2014/05/20

NHỚ VỀ TÂN ĐỊNH - ĐAKAO

Tân Định – Đakao dễ thương
Những con đường vẫn như xưa
Chợ Tân Định

Cho đến bây giờ, dù đã xa Tân Định và Đa Kao  nhiều năm, nhưng trong tôi hai cái tên Tân Định và Đa Kao lúc nào cũng là một nổi nhớ khôn nguôi. Chúng cứ thôi thúc tôi hoài. Đã bao năm  qua, tôi muốn tìm về chốn này, để sống lại với kỷ niệm thuở học trò, mà tình yêu khi  đó, chỉ biết, đôi mắt nhìn nhau cũng đủ rồi. Tôi cứ hẹn đi, hẹn lại, nhưng vẫn chưa bao giờ thực hiện được ước mơ này. Rồi một dịp tình cờ đưa đến. Vào tháng 5, năm 2010. Tôi đã toại  được ý nguyện. Tôi đã có hai tuần lễ đi qua, đi lại trên những con đường kỷ niệm của Tân Định và Đa Kao. Điều làm tôi rất đỗi ngạc nhiên và thích thú là tên nhiều con đường trong khu vực này vẫn như cũ.
Thật vậy, sau 30 tháng 04, năm 1975. Một số tên đường của thành phố Sài Gòn thân yêu đã bị đổi bằng những cái tên xa lạ. Nay được thấy lại các tên đường ở khu Tân Định và Đa Kao không bị thay đổi nhiều, trong lòng tôi bỗng nhiên dâng lên một sự xúc động mãnh liệt và niềm sung sướng vô cùng.
Xin mời các bạn cùng tôi tìm về những con đường kỷ niệm của khu Tân Định và Đa Kao với những bồi hồi, rung động khó quên của thời niên thiếu và không bao giờ phôi pha, dù năm  tháng có qua đi.
Trước hết, xin bắt  đầu là Cầu Kiệu với con đường Hai Bà Trưng đi về phía Sài Gòn. Khoảng đường này bên tay phải có hẻm vựa gạo, bác sĩ khám mắt tên Kính, tiệm bán bông cườm, thuốc cam Hàng Bạc và tiệm cà phê Hải Nàm. Phía bên phải có hẻm bán chó, tiệm trà Phật Tổ và tiệm bán xe đạp Đoàn Văn Thẩm.
Quẹo trái ở ngả ba là đường Trần Quang Khải. Phía tay trái là con đường nhỏ  dẫn vô hẻm có tiệm bánh cuốn Thanh Trì ngay đầu ngỏ, đối diện là Hảng Sáo Công Ty, rồi tới trường Việt Nam Học Đường và trường Văn Lang số 51 Trần Quí Khoách do thầy Ngô Duy Cầu làm Hiệu Trưởng. Thầy mất đúng ngày 30 tháng 04, năm 1975. Đối diện trường Văn Lang là Cư Xá Kiến Ốc Cục Tân Định, dành cho công chức. Đi vào phía trong là chùa Vạn Thọ và một số chùa nhỏ khác. Phía tay phải là quán cơm cây Điệp, kế bên là hảng gạch bông Vân Sơn. Nhìn sang bên đường là trường Trung Học Tân Thạnh của Thầy Phan Út. Trước khi vào cổng trường, phải  đi ngang bảo sanh viện Ngô Liêng. Bảo sanh viện này mang luôn tên bà.
Đi tiếp khoảng hai trăm thước sẽ gặp một ngả tư. Đường Bà Lê Chân bên tay phải. Ngay góc đường bà Lê Chân là quán cơm tấm của vợ chồng con trai nghệ  sĩ Bảy Nhiêu. Đối diện là đình Phú Hoà, nơi các đoàn hát bộ và cải lương tập dượt. Nằm trên đường Bà Lê Chân phía bên trái có nhà in Bùi Văn Tạ, bảo sanh viện Hà Đông Hà. Trước mặt có con đường mang tên Mã Lộ. Con đường này chạy ngang phía sau chợ Tân Định. Phía đầu đường Bà Lê Chân là ngả ba Hai Bà Trưng và Bà Lê Chân. Nằm ngay góc là Y Viện Tân Định.
Từ đình Phú Hoà nhìn sang bên kia đường là đường Trần Nhật Duật. Xe chè Huỳnh Thị Ngà nổi tiếng một thời, nằm ngay góc ngả tư đường Trần Quang Khải và Trần Nhật Duật. Đường này chạy dài tới khu nông cơ cũ. Trên đường Trần Nhật Duật có bốn con đường nhỏ đâm ngang qua. Thứ  tự như sau: Đặng Dung, Đặng Tất, Trần Quí Khoách và Trần Khánh Dư. Riêng, hai đường Đặng Dung và Trần Khánh Dư thì chạy dài được đến đường Trần Khắc Chân, còn gọi là xóm Cầu Mới. Trên đường Trần Nhật Duật, hẻm số 21 có tiệm ảnh Nguyễn Kỳ nổi tiếng một thời trong giớí học sinh, thích chụp hình chân dung, nhà số 10 là trường Huỳnh Thị Ngà. Bà Huỳnh Thị Ngà là một phụ nữ giỏi và đảm lược. Bà biết chèo chống và điều hành ngôi trường Huỳnh Thị Ngà, mà kế bên có nhiều trường trung học tư thục khác, lúc nào cũng sẳn sàng cạnh tranh với trường của bà. Nhờ thế trường của bà mới có thể tồn tại hơn hai mươi năm. Bà mất khoảng cuối năm 1992 tại tiễu bang Virginia (Hoa Kỳ). Đối diện trường Huỳnh Thị Ngà, xéo về đường Đặng Dung là nhà gíáo sư khiêu vũ, phía trước nhà có cây me to. Cách đó vài căn là nhà Giáo Sư Pháp Văn Huỳnh Văn Mĩ. Thầy Mĩ nổi tiếng về dạy Pháp Văn và là một trong những võ sư sáng lập môn phái Hàn Bái Đường. Không nghe nói về vợ thầy, chỉ thấy thầy đi chợ môt mình, hai tay xách cái gà mên. Thầy qua đời ở Nam Cali năm 2004, hưởng thọ 93 tuổi. Học sinh trường Huỳnh Thị Ngà rất nễ sợ thầy. Trong giờ của thầy dạy, không em nào dám hó hé vì thầy Mĩ rất nghiêm và khó. Ngoài ra, thầy cũng là thầy dạy cô hiệu trưởng Huỳnh Thị Ngà hồi nhỏ.


