2014/05/07

HẠ VÀO THƠ*

Thi sĩ đem hạ vào thơ
Khiến hồn người phải ngẫn ngơ …nhớ về
Một thời sống giữa đam mê
Mắt liếc, tóc thề, má lúm, môi son
Một thời những mối tình con
Vụng về đánh mất nay còn nhớ nhung
Hởi người đồng điệu hãy cùng
Hát lên Hạ khúc rưng rưng ngõ hồn.

https://anhtuvaban.blogspot.com/2014/05/tho-vao-ha-nang-ep-lam-em-oi-ngay-chom.html

2014/05/06

ĐÔI MẮT NGƯỜI XƯA
Trình bày: Quang Lê
TÂM TÌNH TỐNG PHƯỚC HIỆP

Tùy Bút

Có ai đó đã nói “chỉ có nơi nào cho ta nhiều kỷ niệm, nơi đó mới nằm trong hoài niệm của mình” .  Vĩnh Long, với tôi,  như một quê hương thứ hai. Tôi về đó ngay sau tốt nghiệp, từ năm 1970.  Ở đó có quá nhiều kỷ niệm khiến tôi thấy như thiếu mất chuyện gì khi về Việt Nam mà không trở về thăm lại.
Dừa nước
Vĩnh Long không chỉ là trạm dừng chân mà là một phần của cuộc đời tôi. Ngôi trường Tống Phước Hiệp lại là một phần khác của cuộc đời mình.
Bước vào đời với hành trang của một thày giáo trung học ở tuổi còn thanh niên, tôi cũng không ngờ là mình gắn bó với Tống Phước Hiệp, với Vĩnh Long lâu đến thế. Những ngày đầu tiên trước học trò nhiều bỡ ngỡ, dù đã sửa soạn rất kỹ. Lúc đó là lúc Tống Phước Hiệp chuyển mình để thành trường nữ trung học của tỉnh. Nam sinh chỉ còn ở Đệ nhị cấp.  Mỗi chiều tan trường, đứng trên hành lang dãy lớp học trước cột cờ hay ở cửa sổ phòng giáo sư, nhìn dòng học sinh trong lớp áo dài trắng chảy dần ra cồng, lòng lại thấy nao nao. Hay mỗi lần thấy Phượng trong sân trường trổ bông đỏ ối là mỗi lần biết hè đã đến, lòng lại thấy một thứ tình cảm khó diễn tả: mùa chia tay, mỗi năm đến hè lòng man mác buồn.

Lúc đó, mọi người đã cùng sinh hoạt, gắn bó với trường để đưa tên tuổi của Tống Phước Hiệp vào danh sách của những ngôi trường được biết đến của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Vĩnh Long là một tỉnh có tinh thần hiếu học, chính quyền, phụ huynh học sinh là những người biết dến công sức của thầy cô giáo.  Hội Phụ Huynh Học Sinh của trường qua bao nhiêu nhiệm kỳ, nhất là dưới thời Ông Mai Phùng Võ, đã là một phần của sinh hoạt thật sự của trường, chứ không phải là một huê dạng của nhà trường. Ngày tôi mới về, cơ ngơi của Trường chỉ mới là hai dãy nhà xếp thành hình chữ L mà phần cuối trên lầu của nhánh dài là Thư Viện. Chính hội Phụ Huynh Học Sinh đã là kẻ đóng góp công sức rất nhiều để trường có hình dáng như hôm nay.

Nhắc đến thư viện của trường không thể không nhắc đến công sức của Quản Thủ Thư Viện Đặng Ngọc Diệp. Lúc mới về trường, tôi đã ngạc nhiên về lượng sách và sinh hoạt của thư viện trường.  Vào những năm sau cùng của Tống Phước Hiệp, với ngân quỹ dành cho Thư Viện, thầy Diệp còn gửi cho mỗi giáo sư một phiếu đề nghị sách cần mua thêm cho thư viện. Việc này giúp cho thư viện không những giàu về lượng mà còn nâng cao phẩm chất của sách khi giáo sư đề nghị những sách đọc nằm ngoài chương trình học nhằm vào kiến thức tổng quát cho học sinh.  Thư viện còn có tổ chức các buổi triển lãm sách báo, bảo trợ cho các hoạt động của các giáo sư như việc bảo trợ cho giáo sư Đoàn Xuân Kiên (Việt văn – hiện sinh sống bên Anh) thực hiện cuốn Sưu Tập Ca Dao Đồng bằng sông Cửu Long, dù chỉ in roneo và lưu hành nội bộ, nhưng là một công trình lớn do có sự đóng góp của toàn thể học sinh trường lúc bấy giờ. Tôi không có điều kiện biết nhiều về những thư viện của những trường trung học khác, nhưng quả thật, thư viện Tống Phước Hiệp đã là nơi không phải chỉ lưu giữ sách mà còn là một thư viện theo đúng nghĩa của nó, học sinh (và cả giáo sư nữa) dã đến đó, đọc, mượn, tìm kiếm thông tin… ngay cả đến thư viện của Tỉnh lúc bấy giờ cũng chưa có sinh hoạt đó.

