2019/02/18


BỐI RỐI MÙA ĐÔNG

Đông về trời mông lung
Trong không gian lạnh lùng
Còn có cây xanh lá
Mùa nào gây ...nhớ nhung ?

Bối rối ... buồn âm thầm
Đời vui được bao lăm
Nháy mắt xong một kiếp
Dù đời dài trăm năm.

Anh Tú
February 18, 2019

2019/02/09


CẢM HOÀI

Tôi mấy tuổi mà ngồi đây mơ mộng
Thả hồn trôi theo tiếng nhạc lời ca
Những tình yêu đã chết tự hôm qua
Những giọng hát đã già theo năm tháng

Ai đã viết bản tình ca lãng mạn
Bằng trái tim chất ngất nỗi sầu đau
Bằng tình yêu vời vợi tựa trăng sao
Bằng tinh túy ngôn từ và cảm xúc

Ai đã gởi hồn mình trong ca khúc
Như con chim ngữa cổ gọi trời xanh
Như sợi tơ trời run rẩy  mong manh
Từng âm điệu chạm vào hồn nhân thế

Đời tang thương qua mấy ngàn dâu bể
Người ngàn sau ai còn nhớ ngàn xưa
Bao mối tình đã nhạt nắng phai mưa
Rồi tất cả lắng chìm vào quên lảng

Tôi mấy tuổi mà vẫn còn lãng mạn
Trong  mơ thường về lại một bến sông
Đứng bơ vơ nhìn nước lớn nước ròng
Dõi mắt đợi một người trong cổ tích

Khánh Hà

2019/02/06


TẾT TÔI ĐÂU

Lâu quá quên về quê đón Tết
Vì sao? Chẳng rõ tại vì sao
Ngày về, đêm đến chờ không thấy
Tết tôi yêu dấu trốn nơi nào

Nơi nào... bên mẹ chờ mong Tết
N
ải chuối buồng cau may áo con
Nôn nả mặc vào khoe với bạn
Xóm quê con nít đón Xuân giòn


Xuân giòn vẫn đẹp thời chinh chiến
Ghi nhớ mãi hoài chẳng nhạt phai
 Tết tôi đi mất ... đi biền biệt
Chờ đợi mỏi mòn ai có hay


Có hay? Tết cổ truyền muôn thuở
Đầy ắp trong hồn lắm ý riêng
Vào đêm trừ tịch luôn thầm khấn
Non nước sinh tồn thiên vạn niên !

Anh Tú
January 15, 2019
Chờ Tết Kỷ Hợi

2019/02/01


CHIỀU CALIFORNIA

Chiều ra biển ngắm về Tây
Nhấp nhô sóng vỗ mây bay vật vờ
Hải âu đôi cánh ngu ngơ
Đại dương mút mắt đôi bờ cách xa

Đã bao nhiêu buổi chiều tà
Rưng rưng lệ ứa ngóng nhà mong quê
Tội người lắm nỗi ê chề
Thương tôi lưu xứ nhiêu khê dẫy đầy

Chiều ra biển ngắm về Tây
Hoa mai bên ấy dạo này nở chưa?

Anh Tú
Chờ Tết Kỷ Hợi
2019
Malibu,CA_Ảnh Anh Tú

DUYÊN THƠ NGÀY CŨ

Tôi thường "rong chơi" trên mạng ... tìm đọc những bài viết của mọi người như một cách giải trí. Gặp những bài văn , thơ hay thì tôi chép vào blog CHIA SẺ VUI BUỒN để giới thiệu với bạn bè cùng thưởng thức. Đôi lúc bài thơ nào chạm vào tim, tôi cũng "quơ bút"  cảm tác hoặc họa lại... dù "sáng tác" của mình thuộc loại "viết hay không bằng hay viết".
Như hôm kia bắt gặp  đâu đó bài thơ :

Em Đưa Xuân Về

Em về mua chịu thời gian
Ôm cây mừng tuổi bạt ngàn lá xanh
Áo vàng Mai, vạt mỏng manh
Thả hương xuống trọn đời anh thơm đầy
Em về giũ nắng, hong mây
Mơn tay vuốt sợi gió gầy thẳng suôn
Tóc thơm, thơm nhẹ đầu giường
Món quà thương gói trong vuông vắn tình

Hạt sương màu nắng thuỷ tinh
Bình minh trong suốt hương bình minh xuân
Em về cỏ lá hoa mừng
Đưa anh tới chỗ em từng băng qua !…
                 
Phong Tâm
Mùa Xuân 2013

... thấy hay quá bèn nổi hứng họa lại và post lên:

Xuân Về Sưởi Em

Nương theo dòng chảy thời gian
Xuân về gặp lại gió ngàn trời xanh
Mang trên cánh mỏng mong manh
Mùa vui mở hội yến anh lượn đầy

Nắng hồng sưởi ấm làn mây
Sưởi em ngơ ngác hồn gầy tim suôn
Đơn côi gối lẻ loi giường
Cho tròn ân nghĩa cho vuông ái tình

Long lanh đôi mắt thủy tinh
Nụ cười e ấp hương bình minh xuân*
Em vui chim chóc hót mừng
Rộn ràng hoa bướm tưởng từng trải qua!

Anh Tú
hương bình minh xuân” nhóm chữ của Phong Tâm.

...mà quên khuấy mất là có lần mình đã đọc và cũng như lần này mình đã họa cách nay vài năm:

XUÂN CA

Em về! Níu lại thời gian
Để em rực rỡ ngỡ ngàng trời xanh
Hoa quê Mua đẹp mong manh
Đơn sơ dâng hiến tình anh đong đầy!

Em về! Nắng dịu chân mây
Ngẩn ngơ gió đứng cây gầy tay suôn
Hương hoa thoang thoảng đầy vườn
Cho đời ngây ngất từng vuông tấc tình!

Em về! Ngàn giọt thủy tinh
Lung linh mát dịu thanh bình mưa Xuân
Côn trùng nôn nả lời mừng
Chào em trở lại nơi từng lướt qua!