Bưu điện Tân Định

Bây giờ trở ngược ra đường Trần Quang Khải đi về phía Đa Kao. Trước khi đến một ngả năm. Phía bên phải là phòng nha khoa của một đôi vợ chồng. Vợ là Nha Sĩ tên Hạnh. Chồng là Không Quân Thiếu Tá Nha Sĩ Dương Quảng Định (Trung Tâm Giám Định Y Khoa Không Quân). Đi thêm khoảng ba mươi thước gặp một depot rác nhỏ. Đối diện là chỗ cho thuê sách, tiểu thuyết và truyện hiếm hiệp Đức Hưng, kế bên là tiệm hàn gió đá Sáu An. Cách đó vài căn là nơi chuyên sản xuất xích lô đạp và xe ba bánh có tên Ngọc Quế.
Khi  đến ngả năm, bên tay trái là đường Trần Khắc Chân, nhìn xéo về phia tay phải là đường Nguyễn Phi Khanh. Căn nhà nằm ngay góc đường của ông Bùi Ngọc Phương. Ông tự phong cho mình là vua dầu hỏa Việt Nam và dự định ứng cử  Tổng Thống VNCH. Nếu đi ngược chiều trên  đường Nguyễn Phi Khanh, ngả ba đầu tiên là đường Huyền Quang, có đình Sơn Trà. Đường Huyền Quang mang tên một vị sư. Con đường dài khoảng hai mươi thước, đi hết đường Huyền Quang, quẹo trái lá Chả cá Lã Vọng. Ngả ba kế tiếp là Lý Văn Phức, có một depot rác rất lớn, nơi mà các công nhân vệ sinh đưa rác về đây, trước khi các xe lớn đến chở đi tái chế và phế thải. Cuối đường là quán cà phê bà Chi, mà các bài viết về cà phê Sài gòn đều nhắc đến. Quẹo trái gặp rạp hát Casino Đa Kao, tiệm may Cao Minh và tiệm thạch chè Hiển Khánh. Đối diên là nhà hàng Pháp tên Casino, tiệm bán quân trang Quế Anh và kế bên là tiệm Phúc chuyên làm con dấu, thêu cờ và huy hiệu. Nếu quẹo phải sẽ gặp Đền Thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo.
Đoạn đường Trần Quang Khải từ đây ra đến đường Đinh Tiên Hoàng tuy không dài lắm, nhưng có rất nhiều cửa hiệu buôn bán. Phía bên phải, ta thấy có Pharmacy Duyệt, rồi đến bảo sanh viện Chung Nam Quế. Nơi đây các bà bầu khu Đakao và Gia Dịnh thường đến để khai hoa nở nhụy. Nhà kế bên là nhà của bà thầy bói mâp, chuyên môn coi bói bài, tiếp đó có hai tiệm bán phụ  tùng và sửa xe Honda, rồi cà phê Ngọc Dung số 77 Trần Quang Khải, của hai chị em tên Ngọc và tên Dung. Đi thêm một chút nửa sẽ  gặp Đình Nam Chơn. Trước đình có thờ hình ông Cọp. Bên trái cổng vào trong sân đình có cây Đa to, có lẽ đã trên trăm uổi. Thêm vài bước nửa cũng có một Phật đường nhỏ, thuộc Giáo Hội Phật  Đường Nam Tông. Được gọi tên la Minh Sư Đạo Quang Nam Phật Đường. Kế bên là tiệm vàng Bảo Thành, cũng nổi tiếng về Bánh Trung Thu, giò lụa, giò thủ và bánh mứt. Trước 1975, bà Bảo Thành là chủ hầu các bải giử hai bánh lớn nhất Sàigòn như: Trường Đại học Luật khoa ở đường Duy Tân, Nha Xổ số Kiến Thiết ở đại lộ Thống Nhất, rạp hát Đại Nam trên đường Trần Hưng Đạo, và dọc theo hai bên đường Lê Lợi… Cách một căn là tiệm cơm Tàu có tên Dân Thiên, với các món mì xào dòn và cơm chiên Dương Châu tuyệt vời.
Tiếp tục phía bên trái. Đầu tiên là chi cuôc cảnh sát Tân Định. Kế bên là đình Công Thành Ban, chuyên trình diễn hát bộ. Trước  đình cũng có thờ một ông cọp, kế bên là một ngỏ  hẻm, đi ra được đường Trần Khắc Chân. Sau đó sẽ đến một dảy phố, có tiệm quay Ronéo Lửa Hồng, nơi  đây quay ronéo và photocopy bài vở cho các học trò và thầy cô giáo. Ngoài ra cũng bán nhạc quay roneo sẳn, giá rất bình dân. Cách đó vài căn là một tiệm hòm. Có tiệm may Của, rồi  đến nhà bà con với ông chủ rạp hát Văn Hoa. Nổi tiếng ở đoạn này là tiệm cầm đồ bình dân có tên là Kim Ngân. Bà chủ lúc nào cũng trang điểm lộng lẫy như các cô đào cải lương Thanh Nga hay Bạch Tuyết sắp lên sân khấu trình diễn. Nơi đây lúc nào cũng đông khách vì tiệm cho cầm và chuộc đồ với giá tương đối dễ thở và thủ tục thì đơn giản hơn so các nơi khác. Cách khoảng mười căn nhà, bên trái có một con hẻm lớn, nổi tiếng nhất vùng Tân  Định –  Đa Kao. Đó là hẻm xóm Vạn Chài. Đây là địa điểm quy tụ anh hùng hào kiệt tứ xứ. Mỗi lần có hành quân cảnh sát để bắt thanh niên trốn quân dịch thì xe cộ, súng ống rầm rộ, ca nô, thuyền nhỏ chạy dài dọc theo sông cầu Bông, đèn pin chiếu pha sáng cả một vùng. Cuối cùng kết quả chẳng  đi đến đâu, vì thanh niên trốn quân dịch  đã nhảy xuống sông, lặn qua bên phía Gia Định, hoặc trốn trong các con hẻm sâu, tối tăm, chằng chịt. Lực lượng kiểm soát cũng không muốn vào chỗ này, vì không an toàn cho lắm.  Đặc biệt, trong hẻm có một trường trung tiểu học tư thục mang tên Văn Hiến do Thầy Phan Ngô làm Hiệu Trưởng. Thầy cũng từng ra ứng cử và đắc cử Nghị viên thành phố Sài gòn.
Ra khỏi hẻm, quẹo trái là ngay rạp hát Văn Hoa. Rạp hát này  đã từng một thời là một rạp hát sang trọng của Saigon vì có trang bị máy lạnh, màn ảnh rộng và giá vé vào cửa cũng tương đối bình dân. Rạp Văn Hoa chiếu  đủ các loại phim. Những lúc chiếu phim mới và hấp dẫn, bà con sắp hàng rồng rắn, kéo dài tới ngỏ xóm Vạn Chài. Khán giả nào không muốn sắp hàng, không muốn chen lấn  đổ mồ hôi, để  bị rách quần, rách áo hoặc bị rạch bóp, thì có thể mua chợ đen, đôi khi phải trả gấp đôi. Cũng nên nói thêm ở đây. Cạnh bên rạp hát Văn Hoa là một quán cà phê cũng đã đi vào lịch sử của cà phê Saigon.  Đó là cà phê Văn Hoa. Quán được trang bị dàn âm thanh tối tân, nhạc ngoại quốc hấp dẫn luôn luôn mới nhất, chỗ ngồi thanh lịch, vị trí thuận lợi và do hai chị em ruột là bà con với ông bà chủ rạp Văn Hoa đứng bán. Cô chị có tên TBD và cô em có tên TBH. Hai chị em đều là nữ sinh trường trung học Huỳnh Thị Ngà. Lúc nào đi học, cả hai cô đều mặc đồ đầm rất xinh xắn. Trông giống búp bê không tình yêu. Nghe đâu cũng có khối anh đến uống cà phê thường xuyên mỗi ngày, trong số đó có anh là ca sĩ một ban kích động nhạc nổi tiếng về bài hát Sunday Morning. Ngày nào anh ta cũng đến quán ngồi đồng, vừa thuởng thức cà phê, vừa trồng cây si cô em TBH. Gia đình Cô TBD hiện ở Montréal, còn gia dình cô TBH từ Montréal chuyển về Pleasanton (California.) vì phu quân cô có công việc làm thích hợp ở đây.
Đoạn đường còn lại, phải nhắc đến một quán cơm xã hội, chuyên phục vụ cho giới bà con lao động, xe ba gác, xe xích lô, công tư chức và học sinh, sinh viên nghèo. Giá rất bình dân, chỉ duy nhất năm đồng. Thức ăn gồm ba món, thay đổi mỗi ngày. Cơm ăn thoải mái, ăn cho đến khi nào no thì thôi. Ngoài ra, còn được tặng thêm một trái chuối tráng miệng và ly trà thơm, nóng bốc khói. Sau đó phải kể thêm hai tiệm bán xi măng, gạch, cát và  đá cha truyền con nối là Tấn Phát và Tâm Long. Nay chỉ còn tiệm Tâm Long tiếp tục, địa chỉ số 8 Trần Quang Khải, có lẽ cửa hàng đã hơn nửa thế  kỹ. Một chút nửa thì bỏ sót tiệm may áo dài tương đối nổi tiếng là Phương Luân và hiệu ảnh Ngọc Chương ở  kế bên. Hết đường Trần Quang Khải thì gặp đường Đinh Tiên Hoàng. Quẹo trái sẽ  găp một quán bán thịt gà, thịt vịt và thịt heo quay. Cạnh đó là một tiệm chuyên sửa xe vespa và Lambretta. Nhìn sang bên kia  đường là tiệm may áo dài Thanh Châu. Tiệm mang tên người con gái lớn nhất. Tiệm may Thanh Châu rất nồi tiếng, chuyên may áo dài cho các ca sĩ và áo cưới cô dâu. Hiện nay tiệm may Thanh  Châu vẫn còn và có rất nhiều khách  đến may mỗi ngày. Kế bên là tiệm bán và đóng giầy Đông Hưng.
Bên kia đường Trần Quang Khải là đường Nguyễn Huy Tự. Phía tay phải có chợ Đa Kao. Trước khi tới chợ Đa Kao, sẽ gặp một gánh chè chỉ bán đậu đen. Bà bán chè, người miền bắc di cư. Bà chỉ bán vào buổi chiều. Chè đậu đen bà nấu, hạt rất dẻo, hương vị ngọt đậm đà. Thú vị nhất là ngồi chồm hỗm ăn chè nóng dưới cơn mưa lất phất của Sài Gòn, vì không có ghế cho khách. Một con đường chạy ngang chợ Đa Kao là đường Trương Hán Siêu. Bên trong có đền thờ nhà cách mạng Tây Hồ Phan Chu Trinh và quán bánh cuốn tráng hơi, mang tên Tây Hồ. Bà chủ bánh cuốn có tên là bà Cà. Bà khởi nghiệp năm 1960, bằng một cái quán xập xệ, một ít bàn ghế thấp lè tè và mấy tấm bạt cũ để che mưa. Bên phải có Tín Nghĩa Ngân Hàng. Khi chiều đến, có quán cháo lòng, mà bà chủ rất khó tánh. Bà luôn luôn  ưu tiên bán trước cho nam gìới, còn nữ gìới thì bà cho  đợi mút chỉ cà tha. Cô hay bà nào không chờ được thì đi kiếm chỗ khác. Nếu thắc mắc, khiếu nại thì bà sẽ từ chối, không bán.


