2014/05/15


MỘ HÀN MẶC TỬ - GỀNH RÁNG


Kỷ niệm ngày viếng mộ thi sĩ Hàn Mặc Tử - 11.05.2013










Nguồn: http://yendathao.blogspot.com/


HỎI RẰNG BẾN ĐỖ XA GẦN... 

Gánh sầu mai thả trôi sông
Niềm vui gom nhặt, lệ lòng ngừng tuôn
Hồng trần một kiếp vô thường
Mệnh người sinh tử, ai lường ngày sau

Nếu đời tựa đóa sầu đâu
Mai treo trước ngõ, giũ sầu rụng rơi
Nếu tình như áng mây trời
Gởi theo cánh gió về nơi cõi buồn

Nếu mai sóng gợn, gió cuồn
Thuyền mơ nghiêng ngả, mưa buồn tràn dâng
Hỏi rằng bến đỗ xa gần
Cho thuyền ghé lại sưởi vần lạnh thơ?
 

Yên Dạ Thảo

2014/05/14

NAM QUỐC SƠN HÀ 


   


南 國 山 河 南 帝 居 

截 然 定 分 在 天 書 

如 何 逆 虜 來 侵 犯 

汝 等 行 看 取 敗 虛 

李 常 杰



NAM QUỐC SƠN HÀ

Nam quốc sơn hà Nam Đế cư 
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư 
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm? 
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư!



Lý Thường Kiệt

NON NƯỚC VIỆT NAM

Sông núi nước Nam Vua Nam ở
Rành rành định phận tại sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.

*Bài dịch trong sách giáo khoa
***
Non nước Việt Nam vua Nam ngụ
Sách trời ghi rõ tự ngàn thu
Nếu quân thảo khấu lăm le chiếm
Đại bại quân bây kẻ quốc thù!

*Thoáng dịch AT
5/14/14

2014/05/11

Cầu Ngãi Xuyên

SÔNG QUÊ

Mai về xứ Ngãi Xuyên tôi
Hỏi cây cầu cũ còn soi nước đầy
Vạt hồng áo cưới ai bay
Giữ dùm tôi chút những ngày em xưa

Dẫu rằng trăng rụng trong mưa
Chùm hoa tím dại gió đùa nhặt hương
Dặm dài cánh mỏi còn vương
Lá đan bóng rợp vòm truông hững hờ...

Hồng Băng
TRUNG QUỐC CÚT KHỎI BIỂN ĐÔNG!

be-3894-1399776970.jpg
vnexpress.net

http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/nguoi-dan-ba-mien-tuan-hanh-phan-doi-trung-quoc-2989072.html

2014/05/10

LIÊN KHÚC MẸ HAY NHẤT
Phương Mỹ Chi

NHỚ MẸ

Kính dâng hương linh Từ Mẫu nhân ngày Lễ Mẹ

Nhớ Mẹ ! Mẹ ơi ! nhớ suốt đời !
Không riêng ngày Lễ Mẹ mà thôi.
Thương con nào kể thân cơ cực
Yêu trẻ thiết gì chuyện nghỉ ngơi.
Ôi nghĩa sinh thành chưa báo đáp
Mà ơn dưỡng dục chẳng đền bồi.
Sụp đầu lạy tạ tuôn trào lệ
Có thấu lòng con hỡi Mẹ ơi?

Mother's Day 11 /5/ 2014
Quang Tuấn

2014/05/09

CHIẾC LÁ THU PHAI
Hoà tấu: Nguyễn Đức Đạt (Nhạc sĩ khiếm thị với Tây Ban Cầm) & Luân Vũ(Vỹ Cầm)

LẨN THẨN

Nói ra đều mình nghĩ
Là sự việc bình thường
Ảo hay không ảo tưởng
Tất cả là vô thường.

Quả tim còn máu đỏ
Mạch di chuyển quanh co
Thì hiện hữu còn đó
Ta vượt sông qua đò.

Trách người và tự trách
Là khúc khuỷu quanh co
Thói đời theo đường đó
Dẫu nhọc nhằn âu lo.