Khoảng thời gian dạy ở Tống Phước Hiệp, tôi là một trong số những thày giáo trẻ, năm tôi ra trường, một loạt giáo sư trẻ mới tốt nghiệp của nhiều bộ môn về trường cùng một lượt, Lý Hóa có tôi và Lương văn Hoa, Sừ Địa có Nguyễn Thành Đô, Việt văn có Đoàn Xuân Kiên, Anh văn có Đặng thị Thanh Nhàn… năm sau thêm một số giáo sư trẻ khác: Huỳnh Hữu Trí ở Toán, Lê Tân ở Sử Địa, Lê Thượng Hiền ở Pháp Văn…Số giáo sư trẻ này cùng với những đàn anh dày dạn trong nghề tạo cho Tống Phước Hiệp một sắc thái khá đặc biệt,  người ta không nhìn thấy những cảnh kết bè nhóm, gây chia rẻ trong thành phần thày cô giáo ở Tống Phước Hiệp như trong những ngôi trường khác, tuy không phải không có cảnh nhiều người không thích tham dự vào hoạt động chung của trường. Trường có cả một đội quần vợt của các giáo sư, gồm cả các cây vợt trẻ Lê Tân, Lê Thượng Hiền, Nguyễn Thành Đô… cùng với nhũng tay vợt đàn anh Nguyễn văn Cai, Nguyễn Quang Châu… Trường còn thực hiện cả cuốn Kỷ Yếu Tống Phước Hiệp đầy hình ảnh hoạt động của trường, ngay cả những trường lớn ở Sài Gòn hay Cần Thơ, Mỹ Tho cũng chưa thực hiện được, chỉ tiếc là sau này khi về sống ở nông thôn không còn điều kiện để bảo quản, tôi không còn giữ được nó.  Hội Đồng Giáo sư hướng dẫn của trường là một hội đồng mạnh và đã làm được nhiều chuyện cho học sinh trong những sinh hoạt khác…tôi muốn nói đến những hội chợ, du ngoạn, hoạt động cứu trợ… đó sẽ là  những kỷ niệm để đời trong lòng những người tham dự.  Có ai quên được công sức của Thầy Ngô Quang Vỹ (nay đã mất) và các giáo sư phụ tá trong việc dựng lại kịch thơ nói về Hai Bà Trưng, diễn ngoài trời, ngay tại sân bóng rỗ của trường, có cả “voi” cho hai Bà cỡi khi xung trận… có ai quên được những kỳ hội chợ trong sân trường mà mỗi lớp là một đơn vị với những thi đua hào hứng về nấu ăn (con gái mà), trang trí lều trại… những hình ảnh đó sẽ là những hình ảnh đẹp khó quên của một thời.

Trên Cầu Mỹ Thuận
 Tháng 4-75 lại là một khúc quanh khác, ngoài một số  thầy cô được lưu dụng lâu dài. phần còn lại hoặc bị cho nghỉ việc, hoặc phải tập trung học tập cải tạo sau một thời gian chuyển tiếp ngắn… Nhưng cũng nhờ vậy mà tình anh em thắm thiết hơn, những người ngày xưa chỉ là đồng nghiệp, nay còn là bạn tù, sau đó là bạn cùng cảnh ngộ sống nhờ vào những sinh hoạt lề đường vì trường học không cần đến họ nữa… Và một lần nữa, người ta không nhìn thấy sự phân biệt trong sự đối xử của xã hội đối với họ: bạn cũ còn đi dạy, phụ huynh, học sinh… ai cũng nhìn họ bằng sự kính trọng hay thương cảm.  Đối với quần chúng, họ chỉ là những giáo viên bị “mất dạy” chớ không hề là những “ngụy quân, ngụy quyền”.  Những người còn lại trong trường cũng thê lương không kém, họ còn chút danh thày giáo, nhưng cũng lâm vào cảnh “Chiều ba mươi, thày giáo tháo giày ra chợ bán; Sáng mùng một , giáo chức dứt cháo đón xuân sang” không biết ai khổ hơn ai, nhưng có một diều rõ ràng, dù còn trong ngành giáo dục hay đã bước chân ra trường đời, mọi người vẫn kính trọng và yêu thương nhau như ngày nào.
 