NHA
(Với sự góp ý của NHV)
March 17, 2013

Phát hiện ra chuyện này khi tôi khoe với " chị xã nhà tôi" bài Xuân Về Sưởi Em thì chị ấy nhắc lại chuyện cũ <Bèn than "ôi ...mình đã già rồi"> và tôi tìm lại Link sau đây: 

2019/01/28



Ý NGHĨA TẾT NGUYÊN ĐÁN



Lại một lần nữa, năm hết, Tết đến, Xuân về. Tùy theo địa vị, tuổi tác và hoàn cảnh riêng, mỗi người có cái nhìn về Tết khác nhau. Người lạc quan thì "co cẳng đạp thằng bần ra cửa, giơ tay bồng ông phúc vào nhà." Người bi quan thì lo rằng "mỗi năm một tuổi như đuổi Xuân đi" bối rối về những ngân khoản phải chi phí "Tết đến sau lưng, ông vải thì mừng, con cháu thì lo" và e ngại "Thiên hạ xác rồi còn đốt pháo, thế tình bạc lắm vẫn bôi vôi". Cụ Nguyễn Khuyến, trong một bài thơ thất ngôn bát cú vần trắc đã tả cảnh Tết nơi quê cũ bằng những lời chân chất :
Năm ngoái, năm kia đói miệng chết Năm nay phong lưu đã ra phết Trong nhà nhộn nhịp gói bánh chưng Ngoài cửa bi bô rủ chung thịt Thóc mùa thóc chim hãy còn nhiều Tiền nợ tiền công trả chưa hết Ta ước gì được mãi như thế Hễ Tết rồi thì lại Tết.

Cụ Yên Đỗ nhìn cảnh tượng vui của cảnh dân làng sửa soạn đón Đông quân mà ao ước thế thôi. Dù có ước mong hay không chờ đón, Tết vẫn đến theo một chu kỳ nhất định, không nhanh, không chậm, thản nhiên, đến nỗi một thư sinh phải ngạc nhiên kêu lên :

Không dưng Xuân đến chi nhà tớ, Có lẽ Trời nào đóng của ai

Trong phạm vi bài này, người viết sẽ trình bày ý nghĩa Tết Nguyên Đán về hai mặt triết lý và nhân văn hầu như từ đó có thể rút ra được những bài học áp dụng trong đời sống hàng ngày.

Ý Nghĩa Triết Lý Xuân đến rồi Xuân lại đi. Mỗi độ Xuân về Tết đến, Xuân lại mang cho mình một cái tên mới.
Không biết trước khi hai họ Hy, Hòa làm lịch, mỗi năm đã có một tên chưa, nhưng từ khi có lịch phân chia ra tứ thời, bát tiết thì mỗi năm mới có một tên riêng. Xuân có 60 tên khác nhau, theo đúng một chu kỳ của vòng hoa-giáp. Lấy chữ đầu của thiên-can và địa-chi làm điểm khởi hành, ta có thứ tự các năm sau :
Thiên-can (10) -  Giáp - Ất - Bính - Đinh - Mậu - Kỷ - Canh - Tân - Nhâm - Quý Địa-chi (12) - Tý - Sửu - Dần - Mão - Thìn - Tỵ - Ngọ - Mùi - Thân - Dậu - Tuất - Hợi Có 10 thiên-can và 12 địa-chi. Thí dụ năm 1990 là năm Canh-Ngọ thì năm 1991 sẽ là Tân-Mùi, năm 1994 là Giáp Tuất, năm 1995 là Ất Hợi, năm 1996 là Bính-Tý, 1997 là Đinh-Sửu, năm 2000 là Canh-Thìn ... và cứ như thế tiếp tục cho đủ 60 năm (60 năm là bội số chung nhỏ nhất của 10 và 12). Mỗi năm người ta lại gán cho một con vật tượng trưng như năm Tý là con chuột, năm Sửu là năm con trâu, năm Dần là năm con cọp, năm Mão là năm con mèo (người Tàu dùng con thỏ để tượng trưng cho năm Mão), năm Thìn là năm con rồng... Người ta lại thường căn cứ vào cá tính của mỗi con vật mà suy đoán tình hình quốc tế và quốc nội cũng như cuộc đời, sự nghiệp và tính tình của mỗi người sinh nhằm vào năm đó. Tuy nhiên thuyết thập nhị cầm tượng này không đáng tin, nói chơi cho vui thì được, nhưng nếu căn cứ vào đó mà tin tưởng thì thật là một sự mê tín. Năm Ất Dậu là con gà  hiền lành đến như loài gà là nhất vậy mà sao vào năm đó (1885) kinh thành Huế thất thủ, vua Hàm Nghi phải xuất bôn để cho thực dân Pháp cướp nước ta. Cũng trong năm Ất Dậu (1945) hai triệu đồng bào ruột thịt của chúng ta bị chết đói bởi thực dân Pháp và phát-xít Nhật đã tịch thu hết gạo để cung ứng cho nhu cầu chiến tranh. Và cũng năm 1945 (năm con gà) Việt-Minh cướp chính quyền mở đầu cho 30 năm chiến tranh điêu linh, khói lửa, tang tóc để rồi kết thúc bằng sự xô đẩy gần 60 triệu đồng bào sống xuống cái khuôn xã-hội-chủ-nghĩa nghèo đói, ngu dốt, lạc hậu, lật lọng và ngoan cố. Hai mươi tám năm trước (1968) là năm Mậu Thân (năm con khỉ). Loài khỉ có tinh thần tập thể khá cao, vậy mà sao năm đó lại xảy ra biến cố Mậu Thân để cho toàn thể miền Nam Việt Nam chìm trong khói lửa và riêng ở Huế hàng chục ngàn người bị thủ tiêu và vùi dập trong những tấm mồ tập thể. Năm 1987 vừa qua là năm Đinh Mão tức là năm con mèo. Mèo vốn dĩ hiền lành chỉ lo bắt chuột giúp người và khi chết đi, theo lời của Phan Văn Trị, mèo còn để lại bộ lông giúp ích cho những thư sinh nghèo túng :
Trăm tuổi hồn đầu về chín suối Nhúm lông để lại giúp trò nghèo
Bút lông xưa làm bằng lông thỏ hay lông mèo. Bút lông thỏ thường đắt tiền nên học trò nghèo thường mua bút lông mèo. Một con vật hữu ích và hiền lành như vậy mà tượng trưng cho một năm thì tốt quá rồi còn gì nữa ! Ấy thế mà biến cố Ất Mão hai mươi mốt năm trước (30/04/1975) đã làm cho miền Nam Việt Nam sụp đổ, cả triệu người phải bỏ nước ra đi sống kiếp lưu vong nơi đất khách quê người. Thành ra thuyết thập nhị cầm tượng này chỉ để nói chơi cho vui thôi ! Dù tin hay không tin, dù ước mong hay không ước mong, dù chờ đón hay không chờ đón, cứ đủ ngày giờ, sau 12 tháng là Tết đến, Xuân về. Một đời người lấy 100 năm làm hẹn (nhân sinh bách tuế vi kỳ) thưởng thức nhiều lắm là một trăm cái Tết. Cụ Nguyễn Khuyến đã có một câu đối dán Tết sau đây diễn tả cái ý tưởng đó :
Có là bao ba vạn sáu ngàn ngày được trăm bận Tết
Ước gì nhỉ, một năm mười hai tháng cả bốn mùa Xuân.
 