Anh Tú
May 9, 2014

Kìa ! Trăng Lên Bao Giờ !
(cảm tác Lẩn Thẩn của Anh Tú)
Thơ thầy hừng máu đỏ
Chảy khúc khuỷu quanh co
Đọc sao nghe ngồ ngộ
Như vượt sông qua đò...
Trách người hay tự trách
Mơ hoài sống tự do
Tuyết Đông về trước ngõ
Lạnh lẽo câu hát hò.
Xa nhau không gặp mặt
Lẩn thẩn lại làm thơ
Thầy ơi ! Vui lên nhé
Kìa ! Trăng lên bao giờ !
Dương hồng Thủy
20/11/2018


SẦU…

Nắng trải lụa vàng trên lá xanh,
Gió lùa mây trắng cuối trời thanh,
Sầu chợt dâng cao hồn lữ khách,
Ngậm ngùi cho số kiếp mong manh.

Mặc Thái Thủy
Dogdge  CityKansas 1990

2014/05/08

TRUNG QUỐC XÂM LƯỢC VIỆT NAM


THUỞ  XA XÔI

Vi vút thời gian đã lướt qua.
Hôm nay tóc bạc…phủ đầu ta
Không còn xuân nữa già đà đến
Ngồi nhớ những thời dỉ vãng xa.

Luyến ái tuổi thơ nào biết gì
Tròn trăng đã biết…chẳng rành chi
Lớn lên vương vấn và lưu luyến
Một thuở vui buồn những mộng si.

Có chuyện hai người một nửa nhau
Đêm nằm thao thức nhớ trăng sao
Chờ cho mau sáng tìm tay nắm
Đôi mắt nồng nàn âu yếm trao.

Cách biệt nghìn trùng bỗng xãy ra
Hai người đành chịu chuyện chia xa
Ngày này nhớ lại thời xuân trẻ
Cố nén niềm đau: mất tuổi ngà.

Anh Tú
May 8, 2014

2014/05/07

HẠ VÀO THƠ*

Thi sĩ đem hạ vào thơ
Khiến hồn người phải ngẫn ngơ …nhớ về
Một thời sống giữa đam mê
Mắt liếc, tóc thề, má lúm, môi son
Một thời những mối tình con
Vụng về đánh mất nay còn nhớ nhung
Hởi người đồng điệu hãy cùng
Hát lên Hạ khúc rưng rưng ngõ hồn.

https://anhtuvaban.blogspot.com/2014/05/tho-vao-ha-nang-ep-lam-em-oi-ngay-chom.html

2014/05/06

ĐÔI MẮT NGƯỜI XƯA
Trình bày: Quang Lê
TÂM TÌNH TỐNG PHƯỚC HIỆP

Tùy Bút

Có ai đó đã nói “chỉ có nơi nào cho ta nhiều kỷ niệm, nơi đó mới nằm trong hoài niệm của mình” .  Vĩnh Long, với tôi,  như một quê hương thứ hai. Tôi về đó ngay sau tốt nghiệp, từ năm 1970.  Ở đó có quá nhiều kỷ niệm khiến tôi thấy như thiếu mất chuyện gì khi về Việt Nam mà không trở về thăm lại.
Dừa nước
Vĩnh Long không chỉ là trạm dừng chân mà là một phần của cuộc đời tôi. Ngôi trường Tống Phước Hiệp lại là một phần khác của cuộc đời mình.
Bước vào đời với hành trang của một thày giáo trung học ở tuổi còn thanh niên, tôi cũng không ngờ là mình gắn bó với Tống Phước Hiệp, với Vĩnh Long lâu đến thế. Những ngày đầu tiên trước học trò nhiều bỡ ngỡ, dù đã sửa soạn rất kỹ. Lúc đó là lúc Tống Phước Hiệp chuyển mình để thành trường nữ trung học của tỉnh. Nam sinh chỉ còn ở Đệ nhị cấp.  Mỗi chiều tan trường, đứng trên hành lang dãy lớp học trước cột cờ hay ở cửa sổ phòng giáo sư, nhìn dòng học sinh trong lớp áo dài trắng chảy dần ra cồng, lòng lại thấy nao nao. Hay mỗi lần thấy Phượng trong sân trường trổ bông đỏ ối là mỗi lần biết hè đã đến, lòng lại thấy một thứ tình cảm khó diễn tả: mùa chia tay, mỗi năm đến hè lòng man mác buồn.