Lần này về Việt Nam tôi phải lo một số việc quan trọng cho gia đình, nhưng cũng cố nhín ra một ít thì giờ trong những ngày bận rộn cuối cùng để về Vĩnh Long thăm bạn bè.
Vĩnh Long thay đổi nhiều. Hình ảnh phà Mỹ Thuận không còn nữa, cảnh chờ phà qua sông ở hai bờ Mỹ Thuận cũng biến mất và được thay thế bằng chiếc cầu cao do Úc viện trợ từ năm 2000, có thể nhìn thấy từ Vĩnh Long…Bệnh Viện Đa Khoa trước Ty Cảnh Sát cũ nay đã trở thành một trung tâm thương mại, đường sá mở rộng hơn, nhiều chỗ đẹp hơn xưa nhiều, Cầu Khưu Văn Ba được xây lại kiên cố và rộng hơn, con đường đất đỏ dẫn ra ngoại ô đi ngang tu viện các Sơ áo trắng… nay đã trở thành đại lộ thênh thang buôn bán tấp nập, con đường từ bưu điện xuống bờ sông cũng vậy, còn được trồng cây trên lối phân ranh giữa đường; buổi sáng sớm trở thành nơi đi bộ, tập thể dục cho mọi người, trường Nguyễn Trường Tộ biến mất, Đạt Nhân không còn, Nguyễn Thông nay là tên của một trung học khác của tỉnh, nằm trên đường đi Cần Thơ, còn trường bán công Nguyễn Thông ngày xưa bây giờ là trường phổ thông cấp hai, Phường Hai của thị xã…  Nhưng ngôi trường cũ của chúng ta, dù mang tên khác, vẫn vậy, có phần còn tiều tụy hơn và có vẻ như co mình khiêm nhường hơn trong khung cảnh tất bật chung quanh do bến đò ngang sông Long Hồ được mở rộng ngay trước trường.  Cầu Thiềng Đức đang được tu sửa nên bến đò càng thêm bận rộn; khu buôn bán của chợ Vĩnh Long được nối ra đến con đường cạnh hông trường, lều quán, hàng hóa bày biện khiến những con đường quanh trường như nhỏ hẳn lại. Trường Tống Phước Hiệp bây giờ như nối liền với chợ; sân nhà hiệu trưởng là chỗ giử xe cho chợ, cạnh đó, ngay góc đường là… tiệm phở. Tôi tần ngần đứng trước cửa trường mà lòng ngẩn ngơ. Bấy giờ là mùa hè, trường vắng vẻ, lác đác vài bóng người trong trường khiến khung cảnh càng có vẻ đìu hiu, lòng như nặng nề hoài nhớ lại hình bóng ngôi trường xưa, còn đâu hình ảnh trang nghiêm của ngôi trường ngày nào! Còn đâu những ngày tháng cũ!… bây giờ tôi ân hận và không hiểu vì sao lúc đó tôi đã không có chút hứng thú nào để chụp lại vài tấm hình của ngôi trường
Dây Tơ Hồng
Nhưng buổi gặp mặt anh em bạn cũ thì vô cùng húng thú.  Anh em đến với nhau thật chân tình. Không phân biệt cũ, mới, còn đi dạy hay đã đổi nghề, họ đủ cả, bạn cũ ở Tống Phước Hiệp, Thủ Khoa Huân như Hồ Văn Thuận(Việt), Nguyễn văn Cai (Anh), Phạm An Tập (Toán), Nguyễn văn Thành (Nhạc), Hồ văn Chính (Việt), Huỳnh văn Hiếu (Toán – Thủ Khoa Huân)… bạn thày giáo học tập cải tạo… ngay cả mấy thày mới hiện còn đang dạy tại trường… tất cả như cùng nhau sống và vui với kỷ niệm xưa. Chúng tôi cùng nhau kề lại chuyện xưa, như sống lại quãng đời cũ, lúc còn đi dạy, lúc đi học tập, lúc phải ra sống cạnh lề đường… Chúng tôi cùng  hỏi thăm những người quen cũ, ai còn? ai mất? ai đang làm gì? ai đang ở đâu?  Nhìn bạn bè ai cũng già hết rồi. Bây giờ còn ngồi cạnh nhau, nói chuyện với nhau, mai sau biết có còn gặp lại nhau lần nữa? Thôi thì vui ngày nào hay ngày ấy.
Như vậy đó! Thời gian có qua đi, hơn ba mươi năm rời xa Vĩnh Long, rời xa ngôi trường ấy rồi còn gì, mà trong lòng tôi vẫn còn mãi một tâm tình Tống Phước Hiệp.