Sự sắp đổi của thời gian, sự vận hành của vũ trụ, là do luật tuần hoàn chi phối. Trên đời này, không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời. Sông có khúc, người có lúc : Khổ tận rồi thì phải cam lai. Cùng khổ hanh thông, thịnh suy bĩ thái, thành trụ ngoại không, danh hư tiêu trưởng, không phải chỉ là những thành ngữ quen thuộc mà là cái triết lý sống đã ăn sâu vào tâm hồn của người Việt Nam. Thấm nhuần triết lý sống đó, cụ phó bảng Bùi Kỷ đã vịnh Xuân Kỷ Mão (1939) bằng bài thơ chữ Hán sau :
Doanh hư điệu lý thủy nhi cung Bất nhị thời cùng, thời bất thông Địa chuyển thiên hoàn nguyên hữu lý Dương tranh âm đấu khởi vô công Mạc hiềm phong cũ thôi tàn tuế Chính vị sơn hà hoán tiếu dung Lão tự hóa quân hoàn bất lão Niên niên xuân sắc điểm trang hồng 
Nhưng mà vượt lên trên mà xét lại thì sự thịnh suy bĩ thái, doanh hư tiêu trưởng, thành trụ hoại không chẳng qua chỉ là những bề mặt khác nhau của một nguyên lý bất biến : sự tồn tại thường trụ của vũ trụ vô cùng. Vật hữu bản mặt, sự hữu chung thủy. Vật nào cũng có gốc ngọn, việc gì cũng có đầu cuối. Nếu ta ở nơi biến đổi mà xét, thì vạn vật cũng biến đổi. Nếu ta ở nơi bất biến mà xét, thì vạn vật cũng bất biến :
Có thì tự mảy may Không thì cả thế gian này cũng không Xem như bóng nguyệt dòng sông Ai hay không có, có không thế nào
Mò trăng đáy nước, bẻ hoa trong gương, người đời lấy cái có làm không, lấy cái không làm có, không biết chân đấy mà cũng là giả đấy, không biết làm sao cho thâm tâm thanh sạch để có thể biết được tận cùng của cái biết. Thế nên Tô Đông-Pha trong bài phú "Tiền Xích Bích" mới viết rằng : "Chỉ có luồn gió mát trên sông, cùng là vùng trăng sáng bên trong núi, tai ta nghe nên tiếng, mắt ta trông nên vẻ, lấy không ai cấm, dùng không bao giờ hết, đó là kho vô tận của tạo hóa là cái thú chung của bác với của tôi". Nói cho cùng thì con người với vũ trụ đều có cùng một bản thể. Từ thái cực mới sinh ra lưỡng nghi, từ lưỡng nghi mới sinh ra tứ tượng, từ tứ tượng mới sinh ra bát quái, rồi từ đó mới có 64 hào mà biến hóa vô cùng. Tam tài có thiên địa nhân (trời, đất, người). Con người là một trong tam tài đã do từ cùng một thể mà ra thì tất có thể tương ứng tương cảm với nhau được. Vì thiên nhân tương dữ cho nên những biến đôỉ của trời đất cũng ảnh hưởng tới con người. Những năm có nhiều thiên tai (bão lụt, hạn hán, băng tuyết, động đất...) thường có nhiều biến động về chính trị. Khi thay đổi về thời tiết, cơ thể con người cũng bị ảnh hưởng theo. Thi sĩ Hàn Mặc Tử mỗi độ trăng tròn lại bị khốn khổ vì nỗi đau đớn của cơ thể do một trong chứng nan y gây ra. Các cụ già mỗi khi trái nắng giở giời thì lại thấy thân thể đau nhức (nhất là những người bị bịnh phong thấp) làm như các cụ là một thứ phong vũ kế vậy. Cho nên người xưa mới chủ trương rằng con người phải sống thuận với thiên nhiên. Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong. Thuận với trời thì còn, nghịch với trời thì mất . Thâm tâm do vậy không thể trái ngược với thiên lý. Người xưa nói rằng : Cũng nhân tâm ấy há thiên lý nào, cũng là do cái lẽ đó vậy. Con người ở các xứ Tây phương quá tin tưởng vào khoa học thực nghiệm đã phân tích, tìm hiểu, thử nghiệm sáng chế ra biết bao nhiêu điều mới lạ mà làm sao cái bệnh AIDS cho đến giờ này vẫn chưa có thuốc chữa. Mà nguyên nhân chứng bệnh này bởi đâu mà ra, nếu không phải là do những người hành động trái với tự nhiên mà có. Già yếu, bệnh tật, mệnh một là điều người Tây phương lấy làm lo lắng sợ hãi trong khi người Việt Nam chúng ta thản nhiên chấp nhận và coi đó như một sự tự nhiên. Các vị tôn trưởng gần đất xa trời thường được con cháu mua một cỗ áo tốt để sẵn trong nhà phòng khi hữu sự thì có sẵn sàng trong việc tống táng. Chẳng có ai coi quan tài là xui xẻo hay ghê sợ cả. Cho nên trong cái ý nghĩa triết lý về Tết ở Việt Nam, ta có thể rút ra được hai bài học : Thuận theo thiên nhiên mà sinh hoạt theo tự nhiên vì thiên lý như thế nào thì nhân tâm như thế ấy. Tin tưởng vào luật tuần hoàn của tạo hóa. Sự khó khăn nghèo khó hiện tại chỉ có tính cách nhất thời. Mùa Đông lạnh lẽo khắc nghiệt, u ám rồi sẽ qua đi để nhường chỗ cho một mùa Xuân tươi sáng.
Ý Nghĩa Nhân Văn Cũng bởi mùa Xuân là mùa của hi vọng của sự đổi mới, cho nên ý nghĩa về nhân văn của Tết cũng đáng để chúng ta suy ngẫm : 
1 - Sự giao cảm giữa trời đất và con người cùng thần linh. Mỗi năm vào dịp Tết đến, các vua chúa xưa mới làm lễ tế giao. Tế giao là lễ tế trời đất (Thiên-hoàng, Địa-kỳ). Trước Tết, khâm thiên giám chọn ngày tốt trong những ngày có số đơn (mồng) để trình vua. Vua định ngày và đích thân làm chủ tế. Theo tài liệu viết tay của thầy giảng Bénito Thiện còn tàng trữ trong thư viện Toa  Thánh Vatican thì trong lễ tế giao, vua chúa cầu xin trời đất cho thiên hạ được mùa và bá tánh được an lành. Vua chúa thì tế trời đất, các quan tỉnh, phủ, huyện thì tế thần linh địa phương, chức dịch trong làng thì Thành Hoàng, gia tướng thì lễ tổ tiên. Sau này đến đời nhà Nguyễn mới không tế giao những ngày đầu năm như các triều đại cũ. Ông vua cuối cùng của nhà Nguyễn trong lần tế giao cuối cùng lại tổ chức ở Cao nguyên chứ không phải ở kinh đô và dùng một đàn voi sống bao quanh tế đàn. Mặt khác, nếu để ý nhận xét về cấp bậc của người chủ tế, ta thấy có sự phân chia về thẩm quyền. Vua chúa thì cúng tế trời đất, các quan thì cúng tế thần linh trong địa phương địa hạt, lý trưởng hay tiên chỉ thì cúng tế Thành hoàng bản tổ và gia trưởng thì cúng tổ tiên ông bà. Trong làng đêm 30 Tết, các chức sắc trong Hội đồng Kỳ-mục cùng dân làng tụ tập tại đình làng cầu xin Thành hoàng bản thổ phù hộ cho dân làng được bình an, mùa màng được tốt, hoa lợi thâu hoạch được nhiều, súc vật được khỏe mạnh và sinh sản được nhiều. Gia trưởng thì cầu tổ tiên, ông bà, thổ thần, thổ địa phù hộ cho con cháu được khỏe mạnh, gia đạo được bình yên, mùa màng được tốt đẹp. 