Rạp Casino Đakao


Đường Nguyễn Huy Tự  rất ngắn, khoảng chừng ba mươi thước. Chấm dứt khi đụng đường Nguyễn Văn Giai. Chạy thẳng là Viện Nhu Đạo Quang Trung của Thượng Toạ Thích Tâm Giác. Nguyên Giám Đốc Nha Tuyên Úy Phật Giáo. Đối diện với Viện Nhu Đạo Quang Trung là một ngôi chùa lâu đời của người Hoa, mang tên chùa Ngọc Hoàng. Đặc biệt, trong chùa có một cái hồ lớn và sâu. Nhà chùa thả rất nhiều rùa, có những con sống đã vài chục năm trở lên.
Đường Nguyễn Huy Tự, quẹo trái là đường Bùi Hữu Nghĩa. Có một cây cầu sắt cũ. Nếu quẹo  phải sẽ  găp đường Nguyễn Văn Giai. Đi hết đường Nguyễn Văn Giai sẽ gặp đường Đinh Tiên Hoàng, nhìn sang phía bên kia đường là đường Huỳnh Khương Ninh. Bên trái là rạp hát Asam, nay đã xây thành chung cư và tiệm thuốc tây Lịch Cường. Pharmacy mang tên của Dược Sĩ Tống Lịch Cường. Đầu đường Huỳnh Khương Ninh, có xe bánh mì Bảy Quan với bánh mì thịt dăm bông và ba tê rất độc đáo. Trên con đường này còn có trường trung học Huỳnh Khương Ninh. Đi hết đường Huỳnh Khương Ninh sẽ  gặp  đường Phan Liêm. Đường chạy dài, dọc theo bên hông Nghĩa Trang Mạc Đĩnh Chi. Trên đường Đinh Tiên Hoàng giữa khoảng đường Phan Đình Phùng và Phan Thanh Giản có hai nhà hàng Pháp nổi tiếng là Chez Albert và La Cigale. Ngoài ra cũng phải kể thêm hai quán cà phê đã đi vào gia phà cà phê Saigon trước năm 1975. Quán thứ nhất là cà phê Hân mà tất cả mọi thứ đếu làm bằng inox từ phin, muỗng, tách đựng đưòng, đựng sữa và quán thứ hai là cà phê Duyên Anh. Quán mang tên nhà văn Duyên Anh, nhưng hoàn toàn không dính dáng đến nhà văn này. Cô bé ngồi tính tiền tên Q. có nụ cười xinh xinh, đôi mắt tròn, đen láy và tóc dài thắt bím rất dễ thương. Cô làm cho bao nhiêu đấng anh hùng mê mệt. Cô cũng còn là đề tài cho các chàng thi sĩ tài tử đến vừa thưởng thức cà phê, vừa làm thơ sầu mộng.
Khu Đa Kao có thể kể thêm những con đường tên vẫn như cũ là: đường Nguyễn Bỉnh Khiêm với hai trường trung học công lập Trưng Vương, Võ Trường Toàn và hồ bơi Nguyễn Bĩnh Khiêm, đường Nguyễn Thành Ý, đường Phan Kế Bính có Hội Văn Hoá Bình Dân do ông Huỳnh Văn Lang Tổng Giám Đốc Viện Hối Đoái làm Chủ Tịch, đường Mạc Đĩnh Chi với Billards Trường Cang, nhà hàng Trường Cang, Hội Việt Mỹ và Ty Cảnh sát Quận 1, đường Trần Cao Vân, Phan Tôn, Phan Ngữ, đường Phùng Khắc Khoan với tư gia Đại Sứ Hoa Kỳ.  Đường này cũng là một con đường đẹp, có nhiều lá me bay của Saigon.