Lúc đó, mọi người đã cùng sinh hoạt, gắn bó với trường để đưa tên tuổi của Tống Phước Hiệp vào danh sách của những ngôi trường được biết đến của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Vĩnh Long là một tỉnh có tinh thần hiếu học, chính quyền, phụ huynh học sinh là những người biết dến công sức của thầy cô giáo.  Hội Phụ Huynh Học Sinh của trường qua bao nhiêu nhiệm kỳ, nhất là dưới thời Ông Mai Phùng Võ, đã là một phần của sinh hoạt thật sự của trường, chứ không phải là một huê dạng của nhà trường. Ngày tôi mới về, cơ ngơi của Trường chỉ mới là hai dãy nhà xếp thành hình chữ L mà phần cuối trên lầu của nhánh dài là Thư Viện. Chính hội Phụ Huynh Học Sinh đã là kẻ đóng góp công sức rất nhiều để trường có hình dáng như hôm nay.

Nhắc đến thư viện của trường không thể không nhắc đến công sức của Quản Thủ Thư Viện Đặng Ngọc Diệp. Lúc mới về trường, tôi đã ngạc nhiên về lượng sách và sinh hoạt của thư viện trường.  Vào những năm sau cùng của Tống Phước Hiệp, với ngân quỹ dành cho Thư Viện, thầy Diệp còn gửi cho mỗi giáo sư một phiếu đề nghị sách cần mua thêm cho thư viện. Việc này giúp cho thư viện không những giàu về lượng mà còn nâng cao phẩm chất của sách khi giáo sư đề nghị những sách đọc nằm ngoài chương trình học nhằm vào kiến thức tổng quát cho học sinh.  Thư viện còn có tổ chức các buổi triển lãm sách báo, bảo trợ cho các hoạt động của các giáo sư như việc bảo trợ cho giáo sư Đoàn Xuân Kiên (Việt văn – hiện sinh sống bên Anh) thực hiện cuốn Sưu Tập Ca Dao Đồng bằng sông Cửu Long, dù chỉ in roneo và lưu hành nội bộ, nhưng là một công trình lớn do có sự đóng góp của toàn thể học sinh trường lúc bấy giờ. Tôi không có điều kiện biết nhiều về những thư viện của những trường trung học khác, nhưng quả thật, thư viện Tống Phước Hiệp đã là nơi không phải chỉ lưu giữ sách mà còn là một thư viện theo đúng nghĩa của nó, học sinh (và cả giáo sư nữa) dã đến đó, đọc, mượn, tìm kiếm thông tin… ngay cả đến thư viện của Tỉnh lúc bấy giờ cũng chưa có sinh hoạt đó.

Khoảng thời gian dạy ở Tống Phước Hiệp, tôi là một trong số những thày giáo trẻ, năm tôi ra trường, một loạt giáo sư trẻ mới tốt nghiệp của nhiều bộ môn về trường cùng một lượt, Lý Hóa có tôi và Lương văn Hoa, Sừ Địa có Nguyễn Thành Đô, Việt văn có Đoàn Xuân Kiên, Anh văn có Đặng thị Thanh Nhàn… năm sau thêm một số giáo sư trẻ khác: Huỳnh Hữu Trí ở Toán, Lê Tân ở Sử Địa, Lê Thượng Hiền ở Pháp Văn…Số giáo sư trẻ này cùng với những đàn anh dày dạn trong nghề tạo cho Tống Phước Hiệp một sắc thái khá đặc biệt,  người ta không nhìn thấy những cảnh kết bè nhóm, gây chia rẻ trong thành phần thày cô giáo ở Tống Phước Hiệp như trong những ngôi trường khác, tuy không phải không có cảnh nhiều người không thích tham dự vào hoạt động chung của trường. Trường có cả một đội quần vợt của các giáo sư, gồm cả các cây vợt trẻ Lê Tân, Lê Thượng Hiền, Nguyễn Thành Đô… cùng với nhũng tay vợt đàn anh Nguyễn văn Cai, Nguyễn Quang Châu… Trường còn thực hiện cả cuốn Kỷ Yếu Tống Phước Hiệp đầy hình ảnh hoạt động của trường, ngay cả những trường lớn ở Sài Gòn hay Cần Thơ, Mỹ Tho cũng chưa thực hiện được, chỉ tiếc là sau này khi về sống ở nông thôn không còn điều kiện để bảo quản, tôi không còn giữ được nó.  Hội Đồng Giáo sư hướng dẫn của trường là một hội đồng mạnh và đã làm được nhiều chuyện cho học sinh trong những sinh hoạt khác…tôi muốn nói đến những hội chợ, du ngoạn, hoạt động cứu trợ… đó sẽ là  những kỷ niệm để đời trong lòng những người tham dự.  Có ai quên được công sức của Thầy Ngô Quang Vỹ (nay đã mất) và các giáo sư phụ tá trong việc dựng lại kịch thơ nói về Hai Bà Trưng, diễn ngoài trời, ngay tại sân bóng rỗ của trường, có cả “voi” cho hai Bà cỡi khi xung trận… có ai quên được những kỳ hội chợ trong sân trường mà mỗi lớp là một đơn vị với những thi đua hào hứng về nấu ăn (con gái mà), trang trí lều trại… những hình ảnh đó sẽ là những hình ảnh đẹp khó quên của một thời.

