển xô vào nên sóng vỗ âm vang
Anh yêu núi, anh ngồi ngăn sóng lại
Em dang tay, sợ núi lăn ra dần

Bãi cát ta ngồi nhỏ nhoi như vạt áo
Là đại dương của biển đấy em ơi
Là lũng thấp, đèo cao núi không leo nổi
Biển kề bên mà chẳng thể ôm vào

Cái khoảng cách giữa hai ta cũng vậy
Một gang tay dù vời vợi muôn trùng
Em xích lại hay chờ anh xích lại
Biển xô vào sao núi cứ phân vân ?

Nếu lỡ hẹn biển vẫn nằm nguyên đấy
Sóng ra khơi, rồi sóng lại quay về
Núi giận dỗi, núi chẳng đi đâu được
Trói buộc rồi tình ái với nhiêu khê

Em yêu biển nhưng em không là biển
Khi xa nhau đâu biết lối quay tìm
Anh yêu núi và anh không là núi
Bước chân nào đứng lại với thời gian

Cho nên núi dẫu thò chân xuống biển
Vẫn chừa ra một khoảng trắng ta ngồi
Anh yêu núi còn em thì thích biển
Vẫn để dành một nỗi nhớ chia đôi!

Phan Thị Thanh Nhàn

2018/02/18


Tượng chó Hachiko - biểu tượng về lòng trung thành ở Nhật
BÊN TƯỢNG CHÓ HACHIKO

Có một mùa xuân nào
Đường rợp bóng hoa đào
Ta trôi trong chiều lạ
Tay trong tay bên nhau

Giữa Tokyo tấp nập
Trước cửa một thương xá
Hachico trên bệ đá
Đứng đó tự bao giờ

Tượng con chó trung thành
Mỗi ngày đến sân ga
Mười năm vẫn đứng đợi
Dù chủ nhân khuất xa

Em ngồi bên tượng chó
Nhìn dòng người lại qua
Chờ anh, buỗi chiều đó
Và anh đã hiện ra...

Em biết, là lần cuối
Vì anh sẽ  qua đời
Như Hachiko em đợi
Anh cũng biệt tăm thôi

Đời vô thường biến đổi
Như nước chảy mây trôi
Một tấm lòng hoài vọng
Vàng đá gởi lại đời

Khánh Hà
Link đọc thêm:

2018/02/17

Như Mây Trắng Bay
Image result for Mây trắng bay
Rồi một ngày vết thương hết đau
Lòng thản nhiên, bình an biết bao
Thời gian sẽ chữa lành tất cả
Kinh nghiệm ngàn đời, chẳng phải sao ?

Năm mươi năm rồi sáu mươi năm
Ngoảnh nhìn thật đã quá xa xăm
Gánh hành trang nặng oằn kỷ niệm
Quảng đời xưa đó chợt mù tăm

Thì ra tất cả là ảo mộng
Vô thường, giả hợp kiếp nhân sinh
Bao nhiêu hạnh phúc và đau khổ
Bởi đắm chìm trong cõi vô minh

Đến đi, sinh diệt trong trời đất
Như mảnh trăng kia khuyết lại đầy
Chấp nhận vô thường là lẽ thật
Lòng nhẹ nhàng như mây trắng bay!

Khánh Hà

2018/02/16

Bài Thơ Đầu Năm

Người người náo nức đón tân niên
Vạn vật đẹp tươi khắp mọi miền
Dĩ vãng vừa qua quên khổ nhọc
Tương lai sắp đến ước bình yên
Đồng bào yêu dấu không đau khổ
Tổ quốc thân thương chẳng ngả nghiêng
Cầu nguyện Hùng Vương luôn hổ trợ
Việt Nam bền vững mãi thiên niên