Cuối cùng trở về khu Tân Định. Xin chỉ ghi ra những con đường không bị đổi tên là: Nguyễn Văn Mai nối hai đầu đường Hai Bà Trưng và đường Huỳnh Tịnh Của. Một đường nữa là Đinh Công Tráng, với món bánh xèo nổi tiếng, trường (Tân Thịnh, Les Lauries, Văn Minh) và tiệm chụp hình Duy Hy. Ngay góc Hai Bà Trưng và  Đinh Công Tráng là tiệm thuốc Kính Tiên. Phía đối diện là trường Thiên Phước, nhà thờ Tân Định và cách nhà thờ Tân Định khoảng hơn mười thước là cà phê Thu Hương danh tiếng một thời. Ngoài ra, cũng xin kể thêm đường Pasteur. Nơi đây có nhiều tiệm phở, có quán cà phê Hồng và có viện Pasteur, chiếm một chu vi rất rộng, có bốn con đường bao quanh, với những cây cổ thụ to  đến nổi năm, sáu người ôm vẫn không xuể. Ngay ngã ba Nguyễn Đình Chiểu và Pasteur, có một cái mả đá rất lớn được xây bằng đá ong đã bị giải tỏa, nhìn đối diện là trường ngõ hẻm vô trường Anh Văn Khải Minh. Xin phép được dừng ở đây. Hy vọng các bạn đã tìm lại được một chút hương xưa của ngày tháng cũ năm nào..

Một lần nửa Tân Định - Đa Kao mãi mãi trong tiềm thức của chúng ta.

Trần Đình Phước
( San José – California 2010)

2014/05/16


BẠN

Có bạn tốt trong đời ta?
Gần bên không có ở xa thì nhiều!
Hôm nay mưa gió tiêu điều
Một mình bó gối buồn thiu nhìn trời !

Anh Tú
May 16, 2014
BIẾN NƯỚC BIỂN THÀNH NHIÊN LIỆU

TS Heather Willauer với mẫu nhiên liệu
tổng hợp tại Triển lãm Biển, Hàng không
và Vũ trụ 2014 ở Maryland


Trang mạng ibtimes.com ngày 8/4/2014 đưa tin: Sau nhiều thập niên khai triển một dự án nghiên cứu thí nghiệm, các nhà khoa học của Hải quân Mỹ tin rằng có lẽ họ đã giải quyết được một trong các thách thức lớn của thế giới: biến nước biển thành nhiên liệu.
Trong bài báo có tiêu đề “Tạm biệt dầu mỏ: Hải quân Mỹ đột phá giải quyết được một công nghệ năng lượng tái sinh mới biến nước biển thành nhiên liệu, cho phép các tàu chiến có thể ở trên biển lâu hơn”, nữ Tiến sĩ hóa học Heather Willauer cho biết: “Lần đầu tiên chúng tôi đã thành công phát triển một công nghệ đồng thời lấy được CO2 và hydrogen từ nước biển rồi chuyển hóa thành một loại nhiên liệu hydrocarbon thể lỏng… Đây là một bước đột phá lớn.” TS Heather Willauer đã có gần 10 năm tham gia làm dự án kể trên của Phòng Thí nghiệm Hải quân (Navy Research Labolatoty, NRL).
Nồng độ CO2 trong nước biển cao gấp 140 lần trong không khí. Sử dụng thiết bị xúc tác có thể biến hai chất khí nói trên thành một hỗn hợp nhiên liệu thể lỏng không khác dầu diesel. 
Mới đây, nhiên liệu do NRL chế tạo đã được trưng bày tại Triển lãm Biển, Hàng không và Vũ trụ 2014 ở National Harbor, bang Maryland (7-8/4/2014). Trang mạng nationaljournal.com ngày 10/4 cho biết, trong vòng một thập niên nữa Hải quân Mỹ có thể dùng loại hydrocarbon nói trên để sản xuất nhiên liệu phản lực (jet fuel).
Phó Đô đốc Philip Cullom, người phụ trách dự án nghiên cứu, nói: “Đây là sự kiện quan trọng đối với chúng tôi.” Ông cho rằng sẽ có một ngày máy bay cũng có thể sử dụng loại nhiên liệu mới này.
NRL cho biết giá thành chế tạo mỗi gallon nhiên liệu hydrocarbon nói trên vào khoảng từ 3 đến 6 USD và sẽ giảm dần.
Hiện nay trừ một số tàu sân bay và tàu ngầm sử dụng năng lượng hạt nhân, còn lại 289 tàu chiến Hải quân Mỹ đều chạy dầu và do đó hoàn toàn phụ thuộc vào nhiên liệu dầu. Việc tiếp tế nhiên liệu cho các tàu chiến chạy dầu hoạt động trên toàn cầu rất tốn kém và phức tạp: Hải quân Mỹ có riêng một hạm đội 15 tàu dầu (oil tankers), hằng năm cấp phát 1,25 tỷ gallon dầu cho các tàu chiến. Điều đó khiến cho khả năng hoạt động của các tàu chiến bị hạn chế nghiêm trọng, chưa kể còn có rủi ro ô nhiễm môi trường. Việc sản xuất một loại nhiên liệu hydrocarbon lỏng từ nước biển sẽ giúp hải quân thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu mỏ và sự lên xuống giá dầu, cho phép các tàu chiến có thể tự cung tự cấp nhiên liệu và do đó chúng có thể hoạt động trên biển 100% thời gian mà không cần tiếp tế nhiên liệu cũng như cần tới các kho chứa dầu. 
Mạng N-TV của Đức (n-tv.de) ngày 9/4 bình luận: Loại nhiên liệu hydrocarbon này có thể gây ra sự biến đổi có tính cách mạng trong việc cung cấp năng lượng cho các tàu chiến, qua đó tạo ra ưu thế chiến lược quan trọng cho nước Mỹ.
Các nhà khoa học ở NRL đã dùng loại “nhiên liệu nước biển” ấy cho bay thành công một mô hình máy bay.
Thách thức tiếp theo đối với Hải quân Mỹ là sản xuất loại nhiên liệu nói trên với quy mô công nghiệp. Các nhà khoa học cho rằng ít nhất cần 10 năm nữa để đội tàu chiến Mỹ thực hiện tự cung tự cấp nhiên liệu. (Tia Sáng)
Nguyễn Hải Hoành tổng hợp


Bài viết ở trang: http://www.ibtimes.com/


Goodbye, Oil: US Navy Cracks New Renewable Energy Technology To Turn Seawater Into Fuel, Allowing Ships To Stay At Sea Longer
on April 08 2014 6:00 AM
U.S. Navy
The Navy fleet line, but could be doing so under steam of a new kind of fuel. U.S. Navy

After decades of experiments, U.S. Navy scientists believe they may have solved one of the world’s great challenges: how to turn seawater into fuel.
The development of a liquid hydrocarbon fuel could one day relieve the military’s dependence on oil-based fuels and is being heralded as a “game changer” because it could allow military ships to develop their own fuel and stay operational 100 percent of the time, rather than having to refuel at sea.
The new fuel is initially expected to cost around $3 to $6 per gallon, according to the U.S. Naval Research Laboratory, which has already flown a model aircraft on it.
The Navy’s 289 vessels all rely on oil-based fuel, with the exception of some aircraft carriers and 72 submarines that rely on nuclear propulsion. Moving away from that reliance would free the military from fuel shortages and fluctuations in price.
he breakthrough came after scientists developed a way to extract carbon dioxide and hydrogen gas from seawater. The gasses are then turned into a fuel by a gas-to-liquids process with the help of catalytic converters.
"For us in the military, in the Navy, we have some pretty unusual and different kinds of challenges," said Cullom. "We don't necessarily go to a gas station to get our fuel. Our gas station comes to us in terms of an oiler, a replenishment ship. Developing a game-changing technology like this, seawater to fuel, really is something that reinvents a lot of the way we can do business when you think about logistics, readiness." 
The next challenge for the Navy is to produce the fuel in industrial quantities. It will also partner with universities to maximize the amount of CO2 and carbon they can recapture.
”For the first time we've been able to develop a technology to get CO2 and hydrogen from seawater simultaneously. That's a big breakthrough," said Dr. Heather Willauer, a research chemist who has spent nearly a decade on the project, adding that the fuel "doesn't look or smell very different." 
“We've demonstrated the feasibility, we want to improve the process efficiency," explained Willauer. 