Hòa Đa
http://hoada15.blogspot.com/



ĐƯỜNG VỀ VĨNH LONG


Tôi tương tư chặng đường từ Mỹ Thuận vào Vĩnh Long.
Ngã ba Cần Thơ ở cuối đường này sẽ cho tôi đi về miền Nam sông Hậu, rẽ trái vào miền cố thổ Trà Vinh, hay rẽ phải đi ngược lên Sa Đéc xông xênh huyền thoại, qua vùng An Giang lịch sử khẩn hoang, hay xuôi về miệt thứ Kiên Giang mơ hồ sóng biển. Từ Vĩnh Long đi khắp nẻo ta bà, mà tôi chỉ là viễn khách nhỏ nhoi trong đất trời lồng lộng.
Vừa xuống cầu Mỹ Thuận, tôi thích trầm mình trong quán cà phê ven đường quốc lộ. Nhớ trước đây, xe đò chạy tuyến miền Tây hay ghé lại để nghỉ ngơi đón khách. Họ không thèm ghé những quán ăn to lớn ồn ào nóng nực, mà lại thích dừng lại ở khúc vô chừng như thế này để tào lao tán láo chuyện giang hồ bụi bặm. Nghe những lời không đầu không cuối của khách thập phương khiến đầu óc nhẹ tênh không màng suy nghĩ. Chỉ là những câu nói đong đầy giây phút trống không sau chặng đường mệt nhọc.
Mấy khi đi bằng xe honda thì tôi cũng bắt chước ghé vào quán xá, nằm khểnh trên chiếc võng bằng vải dù nặng mùi mồ hôi của vô vàn nhân thế, lắc lư nghe gió thổi mát rượi từ sông Tiền vuốt ve nỗi lòng viễn xứ. Ly cà phê ngọt lịm nưng nức mùi bắp rang, ngọt phù sa quyện trong mùi đường mía, ly trà đá cũng nghe phơn phớt bùn đất ngoài sông cái vỗ ầm ầm tận đâu xa lắc lơ. Tôi cứ ngỡ mình đang uống cả đất trời xứ sở.
Rồi thong dong về ngang Trường An, nghe ai tập tành ca bài vọng cổ trong tuồng Tuyệt tình ca của soạn giả Hà Triều và Ngọc Điệp. Lòng nức nở nghe “má con An” cảm thán nỗi buồn hương lửa khi nâng niu kỷ vật cũ của chồng còn hơi hướm ái ân hơn ngàn ngày về trước. Đây, bộ bà ba lụa lèo mà chồng tôi bận 20 năm về trước… Tấm mồ hôi của ảnh tới bây giờ... Chung thủy sắt son, dù phận nghèo hèn lẻ mọn, vẫn không tàn phai theo năm tháng binh biến dòng đời. Tôi dừng chân nơi đình Tân Ngãi để tấm lòng dịu nỗi xót xa, tưởng như câu vọng cổ bị đánh rơi xuống dòng Cái Cam chảy miệt mài tất bật.
Đi qua cầu Cái Cam thấy những chiếc ghe tam bản mắt đo đỏ ngắm về tương lai phía trước, chở đầy những viên gạch đỏ bừng một khúc sông. Viên gạch da lu được tôi luyện thêm mấy lần lửa, giống như bài học gian truân được đúc kết sau những mất mát phong ba của cuộc đời. Những chiếc ghe băng mình rẽ nước đi vào tương lai, chở đất bùn để xây dựng cõi trần gian, cho tôi hiểu rằng vững bền có khi khởi nguồn từ bao điều lao dịch.
Vừa qua đoạn đường trước khu quân đội thì chợt thèm chén chè bưởi bình dân. Vỏ bưởi năm roi trắng muốt, tựa tấm lòng chưa nếm cay đắng của năm 17 tuổi. Hạt đậu xanh bùi bùi mằn mặn, thấm đẫm nhọc nhằn của bùn đất phù sa. Bây giờ có khi nhớ quê quay quắt, ghé qua Gò Vấp ăn ly chè bưởi làn lạt, mới nhận ra mình lạc mất một niềm vui, lạc mất vị ngọt bùi tuổi ngây thơ mười mấy năm về trước.
Thuở ngây thơ tôi và em cứ đi hoài về muôn miền không tên tuổi. Chúng tôi đi ra cánh đồng trồng dưa lưới đầy ắp mộng mơ và biết rằng ước mơ có thể đến từ miền đất cát. Tôi và em bỡ ngỡ bước chân xuống bùn lầy, hít vào lòng mùi thơm thoang thoảng của những bông hoa màu vàng nhạt. Chúng tôi nghe tấm lòng đầm ấm tựa lúc hoàng hôn bình yên đang say đắm cùng mặt trời nằm cuối dòng Tiền Giang ngoài công viên Sông Tiền náo nức.
Tôi nhớ em hay hong tóc trên đoạn đường hoàng hôn ửng vàng mộng mị. Tôi đi bên em, hoàng hôn đi phía trước. Tháng ngày mơ mộng trôi đi khi tóc em mượt dài qua bờ vai mỏng mảnh. Em đi về thị xã, tôi đi tiếp chặng đường đời. Ngã ba đường chia biệt nỗi buồn vui. Có khi muốn về lại ngã ba lòng ly biệt, hy vọng rằng trên bùng binh còn rập rờn hoa chớm nở, để mình lén hái chùm hoa cúc hàm tiếu một góc trời. Tôi tặng em hết hai mùa mưa nắng, em gửi lại đời một hoài niệm bình yên. Ta lạc nhau rồi, nhưng Vĩnh Long vẫn thủy chung một mùa hoa cúc và mùa màng không tên của một thời yên ả.
Một đoạn đường làm xao xuyến trái tim. Nhớ con đường, thổn thức nhớ Vĩnh Long!