Trên Cầu Mỹ Thuận
 Tháng 4-75 lại là một khúc quanh khác, ngoài một số  thầy cô được lưu dụng lâu dài. phần còn lại hoặc bị cho nghỉ việc, hoặc phải tập trung học tập cải tạo sau một thời gian chuyển tiếp ngắn… Nhưng cũng nhờ vậy mà tình anh em thắm thiết hơn, những người ngày xưa chỉ là đồng nghiệp, nay còn là bạn tù, sau đó là bạn cùng cảnh ngộ sống nhờ vào những sinh hoạt lề đường vì trường học không cần đến họ nữa… Và một lần nữa, người ta không nhìn thấy sự phân biệt trong sự đối xử của xã hội đối với họ: bạn cũ còn đi dạy, phụ huynh, học sinh… ai cũng nhìn họ bằng sự kính trọng hay thương cảm.  Đối với quần chúng, họ chỉ là những giáo viên bị “mất dạy” chớ không hề là những “ngụy quân, ngụy quyền”.  Những người còn lại trong trường cũng thê lương không kém, họ còn chút danh thày giáo, nhưng cũng lâm vào cảnh “Chiều ba mươi, thày giáo tháo giày ra chợ bán; Sáng mùng một , giáo chức dứt cháo đón xuân sang” không biết ai khổ hơn ai, nhưng có một diều rõ ràng, dù còn trong ngành giáo dục hay đã bước chân ra trường đời, mọi người vẫn kính trọng và yêu thương nhau như ngày nào.
 