CHÚT KỶ NIỆM

Thoáng chốc mà đã mấy chục năm rồi không gặp anh Dõng. Hôm nay em vui lắm được "gặp lại" anh, dù là gặp qua Facebook.
Anh có còn nhớ hồi đầu năm 1975 anh đang học nơi trường Long Thành. Một ngày chúa nhật không có thân nhân đến thăm, anh ra phòng tiếp tân và nhìn thấy trong danh sách "người thăm" có một cái tên quen: HTKH. Anh đã chờ đợi đến hết giờ thăm viếng để gặp em. Anh hỏi:
- Em là Kim Hoàn ở Hà Tiên? Có nhận ra anh không?
Em giật mình. Chao ơi, trái đất nhỏ bé quá. Hẹn hò với "chàng" nơi xa xôi này mà vẫn bị người quen bắt gặp!
Sao em lại không nhận ra anh chứ! Mặc dù tóc anh lúc ấy húi cua, da nâu sạm nắng. Nhưng em vẫn nhìn ra được anh Dõng. Dưới mái trường xưa thương mến, có anh Dõng, anh Mãnh, giống nhau như đúc, là 2 chàng thanh niên...tuấn tú, là học sinh xuất sắc của ngôi trường trung học Hà Tiên. 
- Em đi thăm ai vậy?
- Dạ, em thăm người bạn.
Đâu có ai chịu khó lặn lội "đường Quang Trung nắng đổ xa xôi" để thăm bạn. Chắc anh cũng đoán được là em đi thăm người yêu, phải không?
Đúng vậy anh ạ. Và em "đã đi bên cạnh cuộc đời" người ấy cho đến hôm nay.
Ngày đó anh nhận ra tấm hình của em trên thẻ căn cước. Bây giờ sợ anh không nhận ra em, nên em gửi kèm theo tấm hình ngày xưa của một thời cắp sách. Một thời để yêu, để nhớ!...


hồthịkimhoàn
May 15, 2014
Source: Facebook



HOÀNG SA VIỆT NAM NỖI ĐAU MẤT MÁT

2014/05/15


MỘ HÀN MẶC TỬ - GỀNH RÁNG


Kỷ niệm ngày viếng mộ thi sĩ Hàn Mặc Tử - 11.05.2013










Nguồn: http://yendathao.blogspot.com/


HỎI RẰNG BẾN ĐỖ XA GẦN... 

Gánh sầu mai thả trôi sông
Niềm vui gom nhặt, lệ lòng ngừng tuôn
Hồng trần một kiếp vô thường
Mệnh người sinh tử, ai lường ngày sau

Nếu đời tựa đóa sầu đâu
Mai treo trước ngõ, giũ sầu rụng rơi
Nếu tình như áng mây trời
Gởi theo cánh gió về nơi cõi buồn

Nếu mai sóng gợn, gió cuồn
Thuyền mơ nghiêng ngả, mưa buồn tràn dâng
Hỏi rằng bến đỗ xa gần
Cho thuyền ghé lại sưởi vần lạnh thơ?
 

Yên Dạ Thảo

2014/05/14

NAM QUỐC SƠN HÀ 


   


南 國 山 河 南 帝 居 

截 然 定 分 在 天 書 

如 何 逆 虜 來 侵 犯 

汝 等 行 看 取 敗 虛 

李 常 杰



NAM QUỐC SƠN HÀ

Nam quốc sơn hà Nam Đế cư 
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư 
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm? 
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư!



Lý Thường Kiệt

NON NƯỚC VIỆT NAM

Sông núi nước Nam Vua Nam ở
Rành rành định phận tại sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.

*Bài dịch trong sách giáo khoa
***
Non nước Việt Nam vua Nam ngụ
Sách trời ghi rõ tự ngàn thu
Nếu quân thảo khấu lăm le chiếm
Đại bại quân bây kẻ quốc thù!

*Thoáng dịch AT
5/14/14

2014/05/11

Cầu Ngãi Xuyên

SÔNG QUÊ

Mai về xứ Ngãi Xuyên tôi
Hỏi cây cầu cũ còn soi nước đầy
Vạt hồng áo cưới ai bay
Giữ dùm tôi chút những ngày em xưa

Dẫu rằng trăng rụng trong mưa
Chùm hoa tím dại gió đùa nhặt hương
Dặm dài cánh mỏi còn vương
Lá đan bóng rợp vòm truông hững hờ...

Hồng Băng
TRUNG QUỐC CÚT KHỎI BIỂN ĐÔNG!

be-3894-1399776970.jpg
vnexpress.net

http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/nguoi-dan-ba-mien-tuan-hanh-phan-doi-trung-quoc-2989072.html

2014/05/10

LIÊN KHÚC MẸ HAY NHẤT
Phương Mỹ Chi

NHỚ MẸ

Kính dâng hương linh Từ Mẫu nhân ngày Lễ Mẹ

Nhớ Mẹ ! Mẹ ơi ! nhớ suốt đời !
Không riêng ngày Lễ Mẹ mà thôi.
Thương con nào kể thân cơ cực
Yêu trẻ thiết gì chuyện nghỉ ngơi.
Ôi nghĩa sinh thành chưa báo đáp
Mà ơn dưỡng dục chẳng đền bồi.
Sụp đầu lạy tạ tuôn trào lệ
Có thấu lòng con hỡi Mẹ ơi?

Mother's Day 11 /5/ 2014
Quang Tuấn

2014/05/09

CHIẾC LÁ THU PHAI
Hoà tấu: Nguyễn Đức Đạt (Nhạc sĩ khiếm thị với Tây Ban Cầm) & Luân Vũ(Vỹ Cầm)

LẨN THẨN

Nói ra đều mình nghĩ
Là sự việc bình thường
Ảo hay không ảo tưởng
Tất cả là vô thường.

Quả tim còn máu đỏ
Mạch di chuyển quanh co
Thì hiện hữu còn đó
Ta vượt sông qua đò.

Trách người và tự trách
Là khúc khuỷu quanh co
Thói đời theo đường đó
Dẫu nhọc nhằn âu lo.