Mai Quốc Đạt
Thứ bảy 05/4/2014
Nguồn:VNExpress

2014/05/05


KHÔNG ĐỀ*

Mùa thu lá vàng rơi,
Bạn cũ cách xa rồi.
Ta như lá vàng úa,
Lìa cành sầu không nguôi.

Đông ơi sao rét thế ?
Buồn lặng mình ta thôi !
Lệ ngấn hay sương lạnh ?
Đời tan hợp mây trôi !

Nguyễn Phúc Hậu
May 5, 2014
*Từ BỐN MÙA của hồthịkimhoàn


MỘT NGÀY BUỒN

Trời tháng tư bổng dưng buồn chi lạ!
Nắng cũng buồn rũ bóng xế ngoài hiên
Nỗi niềm riêng tựa chỉ rối ưu phiền
Gió xa miền rã rời ru cành lá

Trời tháng tư phố phường chưa vào hạ
Nụ hồng đào ủ rũ lúc chiều mưa
Uất kim hương đọng ướt giọt lệ thừa
Lưu ly thảo sầu ưu nơi vườn nhỏ

Trời tháng tư sương khuya nhòa hoa cỏ
Mặt trời còn say ngủ biếng lười lên
Mây lênh đênh, ta góc nhỏ sầu miên
Một ngày buồn! Khẽ tiếng lòng than thở ...


Yên Dạ Thảo

THÁNG TƯ TRỜI VIỄN  XỨ*

Trời tháng tư một mình nơi xứ lạ
Như chim buồn nằm vạ ngủ ngoài hiên
Đời ngã nghiêng mang mãi gánh muộn phiền
Trôi theo gió rớt riêng miền cây lá

Trời tháng tư nắng vàng đang vào hạ
Xuân ngỡ ngàng từ tạ những ngày mưa
Ta xa chưa mà rưng rức cung thừa
Nghe tí tách như vừa đời bé nhỏ

Trời tháng tư sương giăng mềm ngọn cỏ
Quê hương mình mấy ngỏ mãi bấp bênh
Sầu chênh vênh rủ cánh gọi mây trời
Trăng lẻ bóng ta một đời than thở... 