Anh Tú
Mùng một Mậu Tuất 2018

2018/02/15

TRÊN ĐỐNG RÁC*
Thư pháp:Hoa Nghiêm_Ảnh:Mộc Thế Không
Internet

Chiều xuân muộn trải tâm tình khao khát
Máu thầm yêu rào rạt mảnh hồn trai
Tôi gặp em một mình trên đống rác
Tóc rối bời nắng nhạt phủ bờ vai

Em đào em bới
Em xới em moi
Đống cặn bã của vàng son nhung lụa
Dưới lớp rác hôi tanh và nhầy nhụa
Em đang tìm chén gạo cho ngày mai
Một cây đinh ngắn
Nửa mảnh sứ dày
Vài chiếc khoen đồng
Đôi con vít sắt
Người ta vứt của đời em cứ nhặt
Nhục hay vinh thây kệ chuyện trần ai

Một kẻ đi qua
Nhiều kẻ đi qua
Một chiếc xe qua
Nhiều chiếc xe qua
Người trên xe bịt mũi phất mùi xoa
Kẻ dưới lộ cũng cau mày rảo bước
Người ta sợ mùi hôi tanh ẩm ướt
Làm bợn nhơ nếp sống đượm xa hoa
Áo đẹp, khăn thơm, mắt biếc, tay ngà
Ai để ý làm chi trên đống rác
Đang triển lãm bức tranh đời bi đát
Đượm màu thương thời đại chửa ghi lời!

Người em thương yêu ơi!
Em có biết hay là em không biết
Rằng đất nước em giàu khôn kể xiết
Vô tận tài nguyên, phong phú hoa màu
Bạc nào mua cho hết lúa Cà Mau
Vàng đọng khối cao su miền đất đỏ
Cây trái ngọt bốn mùa thơm, béo bổ
Bờ Cửu Long hiền dịu tiếp phù sa
Bởi vì đâu bầu vú mẹ tuôn ra
Dòng sữa ngọt mà con không được hưởng?
Để cho em phải sớm chiều vất vưởng
Mảnh đời thơ làm bạn với hôi tanh
Cành hoa non ngào ngạt đượm hương lành
Nở gượng gạo âm thầm trong héo hắt

Nắng nhạt lần lần, một ngày sắp tắt
Em ra về, bóng nhỏ ngả xiêu xiêu
Mảnh thân gầy chập choạng trên đường chiều
Bên tấp nập dòng người xe cuộn chảy
Bỗng dừng bước em cau mày ái ngại
Một lão già hành khất mỏi hơi than
Giơ tay xin, lê lết tấm thân tàn
Trên hè phố, cạnh dòng đời lạnh lạt
Người ta phớt, người ta xua, người ta quát
Hoặc lắc đầu bình thản bước đi qua
Từ nhà ai văng vẳng một lời ca:
"Đời đẹp lắm, buồn đau đà rũ sạch!"
Em ứa lệ lần trong manh áo rách
Cầm trao cho tờ giấy bạc bèo nhèo
Bài thơ thương giữa những kẻ đói nghèo
Đâu ai thấy chói ngời trên đống rác!

Người em nhỏ mà tuổi thơ bi đát
Kéo lê thê trên đống rác ven đường
Má chưa hồng đã dạn gió dày sương
Môi chưa thắm đã héo cùng mưa nắng
Em đã rắc những ý tình cay đắng
Lên lòng tôi để kết lại thành thơ
Đắng mà thơm, ngào ngạt đượm hương mơ
Cay mà dịu, ngọt thanh tình nhân loại.

Đêm nay,
Mực chảy thành thơ giữa tiếng cười man dại
Ngoài đường kia ánh điện nở hào quang
Trải vàng son lên đại lộ huy hoàng
Tôi ngồi đây âm thầm trong hẻm tối
Trách tất cả gông cùm trên thế giới
Sao lại xiềng đôi cánh của tình thương?!...


Đại Chúng sưu tầm

*Chú thích: Được chép lại từ một cuốn sổ nhật ký của bậc lão thành. Nghe nói (lâu quá rồi không nhớ chính xác) đăng trên báo "Nhân đạo", Sài gòn 1951.