Anh Tú
May 9, 2014

Kìa ! Trăng Lên Bao Giờ !
(cảm tác Lẩn Thẩn của Anh Tú)
Thơ thầy hừng máu đỏ
Chảy khúc khuỷu quanh co
Đọc sao nghe ngồ ngộ
Như vượt sông qua đò...
Trách người hay tự trách
Mơ hoài sống tự do
Tuyết Đông về trước ngõ
Lạnh lẽo câu hát hò.
Xa nhau không gặp mặt
Lẩn thẩn lại làm thơ
Thầy ơi ! Vui lên nhé
Kìa ! Trăng lên bao giờ !
Dương hồng Thủy
20/11/2018


SẦU…

Nắng trải lụa vàng trên lá xanh,
Gió lùa mây trắng cuối trời thanh,
Sầu chợt dâng cao hồn lữ khách,
Ngậm ngùi cho số kiếp mong manh.

Mặc Thái Thủy
Dogdge  CityKansas 1990

2014/05/08

TRUNG QUỐC XÂM LƯỢC VIỆT NAM


THUỞ  XA XÔI

Vi vút thời gian đã lướt qua.
Hôm nay tóc bạc…phủ đầu ta
Không còn xuân nữa già đà đến
Ngồi nhớ những thời dỉ vãng xa.

Luyến ái tuổi thơ nào biết gì
Tròn trăng đã biết…chẳng rành chi
Lớn lên vương vấn và lưu luyến
Một thuở vui buồn những mộng si.

Có chuyện hai người một nửa nhau
Đêm nằm thao thức nhớ trăng sao
Chờ cho mau sáng tìm tay nắm
Đôi mắt nồng nàn âu yếm trao.

Cách biệt nghìn trùng bỗng xãy ra
Hai người đành chịu chuyện chia xa
Ngày này nhớ lại thời xuân trẻ
Cố nén niềm đau: mất tuổi ngà.

Anh Tú
May 8, 2014

2014/05/07

HẠ VÀO THƠ*

Thi sĩ đem hạ vào thơ
Khiến hồn người phải ngẫn ngơ …nhớ về
Một thời sống giữa đam mê
Mắt liếc, tóc thề, má lúm, môi son
Một thời những mối tình con
Vụng về đánh mất nay còn nhớ nhung
Hởi người đồng điệu hãy cùng
Hát lên Hạ khúc rưng rưng ngõ hồn.

https://anhtuvaban.blogspot.com/2014/05/tho-vao-ha-nang-ep-lam-em-oi-ngay-chom.html

2014/05/06

ĐÔI MẮT NGƯỜI XƯA
Trình bày: Quang Lê
TÂM TÌNH TỐNG PHƯỚC HIỆP

Tùy Bút

Có ai đó đã nói “chỉ có nơi nào cho ta nhiều kỷ niệm, nơi đó mới nằm trong hoài niệm của mình” .  Vĩnh Long, với tôi,  như một quê hương thứ hai. Tôi về đó ngay sau tốt nghiệp, từ năm 1970.  Ở đó có quá nhiều kỷ niệm khiến tôi thấy như thiếu mất chuyện gì khi về Việt Nam mà không trở về thăm lại.
Dừa nước
Vĩnh Long không chỉ là trạm dừng chân mà là một phần của cuộc đời tôi. Ngôi trường Tống Phước Hiệp lại là một phần khác của cuộc đời mình.
Bước vào đời với hành trang của một thày giáo trung học ở tuổi còn thanh niên, tôi cũng không ngờ là mình gắn bó với Tống Phước Hiệp, với Vĩnh Long lâu đến thế. Những ngày đầu tiên trước học trò nhiều bỡ ngỡ, dù đã sửa soạn rất kỹ. Lúc đó là lúc Tống Phước Hiệp chuyển mình để thành trường nữ trung học của tỉnh. Nam sinh chỉ còn ở Đệ nhị cấp.  Mỗi chiều tan trường, đứng trên hành lang dãy lớp học trước cột cờ hay ở cửa sổ phòng giáo sư, nhìn dòng học sinh trong lớp áo dài trắng chảy dần ra cồng, lòng lại thấy nao nao. Hay mỗi lần thấy Phượng trong sân trường trổ bông đỏ ối là mỗi lần biết hè đã đến, lòng lại thấy một thứ tình cảm khó diễn tả: mùa chia tay, mỗi năm đến hè lòng man mác buồn.

Lúc đó, mọi người đã cùng sinh hoạt, gắn bó với trường để đưa tên tuổi của Tống Phước Hiệp vào danh sách của những ngôi trường được biết đến của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Vĩnh Long là một tỉnh có tinh thần hiếu học, chính quyền, phụ huynh học sinh là những người biết dến công sức của thầy cô giáo.  Hội Phụ Huynh Học Sinh của trường qua bao nhiêu nhiệm kỳ, nhất là dưới thời Ông Mai Phùng Võ, đã là một phần của sinh hoạt thật sự của trường, chứ không phải là một huê dạng của nhà trường. Ngày tôi mới về, cơ ngơi của Trường chỉ mới là hai dãy nhà xếp thành hình chữ L mà phần cuối trên lầu của nhánh dài là Thư Viện. Chính hội Phụ Huynh Học Sinh đã là kẻ đóng góp công sức rất nhiều để trường có hình dáng như hôm nay.

Nhắc đến thư viện của trường không thể không nhắc đến công sức của Quản Thủ Thư Viện Đặng Ngọc Diệp. Lúc mới về trường, tôi đã ngạc nhiên về lượng sách và sinh hoạt của thư viện trường.  Vào những năm sau cùng của Tống Phước Hiệp, với ngân quỹ dành cho Thư Viện, thầy Diệp còn gửi cho mỗi giáo sư một phiếu đề nghị sách cần mua thêm cho thư viện. Việc này giúp cho thư viện không những giàu về lượng mà còn nâng cao phẩm chất của sách khi giáo sư đề nghị những sách đọc nằm ngoài chương trình học nhằm vào kiến thức tổng quát cho học sinh.  Thư viện còn có tổ chức các buổi triển lãm sách báo, bảo trợ cho các hoạt động của các giáo sư như việc bảo trợ cho giáo sư Đoàn Xuân Kiên (Việt văn – hiện sinh sống bên Anh) thực hiện cuốn Sưu Tập Ca Dao Đồng bằng sông Cửu Long, dù chỉ in roneo và lưu hành nội bộ, nhưng là một công trình lớn do có sự đóng góp của toàn thể học sinh trường lúc bấy giờ. Tôi không có điều kiện biết nhiều về những thư viện của những trường trung học khác, nhưng quả thật, thư viện Tống Phước Hiệp đã là nơi không phải chỉ lưu giữ sách mà còn là một thư viện theo đúng nghĩa của nó, học sinh (và cả giáo sư nữa) dã đến đó, đọc, mượn, tìm kiếm thông tin… ngay cả đến thư viện của Tỉnh lúc bấy giờ cũng chưa có sinh hoạt đó.