Đỗ Hữu Tài

*Từ MỘT NGÀY BUỒN của Yên Dạ Thảo
Hoa Dạ Yến Thảo
TRỜI THÁNG TƯ*

Trời tháng tư thương bạn hiền xứ lạ
Nhớ quê nhà qua nắng hạ ngoài hiên
Niềm suy tư xa vắng lắm ưu phiền
Từng giọt nhớ rưng rưng xuyên cành lá

Trời tháng tư quê ta đang mùa hạ
Nắng chói chang khao khát đợi chờ mưa
Nhắc tên em ôi biết mấy cho vừa
Hoa Dạ Thảo rực màu son tím nhỏ

Trời tháng tư mưa thương đời cây cỏ
Như nhà thơ chờ đợi ánh trăng lên
Con đò xưa còn xa bến lênh đênh
Sầu lẽ bóng ! Ôi nỗi buồn muôn thuở…

Phú Thạnh
4/4/2014
 *Cảm họa từ:
-MỘT NGÀY BUỒN của Yên Dạ Thảo
-THÁNG TƯ TRỜI VIỄN XỨcủa Đỗ Hữu Tài

2014/05/04



THÁNG TƯ BUỒN*

Ngày tháng tư này sao rất lạ
 Gió buồn mưa lạnh tạt hàng hiên
Từng cơn ào ạt trút ưu phiền
Giông bão đảo điên đùa chiếc 

Cuối tháng tư đang vào tiết hạ
Nắng nơi đâu? Sao mãi thêm mưa?
Ước mơ nhiều cũng đến bằng thừa
Thương lắm… nỗi mong chờ bé nhỏ

Tháng tư qua vật vờ cây cỏ
Đầu tháng năm vào ngõ bấp bênh
Bồng bềnh cuối nẽo nước mây trời
Cuối mặt nhẫm lời than tiếng thở.

Anh Tú
May, 2014
*Từ MỘT NGÀY BUỒN (Yên Dạ Thảo)
TỪ VÙNG NHỚ PHƯƠNG THÀNH



BỐN MÙA

Xuân hồng nâng ly rượu
mừng hoa nở thắm tươi.
Đất trời thêm muôn sắc,
ta thêm một tuổi đời.

Hạ trắng nhìn mây trôi,
họp tan như dòng đời.
Chạnh lòng thương nhớ bạn,
giờ mổi đứa một nơi.

Mùa thu ngắm lá vàng rơi.
Nhớ người năm cũ xa rồi còn đâu.
Ta như chiếc lá thay màu,
sẽ về với đất, để sầu cho ai?

Đông ơi, sao rét thế này!
Một mình ta giữa trời mây lặng buồn.
Hoen mi, ngấn lệ? hay sương?
Đời mong manh quá, vấn vương làm gì!

hồthịkimhoàn
February 28, 2014 at 1:21pm

2014/05/03


SỢI NẮNG

Ngùi trông sợi nắng chênh vênh
Quê hương vạn dặm lênh đênh đời mình
Gởi anh xin một chút tình
Để anh còn biết đời mình có em!

Mạc Thái Thủy
Arizona, August 2013
MẸ TÔI

Giọng hát rất triễn vọng.

2014/05/02


NGẬM NGÙI

Non cao mấy dãy chập chùng,
Ngàn thông réo gọi, mịt mùng mây trôi.
Phố đông du khách ngược xuôi,
Cô đơn ta chợt ngậm ngùi riêng ta.
Nhớ em, nỗi nhớ nhạt nhòa,
Thương em mấy độ trăng già lung linh.


Mặc Thái Thủy
Vail, Colorado - 1988

THƠ VÀO HẠ

Nắng đẹp lắm em ơi ngày chớm Hạ
Vườn còn hương, lá cũ vẫn còn xanh
Dẫu đương trưa lặng gió thoáng khô cành
Đêm sẽ thắm, bình minh càng rực rỡ

Nắng đẹp lắm xuân tàn hoa lại nở
Màu ti gôn, sắc phượng, thắm bằng lăng…
Không vui nhiều, cũng trút nhẹ băn khoăn
Thêm sức sống, tâm hồn thêm sức trẻ