2 - Không có biên giới ngăn cách giữa người sống và người chết. Theo giáo sĩ Marini, một giáo sĩ người Ý sống ở Đàng Ngoài vào giữa thế kỷ 17 thì vào lúc giao thừa mọi người phải mở rộng nhà cửa để đón tổ tiên ông bà về ăn Tết với con cháu. Giường chiếu phải dọn dẹp sạch sẽ để tổ tiên, ông bà nghỉ ngơi. Ngoài hiên nhà phải đặt một chậu nước sạch, một đôi guốc, hai cây mía. Oâng bà tổ tiên về ăn Tết với con cháu có nước sẵn để rửa chân, có guốc mới để đi và có mía sẵn làm gậy chống. Chiều 30 hay tối 30 làm lễ rước ông bà về ăn Tết với con cháu, sang mồng 1 cho đến hết ngày mồng 3, mọi người trong nhà thắp hương trên bàn thờ tổ làm lễ cúng gia tiên, mời tổ tiên về hướng cỗ bàn cùng với con cháu đồng thời cầu xin tổ tiên phù hộ cho con cháu được mạnh khỏe và làm ăn được tấn tới. Sau đó, con cháu chúc tuổi ông bà cha mẹ, đầy tớ chúc chủ nhà và ông bà cha mẹ mừng tuổi cho con cháu và gia nhân. Có lẽ vì vậy mà ở Việt Nam chỉ có mừng tuổi ngày Tết, làm lễ mừng thọ vào những năm 50, 55, 60, 70, 80 ... tuổi mà thôi. Năm nào vào dịp Tết đến cũng chúc tuổi người lớn, người già, mừng tuổi trẻ con thì còn cần gì đến sinh nhật như kiểu Tây phương. Tổ chức sinh nhật kiểu Tây phương có tính cách cá nhân còn chúc tuổi mừng tuổi kiểu Việt Nam có tính cách gia đình và toàn thể hơn. Xã hội Tây phương là một xã hội đấu tranh cật lực, cúc cung lao động, cần dùng đến sức mạnh của bắp thịt nhiều, cho nên những người ngoài 50 tuổi đến ngày sinh nhật thường không lấy gì làm vui vì cho rằng mình đã leo đến đỉnh đồi và bây giờ chỉ còn là thời kỳ tuột dốc. Trái lại, phong tục Việt Nam không như thế. Trong làng xã, ngoài chức vị tiên chỉ do những vị khoa bảng hay vị quan to hoặc chức cao cấp nhất đảm trách, còn có vị tiên chỉ lão tức là lão-ông có tuổi thọ cao nhất làng. Nhân tước đáng trọng nhưng thiên tước tức là tuổi thọ do trời ban cho con người còn đáng trọng hơn nhiều. Xã hội Việt Nam không coi con người là một bộ phận sản xuất, không nhìn con người như một phương tiện đầu tư mà luôn luôn tôn trọng con người một cách toàn diện. Tinh thần nhân bản của văn hóa Việt Nam chính là chỗ đó. Cũng trong ý niệm "thờ người lúc chết cũng như khi còn sống, lúc đã mất cũng như khi còn tại thế," ta còn tục tảo mộ chiều 30 Tết. Con cháu thường phát cỏ, đắp nấm, quét vôi mộ phần ông bà tổ tiên, cắm một vài nén hương, bày một vài đồ cúng trước phần một. Nếu người sống lau chùi dọn dẹp nhà cửa để ăn Tết thì tại sao không săn sóc phần mộ tức là nhà cửa của người quá vãng trong dịp Tết đến Xuân về ? 
3 - Tinh thần tống cựu nghinh tân. Tống cựu là tiễn đưa cái cũ, nghinh tân là tiếp đón cái mới. Tiễn đưa cái cũ không phải là khinh thường, coi khinh cái cũ. Cái cũ có giá trị của nó. Không có cái cũ thì làm sao có cái mới. Tuy nhiên muốn tiếp nhận cái mới phải có sự chuẩn bị. Ngày 30 Tết Tây Định Vương Định Tạc cùng các quan quân theo hầu ra ngoài vương phủ để đi tắm sông hoặc một căn nhà gần đấy hầu thanh tẩy cuộc sống dĩ vãng, đón nhận đời sống mới trong năm tới. Không kể tới cuộc thanh tẩy cơ thể, nhà cửa cũng phải được quét dọn sạch sẽ và trang hoàng cho đẹp. Với cây nêu, với những hình cung tên, cày bừa bằng vôi bột vẽ trước sân, với những câu đối mừng Xuân, với những bức tranh Tết, với những mâm quả tử, với những đồ tam sự, ngũ sự bóng loáng với hương đèn nghi ngút, với nghi phục mới tinh, mọi người còn chuẩn bị tinh thần cho mình để tiếp nhận một năm mới, với những luồng sinh khí và những nguồn hi vọng mới. Nguyễn Công Trứ lúc còn là một bạch diện thư sinh cùng khổ đến nỗi "ngày ba bữa vỗ bụng đau bình bịch, người quân tử ăn chẳng cầu no, đêm năm canh an giấc ngáy kho kho, đời thái bình của thường bỏ ngỏ" mỗi độ Xuân về Tết đến, vẫn không quên thắp sáng ngọn lửa hi vọng nơi tâm tưởng :
Tết nhất anh ni ai nói nghèo Nghèo mà lịch sự đố ai theo Bánh chưng chất chặt chừng ba chiếc Rượu thuốc ngâm dầy độ nửa siêu Trừ tịch kêu vang ba tiếng pháo Nguyên tiêu cao ngất một gang nêu Ai vui Xuân anh cũng vui Xuân với Chung đỉnh ơn vua ngày tháng nhiều. 
Cái tinh thần lạc quan, tin tưởng và hi vọng đó rất phù hợp với tôn chỉ quân tử ưu đạo bất ưu bần, bất oan thiên, bất ưu nhân (quân tử lo đạo chứ không lo nghèo, chẳng oán trời mà cũng chẳng trách người) sau này đã được tưởng thưởng xứng đáng.