Khoảng thời gian dạy ở Tống Phước Hiệp, tôi là một trong số những thày giáo trẻ, năm tôi ra trường, một loạt giáo sư trẻ mới tốt nghiệp của nhiều bộ môn về trường cùng một lượt, Lý Hóa có tôi và Lương văn Hoa, Sừ Địa có Nguyễn Thành Đô, Việt văn có Đoàn Xuân Kiên, Anh văn có Đặng thị Thanh Nhàn… năm sau thêm một số giáo sư trẻ khác: Huỳnh Hữu Trí ở Toán, Lê Tân ở Sử Địa, Lê Thượng Hiền ở Pháp Văn…Số giáo sư trẻ này cùng với những đàn anh dày dạn trong nghề tạo cho Tống Phước Hiệp một sắc thái khá đặc biệt,  người ta không nhìn thấy những cảnh kết bè nhóm, gây chia rẻ trong thành phần thày cô giáo ở Tống Phước Hiệp như trong những ngôi trường khác, tuy không phải không có cảnh nhiều người không thích tham dự vào hoạt động chung của trường. Trường có cả một đội quần vợt của các giáo sư, gồm cả các cây vợt trẻ Lê Tân, Lê Thượng Hiền, Nguyễn Thành Đô… cùng với nhũng tay vợt đàn anh Nguyễn văn Cai, Nguyễn Quang Châu… Trường còn thực hiện cả cuốn Kỷ Yếu Tống Phước Hiệp đầy hình ảnh hoạt động của trường, ngay cả những trường lớn ở Sài Gòn hay Cần Thơ, Mỹ Tho cũng chưa thực hiện được, chỉ tiếc là sau này khi về sống ở nông thôn không còn điều kiện để bảo quản, tôi không còn giữ được nó.  Hội Đồng Giáo sư hướng dẫn của trường là một hội đồng mạnh và đã làm được nhiều chuyện cho học sinh trong những sinh hoạt khác…tôi muốn nói đến những hội chợ, du ngoạn, hoạt động cứu trợ… đó sẽ là  những kỷ niệm để đời trong lòng những người tham dự.  Có ai quên được công sức của Thầy Ngô Quang Vỹ (nay đã mất) và các giáo sư phụ tá trong việc dựng lại kịch thơ nói về Hai Bà Trưng, diễn ngoài trời, ngay tại sân bóng rỗ của trường, có cả “voi” cho hai Bà cỡi khi xung trận… có ai quên được những kỳ hội chợ trong sân trường mà mỗi lớp là một đơn vị với những thi đua hào hứng về nấu ăn (con gái mà), trang trí lều trại… những hình ảnh đó sẽ là những hình ảnh đẹp khó quên của một thời.

Trên Cầu Mỹ Thuận
 Tháng 4-75 lại là một khúc quanh khác, ngoài một số  thầy cô được lưu dụng lâu dài. phần còn lại hoặc bị cho nghỉ việc, hoặc phải tập trung học tập cải tạo sau một thời gian chuyển tiếp ngắn… Nhưng cũng nhờ vậy mà tình anh em thắm thiết hơn, những người ngày xưa chỉ là đồng nghiệp, nay còn là bạn tù, sau đó là bạn cùng cảnh ngộ sống nhờ vào những sinh hoạt lề đường vì trường học không cần đến họ nữa… Và một lần nữa, người ta không nhìn thấy sự phân biệt trong sự đối xử của xã hội đối với họ: bạn cũ còn đi dạy, phụ huynh, học sinh… ai cũng nhìn họ bằng sự kính trọng hay thương cảm.  Đối với quần chúng, họ chỉ là những giáo viên bị “mất dạy” chớ không hề là những “ngụy quân, ngụy quyền”.  Những người còn lại trong trường cũng thê lương không kém, họ còn chút danh thày giáo, nhưng cũng lâm vào cảnh “Chiều ba mươi, thày giáo tháo giày ra chợ bán; Sáng mùng một , giáo chức dứt cháo đón xuân sang” không biết ai khổ hơn ai, nhưng có một diều rõ ràng, dù còn trong ngành giáo dục hay đã bước chân ra trường đời, mọi người vẫn kính trọng và yêu thương nhau như ngày nào.
 
Lần này về Việt Nam tôi phải lo một số việc quan trọng cho gia đình, nhưng cũng cố nhín ra một ít thì giờ trong những ngày bận rộn cuối cùng để về Vĩnh Long thăm bạn bè.
Vĩnh Long thay đổi nhiều. Hình ảnh phà Mỹ Thuận không còn nữa, cảnh chờ phà qua sông ở hai bờ Mỹ Thuận cũng biến mất và được thay thế bằng chiếc cầu cao do Úc viện trợ từ năm 2000, có thể nhìn thấy từ Vĩnh Long…Bệnh Viện Đa Khoa trước Ty Cảnh Sát cũ nay đã trở thành một trung tâm thương mại, đường sá mở rộng hơn, nhiều chỗ đẹp hơn xưa nhiều, Cầu Khưu Văn Ba được xây lại kiên cố và rộng hơn, con đường đất đỏ dẫn ra ngoại ô đi ngang tu viện các Sơ áo trắng… nay đã trở thành đại lộ thênh thang buôn bán tấp nập, con đường từ bưu điện xuống bờ sông cũng vậy, còn được trồng cây trên lối phân ranh giữa đường; buổi sáng sớm trở thành nơi đi bộ, tập thể dục cho mọi người, trường Nguyễn Trường Tộ biến mất, Đạt Nhân không còn, Nguyễn Thông nay là tên của một trung học khác của tỉnh, nằm trên đường đi Cần Thơ, còn trường bán công Nguyễn Thông ngày xưa bây giờ là trường phổ thông cấp hai, Phường Hai của thị xã…  Nhưng ngôi trường cũ của chúng ta, dù mang tên khác, vẫn vậy, có phần còn tiều tụy hơn và có vẻ như co mình khiêm nhường hơn trong khung cảnh tất bật chung quanh do bến đò ngang sông Long Hồ được mở rộng ngay trước trường.  Cầu Thiềng Đức đang được tu sửa nên bến đò càng thêm bận rộn; khu buôn bán của chợ Vĩnh Long được nối ra đến con đường cạnh hông trường, lều quán, hàng hóa bày biện khiến những con đường quanh trường như nhỏ hẳn lại. Trường Tống Phước Hiệp bây giờ như nối liền với chợ; sân nhà hiệu trưởng là chỗ giử xe cho chợ, cạnh đó, ngay góc đường là… tiệm phở. Tôi tần ngần đứng trước cửa trường mà lòng ngẩn ngơ. Bấy giờ là mùa hè, trường vắng vẻ, lác đác vài bóng người trong trường khiến khung cảnh càng có vẻ đìu hiu, lòng như nặng nề hoài nhớ lại hình bóng ngôi trường xưa, còn đâu hình ảnh trang nghiêm của ngôi trường ngày nào! Còn đâu những ngày tháng cũ!… bây giờ tôi ân hận và không hiểu vì sao lúc đó tôi đã không có chút hứng thú nào để chụp lại vài tấm hình của ngôi trường
Dây Tơ Hồng
Nhưng buổi gặp mặt anh em bạn cũ thì vô cùng húng thú.  Anh em đến với nhau thật chân tình. Không phân biệt cũ, mới, còn đi dạy hay đã đổi nghề, họ đủ cả, bạn cũ ở Tống Phước Hiệp, Thủ Khoa Huân như Hồ Văn Thuận(Việt), Nguyễn văn Cai (Anh), Phạm An Tập (Toán), Nguyễn văn Thành (Nhạc), Hồ văn Chính (Việt), Huỳnh văn Hiếu (Toán – Thủ Khoa Huân)… bạn thày giáo học tập cải tạo… ngay cả mấy thày mới hiện còn đang dạy tại trường… tất cả như cùng nhau sống và vui với kỷ niệm xưa. Chúng tôi cùng nhau kề lại chuyện xưa, như sống lại quãng đời cũ, lúc còn đi dạy, lúc đi học tập, lúc phải ra sống cạnh lề đường… Chúng tôi cùng  hỏi thăm những người quen cũ, ai còn? ai mất? ai đang làm gì? ai đang ở đâu?  Nhìn bạn bè ai cũng già hết rồi. Bây giờ còn ngồi cạnh nhau, nói chuyện với nhau, mai sau biết có còn gặp lại nhau lần nữa? Thôi thì vui ngày nào hay ngày ấy.
Như vậy đó! Thời gian có qua đi, hơn ba mươi năm rời xa Vĩnh Long, rời xa ngôi trường ấy rồi còn gì, mà trong lòng tôi vẫn còn mãi một tâm tình Tống Phước Hiệp.