Lần này về Việt Nam tôi phải lo một số việc quan trọng cho gia đình, nhưng cũng cố nhín ra một ít thì giờ trong những ngày bận rộn cuối cùng để về Vĩnh Long thăm bạn bè.
Vĩnh Long thay đổi nhiều. Hình ảnh phà Mỹ Thuận không còn nữa, cảnh chờ phà qua sông ở hai bờ Mỹ Thuận cũng biến mất và được thay thế bằng chiếc cầu cao do Úc viện trợ từ năm 2000, có thể nhìn thấy từ Vĩnh Long…Bệnh Viện Đa Khoa trước Ty Cảnh Sát cũ nay đã trở thành một trung tâm thương mại, đường sá mở rộng hơn, nhiều chỗ đẹp hơn xưa nhiều, Cầu Khưu Văn Ba được xây lại kiên cố và rộng hơn, con đường đất đỏ dẫn ra ngoại ô đi ngang tu viện các Sơ áo trắng… nay đã trở thành đại lộ thênh thang buôn bán tấp nập, con đường từ bưu điện xuống bờ sông cũng vậy, còn được trồng cây trên lối phân ranh giữa đường; buổi sáng sớm trở thành nơi đi bộ, tập thể dục cho mọi người, trường Nguyễn Trường Tộ biến mất, Đạt Nhân không còn, Nguyễn Thông nay là tên của một trung học khác của tỉnh, nằm trên đường đi Cần Thơ, còn trường bán công Nguyễn Thông ngày xưa bây giờ là trường phổ thông cấp hai, Phường Hai của thị xã…  Nhưng ngôi trường cũ của chúng ta, dù mang tên khác, vẫn vậy, có phần còn tiều tụy hơn và có vẻ như co mình khiêm nhường hơn trong khung cảnh tất bật chung quanh do bến đò ngang sông Long Hồ được mở rộng ngay trước trường.  Cầu Thiềng Đức đang được tu sửa nên bến đò càng thêm bận rộn; khu buôn bán của chợ Vĩnh Long được nối ra đến con đường cạnh hông trường, lều quán, hàng hóa bày biện khiến những con đường quanh trường như nhỏ hẳn lại. Trường Tống Phước Hiệp bây giờ như nối liền với chợ; sân nhà hiệu trưởng là chỗ giử xe cho chợ, cạnh đó, ngay góc đường là… tiệm phở. Tôi tần ngần đứng trước cửa trường mà lòng ngẩn ngơ. Bấy giờ là mùa hè, trường vắng vẻ, lác đác vài bóng người trong trường khiến khung cảnh càng có vẻ đìu hiu, lòng như nặng nề hoài nhớ lại hình bóng ngôi trường xưa, còn đâu hình ảnh trang nghiêm của ngôi trường ngày nào! Còn đâu những ngày tháng cũ!… bây giờ tôi ân hận và không hiểu vì sao lúc đó tôi đã không có chút hứng thú nào để chụp lại vài tấm hình của ngôi trường
Dây Tơ Hồng
Nhưng buổi gặp mặt anh em bạn cũ thì vô cùng húng thú.  Anh em đến với nhau thật chân tình. Không phân biệt cũ, mới, còn đi dạy hay đã đổi nghề, họ đủ cả, bạn cũ ở Tống Phước Hiệp, Thủ Khoa Huân như Hồ Văn Thuận(Việt), Nguyễn văn Cai (Anh), Phạm An Tập (Toán), Nguyễn văn Thành (Nhạc), Hồ văn Chính (Việt), Huỳnh văn Hiếu (Toán – Thủ Khoa Huân)… bạn thày giáo học tập cải tạo… ngay cả mấy thày mới hiện còn đang dạy tại trường… tất cả như cùng nhau sống và vui với kỷ niệm xưa. Chúng tôi cùng nhau kề lại chuyện xưa, như sống lại quãng đời cũ, lúc còn đi dạy, lúc đi học tập, lúc phải ra sống cạnh lề đường… Chúng tôi cùng  hỏi thăm những người quen cũ, ai còn? ai mất? ai đang làm gì? ai đang ở đâu?  Nhìn bạn bè ai cũng già hết rồi. Bây giờ còn ngồi cạnh nhau, nói chuyện với nhau, mai sau biết có còn gặp lại nhau lần nữa? Thôi thì vui ngày nào hay ngày ấy.
Như vậy đó! Thời gian có qua đi, hơn ba mươi năm rời xa Vĩnh Long, rời xa ngôi trường ấy rồi còn gì, mà trong lòng tôi vẫn còn mãi một tâm tình Tống Phước Hiệp.