Cũng trong tinh thần tống cựu nghinh tân đó phải kể tới tục phong ấn. Cuối năm, khoảng 25, 26 tháng Chạp, ấn dấu của vua chúa, quan quyền đều được lau chùi sạch sẽ cất vào hộp vì sẽ không dùng tới trong những ngày cuối năm và đầu năm. Khí giới của quân lính cũng được lau bóng và gác lên giá. Dùng binh khí trong những ngày này là sự bất tường. Qua năm mới, chọn được ngày tốt mới lấy ấn, dấu hiệu ra làm lễ khai bút, và khai ấn.
Tục đòi nợ cuối năm cũng nằm trong tinh thần trên. Ai có vay mượn công nợ gì phải lo thanh toán ngay trong năm cũ. Từ những đồ dùng nhỏ nhất mượn của nhau cho đến tư trang, tiền bạc, nếu đủ điều kiện phải lo trang trải cho thanh thỏa. Nếu không được sự đồng ý của chủ nợ cho khất lại. Nhược bằng không như thế, con nợ mà bị chủ nợ thúc dục, đòi hỏi vào những ngày đầu năm là sẽ bị không may, sẽ bị "dông" suốt năm.
Tục xông đất cũng vậy. Sáng mồng 1, chủ nhà thường hẹn trước một người khách hiền lành đứng đắn, lanh lợi vui vẻ đến sớm để xông đất. Người xông đất là người khách thứ nhất trong năm. Phải có người xông đất rồi, thì trong nhà mới mở cổng ngõ để đón tiếp mọi người và để cho người trong nhà ra đường. Người ta tin rằng, đức hạnh của người xông đất sẽ xua đuổi những cái xấu cũ ra khỏi nhà và đồng thời mang sự may mắn, hạnh phúc và thịnh vượng mới cho gia chủ.
4 - Biểu lộ tình hữu nghị, thân ái và bình đẳng. Trong 3 ngày Tết, người ta đi chúc tuổi nhau. Thường thì người dưới đi chúc tuổi người trên trước. Quan quyền đi chúc tuổi vua chúa trong buổi chầu sáng mồng 1. Quân lính đi chúc Tết Cai Đội và người chỉ huy. Quan nhỏ chúc quan lớn. Con cháu chúc cha mẹ ông bà chú bác. Học trò chúc Tết thầy. Quan nhỏ thường tự mình hoặc cử người thay mình đi chúc Tết cấp trên. Đồ lễ thường là thực phẩm : rượu, trà, gạo, cau, đường, trái cây, bánh, mức, heo, gà. Quân lính khi họp nhau để đến chúc Tết viên quan chỉ huy thường theo một nghi thức trang trọng : đi đầu là Cai Đội chỉ huy từ 2 đến 6 đội (mỗi đội khoảng 30 đến 60 người lính) rồi đến lính bưng một hộp gạo và khiêng một con heo mới giết đặt trên bàn để trước mặt quan. Viên quan ngồi giữa bàn thật oai nghiêm. Quân lính lạy quan sát đất 3 lần. Quan nhận đồ Tết rồi sai quân hầu cất đi, đoạn ban quà mừng tuổi cho lính. Số quà mừng tuổi cho lính thường tương đương với giá trị của quà chúc Tết quan. Các quan không phải gửi đồ đến chúc vua chúa nhưng quan nhỏ phải gửi quà tới Tết quan lớn. Do đó nhà quan lớn tràn ngập đồ Tết. Các quan này thường đem đồ biếu này chia xẻ với cấp dưới, họ hàng, bạn bè. Quà mừng tuổi của vua chúa cho các quan thường là một bộ phẩm-phục đặt trong một cái quả (hộp). Vua chúa sai người bưng quà tới ban đồ lễ cho các quan. Đi theo có lính hầu che lọng cho hộp phẩm-phục để tỏ sự cung kính món quà vua chúa ban cho.
Trong dân gian thì con cháu chúc tuổi ông bà, cha mẹ, chú bác, cô dì, anh chị, con rể chúc Tết gia đình bên vợ (thường vào ngày mồng 2), học trò chúc Tết thầy (thường vào ngày mồng 3), bởi thế có câu ca : 
Mồng một chúc Tết mẹ cha Mồng hai tết vợ, mồng ba tết thầy.
Người ta mừng nhau gia đạo bình an, thăng quan tiến chức, nhất bản vạn lợi, đầu năm sinh trai cuối năm sinh gái, tăng phúc, tăng thọ, vân vân... Vào nhà ai cũng làm lễ gia tiên, chúc mừng nhộn nhịp và được mời ăn. Không ai được phép từ chối, vì từ chối như vậy là coi thường gia chủ, là bất lịch sự. Dù có no cách mấy đi nữa cũng phải nhấm nháp chút rượu hoặc trà hoặc ăn một vài miếng bánh lấy may. Trẻ con được tiền mừng tuổi nên vui lắm. Ai ai cũng nói, cũng chúc những điều tốt lành nhất. Những điều hiềm khích, đố kỵ được dẹp qua một bên. Tất cả đều được chuẩn bị tiếp nhận một năm mới đầy thân ái và hữu nghị.
Như vậy ý nghĩa nhân văn của Tết Nguyên Đán đã mang lại cho chúng ta 3 bài học sau đây : 
- Không có biên giới ngăn cách giữa người sống và người chết, giữa thần linh với con người, trong những ngày mà Trời Đất và Người hòa hợp với nhau. - Tết đến là dịp của mọi người nhận biết vị trí đích thực của mình trong xã hội hầu có thể sống hòa bình thân ái với mọi người trong trật tự và kỷ cương. - Tết đến là dịp của mọi người dẹp bỏ những cái xấu, cái dở trong năm cũ hầu mưu cầu hoạch định một chương trình mới, với niềm lạc quan, tin tưởng và hi vọng trong năm mới.
Kết Luận Vào tiền bán thế kỷ này, một số nhà văn báo chịu ảnh hưởng của Tây học đã kịch liệt đả kích những cổ tục của chúng ta. Đành rằng có những cổ tục là hủ tục cần phải bỏ, nhưng trong những cổ tộc đó không thiếu gì những mỹ tục. Nhìn qua lăng kính khoa học của Tây phương, họ chỉ thấy những cái dở, cái rởm, cái lạc hậu mà không chịu suy nghĩ học hỏi sâu xa để tìm hiểu những khía cạnh của những thuần phong mỹ tục của một dân tộc đã có hàng ngàn năm văn hiến. Họ đã đi tiên phong trong việc phá vỡ những giềng mối kỷ cương, căn bản kiến trúc của một gia đình xã hội ta, mở đầu cho sự thành công của những người đi theo chủ nghĩa duy vật hiện nay ở quê nhà. Những người Việt ở hải ngoại, vì quốc nạn phải bỏ nước ra đi vẫn mang theo trong mớ hành trang một trời quê hương. Cái mà người ta gọi là văn hóa dân tộc ở quê nhà đã bị biến tính và không còn là văn hóa dân tộc nữa. Ở hải ngoại, chúng ta bằng mọi cách phải bảo tồn sự phát triển và nền văn hóa dân tộc đích thực, bất chấp những sự tấn công và lấn át dưới mọi hình thức xuất phát từ quê nhà hay quê người.