Hòa Đa
http://hoada15.blogspot.com/



ĐƯỜNG VỀ VĨNH LONG


Tôi tương tư chặng đường từ Mỹ Thuận vào Vĩnh Long.
Ngã ba Cần Thơ ở cuối đường này sẽ cho tôi đi về miền Nam sông Hậu, rẽ trái vào miền cố thổ Trà Vinh, hay rẽ phải đi ngược lên Sa Đéc xông xênh huyền thoại, qua vùng An Giang lịch sử khẩn hoang, hay xuôi về miệt thứ Kiên Giang mơ hồ sóng biển. Từ Vĩnh Long đi khắp nẻo ta bà, mà tôi chỉ là viễn khách nhỏ nhoi trong đất trời lồng lộng.
Vừa xuống cầu Mỹ Thuận, tôi thích trầm mình trong quán cà phê ven đường quốc lộ. Nhớ trước đây, xe đò chạy tuyến miền Tây hay ghé lại để nghỉ ngơi đón khách. Họ không thèm ghé những quán ăn to lớn ồn ào nóng nực, mà lại thích dừng lại ở khúc vô chừng như thế này để tào lao tán láo chuyện giang hồ bụi bặm. Nghe những lời không đầu không cuối của khách thập phương khiến đầu óc nhẹ tênh không màng suy nghĩ. Chỉ là những câu nói đong đầy giây phút trống không sau chặng đường mệt nhọc.
Mấy khi đi bằng xe honda thì tôi cũng bắt chước ghé vào quán xá, nằm khểnh trên chiếc võng bằng vải dù nặng mùi mồ hôi của vô vàn nhân thế, lắc lư nghe gió thổi mát rượi từ sông Tiền vuốt ve nỗi lòng viễn xứ. Ly cà phê ngọt lịm nưng nức mùi bắp rang, ngọt phù sa quyện trong mùi đường mía, ly trà đá cũng nghe phơn phớt bùn đất ngoài sông cái vỗ ầm ầm tận đâu xa lắc lơ. Tôi cứ ngỡ mình đang uống cả đất trời xứ sở.
Rồi thong dong về ngang Trường An, nghe ai tập tành ca bài vọng cổ trong tuồng Tuyệt tình ca của soạn giả Hà Triều và Ngọc Điệp. Lòng nức nở nghe “má con An” cảm thán nỗi buồn hương lửa khi nâng niu kỷ vật cũ của chồng còn hơi hướm ái ân hơn ngàn ngày về trước. Đây, bộ bà ba lụa lèo mà chồng tôi bận 20 năm về trước… Tấm mồ hôi của ảnh tới bây giờ... Chung thủy sắt son, dù phận nghèo hèn lẻ mọn, vẫn không tàn phai theo năm tháng binh biến dòng đời. Tôi dừng chân nơi đình Tân Ngãi để tấm lòng dịu nỗi xót xa, tưởng như câu vọng cổ bị đánh rơi xuống dòng Cái Cam chảy miệt mài tất bật.
Đi qua cầu Cái Cam thấy những chiếc ghe tam bản mắt đo đỏ ngắm về tương lai phía trước, chở đầy những viên gạch đỏ bừng một khúc sông. Viên gạch da lu được tôi luyện thêm mấy lần lửa, giống như bài học gian truân được đúc kết sau những mất mát phong ba của cuộc đời. Những chiếc ghe băng mình rẽ nước đi vào tương lai, chở đất bùn để xây dựng cõi trần gian, cho tôi hiểu rằng vững bền có khi khởi nguồn từ bao điều lao dịch.
Vừa qua đoạn đường trước khu quân đội thì chợt thèm chén chè bưởi bình dân. Vỏ bưởi năm roi trắng muốt, tựa tấm lòng chưa nếm cay đắng của năm 17 tuổi. Hạt đậu xanh bùi bùi mằn mặn, thấm đẫm nhọc nhằn của bùn đất phù sa. Bây giờ có khi nhớ quê quay quắt, ghé qua Gò Vấp ăn ly chè bưởi làn lạt, mới nhận ra mình lạc mất một niềm vui, lạc mất vị ngọt bùi tuổi ngây thơ mười mấy năm về trước.
Thuở ngây thơ tôi và em cứ đi hoài về muôn miền không tên tuổi. Chúng tôi đi ra cánh đồng trồng dưa lưới đầy ắp mộng mơ và biết rằng ước mơ có thể đến từ miền đất cát. Tôi và em bỡ ngỡ bước chân xuống bùn lầy, hít vào lòng mùi thơm thoang thoảng của những bông hoa màu vàng nhạt. Chúng tôi nghe tấm lòng đầm ấm tựa lúc hoàng hôn bình yên đang say đắm cùng mặt trời nằm cuối dòng Tiền Giang ngoài công viên Sông Tiền náo nức.
Tôi nhớ em hay hong tóc trên đoạn đường hoàng hôn ửng vàng mộng mị. Tôi đi bên em, hoàng hôn đi phía trước. Tháng ngày mơ mộng trôi đi khi tóc em mượt dài qua bờ vai mỏng mảnh. Em đi về thị xã, tôi đi tiếp chặng đường đời. Ngã ba đường chia biệt nỗi buồn vui. Có khi muốn về lại ngã ba lòng ly biệt, hy vọng rằng trên bùng binh còn rập rờn hoa chớm nở, để mình lén hái chùm hoa cúc hàm tiếu một góc trời. Tôi tặng em hết hai mùa mưa nắng, em gửi lại đời một hoài niệm bình yên. Ta lạc nhau rồi, nhưng Vĩnh Long vẫn thủy chung một mùa hoa cúc và mùa màng không tên của một thời yên ả.
Một đoạn đường làm xao xuyến trái tim. Nhớ con đường, thổn thức nhớ Vĩnh Long!

Mai Quốc Đạt
Thứ bảy 05/4/2014
Nguồn:VNExpress

2014/05/05


KHÔNG ĐỀ*

Mùa thu lá vàng rơi,
Bạn cũ cách xa rồi.
Ta như lá vàng úa,
Lìa cành sầu không nguôi.

Đông ơi sao rét thế ?
Buồn lặng mình ta thôi !
Lệ ngấn hay sương lạnh ?
Đời tan hợp mây trôi !

Nguyễn Phúc Hậu
May 5, 2014
*Từ BỐN MÙA của hồthịkimhoàn