Hòa Đa
http://hoada15.blogspot.com/



ĐƯỜNG VỀ VĨNH LONG


Tôi tương tư chặng đường từ Mỹ Thuận vào Vĩnh Long.
Ngã ba Cần Thơ ở cuối đường này sẽ cho tôi đi về miền Nam sông Hậu, rẽ trái vào miền cố thổ Trà Vinh, hay rẽ phải đi ngược lên Sa Đéc xông xênh huyền thoại, qua vùng An Giang lịch sử khẩn hoang, hay xuôi về miệt thứ Kiên Giang mơ hồ sóng biển. Từ Vĩnh Long đi khắp nẻo ta bà, mà tôi chỉ là viễn khách nhỏ nhoi trong đất trời lồng lộng.
Vừa xuống cầu Mỹ Thuận, tôi thích trầm mình trong quán cà phê ven đường quốc lộ. Nhớ trước đây, xe đò chạy tuyến miền Tây hay ghé lại để nghỉ ngơi đón khách. Họ không thèm ghé những quán ăn to lớn ồn ào nóng nực, mà lại thích dừng lại ở khúc vô chừng như thế này để tào lao tán láo chuyện giang hồ bụi bặm. Nghe những lời không đầu không cuối của khách thập phương khiến đầu óc nhẹ tênh không màng suy nghĩ. Chỉ là những câu nói đong đầy giây phút trống không sau chặng đường mệt nhọc.
Mấy khi đi bằng xe honda thì tôi cũng bắt chước ghé vào quán xá, nằm khểnh trên chiếc võng bằng vải dù nặng mùi mồ hôi của vô vàn nhân thế, lắc lư nghe gió thổi mát rượi từ sông Tiền vuốt ve nỗi lòng viễn xứ. Ly cà phê ngọt lịm nưng nức mùi bắp rang, ngọt phù sa quyện trong mùi đường mía, ly trà đá cũng nghe phơn phớt bùn đất ngoài sông cái vỗ ầm ầm tận đâu xa lắc lơ. Tôi cứ ngỡ mình đang uống cả đất trời xứ sở.
Rồi thong dong về ngang Trường An, nghe ai tập tành ca bài vọng cổ trong tuồng Tuyệt tình ca của soạn giả Hà Triều và Ngọc Điệp. Lòng nức nở nghe “má con An” cảm thán nỗi buồn hương lửa khi nâng niu kỷ vật cũ của chồng còn hơi hướm ái ân hơn ngàn ngày về trước. Đây, bộ bà ba lụa lèo mà chồng tôi bận 20 năm về trước… Tấm mồ hôi của ảnh tới bây giờ... Chung thủy sắt son, dù phận nghèo hèn lẻ mọn, vẫn không tàn phai theo năm tháng binh biến dòng đời. Tôi dừng chân nơi đình Tân Ngãi để tấm lòng dịu nỗi xót xa, tưởng như câu vọng cổ bị đánh rơi xuống dòng Cái Cam chảy miệt mài tất bật.
Đi qua cầu Cái Cam thấy những chiếc ghe tam bản mắt đo đỏ ngắm về tương lai phía trước, chở đầy những viên gạch đỏ bừng một khúc sông. Viên gạch da lu được tôi luyện thêm mấy lần lửa, giống như bài học gian truân được đúc kết sau những mất mát phong ba của cuộc đời. Những chiếc ghe băng mình rẽ nước đi vào tương lai, chở đất bùn để xây dựng cõi trần gian, cho tôi hiểu rằng vững bền có khi khởi nguồn từ bao điều lao dịch.
Vừa qua đoạn đường trước khu quân đội thì chợt thèm chén chè bưởi bình dân. Vỏ bưởi năm roi trắng muốt, tựa tấm lòng chưa nếm cay đắng của năm 17 tuổi. Hạt đậu xanh bùi bùi mằn mặn, thấm đẫm nhọc nhằn của bùn đất phù sa. Bây giờ có khi nhớ quê quay quắt, ghé qua Gò Vấp ăn ly chè bưởi làn lạt, mới nhận ra mình lạc mất một niềm vui, lạc mất vị ngọt bùi tuổi ngây thơ mười mấy năm về trước.
Thuở ngây thơ tôi và em cứ đi hoài về muôn miền không tên tuổi. Chúng tôi đi ra cánh đồng trồng dưa lưới đầy ắp mộng mơ và biết rằng ước mơ có thể đến từ miền đất cát. Tôi và em bỡ ngỡ bước chân xuống bùn lầy, hít vào lòng mùi thơm thoang thoảng của những bông hoa màu vàng nhạt. Chúng tôi nghe tấm lòng đầm ấm tựa lúc hoàng hôn bình yên đang say đắm cùng mặt trời nằm cuối dòng Tiền Giang ngoài công viên Sông Tiền náo nức.
Tôi nhớ em hay hong tóc trên đoạn đường hoàng hôn ửng vàng mộng mị. Tôi đi bên em, hoàng hôn đi phía trước. Tháng ngày mơ mộng trôi đi khi tóc em mượt dài qua bờ vai mỏng mảnh. Em đi về thị xã, tôi đi tiếp chặng đường đời. Ngã ba đường chia biệt nỗi buồn vui. Có khi muốn về lại ngã ba lòng ly biệt, hy vọng rằng trên bùng binh còn rập rờn hoa chớm nở, để mình lén hái chùm hoa cúc hàm tiếu một góc trời. Tôi tặng em hết hai mùa mưa nắng, em gửi lại đời một hoài niệm bình yên. Ta lạc nhau rồi, nhưng Vĩnh Long vẫn thủy chung một mùa hoa cúc và mùa màng không tên của một thời yên ả.
Một đoạn đường làm xao xuyến trái tim. Nhớ con đường, thổn thức nhớ Vĩnh Long!

Mai Quốc Đạt
Thứ bảy 05/4/2014
Nguồn:VNExpress