Gs Lưu Trung Khảo
Trích từ Sách " Giáo Sư Lưu Trung Khảo - Dưới Mắt Nhìn Của Bạn Bè, Xuất bản 12/2013) 

2019/01/19


VUI VỚI TÌNH ĐAU

Trải qua một thuở xuân thì
Tình yêu rộn rã mê si ngập hồn
Sớm mai vắng nắng bồn chồn
Cuối ngày thiếu khói hoàng hôn nhuốm sầu

Vuột nhau một sớm vì đâu
Ngó quanh rồi lại cuối đầu phân vân
Lần dò tìm đếm dấu chân
Trên đường lối cũ bao lần bước qua

Theo thời gian sẽ phôi pha?
Đất trời không thiếu phong ba chập chờn
Sóng ngầm đáy biển rình vờn
Dâng lên bất chợt gây cơn hận sầu

Ta đành vui với nỗi đau
Dù tim rướm máu lệ trào sá chi
Buồn phiền nào có ích gì
Cuộc đời tình đến tình đi lẽ thường.

Anh Tú
January 19, 2019

2019/01/17

Truyện cổ tích: Cái gáo dừa

Ngày xưa, ở một vùng nọ, có vợ chồng kia hiền lành và chăm chỉ, hai người lấy nhau đã lâu mà vẫn chưa có con, họ cầu Trời khấn Phật mãi nhưng vẫn chưa có kết quả.

Hôm ấy, sau khi hai vợ chồng đi lễ chùa về, trời đang nắng bỗng nổi cơn mưa lớn, sấm chớp nổ đùng đùng làm cả hai xanh mặt, vội vã chạy đến một cái miếu nhỏ ở bên đường để núp tạm tránh sét, khi chạy gần đến bậc thềm thì người vợ trợt té, úp bụng xuống đất.

Chồng thấy vậy thì hoảng quá, bồng vợ mang vào bên trong miếu, tưởng rằng vợ bị sây sát gì, nhưng người vợ bảo là chẳng bị trầy trật ở đâu cả, chỉ thấy hơi đau nhói một chút ở bụng mà thôi.

Mưa tạnh trời quang, vợ chồng đưa nhau về nhà và một tháng sau thì người vợ mang thai. Biết rằng Trời Phật đã nhận lời, hai người mừng vô hạn, bèn lấy một phần ba của cải đem đi bố thí cho người nghèo để đền ơn.

Đến ngày khai hoa nở nhụy, người vợ sinh ra được một thằng bé kháu khỉnh trong niềm sung sướng tột cùng. Người chồng bảo:

- Trời Phật đã thương mà nhận lời chúng ta, thì chúng ta phải cố sống làm sao cho xứng với tình thương ấy. Tôi dự tính trích thêm một số bạc nhà mình để sửa lại chùa, mình thấy thế nào?

- Thì mình tính sao em nghe vậy, ân đức này cao bằng trời biển, biết bao nhiêu mà sánh bằng được?

Và thế là ngôi chùa đã được người chồng bỏ tiền ra sửa sang lại khang trang hơn trước.Đứa bé đầy tháng thì ông mang đến lễ chùa tạ ơn và được đặt tên là Phúc để nhớ đến ân phúc Trời Phật đã ban cho vợ chồng họ.

Thằng Phúc chóng lớn và khôn ngoan thấy rõ, mới lên ba mà đã ăn nói như người lớn vậy, hai vợ chồng cảm thấy vô cùng sung sướng và hạnh phúc khi có một người con như thế.

Những tưởng cảnh đầm ấm này sẽ được dài lâu, ngờ đâu sự việc đến không như họ nghĩ, vì cũng năm đó, người vợ lâm bạo bệnh rồi đột ngột qua đời, dù người chồng đã tìm đủ thầy, chạy đủ thuốc.

Người chồng chỉ biết ôm con mà khóc, không ngờ tình cảnh lại thay đổi một cách éo le và nhanh chóng như vậy, mới hôm nào gia đình còn hạnh phúc tràn trề mà nay đã gãy gánh giữa đường, phải chịu cảnh gà trống nuôi con.

Sự đời như thế vẫn chưa yên vì cái rủi vẫn đeo bám ông, quá nhớ thương vợ và khóc lóc nhiều nên mắt ông sưng lên, vài tháng sau thì mờ dần, không nhìn rõ được.