Nắng đẹp lắm ve sầu rơi nhẹ nhẹ
Bến sông xưa chưa mất bóng đôi mình
Cho vì yêu, nhận lại cũng vì tình
Tay nắm chặt niềm tin nghe nhịp sóng
* * *
Nắng dẫu tối đâu phải là huyễn mộng
Hãy bình yên lặng ngắm nước trong veo
Nàng thơ ơi, nghiêng tóc tựa vai chiều
Cho tiết Hạ nâng niu dòng cảm xúc…

Phong Tâm
02.5.2014

2014/05/01


MỘT NGÀY BUỒN

Trời tháng tư bổng dưng buồn chi lạ!
Nắng cũng buồn rũ bóng xế ngoài hiên
Nỗi niềm riêng tựa chỉ rối ưu phiền
Gió xa miền rã rời ru cành lá

Trời tháng tư phố phường chưa vào hạ
Nụ hồng đào ủ rũ lúc chiều mưa
Uất kim hương đọng ướt giọt lệ thừa
Lưu ly thảo sầu ưu nơi vườn nhỏ

Trời tháng tư sương khuya nhòa hoa cỏ
Mặt trời còn say ngủ biếng lười lên
Mây lênh đênh, ta góc nhỏ sầu miên
Một ngày buồn! Khẽ tiếng lòng than thở ...


Yên Dạ Thảo

NIỀM TIN

Lỡ buồn hôm nay mai xin vui lại
Vui giận ghét yêu* đời vốn thế thôi
Ai cũng phải vào đường già bệnh chết**
Đừng bận tâm! Hãy vui tháng ngày trôi.

Lỡ buồn hôm nay mai xin vui lại
Đóa hoa xinh rực rỡ cũng phải tàn
Tình yêu nồng thắm đôi khi phai nhạt
Nên hiểu đời trước mặt rộng thênh thang.

Lỡ buồn hôm nay mai xin vui lại
Trái đất tròn còn nhiều bạn tâm giao
Sóng gió dâng lên xin đừng sợ hãi
Hoàn cảnh nào tri kỷ vẫn bên nhau.

Anh Tú
May 1, 2014

*Hỉ nộ ố ái
**Sinh lão bệnh tử

2014/04/30

Severe Weather Forecast on April 30,2014

NGÀY DÀI THĂM THẲM

Mỗi sáng tiếng chuông nhà Chúa đổ
Trống công phu cửa Phật vang đồng
Gà báo canh năm o ó gáy
Hôm nay sao lặng lẽ thinh không?

Thao thức suốt đêm… chờ giấc ngủ
Từ khuya rơi nặng hạt cơn mưa
Tầm tã suốt ngày như thác đổ
Mây mù, cây cối gió đong đưa.

Bó gối đăm chiêu nghe tiếng sấm
Ỳ ầm vang dội tự trời xa
Ngao ngán một ngày dài thăm thẳm
Bao giờ mưa dứt chuổi phong ba?

Anh Tú
Suốt ngày mưa gió bảo bùng:
April 30, 2014
TỜ LỊCH CŨ
30thang4

2014/04/29



NHỚ THẦY*

Bạn nhắc ngày xưa!... con nhớ thầy
Sáu mươi năm ấy hãy còn đây
Thầy ơi! thầy đã là thiên cổ
Sao cõi lòng con vẫn nhớ thầy…

Thuở ấy tóc thầy mới điểm sương
Trong lòng thầy dào dạt tình thương
Vì trò nhỏ thầy không ngại khó
Mưa gió thầy ho vẫn đến trường

Chiều thứ bảy thầy thường ôn tập
Để học trò thi được điểm cao
Thấy trò vui thầy cũng lao xao
Thầy cười mĩm lòng vui vô hạn

Và từ đó con không gặp nữa
Tóc con giờ bạc hơn thầy xưa
Thôi thầy hãy bình yên an nghỉ
Chốn thịên đàn cực lạc thiên thu…

PHÚ THẠNH
30/4./2014.
*Mến tặng NGUYỄN HỒNG ẨN
(Cảm tác từ ĐÃ SÁU MƯƠI NĂM của bạn)

TREO

Treo ngày
thả gió cuốn đi
Treo đêm
ngăn bóng xuân thì
đừng trôi
Treo thương
gởi nhớ bồi hồi
Treo buồn
bớt nhánh thêm chồi
đa đoan
Treo xanh
giữ lá lâu vàng
Treo hương tình
níu thời gian với tình
Sương long lanh
cỏ lung linh
Thơ bay lơ lửng
hồn mình trong ta.

Phong Tâm
10 tháng 7, 2012