Năm đó lại xảy ra hạn hán, mất mùa, người ăn xin đông như kiến, ông lại có tính hay giúp người nên cơ ngơi của ông cứ thế mà vơi dần. Nạn đói đã bắt đầu xảy ra, người ta giành giật nhau từng củ khoai, bụi sắn mà không còn nghĩ gì đến tình làng nghĩa xóm.

Thấy ông bị mờ mắt, con trai thì còn nhỏ dại, bọn gia nhân của ông ngày trước đói quá hóa liều, đêm hôm ấy chúng đột nhập vào nhà bắt trói cha con ông lại rồi tha hồ vơ vét thóc lúa bạc tiền. Không nhìn thấy gì nên ông chỉ biết tri hô lên cầu cứu, bọn ác nhân liền phang ông một gậy để ông im miệng vì sợ lộ tung tích, thằng bé Phúc còn nhỏ quá nên chỉ biết sợ hãi nhắm tịt mắt lại rúc vào người cha để tránh nạn. Bọn cướp vét hết tài sản của ông rồi bỏ đi, để lại thằng bé khóc lóc ngơ ngác bên xác cha mình. May mà ông chỉ bị ngất đi chứ không chết. Khi người làng hay tin đến cứu thì bọn cướp đã cao chạy xa bay, giờ đây cha con ông chỉ còn cái xác nhà không và mảnh vườn trơ trụi. Ông ôm lấy con mà an ủi:

- Cu Phúc đừng khóc nữa. Bố còn sống đây là được rồi. Thế nào bố cũng có cách gầy dựng lại, cho con ăn học thành người…

Tuy mắt bị mờ, không còn nhìn thấy rõ, nhưng ông vẫn không chịu thua số phận, cố gắng hy sinh tất cả vì con.Thấy con đói, ông lùng sục khắp nơi để lặt từng mớ rau, dò dẫm đào từng củ khoai, củ chuối, lặn lội mò cua bắt ốc để nuôi con qua ngày đoạn tháng.Trời cũng không phụ lòng nên cha con ông vẫn sống sót được, thoát qua khỏi mùa đói khắc nghiệt năm ấy. Ông làm lại từ đầu để gầy dựng cơ nghiệp và lo cho con ăn học, dù có phải làm thuê làm mướn, cực khổ trăm bề, ông cũng không từ nan bất cứ việc gì, miễn sao có cái ăn cho thằng Phúc và gởi nó theo học với thầy đồ trong làng, vui cùng chúng bạn cùng tuổi.

Năm tháng qua đi, Phúc mỗi ngày một khôn lớn và người cha mỗi ngày một già đi, ông vẫn âm thầm lo cho con ăn học mà không quản khó nhọc và sức lực hao mòn. Ngày con trai lên kinh ứng thí là ngày người cha mừng đến rơi nước mắt, vì ước vọng của ông bao lâu nay đã thành hiện thực.

Con đi rồi, ông lần ra thắp hương nơi mộ vợ mà rằng:

- Xin mình chứng giám cho lòng thành của tôi, có thương con thì cầu xin cho nó được đỗ đạt, làm quan vinh hiển để đổi đời cho nó, còn tôi thì phận già ra sao cũng được. Trước sau sống đời chung thủy với mình, vui vầy sớm hôm với con với cháu.

Quả nhiên, người con trai đỗ á khoa kỳ thi năm ấy và được cử làm quan tri huyện trong vùng. Người cha nghe tin mừng không kể xiết, thế là tâm nguyện đã thành, ông nghĩ vợ mình chắc cũng đang mỉm cười nơi suối vàng khi biết con trai đã công thành danh toại.Quan tri huyện Phúc nhậm chức được hai năm thì lấy vợ, nàng là con gái của một phú ông trong vùng, do đó mà cuộc sống cũng khá giả và hạnh phúc.Khi con đã thành đạt thì người cha bây giờ mắt đã lòa đi nhiều, bao nhiêu sức lực đã hao phí khi còn trẻ để làm lụng lo lắng cho con, bây giờ tuổi già, sức yếu, chẳng làm gì được, chỉ biết sống bám vào con trai cho trọn vẹn tuổi già.Quan tri huyện thấy cha đã già yếu, nên lo lắng chăm sóc cho cha rất chu toàn, khiến người cha lấy làm mãn nguyện và sung sướng trong lòng vì mình đã có một người con hiếu thảo.

Ngày tháng trôi đi nhanh như vó câu băng qua cửa sổ, vợ chồng quan tri huyện cũng có một người con trai xinh xắn và dễ thương như vợ chồng ông ngày trước.Mặc dù mắt ông đã mờ nên ông không nhìn thấy rõ gương mặt cháu nội, nhưng ông cũng mường tượng ra được ít nhiều qua tiếng nói, cử chỉ, ông thấy thằng bé cũng thông minh và sáng dạ như thằng Phúc khi xưa, gia đình ông lại đầm ấm và tràn ngập tiếng cười.

Ngày đứa cháu nội lên bốn thì sức ông đã yếu lắm, tay chân run lẩy bẩy, mỗi lần ăn uống thật là khó khăn, mắt mờ nên ông không nhìn thấy, làm thức ăn đổ trong đổ ngoài, người con dâu phải dọn dẹp mãi nên lâu ngày thành ra khó chịu.Đã vậy cứ đôi ba hôm ông lại làm rơi vỡ một cái chén, vì tay ông cứ run cầm cập nên không giữ chặt được, ông cũng lấy làm ngại lắm nhưng không biết làm thế nào vì sức mình đã yếu lắm rồi. Người con dâu thấy vậy tiếc của nên không dám dọn chén kiểu cho ông nữa vì ông cứ làm rơi hoài, cô nàng thay bằng chén sành để lỡ có đánh rơi thì cũng ít hao hơn. Quan huyện lúc đầu không đồng ý, nhưng sau cũng nghe theo lời vợ vì nghĩ rằng mắt cha đã mờ, đâu có phân biệt được chén kiểu hay chén sành.

Nhưng rồi chồng chén sành cũng ngày một vơi đi vì ông cứ đánh rơi mãi khiến vợ chồng quan huyện không biết xử trí thế nào nữa.Người vợ bèn nghĩ ra một cách, liền bảo chồng:

- Hay là ta kiếm cái gáo dừa làm chén để dọn cho cha ăn, nếu lỡ rơi xuống đất thì cũng đâu có bể, khỏi phải mất công thay chén khác.

- Không được, ai lại làm thế với cha bao giờ! Thiên hạ biết được thì còn coi mình ra gì.

- Nhưng cứ mỗi ngày đánh rơi một cái thì làm sao mình kham nổi, vả lại mắt cha mờ nên có thấy gì đâu, chén gì thì cũng vậy thôi.
Người chồng cứ phân vân mãi, nhưng rồi thấy vợ nói cũng phải, nghĩ rằng chắc cha cũng chẳng nhìn thấy gì nên giấu mọi người trong nhà, lấy cái gáo dừa đẽo gọt miệng cho phẳng để làm chiếc chén theo như lời vợ. Đứa cháu nội ngạc nhiên khi nhìn thấy chiếc chén cơm của ông làm bằng gáo dừa, có rơi xuống đất cũng không bị bể, nó cảm thấy lạ lắm, nhưng không lộ ra nét mặt nên bố mẹ nó đâu có biết. Mỗi lần ăn cơm, cầm chiếc chén trên tay, ông nhận ra ngay đó là chiếc gáo dừa, nhưng ông không nói ra vì sợ mất mặt con mình, dù sao con trai mình cũng là tri huyện trong vùng. Tuy vậy, trong lòng ông đau như bị muối xát, chỉ biết âm thầm nén lại mà thôi.

Hôm nọ, quan tri huyện đi công cán ở xa về, nghe lục đục bên hông nhà liền cùng vợ bước đến xem, họ thấy con trai mình đang cầm dao đẽo gọt hai cái gáo dừa khô…Họ lấy làm lạ hỏi:

- Này, con đang cầm dao nghịch gì thế? Không khéo đứt tay bây giờ!Đứa bé hồn nhiên bảo:

- Dạ con đang bắt chước cha đẽo gọt hai cái gáo dừa này thành hai cái chén, phòng khi sau này cha mẹ già yếu dọn cơm cho cha mẹ ăn, lỡ có đánh rơi cũng không bị bể cha ạ.

Hai vợ chồng nghe vậy thì điếng cả người, không ngờ con trai mình lại nói thế, nhưng không trách nó được, vì nó nói đúng quá.

Lòng hiếu thảo và tình thân chợt dâng đầy,
 vợ nhìn chồng, rồi chồng nhìn vợ, cả hai bật khóc, họ hối hận vì những sai lầm của mình đối với người cha già đáng kính, đã hy sinh trót một đời vì mình.Thế rồi hai vợ chồng chạy vào trong phòng, quỳ sụp dưới chân người cha mù lòa, vừa khóc vừa nói:

- Cha ơi, xin cha hãy tha lỗi cho chúng con, cha đã hy sinh một đời vì con, thế mà chúng con đã ngu ngốc khi đối xử với cha như vậy…

- Dù muôn nghìn chén vàng chén bạc cũng không sánh nổi lòng cha đối với chúng con. Vợ chồng con nguyện khắc dạ ghi tâm và xin cha tha cho tội bất kính này.Từ đó vợ chồng người con đối xử với cha rất là hiếu thảo cho tới ngày ông qua đời.

Chuyện đứa bé gọt cái chén gáo dừa kia đã thức tỉnh lòng ta đối với đấng sinh thành, vì công ơn ấy cao tựa Thái Sơn, biết lấy gì bù lại cho xứng được?


2019/01/16

Ảnh: Anh Tú
TUỲ DUYÊN

Tôi làm thơ để qua giờ
 Để qua ngày đợi tháng chờ năm mong
Bao xuân hạ rồi thu đông
Một mình đi giữa mênh mông đất trời
Khác gì hạt bụi chơi vơi
Giữa đời gió bão đâu nơi an bình
Đảo điên bám lấy chút tình
Sắc không, không sắc, quên mình là ai
Tứ đại giả hợp hình hài
Mong manh như giọt sương mai đầu cành
Không ngừng cảm thọ diệt sanh
Tùy duyên mọi sự an lành thân tâm

Khánh Hà
2019
Image may contain: tree, sky, outdoor and nature
THU TÀN

Chiều vàng, cây đứng trơ cành
Suối con in bóng trời xanh cuối ngày.
Nghe chừng có sự đổi thay
Người đi kẻ đến chốn này nay mai.


Anh Tú
Thu 2018
*Ảnh chụp năm 2017 tại Stamford, Connecticut, Hoa Kỳ
̣

2019/01/13


VÀO ĐÔNG

Tàn thu mây xám miên man
Lá xanh theo lối mòn: vàng, khô, rơi!
Giao mùa lắm nỗi chơi vơi
Nhẹ lòng khi nắng hồng mời niềm vui.

Vào Đông chợt thấy ngậm ngùi
Dòng đời vẫn phải ngược xuôi sáng chiều
Tha hương gục mặt buồn hiu
Thả hồn thơ thẩn liêu xiêu nhớ nhà .

Thu đi cho Đông la đà
Gió lạnh ngày ngắn sương sa đêm dài
Cành trơ chào tuyết trắng bay
Bạc đầu hoài niệm về ngày xa xưa.

Anh Tú
December 13, 2018

TÔI ĐÃ...

Như mùa Xuân lá hoa khoe sắc thắm
Như mùa Hạ ve cất tiếng râm ran
Như mùa Thu rừng cây phủ lá vàng
Như mùa Đông tuyết trắng trời giá lạnh

Tuổi vào đời sáng mĩm cười cùng nắng
Chào hoàng hôn với mộng ước xa xôi
Thương tóc thề thích đuôi mắt bờ môi
Không màn đến chuyện giàu sang giai cấp

Đâu biết trước mặt vô vàn khuất tất
Gió đổi chiều chỉ biết đứng ngẩn ngơ
Lại lên đường đeo đuổi những ước mơ
Hạnh phúc lắm khoảng đời vô tư lự!
****
Sáng nay muốn ngoảnh đầu quay ngó lại
Thời gian dài hun hút vất vả qua
Có khoảnh khắc tựa như một bóng ma
Chợt chập chờn hiện ... múa may đùa cợt!

Anh Tú
January 13. 2019

2019/01/08

2019/01/05


HÌNH NHƯ...

Lục bình trôi theo dòng sông
Vui cùng con nước... lớn ròng quanh năm?

Trên trời trăng non trăng rằm
Khi lu khi tỏ … phải chăng vui buồn?

Sáng chiều vang vọng tiếng chuông
Khuyên răn nhân thế... sống luôn hoà bình?

Kiếp hoa rực rỡ đẹp xinh
Điểm trang đời … để niềm tin mãi còn?

Máu hồng cho đỏ lòng son
Trăm năm một kiếp ...có còn thế không?

Ngoài trời lạnh lẽo mưa giông
Vui chăng ...tuyết vắng vào Đông mùa này?

Anh Tú
Jan 5, 2019